Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

Entry for February 16, 2009




Bửu Chỉ-Ký hoạ 1974

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009

Bài thơ "Du Long môn Phụng tiên tự" của Đỗ Phủ

Làm được 1 tý là lại muốn chơi. Nhớ đến bài thơ "Du Long Môn Phụng Tiên Tự" của Đỗ Phủ bèn lục lọi mò mẫm 1 hồi. Nguyên biết được bài này là từ cuốn "Đường vòng và lối vào" của F.J có trích lời bình về bài này mà mình thấy đồng cảm. Nhưng người dịch không dẫn nguyên bản, lại trích dịch theo ngữ cảnh nên thiếu mất 2 câu luận. Bản dịch thế này:

Bài "Đi chơi ở chùa Phụng Tiên"

Đã đi chơi đất Phật
Lại đến nghỉ cửa chùa
Gió vang reo khe mát
Trăng rừng dọi bóng thưa
...
...
Muốn nghe tiếng chuông sớm
Để hiểu lẽ sâu xa.




Cái mình đồng cảm là cái tứ trống vắng, đã qua, rời xa nhưng di âm còn mãi trong tâm thức. Đặc biệt là cách tạo ra độ chênh của văn bản trong tương quan giữa nội dung bài thơ và cái tên của nó.

Khi muốn tìm nốt 2 câu luận thì không sao tìm được bản dịch tiếng Việt nào. Chữ Hán thì mình không biết, chỉ thỉnh thoảng mày mò tra từ điển Thiều Chửu nên đánh bạo nhờ bác Đông A tìm và giảng giúp. Một phát ra ngay như thế này:

Du Long môn Phụng Tiên tự-Đỗ Phủ

Dĩ tòng chiêu đề du
Cánh túc chiêu đề cảnh
Âm hác sanh hư lại
Nguyệt lâm tán thanh ảnh
Thiên khuyết tượng vĩ bức
Vân ngoạ y thường lãnh
Dục giác văn thần chung
Linh nhân phát thâm tỉnh.




Bác Đông A có giảng qua về 2 câu 5-6 nhưng mình vẫn chưa thấy rõ ý. Sau nghi nghi mới tìm thông tin về Phụng Tiên Tự. Hoá ra là danh thắng hang đá Long Môn ở Lạc Dương và chùa Phụng Tiên là chùa hang lớn nhất có pho tượng Phật Lư Sá cao 17m rất đẹp từ thời Đường-thời ông Phủ. Tra lại từ điển thì mới hiểu câu "Thiên khuyết tượng vĩ bức" thì chữ "khuyết" là cái cửa-Long Môn là chỗ 2 vách núi dựng đứng 2 bên bờ con sông Doãn Hà làm thành hình thế như cái then cửa. Và tiếp theo câu "Vân ngoạ y thường lãnh" là trỏ vào các bức tượng Phật khổng lồ trên vách đá. Xem giảng chữ trong từ điển thì chữ "vĩ" để trỏ mọi đường ngang mà chữ "ngoạ" thì phàm cái gì nằm ngang đều gọi là "ngoạ". (Các chữ này có nhiều đồng âm, dòm mãi mới ra chữ nào nghĩa nào, toét cả mắt).

Và như vậy cả bài thơ là bố cục chạy đi chạy lại giữa hiện tại-quá khứ. Từ tên bài thơ đến những câu mở đầu đều có vị nhàn nhạt, xa vắng. Hai cặp 3-4 và 5-6 thật đối chọi nhau: nếu 2 câu trên trỏ cái không khí, cái khoảnh khắc hé lộ của hư không khi chạm vào những thứ cũng hư hao là ánh trăng rừng thì 2 câu dưới không nói rõ mà gợi đủ cái cảnh 1 con người đơn độc lẳng lặng đứng trước cổng trời hùng vĩ trong ánh trăng đêm quyện mây lạnh. Sương khói lạnh áo ai?

Haizz...hay cho chữ "muốn":

Dục giác văn thần chung
Linh nhân phát thâm tỉnh.




Là buổi sáng hôm đó hay tàn đêm hôm nay?


Muốn nghe tiếng chuông sớm
Để hiểu lẽ sâu xa.





-Hôm nay, giờ này thì thực ra đã hôm qua, là Nguyên Tiêu-

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2009

Bên cạnh đúng-sai






-----------------
Suy nghĩ bất chợt về nghệ thuật



Nghệ thuật, cốt yếu ở chỗ tái tạo cảm xúc và bắt đầu từ cảm tính. Không hẳn ý nghĩa đến sau mà có vẻ nó đến trong nhập nhằng. Khi xem 1 vũ công khiêu vũ trên băng thì cảm hứng mỹ cảm đến trước hết với tôi. Nhưng cũng có thể vì tôi chưa am hiểu và có kinh nghiệm về kỹ thuật của bộ môn này. Lại là nói về sự đào luyện. Rõ ràng những người có kinh nghiệm luyện tập trong 1 bộ môn nào đó sẽ thường có khả năng cảm nhận tinh tế hơn về bộ môn đó. Phải chăng ngay cả xúc cảm thẩm mỹ cũng chỉ quy về việc "tập và quen" trong 1 ngữ cảnh văn hoá nhất định?

"Mọi sự miêu tả cảm tính bất kỳ một vật thể sống hay hiện tượng nào từ giác độ trạng thái cuối cùng của nó, hay là dưới ánh sáng của thế giới tương lai, sẽ là tác phẩm nghệ thuật.” - Soloviev.





Dụng học của tri thức tự sự


Dưới hình thức 1 Báo cáo thẩm định nhưng sự thực thì cuốn "La condition Postmodern"/Hoàn cảnh hậu hiện đại-của F.L có tính chất như 1 đề cương lớn cho những ai muốn tìm hiểu những điều ông đã thực sự phát biểu trong những dòng giản lược. Nhưng hễ có thân phận con người thì thảy đều có quyền triết lý (K.Jasper), cuốn sách vạch ra những khía cạnh căn bản của 1 tổng thể tri thức thời đại (1979).

F.L tiếp cận vấn đề bằng k/n "các trò chơi ngôn ngữ" (ngữ dụng học, Wittgenstein hậu kỳ-theo BVNS) và nếu chấp nhận sự tiếp cận này thì sẽ đi cùng ông đến các khái niệm về "tri thức tự sự", "tri thức khoa học", "phát ngôn sở thị", "nhận thức"...Theo cách này tôi thấy rõ ràng hơn khi nhìn lại câu chuyện về "học lệch" rất phổ biến ở VN (mà trong 1 entry của chị HY có đề cập đến-trong câu chuyện với con trai). Bản thân tôi cũng có những kinh nghiệm khá sâu sắc với chuyện này. Từ hồi cấp 1, các giáo viên trường tôi luôn vận động các học sinh khá giỏi rằng "học năng khiếu là học lệch".

Bệnh thành tích của GD địa phương đã sáng tạo ra những giải pháp chiết trung tiện lợi: chúng tôi thường tham gia "thi hộ"-"thi cùng" với các đội tuyển của trường NK. Coi như là học sinh của cả 2 trường. Càng học lên thì tâm lý "môn chính-môn phụ" càng nặng nề. Lễ, Tết theo đó cũng có nặng nhẹ khác nhau. Còn nhớ năm lớp 7, cô giáo Sinh và thầy giáo Hoạ có phê phán công khai chúng tôi trước lớp về tâm lý này. Ông thầy có nói 1 câu "sau này ra đời chưa chắc các em sẽ sống bằng kiến thức Văn, Toán. Rất có thể là Nhạc, Hoạ. Lúc đó hãy kiểm nghiệm lại lời tôi.". Điều này kể cũng có tác dụng phản tỉnh và cuộc sống về sau cũng cho những phản tỉnh thường xuyên.

Nhưng có 1 điều canh cánh mơ hồ thường trực là cảm giác hình như câu chuyện có cái gì đó lệch dòng, chệch choạc khi tri thức được phân chia thành các ngăn riêng rẽ. Sau này lại thấy thêm 1 cái gì đó chệch choạc hơn nữa khi mọi thứ (chủ yếu ở VN) đều tìm cách hợp thức hoá bằng mấy chữ "có tính khoa học". Ngay cả các ngành nhân văn cũng tìm cách "khoa học hoá" bộ môn của mình. Xa hơn nữa thì là câu chuyện lược quy chân lý vào Logic hình thức. Định lý bất toàn của Kurt Godel trong Toán học thường được viện dẫn trong nhiều diễn ngôn phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong mục 6 "Dụng học của tri thức tự sự", Lyotard phân biệt các khái niệm "nhận thức", "tri thức", "khoa học" đồng thời bàn về các hệ tiêu chí khác nhau. Theo L, "tri thức không đồng nhất với khoa học, đặc biệt dưới dạng hiện nay của nó" và "tri thức nói chung không quy về khoa học và thậm chí về nhận thức". Để hiểu rõ điều này cần nắm được cách định nghĩa của Aristote về "sở thị": "Mọi lời nói đều biểu thị cái gì đó, nhưng không phải mọi lời nói đều là sở thị. Chỉ là sở thị cái mà có thể nói về nó là đúng hay sai. Nhưng, điều này không phải bao giờ cũng làm được: chẳng hạn lời cầu nguyện là một lời nói nhưng nó không đúng không sai" (Péri herménèias; 4,17a)-(dẫn theo sách).

Nhận thức, do vậy, được giới hạn bằng tiêu chí "có thể qui về đúng sai". Khoa học là tập con của nhận thức. Nó kèm theo 2 tiêu chí là đối tượng mà chúng phản ánh phải dễ đệ qui, và do đó, phải ở trong hoàn cảnh được quan sát rõ ràng; hai là có khả năng quyết định mỗi phát ngôn này là thuộc về hay không thuộc về 1 ngôn ngữ mà giới chuyên gia cho là thích đáng.

Nhưng tri thức thì dù tất nhiên là phát ngôn sở thị nhưng nó được trộn lẫn vào những ý tưởng về tri thức-làm, tri thức-nghe, tri thức-sống...Nó vượt ra ngoài việc xác định và áp dụng tiêu chí chân lý duy nhất. Còn có những tiêu chí về tính hiệu quả (nhân tiện-Bàn về tính hiệu quả; F.Jullien), sự công bằng (Xác lập cơ sở cho đạo đức-F.J) và/hay hạnh phúc, vẻ đẹp của âm thanh/màu sắc..."Tri thức là cái làm cho ai đó có năng lực nói ra được những phát ngôn sở thị "hay", cũng như phát ngôn mệnh lệnh hay lượng định "tốt"->Tri thức cho phép thu được những thành tựu "tốt" về nhiều đối tượng của diễn ngôn: để hiểu biết, quyết định, đánh giá, thay đổi...

Đặc điểm chính yếu của tri thức, do đó, vẫn theo F.L: nó trùng với 1 sự "đào luyện" bao trùm nhiều thẩm quyền: nó là hình thức duy nhất được hiện thân trong một chủ thể, và chủ thể này là 1 tập hợp gồm nhiều loại thẩm quyền khác nhau cấu tạo nên nó. (sdd, tr105)
-------------



Phản tư
Khi xuôi chiều nhận thức thì không có vấn đề gì, nhưng tôi thường có cảm giác truyền thống tư tưởng Phương Tây không thể tách khỏi ảnh hưởng của cái tinh thần "Lời làm nên xác thịt" trong Cựu Ước. "Khởi đầu là Lời.".

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2009

Mặc khí và sự chuyển biến trong thư pháp của Tesshù

Sự chuyển biến của thư pháp Thiết Chu và mặc khí tương ứng. Mặc khí được chụp phóng gấp 50.000 lần từ cùng 1 vị trí của các chữ ký trên các bức thư pháp.
(Theo cuốn Thư pháp&Thiền-Nguyễn Bá Hoàn)



Image Hosted by ImageShack.us

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2009

Sự phản tỉnh

(...) Sự phản tỉnh (reflexivity)-một sự ăn năn hậu hiện đại điển hình, cái giá phải trả cho thói kiêu ngạo đầy vẻ học giả của chủ nghĩa hiện đại.

Phản tỉnh không đơn giản chỉ có nghĩa là "suy ngẫm về" (to reflect on, một việc thường đến muộn, có khi quá muộn, khi mọi sự đã rồi), mà còn là ý thức phê phán tức thời về một việc người ta đang làm, đang nghĩ hay đang viết. Tuy nhiên, bởi người ta không thể làm bất cứ việc gì một cách ngây thơ trong một thời đại đã đánh mất sự ngây thơ như thời đại chúng ta, sự phản tỉnh có thể dễ dàng biến thành tự ý thức mang tính mỉa mai châm biếm, sự trâng tráo chua cay, hay tính đạo đức giả phải đạo về chính trị.

(Nhập môn Chủ nghĩa Hậu hiện đại-R.Appignanesi, C. Gattat, Z. Sardar, P. Curry-Trần Tiễn Cao Đăng dịch, BVNS chú giải, tr73)
------------

Hôm trước lúc viết về tâm thức phản tỉnh trong từng ý niệm, tôi không nghĩ đến đoạn này mà xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân. Nhưng có vẻ rõ ràng là ý thức tự trào chua cay-sự tha hoá của tinh thần phản tỉnh-đã trở thành hiện tượng phổ quát chung của thời đại.

1 ví dụ nhỏ: ở thời bây giờ nếu chàng trai nói "Anh yêu em suốt đời" thì cô gái sẽ rất có thể nói "Trong bao lâu?"! Thế đấy, bây giờ nếu chàng diễn viên mà đưa tay lên mũi ngửi và nói "Đây là mùi hương tuyệt diệu của nàng" thì khán giả sẽ cười ồ lên dù ai cũng biết là chàng đã để quên bông hoa hồng đạo cụ ;)

-------------
P/s: Bạn Lê comment giả nhời nội dung entry trước thế này:

Những nhận định của Tung H đều đúng, phù hợp với bố cục tâm lý của bạn.

Không có thứ tính thơ tuyệt đối. Chỉ có tính thơ tương đối cho từng bố cục tâm lý.

Phê bình thơ không phải để hay, và chưa chắc đã đúng :)

Thực là ngón phím nhanh nhẹn. Comment hay!

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2009

Hữu bằng tự viễn phương lai...




...bất diệc lạc hồ?

Ngày Tết lên, có internet, mở máy ra run run bóc từng cái comment với lại message mà như sống lại cái thời mở phong bao lì xì. Ai bảo "nhi lập" rồi thì không thích lì xì nhỉ :P

Xin cảm ơn sự ghé thăm của tất cả các bạn. Trân trọng accept 4 bạn mới. Chỉ riêng sự kiện có bạn để private only mà vẫn invite đủ biết các bạn quý mình đến thế nào mới ra mặt ;) Còn bạn Moonie thì mình cũng có để blog của bạn trong FL nhưng vì chốn anh tài hội tụ ra vào nhiều quá nên mình chỉ dám mon men đứng xem thui ^^

Bạn Đạn Húng đừng nghĩ oan cho mình tội nghiệp. Làm hot bogger thì phải "kiến ngãi bất vi", còn mình thì viết theo cảm hứng, sức đâu mà cao vọng :D Chỉ là thay đổi cách viết cho có nhiều comment thôi.

Bạn azecna thân, tôi đã thử tìm bức thư pháp bạn nói nhưng không thấy trong những cuốn sách mà tôi có-kể cả cuốn Ikkiyu Sojun (Nhất Hưu Tông Thuần)-Cuồng Vân Thiền sư. Năm 1480 trong cuốn Nghệ thuật Zen chỉ có 1 bức nhất cú cũng rất đẹp bằng Hán tự.

Bác Đông A thì em xin chúc Tết bác bằng việc tiếp tục cái ý bác nêu ra trong entry sau với hình minh hoạ-thiết nghĩ như vậy là vừa vặn nhất :D

Chị HY thì như thường lệ, mỗi entry em đều nghĩ là chị có ghé thăm :)

Bây giờ để chúc Tết chung cho mọi người, xin tạm gửi các bạn bè bốn chữ Nhất (Ichi) tuyệt mỹ. Các bạn muốn cái gì Nhất thì tự vận vào cho mình-đảm bảo có nhiều khước đấy.

Để đảm bảo tính trung thực của cảm xúc, mình sẽ để những lời bình về bốn chữ Ichi này trong phần comment. Các bạn xem chán rồi hãy đọc nhé.

Thân mến.

P/s: link dowload ảnh lớn:
http://img89.imageshack.us/my.php?image=ichick8.jpg

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2009

"Phố vô lý" và "Chiều vô nghĩa" của Trần Dần

Tiện tay nhấc comment về thơ Trần Dần bên blog bạn Lê về đây vì trót viết dài, với lại để bớt hình trên giao diện entry blog. Thật lòng cụ này mình không tâm đắc nhiều nhưng không hiểu sao lại rất thích bài thơ 1 câu sau:

Mỗi người
------------thăm thẳm
-------------------------một
------------------------------chiêm bao.

=========

Phố vô lý

Hai chân chọ chẹ
Vườn hoa vô lý
Cặp đùi vô ý
Ngôi sao vô vị
Phố dài vô lễ
Chiều xanh vô nghĩa ...
Ôi chao! Thu rồi! ... Bất tử
Đại - lộ - thi - sĩ
Sương sa lia lịa
Hành trình

Chiều Vô Nghĩa

Gió thổi qua tay
Lạnh cây Bàng bé
Chiều thu cổ lỗ sĩ
Công viên đông chí
Sương sa cà khịa
Cho tôi một ngày chức năng vô lý!
Để tôi ngồi vô nghĩa nhất
Vô tri...


Đọc bài "Phố vô lý", mình thấy tất cả đều liên tục, không hề gián đoạn. Điểm quán xuyến toàn bộ là cảm thức xao xuyến, bất an đi cùng với tâm thế suy tư, phản tỉnh. Đi-trên 1 con phố-đáng ra phải đến 1 đích nào đó như phàm lệ. Nhưng khi đi chỉ để đi và dội lại trong tâm thức sự tư lự về Con Đường thì rời rạc nhắc nhở liên lỉ, trần trụi nhắc nhớ cao xanh. Hoài vọng tuyệt đối-bất tử. Nhưng cũng chỉ là Đi mà thôi. Ảnh hưởng của tinh thần tượng trưng vẫn còn nhiều nhưng tiết chế và tinh tế hơn. Cái thêm vào theo mình chính là sự trung thực với tâm thế-cảm xúc khi mà sự phản tỉnh, cái nhìn theo-rõi từng ý niệm, có hơi hướng "giễu nhại" riết róng theo từng nếp mòn tiềm tàng của tư tưởng-điều mà sẽ phát triển hơn trong bài Chiều Vô Nghĩa. Câu "Đại-lộ-thi-sĩ" nếu bỏ đi các dấu gạch sẽ nhẹ hều! Những dấu gạch tích tụ lại những vang vọng của từng ý niệm ngổn ngang từ cái vô cùng. View cuối hơi thu lại ở cái tượng trưng độc hành trong sương táp. Từ "lia lịa" láy lại cái tương quan thực tại-lý tưởng-phản tỉnh, làm cân bằng cả đoạn cuối để không bị hút vào cái đơn nghĩa về Tuyệt đối.

Chữ "Thu rồi" quả có gợi lại tính chu kỳ nhưng trong 1 tâm thế riết róng với chính sự bất an thì mình nghĩ tính chu kỳ không phải là cảm hứng chủ đạo của bài thơ-nhà thơ-này. Từng từ, từng hình ảnh, ý niệm đều dội vọng cặp đôi tâm thức bất an-hoài vọng vĩnh cửu nên tính chu kỳ trong thơ TD gần như không cần nói vì đã có rồi!


Bài "Chiều Vô Nghĩa" là sự tiếp nối cái tâm thức xếp lớp bộ 3 thực tại-siêu hình-phản tỉnh ở trên đã nói (cái siêu hình đôi khi gần như trùng nấp sau cái thực tại có tính tượng trưng). Có điều mặc dù đã có 1 thực tại cụ thể "Gió thổi qua tay " để mở đầu và ý niệm "Vô tri" để giải toả cho sự đơn điệu 1 chiều chung của cả bài nhưng ở đây khác với Lê, mình chỉ thấy toàn bài là 1 sự xoay sở mỏi mệt với thực tại và lý tưởng của tác giả. Chữ "vô tri" thậm chí còn phản lại dụng ý xoay sở của tác giả-nó chỉ đem lại cho mình cảm giác trơ cứng, vật vạ. Bảo là tác giả dụng tâm tái tạo lại trong người đọc cảm xúc của mình thì đúng là ông thành công. Nhưng điểm chung của cả 2 bài thơ này làm mình không thích lắm chính là gờn gợn cái cảm giác đối diện với 1 con người mệt mỏi với chính mình trong quyết liệt. Cái thiêu thiếu của tính thơ-như thông thường-điều làm cho những bài thơ của TD có nguy cơ giống những bức hoạ hoặc những băng ghi âm chính là sự hé lộ cho thấy sự thoát vượt của tinh thần nội tâm TD-trong khi về mặt kỹ thuật quả thực có những nỗ lực rất ghê gớm.

Nhưng cũng phải nói, điều làm cho bài "Phố vô lý" thơ hơn bài sau (theo mình thôi) chính vì nó hình thức gần với thể Hứng trong thơ cổ (Kinh Thi). Mặc dù sự liên tục trong logic cảm xúc làm cho nó có bản chất gần với thể Tỷ nhưng chính sự đứt đoạn hình thức làm nó giống thể Hứng-khi mà cảnh có vẻ không ăn nhập với tình. Bảo mới thì Kinh Thi cũng có cái mới ấy. Cho nên mình không hứng thú lắm với những khái quát quá to lớn về những thứ như thơ chẳng hạn. Bình về 1 bài thơ tốt nhất hãy hoạ lại 1 bài-hoặc 1 cái gì đó như thơ.

Phê bình thơ có cái gì đó "đúng nhưng mà không hay" :P