Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2007

Đôi nét về ca trù 1




Tìm thấy bài viết của bạn home_nguoikechuyen trên ttvnol khá công phu và đầy đủ về ca trù, back up lại đây để tìm hiểu và tán dần.

------------


Đôi nét về ca trù

Trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, không một thể loại âm nhạc nào có tính đa diện như ca trù. Ca trù thuộc về loại thính phòng tức là loại nhạc trong đó một số nhỏ diễn viên đàn ca cho một số nhỏ thính giả nghe, trong một gian phòng tương đối nhỏ.

Nguồc gốc, tên gọi và ý nghĩa:

Ca trù hay ban đầu gọi là hát ả đào có từ thời Lý. Thuở ấy những người đi hát được gọi là con hát, hay chữ Hán gọi là xướng nhi, hoặc ca nữ.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên thì đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có người ca nương tên là Đào Thị giỏi nghề ca hát, thường được nhà vua ban thưởng. Người thời bấy giờ ngưỡng mộ danh tiếng của Đào Thị nên phàm con hát đều gọi là Đào nương.

Còn theo sách Công dư tiệp ký (trang 78) viết “Cuối đời nhà Hồ (1400-1407) có người ca nương họ Đào, quê ở làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, lập mưu giết được nhiều binh sĩ nhà Minh, cứu cho khắp vùng yên ổn. Khi nàng chết dân làng nhớ thương lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn ả đào. Về sau những người làm nghề ca hát như nàng đều gọi là ả đào”.

Sang đến thời Hồng Đức (1470-1497) thì ca trù được phát triển mạnh. Thời đó vua sai các quan kê cứu âm nhạc nước Tàu, hợp vào âm điệu nước nhà rồi đặt ra hai bộ Đồng văn, chuyên tập âm luật, và Nhã Nhạc chuyên luyện nhân thanh.

Âm nhạc và ca khúc đời Hồng Đức có:

1.Cung Hoàng chung
2.Cung Nam
3.Cung Bắc
4.Bát đoạn cẩm
5.Đại thực
6.Dương Kiều
7.Âm Kiều
8.Hà bắc
9.Hà nam
10.Thiết nhạc
11.Đàn lẩy (nẩy)
12.Hát tầng

(So sánh âm luật đời Hồng Đức với lối hát ca trù ngày nay, ta nhận thấy trong 12 lối kể trên chỉ còn 5 lối lưu truyền lại là Cung Bắc, Đại thực, Hát tầng (nay gọi là Xướng tầng), Thiết nhạc, Hà nam. Riêng lối Hà nam người ta phỏng theo đó mà đặt ra điệu hát nói).

Ngoài tên gọi hát ả đào, ca trù ( trù ở đây là cái thẻ tre ghi các mức tiền ứng với các thẻ, dùng để thưởng ả đào thay cho tiền mặt. Khi hát, quan viên thị lễ chia ngồi hai bên, một bên đánh chiêng (cồng) và một bên đánh trống. Chỗ nào ả đào hát hay, bên trống thưởng một tiếng chát, bên chiêng đánh một tiếng chiêng rồi thưởng cho một cái trù. Đến sáng đào kép cứ theo trù thưởng mà tính tiền) loại hình nghệ thuật này còn có các tên gọi khác nữa là hát cửa quyền, hát cửa đình, hát nhà trò, hát nhà tơ, hát cô đầu, hát ca công…Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu về các tên gọi khác đó.

Hát cửa quyền: Là hình thức sinh hoạt nghệ thuật Ca trù trong các nghi thức của cung đình thời phong kiến. Theo Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tuỳ Bút có viết : Hát Ca trù đời nhà Lê ở trong cung gọi là Hát cửa quyền. Triều đình cắt cử hẳn một chức quan để phụ trách phần lễ nhạc trong cung, gọi là quan Thái thường. Hát cửa quyền được dùng vào các dịp khánh tiết của hoàng cung.

Hát cửa đình: Đây là hình thức sinh hoạt Ca trù phục vụ cho nghi thức tế lễ thần thánh ở các đình hay đền làng. Trên thực tế, người ta còn mượn không gian đình đền để tổ chức hát Ca trù với mục đích giải trí đơn thuần. Song, hát tế lễ vẫn được coi trọng hơn với cả một trình thức diễn xướng tổng hợp kéo dài. Bởi vậy, thuật ngữ Hát cửa đình vẫn được sử dụng với hàm ý chỉ loại âm nhạc Ca trù mang chức năng nghi lễ tín ngưỡng nơi đình (đền) làng.

Hát nhà trò: Trong trình thức Hát cửa đình, bên cạnh âm nhạc bao giờ cũng có sự kết hợp của nghệ thuật múa và một số trò diễn mang tính sân khấu. Người ta gọi đó là "bỏ bộ". Ả đào miệng hát tay múa uốn éo lên xuống, làm điệu bộ người điên, người say rượu, người đi săn... Vì vừa hát vừa làm trò nên gọi là Hát nhà trò. Cách gọi này phổ biến ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Như vậy, Hát nhà trò cũng là thuật ngữ xuất phát từ hình thức phục vụ nghi lễ, tín ngưỡng.

Hát nhà tơ: So với các tên gọi khác của nghệ thuật Ca trù, Hát nhà tơ là một thuật ngữ ít phổ biến. Theo Việt Nam ca trù biên khảo thì thời xưa, “dân chúng ít khi tìm ả đào về nhà hát chơi, chỉ các quan khi yến tiệc trong dinh hay trong ty (tơ - ngày xưa dinh Tuần phủ gọi là Phiên ty, dinh án sát gọi là Niết ty) mới tìm ả đào tới hát. Vì thế hát ả đào còn được gọi là Hát nhà tơ, nghĩa là hát ở trong ty quan”.

Hát cô đầu: Theo Việt Nam ca trù biên khảo, chữ ả nghĩa là cô, ả đào nghĩa là cô đào. “Những ả đào danh ca dạy con em thành nghề, mỗi khi đi hát đình đám, bọn con em phải trích ra một món tiền để cung dưỡng thầy gọi là tiền Đầu. Sau người ta dùng tiếng cô thay tiếng ả cho rõ ràng, và tiếng đầu thay tiếng đào để tỏ ý tán tụng bậc danh ca lão luyện đã dạy nhiều con em thành tài và được tặng nhiều món tiền đầu nên gọi là Cô đầu”.

Hát ca công: Theo Vũ Trung Tùy Bút thì cho đến cuối thời Lê, ca công là danh từ được dùng để chỉ các nghệ sĩ chốn giáo phường. Theo đó, Hát ca công hàm ý là âm nhạc giáo phường.

Những lối hát ca trù:

Ca trù chia ra làm 3 lối hát chính:
1. Hát chơi
2. Hát cửa đình
3. Hát thi

Hát chơi là lối hát tổ chức tại nhà quan viên, hay nhà ả đào để quan viên thưởng thức. Về hát chơi, ả đào phải hát khuôn hơi diệu vợi, thường hát những bài tả tình, tả cảnh, thuật hoài, đều ngụ ý phóng khoáng, phong lưu, tình tứ.

Hát cửa đình là lối hát thờ thần. Hát cửa đình phải đúng thể cách, những cũng có khi hát đơn giản, câm hơi cho được lâu như là hát lót. Hát cửa đình thường hát những bài về sử, về kinh truyện và sự tích danh nhân, ngoài những khúc hát do đào hát còn có những khúc do kép hát và vũ bộ.

Hát thi là lối hát để khảo sát tài năng của đào kép. Hát thi gồm những khúc hát chúc tụng vua chúa, thần và dân, lại gồm đủ các khúc trong ca trù mà đào kép đều phải hát.

Các thể ca trù, kể cả hát chơi, hát cửa đình, và hát thi gồm có:
1. Bắc phản
2. Mưỡu
3. Hát nói
4. Gửi thư
5. Đọc thơ, Thổng, Dồn
6. Đọc phú
7. Chừ khi
8. Hát ru
9. Nhịp ba cung bắc
10. Tỳ ba
11. Kể truyện
12. Hãm
13. Ngâm vọng
14. Xẩm cô đầu
15. Ả phiền
16. Giáo trống
17. Giáo hương
18. Dâng hương
19. Thiết nhạc
20. Hát giai
21. Đại thạch
22. Bỏ bộ (vũ)
23. Múa bài bông (vũ)
24. Chúc hỗ
25. Múa tứ linh
26. Ca đàn
27. Thơ cách
28. Hát giai câu một
29. Giáo thơ phòng
30. Thơ phòng
31. Hà liễu câu một
32. Trở tay ba
33. Chúc tam thanh
34. Hà nam câu một
35. Dóng chinh phu
36. Dựng huỳnh
37. Ngâm sang hát giai
38. Xướng tầng
39. Ngâm phú
40. Màn đầu hát gái
41. Mã thượng kiều
42. Hát sử và Dã sử
43. Màn đầu hát truyện
44. Phản huỳnh
45. Non mai
46. Hồng hạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét