Thứ Ba, 1 tháng 5, 2007

Thợ nào thua thì về bú tí...




Thợ nào được thì ăn cơm vua

Thợ nào thua thì về bú tí...


Triệu Khuông Dẫn tuy ngừa được cái hoạ phản thần nhưng rốt cuộc không ngăn nổi cái hoạ từ trong nhà với hoàng đệ cùng bú 1 tí là Triệu Quang Nghĩa (Tống Thái Tôn) kia. Rốt cuộc, logic của lịch sử là một logic khác, chẳng bàn hết được ở đây.


Thôi, quay trở lại với Tết Trùng Cửu. Chuyện này cũng có thể dài lan man rộng lớn vô kể. Đó là bởi vì muốn tỏ ngọn nguồn thì bạn phải cùng tớ vạch lá tìm sâu, kê đơn bốc thuốc hòng thoát ra khỏi căn bệnh hoa mắt chóng mặt mỗi khi nhìn thấy chữ Nho, mỗi khi nghe loáng thoáng những "sinh sinh chi dịch", "âm dương ngũ hành"...bala...bala...đi. Tốt nhất bạn tìm mấy cuốn sách của Hồ Thích như "Lịch sử logic học thời Tiên Tần", "Lịch sử tư tưởng TQ thời trung cổ", "Trung Quốc triết học sử đại cương"...rồi châm chước đi cho rõ đại ý. Vì sao lại cần phải như vậy? Là bởi vì truyền thống Trung Hoa hổng có biết tới bản quyền nên cái nạn nguỵ thư không sao ngăn được. Người Trung Hoa lại dễ tính ngang với người Ấn Độ trong việc dung nạp các thức để chế món tả pí lù là "Cổ học tinh hoa". Bách thần với người Ấn đều là hoá thân của Vishnu hết. Vậy là xong. Mọi học thuyết, trường phái của Trung Hoa đều tan biến trong nồi kê "Tam giáo đồng nguyên" hết ráo! Nhưng nói vậy chứ cũng phải có ngọn nguồn nhất định - ít nhất đủ để chúng ta phân biệt thời Tử học và thời Kinh học trong sử Tàu. Theo Hồ lão gia thì những học thuyết Âm Dương Ngũ Hành vốn có xuất xứ từ nước Tề thời Chiến Quốc-thời mà phương sỹ, biện giả nhao nhao đua tiếng đã được hình thành và phát triển thế nào, sau đó đến thời đế quốc Hán chuyên chế thế nào mà tự nhiên chả cần triết lý, học thuật nữa, dưới ảnh hưởng của Đậu Thái Hậu xuất thân con buôn đem cái phong khí mê tín "cơ tường hoạ hại" vào triều đình và đạt đến cực thịnh dưới thời Vũ Đế ra sao. Người đời chỉ biết Đổng Trọng Thư có công sắp xếp ra cái Hán Nho mà ít biết họ Đổng 1 tay dựng lên cái TƯỢNG SỐ LUẬN hão huyền mà ngay Vũ Đế cũng suýt có lần cho chém vì tội phán lung tung vận mệnh thiên hạ.

Rồi những chuyện thời Đường Mạt Phật suy Nho, Lão thịnh hành ra sao cũng nên đọc qua hết một lượt. Chỉ nói gọn lại một câu là: từ thời Kinh học đổ về sau thì cái tinh thần bất uý của Chư Tử đã cạn kiệt mà tư tưởng Trung Hoa trở thành một đống hổ lốn hồ đồ ai muốn phán thế nào thì phán...Kêu ca kể lể nãy giờ vốn cốt để minh bạch một điều là đọc sách Tàu phải biện biệt được chân nguỵ, hoặc như ít nhất cũng đủ biết lời-là-nói-với-ai, lúc-nào?

Về Tết Trùng Cửu, tức là ngày Tết 9-9 âm lịch hàng năm có sự tích như thế này:

Có nhiều điển tích về ngày Tết này:

  • Đời Hậu Hán (25-250) có Hoàng Cảnh, người huyện Nhữ Nam, theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo cảnh:" Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du (một loại tiêu), uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn". Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết.

Vì tích trên, nên về sau hằng năm, đến ngày mồng 9 tháng 9, người ta bỏ nhà tạm lên núi, lánh nạn... Lâu đời thành tục gọi là Tết Trùng Cửu. Sau dần thay đổi tính chất, Tết Trùng Cửu lại dành riêng cho tao nhân mặc khách lên núi uống rượu làm thơ.

  • Sách "Phong Thổ Ký" lại chép: Cuối đời nhà Hạ (2205-1818 trước D.L.), vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Thượng Đế muốn răn nhà vua nên giáng một trận thủy tai làm nhà cửa khắp nơi bị chìm xuống biển nước, nhân dân chết đuối, thây nổi đầy sông. Nạn thủy tai đó nhằm ngày mồng 9 tháng 9. Vì vậy mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều đua nhau quảy thực phẩm lên núi cao để lánh nạn... Tục ấy thành lệ.

Đến đời Hán Văn Đế (176-156 trước D.L.), vua cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi đem nhau lên đài ở cho qua hết ngày ấy. Sau đến đời nhà Đường (618-907), ngày mồng 9 tháng 9 thành ngày lễ tết gọi là Trùng Cửu. Các văn nhân thi sĩ mang bầu rượu túi thơ cùng nhau lên núi cao say sưa ngâm vịnh.

Cổ thi có câu: "Gặp ngày Trùng Cửu đăng cao". "Đăng cao" là lên chỗ cao. "Trùng cửu" và "Đăng cao" đều do điển tích trên.

Trên là chép ở Wikipedia ra. Có thể thấy ngay qua những câu chuyện đáng ngờ kia cái triết lý của Lão giáo (của Trương Đạo Lăng không phải Đạo của Lão Tử) qua vài lần xào nấu tức là gồm cả cái TƯỢNG SỐ LUẬN đời Hán vào trong câu chuyện có tính tượng trưng kia. Theo đó, các con số lẻ 1,3,5,7,9 là thuộc dương mà số 9 với số 7 là hai số thành của dương, 9 được gọi là lão dương (Hệ từ thượng truyện, chương 9). Cũng theo như cái thuyết CỰC TẮC PHẢN của DƯƠNG HÙNG tiên sinh kia rồi thì người Tàu rất trọng việc theo dõi các tiết trong năm, theo chu kỳ của trời đất mà đặt ra các mốc nửa theo TƯỢNG SỐ LUẬN nửa theo THỜI TIẾT mà đặt ra các ngày như 3-3, 5-5, 7-7, 9-9, 10-10...trong đó 9-9 là vào TIẾT THU được coi là DƯƠNG KHÍ đã đến cực điểm bắt đầu chuyển sang thời của âm tàng. (Cũng vì vậy mà 10-10 được coi là ngày cực thịnh của âm khí để thu hoạch các vị thuốc, ngày này là ngày của các thầy lang Đông y). Dưới ánh sáng của Dương Hùng lão gia thì tự nhiên câu chuyện sự tích Hoàng Cảnh lên núi vào ngày 9-9 trở lên rất sáng tỏ. Đó là thứ triết lý TƯỢNG SỐ LUẬN kết hợp triết lý PHẢN PHỤC, QUY PHÁC thô sơ của Trương Đạo Lăng (chế biến từ Lão tử tôn sư). Rằng con người ta cũng như vạn sự có Sinh, Thành, Hoại, Diệt; nếu biết quy phác trở về với TỰ NHIÊN thì còn may giữ trọn được SINH MỆNH (học lóm thêm chút ít DƯỠNG SINH CHỦ của Nam Hoa tiên sinh). Cái triết lý thu tàng này càng trở nên cực thịnh vào đời Nam-Bắc triều lần thứ nhất (thời của Đào Tiềm) khi mà loạn lạc liên miên khiến con người ta chỉ còn biết cầu mong sống trọn cái sinh mệnh của mình mà thôi.

Mùa Thu cũng là mùa người Trung Hoa xứ lạnh bắt đầu quây quần trong làng chờ Đông qua Xuân tới. Cũng từ lâu Thu là lúc người ta nghĩ đến sự ly cách nhiều nhất. Vì vậy, lẽ tự nhiên ngày Trùng Cửu 9-9 trở thành ngày lễ của sự đoàn tụ gia đình, ngày lễ của ước mong bảo tồn SINH MỆNH con người cùng với những thứ thiết thân nhất họ có trong tay (Lục Thân: cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cháu, bạn bè...).

HOA CÚC cũng là tự nhiên nhi nhiên trở thành biểu tượng của mùa Thu nói chung và ngày TRÙNG CỬU nói riêng.

Cửu Nhật Ngũ Thủ, Tuyển Nhứt


Trùng dương độc chước bôi trung tửu


Bảo bệnh khởi đăng giang thượng đài

Trúc diệp vu nhân kí vô phận

Cúc hoa tòng thử bất tu khai

Thù phương nhật lạc huyền viên khốc

Cố quốc sương tiền bạch nhạn lai

Đệ muội tiêu điều các hà tại

Can qua suy tạ lưỡng tương thôi



(Đỗ Phủ)


Ngày Chín, Năm Bài Lựa Một

Trùng dương, rượu trút, một mình ta


Khổ bệnh, sông dài, dấn bước qua

Lá trúc cùng người than phận lỡ

Cúc vàng thuở đó chẳng đơm hoa

Tha phương vượn khóc tà dương xế

Quê cũ nhạn về sương sớm sa

Em gái phương nào thân tá túc ?

Bệnh căn, loạn lạc, nhiễu phiền ta


(Hải Đà dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét