Tôi đọc một bài viết trên blog của bạn Phá :
"Những giai đoạn của “tình cảm và lương tâm công chúng” sau một sự kiện bi thảm" - và nhận thấy đằng sau những nhận xét khá bao quát cho 1 hiện tượng-mà mỗi chúng ta đều có thể tự kiểm chứng được-đã chạm đến một câu hỏi rất khó cho mỗi người "Vậy với chính mình, chúng ta phải làm gì-trước những việc như vậy?". Mặc dầu tác giả chỉ tự hạn chế ở việc khảo sát 1 hiện tượng thuộc phạm trù hạ ý thức như 1 cái nhìn dửng dưng để hiểu và để vượt qua nhưng cũng đã đủ để thấy cái nhu cầu hiển nhiên của câu hỏi khó khăn trên kia. Bạn Phá đã khó nhọc để diễn đạt điều đó từ những dòng đầu tiên. Nói không quan tâm cũng không phải là không quan tâm. Nói không hưởng ứng với đám đông cũng không phải là không bị ảnh hưởng. Có lẽ cũng như đa số, dù là phản ứng như thế nào thì việc chúng ta viết ra cũng như là một nhu cầu thôi thúc từ bên trong, để giải phóng cho chính tâm trí của mình-trước một cái gì đó vừa bị chạm đến. Đây cũng là điểm tôi muốn bổ sung vào trong nhận xét của bạn Phá: điều đầu tiên, cái xảy ra ở giai đoạn 1 mà bạn đề cập là "kinh hoàng và sốc" theo tôi không hẳn chính xác. Nó, cái đầu tiên hiện diện trong tâm trí chúng ta hẳn là 1 cái gì đó như "bàng hoàng", một thứ tình thương vô ngã. Một khi có tác động của sự đối diện với sự hiện hữu (dù trong chốc lát) của một sinh tồn khác, ta không thể dửng dưng.
Tôi cũng đã thử đặt câu hỏi với bạn về câu trả lời cho việc nhìn vào chính mình kia nhưng thực ra là hỏi chơi thôi-một kiểu bẫy tuy là chả bẫy được :) -vì ai cũng hiểu câu hỏi đó nếu đeo đuổi đến tận cùng thì có lẽ nó là 1 cuộc truy đuổi vô tận. Vô tận vì khi chúng ta muốn vượt lên, thoát ra khỏi những bế tắc, mập mờ của đạo đức học hình thức là để vươn về phía của việc triển khai viên mãn cái lòng không nỡ mà ta vừa cảm nhận được trước sự cùng khốn của người khác tới toàn bộ kinh nghiệm sống của chúng ta.
Tất nhiên, câu chuyện chẳng vì như thế mà sáng tỏ hơn chút nào nếu đối chiếu với cái hệ quy chiếu mà ta vừa gợi lên ở trên kia. Trong hệ quy chiếu này, con người đi tìm một kinh nghiệm sống toàn thể, đi tìm một cái cơ sở vững chắc để không bao giờ còn hồ nghi khi hành động, để lý lẽ không phải là trò chơi chữ nguỵ tạo. Mọi chuyện mới chỉ là khởi đầu và những điều nhận xét trên đây của tôi chỉ là rút ra từ chương đầu của tiểu luận triết học "Xác lập cơ sở cho đạo đức" của Francois Jullien mà thôi. Bạn nào hứng thú có thể tham khảo để tự mình tìm lấy 1 chính kiến trước những cuộc tranh luận rối rắm về đạo đức thật và đạo đức giả đang um sùm đâu đó trên mạng. Ở đó, FJ có chỉ ra rằng: trong các chủ đề được tranh cãi quá nhiều của đạo đức, chỉ có kinh nghiệm là bảo đảm cuối cùng và là căn cứ để sàng lọc các lý lẽ. Nó là hòn đá thử vàng.
"Mạnh tử đưa ra 1 tình thế điển hình về lòng không nỡ: thấy 1 đứa trẻ con sắp té xuống giếng, ai cũng động lòng kinh sợ, thương xót, chạy bổ đến cứu đứa bé. Mà họ hành động như vậy "không phải vì tình giao kết với cha mẹ đứa trẻ mà muốn cho được thân thích hơn; cũng không phải vì muốn cho hàng xóm, bằng hữu khen tặng mình; lại cũng không phải vì tránh tiếng xấu là người bất nhân" (Đ.T.C. Mạnh tử.t.thượng.tr105). Những đặc điểm của lòng không nỡ trước sự bất hạnh của người khác là: không có sự tính toán, không có sự nghĩ ngợi nào và sự phản ứng có tính chất tự phát. Không có lợi lộc nào xen vào động cơ, hành động cứu trợ ở ngoài sự giám sát của ý chí. Một tình thế như vậy đáng được nêu lên làm tình thế mẫu. Nó phơi trần ra một các ứng xử tuyệt đối vô tư, trong đó cái cá nhân bị vượt qua: bất thần tôi không chủ động được nữa, tôi không làm chủ được những cứu cánh ích kỷ của mình được nữa; chính là bản thân sự sinh tồn, qua tôi, đương trỗi dậy vì người khác.".
Tôi chưa tìm lại được bài báo viết về người công nhân sau khi thoát chết hy hữu đã tự chui ra và lao vào cứu nạn những người khác. Cứu người nào gặp đầu tiên, bất kể việc người em trai cũng đang mất tích của mình. Đây cũng là một tình thế điển hình?
Nhưng chuyện thứ nhất còn chưa thể coi là tường minh thì chuyện thứ hai còn nan giải hơn-đó là câu chuyện của thời hiện đại, thời của internet.
Trong Mạnh Tử có dẫn chuyện vua Tề: một hôm vua đương ngồi trong đền bỗng thấy một người lôi một con bò qua cửa đền, con vật bị đưa đến nơi hiến tế, nó sẽ bị giết, đặng lấy máu làm lễ bôi chuông. Trước bộ dạng nhớn nhác của con vật, giống như một kẻ vô tội bị giải tới nơi nhục hình, nhà vua không nỡ, bèn ra lệnh thả nó ra. Viên quan hỏi: "Bỏ lệ lấy máu bôi chuông sao?" Vua trả lời: "Sao lại bỏ? Hãy đem con dê mà thế vào". Nhà vua bị chê là hà tiện, và chính nhà vua cũng biết cách xử sự của mình không ổn. Mạnh Tử chỉ ra điều mọi người chưa thấy: nhà vua đã đề nghị một cách vô tư thay con bò bằng con dê, chẳng qua là vì ông đã "nhìn thấy" vẻ xớn xác của con bò, còn con dê thì ông không "nhìn thấy". Đích thân ông được chứng kiến sự khủng khiếp của con bò: nó hiện ra đột xuất trước mắt ông, mà ông chả có một dự phòng nào cả; trong khi đó số phận của con dê ở ông chỉ là một ý niệm. Một ý niệm vô danh trừu tượng và do đó không có hiệu quả. (...) Phản ứng trực tiếp này của lòng không nỡ đủ để chứng tỏ tâm hướng đạo đức của ông.
Vấn đề của thời đại chúng ta là ở chỗ mọi con dê cũng đều hiển hiện trước mắt ta như những con bò cho dù sự việc cách ta cả nửa vòng trái đất. Cảm xúc của chúng ta có nguy cơ bị xói mòn dần theo thời gian. Xói mòn vì chúng ta chưa đeo đuổi được đến tận cùng kinh nghiệm sống cá nhân con đường đạo đức cổ xưa: đồng thời triển khai phản ứng không nỡ (không chịu đựng nổi) tới tất cả những gì ta vẫn nỡ (vẫn đành chịu) trước sự cùng khốn của con người/ cùng với đó là trước sự kiện ai cũng có "những điều mình chẳng làm" (tức là mình không thèm làm) đem triển khai, mở rộng ý thức chẳng chịu làm, không thèm làm tới những điều (đáng chê trách) mà mình vẫn cứ làm, đó là "nghĩa" vậy.
Tôi cũng chỉ là người bình thường và người bình thường có thể chọn giải pháp nguỵ tạo ví như chui vào giấc mơ của mình. Năm trước lúc xảy ra thảm họa sóng thần tôi đã bàng hoàng suy nghĩ về điều mình có thể làm gì. Tôi không minh bạch được. Đêm đó tôi mơ thấy mình tham gia cùng với bạn bè làm tình nguyện ở bên đó. Đi giữa những bạt ngàn xác chết đồng loại. Bỗng nhiêm một cơn sóng thần nữa xuất hiện và cái cảm nghĩ đầu tiên là đi tìm người thân của mình...
Phải chăng ở đây 1 lần nữa Freud lại đúng-rằng đạo đức thật đáng ngờ???
Hay là những vị Lạt-ma có thể điểm hoá cho ta đôi điều???
Rầu rĩ cũng phải cười
Geshe Langri Thangpa sống cách đây khoảng tám trăm năm tại Tây Tạng và là 1 Lạt-ma thông thái của trường phái Kadampa, đây là trường phái được đạo sư Ấn Độ A-đề-sa thành lập trước đó không lâu. Nguyên tắc của trường phái này là hết lòng phục vụ mọi người với lòng từ bi vô hạn, nhờ đó mà sự phân biệt giả tạo giữa "ta" và "người" một ngày nào đó sẽ tự biến mất.
Langri Thangpa cảm thấy trường phái này phù hợp với mình vì ông rất nhạy cảm và dễ dàng đặt mình vào tâm trạng của người khác, hầu như chính mình đang trong hoàn cảnh của người. Tuy nhiên cứ đặt mình vào cảnh khổ của người, ông càng buồn rầu theo. Lòng từ bi của ông lên cao độ đến nỗi ông rút vào núi để cầu nguyện, nhịn ăn và cảm nhận những gì chúng sinh đang đau khổ.
Bạn đồng tu khuyên ông: "Tất cả chỉ là một giấc mơ, giấc mơ này xuất hiện vì con người tự đồng hoá với một cái thân có sống, có chết, tại sao bạn lại quan tâm quá sức như thế".
"Không đáng buồn sao khi tất cả các loài hữu tình hàng ngày phải chịu cơn ác mộng đó", vị Lạt-ma Langri Thangpa tự nói. "Đời sống trong vòng sinh tử này khi lên khi xuống, giữa cái hy vọng được thoả nguyện và cái thất vọng cay đắng. Và tất cả nỗi khổ của cõi Ta-bà này là nỗi khổ của chính ta".
Ông được mệnh danh là "Người rầu rĩ thánh thiện". Ngày đó, ông trùm khăn trên đầu, như có tang và đi trong hành lang tu viện.
Nhiều tăng sĩ hỏi "Có ai chết chăng?". Ông lầu bầu trả lời "Nếu hỏi, có ai không chết chăng, xem ra thông minh hơn". Sau đó ông bỏ đi để tiếp tục thiền quán về cái khổ.
Lần khác, Langri Thangpa ngồi trước một cái bàn gỗ thấp, trên bàn đang có nhiều cơm. Ngửi có mùi thức ăn, một con chuột bò ra. Vị Lạt-ma đang trộn cơm với đá quí để làm Man-đa-la, đó là các đồ hình với ý nghĩa sâu kín mà ông thường dùng để thiền định.
Vị Lạt-ma ngồi yên lặng nên con chuột yên trí bò lên bàn. Con chuột ngửi nhằm một viên đá turkis và tìm cách kéo viên đá đi. Nhưng con chuột quá nhỏ mà viên đá khá lớn, lại dính chắc vào cơm nên không sao kéo ra nổi.
"Bạn thân mến", ông nói, "Cái viên xanh xanh đó không phải là pho mát đâu, nó là một viên đá không ăn được, bỏ nó đi". Thế nhưng con chuột đã kéo viên đá ra được 1 nửa, nhưng không mang theo được. Langri Thangpa nhìn con chuột với cách nhìn của hiền nhân từng trải: "Sự cố gắng vô vọng này làm ta nhớ đến cuộc tranh đấu của người đời với vật chất. Làm được gì đâu khi chuyển vật chất từ nơi này qua nơi khác. Tưởng rằng làm xong việc, nhưng cuối cùng lại đổ nát, hoàn toàn vô ích".
Vị Lạt-ma nghĩ đến đó thì con chuột biến mất và không thấy ra nữa. Ông đang tiếp tục hoàn thành Man-đà-la thì bỗng nhiên con chuột lại xuất hiện, lần này có thêm một con nữa. Hai con xúm nhau kéo viên đá ra khỏi đống cơm, một con kéo, một con đẩy, và cuối cùng chúng biến mất với chiến lợi phẩm.
Langri Thangpa cười to tiếng, từ nhiều năm nay ông mới cười. Tiếng cười của ông bất ngờ và đầy nhân hậu, mặt ông sáng lên như mặt trời vừa mọc.
Ông thốt lên thành tiếng: "Mong sao chúng sinh trong vũ trụ muốn gì được nấy".
-----------
Sư tử tuyết bờm xanh-Suyrya Das. Nguyễn Tường Bách dịch.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Thanks HN. Đúng là khi đặt vấn đề cái nhìn ra ngoài như vậy thì sẽ không tránh khỏi câu hỏi về cách ứng xử của mình sẽ thế nào. Vấn đề này mặc dù tớ có nghĩ đến, và (nghĩ là mình) hiểu được phản ứng của mình đang nằm ở đâu, nhưng vẫn chưa hoàn toàn hài lòng và thoải mái với cách ứng xử của mình. Sẽ cần phải suy nghĩ thêm trước khi chắc chắn. Cảm ơn những gợi ý của bác.
Trả lờiXóa:)
Trả lờiXóa