Thứ Ba, 20 tháng 1, 2009

Nỗi buồn quan họ




Trước đây, xứ Kinh Bắc đối với tôi là 1 nơi chốn mơ hồ trong dĩ vãng. Gần như là không có gì nổi bật lên khỏi nền cảm xúc miên man từ mấy câu thơ của Hoàng Cầm. Những câu thơ thật đẹp:

Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu...

Nhịp điệu lướt đi như cơn gió đồng buổi chiều mùa hè. Mênh mang dênh dang đi qua núi qua sông qua cánh đồng rặng tre. Chỉ cần như vậy thôi đã da diết một quê xứ. Ngay cả khi mãi sau này tôi mới đi thăm những địa danh dọc con sông Đuống nao nao kia.

Kinh Bắc. Ký ức về quan họ còn đọng lại vương vất trong miền lắng là những đoạn hồi tưởng của Hoàng Cầm về tuổi thơ, trò tam cúc, trải ổ rơm và lá diêu bông.

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
-Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày sau Em tìm thấy lá
Chị chau mày
-Đâu phải lá Diêu Bông
Mùa đông sau Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hỡi!...
-ơi Diêu Bông!... (Lá Diêu Bông / thơ Hoàng Cầm, 1959)



Tôi không thuộc hết bài thơ này nhưng ký ức luôn lưu giữ những ấn tượng liên tưởng ám ảnh đến miên man với

Đồng chiều
Cuống rạ




Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông


mà đã có lần vọng lại trong những câu thơ tôi

Nhìn cơn gió có còn thương mến cũ

Nắng ngang chiều
Trông nắng vãn bên sông


Kinh Bắc còn là 1 chút vấn vương tuổi mới lớn khi đọc "Vị đắng trên môi" từ xa xưa. Những tâm tình mới lớn của trai gái làng quan họ. Câu chuyện về xét loại giọng theo ngũ hành để phân hát cặp. Kết thúc là chia cách, không đến được với nhau...Những chuyện từ ngày đó chỉ còn lại vậy. Nhưng khi nhân công việc mà cần rà lại vốn liếng hiểu biết của mình về Kinh Bắc và quan họ thì tất cả lại dội về bâng khuâng.

Bây giờ nhìn lại mới thấy mới nghĩ nhiều điều. Quan họ vượt lên trên cái nền chung của dân ca Bắc Bộ với những điển hình, ước lệ và chân phương của chèo, tuồng, trống quân...bằng giai điệu mượt mà trong sáng trữ tình. Lời ca chau chuốt, tròn chĩnh, trong sáng. Tuy vẫn những hình ảnh quen thuộc chốn đồng quê nhưng đã được chưng cất thành chất men nồng nàn mà e ấp kín đáo. Thứ ngôn ngữ của 1 lớp người thuộc về 1 quê xứ có tích tụ văn hoá hàng "mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên". Những giai điệu như lướt đi hoà cùng nhịp điệu của vùng không gian giao thoa giữa trung du và đồng bằng châu thổ: lên đồi, xuống sông, ra đồng, vào làng, dưới tam quan, bên bờ tre cạnh bóng đa già...Nó cũng là tượng hình của đây đó, đó đây. Gần mà xa, xa mà gần.

Kinh Bắc có nhiều lễ hội, đình đám. Mảnh đất này danh nhân không nhiều bằng những huyền thoại, truyền thuyết. Phân tâm học nói rằng lễ hội là hình thức nghi thức hoá của vô thức tập thể, cũng là để giải phóng nó. Không gian văn hoá quan họ gắn liền với những lễ hội đình đám. Văn hoá hành vi của quan họ trở thành những nghi thức chặt chẽ tinh tế.

Quan họ xưa là 1 thú chơi-1 cuộc hát không có khán giả và không có nhạc đệm. Thuần tuý là một "hình thức diễn tấu bằng lời thật, không cộng minh, cộng hưởng nhưng vẫn rõ lời" (@HS di sản UNESCO). Một lối giao tiếp được nghi thức hoá, văn chương hoá đã biến những tương ngộ giữa đời thực thành 1 cõi chiêm bao. Những giai điệu khi kết thúc thường chuyển từ giọng thứ sang giọng trưởng và tản ra, lênh đênh mênh mang. Lời quan họ đẹp, ước lệ và trong sáng. Chuyên tả cái tình tương tri tương ngộ mà không bao giờ vượt quá nghi lễ, quá lời nguyền "quan họ không lấy nhau".

Nhưng tôi cũng không tin rằng người quan họ sẽ nói "xin hẹn nhau kiếp sau" như trong lời 1 "bài hát Việt". Bởi vì sao? Lòng người có những chỗ mơ hồ vi tế đầy đa đoan. Đây đó đó đây. "Yêu nhau không đến được với nhau" là 1 nỗi niềm nhưng cũng là 1 bí mật phơi mở của cuộc sống. Quê xứ con người cũng là đất trích chiêm bao.

Thưa rằng: Ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

Trong những vùng đồi núi phía sâu sau những làng mạc đồng bằng, trong những cuộc khảo sát điền dã, người ta còn thấy nhiều dấu vết của người Chàm ở vùng đất này, trong từng gia đình. Tôi thích tin vào giả thuyết có phần phóng túng rằng "quan họ là người Chăm hát chèo". Những người Chăm bị di dân bắt buộc, bị đồng hoá sau những cuộc xâm lấn Nam tiến của người Việt. Nó đưa ra giải thích thơ mộng cho những giai điệu, lời ca buồn, cho cái tình "quan họ không lấy nhau".

Cũng chỉ là chuyện vãn vậy thôi khi mà ký ức xa xưa nhất về quan họ cũng chỉ còn từ đời Lê-Trịnh trong những cầu chuyện kể của gia tộc. Và cái tên chỉ là 1 manh mối nhỏ bé trong câu chuyện dài. Quan họ bây giờ là 1 thứ văn hoá trình diễn: sang thì ở trên sân khấu, truyền hình, hay lễ hội; bình dân thì hát đám, hát mừng. Bất kể cái hình ảnh liền anh liền chị mớ ba mớ bảy chệnh choạng trên những chiếc thuyền vẽ rồng vừa hát vừa đỡ cái khay đựng tiền lẻ của khách xem làm ta áy náy thì điều đó dẫu sao chăng nữa chỉ là bình thường trong thời đại của những giá trị chắp vá này.

Nhưng vang bóng của quan họ xưa đâu rồi? Không ai tắm 2 lần trên một dòng sông. Tôi không có ý hoài cổ thuần lý. Câu hỏi mà tôi vẫn đang tìm kiếm lời giải đáp là: Từ đâu mà con người cũng thịt da tình tự như chúng ta lại chưng cất lên được 1 lối sống, 1 giai điệu để đất trích 1 lần nữa trở thành cõi chiêm bao?


Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét