Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2009

Entry for January 31, 2009

Rượu biêng biêng, loáng thoáng thấy TV đang có "Tiếu ngạo giang hồ" đến hồi cuối. Nhạc Linh San chết. Ninh nữ hiệp suy sụp. Tự nhiên bâng khuâng: vì sao Nhạc tiểu muội nhất quyết không hận họ Lâm? Vì sao Ninh nữ hiệp đáng thương cảm vậy? Có phải vì Nhạc tiểu muội đã có tất cả, chỉ thiếu cái kinh nghiệm, cảm giác, tình cảm được bao bọc, yêu thương kẻ yếu? Lâm Bình Chi đáng thương đáng hận rốt cuộc chỉ là 1 kẻ yếu đuối không may. Nhạc Linh San đã hoàn thành được tâm nguyện của mình trong đơn côi.

Nhưng sao cuộc đời lại bất công với Ninh Trung Tắc khảng khái cứng cỏi đến thế? Con gái bà chết còn có chút nguyện ý nhưng nữ hiệp thì thực không cam lòng sống! Không thể, không còn biết bấu víu vào điều gì. Có phải vì cứng cỏi quá thì tất gãy nát? Còn có phải tại vì nhân gian cứ hằng bám víu vào ảo tưởng vĩnh cửu "ở hiền gặp lành, người tốt cũng mạnh, ta thắng địch thua..." nên mới thấy thương cảm đến vậy?

Có phải vì

"Cuộc đời chỉ là một bóng ma mơ hồ, với những thằng hề lơ láo múa rối loăng quăng một giờ ngắn ngủi rồi vĩnh viễn đi vào trong vắng lặng; đời là một câu chuyện oái oăm được kể lại bởi một thằng ngu loạn trí, câu chuyện tràn đầy loạn cuồng dơ bẩn, ồn ào hò hét tuênh toang hoàn toàn vô nghĩa."

(Bùi Giáng-Shakespeare)

-----------

Chư vị bạn hữu, mình đã vui sướng nhận và đọc tin của các bạn. Nhưng xin viện Vương Ma Cật để khất các bạn những trao đổi đầu xuân vào entry sau nhé :)

Quân tự cố hương lai

Ưng tri cố hương sự

Lai nhật ỷ song tiền

Hàn mai trước hoa vị.


Người từ quê cũ đến
Hẳn biết những chuyện ở quê nhà
Ngày đi qua trước cửa buồng thêu
Có thấy hàn mai nở hoa không?


Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2009

Entry for January 23, 2009

Tôrei (1721-1792)
Ensô
Mực trên giấy, 32,5 x 44,3
Sưu tập tư nhân.
(Trích từ Nghệ thuật Zen).
Image Hosted by ImageShack.us

Blogging cuối năm

1. Blog của năm.

Sau năm bùng nổ 2007 thì có vẻ 2008 là 1 năm thế giới blog đi vào bình lặng-cái vẻ bình lặng nội tâm. Có vẻ ít đi những entry lao xao ba lap thường ngày hơn-ngoại trừ những siêu sao thực sự, những người có khả năng đem lại sự thư giãn giải trí cao độ cho người khác. Có vẻ nhiều người từ bỏ blog. Nhưng những blogger hấp dẫn thì ngày càng hấp dẫn hơn :)

Blog đem lại cho ta khả năng giao tiếp rộng hơn, sâu hơn và tinh tế hơn. Không kể cái nguy cơ gây ra tình trạng xao xác mất tập trung và chứng nghiện thì chỉ riêng khả năng làm cho chúng ta có thể chia sẻ với nhau những điều sâu lắng trong nội tâm-những điều mà thật khó để nói với nhau trong ngữ cảnh cuộc sống thường nhật hàng ngày, cho dù chúng ta thân thiết đến bao nhiêu. Bây giờ đâu còn có thể "thanh đàm" như thời của Lưu Linh, Nguyễn Tịch? Bây giờ là thời của cóp nhặt và giễu nhại (kể cả tự giễu nhại).

Trong FL của mình có khoảng 100 blog, nhưng thực sự theo dõi thường xuyên thì chỉ khoảng chưa đến 10 blog. Do xu hướng tìm kiếm (và quan niệm) điều gọi là con người ta phải trọn vẹn trong tất cả những biểu hiện của mình nên mình thường quan tâm đến những blog nào thể hiện nhiều khía cạnh và biểu hiện 1 cá nhân cụ thể hơn là những blog chỉ thiên về 1 chuyên môn-tuy vẫn theo dõi. Kể ra thì trạng thái này cũng thỉnh thoảng thay đổi tuỳ tâm cảnh, lúc thiên về điều này lúc thiên về điều kia. Nhưng nếu blog nào không hứa hẹn điều gì từ tâm thế của blogger đó, "không hạp đạo" thì thường là mình không theo dõi nữa-cho dù có tính giải trí đến đâu.

Cũng lười không xem lại xem tất niên năm ngoái nói gì, có lặp lại không nhưng ngoài những điều đã cũ thì năm nay xin tiến cử 1 blog mới mà mình tự bình bầu là blog của năm trong Favorite List của mình. Blog's Cavenui. Thời sự. Vừa vặn. Đầy đủ. Thông minh.

http://360.yahoo.com/profile-i.U6an4yerAX8Y8GHAJtCrw-?cq=1

Các bác cựu hoa hậu đừng buồn. Đỗ rồi thì thôi nhé :P

2. Dự định

Kể ra thì mình cũng thuộc loại lắm lời, viết dai. Các bạn thông cảm, mình cô đơn lắm :( Tự nhìn nhận thì mình cho rằng blog của mình gần với 2 loại đầu (lao xao, thư giãn) nhưng cũng đang cố gần thêm chút với loại sau (có nội dung). Bây giờ nhớn rồi nên cũng dự định điều chỉnh 1 chút về định hướng blog (không do ảnh hưởng của Thông tư chết toi gì đâu :) của mình. Dự định là bên cạnh các entry theo trường phái "Bí hiểm chủ nghĩa, vu vơ trường phái", mình sẽ luyện tập việc viết về những vấn đề ngắn gọn rõ ràng có nội dung theo 1 vài chủ đề nhất định mà mình có quan tâm và hiểu biết nhất định.

3. Hỏi han cuối năm

Vậy nếu không hiềm gì, bạn có thể cho mình biết: bạn quan tâm điều gì khi đọc blog của mình? Dù gì mình để ý thấy hình như có khoảng hơn 100 lượt xem/ngày blog của mình những lúc cao điểm. Giá mà quen biết thân thiết với tất cả nhỉ?

Mình cũng có tính xấu là ít khi comment nên quả báo cũng ít người comment blog mình. Cũng biết là "vu vơ thế thì bố ai biết comment thế nào?". Nhưng hôm nay rất chân phương và rõ ràng, rất thiết tha mình muốn:

- Chào hỏi và chúc tết tất cả mọi người. Chúc tết các bạn xa xứ. Chúc tết các bạn tại xứ. Chúc các bạn bình an.

- Các bạn để lại 1 comment được hôn :) Mình về quê ăn Tết, hy vọng sang Xuân mở blog ra nhận được thật nhiều lì xì comment. Bạn nào thân ái tặng thêm invite as a friend thì càng thích.

Mình hứa sẽ lì xì lại các bạn.
Cheers!

Bài nói chuyện về Thiết kế cảnh quan-Paysage

Rà soát lại các ghi chép thấy có mấy thứ thú vị, đây là nội dung ghi chép tóm tắt từ 1 bài nói chuyện về paysage-cảnh quan của 1 paysagiste Bỉ, các bạn KTS có thể tham khảo. Nội dung ngắn gọn nhưng khá tổng thể và rõ ý về quan điểm/phương pháp luận/kỹ thuật/hiệu quả. Tôi sẽ còn quay lại với chủ đề này với mong muốn chia sẻ trao đổi với những bạn quan tâm và tóm tắt những kiến thức căn bản dễ xử lý đối với cả người nghiệp dư :)

-----------------

1. Khái niệm lịch sử

- Bắt đầu từ thời Phục Hưng, paysage xuất hiện trong các khung tranh chân dung như là 1 bối cảnh. VD với Leonardo de Vinci. Đặc điểm: 1 đối tượng, 1 cách nhìn.

2. K/n đương đại

- Cách chúng ta nhìn: cái nhìn chủ quan-> biến đổi tuỳ theo đối tượng quan sát và bị ảnh hưởng bởi văn hoá của người quan sát.

- Hình ảnh ta nhìn thấy chỉ là 1 phần của phong cảnh: nó bị giới hạn bởi khung nhìn, tầm nhìn và thay đổi theo chuyển động của mắt.

-> Cảnh quan biểu hiện văn hoá vùng đất, cái được nhìn phụ thuộc văn hoá người nhìn.
-> Có những yếu tố rõ ràng với người này nhưng không rõ ràng với người khác.

- Cảnh quan biến đổi theo mùa-yếu tố thời gian.
- Cảnh quan không quan tâm/không có ranh giới-con người sống trong đó-nó biến đổi trong không gian (kể cả trong lòng đất/bắt nguồn từ lòng đất).
- Cảnh quan xây dựng cảm xúc.

- Cây xanh là dấu hiệu của sự hiện diện của nước-ngay cả khi không có nước mặt.

*Nhận diện khu vực:
- Địa mạo & cây xanh-mặt nước.
-Hoà mình cảm nhận cảnh quan. (Cảnh quan thay đổi theo chuyển động của người nhìn, cảnh quan là hình ảnh chủ quan).

3. Cách nhìn đương đại về cảnh quan

- Cảnh quan là sự chồng lớp của thời gian: ngày hôm qua giải thích ngày hôm nay.
- Đồ án thiết kế (cảnh quan) là lồng vào trong quá trình -> sự cần thiết hiểu biết quá trình để xác nhận tính hợp lý của đồ án-mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên.

- Cây xanh: kiến tạo không gian/thay đổi theo thời gian/liên hệ với con người.
- Ẹnjeu: hoà hợp với thiên nhiên hay chinh phục thiên nhiên.

- Cảnh quan có tính nhạy cảm: nhất thời và biến đổi. Tính thời gian rất quan trọng. (Liên quan đến vật liệu của cảnh quan là cây xanh).

- Không gian có thể từ mở sang đóng theo: (1) Chu kỳ của thực vật (nhiều năm), (2) hay theo đối tượng (hoa, quả), (3) hay theo mùa.
->> Trách nhiệm của con người với tương lai xa.

*Tóm tắt: Kiến tạo cảnh quan phụ thuộc:

(1) Quan điểm,

(2) phông văn hoá,

(3) tính thời gian-tiến trình,


(4) trách nhiệm.

--------------

Giới thiệu 1 dự án ở Lille-tìm lại bản sắc.


1. Liên hệ vùng:

- Vấn đề qui mô vùng: cửa ngõ ra châu Âu.
-> Đặc trưng: đa tâm-trung tâm cổ-trung tâm vệ tinh-trung tâm đại học. Qui mô thành phố: cấp 4 (Pháp). Qui mô vùng: chỉ sau Paris.

-> Ẹnjeu: Khôi phục lại vị thế của Lille. (Tỷ lệ thất nghiệp cao).
- Tuyến TVG quốc tế chạy qua Lille (1986), ga đặt ở trung tâm: động lực phát triển trung tâm tầm cỡ châu Âu.

2. Còn 1 vùng đất hoang 120ha nằm ở trung tâm (đất cổ)

- Mô hình kết hợp đầu tư giữa NN và khối tư nhân.
- Cuộc thi quốc tế: tầm nhìn vượt ra ngoài khu vực. Chú trọng phát triển hạ tầng. Chú trọng phát triển tiện nghi đô thị.

- Giữa 2 khu vực: sự đứt đoạn về tỷ lệ và phong cảnh.

3. Giới thiệu dự án: 3ha.

- Các hình ảnh đặc trưng, tiêu biểu->nhận diện khu vực.
- Tiếp nối 1 khu vực khác thường, gián đoạn!
->Kết nối không gian.
- Vai trò của ga TGV.

*Thú vị:
- Sự đa dạng, nhập nhằng không gian-thêm mặt bằng->nhìn từ trên cao.
- Khung cảnh với nền cây lớn.

*Mục tiêu:
- Giữ cây to. (Đánh giá cây bị bệnh)
- Xây được 50.000m2.

*Sơ đồ đánh giá hiện trạng:
- Loại cây, kích thước, hình dáng.
- Tình trạng cây.
- Sự liên kết.

-> Liên quan đến các lớp đất bên dưới.
-> Sơ đồ cây giữ lại.
-> Sơ đồ phân biệt cây xanh và đất trống.
-> Phân loại cây: cây to độc lập/cây thấp kết mảng->cấu trúc thú vị.

- 3 yếu tố thành phần: điểm/tuyến/mảng
- Cao độ: phải giữ lại cao độ để bảo tồn cây.


- Cơ sở xây dựng: mặt bằng tổng thể, mặt cắt dự kiến địa hình.
- Do sự đa dạng của mặt cắt->cách hoạt động trong cấu trúc công năng nhà->biến đổi đa dạng.
-> Liên quan thiết kế cả mặt bằng cây xanh tầng mái.
-> Tạo ra đặc trưng nhỏ của từng khu vực.

- 2 tuyến giao thông ô tô và đường zigzag đi bộ.
->Nhiều cách tiếp cận không gian xanh.

- Sự đa dạng của cấu trúc mặt nền: cây trồng sẵn làm thay đổi cách trồng cây. Tính toán phương án cho 30 năm sau: cùng phát triển.


-> Bảo vệ cây trong quá trình thi công công trình.

-> Nhiều hạng mục cây xanh liên kết khu vực.

- Ví dụ về hiệu quả thị giác như 1 công trình điêu khắc: Hình và nền/Bóng đổ/mảng+diện+chất cảm vật liệu/tỷ lệ.
-> đưa vào mặt đứng công trình: mặt đứng công trình làm nền cho cây xanh.

-> hình ảnh tương lai của phong cảnh: khi cây lớn lên và liên kết phong cảnh.
-> Vấn đề thoát nước bề mặt.

- Ví dụ: không gian đường dạo thay cho không gian quảng trường:
-> Thay đổi cảnh quan
-> Thích hợp tỷ lệ công trình
-> Gần gũi với con người

- Các lớp cây phong cảnh.
- Sử dụng chất liệu khác nhau: có thể giúp thấm nước và thay đổi màu sắc.
- Khu vực trồng cây tạo thành tuyến sau này. (Yếu tố tạo tuyến).

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2009

Hiểu theo lối trước là chẳng phải

http://dantri.com.vn/c20/s20-304607/cau-sieu-cho-cac-huong-hon-tai-cho-1912.htm
Cầu siêu ở chợ 19/12.

Chỉ cần google với từ khoá "cầu siêu" sẽ điểm lại 1 loạt "đại lễ" trong 1, 2 năm vừa qua. Việc không có gì đáng nói nếu nó không được hậu thuẫn từ chính quyền và báo chí gây cho người ta cảm giác đấy là 1 việc đương nhiên của PG.

Trong thời đại khủng hoàng niềm tin, có vẻ ĐCS muốn đồng nhất với những giá trị tôn giáo chăng, cụ thể ở đây là PG. Người ta xưng tụng Hương Vân Đầu Đà, Trúc Lâm Đầu Đà, Điều Ngự Giác Hoàng thành Phật Hoàng. Tôi không hiểu tường tận nghĩa Hán tự của từ này lắm nhưng điều đó cho thấy người ta vô tình hoặc cố ý muốn nhấn mạnh cái khía cạnh vua-phật phật-vua của ngài. Một đại lễ hoàng tráng kỷ niệm 700 năm ngày mất của "Phật Hoàng". Trăm người biết vạn người hay. Không biết liệu có bao nhiêu người muốn và có tìm hiểu về những ngày cuối đời của "Phật Hoàng" còn ghi lại rõ ràng trong chính sử cũng như phật sử? Đọc đối chiếu giữa những ghi chép trong "Đại Việt sử ký" và trong "Thánh đăng ngữ lục" (theo Trần Nhân Tông toàn tập-Lê Mạnh Thát) gợi ra nhiều điều thú vị đáng suy nghĩ.

Các nhà Phật học nhiệt tình thường rất ủng hộ những Thiền phả liên tục và lâu dài được ghi trong các tài liệu Phật sử. Ví dụ như hầu hết các vua và đại thần triều Lý đều nằm trong dòng truyền thừa "tâm truyền tâm" của các thiền phái bắt rễ đến tận Lục tổ Huệ Năng (coi như chưa kể 28 chư Tổ truyền đăng từ Bồ đề Đạt Ma). Căn cứ vào hành trạng của họ (vua quan triều Lý) còn ghi trong sử, lại đối chiếu với những gian nan sinh tử để giác ngộ còn ghi trong Thiền sử (Trung Hoa và Nhật Bản) tôi hoài nghi sâu sắc mức độ giác ngộ của những Thiền sư-hành chính này. Có thể đó là sự giảm nhẹ tiêu chuẩn giác ngộ trong thời Tượng pháp. Có thể là sự tô vẽ của những môn đồ nhiệt tâm cuồng tín đời sau. Có thể sự tỏ ngộ là phổ biến, nhưng giác ngộ sâu sắc để được đưa vào mạng mạch truyền đăng thì tôi hoài nghi những điều ghi chép đó.

Lẽ tự nhiên khi mới tìm hiểu về Trần Nhân Tông tôi cũng tiếp tục giữ sự hoài nghi như vậy về yếu tố chính trị-tôn giáo trong giới cầm quyền. Trong khi thực sự tôi lại rất tin tưởng vào những tri kiến của Trần Thái Tông còn ghi trong ngữ lục-vị vua khá thầm lặng khi so với Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Nhưng khi đọc về những ngày cuối đời của Trúc Lâm Đầu Đà được ghi trong sử và trong ngữ lục thì chính từ những độ vênh của 2 văn bản lại đem cho tôi thêm nhiều tin tưởng nhiệt tình. Bỏ qua những chi tiết tô vẽ trong Thánh đăng ngữ lục đượm màu huyền thoại hoá của đời sau thì ít nhất ta biết được mấy sự kiện này:

- Từ sau khi xuất gia, hành trạng của Thượng hoàng Trần Nhân Tông ngày càng ít can thiệp vào việc triều chính và chuyên chú trong hạnh đầu đà. Người ngày nay khi trèo lên sườn Tây của dãy Yên Tử (chính là khu vực mới phát lộ gần đây bên phía tỉnh Bắc Giang, cũng chính là cơ sở chính thời Trần của Trúc lâm phái) còn thấy cheo leo thế nào thì hẳn chúng ta thêm kính mộ việc Trúc Lâm Đầu Đà thực hiện thệ nguyện chỉ đi bộ, từ bỏ võng kiệu, ngựa xe.

- Hoạt động của Trúc Lâm thiền phái không hẳn được triều đình và giới trí thức Nho gia thông hiểu hoàn toàn cũng như ủng hộ sâu xa. Một mặt PG vẫn giữ ảnh hưởng lên đời sống quốc gia nhưng ở bình diện 1 thứ tôn giáo hình thức chứ không phải người người thâm chứng, nhà nhà giác ngộ như mô tả đời Lý. Một mặt trong thiền phái những mô tả còn lại cho thấy thực sự tồn tại 1 đời sống đào luyện tâm linh rất miên mật khắt khe theo đúng tông phong.

- Pháp Loa và các đệ tử thậm chí đã hoả thiêu vị Trúc Lâm Đầu Đà theo đúng các nghi thức PG trước khi thông báo về triều đình. Thật là 1 sự kiện kỳ lạ và khá tự tiện! Chính sử còn ghi lại sự giận dữ và nghi ngờ của triều đình trước hành vi của Pháp Loa và chỉ khi có 1 sự kiện có tính chất mầu nhiệm (thấy xá lợi trong áo hoàng tử Mạnh-Trần Minh Tông sau này) mới hoá giải được tình thế. Dù thế nào ta cũng ghi nhận 1 sự kiện là giới PG Trúc Lâm đã hành xử trên 1 thái độ rất xuất thế gian! Và cũng không khí của những sự kiện này cho thấy bắt đầu bàng bạc dấu hiệu suy tàn của thời "tâm truyền tâm" trong thiền phái.

Thời mạt pháp vạn sự đảo điên. Với cái nhìn của người học Phật, tôi thực sự nghĩ rằng nếu Đầu Đà có biết được, ngài cũng bó tay với sự màu mè vô lối của hậu thế. Heidegger đã từng nói đại ý "khi 1 tư tưởng bị ngộ nhận và mọi việc trở lên đảo điên thị phi thì duy nhất chỉ có thể sửa chữa chính bằng 1 lối tư tưởng chân chính và tận căn nguyên". Dầu sao đi nữa phải nhận rằng thời đại này là thời đại mà "tác giả đã chết!" đó sao?

Quay lại chuyện chính quyền và tôn giáo ở VN ngày nay, đừng nói tại sao Công giáo VN lại có phản ứng mặc cảm thiểu số với chính quyền. Gần đây những việc tưởng như đương nhiên này có phần bị lạm dụng. PG đang có vẻ muốn trở thành 1 thứ quốc giáo chăng. Nhẹ nhàng hơn thì người ta gọi là PG "mặt trận", sư "mặt trận". Trong cuốn "Nguồn gốc văn minh" của W.Durant, tác giả có nhận xét rằng một nền văn minh muốn ổn định và phát triển thì cần có tôn giáo, để người ta tin vào những điều cao siêu, huyền bí-để đạo đức được tuân thủ như là 1 nghĩa vụ chứ không phải là kết quả của toan tính. Nhìn lâu vào giữa 2 hàng chữ, khi mà tôn giáo đồng nhất với mê tín dân gian, khi mà cả xã hội phải đồng thanh học tập gương đạo đức của 1 cá nhân cụ thể thay vì những nguyên tắc công chính-thì phải chăng xã hội đó đã xuất hiện những chỉ dấu đáng lo ngại về sự khủng hoảng và suy tàn từ trong căn cốt?


.....

Bèn đứng lên nói:
- Đại tôn đức lừa người để làm gì?

Điều Ngự bèn thở dài. Vị tăng ngẫm nghĩ. Điều Ngự liền đánh. Vị tăng lại định đi ra hỏi. Điều Ngự liền hét. Vị tăng cũng hét.
Điều Ngự nói:
- Lão tăng bị ngươi hét một tiếng, thì hét hai tiếng rốt ráo thế nào? Nói mau, nói mau.

Tăng ngẫm nghĩ.
Điều Ngự lại hét một tiếng, nói:
- Con hồ tinh hoang kia vừa mới đến liến thoắng, nay ở chỗ nào rồi?

Tăng lạy và rút lui.
(trích Bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm)

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2009

Nỗi buồn quan họ




Trước đây, xứ Kinh Bắc đối với tôi là 1 nơi chốn mơ hồ trong dĩ vãng. Gần như là không có gì nổi bật lên khỏi nền cảm xúc miên man từ mấy câu thơ của Hoàng Cầm. Những câu thơ thật đẹp:

Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu...

Nhịp điệu lướt đi như cơn gió đồng buổi chiều mùa hè. Mênh mang dênh dang đi qua núi qua sông qua cánh đồng rặng tre. Chỉ cần như vậy thôi đã da diết một quê xứ. Ngay cả khi mãi sau này tôi mới đi thăm những địa danh dọc con sông Đuống nao nao kia.

Kinh Bắc. Ký ức về quan họ còn đọng lại vương vất trong miền lắng là những đoạn hồi tưởng của Hoàng Cầm về tuổi thơ, trò tam cúc, trải ổ rơm và lá diêu bông.

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
-Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày sau Em tìm thấy lá
Chị chau mày
-Đâu phải lá Diêu Bông
Mùa đông sau Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hỡi!...
-ơi Diêu Bông!... (Lá Diêu Bông / thơ Hoàng Cầm, 1959)



Tôi không thuộc hết bài thơ này nhưng ký ức luôn lưu giữ những ấn tượng liên tưởng ám ảnh đến miên man với

Đồng chiều
Cuống rạ




Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông


mà đã có lần vọng lại trong những câu thơ tôi

Nhìn cơn gió có còn thương mến cũ

Nắng ngang chiều
Trông nắng vãn bên sông


Kinh Bắc còn là 1 chút vấn vương tuổi mới lớn khi đọc "Vị đắng trên môi" từ xa xưa. Những tâm tình mới lớn của trai gái làng quan họ. Câu chuyện về xét loại giọng theo ngũ hành để phân hát cặp. Kết thúc là chia cách, không đến được với nhau...Những chuyện từ ngày đó chỉ còn lại vậy. Nhưng khi nhân công việc mà cần rà lại vốn liếng hiểu biết của mình về Kinh Bắc và quan họ thì tất cả lại dội về bâng khuâng.

Bây giờ nhìn lại mới thấy mới nghĩ nhiều điều. Quan họ vượt lên trên cái nền chung của dân ca Bắc Bộ với những điển hình, ước lệ và chân phương của chèo, tuồng, trống quân...bằng giai điệu mượt mà trong sáng trữ tình. Lời ca chau chuốt, tròn chĩnh, trong sáng. Tuy vẫn những hình ảnh quen thuộc chốn đồng quê nhưng đã được chưng cất thành chất men nồng nàn mà e ấp kín đáo. Thứ ngôn ngữ của 1 lớp người thuộc về 1 quê xứ có tích tụ văn hoá hàng "mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên". Những giai điệu như lướt đi hoà cùng nhịp điệu của vùng không gian giao thoa giữa trung du và đồng bằng châu thổ: lên đồi, xuống sông, ra đồng, vào làng, dưới tam quan, bên bờ tre cạnh bóng đa già...Nó cũng là tượng hình của đây đó, đó đây. Gần mà xa, xa mà gần.

Kinh Bắc có nhiều lễ hội, đình đám. Mảnh đất này danh nhân không nhiều bằng những huyền thoại, truyền thuyết. Phân tâm học nói rằng lễ hội là hình thức nghi thức hoá của vô thức tập thể, cũng là để giải phóng nó. Không gian văn hoá quan họ gắn liền với những lễ hội đình đám. Văn hoá hành vi của quan họ trở thành những nghi thức chặt chẽ tinh tế.

Quan họ xưa là 1 thú chơi-1 cuộc hát không có khán giả và không có nhạc đệm. Thuần tuý là một "hình thức diễn tấu bằng lời thật, không cộng minh, cộng hưởng nhưng vẫn rõ lời" (@HS di sản UNESCO). Một lối giao tiếp được nghi thức hoá, văn chương hoá đã biến những tương ngộ giữa đời thực thành 1 cõi chiêm bao. Những giai điệu khi kết thúc thường chuyển từ giọng thứ sang giọng trưởng và tản ra, lênh đênh mênh mang. Lời quan họ đẹp, ước lệ và trong sáng. Chuyên tả cái tình tương tri tương ngộ mà không bao giờ vượt quá nghi lễ, quá lời nguyền "quan họ không lấy nhau".

Nhưng tôi cũng không tin rằng người quan họ sẽ nói "xin hẹn nhau kiếp sau" như trong lời 1 "bài hát Việt". Bởi vì sao? Lòng người có những chỗ mơ hồ vi tế đầy đa đoan. Đây đó đó đây. "Yêu nhau không đến được với nhau" là 1 nỗi niềm nhưng cũng là 1 bí mật phơi mở của cuộc sống. Quê xứ con người cũng là đất trích chiêm bao.

Thưa rằng: Ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

Trong những vùng đồi núi phía sâu sau những làng mạc đồng bằng, trong những cuộc khảo sát điền dã, người ta còn thấy nhiều dấu vết của người Chàm ở vùng đất này, trong từng gia đình. Tôi thích tin vào giả thuyết có phần phóng túng rằng "quan họ là người Chăm hát chèo". Những người Chăm bị di dân bắt buộc, bị đồng hoá sau những cuộc xâm lấn Nam tiến của người Việt. Nó đưa ra giải thích thơ mộng cho những giai điệu, lời ca buồn, cho cái tình "quan họ không lấy nhau".

Cũng chỉ là chuyện vãn vậy thôi khi mà ký ức xa xưa nhất về quan họ cũng chỉ còn từ đời Lê-Trịnh trong những cầu chuyện kể của gia tộc. Và cái tên chỉ là 1 manh mối nhỏ bé trong câu chuyện dài. Quan họ bây giờ là 1 thứ văn hoá trình diễn: sang thì ở trên sân khấu, truyền hình, hay lễ hội; bình dân thì hát đám, hát mừng. Bất kể cái hình ảnh liền anh liền chị mớ ba mớ bảy chệnh choạng trên những chiếc thuyền vẽ rồng vừa hát vừa đỡ cái khay đựng tiền lẻ của khách xem làm ta áy náy thì điều đó dẫu sao chăng nữa chỉ là bình thường trong thời đại của những giá trị chắp vá này.

Nhưng vang bóng của quan họ xưa đâu rồi? Không ai tắm 2 lần trên một dòng sông. Tôi không có ý hoài cổ thuần lý. Câu hỏi mà tôi vẫn đang tìm kiếm lời giải đáp là: Từ đâu mà con người cũng thịt da tình tự như chúng ta lại chưng cất lên được 1 lối sống, 1 giai điệu để đất trích 1 lần nữa trở thành cõi chiêm bao?


Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây


Trường phái trường phái-Chủ nghĩa chủ nghĩa

2 post vừa rồi lạm dụng hơi nhiều các khái niệm trường phái, chủ nghĩa nên tôi muốn nói lại cho rõ ý quan niệm của mình về mấy khái niệm này. Việc dùng nó vốn chỉ cho tiện dụng trong câu viết chứ tôi không muốn hiểu nó trở thành khuôn mẫu cho những gì nó muốn bao bọc là bản thân các tác giả và tác phẩm.

Hiển nhiên bất cứ 1 tư tưởng, trào lưu...nào đều có cái bóng của nó. Không có cái gì độc lập đứng rời, từ trên trời rơi xuống cả (@biện chứng). Việc chúng phát triển đến mức xuất hiện những đặc điểm đặc trưng và mang 1 tên gọi là điều bình thường. Nhưng nghiên cứu mà xuất phát từ từ điển theo kiểu ngăn kéo xếp loại "trưởng giả chủ nghĩa" thì thật...vô đối! Người nghệ sỹ hay triết nhân đều đối diện với cái hư vô, cái cao cả, tuyệt đối...etc...để suy tư và thể nghiệm. Cái cốt yếu xuyên suốt của những cá nhân này (theo chiều hướng tuyệt đối hoá) tôi nghĩ nó giống như điều mà Karl Jasper (trong Nhập môn Triết học) đã từng dùng hình ảnh rất hay "nguồn suối" để diễn đạt cái tinh thần: suy tư luôn luôn là suy tư từ nguồn. Sự tra vấn của triết nhân luôn luôn là sự tra vấn từ đầu và toàn thể. Việc xếp 1 triết nhân vào 1 ngăn kéo thì tiện cho "học giả" nhưng không ăn nhằm gì với triết nhân cả. Tư cách triết gia của F.Lyotard thể hiện vừa đầy đủ vừa dí dỏm trong cuốn "Hoàn cảnh Hậu Hiện Đại" rằng: 1 chuyên gia thì biết rõ điều gì ông ta biết và không biết còn triết gia thì không. "Một người kết luận, một người tra vấn, đấy là 2 trò chơi ngôn ngữ khác nhau". (Có vẻ hơi hài hước khi sau Lyotard người ta nói quá nhiều về "Post-moderne" mà quên béng cái "la condition" của ông-người sau này thậm chí khước từ "post-moderne" (được cho là của mình) đã bị ngộ nhận tơi tả).

Suy tư từ nguồn suối, có lẽ đấy cũng là điều mà Bùi Giáng thường cố gắng diễn đạt trong nhưng viết lách tung hê của mình. Có lẽ vậy.

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2009

Mấy ý về thư pháp ở Việt Nam hiện nay

Nhân comment của các bác new FTT và Đông A tôi thử ghi lại những ý tưởng của mình về việc này. Quả tình tuy chưa thể triệt để theo như cổ nhân "chỉ đọc sách người đạt đạo" nhưng trong việc tìm hiểu của mình tôi thường cố tránh xa vào những đám hỗn độn chỉ mang lại xúc cảm nhất thời mà khó lòng thoát ra-những chuyện về thư pháp ở VN là 1 kiểu như vậy. Tìm hiểu về các tác phẩm Zenga, cốt yếu là tôi muốn tìm gặp trực tiếp những biểu hiện của các bậc Thầy tâm linh. Để nương theo, có lẽ thế. Thời mạt pháp thật khó mong gặp được 1 vị để ngõ hầu có thể như người kỹ sư trẻ Ấn kia từ bỏ tất cả để theo học Krishnamurti chỉ vì cái thoáng nhìn "sự chú tâm thanh thản của K khi buộc dây giày" từ lần đầu gặp gỡ.

Nhưng không thể phủ nhận rằng quả tình tôi có cái ấn tượng không hứng thú với thư pháp ở VN hiện nay. Trong tinh thần phản tỉnh, nó có thể là 1 vấn đề với tôi. Có thể là 1 loại định kiến tư tưởng. Nệ cổ, sính ngoại? Trong khi tôi vẫn có 1 kiến giải với 1 vài tác phẩm zenga thì điều này cần được phá chấp. Ở đây tôi thử gạch ra những ý tưởng như là 1 đại cương để tìm hiểu về câu chuyện này.

- Thứ nhất phải làm rõ cái gọi là "thư pháp ở VN hiện nay". Nó liệu có phải là 1 hiện tượng, trào lưu đồng nhất? Bác Đông A đã chính xác khi dùng chữ như trên. Vì khái niệm "Thư pháp Việt" hiện nay đang có xu hướng được hiểu như là 1 trường phái viết thư pháp bằng tiếng Việt. Và nó hầu như chưa được thừa nhận nhiều ở Vn, ngay từ trong giới chơi Thư pháp (hiểu theo nghĩa truyền thống). Điều tôi muốn đề cập ở đây là trường phái này, tức là "Thư pháp Việt". Còn thư pháp truyền thống tuy hiện nay còn nhiều bát nháo nhưng đã sẵn có hàng nghìn năm lý luận và thực tiễn phê bình nên không phải là vấn đề bế tắc của VN. Huống hồ trong dòng suy nghĩ về "Thư pháp Việt" vẫn nhất thiết phải quay trở lại với nó.

- Có quá nhiều tài liệu và tác giả nghiên cứu về vấn đề này. Tôi chỉ là người nghiệp dư xem xét vấn đề kiểu bên lề nên chỉ có thể trung thực với những gì ít ỏi mình biết. Cốt sao giữ được tinh thần phương pháp luận để có thể hấp thu những điều mới mẻ khác biệt sẽ đến. Lục lại sách vở trong nhà, có những cuốn sau liên quan đến chủ đề này mà các bạn ở VN đều có thể mua được. Thứ tự tên sách là thứ tự quan trọng theo ý kiến tôi:

(1) Thư pháp & Thiền-Nguyễn Bá Hoàn, NXB Thuận Hoá 2002. Cuốn sách mỏng nhất, in xấu nhất nhưng theo tôi đầy đủ và mạch lạc nhất về chủ đề này. Có phần giống phẩm chất của cuốn "Thiền trong nghệ thuật bắn cung"-cái Hay thường Giản dị.

(2) Nghệ thuật Zen-Stephen Addiss, NXB VHTT 2001. Có nhiều hình ảnh chụp các tác phẩm zenga chất lượng cao khổ lớn so với các tác phẩm cùng chủ đề. Lần đầu tiếp xúc, có thể photo hoặc scan các hình ảnh riêng ra để trực tiếp cảm nhận mà không bị ảnh hưởng của những bình luận.

(3) Hội hoạ Trung Hoa qua lời các vĩ nhân và danh hoạ-Lâm Ngữ Đường, NXB Mỹ thuật. Một tài liệu nguồn cho nghiên cứu phê bình mỹ thuật TH truyền thống. Phần phụ lục có nhiều hình ảnh minh hoạ rất đẹp. Tôi đặc biệt thích bức thư pháp của Vương Hy Chi và ấn tượng với bức hoạ "Ngủ trưa" của Lý Khả Nhiễm.

(4) Thiền trong hội hoạ-C.Horioka&S.W.Holmes, NXB TH TP HCM 2004. Chủ yếu vì có thêm minh hoạ các tác phẩm của Nhật Bản.

(5) Các tác phẩm của Francois Jullien về chủ đề này: Bàn về cái Nhạt, Đại tượng vô hình, Cái Nu không thể có...Ngoài những phụ lục hay như thư pháp của Nhan Chấn Thanh, Vương Hy Chi hoạ của Nghê Toản, còn bàng bạc những phân tích sâu sắc về quan điểm nghệ thuật TH cổ.

(6) Ngoài ra nên kể đến cuốn "Nguyên lý hội hoạ Đen Trắng" của Vương Hoằng Lực. Tuy không liên quan chủ đề này nhưng quả thực là 1 bộ sưu tập tuyệt vời về nghệ thuật Đen Trắng cổ kim. Bức hoạ liên quan mà tôi muốn comment là hình vẽ trên vách đá của những người nguyên thuỷ-xứng đáng là Tổ sư của trường phái Biểu hiện!

Không liên quan gì nhưng nếu để có cái nhìn tổng quan về những trào lưu "tiền vệ" thì vẫn phải động đến mấy chủ đề thời thượng "Nghệ thuật Hậu Hiện Đại" mà có thể kể ra 2 cuốn là "Hoàn cảnh HHĐ" của F.Lyotard và "Hậu Hiện Đại" trong bộ sách tranh Nhập môn.

Tất nhiên sẽ phải xem qua 1 lượt mấy diễn đàn thư hoạ của Vn. Bác nào biết tiếng Tàu thì còn nhiều nữa.
--------------


Quay lại với thư pháp Việt (TPV), tôi cho rằng bất kể những tuyên ngôn hàm chứa mong muốn đột phá hay mở đường thì dòng chảy này vẫn nằm trong lưu vực chung của 1 thượng nguồn là nghệ thuật thư pháp TQ truyền thống. Không thể hiểu và phê bình TPV theo kiểu trên trời rơi xuống hoặc giả theo nhưng tiêu chuẩn xa lạ đến từ môi trường văn hoá khác. Nói khác đi, nếu không nắm được mạch chảy tinh tuý của lý luận phê bình thư pháp truyền thống thì lấy gì mà phê bình cái mới? Hình thức có thể thay đổi nhưng cái tinh thần "khí vận sinh động"-chữ là biểu hiện của tinh thần thì sao có thể thay đổi? Nếu không nắm bắt được nó thì chúng ta sẽ chuyển sang bình diện hội hoạ thuần tuý và có màu sắc hậu hiện đại hoặc 1 kiểu Dada mới.

Do vậy để xây dựng 1 đề cương lý luận phê bình TPV ít nhất theo tôi nghĩ cần phải tìm hiểu các đề mục sau:

- Quan hệ giữa Thư và Hoạ trong lịch sử (TQ-thực tế là VN chịu ảnh hưởng chủ yếu từ TQ).

- Các danh nhân-tư cách trí thức-tư cách nghệ sỹ-trong môi trường VH của họ.

- Những nền tảng ngầm: hệ hình tư tưởng, yếu tố lịch sử XH...

- Đặc thù của chữ Hán (chủ yếu ở bố cục hình vuông). Bút lông. Mực và mài mực. Giấy bản. Lụa.

- Tính nghi thức của Shodo và câu chuyện nét chấm không phải của Trịnh Bản Kiều.

- Nghi vấn: có khi đọc được lại cản trở khả năng cảm thụ tác phẩm.

Xuyên suốt các đề mục trên với tôi là việc đối chiếu với tinh thần của phái Văn Nhân Hoạ khởi từ Tô Đông Pha. Tất cả đều là để biểu hiện cái Thần. Thần đến trước cả ngọn bút, dẫn nó đến nơi nó phải đến. Từ đó đối chiếu với những phê bình chủ yếu với TPV về phương diện "phá hoại tiếng Việt", hay là "không phù hợp".

Dự đoán của tôi là nếu có đi hết cái đề cương này thì kết luận vẫn là: Cái TPV chưa có là cái Thần chứ ăn nhằm gì chuyện hợp hay không hợp!

Hãy xem những tác phẩm zenga Nhật Bản, chư sư còn đi trước phái Tiền vệ cả mấy trăm năm ấy chứ? Ai bảo phải đọc được? Ai bảo phải thế nào?

Ngắm bức tranh "Trúc và đá" của Trịnh Hiệp (Bản Kiều) có cần đọc đâu mà cái khí thế cứng cỏi mạnh mẽ cứ xung lên ngút ngát?
***

Nhưng nói cho công bằng, trước những thực tế phát rồ hiện nay thì câu hỏi lớn nhất của tôi là: từ khi nào mà tính trực tiếp siêu ngôn ngữ của nghệ thuật lại sa trở lại bình diện các ký hiệu, biểu tượng máy móc? Có khi nào là do nghệ thuật đã tách khỏi nghệ sỹ và nghệ sỹ không còn sống trong Đại Đạo? Hay còn vì những người sáng tác thì không phê bình-như Mã Viễn, Hạ Khuê-còn những người phê bình thì không sáng tác-như Đổng Kỳ Xương? Rồi dần dà sinh ra 1 thế hệ sáng tác kiểu các nhà phê bình-gần giồng Hữu Ước :P

Không gì minh hoạ điều này tốt hơn cuốn sách tranh nhập môn "Hậu Hiện Đại": sự luẩn quẩn rối rắm của nghĩa và biểu nghĩa, năng nghĩa...bala bala...
***

Để kết thúc, xin dẫn lại đoạn văn rất hay này của Luận ngữ: "Phấn trắng sau cùng"-dẫn theo cuốn "Hội hoạ Trung Hoa..." do Trịnh Lữ dịch và chú giải.


Tử Hạ nói, "Ý nghĩa của dòng này (trong Kinh Thi) là gì vậy? Nó nói, "Nụ cười của nàng mê mẩn làm sao! Cặp mắt của nàng lôi cuốn làm sao! Và son phấn thật đã hoàn chỉnh diện mạo nàng."

Khổng Tử đáp, "Trong nghệ thuật hội hoạ, người ta dùng phấn trắng sau cùng."*

"Thầy muốn nói lễ phải là cái đến sau cùng chăng?"

"Này anh Sang, điều anh nói nghe được đấy. Ta có thể bàn Kinh Thi với anh được rồi."
-------
*Trong hội hoạ Tq, người ta thường dùng phấn trắng để làm dịu nhẹ sắc độ của các nét bút mực, nhất là khi mô tả sương mù.

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2009

Về 1 cuộc thi "ý tưởng"




http://mag.ashui.com/index.php/tuongtac/phanbien/55-phanbien/652-ho-guom-giua...


Triển lãm 9 phương án dự thi "Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận" đã kết thúc phần trưng bày cho công chúng tham quan từ ngày 15-1-2009. Trong 1 vài ngày tới sẽ là phần trình bày của tư vấn và chấm giải của BGK. Là người ngoài cuộc, tôi không biết liệu ngoài những nội dung đã trình bày ở triển lãm (bao gồm các pano bản vẽ cùng mô hình) thì các công ty tư vấn còn đưa ra các nội dung khác nữa hay không? Có lẽ là không vì cũng giống như thông lệ của các cuộc thi kiến trúc hay QH khác, mọi nội dung đều được nén lại trong 1 vài pano tối thiểu. Quả thực điều cuối cùng mà các KTS đem lại chẳng phải là những thực thể 3 chiều trong không gian? Hà tất phải trình bày quá ư văn vẻ mà hệ quả là dễ sa vào những thứ chung chung mơ hồ vô thưởng vô phạt không tài nào định lượng được.

Tôi đã đi xem triển lãm và muốn comment 1 vài suy nghĩ của mình về cuộc thi này cùng những chuyện xung quanh nó. Những phân tích bắt đầu bằng những gì tôi nhìn thấy được trong triển lãm.

Với 1 khu vực đã phát triển quá mức như khu vực hồ HK thì ngay từ đầu tôi cũng không hy vọng nhiều vào 1 tương lai thay đổi xán lạn gần kề từ cuộc thi này. Bài học từ những nghiên cứu về "khu 36 phố phường" vẫn còn nguyên đó. Điều khiến tôi háo hức muốn tìm hiểu là những đơn vị tư vấn "được chọn" mà phần nhiều có yếu tố nước ngoài sẽ đưa ra những gì mới mẻ từ 2 phương diện: cách tiếp cận vấn đề, và kỹ thuật phân tích không gian kiến trúc cảnh quan. Khi phân tích 1 dự án kiến trúc thì nhất thiết không thể thiên vị 1 trong 2 mặt này được. Đặc biệt là khía cạnh kỹ thuật phân tích không gian KTCQ-là thứ mà hiện trạng của KTVN còn đang gần như bằng không. Được biết tài liệu đầu tiên về "Hình thái học đô thị-Morphologie urbaine" còn đang trong quá trình biên soạn và chưa được xuất bản. Tôi hy vọng có thể tiếp cận được với những kỹ thuật phân tích không gian mới nhất từ các nhà tư vấn nước ngoài.

Cảm giác đầu tiên là hơi hụt hẫng. Không kể những đơn vị đã biết thì lần này tôi chú ý đến phần phương pháp luận của 3 đơn vị có phần mới mẻ là Nikken Sekkei, MQL và 1+1>2 (and Acamedia Italia). Nhưng cả 3 đều không đem lại ấn tượng như dự kiến. Có lẽ khá nhất là NS với những nội dung phân tích mặt bằng theo từng terme: Đặc rỗng, Sở hữu công trình, SD đất, Tầng cao CT, Tuổi thọ độ bền, Công trình quan trọng. Tiêu chí phân tích cho thấy sự khảo sát là khá tổng thể tuy nhiên vấn đề là tôi không nhận thấy 1 thao tác xử lý dữ liệu nào ngoài sự mô tả thuần tuý có tính chất kiểm kê. Nó làm mạch lạc từ vấn đề đến ý tưởng trở nên có phần hình thức.

MQL thì không những tổng thể hơn mà logic trình bày của họ còn "tổng quát" đến cực đoan khi bắt đầu bằng hình ảnh quả địa cầu! 1 chút hài hước nhưng dẫu sao nó nhắc ta nhớ đến yêu cầu của cách tiếp cận cấu trúc trong phân tích đô thị. Thiết kế đô thị-Urban Design-Projet Urbain là khái niệm còn quá mới mẻ và không hoàn toàn tương thích trong các ngữ cảnh khác nhau của các trường phái nên việc phong phú về phương pháp luận là điều đáng vui! Có điều trong hoàn cảnh xem lướt tóm tắt thì cảm giác còn lại với tôi là phân tích của MQL quá nặng về câu chữ thuật ngữ và xa lạ với đặc điểm hiện tình của dự án. Hơi mây gió. (Bằng chứng là giải pháp đề xuất "tấm gương thiên đường" chả ăn nhằm gì với thực tế quá tải hạng nặng của khu vực trên mọi khía cạnh từ hạ tầng kỹ thuật tới hạ tầng xã hội đi kèm).

1+1 thì hoàn toàn lẫn vào cùng các thành viên còn lại về phương pháp luận.

Nói như vậy có đại ngôn? Nhưng tôi có quyền tự hỏi tại sao trong 1 nội dung thiết kế đô thị tại 1 địa điểm vừa có đặc trưng cảnh quan tự nhiên vừa tích tụ chồng lớp rất nhiều quá khứ văn hoá lịch sử...như vậy mà lại thiếu vắng hoàn toàn những kỹ thuật, khái niệm phân tích rất căn bản như: chuỗi phối cảnh, tính đóng, mở của không gian, điểm nhìn chủ đạo, tiêu điểm nhìn, tiết diện nhìn, không gian chuẩn bị, tỷ lệ không gian, góc nhìn, trường nhìn, lực thị giác, chất cảm vật liệu, tính thấm...Bạn có thể phê tôi máy móc nhắc lại những thứ abc, nhưng tôi vẫn băn khoăn: làm sao có thể làm toán khi lờ đi các khái niệm cộng, trừ, nhân, chia? Hay là vì chúng ta đang làm văn? :P Những khái niệm và kỹ thuật đi kèm tôi đề cập ở trên có 1 đặc điểm rất quan trọng: nó giúp ta định lượng những thụ cảm thẩm mỹ không gian thực. Thực ở đây có ý là cái view nhìn thật của mắt người nhìn vào những đối tượng đang có chứ không phải view của camera con kiến bò sát đất hay con chim bay tít trên trời.

Còn cách tiếp cận vấn đề thì sao? Hoàn toàn không có 1 ý kiến nào hoài nghi tính chính đáng của đề bài-về ranh giới nghiên cứu của dự án cả. Cách người ta xác định ranh giới của dự án nó cho ta thấy toàn cảnh vấn đề. Ta nói (cái này nhại các bạn SG :) đối tượng đúng, vấn đề đúng thì ý tưởng mới chính đáng. Trong khi đó cá nhân tôi thấy việc lấy hồ Gươm làm đối tượng rồi chọn đại khái 1 phụ cận để thiết kế đô thị thì thật tình có vẻ người ta đã bỏ qua cái rất căn bản của quy hoạch đô thị; ít nhất trên 2 phương diện: hình thái và cấu trúc đô thị. Hiếm có 1 đô thị nào có cấu trúc đa dạng mà mỗi thành phần lại có hình thái điển hình như Hà nội. Cũng vừa xinh là Hồ Gươm lại có vai trò như 1 trung tâm hoà giải của nhiều loại hình thái đô thị đến như vậy.

Người phân tích rõ ràng nhất về cấu trúc hình thái đô thị của khu vực này mà tôi biết thì may thay cũng có tên trong BGK cuộc thi. Ông Nguyễn Quốc Thông có chỉ ra rằng đặc trưng lịch sử lớn nhất của mặt bằng khu vực này-mà đã được khai thác rất tinh tế bởi người Pháp-nằm trong logic nội tại của từng bộ phận cũng như ý đồ định vị bộ khung các công trình chính của thành phố của KTS. Theo trục Bắc-Nam, 2 mặt phố Đinh Tiên Hoàng và Hàng Trống (kéo dài gọi là Hàng gì nhỉ?) cùng 1 lôgic của loại nhà lô phố có tính chất thương mại. Nhưng có sự khác biệt tinh tế: phía Đinh Tiên Hoàng là logic của khu 36 phố phường với nhà ống, mặt tiền nhỏ, kiểu kiến trúc truyền thống trong khi mặt đối diện-vốn thuộc về khu nhượng địa của Pháp thời kỳ đầu-là những lô được chia lớn hơn với mặt tiền mang phong cách kiến trúc "kiểu Pháp" là chủ yếu. Cả 2 chung nhau những đặc điểm về phân vị, tỷ lệ và tính chất khai thác.

Trục Đông-Tây là logic của các công trình công cộng khối lớn đánh dấu bằng trục Mairie gồm các cơ quan công quyền của thành phố nhưng bám theo trục Đông Tây (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) chứ không quay ra bờ Hồ kết thúc với Ngân hàng Đông Dương và phía đối diện là trục tâm linh đánh dấu bằng Nhà thờ lớn (trên nền chùa Báo Thiên xưa). Cũng phải nói không dưng mà cái toà soạn báo ND lại bịt mặt cái trục kia lại. Người ta chỉ lặp lại cái việc chồng lên biểu tượng bằng biểu tượng mới mà thôi! Những việc làm vô ý tứ về sau đã hoàn toàn phá chiều sâu của không gian QH xung quanh hồ Gươm như chúng ta thấy ngày nay. Tất cả đều nông cạn, sừng sững và hồ Gươm ngày càng giống 1 cái ao tù.

Vì ngay từ khởi đầu đã bị vênh như vậy nên tất nhiên những triển khai ý tưởng về sau của các phương án đa phần đều sa về không tưởng. Ở đây chỉ điểm qua vài điều rất căn bản.

+ 1 phương án đề xuất khuyến khích dân cư chuyển đổi sang kinh doanh khách sạn. Người ta quên mất cái linh hồn của những khu phố cũ, phố cổ là đời sống văn hoá đã tích tụ hàng trăm năm của cái cộng đồng đó. Làm du lịch, nhất là khai thác du lịch thái quá chính là cách tệ hại nhất để giết đi cuộc sống của những di sản đô thị. Ở Singapore người ta đã phải trả giá rất đắt để nhận ra rằng cuối cùng chỉ còn lại những cái vỏ nhà và những cuộc trình diễn sắp đặt văn hoá giả trang. Tinh thần của nơi chốn đã cạn kiệt. Điều đáng quý và cái Tâm cái tầm của người lãnh đạo đô thị lại được thấy ở 1 ví dụ trái ngược là di sản Hội An. Ông Hoàng Đạo Kính có 1 bài viết kể về việc lãnh đạo Hội An quyết tâm vận động từng hộ dân giữ nhà, giữ nếp sống; thậm chí sẵn sàng bỏ tiền mua lại những trường hợp bất khả kháng để rồi cho chính chủ những căn nhà đó thuê lại. Tất cả chỉ để cố gắng cứu lấy hơi thở cuộc sống của 1 đô thị đang bị du lịch hoá thái quá.

+ Như trên bản đồ có thể thấy lớp nhà nằm giữa phố Đinh Tiên Hoàng và Cầu Gỗ đã tồn tại ngay từ đầu. Không thể đồng ý dù chỉ từ giả thuyết những phương án định xoá bỏ hay thay đổi cấu trúc hình thái ở đây. Tất nhiên Hàm Cá Mập thì ngoại lệ. Nên thay đổi, mà tốt nhất phá hẳn đi để mở rộng và nhấn mạnh ý nghĩa quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là quý nhất. Ai phá tôi ủng hộ :P

+ Việc kéo dài và tái phục hồi ý nghĩa của trục từ Nhà thờ lớn ra hồ Gươm là nên làm. Nhưng không nên đưa công trình vào đó. Ý nghĩa nhất là có nội dung biểu tượng và kỷ niệm lại những giai đoạn cổ xưa của hồ Gươm kiểu như sa bàn, bia đá....Làm sao cho nhiên hậu con cháu sau này nhiều người biết ngày xưa Báo Thiên ở đâu :)

+ Cuối cùng, 1 ý tưởng tuy có hơi hướng trên mây nhưng tôi lại đánh giá rất cao, xứng đáng đưa vào list những đại dự án nên nghiên cứu ngay khi kinh tế đi qua thời kỳ suy thoái. Đó là ý tưởng của Viện QH đề xuất phá bỏ và chuyển đổi các công trình lân cận Nhà hát lớn như Viện Địa Chất, Bảo tàng Địa chất...định hình bằng các phố Đặng Thân, Phạm Ngũ Lão...để thiết kế mới 1 công trình có cùng phong cách kiến trúc, tiếp tục kéo dài cung tròn của Khách sạn Hilton hiện tại, biến quần thể này thành 1 quảng trường có dáng dấp như các quảng trường thời Trung Cổ ở Địa Trung Hải. Cùng táo bạo cực đoan tới "vô trách nhiệm" như nhau nhưng việc này xứng đáng hơn chuyện đuổi EVN đi nhiều. Vì những ý tưởng bên bờ Đông xem ra đều chắp vá và không có chút tinh tế nào như thời Pháp thuộc. Chỉ đồng ý 1 điểm nên vận động UBND TP quay mặt lại bám trục Đông-Tây và lưu ý phong cách kiến trúc của mình so với anh em xung quanh 1 tý. Chỉ 1 dự án như vậy đủ tạo ra lớp lang không gian mới mẻ, hoành tráng hơn và tái khẳng định 1 trục văn hoá nhưng ở trình độ và chất lượng cao hơn hẳn. Nó cũng góp phần giảm tải thiết thực cho khu vực hồ Gươm.


Bây giờ mới nói lại từ đầu cho mạch lạc. Hồ Gươm là điểm giao kết, hội tụ của các thành tố đô thị có lịch sử và bản sắc đặc thù khác nhau. Vì vậy chỉ có thể đóng góp cho không gian hồ Gươm tốt hơn khi hiểu và tôn trọng những dấu vết cấu trúc văn hoá, lịch sử tích tụ kia. Việc đó sẽ quyết định ranh giới nghiên cứu. Nó cũng góp phần tiết chế những mơ mộng ngây thơ muốn gom cả ngọn Tu di bỏ lên đầu mũi kim. Chư vị nghĩ coi, Thủ đô bây giờ rộng hàng đầu thế giới, sao cứ ép uổng cái hồ bé bé xinh xinh nhiều quá thế? Vậy mới lâm vào cảnh bế tắc hay ngây ngô về những vấn đề giao thông, tăng tải lên hạ tầng...

Để tạm kết câu chuyện này, xin dẫn lại lời của Leon Van Schaik trong cuốn "Quy hoạch đô thị theo đạo lý châu Á" của William Lim:

"Song song với Andrea Kahn và Nikos Papastergiadis (tất cả đều làm việc độc lập) ông (Lim) đã khám phá ra sự chấp nhận phổ biến và được cảm tình cho những không gian bị bỏ hoang chưa đưa vào thiết kế trong thành phố bởi các dân cư đã bác bỏ những không gian được thiết kế có ý thức".



Mối tình tri kỷ trong bài thơ "Ông Đồ"




Bài này cảm động. Nhất là trong không khí cuối năm mù mù lành lạnh này. Link từ blog bạn, nguồn trên CAND 4-2-06.
--------------
Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay.

Nhưng mỗi năm một vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu.

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?







Mỗi niên đào hoa khai,

Tổng kiến lão Tú tài

Truy nghiễn hồng tiên bãi

Thông cù nhân vãng lai.

Đa thiểu thị tự dã

Trách trách tiễn chu kỳ

Xảo bút nhất huy tựu

Như phụng vũ long phi.

Lãnh lạc niên phục niên

Cô khách hà mang nhiên?

Hồng tiên bi sắc thâm

Truy nghiễn sầu mặc kiên.

Tú tại do tại ty

Quá lộ hữu thùy tri

Tiên thượng hoàng diệp lạc

Thiên biến tế vũ phi.

Kim niên đào hựu tân

Bất kiến cựu thời thân

Trù tướng không hàng vọng,

Cổ hồn hà quy vân?







Mỗi năm khi hoa đào nở, tôi lại đến thăm nhà thơ trào phúng Tú Sót (tên thật là Chu Thành), một ông đồ trong CLB Cảo thơm thư hiên. Trong cái thanh tịnh của một sớm đầu Xuân Bính Tuất, nhà thơ Tú Sót kể lại cho tôi nghe buổi "hầu chuyện" thơ của ông với cụ Vũ Đình Liên cách đây vừa đúng 15 năm như một sự tri ân với tác giả bài thơ "Ông đồ".






Đây cũng là buổi "hầu chuyện" cuối cùng của Tú Sót với tác giả Ông đồ vì sau đó vài năm, thi sĩ tài hoa này đã về nơi vĩnh hằng. Thật ra ý định ghi lại xuất xứ bài thơ Ông đồ đã được ông Tú ấp ủ từ năm 1989, nhưng rồi cứ nấn ná vì lý do này nọ mà chưa thực hiện được. Và ngày 24/10/1991, một buổi chiều thu nhạt nắng, sau khi thắp hương viếng phần mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà thơ Tú Sót đã mời nhà thơ Vũ Đình Liên lại nhà mình để được "hầu chuyện".



Kể lại kỷ niệm này, ông rưng rưng: "Rất ít người biết rằng, bài thơ Ông đồ và nhiều bài thơ khác của cụ Vũ Đình Liên còn nặng kỷ niệm về người vợ tảo tần của nhà thơ. Cụ gọi đó là cái tình tri âm, tri kỷ đã theo cụ trọn cuộc đời. Bà chẳng làm nghề gì cao sang, chỉ là cô hàng xén ở phố Hàng Bồ. Cụ Liên khi đó là anh chàng thư sinh học trường Bưởi, ngày nào cũng đi qua con phố có cô hàng xén dễ thương đó và chẳng biết tự bao giờ, chàng trai trẻ thi sĩ này đã phải lòng. Phải lòng gánh hàng chỉ có kim, chỉ, đèn dầu, phải lòng người bán hàng nhu mì, đôi má ửng hồng e thẹn, nhưng chàng thanh niên Vũ Đình Liên còn phải lòng cả cái khung cảnh bình dị mà chỉ có trái tim thi sĩ mới rung lên được sợi tơ tình cảm đó: bên cạnh cô hàng xén còn có một ông đồ già ngồi viết chữ. Họ ngồi cạnh nhau nhiều tháng trên hè phố cùng kiếm sống nhưng cũng không bị cảnh sát đuổi phạt bao giờ.







Thời đó, kẻ sĩ nước mình có mấy ai giàu. Ông đồ nghèo đến nỗi không có nhà phải ngồi ở vỉa hè để bán chữ, mà còn không có cả tiền mua giấy nên phải ngồi bên cô hàng xén. Để khi có khách đến thuê viết, ông đồ chỉ cần với tay về phía cô hàng xén: "Này, này, cô cho tôi nhờ tờ giấy, nhờ cái bút", vậy là được cả đôi bên! Họ cứ dung dị sống, dung dị gắn bó mưu sinh với nhau trên một góc vỉa hè chật chội mà đâu có biết rằng, có một anh chàng thư sinh nho nhã đã khắc ghi hình ảnh đó trong lòng.






Cụ Tú Sót chậm rãi: "Thơ không phải lúc nào muốn là bật ra được, nó phải là những cảm xúc căng chật trong lòng, là những nỗi buồn khắc khoải mà không viết ra anh không thể hóa giải nỗi lòng mình được". Ban đầu, cụ Vũ Đình Liên khắc họa hình ảnh Ông đồ chỉ bằng một câu vè: "Hàng Bạc đi lên Hàng Bồ. Trên đường đi học, ông đồ buồn thiu". Nhưng rồi, có một ngày xuân, nhà thơ đi qua con phố thân thuộc đó, bỗng thấy trống vắng, chỉ còn những bậc thềm hoang lạnh vì không thấy ông đồ đâu nữa. Nhìn phố xá và dòng người thờ ơ vô tình đang thưởng ngoạn vui xuân, nhà thơ đã đau đớn nhận ra vì sao ông đồ đã rời bỏ nơi này. Người đời lãng quên ông đồ, lãng quên luôn một nét văn hóa truyền thống. Chỉ kịp nghĩ đến đó, trái tim đa cảm của nhà thơ bỗng bật lên một tiếng nấc thương xót kẻ "hàn nho mãi tự": "Năm nay đào lại nở. Không thấy ông đồ xưa. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?!".

Sau này, khi bài thơ Ông đồ đã trở thành một tác phẩm văn học đỉnh cao về niềm hoài cổ thì có người cho rằng, nếu Vũ Trọng Phụng là ông "vua cười", cười bật máu ra đầu ngòi bút thì nhà thơ Vũ Đình Liên phải là ông "vua khóc", khóc tuôn ra đầu ngòi bút những dòng nước mắt, tiếng khóc lay động cả những tâm hồn vô cảm nhất. Tâm sự lại điều này với người bạn thơ già Tú Sót, cụ Vũ Đình Liên hài hước mà mắt ngấn nước: "Điều này, tôi phải giành giải nhất, tôi chẳng nhường cho bất cứ ai. Nhưng bạn ạ, có lúc tôi cảm giác bài thơ Ông đồ hình như không phải của mình mà là tiếng nói từ ngàn xưa vọng lại"...

Câu chuyện xúc động này được nhà thơ Tú Sót ghi lại vào một chiếc băng cassette cũ kỹ, thi thoảng, nhớ bạn nhớ cảnh, nhớ tình, ông lại mang ra nghe để ngâm ngợi, đủ thấy mối thâm tình của hai tâm hồn hoài cổ đồng điệu.

Tôi chợt nhớ tới mấy vần thơ cuối trong bài thơ "Gửi tác giả bài thơ Ông đồ" của nhà thơ Tú Sót: "Ông đồ sống lại khóc nhà thơ. Hay là xót mới với thương xưa. Tiếng nấc nối liền bao thế kỷ. Nhà thơ nay lại hóa thành thơ". Những ông đồ hiện đại dù không khăn xếp, áo the nhưng có lẽ sự hướng thiện thành tâm với văn hóa cổ trong họ sẽ là một cầu nối thực tại với quá khứ, để mỗi cái Tết vẫn lưu giữ được hương vị truyền thống ngày xưa.





---------------------





P/s: Blog bác Đông A có nói chuyện về thưởng thức thư pháp. Tôi cũng có đọc qua vài cuốn sách, chủ yếu là về Thư đạo Nhật Bản (shodo). Theo tôi tinh thần của Thư đạo khác với Thư pháp ở 1 điểm rất căn bản: Thư pháp vốn chỉ dừng ở việc là 1 nghệ thuật viết chữ đẹp. Nhưng thế nào là đẹp thì cũng khó lĩnh hội nên càng về sau càng loạn quan điểm. Trào lưu "Thư pháp Tiền vệ" khởi đi từ Nhật mà mới đây có manh nha du nhập vào Vn là 1 ví dụ. Trong khi đó Thư đạo gắn liền với việc thể nghiệm trình độ nội tâm theo Thiền tông (Zen). Nói cách khác, thoáng qua thậm chí nhiều bức shodo còn có vẻ "không đẹp" nhưng nhất thiết nó là biểu hiện trực tiếp và sống động của một nội tâm viên mãn. Một cách tuyệt đối thì chỉ người có tâm chứng cùng 1 trình độ thâm thiết mới lĩnh hội hoàn toàn điều này nhưng thực tế (như từ bản thân tôi chẳng hạn) ở mức độ rất sơ khai nhưng nếu có 1 vài kinh nghiệm nhỏ nhoi cũng đủ khiến ta trực cảm được sức mạnh nội tâm từ những tác phẩm shodo đó.

Người Nhật có đưa ra 1 cách tiếp cận khá cơ giới nhưng có vẻ lại cũng là 1 bằng chứng khá chắc chắn để phân biệt chân nguỵ trong các tác phẩm Shodo: đó là khái niệm "mặc khí"-hiểu như cái khí của mực, vận bút-được cụ thể hoá bằng những hình chụp kính hiển vi điện tử phóng to lên hàng vạn lần. Mặc khí, hình ảnh của vệt mực còn lưu lại, phân bổ trên giấy của người đạt đạo thì trong trẻo, đậm nhạt rõ ràng, bố cục sống động, mạnh mẽ. Trong khi nguỵ tác thì chỉ thấy mặc khí hỗn độn lờ đờ yếu ớt.

Thực ra cũng không cần phải chi li như vậy để cảm nhận chân nguỵ hay cảm nhận sức mạnh nội tâm từ tác phẩm (người Nhật gọi là "mặc hội"). Nếu bạn đã từng có kinh nghiệm tập vẽ, hoặc tập viết thư pháp thì sẽ dễ dàng hơn nhiều. Người học vẽ từ buổi sơ học đến lúc có vài năm kinh nghiệm sẽ rất dễ dàng phân biệt được nét vẽ "yếu" và nét vẽ "cứng" hay còn gọi là "đẹp". Một cách tự nhiên từ nét vẽ "cứng" được dùng phổ biến hơn. Chắc hẳn là do hàm ý nội lực của người vẽ nữa. 1 ví dụ để bạn có thể tự thử nghiệm: để vẽ 1 đoạn thẳng, người bình thường sẽ vạch 1 nhát bút và thông thường nó sẽ theo quy luật lúc đầu đậm, sau nhạt dần đi do vận bút nhẹ dần. Bây giờ bạn vẽ lại 1 đoạn tương tự nhưng bạn định hình trước 2 điểm đầu cuối và đưa bút một cách có định hướng, không quá nhanh nhưng dứt khoát mạch lạc, trôi chảy. Nhìn lại bạn sẽ thấy sự khác biệt rất rõ: nét đầu hời hợt, mỏng mảnh chấp chới còn nét sau vững vàng trầm ổn, hàm súc sức mạnh, sự phong phú khả năng biến đổi đa dạng. Để đến với mặc hội hay shodo thì logic trên còn rất thô thiển nhưng quả thực ta để trực cảm của ta tái tạo lại sự vận bút của tác giả-với điều kiện biết 1 chút về cách viết chữ Hán để lần theo dấu vết- ta như thấy được cả sức mạnh, thần thái của người viết lúc đó.

Cũng nên nói thêm 1 chút về khái niệm "khí" của phương Đông. Tôi cảm nhận về "khí" giống như những cảm nhận về vận bút ở trên. Nói 1 cách thô sơ, có lẽ khí là cái cảm nhận mà ta trực giác được do đối diện với những dòng chảy của trình tự, bố cục, sự lưu chuyển...Ví dụ như mặc khí của Thư đạo thì sinh động lưu chuyển bởi nó từ 1 thực tế lực vận bút của người viết dứt khoát trôi chảy kỳ diệu. Không phải đậm hay nhạt, càng không phải mạnh hay yếu mà chính là sự trôi chảy liền lạc liên lỉ của nét bút để lại 1 trật tự sống động, như vết mây trên nền trời còn đang trôi mãi. Mặc khí nguỵ tác thì tù hãm lờ đờ xuất phát từ 1 nét bút vô định hướng, tô đi tô lại ngu ngơ.

Nhớ lại buổi đầu sơ học môn hoạ, khi chuyển sang tập vẽ đầu tượng thạch cao, một nhóm 6-7 đứa cùng vẽ 1 đầu tượng thì y như rằng tranh của đứa nào cũng phảng phất khuôn mặt, thấn thái đứa đó :) Rồi ngay cả bản thân tranh của mình trong 1 thời gian, nhìn lại có thể nhận rõ được lúc nào vui, buồn, chán nản hay mệt mỏi. Rất rõ ràng và hiển hiện. Nên cũng có câu "xem tranh biết người" là như vậy. Mở rộng ra để xem nét viết của 1 người cũng được nhưng không rõ ràng như xem tranh.

Có 2 tác phẩm mà tôi ấn tượng nhất:
+một là vòng tròn "viên tướng-Ensô" của thiền sư Torei (1721-1792) (Stephen Addiss, L'art Zen). Chỉ là 1 nét bút khép 1 vòng tròn mà sức mạnh nội tâm, cảm hứng Mật tông hiển hiện thật mãnh liệt trong nội tâm ta.

+và "Bằng thủ bút" của Nhan Chấn Thanh (Yan Zhenqing, thế kỷ thứ VIII, trang đầu "Bằng thủ bút"-từ phần phụ lục của cuốn "Bàn về cái Nhạt"-" Éloge de la Fadeur", Francois Jullien). Mặc khí liên lỉ, thản thản đãng đãng, trầm ấm như khí núi mùa xuân-như đứng trước người Nhân vậy. Đấy là Thư Pháp..

Trong 1 comment đã lâu tôi từng cảm thán:

Trong thư pháp thông thường thì hình thái tượng trưng cho tinh thần.

Trong thư đạo, hình thái là biểu hiện của tinh thần.

Trong 1 lần trao đổi với bạn, tôi đã nghĩ thế này:

TƯỢNG TRƯNG: tôi dùng với nghĩa "dùng một sự vật cụ thể có hình thức hoặc tính chất thích hợp để GỢI RA SỰ LIÊN TƯỞNG đến một cái trừu tượng nào đó"

BIỂU HIỆN: "hiện rõ hoặc làm rõ ra bên ngoài (nói về cái nội dung trừu tượng bên trong).

TƯỢNG TRƯNG là cái nghĩa thường trực, ước lệ. Nhiều khi từ một tượng trưng đến kinh nghiệm trực tiếp đơn lẻ là cả chuỗi những tượng trưng trung gian của truyền thống văn hoá. Nó gợi ra liên tưởng, vậy nó trải qua nhiều hơn 1 sát na.

BIỂU HIỆN ở đó, toàn vẹn, duy nhất, và tức thời. Một lần gặp, một lần mới. Nó là "phi tứ cú".

