Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2009

Về 1 cuộc thi "ý tưởng"




http://mag.ashui.com/index.php/tuongtac/phanbien/55-phanbien/652-ho-guom-giua...


Triển lãm 9 phương án dự thi "Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận" đã kết thúc phần trưng bày cho công chúng tham quan từ ngày 15-1-2009. Trong 1 vài ngày tới sẽ là phần trình bày của tư vấn và chấm giải của BGK. Là người ngoài cuộc, tôi không biết liệu ngoài những nội dung đã trình bày ở triển lãm (bao gồm các pano bản vẽ cùng mô hình) thì các công ty tư vấn còn đưa ra các nội dung khác nữa hay không? Có lẽ là không vì cũng giống như thông lệ của các cuộc thi kiến trúc hay QH khác, mọi nội dung đều được nén lại trong 1 vài pano tối thiểu. Quả thực điều cuối cùng mà các KTS đem lại chẳng phải là những thực thể 3 chiều trong không gian? Hà tất phải trình bày quá ư văn vẻ mà hệ quả là dễ sa vào những thứ chung chung mơ hồ vô thưởng vô phạt không tài nào định lượng được.

Tôi đã đi xem triển lãm và muốn comment 1 vài suy nghĩ của mình về cuộc thi này cùng những chuyện xung quanh nó. Những phân tích bắt đầu bằng những gì tôi nhìn thấy được trong triển lãm.

Với 1 khu vực đã phát triển quá mức như khu vực hồ HK thì ngay từ đầu tôi cũng không hy vọng nhiều vào 1 tương lai thay đổi xán lạn gần kề từ cuộc thi này. Bài học từ những nghiên cứu về "khu 36 phố phường" vẫn còn nguyên đó. Điều khiến tôi háo hức muốn tìm hiểu là những đơn vị tư vấn "được chọn" mà phần nhiều có yếu tố nước ngoài sẽ đưa ra những gì mới mẻ từ 2 phương diện: cách tiếp cận vấn đề, và kỹ thuật phân tích không gian kiến trúc cảnh quan. Khi phân tích 1 dự án kiến trúc thì nhất thiết không thể thiên vị 1 trong 2 mặt này được. Đặc biệt là khía cạnh kỹ thuật phân tích không gian KTCQ-là thứ mà hiện trạng của KTVN còn đang gần như bằng không. Được biết tài liệu đầu tiên về "Hình thái học đô thị-Morphologie urbaine" còn đang trong quá trình biên soạn và chưa được xuất bản. Tôi hy vọng có thể tiếp cận được với những kỹ thuật phân tích không gian mới nhất từ các nhà tư vấn nước ngoài.

Cảm giác đầu tiên là hơi hụt hẫng. Không kể những đơn vị đã biết thì lần này tôi chú ý đến phần phương pháp luận của 3 đơn vị có phần mới mẻ là Nikken Sekkei, MQL và 1+1>2 (and Acamedia Italia). Nhưng cả 3 đều không đem lại ấn tượng như dự kiến. Có lẽ khá nhất là NS với những nội dung phân tích mặt bằng theo từng terme: Đặc rỗng, Sở hữu công trình, SD đất, Tầng cao CT, Tuổi thọ độ bền, Công trình quan trọng. Tiêu chí phân tích cho thấy sự khảo sát là khá tổng thể tuy nhiên vấn đề là tôi không nhận thấy 1 thao tác xử lý dữ liệu nào ngoài sự mô tả thuần tuý có tính chất kiểm kê. Nó làm mạch lạc từ vấn đề đến ý tưởng trở nên có phần hình thức.

MQL thì không những tổng thể hơn mà logic trình bày của họ còn "tổng quát" đến cực đoan khi bắt đầu bằng hình ảnh quả địa cầu! 1 chút hài hước nhưng dẫu sao nó nhắc ta nhớ đến yêu cầu của cách tiếp cận cấu trúc trong phân tích đô thị. Thiết kế đô thị-Urban Design-Projet Urbain là khái niệm còn quá mới mẻ và không hoàn toàn tương thích trong các ngữ cảnh khác nhau của các trường phái nên việc phong phú về phương pháp luận là điều đáng vui! Có điều trong hoàn cảnh xem lướt tóm tắt thì cảm giác còn lại với tôi là phân tích của MQL quá nặng về câu chữ thuật ngữ và xa lạ với đặc điểm hiện tình của dự án. Hơi mây gió. (Bằng chứng là giải pháp đề xuất "tấm gương thiên đường" chả ăn nhằm gì với thực tế quá tải hạng nặng của khu vực trên mọi khía cạnh từ hạ tầng kỹ thuật tới hạ tầng xã hội đi kèm).

1+1 thì hoàn toàn lẫn vào cùng các thành viên còn lại về phương pháp luận.

Nói như vậy có đại ngôn? Nhưng tôi có quyền tự hỏi tại sao trong 1 nội dung thiết kế đô thị tại 1 địa điểm vừa có đặc trưng cảnh quan tự nhiên vừa tích tụ chồng lớp rất nhiều quá khứ văn hoá lịch sử...như vậy mà lại thiếu vắng hoàn toàn những kỹ thuật, khái niệm phân tích rất căn bản như: chuỗi phối cảnh, tính đóng, mở của không gian, điểm nhìn chủ đạo, tiêu điểm nhìn, tiết diện nhìn, không gian chuẩn bị, tỷ lệ không gian, góc nhìn, trường nhìn, lực thị giác, chất cảm vật liệu, tính thấm...Bạn có thể phê tôi máy móc nhắc lại những thứ abc, nhưng tôi vẫn băn khoăn: làm sao có thể làm toán khi lờ đi các khái niệm cộng, trừ, nhân, chia? Hay là vì chúng ta đang làm văn? :P Những khái niệm và kỹ thuật đi kèm tôi đề cập ở trên có 1 đặc điểm rất quan trọng: nó giúp ta định lượng những thụ cảm thẩm mỹ không gian thực. Thực ở đây có ý là cái view nhìn thật của mắt người nhìn vào những đối tượng đang có chứ không phải view của camera con kiến bò sát đất hay con chim bay tít trên trời.

Còn cách tiếp cận vấn đề thì sao? Hoàn toàn không có 1 ý kiến nào hoài nghi tính chính đáng của đề bài-về ranh giới nghiên cứu của dự án cả. Cách người ta xác định ranh giới của dự án nó cho ta thấy toàn cảnh vấn đề. Ta nói (cái này nhại các bạn SG :) đối tượng đúng, vấn đề đúng thì ý tưởng mới chính đáng. Trong khi đó cá nhân tôi thấy việc lấy hồ Gươm làm đối tượng rồi chọn đại khái 1 phụ cận để thiết kế đô thị thì thật tình có vẻ người ta đã bỏ qua cái rất căn bản của quy hoạch đô thị; ít nhất trên 2 phương diện: hình thái và cấu trúc đô thị. Hiếm có 1 đô thị nào có cấu trúc đa dạng mà mỗi thành phần lại có hình thái điển hình như Hà nội. Cũng vừa xinh là Hồ Gươm lại có vai trò như 1 trung tâm hoà giải của nhiều loại hình thái đô thị đến như vậy.

Người phân tích rõ ràng nhất về cấu trúc hình thái đô thị của khu vực này mà tôi biết thì may thay cũng có tên trong BGK cuộc thi. Ông Nguyễn Quốc Thông có chỉ ra rằng đặc trưng lịch sử lớn nhất của mặt bằng khu vực này-mà đã được khai thác rất tinh tế bởi người Pháp-nằm trong logic nội tại của từng bộ phận cũng như ý đồ định vị bộ khung các công trình chính của thành phố của KTS. Theo trục Bắc-Nam, 2 mặt phố Đinh Tiên Hoàng và Hàng Trống (kéo dài gọi là Hàng gì nhỉ?) cùng 1 lôgic của loại nhà lô phố có tính chất thương mại. Nhưng có sự khác biệt tinh tế: phía Đinh Tiên Hoàng là logic của khu 36 phố phường với nhà ống, mặt tiền nhỏ, kiểu kiến trúc truyền thống trong khi mặt đối diện-vốn thuộc về khu nhượng địa của Pháp thời kỳ đầu-là những lô được chia lớn hơn với mặt tiền mang phong cách kiến trúc "kiểu Pháp" là chủ yếu. Cả 2 chung nhau những đặc điểm về phân vị, tỷ lệ và tính chất khai thác.

Trục Đông-Tây là logic của các công trình công cộng khối lớn đánh dấu bằng trục Mairie gồm các cơ quan công quyền của thành phố nhưng bám theo trục Đông Tây (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) chứ không quay ra bờ Hồ kết thúc với Ngân hàng Đông Dương và phía đối diện là trục tâm linh đánh dấu bằng Nhà thờ lớn (trên nền chùa Báo Thiên xưa). Cũng phải nói không dưng mà cái toà soạn báo ND lại bịt mặt cái trục kia lại. Người ta chỉ lặp lại cái việc chồng lên biểu tượng bằng biểu tượng mới mà thôi! Những việc làm vô ý tứ về sau đã hoàn toàn phá chiều sâu của không gian QH xung quanh hồ Gươm như chúng ta thấy ngày nay. Tất cả đều nông cạn, sừng sững và hồ Gươm ngày càng giống 1 cái ao tù.

Vì ngay từ khởi đầu đã bị vênh như vậy nên tất nhiên những triển khai ý tưởng về sau của các phương án đa phần đều sa về không tưởng. Ở đây chỉ điểm qua vài điều rất căn bản.

+ 1 phương án đề xuất khuyến khích dân cư chuyển đổi sang kinh doanh khách sạn. Người ta quên mất cái linh hồn của những khu phố cũ, phố cổ là đời sống văn hoá đã tích tụ hàng trăm năm của cái cộng đồng đó. Làm du lịch, nhất là khai thác du lịch thái quá chính là cách tệ hại nhất để giết đi cuộc sống của những di sản đô thị. Ở Singapore người ta đã phải trả giá rất đắt để nhận ra rằng cuối cùng chỉ còn lại những cái vỏ nhà và những cuộc trình diễn sắp đặt văn hoá giả trang. Tinh thần của nơi chốn đã cạn kiệt. Điều đáng quý và cái Tâm cái tầm của người lãnh đạo đô thị lại được thấy ở 1 ví dụ trái ngược là di sản Hội An. Ông Hoàng Đạo Kính có 1 bài viết kể về việc lãnh đạo Hội An quyết tâm vận động từng hộ dân giữ nhà, giữ nếp sống; thậm chí sẵn sàng bỏ tiền mua lại những trường hợp bất khả kháng để rồi cho chính chủ những căn nhà đó thuê lại. Tất cả chỉ để cố gắng cứu lấy hơi thở cuộc sống của 1 đô thị đang bị du lịch hoá thái quá.

+ Như trên bản đồ có thể thấy lớp nhà nằm giữa phố Đinh Tiên Hoàng và Cầu Gỗ đã tồn tại ngay từ đầu. Không thể đồng ý dù chỉ từ giả thuyết những phương án định xoá bỏ hay thay đổi cấu trúc hình thái ở đây. Tất nhiên Hàm Cá Mập thì ngoại lệ. Nên thay đổi, mà tốt nhất phá hẳn đi để mở rộng và nhấn mạnh ý nghĩa quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là quý nhất. Ai phá tôi ủng hộ :P

+ Việc kéo dài và tái phục hồi ý nghĩa của trục từ Nhà thờ lớn ra hồ Gươm là nên làm. Nhưng không nên đưa công trình vào đó. Ý nghĩa nhất là có nội dung biểu tượng và kỷ niệm lại những giai đoạn cổ xưa của hồ Gươm kiểu như sa bàn, bia đá....Làm sao cho nhiên hậu con cháu sau này nhiều người biết ngày xưa Báo Thiên ở đâu :)

+ Cuối cùng, 1 ý tưởng tuy có hơi hướng trên mây nhưng tôi lại đánh giá rất cao, xứng đáng đưa vào list những đại dự án nên nghiên cứu ngay khi kinh tế đi qua thời kỳ suy thoái. Đó là ý tưởng của Viện QH đề xuất phá bỏ và chuyển đổi các công trình lân cận Nhà hát lớn như Viện Địa Chất, Bảo tàng Địa chất...định hình bằng các phố Đặng Thân, Phạm Ngũ Lão...để thiết kế mới 1 công trình có cùng phong cách kiến trúc, tiếp tục kéo dài cung tròn của Khách sạn Hilton hiện tại, biến quần thể này thành 1 quảng trường có dáng dấp như các quảng trường thời Trung Cổ ở Địa Trung Hải. Cùng táo bạo cực đoan tới "vô trách nhiệm" như nhau nhưng việc này xứng đáng hơn chuyện đuổi EVN đi nhiều. Vì những ý tưởng bên bờ Đông xem ra đều chắp vá và không có chút tinh tế nào như thời Pháp thuộc. Chỉ đồng ý 1 điểm nên vận động UBND TP quay mặt lại bám trục Đông-Tây và lưu ý phong cách kiến trúc của mình so với anh em xung quanh 1 tý. Chỉ 1 dự án như vậy đủ tạo ra lớp lang không gian mới mẻ, hoành tráng hơn và tái khẳng định 1 trục văn hoá nhưng ở trình độ và chất lượng cao hơn hẳn. Nó cũng góp phần giảm tải thiết thực cho khu vực hồ Gươm.


Bây giờ mới nói lại từ đầu cho mạch lạc. Hồ Gươm là điểm giao kết, hội tụ của các thành tố đô thị có lịch sử và bản sắc đặc thù khác nhau. Vì vậy chỉ có thể đóng góp cho không gian hồ Gươm tốt hơn khi hiểu và tôn trọng những dấu vết cấu trúc văn hoá, lịch sử tích tụ kia. Việc đó sẽ quyết định ranh giới nghiên cứu. Nó cũng góp phần tiết chế những mơ mộng ngây thơ muốn gom cả ngọn Tu di bỏ lên đầu mũi kim. Chư vị nghĩ coi, Thủ đô bây giờ rộng hàng đầu thế giới, sao cứ ép uổng cái hồ bé bé xinh xinh nhiều quá thế? Vậy mới lâm vào cảnh bế tắc hay ngây ngô về những vấn đề giao thông, tăng tải lên hạ tầng...

Để tạm kết câu chuyện này, xin dẫn lại lời của Leon Van Schaik trong cuốn "Quy hoạch đô thị theo đạo lý châu Á" của William Lim:

"Song song với Andrea Kahn và Nikos Papastergiadis (tất cả đều làm việc độc lập) ông (Lim) đã khám phá ra sự chấp nhận phổ biến và được cảm tình cho những không gian bị bỏ hoang chưa đưa vào thiết kế trong thành phố bởi các dân cư đã bác bỏ những không gian được thiết kế có ý thức".



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét