Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2007

Đầu thềm hoa nắng reo...




"Tàn đêm, có đom đóm bay ở mé đồng xa..."



.....

Ngày tớ mới biết nói, chừng đâu 3 tuổi, buổi chiều ngồi đầu hè khu tập thể nhìn ra cánh đồng thấy có đàn trâu đi ngang qua ở phía xa xa, hình như đã gọi to lên rằng "Anh chăn trâu ơi, đừng ngồi lên lưng trâu như thế, bẹp bụng trâu mất...". Mọi người cười lăn cười bò còn tớ thì đương nhiên là không hiểu gì rồi. Bây giờ lớn, biết nói cũng khá lâu nhưng nhiều lúc vẫn ngập ngừng, không biết mình có hiểu đúng không...
.....




Lần đầu gặp cậu bạn sau này khá thân thiết, tớ đột nhiên bảo "Thấy tính anh hay, muốn rủ đi uống rượu". Lần đầu gặp em, tớ cũng đơn giản chìa tay ra "Tớ là T, chào bạn". Có lần đi nhậu với bạn ở Hồng Hạc Quán, say tuý luý nhìn sang bàn bên cạnh thấy vui bèn mò sang "Thấy
các anh khoái hoạt quá, xin mời một chén cho vui...". Vỗ bàn vỗ ghế hát hò, loạng quạng ra về, giờ ký ức chỉ còn thoảng qua mơ hồ như vệt khói loang...




Có lần tớ lẩm nhẩm tính xem trong cuộc đời mỗi người bình thường sẽ "biết" được bao nhiêu người. Tính đủ các kiểu rồi thì con người quảng giao và dễ kết bạn như tớ cũng chỉ tối đa "biết" được vài chục nghìn người (ăn gian rất nhiều rồi). Đừng nói thế giới hơn 6 tỷ người, chỉ nói nước Việt Nam hơn 80 triệu cũng đã mênh mông ngợp mắt rồi! Nói gì người đời trước, nói gì người đời sau. Tớ lại nhớ cái cảm giác năm 11 tuổi đọc cuốn "Thiên văn học giải trí" của Nga có cái hình minh hoạ khái niệm vũ trụ vô biên của người Hy Lạp cổ đại. Nếu có một cái biên, nếu cứ cho là anh đi được đến cái biên đó, với thêm một tầm tay, vũ trụ lại rộng thêm một tầm với...Rất ấm ức và khó chịu vì mình thì hữu hạn mà trời đất lại vô biên. Rất khó chịu.
.....



Trước có lần tính vui với bạn rằng mình bây giờ có khoảng 1000 cuốn sách. Nếu mỗi ngày đọc 1 cuốn cũng phải mất 3 năm. Nếu mỗi tuần 1 cuốn thì mất 20 năm. Trong khi sách của mình thì phần nhiều đọc 1 cuốn cả đời không chắc đã hiểu. Bạn mới chia sẻ rằng "Đọc sách tuỳ theo nhân cảnh, hứng thú cũng có cái hay. Đôi khi buồn buồn, có tâm sự thì tìm đến thơ. Hay gặp đêm trăng sáng, gió hiu hiu...pha ấm chè, châm điếu thuốc rồi cầm quyển thơ cũng thú.



Đời sống thường ngày thi thoảng gặp truyện không vui, cũng nhiều khi cư xử hay hành động không biết có hợp nhân tình không? lại cầm quyển sách loại học làm người để vững tâm, làm chỗ nương tựa tinh thần. Vì đến độ tuổi này ta chỉ có hai người thầy: sách và bạn.




Đôi khi cảm thấy áp lực cuộc sống hiện đại làm ta mất cân bằng, cần có những trang sách viết về cuộc sống, để thấy cuộc sống của tiền nhân như thế nào. Thú hưởng nhàn của tiền nhân như thế nào...



Cần tra cứu những tài liệu gì thì có những loại sách chuyên môn. Như vậy quan trọng nhất là phân loại sách và cấp độ".



Ý của bạn rất hay nhưng tớ còn có điều vi tế chưa nói rõ được lúc đấy. Bởi vì, chuyện có thể dài mãi mãi...Chuyện kể rằng một ngày kia tớ nhận thấy,
biết được sống là như con chó đứng trước vạc dầu sôi, bỏ đi không đành, liếm vào bỏng lưỡi. Biết là hiểu là một chuyện, biết là một chuyện khác. Từ đó tớ hoang mang cực độ. Không biết bấu víu vào đâu cả. Trong lúc đó bỗng gặp một giấc mơ kỳ lạ. Những suy nghĩ thật vô ngã và thẳng thắn. Từ đó tớ biết rằng hiểu bản thân cũng rất khó khăn và vô tận. Tớ bắt đầu tìm hiểu về Phân tâm học để hiểu chính mình. Việc nọ xọ việc kia, tớ lan man đi tìm bất cứ thứ gì khả dĩ nói cho tớ rõ về con người. Vượt qua và coi thường bất cứ thứ văn chương nào. Chỉ chọn đọc "sách của người đạt đạo" - cho nó lành. Việc đọc trở thành một điều gì đó thiết thân và thúc bách chứ không phải để giải trí - trí có làm gì mấy đâu mà giải. Lang thang mãi và kiệt quệ dần trong mê lộ. Chỉ biết 1 điều: Đời có thể vô nghĩa, nhưng vẫn có thể có 1 MỤC ĐÍCH. Tớ cũng đã đọc và biết về những tâm cảnh mê lầm khác nhau của con người. Cũng đủ thấm thía câu "Đạo cao một thước ma cao một trượng" là như thế nào. Giữa lúc đó tớ tình cờ đọc nhiều sách của cụ Nguyễn Hiến Lê. Tớ cảm động trước sự thẳng thắn và giản dị ở cụ. Thấy rõ mình đã thiếu những cẩn trọng từ_đầu như thế nào của kinh_nghiệm. Và tớ lặng lẽ trở lại từ những điều giản đơn nhất. Gạt bỏ tâm lăng xăng biện bác nông sâu. Cũng hơn lúc nào hết biết ơn cụ Nguyễn Duy Cần khi đọc được cuốn "Cái Dũng của Thánh nhân" sau bao lâu phóng túng bởi cái niệm "tướng do tâm sinh, tướng tuỳ tâm diệt". Đó cũng là duyên do vì đâu tớ chọn nick là HẠO NHIÊN. Nguyên lai tớ bị ám ảnh cái tinh thần lẫm lẫm của Mạnh Tử từ chữ ấy. Tớ vốn trước sau vẫn không thích Mạnh Tử như Thầy Khổng nhưng lúc đấy tớ biết tớ cần nương vào cái "bất động tâm" của Mạnh Tử mà ngồi dậy. Nhưng hồi đó khi đọc NHL tớ cũng đã ghi vào sổ tay điều này:

"Những người thành công đều biết cách chia thời gian của mình thành những kế hoạch cho những hành động cụ thể. Nhưng người ta chỉ có thể chia được những cái hữu hạn, những cái cụ thể. Khi người ta nhìn cuộc đời là cái vô thường bất hoặc thì chia làm sao đây?


Người ta cứ mải đi tìm "ý nghĩa" của cuộc đời, đến nỗi nếu bị sự "vô nghĩa" ám ảnh thì đó là địa ngục. Tạm bỏ qua việc có hay không cái ý nghĩa ấy; chỉ xét riêng vấn đề là "từ đâu, khi nào, con người lại nảy sinh nhu cầu tra xét vấn đề này? Hậu cảnh nào cho nó?


Không hẳn là cảm nghiệm mơ hồ về sự đau đớn dằn vặt do ly cách nữa, mà là con người bình thường phải_có 1 sự ly cách, 1 sự giãn ra xa để mà - 1 cách ảo tưởng - xoa dịu cảm nghiệm cô độc. Họ phải có 1 phần khác, thuộc về họ, mà không trong tầm tay họ để mà tin rằng họ "có mối liên hệ" với ngoại giới.


Người tự học có một vấn nạn là luôn luôn không biết bao nhiêu là đủ, để mà có thể phân phó thành kế hoạch; thành ra luôn luôn nghèo đói bên cạnh một gia tài!"




Năm trước nói chuyện với thằng em trai, nó cũng bảo "em thấy anh rất hiểu biết nhiều điều nhưng tại sao em luôn có cảm giác anh cứ chung chung không thể cụ thể được. Em là dân kỹ thuật, với em mọi cái phải là những projet cụ thể và em luôn biết là có thể đạt đến được...". Hờ hờ, chả biết nói sao nữa.
...

Tớ xem lại ngày thành công dân mạng "29 Oct 2005" vậy là được khoảng 1 năm rưỡi. Đủ để biết thêm nhiều điều và có thêm đôi ba người bạn. Nhưng net dễ làm người ta nghiện ngập, sa vào những thứ ăn xổi, vội vàng. Chỉ nội triệu chứng này là cũng đáng phải cai rồi: ngày nào cũng muốn xem xem "có gì mới không"! Chỉ vậy thôi, lăng xăng thật. Điều gì tớ cũng thử qua rồi, chỉ còn ngồi xuống và yên lặng nhìn bản tâm mình là chưa làm đến nơi đến chốn thôi. Nên hôm nay quyết định sẽ cai net. Thỉnh thoảng vào thăm bạn bè để tiện liên lạc. Hết.
...



"Bạn cấp 2" - tin là nói ra mấy từ này nhiều bạn đồng cảm. Bạn cấp 2 là bạn không cần hiểu nhau mấy nhưng rất tin tưởng nhau, thứ tin tưởng tuyệt đối chỉ có trong tuổi thiếu nhi của mỗi người. Tớ cũng có 1 nhóm bạn như vậy. Chỉ để độ mỗi tháng 1 lần, rủ nhau đi nhậu, xong rồi vào phòng karaoke tranh giành mic hát như rồ dại. Tớ cũng biết đấy là chứng "khổ dâm tinh thần" của người hiện đại nhưng tớ kệ. Khi tớ kệ được nhiều khi tớ hát cũng hay...phết. Kinh nghiệm là: hãy cố giành lấy mic để đỡ phải nghe đứa khác nó tra tấn mình. Phần cuối của đêm bao giờ cũng là một trận sát phạt đỏ đen đến sáng...để chia tiền. Mỗi sớm mai đến như vậy, tớ lại lo rằng bạn tớ có đọc được "Cái Dũng của Thánh nhân" của cụ Nguyễn Duy Cần chưa để biết rằng đừng nên như thế?





"Muốn lên chỗ cao, phải khởi từ chỗ thấp. Muốn được một tinh thần bất uý, điềm đạm như các bực Thánh nhân, trước hết phải biết những nguyên nhân khiến lòng ta hay chao động, sợ sệt... Sợ, không phải là một chứng bịnh nan y. Phải có chí, và kiên tâm thì làm gì không đạt được ý nguyện."







Con mắt thứ 3 của tớ thấy rằng lũ chúng tớ những lúc ấy hệt như 1 đám đom đóm bay lập loè ở mé đồng xa lúc tàn đêm...Lập loè.
....







Ai hát ngoài song đó
Đầu thềm hoa nắng reo...

Tàn đêm, có đom đóm bay ở mé đồng xa...


Visitor Map
Create your own visitor map!

Vừa khéo entry thứ 99 này để hoàn tất loạt bài viết về Tết Trùng Cửu vừa rồi. Như đã nói từ đầu, tớ viết entry này như thể trả bài cho câu hỏi "ý bác là thế nào?" thôi chứ không vì cảm xúc nào dâng trào cả :( Nhưng có nhiều điều thường khi viết ra mới là khi suy nghĩ đến và nghĩ ra cái gì đó - nên cũng không thể nói ở đây là tuỳ tiện viết được. Bây giờ lục lại vài ý kiến ngẫu nhĩ của bạn net đây đó làm duyên cớ đưa đẩy cái coi.

http://www.yxine.com/forum/forum.php?action=showmsg&box_id=1&msg_id=2546

Ý kiến của bạn phandienanh khá bao quát:

Trong ba phim cổ trang của Trương Nghệ Mưu thì Hoàng Kim Giáp xem ra là hay nhất - vừa không quá khó hiểu kiểu Anh Hùng, lại không có đơn giản như Thập diện mai phục. Nhưng Anh Hùng có thể bật lên xem đi xem lại màn đánh nhau cho sướng mắt, Thập diện mai phục có thể tua tới tua lui xem Tiên nữ dẫn đường, còn Hoàng Kim Giáp xem xong thẫn thờ, nhưng rồi không muốn xem lại vì không muốn lòng nặng trĩu.


Hoàng Kim Giáp dựa theo tứ truyện Lôi vũ của Tào Ngu, kể về sự băng hoại của một gia đình. Trương Nghệ Mưu chỉ mượn tứ, còn câu chuyện của Hoàng Kim Giáp đáng sợ hơn ở một tầm rộng hơn. Nó không chỉ dừng ở câu chuyện một gia đình mà rộng hơn là câu chuyện của một quốc gia, với những âm mưu nham hiểm, thâm độc, ghê tởm của mỗi con người trong bi kịch đó. Đây kẻ gian hùng giết người tình vì đại nghiệp, đây chồng đầu độc vợ mỗi ngày với thú vui chứng kiến vợ mình chết dần mòn trong đau đớn, đây vợ thông dâm với con trai riêng của chồng, kích động con trai mình giết cha đoạt ngôi, đây anh trai quan hệ ái ân với em gái, đây con trai phản cha, giết anh... Trương Nghệ Mưu khắc hoạ hết những mưu đồ toan tính đáng sợ của mỗi con người, để trong sự náo loạn đấy thấy được tấn bi kịch của từng số phận, mà trong đó là bi kịch của hoàng tử hai phân vân giữa tình mẫu tử và lòng trung kiên, của hoàng tử nhất giằng xé giữa sự quỳ luỵ hèn mọn với ham muốn được yêu.


Nếu xem Hoàng Kim Giáp trong tổng thể của ba phim mà Trương Nghê Mưu đã từng làm càng thấy sức sáng tạo đáng nể của ông. Không phim nào giống phim nào về phong cách dàn dựng, phong cách kể chuyện, phong cách võ thuật và phong cách màu sắc. Phim Anh Hùng sử dụng đơn sắc, mỗi màu mang phép ẩn dụ cho một triết lý, một câu chuyện, thì Thập diện mai phục sử dụng phép phối ba màu trong một cảnh để kể câu chuyện của ba con người, và Hoàng Kim Giáp thì sặc sỡ phù phiếm như chính sự rối bời của một gia đình, một triều đình mục nát. Phim nào cũng khoác vẻ bề ngoài màu sắc giải trí, xem võ thuật múa may rất đặc trưng văn hoá Trung Hoa, nhưng phía sau lại là ám chỉ chính trị. Anh Hùng tôn vinh chủ nghĩa hùng bá của Trung Hoa, còn Hoàng Kim Giáp với cảnh triệu hoa vàng ở trước Tử Cấm Thành bị giày xéo đẫm máu, ngay sau đó là đại tiệc Trùng Dương như thể chưa từng có gì xảy ra khiến gợi nhớ đến vụ thảm sát ở nơi đây năm 1989.


Báo chí Trung Hoa cứ ngày đêm chê bai phim của Trương Nghệ Mưu, nhưng càng đọc càn thấy nực cười. Một mặt phê bình rằng phim của Trương Nghệ Mưu không còn nghệ thuật như trước, mặc khác bảo rằng Trương nghệ Mưu làm phim cho Hllywood bỏ quên khán giả trong nước, trong khi phim thương mại của ông thì ăn khách, phim nghệ thuật thì lại chẳng được đoái hoài. Thực tế những phim mà báo chí ngày nay ca tụng rồi tiếc rẻ mà ngày xưa họ Trương làm đích thị là làm cho Tây vì phim chỉ toàn chiếu ở các Liên Hoan Phim quốc tế chứ nào được chiếu ở bản xứ vì bị cấm đoán. Ngay cả Việt Nam ngày xưa cũng có cho chiếu Phải Sống đâu, mãi đến khi Trung Quốc cho chiếu thì Việt Nam lúc đó mới gật đầu để phim này được trình chiếu rộng rãi.


Và vẫn nhấn mạnh lại lần nữa: Hoàng Kim Giáp cho thấy nội lực của Trương Nghệ Mưu rất đáng sợ. Nhất là so với Trần Khải Ca chỉ mới làm một Vô Cực mà đã đuối như con cái chuối.



Mình rất thích cái ý cho rằng "Phim nào cũng khoác vẻ bề ngoài màu sắc giải trí, xem võ thuật múa may rất đặc trưng văn hoá Trung Hoa, nhưng phía sau lại là ám chỉ chính trị" tuy nhiên mình cho rằng điều đặc sắc nhất của bạn này là đã nhìn ra rằng "Mãn Thành Đái Tận Hoàng Kim Giáp" không phải là phim làm cho Tây xem mà là phim làm cho Trung Quốc xem! Điều này cũng phần nào giải thích ý kiến của các bạn khác:


merrimy:
Mình không thích xem film này, bởi vì nó cho mình cái cảm giác không chân thực, đó là cảm giác : hoàn hảo. Đúng là để ý 1 tí các bạn sẽ cảm nhận được cái cảm giác như thế, quần áo, cung điện, đài các, quân đội...tất cả đều toát lên 1 cái vẻ gọi là hoàn hảo. Quần áo tất cả đều dát vàng, không một tì vết, quân đội đi đều tăm tắp, đội phục dịch cũng đều tăm tắp..Nói chung đây giống 1 vở kịch hơn là 1 bộ phim. Chả để lại trong lòng người xem 1 cảm xúc gì..

SowrdFish:
Một bộ phim làm lại từ kịch bản Lôi Vũ. Về hiệu quả hình ảnh và âm thanh thì không còn gì để nói vì Trương nghệ Mưu đã là một bậc thầy thật sự. Nhưng theo riêng tôi, đạo diễn Trương đã phần nào thất bại về mặt kịch bản. Quan điểm của tôi :

1. So với kịch bản gốc Lôi Vũ, quan hệ giữa đương kim hoàng hậu (Củng Lợi) và thái tử là khiên cưỡng vì khoảng cách tuổi tác. Hoàng hậu đã có con là hoàng tử Zai tuổi chắc cũng gần bằng thái tử.

2.Cựu hoàng hậu bỏ trốn và làm vợ thái y mà vua và mọi người không biết, chuyện đó chỉ có thể xảy ra đối với một gia đình hào phú chứ không thể đối với một hoàng triều.

3.Tuyến nhân vật chính 5 người gồm vua, hoàng hậu và 3 vị hoàng tử và đường dây xung đột quá rõ ràng ngay từ đầu, không hề có thêm sự đột biến hay nút thắt nào, là quá it cho một kịch bản phim hoành tráng. Điều đó chỉ phù hợp với một vở kịch. Các nhân vật phụ chỉ là những bóng mờ.

4.Tâm lý của vị hoàng hậu là không thể hiểu nổi khi biết trước âm mưu có thể bị thất bại nhưng vẫn đẩy hoàng tử Zai con mình vào chỗ chết.

5.Điều cuối cùng, các cảnh quay hoành tráng chỉ đem lại hiệu quả về thưởng thức thị giác, nó không hề đem lại kịch tính hay cao trào để bổ sung vào nội dung vốn đã đơn giản của phim.

Có lẽ vì lẽ đó mà đã có một luồng dư luận phê bình về sự thất bại của phim này ngay tại Trung Quốc.


Các ý kiến của các bạn này đều nhận thấy "phim gì mà kịch quá"...Kịch thật, vì các bạn có thể nhận ra những yếu tố của kinh kịch theo liệt kê ở trên của các bạn ấy; từ tuyến nhân vật (thì đương nhiên do chép lại từ một vở kịch), đến cái tính ước lệ đều tăm tắp, cái màu sắc huy hoàng quá lố...Nhưng câu hỏi mà tớ gặp phải ở đây là "tại sao một đạo diễn bậc thầy như họ Trương lại để yếu tố kịch nó nổi cộm lên một cách phô như vậy?". Mà tớ thì chưa bao giờ dễ dãi chê bai người khác cả nên tớ ngờ rằng nó có nguyên cớ. Tớ lại ít định kiến nghệ thuật nên tớ đồ rằng hẳn "đại biện nhược chuyết" trong việc này có gì xảo diệu đây. Theo lệ, tớ lần lại từ gốc rễ vấn đề "nói với ai" và tớ thấy đích thị đây là bộ phim dành cho những tâm hồn Trung Hoa xem. Nói tâm hồn Trung Hoa để kể thêm những tri âm từ bên ngoài Trung Quốc có thể hoà điệu với một tác phẩm thấm đẫm tinh thần post-modern đến vậy.



Tất cả đều là kịch! Kịch hết ráo. Kịch từ thủ pháp tạo hình, cắt dán bố cục màu sắc, phông nền. Các bạn để ý đến các chi tiết màu sắc của phục trang các nhân vật hay các tuyến nhân vật phụ như các đội quân...chúng đều có dụng ý cả. Ví dụ như quân của Hoàng đế có 2 loại: một đội mật vụ áo đen và đội quân xung sát cuối phim giáp trắng. Màu trắng là màu gì vậy cà? Kịch cả trong thời điểm và bối cảnh của phim: tại sao thường là đời Hậu Đường (hình như Thập diện mai phục cũng lấy bối cảnh Hậu Đường hay Đường Mạt gì đấy)? Là tớ đồ rằng thời loạn lạc đó vô hại - các triều đại đó của giống Sa Đà, chả liên hệ gì với Đại Hán vinh quang cả. Mà nó lại là sự kéo dài của Trung Hoa rực rỡ thời Đường - người Trung Hoa cận đại vẫn tự gọi mình là những "Đường nhân". Vậy đấy, thật giản tiện để "kể chuyện non nước mình"!



Nhưng tuồng hay vẫn chưa dừng ở đấy. Có bạn bỉ bai nhiều về tính chân thực của yếu tố lịch sử. Có bạn biện hộ thay là đấy là phim truyền kỳ, cần gì chính xác. Hay cho câu "cần gì chính xác" này! Đây chính là dụng ý của Trương tiên sinh: tất cả là phiếm chỉ. Một tinh thần hậu hiện đại chính cống: phục trang rực rỡ huy hoàng, ngực trần phơi phới, những mái tóc "hận trời cao" (lời 1 bạn net), những kiểu móng tay giả của Thanh triều, kiểu ninja Nhật bản trong cung...nhưng trên hết có 1 chi tiết ít bạn hiền để ý: đấy là bối cảnh cung đình này được dùng chính Tử Cấm Thành của những triều đại cuối cùng (Minh, Thanh). Tức là bất xá lịch sử rồi. Ngây ngô đến mấy cũng phải biết thời Hậu Đường thì làm sao lại bê nguyên xi cái Tử Cấm Thành vào được? Kệ, ông cứ bê vào đấy. Trong bài "Xênh xang 1 cõi" viết về TDMP tớ đã nói đến cái phi không gian, phi thời gian của bối cảnh một lần, ở đây cũng thế: một sự phiếm chỉ, một tinh thần trào lộng cao độ. Tớ cá rằng, lúc cậu hoạ sỹ phục trang hỏi ý kiến đạo diễn, anh đạo diễn vỗ vai bảo "được đấy, nhưng anh thích chú cứ phiêu đi cho anh, ngực trễ xuống, tóc bới lên, thêm móng vuốt vào...thế, thế...cho nó phê..như con tê tê...". Ai cũng dễ nhận thấy phim này màu vàng được dùng quá độ, mất cả hài hoà và 1 tiết tấu uyển chuyển tối thiểu. Ngực trần cũng quá độ. Ngực trần làm tớ nhớ đến những nhận xét của Richard Appignanesi - Chris Gattat trong cuốn "Nhập môn Chủ nghĩa Hậu Hiện Đại" về nghệ thuật toàn trị dưới thời Stalin và Đức quốc xã trong thập niên 1930 - "Một sự pha trộn giữa thứ khiêu dâm nhẹ nhàng ngọt ngào với chủ nghĩa hiện thực anh hùng đã trở thành tín điều".


Giữa những la ó khúc khích của người xem, là cái cười tủm tỉm lom dom của bộ phim về tất cả mọi thứ. Quá độ thì đã sao? Lố bịch thì đã sao? Chệch choạc thì đã sao? Đạo mạo mà lố bịch. Phim mà kịch. Kịch mà phim. Tất cả diễn ra để kể về một ngày đặc biệt, tấn trò đời gói gọn trong một đêm - đêm Trùng Cửu, ngày của Lão Dương. Thôi, đã trượt đi mất rồi những ý tưởng phân tích bình luận về những tuồng "trung, nghĩa, hiếu đễ..", những điểm canh đều đặn...mất rồi. Bây giờ chỉ nhớ hình ảnh toàn thành những kẻ mặc áo giáp vàng bị dồn nén đến bất lực, vô vọng trước mũi xe tăng. Phải, những tấm khiên thép cao ngất với những lỗ hổng để chọc mũi giáo nhọn cứ từ từ nghiến nát xương thịt con người giáp vàng ấy không gọi là xe tăng thì gọi là gì? Thời khắc lặng lẽ, khi đoàn thái giám áo xanh kéo lê những xác chết lấm máu đi để tẩy rửa tất cả, bôi xoá tất cả...là thời khắc im lặng đáng kể nhất của phim.



Nhưng hoàng tử Nguyên Kiệt không chết lúc đó. Từ đầu đến giờ tớ có một điểm ngờ ngợ. Đó là hình như trong phim vắng bóng cái cao cả. Có, cũng có đấy nhưng nó không được khắc hoạ thành chủ điểm chính, không có mục đích đặt làm đối trọng với cái ác, cái tầm thường, cái đen tối. Nếu bảo là có thì chính là bởi chi tiết cái chết của Nguyên Kiệt - anh ta lựa chọn, lựa chọn cái chết; sau khi nói với Hoàng Đế rằng điều anh ta làm không phải vì quyền lực (cho dù sẽ đến thời của anh ta - anh ta là tuổi trẻ, là kẻ sẽ kế thừa của Hoàng Đế tất cả). Anh ta làm phản kháng là vì MẸ. Tớ không biết người Trung Hoa có gọi Tổ Quốc là Đất Mẹ như người Việt ta không, nhưng quả thực trong phim tớ thấy ở đây có gì đó không ổn. Nếu đơn thuần là Nguyên Kiệt sẽ được sắp xếp để chết, tự chết sau khi đã phản kháng vì MẸ, thì tại sao lại không có sự chuẩn bị nào cho cao trào này? Theo lý thì đáng nhẽ phải khắc hoạ đến cao độ cái tình mẹ con, cái tâm lý bi thiết cho kịch tính này chứ? Đằng này, tớ thấy trong cái chi tiết anh ta chọn cái Chết vì MẸ ấy có cái gì đó không_thoả_đáng. Chỉ cảm thấy vậy mà không chỉ ra được. Nên cảm giác xót thương đáng ra sẽ đến lạ cứ bị pha trộn thế nào ấy! Còn MẸ của anh ta thì chả biết sẽ thế nào - chỉ biết sẽ phản kháng và có thể chết.



Hết phim. Hết phim mà chả thấy xúc động gì. Chỉ nhoè nhoẹt là xủng xoảng phèng la. Chỉ thấy có cái gì đó không đáng, không thoả khi nhiều người chết đến vậy thôi. "Mãn Thành Đái Tận Hoàng Kim Giáp" - mãi mãi chỉ là giấc mơ ngông cuồng của những anh học trò thi hỏng mà thôi...





Cái tựa đề "Tàn đêm, có đom đóm bay ở mé đồng xa" này tớ vốn định dùng để viết phần vĩ thanh nhưng bây giờ...tàn hứng rồi nên thôi để lại đấy đã. Coi như loạt bài này còn nợ một phần nữa - cho tròn 100.

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2007

Thu cúc xuân lan ninh dị địa. Thanh phong minh nguyệt bổn đồng thiên




"Thu cúc xuân lan ninh dị địa
Thanh phong minh nguyệt bổn đồng thiên
"

(hoa cúc nở mùa thu, hoa lan nở mùa xuân là do thời tiết, chứ không phải do nơi đất đai khác nhau . Gió mát trăng thanh vốn cùng ở trong một bầu trời)


Hai câu thơ trên là của Triệu Chương Tuyền đời Tống (Luận Thi). Cuối loạt bài này tớ sẽ cẩn trọng ghi chú những link đã sử dụng không các bạn hiền lại nhầm tưởng tở bác cổ thông kim đến vậy :D Ở đây có cái ý này để nói: là thực ra con người ta vốn dĩ rất thích gán cho sự vật trong tự nhiên những ý nghĩa, khiến nó phải trở thành 1 biểu tượng và dần dà trở nên chỉ còn biết yêu cái biểu tượng đó mà lãng quên bản thân sự vật. Hoa cúc cũng chỉ là một loài hoa nở vào mùa thu (ở tàu, giờ HN bán đầy), tức là thích ứng với THỜI TIẾT thôi. Nhưng người ta đã gán cho nó rất nhều ý nghĩa rất hay. Nói chung chả vấn đề gì. Vì làm sao tách bạch và cố định mọi sự được. Hễ tách bạch là cằn cỗi ngay. Có điều xin cứ nói nguyên cả cụm "Hoa Cúc, biểu tượng của...bala...bala..." cho nó được minh định. Hình như người phương Tây gọi 1 thứ hoa như vậy là Daisy (theo em Cúc Hoa) và có nghĩa là 'mắt của ngày". Vài người thì cho nó là biểu tượng của tang tóc và rất kiêng kỵ trong việc tặng nhau thứ hoa này. Cũng tại vì họ Cúc có rất nhiều loại và mọi điều chưa hẳn đã mâu thuẫn nhau. Nhưng với thứ hoa cúc đại đoá vàng rực có hương thanh tao nở vào mùa thu kia thì đích thị là thứ hoa cúc của người Trung Hoa xưa rồi. Và, chính con người đã lồng tâm tình của mình vào thiên nhiên; trải rộng trên 1 miền rộng lớn để trở thành kinh nghiệm phổ biến và ở một xứ sở nào đó HOA CÚC từ 1 tượng trưng ngẫu phát của ai đó trở thành một tượng trưng phổ biến. Từ đó VĂN HOÁ vào cuộc với những quy luật của nó. Trùng trùng duyên khởi.

Nói đến những loài hoa quí, được nhân gian ưa chuộng nhiều, người ta thường nói đến bộ "tứ bình" (bức tranh treo ở bốn phía quanh nhà) , gồm có bốn loại hoa: Mai, Lan, Trúc, Cúc. Hoặc nói về "tứ quí" người ta muốn ám chỉ đến bốn loại cây cảnh : Tùng, Cúc, Trúc, Mai . Người xưa yêu hoa Cúc vì đó là loài hoa biểu lộ đặc tính : "diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa", lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẳng lìa thân, dù héo rũ tàn khô, vẫn luôn bám lấy cành như người quân tử đầy chí khí suốt đời theo đuổi lý tưởng chân chính của mình.
Hoa Cúc biểu tượng cho tinh thần thanh cao của những kẻ sĩ muốn lánh xa vòng tục lụy . "Cúc ngạo hàn sương", cúc vẫn hiên ngang ngạo nghễ đâm hoa kết nhánh mặc cho sương tuyết lạnh giá bao trùm, mặc cho khí thời khắc nghiệt vây quanh, cúc vẫn mang nét điềm đạm ung dung, cúc vẫn vương mình đứng thẳng giữa phong trần, thách thức với bao nỗi đoạn trường gian truân của thế sự nhân tình:

Tiếu ngạo hàn sương phô cốt cách
Khai nhan diệu sắc kháng thu thâm

Cúc Đảm Ngạo Hàn Sương (Hải Đà)

(Hoa cười kiêu ngạo giữa sương lạnh, luôn giữ phong cách cao thượng
Mở mặt vui tươi màu sắc lộng lẫy như muốn thách thức thu già)

Người ta đi tìm ý nghĩa cho nhân sinh trong thiên nhiên - mặc cho rất có thể không có cái gọi là ý nghĩa ấy. Không có Tâm thì cũng chả có Cảnh.

"Diệp bất chi hoa, hoa vô lạc địa" - là cái cốt yếu của Cúc trong tâm tưởng người Trung Hoa. Và tất nhiên tớ cho rằng phải đợi có những thi nhân làm thơ trong ngày Trùng Cửu (Trùng Dương) rồi thì văn hoá Trung Hoa mới dày dặn nhiều trò đến như vậy.



Hoa rồi, bây giờ mình cùng nhau điểm qua chút ít về
Kinh Kịch nhá.

KINH KỊCH: (Jingju), một loại hình hí khúc Trung Quốc, ra đời từ thế kỉ 18, bằng sự tổng hợp nhiều hình thức ca hát địa phương. Đầu thế kỉ 19, trở thành hình thức sân khấu cung đình chính thống và phát triển mạnh mẽ, chiếm vị trí hàng đầu và tiêu biểu cho loại hình hí khúc Trung Quốc. Do được hình thành từ lâu và tiếp thu nhiều tinh hoa của nghệ thuật hí khúc trước đó, KK đã đạt tới mức hoàn chỉnh và trở thành cổ điển, với một hệ thống trình thức biểu diễn nghiêm ngặt (tương tự như tuồng cổ Việt Nam), có ảnh hưởng đến các loại hình khác. Lúc biểu diễn các động tác đều mang tính ước lệ; điệu hát cơ bản là điệu xoang; hợp tấu có các nhạc cụ hồ, đàn nguyệt, đàn 3 giây, sáo, trống, thanh la, sênh, bạt. Có hơn 1.000 kịch bản truyền thống. KK đã từng được biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, được khán giả chú ý về tính độc đáo trong ngôn ngữ biểu diễn của diễn viên, tính ước lệ và nghệ thuật cách điệu.

Tớ hiểu biết về Kinh Kịch cũng hạn chế, nên chỉ bổ sung chi tiết này: là nghệ thuật hát và thưởng thức Kinh Kịch cũng từa tựa như Ca Trù của ta, tức là phải dùng hơi ở Đan Điền mà hát. Nên tiếng hát thể hiện nội khí rất rõ. Điệu bộ ước lệ lột tả THẦN THÁI của nhân vật. Đành rằng kịch là ước lệ, nhưng cũng như kịch Nô của Nhật Bản, với Kinh Kịch hầu như mọi thứ đều rất ước lệ. Giản lược và ước lệ. Ưu điểm của nó là gì thì sẽ để dịp khác học hỏi cao nhân rồi bàn rộng sau, ở đây góp với các bạn một đại ý: nghệ thuật và những thứ trừu tượng khác nói chung cốt nhắm vào chỗ đa nghĩa dành chỗ cho đối tượng của nó tham gia trải nghiệm. Cũng phải nghiên cứu thêm nhiều mới làm rõ được tại sao Kinh Kịch lại ăn sâu vào tâm tưởng người Trung Hoa đến thế trong khi ta mới nghe lần đầu chỉ thấy léo nhéo sốt ruột :D

Hệ thống quy ước về màu sắc, cử động, điệu bộ của Kinh Kịch rất nghiêm ngặt và tinh tế. Hiểu thêm chút ít về nó cũng như tư tưởng âm dương ngũ hành trong văn hoá nghệ thuật Trung Hoa sẽ rất hay để làm sáng tỏ nhiều yếu tố bất ngờ. Tớ học được điều này từ khi đọc cuốn GIẢI MÃ TRUYỆN TÂY DU KÝ của LÊ ANH DŨNG, các bạn có điều kiện thì tham khảo. Thôi, để phần sau tớ viết tiếp về Hệ biểu trưng của Kinh Kịch và âm dương ngũ hành. Đi làm nghĩa vụ quốc tế cái đã...

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2007

Lộ hung tiển túc nhập triền lai




Lộ hung tiển túc nhập triền lai
Mạt thổ đồ khôi tiếu mãn tai
Bất dụng thần tiên chân bí quyết
Trực giáo khô mộc phóng hoa khai

Chân trần bày ngực thẳng vào thành
Tô đất trét bùn nụ cười thanh
Bí quyết thần tiên đâu cần đến
Cây khô cũng khiến nở hoa lành

-----------




Đây là nói chuyện cảnh giới rất cao của THIỀN TÔNG là "Nhập triền thuỳ thủ" tức là "Thõng tay vào chợ" đấy. Đại ý cho rằng con người ta đã đạt đến chỗ tinh diệu vi tế thì có thể tuỳ nghi mà hành xử, thoạt trông như vụng dại, như thô thiển. Tớ viết lan man đến đây kể như đã đủ tư liệu để bắt tay vào bình bộ phim MÃN THÀNH ĐÁI TẬN HOÀNG KIM GIÁP của Trương Nghệ Mưu tiên sinh rồi, nhưng tớ muốn dừng lại một chút để tĩnh lặng và quên bớt những thứ vừa rồi đi đã. Nhưng xin cao hứng bốc phét mà tán rằng như tớ thấy thì quả thật tiên sinh đã đạt đến cảnh giới NHẬP TRIỀN THUỲ THỦ của "PHIM ĐẠO" rồi. Bái phục, bái phục!!! -------- Tí quên, chuyện Thiên An Môn và Triệu Tử Dương thì quá nổi tiếng rồi xin các bạn tự tra cứu nhé. Tớ sẽ chỉ nói theo kiểu "cứ như thể đang ở trong Trung Nam Hải ấy" thôi. À, nữa - mùa Thu ngày xưa còn là thời điểm triều đình sẽ đem các tử tù ra xử tội theo đúng luật của tự nhiên - mùa Thu là mùa âm tàng, gặt hái... Nghỉ, nghĩ tý đã...

Sơ nguyệt


Quang tế huyền sơ thướng

Ảnh tà luân vị an
Vi thăng cổ tái ngoại

Dĩ ẩn mộ vân đoan
Hà Hán bất cải sắc
Quan sơn không tự hàn

Đình tiền hữu bạch lộ

Ám mãn cúc hoa đoàn
(Đỗ Phủ)



Trăng Non


Ánh mờ trăng mới nhú lên

Nghiêng nghiêng bóng đổ chênh vênh ráng trời
Dần lên cửa ải chơi vơi

Mây chiều núp bóng nửa vời xa xa
Nguyên màu một dãi ngân hà

Quan san giá lạnh buốt da khí thời

Thềm sân móc trắng sương rơi

Phủ đầy hoa cúc giữa trời mênh mang


(Hải Đà phỏng dịch)

Cúc hoa khai xứ tức trùng dương ...




"Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật,
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương ..
"

"Rừng sâu không lịch năm cùng tận,
Biết tiết Trùng Dương cúc nở cười
"
---------

Đây, link về hý kịch và kinh kịch đây:
link
Trích 1 đoạn:


Mặt nạ Kinh kịch

Mặt nạ Kinh kịch là dùng các loại bột màu tô vẽ lên mặt diễn viên, để tượng trưng cho tính cách, phẩm chất, vận mệnh nhân vật. Thường thì, màu đỏ mang nghĩa bóng, tiêu biểu cho trung nghĩa dũng cảm; màu đen thuộc trung tính, tiêu biểu cho dũng mãnh và mưu trí; màu lam và màu xanh lá cây cũng thuộc trung tính, tiêu biểu cho anh hùng rơm; màu vàng và màu trắng phần lớn mang nghĩa đen, tiêu biểu cho hung ác và gian trá; màu vàng và màu bạc tiêu biểu cho thần bí và thần tiên yêu quái.


Nhân vật Kinh kịch

Trong Kinh kịch nói chung có bốn vai, đó là các vai Sinh, Đào, Tĩnh và Hài, các vai đó lại chia làm những vai càng cụ thể hơn.

“Sinh” chia làm : “ Lão sinh”—là chỉ những người đàn ông trung niên chín chắn, thường xuất hiện trong các vai chính diện hoặc nhà vua, tướng lĩnh. “Tiểu sinh”—là các vai thanh niên trai tráng.

“Đào” chia làm “Thanh Y” – chỉ các vai phụ nữ trung niên, thường là các phu nhân, tiểu thư trong gia đình quý tộc. “Võ Đào ” – chỉ các vai nữ có thể đấu võ. “Hoa Đào”—chỉ các vai nữ trẻ tuổi thuộc tầng lớp thấp hèn trong xã hội, như “a hoàn, con sen”,

“Tĩnh” là chỉ các nhân nhật mặt hoa, thường là vai những người đàn ông có tính cách, phẩm chất và diện mạo khác nhau.

“Mạt” cũng thuộc vai lão sinh, là những người có tuổi tác già lão, đầu óc mụ mẫm, sống trong tầng lớp thấp hèn trong xã hội. Bởi khi hóa trang vẽ một vệt trắng trên sống mũi, cho nên nhân vật này gọi là “Tiểu hoa mặt”, cùng song song với Đại hoa mặt, Nhị hoa mặt cho nên những nhân vật này thường được gọi là “Tam hoa mặt”.

“Hài” là chỉ Tiểu hoa mặt, phần lớn la ̀chỉ những người sống trong tầng lớp thấp trong xã hội, các nghĩa sĩ trong dân gian nhanh trí, hài hước.



Màu sắc trong kinh kịch có ý nghĩa rất điển hình. Nhìn màu sắc người ta có thể biết được nhân vật có tính cách như thế nào. Ngoài ra, tớ chưa tiện đối chiếu hệ quy ước này với ngũ hành; nhưng như đã nói ở trước là tiểu thuyết Tàu rất hay xây dựng những bộ năm nhân vật mà qua đó gián tiếp biểu hiện quan hệ chế hoá của ngũ hành. Lấy luôn đời Đường làm ví dụ nhé:

Các nhân vật chính trong các truyện Tàu đều được mô tả qua màu sắc, điển hình trong truyện Thuyết Đường thuật chuyện các người anh hùng lo chuyện lật đổ nhà Tùy để lập nên nhà Đường với vị vua đầu tiên là Lý Thế Dân. Qua truyện đó, người đọc có thể để ý các hổ tướng được mô tả rõ rệt qua màu sắc và mạng lý theo Ngũ hành. Thí dụ, như Trình Giảo Kim mặt đỏ râu vàng, mặc áo giáp, đầu đội kim khôi - đặc biệt có hai mạng: khi trên ngựa mạng hỏa (mặt đỏ) và khi xuống ngựa, mạng Thổ (râu vàng); như La Thành, mặt trắng, mình ưa mặc bạch bào đoản giáp trắng, hay dùng cây Bát cổn Ngân thương bạc, cỡi ngựa Kim Thiên Lý Cu: đúng thật mạng Kim; như Đơn Hùng Tín, mặt xanh, chuyên mặc giáp xanh, hay dùng chiếc Kim đính Đông dương sóc, cưỡi con ngựa Thanh tông mã, rõ ràng mang mạng Mộc; Tần Thúc Bảo lại khác, mặt vàng, áo giáp bằng đồng vàng, hay dùng đôi giản đồng và cưỡi ngựa có lông vàng như tơ, đích thị mạng Thổ; và Uất Trì Cung gốc thợ rèn, mặt đen, mặc thiết giáp bằng đồng đen, ra trận dùng ngựa ô tuyền, đúng là mạng Thủy. Quyển Cờ Bạc đưa một vài thí dụ chứng minh rằng các tác giả người Trung Quốc xưa và nay lúc nào cũng áp dụng thuyết ngũ hành (mạng này khắc mạng kia) trong các trận đánh với nhau. Khuôn khổ bài này có hạn nên chỉ xin trích lại một đoạn tả trận chiến giữa tướng Dương Lâm của nhà Tùy đấu với bên nhà Đường. Bên nhà Tùy ngoài tướng Dương Lâm còn có Thập Nhị Thái bảo lập ra trận Nhất tự trường xà - toàn treo cờ xanh (mạng Mộc). Bên Đường có Trình Giảo Kim và Tần Thúc Bảo - cả hai mang mạng hỏa và Thổ - đánh hoài nhưng không sao phá nổi trận. Sau nhờ có La Thành - mang mạng Kim - chỉ đấu với tướng Dương Lâm có 10 hiệp, đâm Dương Lâm một thương ngay tại mông, phá tan trận và thu được hơn hai muôn hàng binh của nhà Tùy. Kim khắc Mộc là như vậy. Tóm lại khi đọc truyện Tàu ta nên để ý trước bổn mạng của các nhân vật rồi sẽ xem họ đấm đá đấu chưởng với nhau ra làm sao. Hằng trăm trận ăn thua hay sống chết với nhau thường dựa sát vào những tương sinh tương khắc của luật ngũ hành mà thôi. Thí dụ một cao thủ võ lâm mặt đỏ, cỡi ngựa màu đỏ (xích thố), mang kiếm giáp màu đỏ (mạng Hỏa) chạy ngựa hay phi thân xuống núi đánh với một nhân vật võ lâm khác, cho dù đó là một bà lão mặt đen mặc quần áo màu đen (mạng Thủy), người đọc sành điệu luật ngũ hành có thể đoán được rằng tác giả sẽ cho cao thủ từ trên núi xuống kia thế nào cũng sẽ bị thua chạy dài, nếu không bị chém đứt đầu thì cũng bị thương nặng tàn phế võ công!!

Phép này áp dụng cho hiện đại không linh lắm nhưng nhiều khi cũng rất nhiệm mầu :) Tớ sẽ thử lấy chính bộ phim HOÀNG KIM GIÁP để thử sau này. Kể ra, trước đây cũng có lần tớ viết qua loa về Ngũ hành rồi đấy. Bây giờ trích giới thiệu thêm với các bạn về tính cách của ngũ hành (nguồn như đoạn trên).

  • Mạng Kim: có đầu óc tổ chức, thích ở trong thế chủ động và lãnh đạo, cần cho rằng mình đúng, thích trật tự và sạch sẽ.

  • Mạng Thủy: giàu tưởng tượng, trung hậu, thông minh, rất “cứng cựa”, độc lập, kín đáo, . . .

  • Mạng Hỏa: giàu tình người, nhiều trực giác, thích được thương yêu, thích sôi nổi, giao tế giỏi, . . .

  • Mạng Thổ: rất chừng mực, hài hoà, trung thành và đòi hỏi trung thành, thích chi tiết, thích bầu bạn nhưng có thể rất cứng đầu.

  • Mạng Mộc: vui tính, có mục đích, năng động, thích bận rộn, có thể rất hách xì xằng, thực tế, hiếu thắng, . . .
Các bạn tự kiểm điểm xem tính tình của mình có hợp với mạng của mình không nhé. Riêng tớ thấy nó rất đúng :-)...

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2007

Thợ nào thua thì về bú tí...




Thợ nào được thì ăn cơm vua

Thợ nào thua thì về bú tí...


Triệu Khuông Dẫn tuy ngừa được cái hoạ phản thần nhưng rốt cuộc không ngăn nổi cái hoạ từ trong nhà với hoàng đệ cùng bú 1 tí là Triệu Quang Nghĩa (Tống Thái Tôn) kia. Rốt cuộc, logic của lịch sử là một logic khác, chẳng bàn hết được ở đây.


Thôi, quay trở lại với Tết Trùng Cửu. Chuyện này cũng có thể dài lan man rộng lớn vô kể. Đó là bởi vì muốn tỏ ngọn nguồn thì bạn phải cùng tớ vạch lá tìm sâu, kê đơn bốc thuốc hòng thoát ra khỏi căn bệnh hoa mắt chóng mặt mỗi khi nhìn thấy chữ Nho, mỗi khi nghe loáng thoáng những "sinh sinh chi dịch", "âm dương ngũ hành"...bala...bala...đi. Tốt nhất bạn tìm mấy cuốn sách của Hồ Thích như "Lịch sử logic học thời Tiên Tần", "Lịch sử tư tưởng TQ thời trung cổ", "Trung Quốc triết học sử đại cương"...rồi châm chước đi cho rõ đại ý. Vì sao lại cần phải như vậy? Là bởi vì truyền thống Trung Hoa hổng có biết tới bản quyền nên cái nạn nguỵ thư không sao ngăn được. Người Trung Hoa lại dễ tính ngang với người Ấn Độ trong việc dung nạp các thức để chế món tả pí lù là "Cổ học tinh hoa". Bách thần với người Ấn đều là hoá thân của Vishnu hết. Vậy là xong. Mọi học thuyết, trường phái của Trung Hoa đều tan biến trong nồi kê "Tam giáo đồng nguyên" hết ráo! Nhưng nói vậy chứ cũng phải có ngọn nguồn nhất định - ít nhất đủ để chúng ta phân biệt thời Tử học và thời Kinh học trong sử Tàu. Theo Hồ lão gia thì những học thuyết Âm Dương Ngũ Hành vốn có xuất xứ từ nước Tề thời Chiến Quốc-thời mà phương sỹ, biện giả nhao nhao đua tiếng đã được hình thành và phát triển thế nào, sau đó đến thời đế quốc Hán chuyên chế thế nào mà tự nhiên chả cần triết lý, học thuật nữa, dưới ảnh hưởng của Đậu Thái Hậu xuất thân con buôn đem cái phong khí mê tín "cơ tường hoạ hại" vào triều đình và đạt đến cực thịnh dưới thời Vũ Đế ra sao. Người đời chỉ biết Đổng Trọng Thư có công sắp xếp ra cái Hán Nho mà ít biết họ Đổng 1 tay dựng lên cái TƯỢNG SỐ LUẬN hão huyền mà ngay Vũ Đế cũng suýt có lần cho chém vì tội phán lung tung vận mệnh thiên hạ.

Rồi những chuyện thời Đường Mạt Phật suy Nho, Lão thịnh hành ra sao cũng nên đọc qua hết một lượt. Chỉ nói gọn lại một câu là: từ thời Kinh học đổ về sau thì cái tinh thần bất uý của Chư Tử đã cạn kiệt mà tư tưởng Trung Hoa trở thành một đống hổ lốn hồ đồ ai muốn phán thế nào thì phán...Kêu ca kể lể nãy giờ vốn cốt để minh bạch một điều là đọc sách Tàu phải biện biệt được chân nguỵ, hoặc như ít nhất cũng đủ biết lời-là-nói-với-ai, lúc-nào?

Về Tết Trùng Cửu, tức là ngày Tết 9-9 âm lịch hàng năm có sự tích như thế này:

Có nhiều điển tích về ngày Tết này:

  • Đời Hậu Hán (25-250) có Hoàng Cảnh, người huyện Nhữ Nam, theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo cảnh:" Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du (một loại tiêu), uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn". Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết.

Vì tích trên, nên về sau hằng năm, đến ngày mồng 9 tháng 9, người ta bỏ nhà tạm lên núi, lánh nạn... Lâu đời thành tục gọi là Tết Trùng Cửu. Sau dần thay đổi tính chất, Tết Trùng Cửu lại dành riêng cho tao nhân mặc khách lên núi uống rượu làm thơ.

  • Sách "Phong Thổ Ký" lại chép: Cuối đời nhà Hạ (2205-1818 trước D.L.), vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Thượng Đế muốn răn nhà vua nên giáng một trận thủy tai làm nhà cửa khắp nơi bị chìm xuống biển nước, nhân dân chết đuối, thây nổi đầy sông. Nạn thủy tai đó nhằm ngày mồng 9 tháng 9. Vì vậy mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều đua nhau quảy thực phẩm lên núi cao để lánh nạn... Tục ấy thành lệ.

Đến đời Hán Văn Đế (176-156 trước D.L.), vua cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi đem nhau lên đài ở cho qua hết ngày ấy. Sau đến đời nhà Đường (618-907), ngày mồng 9 tháng 9 thành ngày lễ tết gọi là Trùng Cửu. Các văn nhân thi sĩ mang bầu rượu túi thơ cùng nhau lên núi cao say sưa ngâm vịnh.

Cổ thi có câu: "Gặp ngày Trùng Cửu đăng cao". "Đăng cao" là lên chỗ cao. "Trùng cửu" và "Đăng cao" đều do điển tích trên.

Trên là chép ở Wikipedia ra. Có thể thấy ngay qua những câu chuyện đáng ngờ kia cái triết lý của Lão giáo (của Trương Đạo Lăng không phải Đạo của Lão Tử) qua vài lần xào nấu tức là gồm cả cái TƯỢNG SỐ LUẬN đời Hán vào trong câu chuyện có tính tượng trưng kia. Theo đó, các con số lẻ 1,3,5,7,9 là thuộc dương mà số 9 với số 7 là hai số thành của dương, 9 được gọi là lão dương (Hệ từ thượng truyện, chương 9). Cũng theo như cái thuyết CỰC TẮC PHẢN của DƯƠNG HÙNG tiên sinh kia rồi thì người Tàu rất trọng việc theo dõi các tiết trong năm, theo chu kỳ của trời đất mà đặt ra các mốc nửa theo TƯỢNG SỐ LUẬN nửa theo THỜI TIẾT mà đặt ra các ngày như 3-3, 5-5, 7-7, 9-9, 10-10...trong đó 9-9 là vào TIẾT THU được coi là DƯƠNG KHÍ đã đến cực điểm bắt đầu chuyển sang thời của âm tàng. (Cũng vì vậy mà 10-10 được coi là ngày cực thịnh của âm khí để thu hoạch các vị thuốc, ngày này là ngày của các thầy lang Đông y). Dưới ánh sáng của Dương Hùng lão gia thì tự nhiên câu chuyện sự tích Hoàng Cảnh lên núi vào ngày 9-9 trở lên rất sáng tỏ. Đó là thứ triết lý TƯỢNG SỐ LUẬN kết hợp triết lý PHẢN PHỤC, QUY PHÁC thô sơ của Trương Đạo Lăng (chế biến từ Lão tử tôn sư). Rằng con người ta cũng như vạn sự có Sinh, Thành, Hoại, Diệt; nếu biết quy phác trở về với TỰ NHIÊN thì còn may giữ trọn được SINH MỆNH (học lóm thêm chút ít DƯỠNG SINH CHỦ của Nam Hoa tiên sinh). Cái triết lý thu tàng này càng trở nên cực thịnh vào đời Nam-Bắc triều lần thứ nhất (thời của Đào Tiềm) khi mà loạn lạc liên miên khiến con người ta chỉ còn biết cầu mong sống trọn cái sinh mệnh của mình mà thôi.

Mùa Thu cũng là mùa người Trung Hoa xứ lạnh bắt đầu quây quần trong làng chờ Đông qua Xuân tới. Cũng từ lâu Thu là lúc người ta nghĩ đến sự ly cách nhiều nhất. Vì vậy, lẽ tự nhiên ngày Trùng Cửu 9-9 trở thành ngày lễ của sự đoàn tụ gia đình, ngày lễ của ước mong bảo tồn SINH MỆNH con người cùng với những thứ thiết thân nhất họ có trong tay (Lục Thân: cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cháu, bạn bè...).

HOA CÚC cũng là tự nhiên nhi nhiên trở thành biểu tượng của mùa Thu nói chung và ngày TRÙNG CỬU nói riêng.

Cửu Nhật Ngũ Thủ, Tuyển Nhứt


Trùng dương độc chước bôi trung tửu


Bảo bệnh khởi đăng giang thượng đài

Trúc diệp vu nhân kí vô phận

Cúc hoa tòng thử bất tu khai

Thù phương nhật lạc huyền viên khốc

Cố quốc sương tiền bạch nhạn lai

Đệ muội tiêu điều các hà tại

Can qua suy tạ lưỡng tương thôi



(Đỗ Phủ)


Ngày Chín, Năm Bài Lựa Một

Trùng dương, rượu trút, một mình ta


Khổ bệnh, sông dài, dấn bước qua

Lá trúc cùng người than phận lỡ

Cúc vàng thuở đó chẳng đơm hoa

Tha phương vượn khóc tà dương xế

Quê cũ nhạn về sương sớm sa

Em gái phương nào thân tá túc ?

Bệnh căn, loạn lạc, nhiễu phiền ta


(Hải Đà dịch)

Tha niên ngã nhược vi Thanh đế




2 câu thơ trong bài "Đề cúc hoa"

Tha niên ngã nhược vi Thanh đế
Báo dữ đào hoa nhất xứ khai



mà lại dịch thành


Chúa Xuân nếu được là ta
Sang năm ta bảo đào hoa nở cùng


thì coi như hả hết cái hơi "nghịch tặc" của họ Hoàng rồi. "Sang năm nếu mà ta đây làm Chúa Xuân" - có hẹn hò hẳn hoi chứ không phải câu không có thật ở thì hiện tại đâu! Bây giờ hẵng cùng nhau lan man tý về lịch sử Tàu từ Đường đến Hậu Đường cho nhàu nhĩ tâm trạng cùng nhau làm người Trung Hoa 1 phen xem có thêm tý cảm khái nào cho phim không đã.

Sử Trung Quốc - NHL: Cuộc khởi nghĩa lớn nhất của nông dân đời Đường xảy ra năm 875, một năm sau bài chiếu của Hi tôn.




Một nông dân, Vương Chi Tiên, lãnh đạo 1.000 dân, nổi loạn ở Hà Bắc, một miền rất giàu ngũ cốc. Vương được Hoàng Sào giúp sức. Hoàng thi tiến sĩ rớt, làm nghề buôn muối, rất giàu, viết văn hay (thảo hịch mạt sát bọn hoạn quan), ăn nói nhã nhặn, cưỡi ngựa giỏi mà múa gươm cũng rất khéo, rất ghét bọn quan liêu và giới sĩ tộc, được nông dân quí mến. Vương và Sào đều có tài tổ chức, chẳng bao lâu làm chủ miền Đông Hoa Bắc. Mấy tiết độ sứ chống lại họ không nổi vì quân lính có cảm tình với nghĩa quân, không ham chiến đấu. Triều đình lại phải nhờ rợ Sa Đà dẹp hộ. Sa Đà thắng, Vương bị chém. Hoàng Sào lên cầm đầu nghĩa quân, đưa họ xuống phương Nam, năm 879 chiếm được Quảng Châu, đốt thị trấn đó. Theo tải liệu của Ả Rập, có tới 12 vạn ngoại nhân chết trong vụ đó. Nghĩa quân trở lên phương Bắc với nhiều chiến lợi phẩm, lại bị quân Sa Đà chặn ở phía Nam sông Dương Tử. Nhưng ít lâu sau Hoàng Sào lại tiến lên Bắc, chiếm được Lạc Dương (880). Vua Hi tôn bỏ kinh đô, trốn vào Tứ Xuyên, Hoàng Sào bèn chiếm nốt Tràng An, lên ngôi Hoàng đế, quốc hiệu là Đại Tề. Lần đó là lần đầu tiên một phong trào nông dân do một thương nhân có học lãnh đạo thắng được giới sĩ tộc đại quan liêu, đại địa chủ.




Hi tôn lại phải cầu cứu với Sa Đà, do một tướng cũng là Sa Đà chỉ huy. Tướng đó có tài, trung với Hi tôn, được Hi tôn đặt tên cho là Lí Khắc Dụng. Khắc Dụng tấn công Tràng An, Hoàng Sào cầm cự được ít lâu, năm 883 thua, bị Sa Đà bắt được, giết. Vậy là cuộc khởi nghĩa của quân nổi dậy đó kéo dài được non 10 năm, khi dẹp được thì Đông đô Lạc Dương chỉ còn trên 100 hộ (mỗi hộ trung bình là 5 người).


Hoàng Sào bị bộ tướng là Chu Toàn Trung làm phản. Chu Toàn Trung nguyên tên là Chu Ôn, tên Toàn Trung là do vua Đường đặt cho vì có công dẹp loạn. Nhưng Toàn Trung lại không trung, phế nhà Đường lập ra nhà Hậu Lương.

Sử Trung Quốc - NHL:
Hậu Lương Chu Toàn Trung giết Chiêu Tôn rồi chiếm ngôi nhà Đường, đổi quốc hiệu là Hậu Lương, đóng đô ở Khai Phong ngày nay. Ông ta gốc nông dân, trưóc theo Hoàng Sào, khi lên ngôi cũng muốn cải thiện đời sống của nông dân, giảm thuế, khuyết khích nông nghiệp, nhưng ở ngoài phải chống với Lý Khắc Dụng, một tướng Sa Đà, ở trong không được giới sĩ tộc ủng hộ, còn bọn tay chân của ông toàn là tướng cướp , tranh quyền với nhau, chỉ muốn vơ vét cho thật mau, nên tình hình rối loạn. Năm 912, chính một người con của ông giết ông để chiếm ngôi, từ đó bọn thủ hạ của ông chán nản, biết rằng triều Hậu Lương không tồn tại được lâu, kéo nhau qua phía Lý Khác Dụng và năm 923, nhà Hậu Lương bị Lý Tồn Húc, con Lý Khắc Dụng diệt, trước sau được hai đời vua, cộng là 17 năm.


Hậu Đường
Lý Tồn Húc , gốc Sa Đà, lên ngôi dời Đô về Lạc Dương, đổi quốc hiệu là Đường. Triều chính ở trong tay giới sĩ tộc Hán, vì người Sa Đà rất ít, không được 100.000, mà còn lạc hậu, không đáng kể về phương diện chính trị. Họ coi việc nước như việc nhà, muốn giao hết những chức vụ quan trọng cho bà con họ hàng, nhưng số này không đủ, đành phải giao cả những võ chức cho ngoại nhân, bất kỳ là giống người nào, còn những chức vụ hành chánh thì giao cho người Hán. Họ đặt ra đủ các thứ thuế, bóp nặn nông dân đến khánh kiệt mà vẫn không đủ nuôi lính Hậu Đường truyền được bốn đời, mười ba năm, rồi bị Thạch Kính Đưòng diệt.


Hậu Tấn
Thạch Kính Đường cũng là giống Sa Đà, vốn là phò mã nhà Hậu Đường, làm trấn thủ Hà Đông, nhờ rợ Khiết Đan giúp sức mới lên ngôi được, vì vậy phải cắt cho Khiết Đan vài tỉnh ở phía Bắc.

Khiết Đan ( kitat) là một rợ ở Đông Bắc Trung Hoa, tổ tiên là rợ Tiên Ti, sau khi bị một rợ đánh thua, trốn lên ở đất Nhiệt Hà ngày nay, thân phục nhà Đường. Cuối đởi Đường, Khiết Đan mạnh lên, thôn tính các bộ lạc chung quanh, chiếm cả đất Nhiệt Hà và Đông Tam Tỉnh. Một thủ lãnh của họ có hùng lược, dùng người Hán để chỉnh đốn nội chính, dựng thành quách, lập chợ búa, khai khẩn đất đai. Thạch Kính Đường đời Ngũ Đại nhờ họ đem đại quân giúp để lật Hậu Đường, và để trả ơn, cắt đất Yên và Vân ( Hà Bắc, Sơn Tây) cho họ, họ thành một cường quốc ở cõi Bắc, đổi quốc hiệu là Liêu, thành mối lo cho nhà Tống sau này.

Thạch Kính Đường đổi quốc hiệu là Tấn, đất đai thu hẹp , số thuế thu được giảm đi, mà phải nộp cống cho khiết Đan, thờ Khiết Đan như cha, do đó phải tăng thuế, dùng chính sách bạo ngược đối với dân. Khiết Đan thấy vậy mưu tính việc chiếm trọn miền Bắc. Giới quý tộc Sa Đà có một nhóm thấy nguy cơ, muốn tấn công Khiết Đan trước, triều đình do dự. trong khi đó, nhiều viên tướng ở miền Đông làm phản, qua phía Khiết Đan và chỉ trong hai năm ( 946 - 947) Khiết Đan chiếm được kinh đô và gần hết miền Bắc. Viên thủ lãnh Khiết Đan vô kinh đô, tự xưng là " Hoàng Đế Khiết Đan và Trung Hoa" ( Nhà hậu Tấn chấm dứt, sau hai đời vua , cộng 11 năm.) Giới sĩ tộc Trung Hoa thản nhiên trước sự đổi ngôi đó, làm quan cho Sa Đà hay cho Khiết Đan thì cũng vậy, nhưng Sa Đà có một nhóm không chịu thần phục Khiết Đan, chống lại.


Thời đại đó là như vậy. Mà nói chung vấn đề chỉ là dài ngắn khác nhau chứ thời đại nào triều đại nào mà chả có cảnh vua tôi cha con giết lẫn nhau, phản trắc tráo trở. Bởi lẽ đơn giản logic của lịch sử vốn khác.

Tên 3 hoàng tử trong phim cũng có cái ý của nó: Nguyên Tường, Nguyên Kiệt, Nguyên Thành. Chả hiểu sao có người đọc phiên âm hoàng tử thứ hai thành Jai, có giống gì với Lý Thế Dân không nhưng tự chuyện này cũng có ý gợi cho người ta nghĩ đến câu chuyện thời lập quốc của nhà Đường hùng mạnh thuở nào. Nhà Đường được dựng lên từ một đám tro tàn kiệt quệ của thời Nam Bắc triều cũng đầy rẫy phản trắc loạn lạc như thể lịch sử chỉ là 1 vòng lặp lại. Vua Đường Thái Tổ cũng có 3 con trai.

Sử Trung Quốc - NHL:
Bi kịch giành ngôi Dựng nên nhà Đường, thống nhất giang sơn là công của Thế Dân. Thái tử Kiến Thành và Tề Vương Nguyên Cát thấy cha quí Thế Dân và các tướng đều kính trọng, tuân lệnh Thế Dân, sinh lòng ghen ghét, sợ Thế Dân sẽ giành ngôi của Kiến Thành, nên ton hót với một ái phi của Cao Tổ (Lí Uyên), vu cho Thế Dân tội này tội nọ; hơn nữa, họ đã 2 lần mưu sát Thế Dân mà thất bại (một lần đầu độc trong một bữa tiệc, nhưng Thế Dân chỉ thổ ra máu mà không chết). Họ tính mưu sát lần nữa, Thế Dân biết được, phải ra tay trước, cùng với Uất Trì Kính Đức núp trong vườn cấm sau cung, đợi sáng sớm Kiến Thành và Nguyên Cát vào chầu mà bắn chết. Cao Tổ hay tin ghê gớm đó chỉ lẩm bẩm: “Ta có ngờ đâu tới nông nổi này. Phải làm gì bây giờ?”. Chính ông ta do dự, nhu nhược, biết bụng dạ xấu của Kiến Thành mà không ngăn được nên xảy ra bi kịch ấy. Đó là nhược điểm của chế độ quân chủ phương Đông: hầu hết ông nào cũng nhiều con, và rất ít ông sáng suốt lựa được người giỏi để truyền ngôi, thành thử con thường tranh ngôi với nhau.


Vụ đó là một vết đen trong đời Thế Dân. Chẳng những anh và em ông bị ông giết, mà theo lệ, cả 5 đứa con trai của anh và 5 đứa con trai của em cũng bị xử tử nữa, sợ sau này chúng trả thù cho cha!

(cont)