"Thu cúc xuân lan ninh dị địa
Thanh phong minh nguyệt bổn đồng thiên"
(hoa cúc nở mùa thu, hoa lan nở mùa xuân là do thời tiết, chứ không phải do nơi đất đai khác nhau . Gió mát trăng thanh vốn cùng ở trong một bầu trời)
Hai câu thơ trên là của Triệu Chương Tuyền đời Tống (Luận Thi). Cuối loạt bài này tớ sẽ cẩn trọng ghi chú những link đã sử dụng không các bạn hiền lại nhầm tưởng tở bác cổ thông kim đến vậy :D Ở đây có cái ý này để nói: là thực ra con người ta vốn dĩ rất thích gán cho sự vật trong tự nhiên những ý nghĩa, khiến nó phải trở thành 1 biểu tượng và dần dà trở nên chỉ còn biết yêu cái biểu tượng đó mà lãng quên bản thân sự vật. Hoa cúc cũng chỉ là một loài hoa nở vào mùa thu (ở tàu, giờ HN bán đầy), tức là thích ứng với THỜI TIẾT thôi. Nhưng người ta đã gán cho nó rất nhều ý nghĩa rất hay. Nói chung chả vấn đề gì. Vì làm sao tách bạch và cố định mọi sự được. Hễ tách bạch là cằn cỗi ngay. Có điều xin cứ nói nguyên cả cụm "Hoa Cúc, biểu tượng của...bala...bala..." cho nó được minh định. Hình như người phương Tây gọi 1 thứ hoa như vậy là Daisy (theo em Cúc Hoa) và có nghĩa là 'mắt của ngày". Vài người thì cho nó là biểu tượng của tang tóc và rất kiêng kỵ trong việc tặng nhau thứ hoa này. Cũng tại vì họ Cúc có rất nhiều loại và mọi điều chưa hẳn đã mâu thuẫn nhau. Nhưng với thứ hoa cúc đại đoá vàng rực có hương thanh tao nở vào mùa thu kia thì đích thị là thứ hoa cúc của người Trung Hoa xưa rồi. Và, chính con người đã lồng tâm tình của mình vào thiên nhiên; trải rộng trên 1 miền rộng lớn để trở thành kinh nghiệm phổ biến và ở một xứ sở nào đó HOA CÚC từ 1 tượng trưng ngẫu phát của ai đó trở thành một tượng trưng phổ biến. Từ đó VĂN HOÁ vào cuộc với những quy luật của nó. Trùng trùng duyên khởi.
Nói đến những loài hoa quí, được nhân gian ưa chuộng nhiều, người ta thường nói đến bộ "tứ bình" (bức tranh treo ở bốn phía quanh nhà) , gồm có bốn loại hoa: Mai, Lan, Trúc, Cúc. Hoặc nói về "tứ quí" người ta muốn ám chỉ đến bốn loại cây cảnh : Tùng, Cúc, Trúc, Mai . Người xưa yêu hoa Cúc vì đó là loài hoa biểu lộ đặc tính : "diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa", lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẳng lìa thân, dù héo rũ tàn khô, vẫn luôn bám lấy cành như người quân tử đầy chí khí suốt đời theo đuổi lý tưởng chân chính của mình.
Hoa Cúc biểu tượng cho tinh thần thanh cao của những kẻ sĩ muốn lánh xa vòng tục lụy . "Cúc ngạo hàn sương", cúc vẫn hiên ngang ngạo nghễ đâm hoa kết nhánh mặc cho sương tuyết lạnh giá bao trùm, mặc cho khí thời khắc nghiệt vây quanh, cúc vẫn mang nét điềm đạm ung dung, cúc vẫn vương mình đứng thẳng giữa phong trần, thách thức với bao nỗi đoạn trường gian truân của thế sự nhân tình:
Tiếu ngạo hàn sương phô cốt cách
Khai nhan diệu sắc kháng thu thâm
Cúc Đảm Ngạo Hàn Sương (Hải Đà)
Khai nhan diệu sắc kháng thu thâm
Cúc Đảm Ngạo Hàn Sương (Hải Đà)
(Hoa cười kiêu ngạo giữa sương lạnh, luôn giữ phong cách cao thượng
Mở mặt vui tươi màu sắc lộng lẫy như muốn thách thức thu già)
Người ta đi tìm ý nghĩa cho nhân sinh trong thiên nhiên - mặc cho rất có thể không có cái gọi là ý nghĩa ấy. Không có Tâm thì cũng chả có Cảnh.
"Diệp bất chi hoa, hoa vô lạc địa" - là cái cốt yếu của Cúc trong tâm tưởng người Trung Hoa. Và tất nhiên tớ cho rằng phải đợi có những thi nhân làm thơ trong ngày Trùng Cửu (Trùng Dương) rồi thì văn hoá Trung Hoa mới dày dặn nhiều trò đến như vậy.
Hoa rồi, bây giờ mình cùng nhau điểm qua chút ít về Kinh Kịch nhá.
KINH KỊCH: (Jingju), một loại hình hí khúc Trung Quốc, ra đời từ thế kỉ 18, bằng sự tổng hợp nhiều hình thức ca hát địa phương. Đầu thế kỉ 19, trở thành hình thức sân khấu cung đình chính thống và phát triển mạnh mẽ, chiếm vị trí hàng đầu và tiêu biểu cho loại hình hí khúc Trung Quốc. Do được hình thành từ lâu và tiếp thu nhiều tinh hoa của nghệ thuật hí khúc trước đó, KK đã đạt tới mức hoàn chỉnh và trở thành cổ điển, với một hệ thống trình thức biểu diễn nghiêm ngặt (tương tự như tuồng cổ Việt Nam), có ảnh hưởng đến các loại hình khác. Lúc biểu diễn các động tác đều mang tính ước lệ; điệu hát cơ bản là điệu xoang; hợp tấu có các nhạc cụ hồ, đàn nguyệt, đàn 3 giây, sáo, trống, thanh la, sênh, bạt. Có hơn 1.000 kịch bản truyền thống. KK đã từng được biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, được khán giả chú ý về tính độc đáo trong ngôn ngữ biểu diễn của diễn viên, tính ước lệ và nghệ thuật cách điệu.
Tớ hiểu biết về Kinh Kịch cũng hạn chế, nên chỉ bổ sung chi tiết này: là nghệ thuật hát và thưởng thức Kinh Kịch cũng từa tựa như Ca Trù của ta, tức là phải dùng hơi ở Đan Điền mà hát. Nên tiếng hát thể hiện nội khí rất rõ. Điệu bộ ước lệ lột tả THẦN THÁI của nhân vật. Đành rằng kịch là ước lệ, nhưng cũng như kịch Nô của Nhật Bản, với Kinh Kịch hầu như mọi thứ đều rất ước lệ. Giản lược và ước lệ. Ưu điểm của nó là gì thì sẽ để dịp khác học hỏi cao nhân rồi bàn rộng sau, ở đây góp với các bạn một đại ý: nghệ thuật và những thứ trừu tượng khác nói chung cốt nhắm vào chỗ đa nghĩa dành chỗ cho đối tượng của nó tham gia trải nghiệm. Cũng phải nghiên cứu thêm nhiều mới làm rõ được tại sao Kinh Kịch lại ăn sâu vào tâm tưởng người Trung Hoa đến thế trong khi ta mới nghe lần đầu chỉ thấy léo nhéo sốt ruột :D
Hệ thống quy ước về màu sắc, cử động, điệu bộ của Kinh Kịch rất nghiêm ngặt và tinh tế. Hiểu thêm chút ít về nó cũng như tư tưởng âm dương ngũ hành trong văn hoá nghệ thuật Trung Hoa sẽ rất hay để làm sáng tỏ nhiều yếu tố bất ngờ. Tớ học được điều này từ khi đọc cuốn GIẢI MÃ TRUYỆN TÂY DU KÝ của LÊ ANH DŨNG, các bạn có điều kiện thì tham khảo. Thôi, để phần sau tớ viết tiếp về Hệ biểu trưng của Kinh Kịch và âm dương ngũ hành. Đi làm nghĩa vụ quốc tế cái đã...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét