Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2007

Một ngày đẹp trời




Hôm nay là 1 ngày đẹp trời so với quãng thời gian vừa rồi. Bầu trời như thế nào nhỉ? Cái bầu trời mà bạn thân thiết của tớ ngồi sau xe cứ lẩm nhẩm "trong xanh" mấy lị "trong sáng" mãi mà không tìm ra từ để tả í. Để tớ tả cho này: đó là một ngày nhiều mây, không, không phải mây, khắp thinh không giăng giăng một quầng xám nhạt. Nếu nhiều hơi nước hơn nữa sẽ gọi là mù sương. Gió heo may dè dặt chạm nhẹ vào da người. Người cứ xuôi đi theo dòng xe, thư thả và khoan khoái vì thinh không mật thiết đến không ngờ. Ngày rộng rãi quá, không biết đi về phía nào. Trong vô thức ta đi về phía mù sương. Ta tìm 1 gương nước soi bóng những ngày xưa cũ. Gương nước Tây Hồ.

...

Chiều về ghé hàng sách cũ đầu phố, mua được:

- 2 cuốn sách học ngoại ngữ
- Xác lập cơ sở cho đạo đức-FJ, bản xb năm 2001
- Những làng nghề truyền thống VN
- Quy hoạch du lịch
- Mông Phụ-một làng ở đồng bằng sông Hồng.

Cuốn cuối là 1 tài liệu rất hay để nghiên cứu về làng truyền thống VN (mà không bị sa vào mấy trò khái quát văn hoá học rất dấm dớ hiện nay) do Viện Đông Nam Á và Thế Giới Nam Đảo, LASEMA, Trung tâm QG Nghiên cứu KH Pháp-CNSR và Viện Dân Tộc Học, Trung tâm KHXHNVQG VN hợp tác trong chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học về các biến đổi làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ, thực hiện vào khoảng những năm 90-91.

Cuốn sách gồm 4 phần. Phần dẫn nhập "Một thoáng lịch sử" giới thiệu khái quát, đáng chú ý có bài viết "Từ tổng đến xã..." của Nguyễn Tùng, giới thiệu cấu trúc làng xã truyền thống xưa, sự biến đổi sau 1945 và tác động của nó gây ra sự đảo lộn về địa vực và hành chính trong khoảng 4 thập niên "tất cả các quyền lực-chính trị, kinh tế cho đến văn hoá, quân sự - đều nằm ở mức độ xã, thường có diện tích nhỏ hơn 1 tổng nhưng có dân số tương đương; các làng nằm bên trong xã (mới) mất đi hầu hết các cơ cấu và sinh hoạt truyền thống.". Nhưng Mông Phụ lại phát triển ngược lại.

Phần thứ 2: Xã hội, gồm tập hợp bài viết về tổ chức xã hội và chính trị của làng xã, gia đình và hệ thống thân tộc.

Phần 3 nghiên cứu về Không Gian. Và phần cuối về Tài nguyên và Khai thác tài nguyên.

Mông Phụ như 1 ngôi làng Việt cổ vùng bán sơn địa có vị trí so với châu thổ sông Hồng thì có thể ví như nằm ở đỉnh của 1 tam giác. Vùng này nổi tiếng về 2 vị vua là Phùng Hưng và Ngô Quyền, nhưng được nhắc đến nhiều nữa 1 phần vì sự tích đi sứ của Giang Văn Minh (1573-1638), gắn với câu đối "Đằng giang tự cổ huyết do hồng-Bạch Đằng từ trước huyết còn tươi" đối lại vế đối của vua Minh "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục-đồng trụ đến nay rêu đã phủ". Trong sách dẫn ra 1 luận điểm đáng chú ý cho là đây là sản phẩm kiểu giai thoại hình thành cùng kiểu với các cuộc tranh luận ăn nói với TQ (Mạc Đĩnh Chi, Trạng Lợn, Trạng Quỳnh...) có lẽ hình thành vào nửa đầu thế kỷ XIX. Luận chứng đưa ra là ĐVSKTT tuy có ghi việc đi sứ của GVM nhưng không nói đến cái chết của ông. Đại Việt Lịch triều Đăng Khoa Lục-ĐVLTĐKL, được soạn xong khoảng năm 1779, có nhắc đến cái chết nhưng lại không nói rõ nguyên do. Sự việc chỉ được ghi lại chính thức lần đầu trong Đại Nam nhất thống chí.

Chưa đọc cuốn Thần và Người đất Việt của TĐCT nên ko biết có liên quan gì không nhưng mình rất nghi cái hiện tượng phổ biến các Thành Hoàng là bộ tướng của Hai Bà cũng như 1 loạt các thần tích sự tích khác. Trước đây trong 1 bài viết của GS Hà Văn Tấn có cho thấy Văn bản học vẫn là 1 ngành còn mới ở VN hiện nay. Ngay như ĐVSKTT thì cũng sao đi sao lại, chỉnh lý qua tay bao nhiêu người. Cứ cho là dẫn đến tận thời Trần thì những sự việc chép về thời Lý đổ lên cũng rất đáng ngờ, ít nhất không thể tin hoàn toàn được. Hẳn là những việc thời Đinh-Lê khúc xạ qua lăng kính quyền lợi của Lý triều đã hoàn toàn không còn chính xác hay chính bản thân quyền lợi của họ Trần cũng sẽ ảnh hưởng đến việc ghi nhận hình ảnh họ Lý. Bản thân sử gia có thể nghiêm túc nhưng quan trọng là sử gia sử dụng tư liệu loại gì, huống hồ từ thời Lý Thái Tổ đến khi có cuốn sử được biết đến đầu tiên đã khoảng 200 năm rồi. Thời ngày nay, những chuyện 200 năm trước còn mơ hồ nữa là 800 năm trước đây!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét