Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2007

Tàn đêm, có đom đóm bay ở mé đồng xa...


Visitor Map
Create your own visitor map!

Vừa khéo entry thứ 99 này để hoàn tất loạt bài viết về Tết Trùng Cửu vừa rồi. Như đã nói từ đầu, tớ viết entry này như thể trả bài cho câu hỏi "ý bác là thế nào?" thôi chứ không vì cảm xúc nào dâng trào cả :( Nhưng có nhiều điều thường khi viết ra mới là khi suy nghĩ đến và nghĩ ra cái gì đó - nên cũng không thể nói ở đây là tuỳ tiện viết được. Bây giờ lục lại vài ý kiến ngẫu nhĩ của bạn net đây đó làm duyên cớ đưa đẩy cái coi.

http://www.yxine.com/forum/forum.php?action=showmsg&box_id=1&msg_id=2546

Ý kiến của bạn phandienanh khá bao quát:

Trong ba phim cổ trang của Trương Nghệ Mưu thì Hoàng Kim Giáp xem ra là hay nhất - vừa không quá khó hiểu kiểu Anh Hùng, lại không có đơn giản như Thập diện mai phục. Nhưng Anh Hùng có thể bật lên xem đi xem lại màn đánh nhau cho sướng mắt, Thập diện mai phục có thể tua tới tua lui xem Tiên nữ dẫn đường, còn Hoàng Kim Giáp xem xong thẫn thờ, nhưng rồi không muốn xem lại vì không muốn lòng nặng trĩu.


Hoàng Kim Giáp dựa theo tứ truyện Lôi vũ của Tào Ngu, kể về sự băng hoại của một gia đình. Trương Nghệ Mưu chỉ mượn tứ, còn câu chuyện của Hoàng Kim Giáp đáng sợ hơn ở một tầm rộng hơn. Nó không chỉ dừng ở câu chuyện một gia đình mà rộng hơn là câu chuyện của một quốc gia, với những âm mưu nham hiểm, thâm độc, ghê tởm của mỗi con người trong bi kịch đó. Đây kẻ gian hùng giết người tình vì đại nghiệp, đây chồng đầu độc vợ mỗi ngày với thú vui chứng kiến vợ mình chết dần mòn trong đau đớn, đây vợ thông dâm với con trai riêng của chồng, kích động con trai mình giết cha đoạt ngôi, đây anh trai quan hệ ái ân với em gái, đây con trai phản cha, giết anh... Trương Nghệ Mưu khắc hoạ hết những mưu đồ toan tính đáng sợ của mỗi con người, để trong sự náo loạn đấy thấy được tấn bi kịch của từng số phận, mà trong đó là bi kịch của hoàng tử hai phân vân giữa tình mẫu tử và lòng trung kiên, của hoàng tử nhất giằng xé giữa sự quỳ luỵ hèn mọn với ham muốn được yêu.


Nếu xem Hoàng Kim Giáp trong tổng thể của ba phim mà Trương Nghê Mưu đã từng làm càng thấy sức sáng tạo đáng nể của ông. Không phim nào giống phim nào về phong cách dàn dựng, phong cách kể chuyện, phong cách võ thuật và phong cách màu sắc. Phim Anh Hùng sử dụng đơn sắc, mỗi màu mang phép ẩn dụ cho một triết lý, một câu chuyện, thì Thập diện mai phục sử dụng phép phối ba màu trong một cảnh để kể câu chuyện của ba con người, và Hoàng Kim Giáp thì sặc sỡ phù phiếm như chính sự rối bời của một gia đình, một triều đình mục nát. Phim nào cũng khoác vẻ bề ngoài màu sắc giải trí, xem võ thuật múa may rất đặc trưng văn hoá Trung Hoa, nhưng phía sau lại là ám chỉ chính trị. Anh Hùng tôn vinh chủ nghĩa hùng bá của Trung Hoa, còn Hoàng Kim Giáp với cảnh triệu hoa vàng ở trước Tử Cấm Thành bị giày xéo đẫm máu, ngay sau đó là đại tiệc Trùng Dương như thể chưa từng có gì xảy ra khiến gợi nhớ đến vụ thảm sát ở nơi đây năm 1989.


Báo chí Trung Hoa cứ ngày đêm chê bai phim của Trương Nghệ Mưu, nhưng càng đọc càn thấy nực cười. Một mặt phê bình rằng phim của Trương Nghệ Mưu không còn nghệ thuật như trước, mặc khác bảo rằng Trương nghệ Mưu làm phim cho Hllywood bỏ quên khán giả trong nước, trong khi phim thương mại của ông thì ăn khách, phim nghệ thuật thì lại chẳng được đoái hoài. Thực tế những phim mà báo chí ngày nay ca tụng rồi tiếc rẻ mà ngày xưa họ Trương làm đích thị là làm cho Tây vì phim chỉ toàn chiếu ở các Liên Hoan Phim quốc tế chứ nào được chiếu ở bản xứ vì bị cấm đoán. Ngay cả Việt Nam ngày xưa cũng có cho chiếu Phải Sống đâu, mãi đến khi Trung Quốc cho chiếu thì Việt Nam lúc đó mới gật đầu để phim này được trình chiếu rộng rãi.


Và vẫn nhấn mạnh lại lần nữa: Hoàng Kim Giáp cho thấy nội lực của Trương Nghệ Mưu rất đáng sợ. Nhất là so với Trần Khải Ca chỉ mới làm một Vô Cực mà đã đuối như con cái chuối.



Mình rất thích cái ý cho rằng "Phim nào cũng khoác vẻ bề ngoài màu sắc giải trí, xem võ thuật múa may rất đặc trưng văn hoá Trung Hoa, nhưng phía sau lại là ám chỉ chính trị" tuy nhiên mình cho rằng điều đặc sắc nhất của bạn này là đã nhìn ra rằng "Mãn Thành Đái Tận Hoàng Kim Giáp" không phải là phim làm cho Tây xem mà là phim làm cho Trung Quốc xem! Điều này cũng phần nào giải thích ý kiến của các bạn khác:


merrimy:
Mình không thích xem film này, bởi vì nó cho mình cái cảm giác không chân thực, đó là cảm giác : hoàn hảo. Đúng là để ý 1 tí các bạn sẽ cảm nhận được cái cảm giác như thế, quần áo, cung điện, đài các, quân đội...tất cả đều toát lên 1 cái vẻ gọi là hoàn hảo. Quần áo tất cả đều dát vàng, không một tì vết, quân đội đi đều tăm tắp, đội phục dịch cũng đều tăm tắp..Nói chung đây giống 1 vở kịch hơn là 1 bộ phim. Chả để lại trong lòng người xem 1 cảm xúc gì..

SowrdFish:
Một bộ phim làm lại từ kịch bản Lôi Vũ. Về hiệu quả hình ảnh và âm thanh thì không còn gì để nói vì Trương nghệ Mưu đã là một bậc thầy thật sự. Nhưng theo riêng tôi, đạo diễn Trương đã phần nào thất bại về mặt kịch bản. Quan điểm của tôi :

1. So với kịch bản gốc Lôi Vũ, quan hệ giữa đương kim hoàng hậu (Củng Lợi) và thái tử là khiên cưỡng vì khoảng cách tuổi tác. Hoàng hậu đã có con là hoàng tử Zai tuổi chắc cũng gần bằng thái tử.

2.Cựu hoàng hậu bỏ trốn và làm vợ thái y mà vua và mọi người không biết, chuyện đó chỉ có thể xảy ra đối với một gia đình hào phú chứ không thể đối với một hoàng triều.

3.Tuyến nhân vật chính 5 người gồm vua, hoàng hậu và 3 vị hoàng tử và đường dây xung đột quá rõ ràng ngay từ đầu, không hề có thêm sự đột biến hay nút thắt nào, là quá it cho một kịch bản phim hoành tráng. Điều đó chỉ phù hợp với một vở kịch. Các nhân vật phụ chỉ là những bóng mờ.

4.Tâm lý của vị hoàng hậu là không thể hiểu nổi khi biết trước âm mưu có thể bị thất bại nhưng vẫn đẩy hoàng tử Zai con mình vào chỗ chết.

5.Điều cuối cùng, các cảnh quay hoành tráng chỉ đem lại hiệu quả về thưởng thức thị giác, nó không hề đem lại kịch tính hay cao trào để bổ sung vào nội dung vốn đã đơn giản của phim.

Có lẽ vì lẽ đó mà đã có một luồng dư luận phê bình về sự thất bại của phim này ngay tại Trung Quốc.


Các ý kiến của các bạn này đều nhận thấy "phim gì mà kịch quá"...Kịch thật, vì các bạn có thể nhận ra những yếu tố của kinh kịch theo liệt kê ở trên của các bạn ấy; từ tuyến nhân vật (thì đương nhiên do chép lại từ một vở kịch), đến cái tính ước lệ đều tăm tắp, cái màu sắc huy hoàng quá lố...Nhưng câu hỏi mà tớ gặp phải ở đây là "tại sao một đạo diễn bậc thầy như họ Trương lại để yếu tố kịch nó nổi cộm lên một cách phô như vậy?". Mà tớ thì chưa bao giờ dễ dãi chê bai người khác cả nên tớ ngờ rằng nó có nguyên cớ. Tớ lại ít định kiến nghệ thuật nên tớ đồ rằng hẳn "đại biện nhược chuyết" trong việc này có gì xảo diệu đây. Theo lệ, tớ lần lại từ gốc rễ vấn đề "nói với ai" và tớ thấy đích thị đây là bộ phim dành cho những tâm hồn Trung Hoa xem. Nói tâm hồn Trung Hoa để kể thêm những tri âm từ bên ngoài Trung Quốc có thể hoà điệu với một tác phẩm thấm đẫm tinh thần post-modern đến vậy.



Tất cả đều là kịch! Kịch hết ráo. Kịch từ thủ pháp tạo hình, cắt dán bố cục màu sắc, phông nền. Các bạn để ý đến các chi tiết màu sắc của phục trang các nhân vật hay các tuyến nhân vật phụ như các đội quân...chúng đều có dụng ý cả. Ví dụ như quân của Hoàng đế có 2 loại: một đội mật vụ áo đen và đội quân xung sát cuối phim giáp trắng. Màu trắng là màu gì vậy cà? Kịch cả trong thời điểm và bối cảnh của phim: tại sao thường là đời Hậu Đường (hình như Thập diện mai phục cũng lấy bối cảnh Hậu Đường hay Đường Mạt gì đấy)? Là tớ đồ rằng thời loạn lạc đó vô hại - các triều đại đó của giống Sa Đà, chả liên hệ gì với Đại Hán vinh quang cả. Mà nó lại là sự kéo dài của Trung Hoa rực rỡ thời Đường - người Trung Hoa cận đại vẫn tự gọi mình là những "Đường nhân". Vậy đấy, thật giản tiện để "kể chuyện non nước mình"!



Nhưng tuồng hay vẫn chưa dừng ở đấy. Có bạn bỉ bai nhiều về tính chân thực của yếu tố lịch sử. Có bạn biện hộ thay là đấy là phim truyền kỳ, cần gì chính xác. Hay cho câu "cần gì chính xác" này! Đây chính là dụng ý của Trương tiên sinh: tất cả là phiếm chỉ. Một tinh thần hậu hiện đại chính cống: phục trang rực rỡ huy hoàng, ngực trần phơi phới, những mái tóc "hận trời cao" (lời 1 bạn net), những kiểu móng tay giả của Thanh triều, kiểu ninja Nhật bản trong cung...nhưng trên hết có 1 chi tiết ít bạn hiền để ý: đấy là bối cảnh cung đình này được dùng chính Tử Cấm Thành của những triều đại cuối cùng (Minh, Thanh). Tức là bất xá lịch sử rồi. Ngây ngô đến mấy cũng phải biết thời Hậu Đường thì làm sao lại bê nguyên xi cái Tử Cấm Thành vào được? Kệ, ông cứ bê vào đấy. Trong bài "Xênh xang 1 cõi" viết về TDMP tớ đã nói đến cái phi không gian, phi thời gian của bối cảnh một lần, ở đây cũng thế: một sự phiếm chỉ, một tinh thần trào lộng cao độ. Tớ cá rằng, lúc cậu hoạ sỹ phục trang hỏi ý kiến đạo diễn, anh đạo diễn vỗ vai bảo "được đấy, nhưng anh thích chú cứ phiêu đi cho anh, ngực trễ xuống, tóc bới lên, thêm móng vuốt vào...thế, thế...cho nó phê..như con tê tê...". Ai cũng dễ nhận thấy phim này màu vàng được dùng quá độ, mất cả hài hoà và 1 tiết tấu uyển chuyển tối thiểu. Ngực trần cũng quá độ. Ngực trần làm tớ nhớ đến những nhận xét của Richard Appignanesi - Chris Gattat trong cuốn "Nhập môn Chủ nghĩa Hậu Hiện Đại" về nghệ thuật toàn trị dưới thời Stalin và Đức quốc xã trong thập niên 1930 - "Một sự pha trộn giữa thứ khiêu dâm nhẹ nhàng ngọt ngào với chủ nghĩa hiện thực anh hùng đã trở thành tín điều".


Giữa những la ó khúc khích của người xem, là cái cười tủm tỉm lom dom của bộ phim về tất cả mọi thứ. Quá độ thì đã sao? Lố bịch thì đã sao? Chệch choạc thì đã sao? Đạo mạo mà lố bịch. Phim mà kịch. Kịch mà phim. Tất cả diễn ra để kể về một ngày đặc biệt, tấn trò đời gói gọn trong một đêm - đêm Trùng Cửu, ngày của Lão Dương. Thôi, đã trượt đi mất rồi những ý tưởng phân tích bình luận về những tuồng "trung, nghĩa, hiếu đễ..", những điểm canh đều đặn...mất rồi. Bây giờ chỉ nhớ hình ảnh toàn thành những kẻ mặc áo giáp vàng bị dồn nén đến bất lực, vô vọng trước mũi xe tăng. Phải, những tấm khiên thép cao ngất với những lỗ hổng để chọc mũi giáo nhọn cứ từ từ nghiến nát xương thịt con người giáp vàng ấy không gọi là xe tăng thì gọi là gì? Thời khắc lặng lẽ, khi đoàn thái giám áo xanh kéo lê những xác chết lấm máu đi để tẩy rửa tất cả, bôi xoá tất cả...là thời khắc im lặng đáng kể nhất của phim.



Nhưng hoàng tử Nguyên Kiệt không chết lúc đó. Từ đầu đến giờ tớ có một điểm ngờ ngợ. Đó là hình như trong phim vắng bóng cái cao cả. Có, cũng có đấy nhưng nó không được khắc hoạ thành chủ điểm chính, không có mục đích đặt làm đối trọng với cái ác, cái tầm thường, cái đen tối. Nếu bảo là có thì chính là bởi chi tiết cái chết của Nguyên Kiệt - anh ta lựa chọn, lựa chọn cái chết; sau khi nói với Hoàng Đế rằng điều anh ta làm không phải vì quyền lực (cho dù sẽ đến thời của anh ta - anh ta là tuổi trẻ, là kẻ sẽ kế thừa của Hoàng Đế tất cả). Anh ta làm phản kháng là vì MẸ. Tớ không biết người Trung Hoa có gọi Tổ Quốc là Đất Mẹ như người Việt ta không, nhưng quả thực trong phim tớ thấy ở đây có gì đó không ổn. Nếu đơn thuần là Nguyên Kiệt sẽ được sắp xếp để chết, tự chết sau khi đã phản kháng vì MẸ, thì tại sao lại không có sự chuẩn bị nào cho cao trào này? Theo lý thì đáng nhẽ phải khắc hoạ đến cao độ cái tình mẹ con, cái tâm lý bi thiết cho kịch tính này chứ? Đằng này, tớ thấy trong cái chi tiết anh ta chọn cái Chết vì MẸ ấy có cái gì đó không_thoả_đáng. Chỉ cảm thấy vậy mà không chỉ ra được. Nên cảm giác xót thương đáng ra sẽ đến lạ cứ bị pha trộn thế nào ấy! Còn MẸ của anh ta thì chả biết sẽ thế nào - chỉ biết sẽ phản kháng và có thể chết.



Hết phim. Hết phim mà chả thấy xúc động gì. Chỉ nhoè nhoẹt là xủng xoảng phèng la. Chỉ thấy có cái gì đó không đáng, không thoả khi nhiều người chết đến vậy thôi. "Mãn Thành Đái Tận Hoàng Kim Giáp" - mãi mãi chỉ là giấc mơ ngông cuồng của những anh học trò thi hỏng mà thôi...





Cái tựa đề "Tàn đêm, có đom đóm bay ở mé đồng xa" này tớ vốn định dùng để viết phần vĩ thanh nhưng bây giờ...tàn hứng rồi nên thôi để lại đấy đã. Coi như loạt bài này còn nợ một phần nữa - cho tròn 100.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét