Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2009

Mối tình tri kỷ trong bài thơ "Ông Đồ"




Bài này cảm động. Nhất là trong không khí cuối năm mù mù lành lạnh này. Link từ blog bạn, nguồn trên CAND 4-2-06.
--------------
Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay.

Nhưng mỗi năm một vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu.

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?







Mỗi niên đào hoa khai,

Tổng kiến lão Tú tài

Truy nghiễn hồng tiên bãi

Thông cù nhân vãng lai.

Đa thiểu thị tự dã

Trách trách tiễn chu kỳ

Xảo bút nhất huy tựu

Như phụng vũ long phi.

Lãnh lạc niên phục niên

Cô khách hà mang nhiên?

Hồng tiên bi sắc thâm

Truy nghiễn sầu mặc kiên.

Tú tại do tại ty

Quá lộ hữu thùy tri

Tiên thượng hoàng diệp lạc

Thiên biến tế vũ phi.

Kim niên đào hựu tân

Bất kiến cựu thời thân

Trù tướng không hàng vọng,

Cổ hồn hà quy vân?







Mỗi năm khi hoa đào nở, tôi lại đến thăm nhà thơ trào phúng Tú Sót (tên thật là Chu Thành), một ông đồ trong CLB Cảo thơm thư hiên. Trong cái thanh tịnh của một sớm đầu Xuân Bính Tuất, nhà thơ Tú Sót kể lại cho tôi nghe buổi "hầu chuyện" thơ của ông với cụ Vũ Đình Liên cách đây vừa đúng 15 năm như một sự tri ân với tác giả bài thơ "Ông đồ".






Đây cũng là buổi "hầu chuyện" cuối cùng của Tú Sót với tác giả Ông đồ vì sau đó vài năm, thi sĩ tài hoa này đã về nơi vĩnh hằng. Thật ra ý định ghi lại xuất xứ bài thơ Ông đồ đã được ông Tú ấp ủ từ năm 1989, nhưng rồi cứ nấn ná vì lý do này nọ mà chưa thực hiện được. Và ngày 24/10/1991, một buổi chiều thu nhạt nắng, sau khi thắp hương viếng phần mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà thơ Tú Sót đã mời nhà thơ Vũ Đình Liên lại nhà mình để được "hầu chuyện".



Kể lại kỷ niệm này, ông rưng rưng: "Rất ít người biết rằng, bài thơ Ông đồ và nhiều bài thơ khác của cụ Vũ Đình Liên còn nặng kỷ niệm về người vợ tảo tần của nhà thơ. Cụ gọi đó là cái tình tri âm, tri kỷ đã theo cụ trọn cuộc đời. Bà chẳng làm nghề gì cao sang, chỉ là cô hàng xén ở phố Hàng Bồ. Cụ Liên khi đó là anh chàng thư sinh học trường Bưởi, ngày nào cũng đi qua con phố có cô hàng xén dễ thương đó và chẳng biết tự bao giờ, chàng trai trẻ thi sĩ này đã phải lòng. Phải lòng gánh hàng chỉ có kim, chỉ, đèn dầu, phải lòng người bán hàng nhu mì, đôi má ửng hồng e thẹn, nhưng chàng thanh niên Vũ Đình Liên còn phải lòng cả cái khung cảnh bình dị mà chỉ có trái tim thi sĩ mới rung lên được sợi tơ tình cảm đó: bên cạnh cô hàng xén còn có một ông đồ già ngồi viết chữ. Họ ngồi cạnh nhau nhiều tháng trên hè phố cùng kiếm sống nhưng cũng không bị cảnh sát đuổi phạt bao giờ.







Thời đó, kẻ sĩ nước mình có mấy ai giàu. Ông đồ nghèo đến nỗi không có nhà phải ngồi ở vỉa hè để bán chữ, mà còn không có cả tiền mua giấy nên phải ngồi bên cô hàng xén. Để khi có khách đến thuê viết, ông đồ chỉ cần với tay về phía cô hàng xén: "Này, này, cô cho tôi nhờ tờ giấy, nhờ cái bút", vậy là được cả đôi bên! Họ cứ dung dị sống, dung dị gắn bó mưu sinh với nhau trên một góc vỉa hè chật chội mà đâu có biết rằng, có một anh chàng thư sinh nho nhã đã khắc ghi hình ảnh đó trong lòng.






Cụ Tú Sót chậm rãi: "Thơ không phải lúc nào muốn là bật ra được, nó phải là những cảm xúc căng chật trong lòng, là những nỗi buồn khắc khoải mà không viết ra anh không thể hóa giải nỗi lòng mình được". Ban đầu, cụ Vũ Đình Liên khắc họa hình ảnh Ông đồ chỉ bằng một câu vè: "Hàng Bạc đi lên Hàng Bồ. Trên đường đi học, ông đồ buồn thiu". Nhưng rồi, có một ngày xuân, nhà thơ đi qua con phố thân thuộc đó, bỗng thấy trống vắng, chỉ còn những bậc thềm hoang lạnh vì không thấy ông đồ đâu nữa. Nhìn phố xá và dòng người thờ ơ vô tình đang thưởng ngoạn vui xuân, nhà thơ đã đau đớn nhận ra vì sao ông đồ đã rời bỏ nơi này. Người đời lãng quên ông đồ, lãng quên luôn một nét văn hóa truyền thống. Chỉ kịp nghĩ đến đó, trái tim đa cảm của nhà thơ bỗng bật lên một tiếng nấc thương xót kẻ "hàn nho mãi tự": "Năm nay đào lại nở. Không thấy ông đồ xưa. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?!".

Sau này, khi bài thơ Ông đồ đã trở thành một tác phẩm văn học đỉnh cao về niềm hoài cổ thì có người cho rằng, nếu Vũ Trọng Phụng là ông "vua cười", cười bật máu ra đầu ngòi bút thì nhà thơ Vũ Đình Liên phải là ông "vua khóc", khóc tuôn ra đầu ngòi bút những dòng nước mắt, tiếng khóc lay động cả những tâm hồn vô cảm nhất. Tâm sự lại điều này với người bạn thơ già Tú Sót, cụ Vũ Đình Liên hài hước mà mắt ngấn nước: "Điều này, tôi phải giành giải nhất, tôi chẳng nhường cho bất cứ ai. Nhưng bạn ạ, có lúc tôi cảm giác bài thơ Ông đồ hình như không phải của mình mà là tiếng nói từ ngàn xưa vọng lại"...

Câu chuyện xúc động này được nhà thơ Tú Sót ghi lại vào một chiếc băng cassette cũ kỹ, thi thoảng, nhớ bạn nhớ cảnh, nhớ tình, ông lại mang ra nghe để ngâm ngợi, đủ thấy mối thâm tình của hai tâm hồn hoài cổ đồng điệu.

Tôi chợt nhớ tới mấy vần thơ cuối trong bài thơ "Gửi tác giả bài thơ Ông đồ" của nhà thơ Tú Sót: "Ông đồ sống lại khóc nhà thơ. Hay là xót mới với thương xưa. Tiếng nấc nối liền bao thế kỷ. Nhà thơ nay lại hóa thành thơ". Những ông đồ hiện đại dù không khăn xếp, áo the nhưng có lẽ sự hướng thiện thành tâm với văn hóa cổ trong họ sẽ là một cầu nối thực tại với quá khứ, để mỗi cái Tết vẫn lưu giữ được hương vị truyền thống ngày xưa.





---------------------





P/s: Blog bác Đông A có nói chuyện về thưởng thức thư pháp. Tôi cũng có đọc qua vài cuốn sách, chủ yếu là về Thư đạo Nhật Bản (shodo). Theo tôi tinh thần của Thư đạo khác với Thư pháp ở 1 điểm rất căn bản: Thư pháp vốn chỉ dừng ở việc là 1 nghệ thuật viết chữ đẹp. Nhưng thế nào là đẹp thì cũng khó lĩnh hội nên càng về sau càng loạn quan điểm. Trào lưu "Thư pháp Tiền vệ" khởi đi từ Nhật mà mới đây có manh nha du nhập vào Vn là 1 ví dụ. Trong khi đó Thư đạo gắn liền với việc thể nghiệm trình độ nội tâm theo Thiền tông (Zen). Nói cách khác, thoáng qua thậm chí nhiều bức shodo còn có vẻ "không đẹp" nhưng nhất thiết nó là biểu hiện trực tiếp và sống động của một nội tâm viên mãn. Một cách tuyệt đối thì chỉ người có tâm chứng cùng 1 trình độ thâm thiết mới lĩnh hội hoàn toàn điều này nhưng thực tế (như từ bản thân tôi chẳng hạn) ở mức độ rất sơ khai nhưng nếu có 1 vài kinh nghiệm nhỏ nhoi cũng đủ khiến ta trực cảm được sức mạnh nội tâm từ những tác phẩm shodo đó.

Người Nhật có đưa ra 1 cách tiếp cận khá cơ giới nhưng có vẻ lại cũng là 1 bằng chứng khá chắc chắn để phân biệt chân nguỵ trong các tác phẩm Shodo: đó là khái niệm "mặc khí"-hiểu như cái khí của mực, vận bút-được cụ thể hoá bằng những hình chụp kính hiển vi điện tử phóng to lên hàng vạn lần. Mặc khí, hình ảnh của vệt mực còn lưu lại, phân bổ trên giấy của người đạt đạo thì trong trẻo, đậm nhạt rõ ràng, bố cục sống động, mạnh mẽ. Trong khi nguỵ tác thì chỉ thấy mặc khí hỗn độn lờ đờ yếu ớt.

Thực ra cũng không cần phải chi li như vậy để cảm nhận chân nguỵ hay cảm nhận sức mạnh nội tâm từ tác phẩm (người Nhật gọi là "mặc hội"). Nếu bạn đã từng có kinh nghiệm tập vẽ, hoặc tập viết thư pháp thì sẽ dễ dàng hơn nhiều. Người học vẽ từ buổi sơ học đến lúc có vài năm kinh nghiệm sẽ rất dễ dàng phân biệt được nét vẽ "yếu" và nét vẽ "cứng" hay còn gọi là "đẹp". Một cách tự nhiên từ nét vẽ "cứng" được dùng phổ biến hơn. Chắc hẳn là do hàm ý nội lực của người vẽ nữa. 1 ví dụ để bạn có thể tự thử nghiệm: để vẽ 1 đoạn thẳng, người bình thường sẽ vạch 1 nhát bút và thông thường nó sẽ theo quy luật lúc đầu đậm, sau nhạt dần đi do vận bút nhẹ dần. Bây giờ bạn vẽ lại 1 đoạn tương tự nhưng bạn định hình trước 2 điểm đầu cuối và đưa bút một cách có định hướng, không quá nhanh nhưng dứt khoát mạch lạc, trôi chảy. Nhìn lại bạn sẽ thấy sự khác biệt rất rõ: nét đầu hời hợt, mỏng mảnh chấp chới còn nét sau vững vàng trầm ổn, hàm súc sức mạnh, sự phong phú khả năng biến đổi đa dạng. Để đến với mặc hội hay shodo thì logic trên còn rất thô thiển nhưng quả thực ta để trực cảm của ta tái tạo lại sự vận bút của tác giả-với điều kiện biết 1 chút về cách viết chữ Hán để lần theo dấu vết- ta như thấy được cả sức mạnh, thần thái của người viết lúc đó.

Cũng nên nói thêm 1 chút về khái niệm "khí" của phương Đông. Tôi cảm nhận về "khí" giống như những cảm nhận về vận bút ở trên. Nói 1 cách thô sơ, có lẽ khí là cái cảm nhận mà ta trực giác được do đối diện với những dòng chảy của trình tự, bố cục, sự lưu chuyển...Ví dụ như mặc khí của Thư đạo thì sinh động lưu chuyển bởi nó từ 1 thực tế lực vận bút của người viết dứt khoát trôi chảy kỳ diệu. Không phải đậm hay nhạt, càng không phải mạnh hay yếu mà chính là sự trôi chảy liền lạc liên lỉ của nét bút để lại 1 trật tự sống động, như vết mây trên nền trời còn đang trôi mãi. Mặc khí nguỵ tác thì tù hãm lờ đờ xuất phát từ 1 nét bút vô định hướng, tô đi tô lại ngu ngơ.

Nhớ lại buổi đầu sơ học môn hoạ, khi chuyển sang tập vẽ đầu tượng thạch cao, một nhóm 6-7 đứa cùng vẽ 1 đầu tượng thì y như rằng tranh của đứa nào cũng phảng phất khuôn mặt, thấn thái đứa đó :) Rồi ngay cả bản thân tranh của mình trong 1 thời gian, nhìn lại có thể nhận rõ được lúc nào vui, buồn, chán nản hay mệt mỏi. Rất rõ ràng và hiển hiện. Nên cũng có câu "xem tranh biết người" là như vậy. Mở rộng ra để xem nét viết của 1 người cũng được nhưng không rõ ràng như xem tranh.

Có 2 tác phẩm mà tôi ấn tượng nhất:
+một là vòng tròn "viên tướng-Ensô" của thiền sư Torei (1721-1792) (Stephen Addiss, L'art Zen). Chỉ là 1 nét bút khép 1 vòng tròn mà sức mạnh nội tâm, cảm hứng Mật tông hiển hiện thật mãnh liệt trong nội tâm ta.

+và "Bằng thủ bút" của Nhan Chấn Thanh (Yan Zhenqing, thế kỷ thứ VIII, trang đầu "Bằng thủ bút"-từ phần phụ lục của cuốn "Bàn về cái Nhạt"-" Éloge de la Fadeur", Francois Jullien). Mặc khí liên lỉ, thản thản đãng đãng, trầm ấm như khí núi mùa xuân-như đứng trước người Nhân vậy. Đấy là Thư Pháp..

Trong 1 comment đã lâu tôi từng cảm thán:

Trong thư pháp thông thường thì hình thái tượng trưng cho tinh thần.

Trong thư đạo, hình thái là biểu hiện của tinh thần.

Trong 1 lần trao đổi với bạn, tôi đã nghĩ thế này:

TƯỢNG TRƯNG: tôi dùng với nghĩa "dùng một sự vật cụ thể có hình thức hoặc tính chất thích hợp để GỢI RA SỰ LIÊN TƯỞNG đến một cái trừu tượng nào đó"

BIỂU HIỆN: "hiện rõ hoặc làm rõ ra bên ngoài (nói về cái nội dung trừu tượng bên trong).

TƯỢNG TRƯNG là cái nghĩa thường trực, ước lệ. Nhiều khi từ một tượng trưng đến kinh nghiệm trực tiếp đơn lẻ là cả chuỗi những tượng trưng trung gian của truyền thống văn hoá. Nó gợi ra liên tưởng, vậy nó trải qua nhiều hơn 1 sát na.

BIỂU HIỆN ở đó, toàn vẹn, duy nhất, và tức thời. Một lần gặp, một lần mới. Nó là "phi tứ cú".

Trước Thư Pháp, ta thấy chữ, thấy người viết. Sinh ý tán thán.

Trước Thư Đạo, ta bối rối thấy chính mình bơ thờ. Tiến không được. Thoái không được.




5 nhận xét:

  1. Tung H nói về thư pháp rất hay rất chí lý. Một số người viết thư pháp bằng tiếng Việt, mình thấy chẳng có gì hay, hình như nó làm rối loạn thêm cho tiếng Việt ah...

    Trả lờiXóa
  2. Bác viết về thư pháp, thư đạo hay lắm. Nhưng tôi nghĩ cái chính vẫn là làm sao vận dụng được vào thực tiễn để phê bình thư pháp đang hiện hành ở Việt Nam. Cái vòng tròn viên tướng dưới đây, cũng của Torei tạo cho cảm xúc mãnh liệt hơn cái vòng tròn ở trên:
    http://zenpaintings.com/images/torei-color-inside-call-ens.jpg

    Trả lờiXóa
  3. tạo cho tôi cảm xúc mãnh liệt [comment trên thiếu chữ tôi]

    Trả lờiXóa
  4. Em cũng nhớ là Torei thường viết kèm mấy chữ "Thượng thiên hạ địa kham tiếu kham bi". Hình như cũng là mấy chữ trong bức tranh viên tướng bác dẫn ra thì phải.

    Trả lờiXóa
  5. Em vừa xem lại trong sách, là "Thiên thượng thiên hạ, kham tiếu kham bi-Đông Lãnh Viên Từ". 1 từ khác để chỉ các tác phẩm thư hoạ của những bậc Thầy tâm linh trong Zen là từ zenga, người Nhật còn 1 từ nữa: Hitsuzendo-thư pháp thiền. Chúng khác nhau về sắc thái, trong đó sát nghĩa nhất là zenga.
    Về thư pháp hiện hành ở Vn hay ngay cả thư pháp nói chung em vốn không tìm hiểu nhiều vì xuất phát điểm vốn theo con đường ngược lại tức là từ những bậc Thầy về cuộc sống đi tìm những biểu hiện trực tiếp có thể thấy được. Nhưng em sẽ thử gạch ra những ý nghĩ xung quanh đề tài này.

    Trả lờiXóa