Tôi vốn không quen không biết bác 7x. Chỉ là duyên ngẫu nhĩ mà được xem mấy cái ảnh Người Điên ở Myanmar, ấn tượng với cái DUYÊN HỢP của bác nên lúc trước khi xin bác mấy cái ảnh là vốn định dùng cho bài viết như thế này. Nay xin đề tặng bác.
------------
Trần gian nay có lối
Đi về chẳng nguồn cơn
2 câu trên tự nhiên hiện ra trong óc khi nghĩ về BG sáng nay. Vốn dự định tìm đọc những kiến giải của ông về Thơ Ca 1 chút và làm rõ cái hiểu của mình về Thơ rồi mới khởi sự viết đôi dòng nhưng như vậy thì cứ lần khân mãi không bắt đầu được. Về Thơ mình có 1 liên hệ với cơ chế của tâm trí và vấn đề nhịp điệu-nhịp điệu chứ không phải là nhạc điệu hay vần điệu. Nghĩ đến đây mình nhớ đến câu chuyện trong "Một vài nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan" của BG kể lúc còn trẻ. Chàng tuổi trẻ trong buổi chiều đang xuống, đi một mình trên con đường sơn cước về phía xóm nghèo đang lên khói lam chiều. Dừng chân trước cổng nhà người chị gái, lắng nghe con trẻ đang vang giọng ngân nga đọc thơ BHTQ. Chàng hốt nhiên tỉnh mộng chợt nhận ra được cái hay của Thơ Ca. Trước chàng vẫn nghĩ rằng Thơ của BHTQ rằng hay thì thật là hay nhưng nghe ra trau chuốt quá không thật, không cận nhân tình. Nhưng ngay khi giọng trẻ đọc vang lên Lời thơ thì chàng hiểu-Thơ vốn dĩ phải được đọc lên...Mình lại nhớ đến lời bình của Hoài Thanh về bài "Hương Thời Gian" của Đoàn Phú Tứ-tưởng chừng thi nhân có thể đọc bài thơ của mình trước 1 đám đông mà không hề mất đi vẻ thanh tao duyên dáng ý nhị riêng tư của bài thơ. Và mình liên tưởng rất buồn cười rằng những bạn "làm thơ" cách tân mới đây đem những "bắc cặc, bú dái" vào thơ rất có thể các bạn chưa nghĩ ra sự tình này: rằng thơ vốn cần phải đọc to lên chứ không phải để nhìn. Các bạn trẻ, các bạn hãy đọc to lên nhé, trước đám đông càng tốt, như vậy dễ cảm thụ hơn.
Thường thì mọi người thích viết kiểu lập ngôn, trung tính phi bỉ phi ngã và coi đó như là một tiêu chuẩn để đánh giá giá trị của những gì mình phát biểu. Mình thì không được thế, mình luôn ý thức và thích kể lể cà kê rằng "tôi vốn thế này, nhân sự nhân việc này mà tôi thấy thế này thế kia". Nghĩ về BG mình cũng sẽ viết như thế thôi. Hôm nay chỉ ghi mấy dòng khỏi quên.
Có 2 đoạn thơ ngắn của BG mà rất nhiều người thích. Một là 2 câu
"Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau"
và 2 là bài"
"Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên. Rằng một, hai, ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm"
Người nào nhiều tình cảm thì thường thích 2 câu trên, người nào thiên về suy tưởng thì thích đoạn dưới. Ở đây mình nói trước về 2 câu đầu trên kia.
Nguyên lai đây là 2 câu thơ trong 1 bài thơ hoàn chỉnh trong tập Mưa nguồn thì phải. Nhưng mọi người thường chỉ nhớ 2 câu này và lặp lại hồn nhiên mà nhiều khi chỉ vì nó bắt đầu bằng "xin chào" và "con đường". Có người còn bẻ "miên trường" thì có nghĩa gì đâu? Và cái bắt bẻ này chia rẽ mọi sự theo 2 ngả. Nếu bảo "miên trường" là Hán hay Hán Việt thì nó đều vô nghĩa, có thể nó là từ mới của BG tạo ra-vậy thì không phải là điều hay trong Thơ ca.
Ngả kia thì không kể đến điều này. Họ chỉ cần mang máng rằng "miên trường" là cái miên man dằng dặc mà thôi. Tư tưởng, hình ảnh và cảm xúc lướt đi không dấu vết, không định kiến. Và 2 câu thơ như 1 con nước mát vừa chảy qua kẽ tay-trọn vẹn mà không đầy đủ. Liên tưởng của mình cũng đơn giản: chỉ là 2 người đi ngược chiều nhau trên con đường độc đạo thăm thẳm; trong 1 ngõ hẹp họ gặp nhau. Họ đi ngang qua nhau và mỉm cười hồ hởi thân tình. Cái cười dìu dịu như đã gạn lọc đi nhiều đầy vơi. Ngang qua rồi đi tiếp. Mang mang. Cái hàm ý rằng nhân sinh thì mang mang thiên cổ sầu, miên man dằng dặc không biết đầu cuối ra răng, níu kéo ra răng; rằng sống như là bước đi, phải đi trên con đường rằng ngay cả cái chết cũng không đáng kể thì nhiều người cảm nhận được. Nhưng cái oái oăm của hiện tồn khi nhảy qua dòng suối thì ít người cảm nhận đủ. Đó là khi người ta đã ngậm cười mà lựa chọn mà nuôi dưỡng cái màu mắt môi Mùa Xuân ở phía trước như là cái cũng đang ngang qua-ngang qua chứ không phải là cái ảo ảnh mơ hồ giả dối của Hy Vọng (xin bạn coi thêm tiểu luận về khổ ải của Syphus của Anbe Camuy-về cái lẽ sống của người không Hy Vọng và không Chết). Đây không phải là hoán đổi hay đối lập. Ở đây là sự đồng nhất và đồng thời trong lúc đó-bây giờ và ở đây.
Nhưng lẽ đời thăm thẳm khôn khuây. 1 ông Syphus hì hục lăn đá dưới Âm Ti thì còn đẹp, vậy chứ 2 ông, 3 ông Syphus-Phusys thì phải ăn nói ra răng, chào hỏi ra răng???
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Không sao, cứ nói nữa đi bác. Lâu rồi chưa được đọc gì mà hứng thú như thế này :)
Trả lờiXóaVầng, lại chờ một nguồn cơn nào đó vậy...
Trả lờiXóa