Trước Thư Pháp, ta thấy chữ, thấy người viết. Sinh ý tán thán.

Trước Thư Đạo, ta bối rối thấy chính mình bơ thờ. Tiến không được. Thoái không được.




Thứ Ba, 13 tháng 1, 2009

Cháu bà nội tội bà ngoại-Nguyễn Hiến Lê

Nói đến văn minh Việt Nam, nếp sống tình cảm Việt Nam thì phải dẫn hai câu tục ngữ này mà có lẽ chỉ dân tộc chúng ta mới có:

Nhất mẹ nhì cha, thứ ba ba ngoại

Cháu bà nội, tội bà ngoại

Câu trên, ai cũng hiểu được: ông bà nào cũng yêu hết thảy các cháu, nhưng thường yêu cháu ngoại hơn cháu nội vì hai lẽ: trong xã hội cổ, con gái về nhà chồng, ít người được sung sướng, cực nhọc thì nhiều mà được khen thì ít, nên cha mẹ thương con gái hơn là con trai ở bên cạnh mình, mà hễ thương con thì thương cháu: lại thêm cháu ở với ông nội, bà nội, lâu lâu mới về thăm bên ngoại, nên được bên ngoại cưng, mà hai tiếng "quê ngoại" luôn luôn gợi trong tâm hồn chúng ta những kỉ niệm cảm động mà nên thơ.

Còn câu dưới thì phải trải qua cảnh như anh em chúng tôi hỏi nhỏ, mới hiểu được hết ý nghĩa thâm thúy, chua xót.

Tôi sinh ra đời thì bà nội và ông ngoại tôi đều đã qui tiên từ lâu, mà ông nội tôi cũng đã thất lộc được vài năm, nên tôi chỉ được biết có bà ngoại.

Đời bà thật long đong, lấy lẻ một ông phủ, chưa được mười năm thì góa chồng và chỉ sanh được mỗi một người con gái. Tính bà khảng khái, không chịu được thói quan cách và có lẽ hơi khinh bạc của con chồng, bà dắt má tôi hồi đó còn nhỏ, về ở với một người em trai, làm lược để nuôi con, nhất định không lui tới họ hàng bên chồng nữa. Khi tôi đã hơi lớn, mỗi lần giỗ ông ngoại hoặc các cụ ngoại tôi, má tôi đều dắt tôi theo, nhưng tuyệt nhiên không lần nào bà ngoại tôi đi cả.

Lược bà làm là thứ lược bí, ngày nay không còn thấy. Răng lược bằng tre cắt, ngâm kĩ cho khỏi mọt, phơi thật khô rồi vót cho đều, nhỏ, mỏng, đặt cho sát nhau, chỉ hở một kẽ rất nhỏ bằng sợi tóc, sau cùng gắn lại bằng sơn. Công việc cần kiên nhẫn, khéo tay và tỉ mỉ.

Bà sống bằng nghề đó, chật vật trong mười mấy năm, chắc nhiều lúc thiếu thốn, có lần bị cháy nhà, nhưng không hề vay mượn của ai. Má tôi và tôi được di truyền tính đó của bà: gặp những lúc nghèo túng thì thắt bụng lại cắn răng mà chịu, không nhận sự giúp đỡ của họ hàng.

Khi má tôi đã lớn, bắt đầu biết buôn bán thì bà tôi mới nghỉ làm lược, và ít năm sau, má tôi về nhà chồng thì ba má tôi đều mời bà về ở chung, như vậy mẹ con suốt đời không lúc nào rời nhau. Nhà tôi nghèo, không mướn người giúp việc, nên bà tôi coi việc bếp núc và săn sóc bốn anh em chúng tôi. Đứa nào cũng do bà đút cơm, bồng bế, tắm rửa cho cả, vì má tôi bận buôn bán quanh năm. Bà cực khổ nhất với tôi, vì hồi nhỏ tôi hay đau ốm. Lại thêm, lúc tôi vừa mới dứt sữa, ba tôi bị Pháp nhốt ở khám lớn Hà Nội một tuần lễ để tra khảo, bắt khai tung tích hai ông bác tôi làm quốc sự đã trốn từ lâu. Ba tôi có biết gì đâu mà vì hai bác tôi tuyệt nhiên không liên lạc gì với gia đình tôi hết. Suốt tuần lễ đó, ngày ngày bà tôi bồng tôi ngồi vào một chiếc nón ở gốc một cây me bên hông khám. Lớn lên mỗi lần đi ngang qua chỗ đó, tôi lại bùi ngùi nhớ lại chuyện cũ.

Hồi kí xa xăm nhất là năm tôi sáu tuổi. Lần đó vì mải chơi, không thuộc bài, tôi bị ba tôi nọc ra đánh. Tôi khóc lóc, van lạy, bà đương nấu bếp, vội bỏ đó, lên xin giùm cho tôi.

Tôi được tha tội, một lát sau, chạy xuống bếp, bà xoa đầu tôi hỏi:

- Có đau không con? Lần sau nhớ học xong rồi hay chơi nhé. Bà đã nhắc con học, mà con không nghe lời. Bà đã để dành cái này cho con này.

Và bà chìa cho tôi một trái ô mai, không biết cất ở đâu từ hồi nào.

Bây giờ tính lại thì tôi thấy năm đó bà mới ngoài ngũ tuần, mà lưng đã khòm - có phải tại mười mấy năm ngồi vót răng lược không - và tóc đã bạc nhiều. Nước da bà sáng sủa, vẻ mặt thanh tú, thân hình nhỏ nhắn, nhưng trán thấp và ít nói, ít cười, suốt ngày cặm cụi làm việc và quanh quẩn với các cháu.

Mấy năm đó, anh em chúng tôi tương đối sung sướng, nghĩa là nhà cửa đông đủ, hòa thuận, không đói rét, thỉnh thoảng được ăn quà, tết nhất có áo mới.

Nhưng năm tôi tám tuổi thì ba tôi mất sau một trận đau vài tháng. Sáng sớm hôm đó bà tôi đánh thức tôi dậy, dắt tôi đi ngang qua chỗ ba tôi nằm. Mấy tuần nay, mùng của ba tôi không lúc nào vắt lên, nhìn vào thấy người nhắm mắt nằm yên, tôi tưởng người còn ngủ. Ra tới nhà ngoài rồi, bà tôi mới bảo:

- Cậu con mất hồi gần sáng rồi. Con đương đau mắt, đừng khóc, mắt thêm sưng mà khổ đấy. Thương cậu thì cố nén đi. Hôm nay và vài hôm nữa con nằm ở nhà ngoài này. (Nhà ngoài đó là nhà của một bà cô tôi, vì ba gia đình chia nhau ở chung một ngôi nhà cổ, sâu thăm thẳm của tổ tiên để lại). Nào, nằm xuống bà đắp thuốc cho.

Tôi không khóc thành tiếng, nhưng thổn thức, nước mắt ứa ra.

Hai ngày sau, đưa ba tôi tới huyệt rồi, trở về nhà, vào lúc năm sáu giờ chiều. Trời gần cuối thu, u ám, lá bàng đỏ bay lả tả dưới gió lạnh. Tôi buồn và lo, nghĩ bụng: "Mới hai tháng trước cậu còn khỏe mạnh, và mới tuần trước ông lang còn bảo bệnh sẽ hết, mà bây giờ mình đã hóa ra con côi. Nếu rủi mẹ càng lại đau nữa thì bốn anh em mình...! Lần đó là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy thấm thía sự bất an toàn của kiếp người. Tôi chỉ lo thầm như vậy thôi, không dám thổ lộ ra với ai.

Từ đó tôi quấn quít với bà hơn nữa. Suốt ngày trong nhà chỉ còn có một già và bốn trẻ.

Ba tôi mất rồi, cảnh nhà thật thảm. Tôi là anh cả, mới tám tuổi, em gái út tôi mới sanh được mấy tháng. Một mình má tôi phải nuôi mẹ già và bốn đứa con nhỏ. Người còn lo lắng gấp mười, gấp trăm tôi nữa, nhưng cùng không phàn nàn, chỉ thỉnh thoảng, buổi tối, ngồi nói chuyện nho nhỏ với bà tôi và thở dài.

Một phần vì phải làm việc nhiều hơn trước để đủ chi tiêu, một phần vì về tới nhà chỉ thấy không khí lạnh lẽo, nên quanh năm người buôn bán không nghỉ, chỉ trừ ba ngày Tết, ngày Thượng nguyên, ngày Trung nguyên đi lễ Phật và hai ngày giỗ: giỗ cha và giỗ chồng.

Cảnh của người còn vất vả hơn cảnh bà Tú Xương:

Quanh năm buôn bán ở ven sông

Nuôi đủ năm con với một chồng.

vì dù sao bà Tú cũng còn chồng.

Người ra đi từ mờ mờ đất, tối mịt mới về nhà, thành thử mọi việc trong nhà bà tôi phải đảm đương lấy hết. Lúc đó mà không có bà thì chắc anh em chúng tôi đã phải li tán, kẻ về Sơn Tây với một ông bác, kẻ về Sơn Tây với một ông bác, kẻ lại ở nhờ một bà dì mà chắc là chẳng học hành gì được cả. Thật là “tội bà ngoại”.

Sự chi tiêu trong nhà phải rút xuống cái mức tối thiểu. Bà tôi phải chắt bóp từng đồng. Ngày nay mỗi lần đọc bài "Nhặt là bàng" ở đầu truyện Đôi Bạn của Nhất Linh, tôi lại xúc động nhớ lại thời đó, cứ cuối thu đầu đông, có gió lớn là bà bảo tôi và em trai tôi xách một cái thúng ra cửa ngõ nhặt lá bàng với bà. Bà lom khom lượm một lát, lại cố đứng ngay lên, đưa tay ra phía sau, đấm đấm vào xương sống.

Tôi bảo:

- Bà về nghỉ đi, để chúng con nhặt một nháy mắt là đầy thúng.

Bà mỉm cười, không lượm nữa, ngồi đợi chúng tôi để cùng về.

Một thúng lá bàng không đáng một xu, nhưng bây giờ tôi mới thấy cái lợi tinh thần thật vô cùng: nhờ sự làm lụng, gia đình đoàn kết mà vui vẻ, càng khổ cực càng thương nhau hơn.

Cuối hè, khi trái bàng chín, rụng đầy đường, chúng tôi cũng lượm về cả rổ, phơi khô lớp củi, bửa hột ra lấy nhân ăn, béo bùi hơn đậu phộng, còn lớp vỏ cứng của hột để đun bếp, than đượm hơn than củi.

Mấy năm sau, nhờ cần kiệm, gia đình tôi lại vượng lên một chút, anh em tôi tết lại có áo mới, riêng bà thì không chịu may sắm thêm gì cả, tới trầu cau bà cũng bỏ, nhưng trong cái hộp sắt nhỏ của bà, luôn luôn có một ít xu hào, và mỗi năm độ hai lần, vào mùa hè, tối nào thật nóng bức, thấy anh em tôi chạy chơi ở ngoài phố về mồ hôi nhễ nhại, kiếm nước vối uống thì bà bảo:

- Đừng uống vội, bà cho cái này.

Rồi bà mở hộp sắt nhỏ ra, chìa cho chúng tôi một đồng năm xu bằng kền:

- Ra hàng chú khách ở bờ sông mà uống một chai nước chanh.

Nước chanh hồi đó là thứ limonade chứa trong một cái chai lớn hơn chai coca bây giờ một chút, trong cổ ve, cho gần miệng có một hòn bi bằng thủy tinh trong suốt. Ngồi trên bờ đê Hồng Hà, gió thổi lồng lộng, uống nước chanh, chúng tôi cho là không sướng gì bằng, nên hợp từng hớp nhỏ một, để kéo dài thời gian, tận hưởng cái vị vừa chua vừa ngọt vừa cay nó thấm vào miệng, lưỡi, cuống họng, rồi truyền khắp cơ thể.

Ba tôi mất được hai năm thì má tôi cho tôi theo một người anh họ về Sơn Tây thăm quê nội. Hồi đó chưa có xe đò đi Sơn Tây, phải đi tàu thủy của hãng Bạch Thái Bưởi, hoặc ngồi xe kéo đi từng chặng một từ Ô Cầu Giấy lên Nhổn, Phùng, Sơn Tây. Lần ấy chúng tôi đi tàu thủy. Bến tàu ở ngay trước nhà. Tàu đã kéo còi mấy lần rồi mà chưa chạy. Tôi hơi sốt ruột, bỗng nhìn lên bờ, thấy bà tôi bồng em út tôi, lúp xúp chạy xuống. Tới nơi bà bảo em tôi:

- Đưa hoa cho anh đi.

Nó chìa cho tôi một bông lài. Thứ lài này không biết bà tôi lấy giống ở đâu, cao tới hai thước, phải cắm cọc cho nó dựa. Chỉ có một gốc mà như một bụi lớn. Bông to gần bằng bông hồng, thơm thoang thoảng.

Tôi bồng em tôi, nựng nó, nó trắng trẻo, mũm mĩm, hiền lành, rất dễ thương. Khi tàu sắp chạy, tôi đưa nó cho bà, bà bảo.

-Con nhổ vào bàn tay nó đi cho nó khỏi nhớ.

Tôi thấy hơi kì cục, nhưng cũng vâng lời, chấm nước miếng, quệt vào gang bàn tay nó. Rơi bà lại bồng nó, lúp xúp lên bờ, tới mặt đê, ngừng lại, ngó tôi một lần cuối, nắm tay em tôi đưa lên vẫy vẫy.

Tàu từ từ rời bến, nước mắt tôi ứa ra, lần đó là lần đâu tiên tôi xa bà. Mùa đó là mùa nước đổ, tàu chạy ngược dòng rất chậm, nhìn những đám bèo và cành cây khô trôi trên dòng nước đỏ như gạch, nhìn làng xóm đìu hiu hai bên bờ, chỗ cạn chỗ bồi, tôi buồn vô hạn. Hình ảnh bà tôi và em tôi hôm đó không bao giờ tôi quên được.

Một lần cảm động nữa là lần bà khuyên tôi. Năm đó tôi đã vô học trường Bưởi.

Ba bốn chục năm trước không có phong trào học tư rầm rộ như ngày nay, cả Hà Nội chỉ có một hai trường tư dạy chương trình Trung học cho những học sinh thi rớt vô trường công. Học trò trường công như tôi nếu được lên lớp thì ba tháng hè tha hồ chơi, nếu không được lên lớp thì đành ở lại một năm, chứ không học tư thêm. Vả lại ít gia đình đủ sức cho con học tư: học phí rất cao, từ ba tới năm đồng một tháng, bằng ba ngàn, năm ngàn đồng bây giờ.

Thấy tôi ở không, má tôi cho tôi về Sơn Tây học thêm chữ Nho với bác tôi một hai tháng trong mỗi vụ hè để "sau này đọc được gia phả, chứ không lẽ con cháu nhà Nho mà không biết gốc gác ông bà" như người nói.

Hôm tôi sửa soạn lên đường, bà gọi tôi lại bảo:

- Mẹ con cho con về học chữ Nho với Bác Hai con, hợp ý bà lắm. Bà chỉ gặp ông nội con có vài lần, nhưng bà rất quý cụ. Bà nghe nói hồi khánh thành cầu Sông Cái[40] cụ đi coi cầu gặp ông Trần Văn Thông[41]. Ông Thông thấy tướng cụ phúc hậu, làm quen, hỏi chuyện, biết cụ đậu Tú tài, ở nhà dạy học, hỏi cụ có muốn đi tri huyện thì ông giới thiệu với "quan Tây" cho. Cụ từ chối. Bà nghe vậy biết rằng bên nội con có đức. Sau, các bác con không ai chịu thi cử để làm quan, mà cậu con cũng không chịu làm việc cho Tây, thà chịu cảnh nghèo, như vậy đều là nối được cái đức của cụ nhà cả. Con về quê, học thêm chữ Nho là phải. Cho bà gửi lời thăm các bác con nhé.

Suốt đời bà không rầy tôi, mà cũng chỉ khuyên bảo tôi mỗi lần đó là quan trọng hơn hết. Bà đã thay má tôi, nuôi nấng, săn sóc chúng tôi, lại thay cả ba tôi trong sự dạy dỗ chúng tôi nữa. Ngày nay, anh em tôi, con cháu tôi có ai giữ được một chút cái tính khí khái của bà, không chịu lụy ai, cái đức cần cù, tiết kiệm, cố chiến đấu đế vượt khỏi cảnh nghèo, cái nếp sống đạm bạc, cái tinh thần thanh khiết của nhà Nho, phần lớn là nhờ bà.

Công của bà đối với chúng tôi lớn lao như vậy mà chúng tôi chưa đền đáp được chút gì. Chỉ có mỗi một lần tôi đã làm cho bà tôi vui. Nghỉ hè năm đó tôi học tư để luyện thi vào trường Bưởi. Ông Đốc trường tư là một nhân viên kế toán ở sở Hỏa xa. Thấy tôi giỏi toán và cẩn thận ông bảo sáng chủ nhật lại nhà làm sổ sách giùm ông, ông cho tiền mua sách. Tôi cộng sổ trọn một buổi sáng, ông đưa tôi năm hào. Năm hào hồi đó bằng năm trăm đồng bây giờ. Tôi mừng quá, vội vã về nhà để đưa cho bà tôi.

- Bà, con làm sổ cho ông đốc, ông cho con tiền này,con không tiêu gì bà giữ lấy giùm con.

Bà cười:

- Ừ để bà giữ cho, khi nào có muốn mua gì thì bà đưa.

Được hai chủ nhật như vậy rồi thôi, cộng là một đồng. Đồng bạc đó là số tiền đầu tiên tôi kiếm được trong đời, và tôi muốn dâng hết cho bà, không bao giờ tôi xin lại.

Lần đó là lần đầu tiên vui nhất trong đời tôi, lần sau, tiếc thay bà tôi không còn nữa.

Hôm đó vào mùa thu, tôi đi coi bảng từ buổi sáng, thấy đậu vô trường Cao Đẳng Công Chánh, về nhà không báo tin cho ai cả, ngong ngóng đợi tối má tôi về. Khoảng tám giờ tối, tôi đương nằm ở giường đọc sách thì nghe tiếng má tôi gọi từ ngoài cửa:

- Trong nhà có đứa nào không, ra tiếp tay cho tao này.

Tôi nhảy phắt xuống đất, chạy ra vừa thấy má tôi, tôi thưa ngay:

- Con đỗ vào trường Công Chánh rồi mẹ ạ, Đỗ đầu. Được học bổng.

Má tôi cười rất tươi:

- Giỏi nhỉ.

Rồi hai mẹ con cùng nhau khiêng thúng gạo vào. Tới phòng đặt thúng xuống, tôi bảo:

- Giá bà còn thì bà mừng lắm.

Má tôi thở dài, hai mẹ con ngồi yên lặng một chút, rồi người hỏi tôi:

- Có phải sắm sửa gì vào trường không?

Vì bà tôi đã mất năm trước, vào thượng tuần tháng sáu âm lịch. Cũng như một năm, hè năm đó tôi về Sơn Tây, nhưng mới ở được độ mươi bữa, nhân bác tôi và một người em họ tôi có việc xuống Hà Nội, tôi cũng về theo. Tới nhà thì được tin: hai đêm trước, bà tôi trong khi rửa chân trước khi đi ngủ, trúng phong té xỉu. Má tôi khiêng người vào, đánh gió, đổ gừng vào miệng, người mở mắt ra, nhưng cấm khẩu, toàn thân tê hệt, không cử động được nữa. Chắc bà tôi đã đứt gân máu. Má tôi vừa tính nhờ người về Sơn Tây gọi tôi thì may sao tôi đã xuống kịp như có linh cảm gì đó. Tôi ngồi bên cạnh bà, nắm tay bà, hỏi "Bà có nhận ra con không? Con đây này", nhưng người chỉ nhìn trân trân mà không cử động. Nước mắt tôi lã chã.

Bác tôi mời cụ Tú Phùng ở hàng Bồ lại chẩn bệnh. Cụ coi mạch một lúc lâu, bảo má tôi:

- Cụ suy rồi, trị khó hết được, nhưng tới mùa thu này mới đáng ngại.

Rồi cụ quay lại nói với tôi:

- Lúc này đương nghỉ hè, cậu chịu khó săn sóc cụ đi để đáp ơn cụ.

Nhưng tối hôm đó người tắt thở, một cách thật bình tĩnh. Tôi không được hầu hạ người trọn một ngày nữa! Tôi thức trọn đêm đó bên cạnh người, ôn lại những năm bà cháu sống với nhau.

Đám tang của người, hết thảy họ hàng bên ngoại tôi đều tới đủ mặt. Nhưng người ba chục năm trước tỏ vẻ khinh bạc với bà, bây giờ đều kính trọng bà, kính trọng tính khí khảng khái và đức hi sinh của bà. Từ khi biết suy nghĩ tôi không bao giờ thấy bà tỏ vẻ ghét họ cả, cũng không chê trách họ một lời; đối với những kẻ giàu sang mà hợm mình, bà không biết tới họ, thế thôi.

Mộ bà tôi nằm ở làng Mọc Hạ Đình, trong một cánh đồng lúa, bên bờ sông Tô Lịch. Nhưng ba chục năm nay tôi không được về thăm. Ngoài đó không còn ai là máu mủ, chắc quanh năm không được một nén hương.

Cô Hồng Minh (1856 - 1928), một học giả Trung Hoa đồng thời với Nghiêm Phục, và thuộc lớp đàn anh của Lương Khải Siêu, thấy trong nước ai cũng đề cao văn minh phương Tây, bèn qua du học châu Âu để tìm hiểu xem văn minh đó ra sao. Ông ở châu Âu luôn mười mấy năm, đậu những bằng cấp triết học, văn học cao nhất của Đức, Anh, Pháp; rối lại tìm hiểu tận gốc văn minh La Mã, Hi Lạp, qua cả Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đọc hết một phần tư sách trong thư viện Geneviève ở Paris, thông thạo bốn năm sinh ngữ và hai cổ ngữ châu Âu. Sau mười mấy năm khảo cứu tường tận đó, ông tìm ra được tiêu chuẩn này: Muốn đánh giá một nền văn minh thì cần nhất là phải xét xem nền văn minh đó đào tạo được những người dân ra sao, những người làm cha, làm mẹ, làm con ra sao; còn những cái khác như mĩ thuật, văn học, kiến trúc, khoa học, kĩ nghệ... ông cho là phụ thuộc hết. Vì cần nhất là con người, con người có tốt thì xã hội mới tốt đẹp và những cái con người tạo ra mới tốt đẹp được.

Một nền văn minh tạo được những người đàn bà hi sinh cho cha mẹ, chồng con như bà ngoại và má tôi, thì phải coi là rất đẹp rồi, mặc dầu có thể cổ hủ về vài phương diện. Nhìn tình trạng xã hội tan rã kinh khủng lúc này, chúng ta mới thấy công lao với gia đình, với xã hội của những bà cụ đó. Hồi xưa chúng ta không có Cô Nhi viện, Dưỡng lão viện, Dưỡng bần viện, vì xã hội chúng ta không cần những tổ chức đó. Ông bà cha mẹ hi sinh cả đời mình cho con cháu, tuyệt nhiên không nghĩ tới bản thân; họ hàng làng mạc đùm bọc nhau, cho nên con cái được nuôi nấng dạy bảo, người già được săn sóc, tôn kính. Mất cái tinh thần gia tộc, tinh thần tương trợ trong họ hàng, làng mạc rồi, mới phải lập cô nhi viện, dưỡng lão viện. Vậy thì những cơ quan từ thiện này đâu phải là dấu hiệu của sự tiến bộ. Chỉ để cứu vãn một sự sụp đổ thì đúng hơn. Chỉ là một sự bấc đắc dĩ: có trẻ nào mà muốn vào cô nhi viện, có ông già bà già nào muốn vào một dưỡng lão viện? Những cái đó không phải là nhà, gọi nó là viện cho đẹp đẽ vậy, chứ sự thực chỉ là những cái trại như trại lính.

Tôi không phủ nhận tinh thần hi sinh của những vị trông nom các trại đó, nhưng tôi nghĩ giá cái nếp sống cũ của minh mà còn thì hiện nay trong nước không có nhiều trại cô nhi như vậy đâu. Mười bà quả phụ bây giờ có bao nhiêu bà chịu hi sinh cho con, tôi không được biết. Anh em chúng tôi thực có phước được sinh vào thời trước, thời mà nhiều người gọi là cổ hủ, và trong một gia đình còn tôn trọng nếp sống cũ.

Bà tôi, má tôi đều góa chồng từ hồi trẻ, thế nào mà chẳng có nhiều lúc thấy thân phận mình là khổ; nhưng chắc chắn các người còn khổ hơn cả chục lần nếu phải để con cháu các người phải xa các người. Các người rất chất phác, không thắc mắc tìm hiểu ý nghĩa của đời sống như các triết gia.

Các người chỉ lẳng lặng hi sinh, mà còn có cuộc đời nào đẹp bằng cuộc đời hi sinh?

Câu:

Nhất mẹ nhì cha, thứ ba ba ngoại

Chẳng phải chỉ diễn tả lòng yêu cháu của bà ngoại mà thôi đâu, còn gọi công của bà ngoại nữa. Công đó ở xã hội ta nhiều khi hơn công của bà nội, cho nên mới có thêm câu:

“Cháu bà nội, tội bà ngoại”.

Tết Vu Lan năm 2518 Phật lịch 1974

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2009

LÀM CON NÊN NHỚ -Nguyễn Hiến Lê


Hôm nay tôi đọc lại không biết là lần thứ mấy bức thư của Livingstone Larnod nhan đề là Làm cha nên nhớ mà Dale Carnegie đã trích dẫn trong cuốn Đắc nhân tâm, bức thư mở đầu như vầy: “Con ơi, con ngủ, má đỏ tóc mây dính trên trán..."

Trong cái kho tàng văn học Đông, Tây tôi chỉ mới thấy được bốn năm bài cảm động như bức thư ấy. Lần nào đọc lại tôi cùng rưng rưng nước mắt mà hối hận rằng, đã nhiều lần, y như ông Livingstone Larnod, đôi khi tôi tỏ ra gắt gỏng quá, nghiêm khắc quá với con tôi, bất công với nó nữa. Nhưng hôm nay đọc lại, tôi còn cảm động hơn tất cả các lần trước, tôi đã sụt sùi vì chẳng những tôi đã nghĩ đến con tôi mà còn nghĩ tới ba tôi nữa.

Lạ thật! Bức thư đó chỉ là lời sám hối của một người cha mà sao hôm nay nó lại gợi cho tôi lòng sám hối của một người con, là tôi.

Hồi đó tôi mới đúng năm tuổi, vừa thuộc vần quốc ngữ. Ba tôi chỉ bài cho tôi rồi đi thăm một người bạn; trước khi đi dặn kỹ tôi ở nhà phải học bài cho thuộc đã rồi hãy chơi để khi người về thì trả bài. Nhưng ba tôi vừa mới ra khỏi cửa thì một đứa trẻ bên hàng xóm qua rủ tôi đánh bi và tôi đã quên lời dặn của ba tôi, vui vẻ đánh bi. Vài giờ sau ba tôi về, bài không thuộc và tôi bị nọc ra đánh. Tôi không còn nhớ trận đòn đó dữ ra sao, chỉ nhớ rằng bà ngoại tôi phải xin giùm cho tôi.

Tối hôm đó, ăn cơm xong tôi vẫn còn len lét, tính mở sách ra học thì ba tôi bảo: "Tối nay cho con nghỉ học; thay quần áo rồi đi chơi với cậu". Tôi mừng quýnh. Ba tôi thuê xe lại đường Paul Bert, dắt tôi vào tiệm rực rỡ ánh đèn, mua cho tôi một gói kẹo tây, rồi hai cha con nắm tay nhau thủng thẳng đi lại hồ Hoàn Kiếm, phía đối diện với Tháp Bút, ngồi hóng mát và thưởng sen bên bờ nước. Ba tôi giấu gói kẹo, bảo tôi kiếm, đùa giỡn với tôi bên bãi cỏ. Chỗ đó vắng người và ít ánh đèn. Bình thường ba tôi rất nghiêm khắc mà lúc đó thật âu yếm.

Chuyện đó có gì lạ đâu, mà sao đã gần nửa thế kỷ, hôm nay tôi vẫn còn nhớ rành mạch, nhớ từ nếp khăn ba tôi chít tới những đám sen trên mặt hồ. Hồi đó tôi chỉ cảm được lòng thương của ba tôi chứ nhất định là chưa phân tích được tâm lí của người, nhưng hôm nay tôi đã hiểu tâm lý đó.

Tâm lí đó cũng y như tâm lí của tôi cách đây mười sáu năm, hồi con tôi mười một tuổi. Một lần nó vô ý mắc nhiều lỗi nặng khi làm bài; tôi đánh nó mấy roi; mươi, mười lăm phút sau, qua cơn giận, tôi thấy tôi vô lí, tôi hối hận, vắt cho nó một li nước cam, đưa lên kề môi cho nó uống và trong khi nó uống thì nước mắt của chúng tôi rớt trên tập vở của nó, làm nhòe mất mấy chữ. Chiều đó tôi cho nó nghỉ học sớm, rủ nó ra sân đánh bi. Và tôi để cho nó thắng. Thắng được tôi, nó thích lắm. Hôm nay nó còn nhớ trận đòn đó không (tôi mong rằng không), nhưng tôi thì không quên.

Một nỗi thương tâm chung cho loài người là khi hiểu được tình của cha mẹ thì cha mẹ thường đã khuất bóng. Sau cái đêm trên bờ hồ Hoàn Kiếm, ba tôi chỉ sống thêm được khoảng hai năm. Bây giờ đây tôi biết đổi cái gì cho ba tôi sống lại được, dù chỉ trong mười phút, để nghe lời sám hối của tôi, đọc bức thư này của tôi!

Tôi biết rằng một đứa trẻ mới năm tuổi thì chưa thể tự chủ được, chưa hiểu được thế nào là bổn phận, việc nào là phải làm, vậy thì tuổi đó tôi ham chơi, không học bài, đâu phải là có lỗi. Nhưng hôm nay tôi vẫn sám hối. Vì tôi đã gây khổ cho ba tôi, dù chỉ là vô tình. Đêm hôm đó chắc ba tôi đã bứt rứt, hối hận lắm, nên mới âu yếm với tôi như vậy. Xin vong linh cậu tha lỗi cho con. Hôm nay lòng con cũng nát như lòng cậu đêm đó vậy.

Phải có con rồi mới hiểu được nỗi lòng của cha. Trong một trăm gia đình, dù giàu dù nghèo, đã sang dù hèn, tôi không chắc có được một gia đình nào mà cha mẹ không buồn khổ ít nhiều vì con cái. Chúng ngu đần thì nhất định là cha mẹ buồn rồi, mà chúng thông minh thì nhiều khi cha mẹ cũng bực mình; chúng khó dạy thì nhất định là cha mẹ khổ rồi, mà chúng dễ dạy thì cha mẹ chưa chắc đã khỏi khổ. Hồi nhỏ tôi thường được khen là ngoan mà nay nhớ lại đã bao lần làm cho cha mẹ tôi rầu rĩ. Rồi còn biết bao gia đình trẻ mắng lại cha mẹ, từ bỏ cha mẹ mới là đứt ruột cho chứ! Nếu không vậy thì lại là những đứa chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến cha mẹ. Hai mươi lăm tuổi đầu, tư chất kém, thi hoài Tú tài 1 mà không đậu, mà vẫn không chịu kiếm một nghề để giúp nhà, vẫn bắt cha già bảy chục tuổi lọm cọm kiếm từng đồng một để đóng tiền cơm, tiền học cả ngàn đồng mỗi tháng. Những cảnh thương tâm đó nhan nhản trong xã hội.

Thời nay nhà giáo dục nào cũng bênh vực quyền lợi của trẻ, điều đó rất chính đáng. Người lớn chúng ta nhiều khi bất công thật, có kẻ tàn nhẫn nữa, cho nên lời của Livingstone Larnod mới làm cảm động lòng ta như vậy, mới được dịch ra mười bốn thứ tiếng, đăng trên hàng trăm tờ báo, đọc trên hàng chục đài phát thanh. Nhưng có ai lưu tâm chỉ một chút thôi, tới nỗi lòng của cha mẹ không? Trong mấy chục năm nay tôi chưa được đọc một cuốn nào, một bài nào kể những nỗi khổ tâm của người cha đấy. Không dạy trẻ thì có tội bỏ bê chúng, mà dạy chúng thì làm sao chẳng có lúc nghiêm khắc mà phải chuốc lấy lời trách oán của các nhà giáo dục kia?

Má tôi ít học, nhưng có tình thương con thì là có lương tri, mà có lương tri thì còn hơn là có tiền: người đã để tôi tự ý định đoạt lấy cuộc đời của tôi, không can thiệp vào sự lựa nghề, sự lập gia đình của tôi. Hồi trẻ tôi cho vậy là tự nhiên; phải đợi tới ngày nay, hai thứ tóc rồi, tôi mới hiểu rằng người đã hi sinh cho tôi. Không hi sinh mà tôi là con trưởng lại để tôi sống xa người tới hai ngàn cây số! Không hi sinh, mà nhà tôi trước sau làm dâu không đầy một tháng! Không hi sinh, mà người phải đi về bốn ngàn cây số để bồng cháu nội của người trong có bảy ngày!

Những giả sử hồi đó người có "can thiệp" vào đời sống của tôi thì bây giờ tôi cũng hiểu được rằng người không phải là ích kỉ. Người chỉ tìm hạnh phúc cho con người theo quan niệm, kinh nghiệm của người thì thôi. Người làm sao có thể hành động khác được vì con của người chẳng phải là một phần của người, là tất cả hi vọng, là lẽ sống của người ư? Khi quan niệm của cha mẹ không hợp với nguyện vọng của ta thì ta bảo rằng cha mẹ không sáng suốt! Lạ thật!

Chí lí nước chảy xuôi chứ không bao giờ chạy ngược như tục ngữ đã nói. Tình thương của cha mẹ tự nhiên như nước chảy xuôi mà lòng hiếu của con phải nhờ giáo dục, nhờ kinh nghiệm rồi mới có.

Không, tôi không tin cha mẹ mà lại ích kỉ bao giờ. Ích kỉ là chỉ nghĩ tới mình, phân biệt ta và người, mà cha mẹ thì không phân biệt mình và con. Không ai nuôi con để mong chúng sau này đền đáp mình cả. Má tôi về già vẫn làm lụng vất vả từ sáng tới khuya để tự túc mà khỏi trông cậy vào chúng tôi. Mà những cha mẹ nào bất đắc dĩ phải trông cậy vào con cái thì luôn luôn ân hận rằng chẳng giúp chúng được gì cả. Ôi! Nuôi chúng cả một đời về già chúng có đáp lại trong ít năm mà gặp lại cách nào? Thì vẫn ân hận rằng chẳng giúp được gì cả! Nước chảy xuôi hoài cho tới khi cạn. Cha mẹ cứ muốn giúp con hoài cho tới khi chết. Vậy mà người ta còn bảo rằng cha mẹ ích kỉ trong cái trào lưu sinh hoạt vĩnh viễn bất tuyệt của loài người, nước đã chảy đi thì không bao giờ trở lại về nguồn. Hỡi các bạn trẻ sắp lập gia đình, như dòng nước sắp bắt đầu rời suối, các bạn nên ngừng bước lại một chút, quay lại nhìn nguồn đề hiểu nguồn thì trên đường đời các bạn sẽ đỡ phải ân hận, đỡ phải sám hối như hôm nay tôi sám hối trên bàn viết, trước mặt bàn thờ ba má tôi mà lư trầm đương lặng lẽ tỏa hương.

(Bách Khoa số 207 ngày 15 - 8 - 1965) Phật lịch 2509

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2009

Bàn về cái Nhạt-FJ

27- Luôn đi về phía trước, lấy việc đi về phía trước làm mục tiêu suy tư
->Chứa đựng 1 ý thức về "cái thực tại đến tận cùng"

- Thế giới trong bản chất sâu xa và trong việc đổi mới "kỳ diệu" của mình, chẳng phải cái gì khác là "khả năng duy trì bất tận" (để từ đó suy ra mọi chân lý) đó sao?

30- Cái nhạt là cụ thể-ngay cả khi nó ở dạng ẩn giấu->người ta nói nó trong 1 cảnh quan.

31- (tranh thuỷ mặc)
- Xa gần như nhau->(1) phản chiếu vào nhau; (2) có giá trị như nhau dưới góc ngắm

37- Thông tuệ đạo lý phải thấy rằng những mặt đối lập không những không hề kìm hãm nhau để loại trừ nhau, mà lại không ngừng chi phối nhau và giao liên với nhau
*Sự hài hoà-trung hoà-kích thích và phản hồi->để hành động không ngừng->giữ mãi trong quá trình.

47- Chống lại sự sùng bái quá dễ dàng-cái bất thường.

- Tìm cách sống khác với đời cũng như tìm điều kỳ diệu để hậu thế có chuyện bàn tán, cái đó, về phần tôi, tôi xin chịu-KT

- Cái Nhạt không gây mệt mỏi.

53- Người quân tử không tìm cách lừa gạt ai, chỉ nói những điều mình làm được; những lễ phép thường ngày còn xa mới là yêu cầu chân chính của nghi lễ.

58- Sự cân bằng-sự hài hoà

59- Luôn sẵn sàng ứng phó với mọi biến động của thế giới và khắc phục những biến động ấy dễ dàng.

60- Quan sát/suy xét 1 người->trước hết xét khả năng tỏ ra bình lặng, nhạt, rồi sau đó mới xét trí thông minh.

66- Âm nhạc hay nhất: thứ âm nhạc tác động đến ta nhiều nhất->luôn ở mãi trong đầu óc và "không bao giờ quên".

71- Di âm và tác động của nó dẫn ta từ 1 phương thức còn cảm nhận được-> đến 1 phương thức nắm bắt thực tại tinh tế hơn, cơ bản hơn.

91- Thơ ca được dùng để nắm bắt cái vô hình thông qua cảm quan, để gợi lên cái hư vô từ những hình ảnh.
->"Bầu khí quyển" lan toả trên cả bài thơ.

92- Chiều sâu cảm xúc, tính khôn lường, khả năng vươn tới vô hạn.

93- Sức nguyên lai-cái Nhạt-Sự phong phú tế nhị.

106- Cảm động là "phản ứng" với kích thích bên ngoài, kích thích này làm ta rung chuyển bên trong.
->Cảm động càng sâu sắc thì nó ít có tính cá nhân hơn->giúp ta cảm nhận được sự phong phú của mối dây ràng buộc ta với thế gian và cho ta thấy ta gắn liền với quá trình chuyển biến vĩ đại của sự vật như thế nào.

110- Gắn liền với sự dung dị, cả 2 coi sự hài hoà là cái thiết yếu.

115- Thơ phải gần mà không nông cạn, phải tiến về phía xa không còn biên giới: lúc đó ta nói được rằng ta có sự tuyệt vời về phía bên kia âm hưởng (Tư Không Thự)

119- Cái nhạt của thơ sở dĩ có được là do nghĩa của thơ không xuất hiện (theo cách này hay cách khác) nó thể hiện qua liên tưởng và tình huống mà không bao giờ áp đặt cho ta.

- Nguy cơ các hiện tượng không đổi mới được.

120- Tô Đông Pha- "ngôn ngữ nhà thơ sinh ra tựa như luồng hơi nước trút ra từ viên ngọc chôn vùi dưới đất trong cánh đồng xanh dưới ánh mặt trời ấm áp: người ta chiêm ngưỡng luồng hơi ấm nhưng không thể nhìn rõ nó".

122- Tuồng như đó là dấu vết mơ hồ của nguồn cảm hứng từ chốn xa, đường nét ấy chỉ được cảm nhận như là "dấu vết", 1 sự khước từ được gợi lên từ đó để tôn vinh thứ thư pháp như gợn sóng trong sự cô đơn.

129- Bên kia cái Nhạt là tâm của Vị.

133- Vị ở thế trung tâm: ta chỉ thưởng thức được vị ở thế trung tâm nếu ta biết cách không để cho 1 vị cá biệt bất kỳ nào đó hạn chế, ám ảnh mình; ta cũng không loại bỏ vị cá biệt đó.
->Sẵn sàng thưởng thức các vị như nhau->thoải mái với bất kỳ vị nào.

134-
*Sự vượt quá diễn ra như thế nào?
->Hy lạp: sức căng từ ngữ-mục tiêu hình ảnh trải ngược-ít dễ hiểu-buộc vượt lên trên từ ngữ trước mắt-cắt đứt với cảm xúc trực tiếp để nâng ta lên cái lý tính.
*Cái Nhạt
- Sự vượt lên trên này khởi từ việc khiến ta giải thoát mình khỏi tính dị biệt chủ nghĩa->không tạo ra sức căng->tạo ra sự hoà dịu->làm cho lương tri thanh thản.

140- Trước khi có sức mạnh hài hoà của cái nhạt người ta thấy sức bật của sinh lực.

141- Nghệ thuật, đó là phản ứng tự phát của xúc cảm bên trong được những thay đổi của thế giới bên ngoài gây ra.

142- Tràn đầy sức sống-khiến ta mê mẩn.

143- Có đúng dửng dưng dập tắt nhân cách?

144- Trực cảm về sự trống vắng không ngăn ta tiếp cận với xúc cảm->vì cảm xúc không tác động ta nữa nên ta nắm bắt nó tốt hơn, rồi ta có thể thưởng thức nó trọn vẹn.
- Cuộc sống cảm xúc được chắt lọc.

147- Hướng về phương xa vời mà chúng không với tới được-Cây cỏ diễn tả cường độ nội tâm->Cơ sở của cái nhạt là "cái tự nhiên".

- Thâm ý của cái nhạt: yên tĩnh, mơ hồ, cô đơn, cảm giác bị ruồng bỏ.
->Tính không thể bị kết thúc.

148- Phẩm chất của cái Nhạt-sự biến hoá.

150- Cái đậm: trong những khúc gãy vỡ, ta còn tìm thấy được những mảnh vụn có dáng thẳng, trông y như những tế bào rời rạc trong 1 thế giới cong queo: trong mỗi mảnh vỡ ta thấy hình như có ai đó cư ngụ, cô đơn và dửng dưng.

154- Cái nhạt-đòi hỏi sự chuyển hoá cuộc sống->1 cuộc thử nghiệm với lương tri toàn vẹn->thể hiện cái ta tồn tại trên nhân gian một cách triệt để nhất.

155- Về thơ Verlaine: Cảm giác về cái khắc khoải mất cội nguồn khác sự hấp dẫn của cái vẹn toàn (cái tổng thể chưa bị phân rã).

157- Phép nói giảm, ngôn ngữ mơ hồ->cái dửng dưng giả tạo->bãi mìn của ý đồ chiến thuật.

158- Verlaine muốn lập lại mối quan hệ với thực thể, muốn thoát ra khỏi cái bi kịch khó chịu về tình trạng rối loạn sự vật, trong đó ông cảm thấy ý thức mình tan biến->từ bỏ cái nhạt->chuyển mình theo cái siêu việt.