Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2009

Mấy ý về thư pháp ở Việt Nam hiện nay

Nhân comment của các bác new FTT và Đông A tôi thử ghi lại những ý tưởng của mình về việc này. Quả tình tuy chưa thể triệt để theo như cổ nhân "chỉ đọc sách người đạt đạo" nhưng trong việc tìm hiểu của mình tôi thường cố tránh xa vào những đám hỗn độn chỉ mang lại xúc cảm nhất thời mà khó lòng thoát ra-những chuyện về thư pháp ở VN là 1 kiểu như vậy. Tìm hiểu về các tác phẩm Zenga, cốt yếu là tôi muốn tìm gặp trực tiếp những biểu hiện của các bậc Thầy tâm linh. Để nương theo, có lẽ thế. Thời mạt pháp thật khó mong gặp được 1 vị để ngõ hầu có thể như người kỹ sư trẻ Ấn kia từ bỏ tất cả để theo học Krishnamurti chỉ vì cái thoáng nhìn "sự chú tâm thanh thản của K khi buộc dây giày" từ lần đầu gặp gỡ.

Nhưng không thể phủ nhận rằng quả tình tôi có cái ấn tượng không hứng thú với thư pháp ở VN hiện nay. Trong tinh thần phản tỉnh, nó có thể là 1 vấn đề với tôi. Có thể là 1 loại định kiến tư tưởng. Nệ cổ, sính ngoại? Trong khi tôi vẫn có 1 kiến giải với 1 vài tác phẩm zenga thì điều này cần được phá chấp. Ở đây tôi thử gạch ra những ý tưởng như là 1 đại cương để tìm hiểu về câu chuyện này.

- Thứ nhất phải làm rõ cái gọi là "thư pháp ở VN hiện nay". Nó liệu có phải là 1 hiện tượng, trào lưu đồng nhất? Bác Đông A đã chính xác khi dùng chữ như trên. Vì khái niệm "Thư pháp Việt" hiện nay đang có xu hướng được hiểu như là 1 trường phái viết thư pháp bằng tiếng Việt. Và nó hầu như chưa được thừa nhận nhiều ở Vn, ngay từ trong giới chơi Thư pháp (hiểu theo nghĩa truyền thống). Điều tôi muốn đề cập ở đây là trường phái này, tức là "Thư pháp Việt". Còn thư pháp truyền thống tuy hiện nay còn nhiều bát nháo nhưng đã sẵn có hàng nghìn năm lý luận và thực tiễn phê bình nên không phải là vấn đề bế tắc của VN. Huống hồ trong dòng suy nghĩ về "Thư pháp Việt" vẫn nhất thiết phải quay trở lại với nó.

- Có quá nhiều tài liệu và tác giả nghiên cứu về vấn đề này. Tôi chỉ là người nghiệp dư xem xét vấn đề kiểu bên lề nên chỉ có thể trung thực với những gì ít ỏi mình biết. Cốt sao giữ được tinh thần phương pháp luận để có thể hấp thu những điều mới mẻ khác biệt sẽ đến. Lục lại sách vở trong nhà, có những cuốn sau liên quan đến chủ đề này mà các bạn ở VN đều có thể mua được. Thứ tự tên sách là thứ tự quan trọng theo ý kiến tôi:

(1) Thư pháp & Thiền-Nguyễn Bá Hoàn, NXB Thuận Hoá 2002. Cuốn sách mỏng nhất, in xấu nhất nhưng theo tôi đầy đủ và mạch lạc nhất về chủ đề này. Có phần giống phẩm chất của cuốn "Thiền trong nghệ thuật bắn cung"-cái Hay thường Giản dị.

(2) Nghệ thuật Zen-Stephen Addiss, NXB VHTT 2001. Có nhiều hình ảnh chụp các tác phẩm zenga chất lượng cao khổ lớn so với các tác phẩm cùng chủ đề. Lần đầu tiếp xúc, có thể photo hoặc scan các hình ảnh riêng ra để trực tiếp cảm nhận mà không bị ảnh hưởng của những bình luận.

(3) Hội hoạ Trung Hoa qua lời các vĩ nhân và danh hoạ-Lâm Ngữ Đường, NXB Mỹ thuật. Một tài liệu nguồn cho nghiên cứu phê bình mỹ thuật TH truyền thống. Phần phụ lục có nhiều hình ảnh minh hoạ rất đẹp. Tôi đặc biệt thích bức thư pháp của Vương Hy Chi và ấn tượng với bức hoạ "Ngủ trưa" của Lý Khả Nhiễm.

(4) Thiền trong hội hoạ-C.Horioka&S.W.Holmes, NXB TH TP HCM 2004. Chủ yếu vì có thêm minh hoạ các tác phẩm của Nhật Bản.

(5) Các tác phẩm của Francois Jullien về chủ đề này: Bàn về cái Nhạt, Đại tượng vô hình, Cái Nu không thể có...Ngoài những phụ lục hay như thư pháp của Nhan Chấn Thanh, Vương Hy Chi hoạ của Nghê Toản, còn bàng bạc những phân tích sâu sắc về quan điểm nghệ thuật TH cổ.

(6) Ngoài ra nên kể đến cuốn "Nguyên lý hội hoạ Đen Trắng" của Vương Hoằng Lực. Tuy không liên quan chủ đề này nhưng quả thực là 1 bộ sưu tập tuyệt vời về nghệ thuật Đen Trắng cổ kim. Bức hoạ liên quan mà tôi muốn comment là hình vẽ trên vách đá của những người nguyên thuỷ-xứng đáng là Tổ sư của trường phái Biểu hiện!

Không liên quan gì nhưng nếu để có cái nhìn tổng quan về những trào lưu "tiền vệ" thì vẫn phải động đến mấy chủ đề thời thượng "Nghệ thuật Hậu Hiện Đại" mà có thể kể ra 2 cuốn là "Hoàn cảnh HHĐ" của F.Lyotard và "Hậu Hiện Đại" trong bộ sách tranh Nhập môn.

Tất nhiên sẽ phải xem qua 1 lượt mấy diễn đàn thư hoạ của Vn. Bác nào biết tiếng Tàu thì còn nhiều nữa.
--------------


Quay lại với thư pháp Việt (TPV), tôi cho rằng bất kể những tuyên ngôn hàm chứa mong muốn đột phá hay mở đường thì dòng chảy này vẫn nằm trong lưu vực chung của 1 thượng nguồn là nghệ thuật thư pháp TQ truyền thống. Không thể hiểu và phê bình TPV theo kiểu trên trời rơi xuống hoặc giả theo nhưng tiêu chuẩn xa lạ đến từ môi trường văn hoá khác. Nói khác đi, nếu không nắm được mạch chảy tinh tuý của lý luận phê bình thư pháp truyền thống thì lấy gì mà phê bình cái mới? Hình thức có thể thay đổi nhưng cái tinh thần "khí vận sinh động"-chữ là biểu hiện của tinh thần thì sao có thể thay đổi? Nếu không nắm bắt được nó thì chúng ta sẽ chuyển sang bình diện hội hoạ thuần tuý và có màu sắc hậu hiện đại hoặc 1 kiểu Dada mới.

Do vậy để xây dựng 1 đề cương lý luận phê bình TPV ít nhất theo tôi nghĩ cần phải tìm hiểu các đề mục sau:

- Quan hệ giữa Thư và Hoạ trong lịch sử (TQ-thực tế là VN chịu ảnh hưởng chủ yếu từ TQ).

- Các danh nhân-tư cách trí thức-tư cách nghệ sỹ-trong môi trường VH của họ.

- Những nền tảng ngầm: hệ hình tư tưởng, yếu tố lịch sử XH...

- Đặc thù của chữ Hán (chủ yếu ở bố cục hình vuông). Bút lông. Mực và mài mực. Giấy bản. Lụa.

- Tính nghi thức của Shodo và câu chuyện nét chấm không phải của Trịnh Bản Kiều.

- Nghi vấn: có khi đọc được lại cản trở khả năng cảm thụ tác phẩm.

Xuyên suốt các đề mục trên với tôi là việc đối chiếu với tinh thần của phái Văn Nhân Hoạ khởi từ Tô Đông Pha. Tất cả đều là để biểu hiện cái Thần. Thần đến trước cả ngọn bút, dẫn nó đến nơi nó phải đến. Từ đó đối chiếu với những phê bình chủ yếu với TPV về phương diện "phá hoại tiếng Việt", hay là "không phù hợp".

Dự đoán của tôi là nếu có đi hết cái đề cương này thì kết luận vẫn là: Cái TPV chưa có là cái Thần chứ ăn nhằm gì chuyện hợp hay không hợp!

Hãy xem những tác phẩm zenga Nhật Bản, chư sư còn đi trước phái Tiền vệ cả mấy trăm năm ấy chứ? Ai bảo phải đọc được? Ai bảo phải thế nào?

Ngắm bức tranh "Trúc và đá" của Trịnh Hiệp (Bản Kiều) có cần đọc đâu mà cái khí thế cứng cỏi mạnh mẽ cứ xung lên ngút ngát?
***

Nhưng nói cho công bằng, trước những thực tế phát rồ hiện nay thì câu hỏi lớn nhất của tôi là: từ khi nào mà tính trực tiếp siêu ngôn ngữ của nghệ thuật lại sa trở lại bình diện các ký hiệu, biểu tượng máy móc? Có khi nào là do nghệ thuật đã tách khỏi nghệ sỹ và nghệ sỹ không còn sống trong Đại Đạo? Hay còn vì những người sáng tác thì không phê bình-như Mã Viễn, Hạ Khuê-còn những người phê bình thì không sáng tác-như Đổng Kỳ Xương? Rồi dần dà sinh ra 1 thế hệ sáng tác kiểu các nhà phê bình-gần giồng Hữu Ước :P

Không gì minh hoạ điều này tốt hơn cuốn sách tranh nhập môn "Hậu Hiện Đại": sự luẩn quẩn rối rắm của nghĩa và biểu nghĩa, năng nghĩa...bala bala...
***

Để kết thúc, xin dẫn lại đoạn văn rất hay này của Luận ngữ: "Phấn trắng sau cùng"-dẫn theo cuốn "Hội hoạ Trung Hoa..." do Trịnh Lữ dịch và chú giải.


Tử Hạ nói, "Ý nghĩa của dòng này (trong Kinh Thi) là gì vậy? Nó nói, "Nụ cười của nàng mê mẩn làm sao! Cặp mắt của nàng lôi cuốn làm sao! Và son phấn thật đã hoàn chỉnh diện mạo nàng."

Khổng Tử đáp, "Trong nghệ thuật hội hoạ, người ta dùng phấn trắng sau cùng."*

"Thầy muốn nói lễ phải là cái đến sau cùng chăng?"

"Này anh Sang, điều anh nói nghe được đấy. Ta có thể bàn Kinh Thi với anh được rồi."
-------
*Trong hội hoạ Tq, người ta thường dùng phấn trắng để làm dịu nhẹ sắc độ của các nét bút mực, nhất là khi mô tả sương mù.

3 nhận xét:

  1. Đương nhiên nói thư pháp là phải nói đến chữu tượng hình, thần, khí .... là của người Hoa, chữ tượng hình. Chữ viết tiếng Việt là hệ chữ Latin.Chưa có nước nào sử dụng hệ chữa lantin để thể hiện thư pháp mà, mặc dù kiể chữa Latin có rất nhiều kiểu viết khác nhau.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi nghĩ không đơn giản như vậy. Nhiều tác phẩm zenga của các Thiền sư Nhật Bản là dùng chữ Kana-tuy có nguồn từ chữ Hán (cũng giống chữ Hàn) nhưng lại là tượng thanh. Bản thân Hán tự cũng không 100% là tượng thanh.
    Còn cái ta khảo cứu ở Vn thì phải trung thành với nguyên tắc khảo cứu trong 1 context, 1 quá trình biện chứng lịch sử. Nếu không thì sẽ phạm vào cái bẫy này: giản lược "thư pháp" thành "viết chữ đẹp" mà ở nền văn hoá nào cũng có. (VD như trường phái Gô-tích có chịu ảnh hưởng qua lại với cách viết chữ Gô-tích trang trí trong Kinh Thánh). "Viết chữ đẹp" chỉ trở thành văn hoá đặc trưng khi khái niệm "chữ đẹp" được triển khai sâu rộng trên 1 nền tảng các phạm trù, giá trị văn hoá khác. Chính vì vậy chỉ ở khu vực văn minh Trung Hoa "viết chữ đẹp" mới đặc sắc và thành khái niệm đặc trưng "thư pháp".
    Dĩ nhiên phải khởi đi từ những đặc trưng nguyên thuỷ của Hán tự và bút lông, nhưng chúng chỉ là phương tiện để thể nghiệm những trực giác về các ý niệm văn hoá khác như "khí", "thần"...(Nhớ là Hán tự còn được ghi lại bằng phương pháp khắc, trạm, gạch trên nhiều chất liệu). Khi trở lên trừu tượng và biểu hiện đến cực đoan (như trong phái Văn Nhân Hoạ) thì Thư và Hoạ gặp nhau. Tức là bản thân chữ hay nghĩa không quá quan trọng nữa, ngoài việc tạo ra chiều sâu cho bản giấy.
    Tuy vậy tôi vẫn cho rằng như tập thơ "Đàn" của Dương Tường là gần với hội hoạ Biểu hiện hơn là nằm trong dòng TPV. Nguyên nhân nằm trong cái cốt cách Âu học của Dương Tường, cho dù kỹ thuật thể hiện có vẻ cùng nguyên tắc với "thư pháp".

    Trả lờiXóa
  3. Hán tự không 100% tượng hình (đính chính)

    Trả lờiXóa