Thứ Hai, 8 tháng 10, 2007

Tranh luận-Đối thoại-Phê bình

Muốn thực sự hiểu tư tưởng 1 con người tôi cho là phải dò dẫm trải nghiệm với người từ bước tấp tểnh ban sơ để nhiên hậu có thể cùng chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong lời nói cử chỉ bình phàm giản dị. Đọc tập sách mỏng được viết lúc đầu đời của BG, tôi thấy ông trở lên gần gũi và dễ đồng cảm hơn hình ảnh Người Điên kỳ vĩ nhiều.
---------------

Một vài nhận xét về Truyện Thuý Kiều-Bùi Giáng


Bản ngã cô Kiều.

Từ ngày các tập “Luận đề” được ra đời thì giới học sinh và giáo sư thật không hết lời cảm tạ. Những tập mỏng mỏng, tươi tắn, đậm đà, không từng phụ lòng mong đợi của một ai. Chúng tôi rất lấy làm sung sướng.

Riêng mấy luận đề của ông Nguyễn Sỹ Tế đã làm chúng tôi cảm động sâu xa.

Và chính vì lẽ đó, mà sơ ý một tí, ông càng để lại cho chúng tôi một chút hận khôn nguôi.

Chúng tôi mấy lần tự hỏi :”Là đàn em, khi thấy cái lỗi của người chị, có nên thưa lại cho chị hay ?”. Nhưng dần dà rồi em cũng quên khuấy đi mất và ngày qua tháng lại, riêng chỉ còn nhận thấy độc một vẻ diễm kiều của chị thôi.

Kịp đến khi người chị, chợt một buổi mai êm trời, lại một lần tô phấn lại, bước ra… tập”Luận đề về Nguyễn Du”, ông Tế vừa cho tái bản.

Xem lời giới thiệu ở trang đầu :”Tác giả có sửa chữa và thêm bớt nhiều” chúng tôi vồ vập ngay. Chúng tôi tin rằng điều chị làm phật ý chúng em ban đầu, ngày nay chị bằng lòng xí xóa. Và chúng tôi sung sướng : chị qủa rộng lượng trăm chiều. Vâng, chỉ vài lời điểm xuyết thêm vào lời lẽ xưa, và người chị đoan trang càng thêm lộng lẫy.

Nhưng nghẹn ngào, chúng tôi vẫn còn mang tí hận cũ. Riêng đề “Bản ngã cô Kiều” trong tập, không được ông sửa đổi lại. Kiều ra mắt khán giả lần thứ hai vẫn với cái cốt cách xưa : đam mê và nhu nhược, yếu hèn, không thật lòng, giả dối.

Sao ở mọi chốn khác ông Tế tỏ ra chu đáo là thế, mà riêng đây, ông nỡ cứ hẹp hòi.

Mười năm trước, ông Nguyễn Bách Khoa từng lớn tiếng “Hoàn cảnh xã hội chi phối con người”. Nhưng khi đem cái nguyên tắc ấy áp dụng trong việc phê phán nhân vật, bao lần ông đã không chịu xét cái cảnh ngộ nào đã trực tiếp chi phối tâm trạng con người nào. Ông lôi người ta ra giữa khoảng trống trơn, tuy xung quanh có núi sông bát ngát, và vũ trụ mịt mùng, nhưng đâu là nếp nhà tranh, lũy tre thưa, bờ giếng nước, tấm cửa sổ, chiếc chiếu, và áo quần ?

Rồi mặc tình ông tha hồ mổ xẻ, không một người thân thích nào được chứng kiến để nhỏ giọt lệ, mà kịp kêu lên một lời biện hộ minh oan.

Ông tàn nhẫn qúa. Mà chúng tôi tự lượng sức mình không đủ để bênh vực cho giai nhân. Chúng tôi đành quay mặt đi, không dám thấy, và chỉ xin phép yếu ớt khẽ kêu lên một tiếng xuýt xoa một đôi bận mà thôi - những bận nào mũi dao của ông tỏ ra tàn bạo qúa !

Kiều đam mê và nhu nhược, đành là thế. Nhưng đam mê theo một lối nào ? Và nhu nhược đến mức độ nào ? Đam mê có phải là trụy đọa ? Nhu nhược mà có đến nỗi đê hèn không ? Phút nào nàng nhu nhược? Bận nào nàng qủa thực đam mê?

Ngoài những lẽ viện đúng tất nhiên, đây một ít lời của ông Tế khác :”Theo Sở Khanh vì đam mê.Vì đam mê nên thiết tha với Thúc Sinh, Từ Hải. Vì nhu nhược nên e dè trước thái độ tha thiết của Kim lang. Xui Từ Hải ra hàng vì vừa lẩn thẩn. nhu nhược và đam mê”.

Ta thấy mấy hành động của Kiều kể trên - nhất là hành vi nghe theo Sở Khanh - nếu qủa thật thôi thúc bởi thói đam mê đa tình, liều lĩnh thì thật là nàng đã đê hèn, khốn đốn vô ngần. Chúng ta kinh ngạc. Con người vừa bán mình vì hiếu? Con người vừa toan kết liễu đời mình để thoát vòng ô nhục, con người ấy, giờ này, đã vội vì thói lẳng lơ đa tình, mà chay theo níu áo Sở Khanh hay sao ?

Nếu thật thế, thì không khí chốn bình khang qủa thật là biến đổi con người ! Và ảnh hưởng hoàn cảnhtrên cá nhân thật là tuyệt đối hòan toàn, lẹ làng, chớp nhoáng. Chỉ một lần bước qua ngưỡng cửa, chưa hề lăn lóc, mà nông nỗi đã thế sao ?

Có thể được không ? Nguyên cớ nào đã thực sự xui nên ? Hòan cảnh nào đã thực sự thôi thúc, giục giã ?

Đáp rằng : chính vì muốn thoát khỏi chỗ đê hèn, mà nàng đã có những hành động “mê muội” như trên. Nàng theo Sở Khanh không phải vì phục kẻ họa thơ như ý ông Tế. Chỉ vì một nỗi, trong bước đường cùng, túng thế, sẩy chân, vừa suýt rơi vào vũng ô trọc, vừa toan kết liễu đời mình. Nghĩ đến ngày mai mà rùng rợn, nhìn bốn bề Ngưng Bích mà hãi hùng, lúc sắp chết đuối, lẽ nào ai lại không hiểu hộ cho ? Ta sẵn sàng níu tấm ván mục kia mà.

Cái bàn tay đưa ra lúc ấy là bàn tay hiệp sĩ, anh hùng, hay vũ phu, tàn bạo, hay sát nhân, ta không cần biết. Chỉ biết lúc này không còn mối đe dọa nào ghê tởm bằng sừng sững bóng lầu xanh. Nếu thế mà cho là nhục, thì chịu làm đĩ hẳn phải là vinh quang?

Ngày sau khi đã thực sự chịu ê chề, sau bao lần “giật mình tỉnh rượu tàn canh”, Kiều sẽ gặp Thúc Sinh. Nàng có yêu Thúc Sinh thiết tha cả phách lẫn hồn, “yêu đến vỡ bờ” như ông Tế nói? Không. Nàng không yêu. Mà nói yêu cũng được. Nhưng yêu không phải vì thói đa tình, mà chỉ vì, với chàng, nàng đã hàm ân nghĩa nặng mà thôi.

Cái bàn tay “tế độ” của Sở Khanh trước đã xô nàng xuống vực thẳm, thì bây giờ, qủa đây, là bàn tay cứu vớt. Hòan lương một kiếp, nàng mang nợ trót đời. Nếu lúc khuyên chàng về xin phép vợ cả, nàng có thốt bao lời tha thiết đến lâm ly, nếu lúc chia tay nàng có ngừng chén, nếu lúc hợp tan nàng có nghẹn lời, thì vừng trăng ai xẻ làm đôi đêm hôm ấy xin hãy chứng giám cho lòng người : thiết tha mong mỏi sống ở một nơi trong sạch, phận dầu lẻ mọn, mà không vẩn đục đến linh hồn.

Nếu đam mê, thì đời nào cô đĩ chịu hoàn lương để làm thân lẻ mọn, chịu cái số kiếp chồng chung, mà ai kia, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã không tiếc lời bỡn cợt vì cảm thông :”chém cha cái kiếp lấy chồng chung…”

“Sắn bìm chút phận con con” mà vẫn mòn mỏi đợi chờ. Vì sao? Không. Nàng chỉ tỏ ra còn giữ nguyên vẹn, còn ý thức hoàn toàn về phẩm cách con người.

Rồi về sau, bị đưa đến cửa công, con người ấy cũng sẽ không nao núng trước hiện thân của pháp luật “ mặt sắt đen sì”

Đam mê chỉ xui người ta mờ mắt, mà quên phẩm cách đi. Ở đây, nàng tỏ ra nhận thức cảnh ngộ sáng suốt biết bao.

Rồi vì đam mê yêu Từ Hải ? Lại cũng như trường hợp Thúc Sinh. Ta trách nàng sao phải?

Còn nhu nhược ? Qủa có nhiều. Nhưng nhu nhược ở những điểm nào ? Ta có nên chủ quan và tuyệt đối qúa không ? Khuyên Từ Hải ra hàng, có gì mà cho là lẩn thẩn hay nhu nhược?

Nương thân vào Từ, nàng tin cậy, vững dạ không lúc nào bằng. Đành khuyên Từ ra hàng, rất có thể vì một tí nhu nhược trước cái ảo ảnh “nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha”.Mà trách nàng làm sao ! Đời nàng đã có một lần nào là nở nang mày mặt, là rỡ ràng mẹ cha đâu. Ta không thể buộc người đàn bà phải mang tâm hồn một triết nhân khắc kỷ Hy Lạp ngày xưa.

Tầm thường hơn, ta hãy nhìn nhận rằng có điều chắc là nàng đã nghe theo tiếng gọi của lòng nhân đạo một phần, nàng không đàng lòng được, nàng không thể ngồi đứng an vui được, khi nghĩ rằng mình xây riêng hạnh phúc mình trên đống xương vô định, Ta cảm thương cái chết của Từ, và sinh lòng giận nàng thật. Nhưng cũng nên nghĩ lại rằng cái hành tung khuấy nước chọc trời của người áo vải Việt Đông, dù sao cũng chẳng phải đã tuân theo một lý tưởng vị nước vị dân nào. Đúng như lời ông Tế nói trong một luận đề khác:”Việc làm của Từ Hải không phải việc mà người quân tử chịu làm”

Thì ta cũng không nên nghiêm khắc. Dù có lỗi đi nữa, nàng cũng đã chuộc tội mình bằng một giá đích đáng; là nạn nhân đau đớn , nàng đã tự kết liễu đời mình ở sông nước Tiền Đường.

Nếu có nói rằng lẩn thẩn, nhu nhược, tầm thường, là chỉ ở hành vi báo oán là một, ở thái độ nàng khi thị yến dưới màn Hồ Tôn Hiến là hai. Đây mới là chỗ ta thấy nàng tầm thường qúa đỗi. Đúng như lời ông Đào Duy Anh đã nói : Gíam Sinh, Sở Khanh, nào có tội lỗi gì, nhất là Sở Khanh và Ưng, Khuyển, chẳng qua chủ bảo sao hay vậy, nào có gì là gỡ gạc được chút chi, mà phải chịu sự phỉ báng của người đời.

Chẳng qua họ cũng như Kiều, nạn nhân của một trật tự xã hội. Nhưng, làm sao đối với Kiều, một tâm hồn con gái thời xưa, mà gái phương đông, hẳn phải giận hờn ai ghê lắm.

Còn thái độ nàng dưới màn Hồ Tôn Hiến, tưởng chỉ nhắc lại lời Đào tiên sinh là đủ. Tôi chỉ dám thưa thêm rằng : không một chỗ nào trong toàn tập, Nguyễn Du có thể nói đã để tài nghệ mình vượt qúa đoạn này. Không một nơi nào trong toàn tập, ta thấm thía hết cái tiếng “tân thanh của đoạn trường” bằng ở đây.

Nhiều nhà phê bình muốn rằng ở đây Kiều phải mắng vào mặt Hồ Tôn Hiến. Ta giận nên nói thế được rồi. Nhưng người trong cuộc đã trải qua bao nhiêu nỗi cay đắng ở đời, trước nỗi chua xót cuối cùng, chỉ còn mím miệng tê tái cười mà thôi.

Nàng chửi Hồ Tôn Hiến, thì đã dễ rồi. Nàng có sợ ai đâu. Cái chết còn không sợ nữa là. Nhưng cái khổ đã đến độ nào mà con người không còn lên cái tiếng chửi mắng thông thường ấy của chúng ta nữa. Ta giận, ta đập bàn, ta đỏ mặt, ta lên tíâng to, thì cái ấy đã thường.

Nhưng đây, cái cung đàn bạc mệnh phản chiếu một đời người có khác. Vâng, ông bảo tôi thị yến dưới màn. Ông bảo tôi vặn cung đàn bạc mệnh cho ông nghe, tôi xin dìu dặt vặn cho ông nghe. Ông bảo tôi lấy ông, tôi xin lấy. Ông lại gán tôi cho Thổ quan, tôi bằng lòng. Ông bảo tôi đừng tự tử, tôi xin lấy. Vì, than ôi, người đã hiểu giùm chưa? Từ nay, đi đâu, ở đâu, đứng ngồi đâu, mang một hình người hay bóng quỷ, ở địa ngục hay trần gian lòng tôi đã chết hẳn rồi. Tôi có nhảy xuống Tiền Đường là chỉ vì sợ trách, sao lại sai hẹn mà thôi. Kể ra thì không cần phải nhảy.

Còn nói đến cái điểm “ không thật lòng”của nàng, thì hà tất ta phải dài lời nói đến. Sau tấn thảm kịch không lời của sông Tiền Đường, trùng phùng còn có dịp, sao nàng lại thốt lời từ chối cha mẹ, không muốn về lại gia đình? Có qủa thật là nàng không thật lòng?

Không. Nàng chỉ tỏ ra nặng lòng trung nghĩa với Gíac Duyên.

Qua cuộc đời bảy nổi ba chìm, qua bao nhiêu sóng va gió đập, cái bến nào đem lại chút bình thản cho tâm tư, là chỉ cùng Gíac Duyên nàng tìm thấy “Lâm chuy buổi trước Tiền Đường buổi sau”

Vui biết bao lúc nhìn lại cha mẹ, hai em, người yêu, sau mười lăm năm xa cách. Bao nhiêu là nước mắt của kẻ ở người đi, tự buổi “gió giục mây vần”
Từ con lưu lạc quê người
Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm.
Tình rằng sông nước cát lầm,
Kiếp này ai lại còn cầm gặp đây.
“Kiếp này ai lại còn cầm !” ấy thế mà không vì mảng vui sum họp với gia đình, mà chịu coi nhẹ nghĩa trùng sinh.
Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi
Lời nói ấy của Kiều trong phút ấy, cái chỗ thắc mắc của nàng trong buổi trùng lai, thật là cảm động.

Thoát chốn ô trọc, thoát nanh vuốt cuộc đời, qua Tiền Đường mà còn sống lại được đến ngày hôm nay, còn nhìn được cha mẹ ở kiếp này, vì ai mà còn dịp “Trùng sinh ơn nặng bể trời..”

Một lời nói chứa chất biết bao là đau khổ đã chịu, là chung thủy của trọn một kiếp người.

Kiều gieo mình dưới gối mẹ, “khóc than mình kể sự mình đầu đuôi” và mọi người đã vội “quây nhau lạy trước Phật đài..Tái sinh trần tạ lòng người từ bi”.

Trước tấm lòng tri ân của đám người đau khổ ấy, chúng ta cảm động dường nào. Và thầm tạ Nguyễn Du chu đáo biết chừng nào?

Một lời nói, một chút ngần ngừ, nếu Nguyễn Du quên không để cho Kiều thốt, ta sẽ vì Nguyễn Du mà bực bội , vì Kiều mà bực tức biết bao nhiêu.

Rồi đến cái điểm “không thật lòng” của nàng khi từ chối duyên cầm sắt cùng Kim Trọng. “Từ chối duyên cầm sắt cùng Kim Trọng là không thật lòng, chỉ vì muốn giữ vẹn một chút trinh linh lạc”

Thành thật, ở đây, chúng tôi thấy ông Tế quá ư nghiêm khắc. Biết nói làm sao ! Chúng tôi chỉ xin nói rằng: Từ cái việc Thúy Vân lúc tàng tàng chén cúc đứng lên giãi bày, rồi đến Kim trọng tiếp lời, rồi ông bà Viên ngoại phụ họa theo, đừng nói chi đêm động phòng não nuột, mọi người tuy vì Kiều mà nài ép, nhưng sao ta vẫn thấy có gì như tàn nhẫn qúa, buộc con người đã chịu bao tủi nhục phải một lần nữa tủi cực chua xót nhắc lại đời mình :
Thiếp từ ngộ biến đến giờ…
Kiều thật lòng hay không thật lòng? Hà tất phải nói.

Tâm tư của con người sau mười lăm năm chìm nổi có còn là tâm tư rào rạt yêu thương của tuổi mười sáu nữa hay không? Chết ở sông Tiền Đường rồi sống lại, nhìn lại trần gian thì màu sắc đời người có còn là màu xanh tươi ngát của tuổi xuân không ? Nàng từ chối vì lẽ gì ? Vì mình, vì người, vì tình thương nhau cũ, xin đừng nỡ “vầy cái hoa tàn làm chi”
Người yêu ta xấu với người
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau…

Còn đâu một nỗi buồn não nuột hơn không ?

Qua bao bước đoạn trường, bao lần nàng từng mong còn ngày tái hợp.
Nhưng ngày tái hợp đến qúa trễ tràng.
Mười lăm năm mới bây giờ là đây


Con người bỗng phát hỏang khi nhìn lại tấm thân mình. Tái hợp trong điều kiện như sao mà con người phải thốt :
Người yêu ta xấu với người,
Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi…

Trên đây tôi chỉ gắng nêu lên những điểm nào đã làm cho độc giả vì mến yêu ông Tế mà phải giận ông nhất. Còn những điểm khác về bản ngã Kiều cần phải bàn cãi thư thả hơn, chúng tôi đâu dám tự tiện. Xin nhường lại các bậc đủ thẩm quyền nêu lại.

Tỉ như : Kiều gắn bó với Kim Trọng, ông cho là liều lĩnh, khuyên can chàng lúc sỗ sàng, ông cho là e dè. “ Hai bản năng trái nghịch trong một bản ngã mềm yếu đàn bà đã chi phối đời Kiều làm cho nàng khi tỉnh, khi say, muốn liều lĩnh sống theo xu hướng lòng, lại e dè sợ sệt đủ đường, yếu nhược còn cứ cố giãy dụa ra khỏi hòan cảnh trói buộc mà thành ra gặp hết nạn nọ đến tật kia”.

Tôi đã định kết thúc từ nãy. Nhưng sao đến đây tôi lại thẩn thẩn thấy chưa đành. Chắc rằng tôi sẽ còn xin phép nấn ná ở lại với Kiều một lần nữa. Xin độc giả lượng tình cho vậy.

Ở đây, tôi chỉ thấy trong thái độ Kiều một sự cố gắng vùng vẫy hòa giải đáng thương của con người phải sống trong khuôn khổ ngiêm ngặt của Khổng giáo, và chịu sự đàn áp của xã hội hẹp hòi… và nói cho đúng ra, thì cả cái xã hội ấy cũng cùng chịu chung một cảnh ngộ éo le chung cho cả bọn mà thôi. Nào há chỉ riêng Kiều e dè, hay nhu nhược, hay liều lĩnh, lẩn thẩn hay đam mê, hay ấy chính đáng thương vô hạn! Còn bao nhiêu kẻ nữa, ở mọi nơi, mọi chốn suốt xưa nay. Là tiểu nhân, anh hùng, hay triết nhân khắc kỉ, cũng không thoát khỏi những hệ lụy chung cho kiếp người.

Lẽ ra, đã cùng một hội một thuyền, thì ta cũng nên rộng rãi một tí với Kiều, một nhân vật sống của một nghệ sĩ siêu việt trong thiên tài. Sao ta không chịu rộng rãi?

Tình cảm của con người, yêu thương của con người – tôi nói tình yêu chân thành tha thiết nhất - vẫn không được các đạo giáo xưa nay khuyến khích bày giãi một lần nào. Nói thế ta không phũ phàng chê trách nền đạo giáo nào cả. Mọi nền đạo giáo đều có lí do tồn tại, và không nền đạo đức nào có thể chiều theo mọi sắc thái riêng của tâm hồn mọi người.

Tôi chỉ muốn nói rằng, khi ta căn cứ trên một nguyên tắc nào để phê phán một kẻ nào, ta nên thận trọng, đừng để cho nguyên tắc trở thành máy móc, và một nền đạo đức “sống”, lẽ ra phải vừa kìm hãm người vừa nâng đỡ người, đừng trở thành công cụ đày đọa người, tra tấn người một cách vô ích làm chi.

Ta nên bình tĩnh nhìn nhận rằng sống giữa xã hội mà con người còn mang nặng một qủa tim người thì thế tất không làm sao tránh khỏi ray rứt, vì bao bận trong lương tâm mình đã diễn ra tấn tuồng tranh chấp, bao lần xô xát, va chạm, và vấp váp, mấy lần mâu thuẫn, một chút điều hoà…

Cái chút điều hoà mong manh mà nặng trĩu ý nghĩa ấy, nhân vật của Đoạn trường tân thanh đã thực hiện như thế nào, qua tâm hồn của thi sĩ Tố Như?

Nếu tâm sự của Kiều không được thấu thì ta e rằng đồng thời giá trị của Đoạn trường tân thanh cũng do đó mà tổn thương rất nhiều. Gía trị văn chương của nó khi ấy sẽ không thành vấn đề. Vì là văn chương hư ngụy. Và cái gía trị về tư tưởng, và cái gía trị nhân bản của nó sẽ qủa là “kém” như lồi ông Tế nói trong một luận đề khác.

Chúng ta tự hỏi : “Một áng văn chương phản ánh một đời sống nào, giữa xã hội nào, và lạ lùng thay, cái sức sống của nó bắt nguồn ở đâu mà nó chi phối và ngập tràn sâu xa vào đời sống tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam trong một thế kỉ rưỡi, đã đưa hẳn đời sống tình cảm của dân tộc lên một mức độ chưa từng có tự cổ lai, một áng văn chương như thế thì giá trị nhân bản của nó như thế nào ?”. Đúng như lời ông Tế nói : “giá trị tư tưởng của nó không đều”. Nhưng không vì thế mà giá trị nhân bản của nó kém. Nếu trước sau giá trị tư tưởng của nó phải đều như một hệ thống triết học chặt chẽ theo lối ta nghĩ, thì có lẽ nó đã không là văn chương. Nó sẽ không mang đề mục “Đoạn trường tân thanh”. Nhà khoa học, bác sĩ y khoa sẽ cho nó một cái tên khác.

Nhưng chính cái chỗ mâu thuẫn, cái chỗ tầm thường trong quan niệm, trong tư tuởng, ấy là giá trị bất diệt trong tác phẩm Tố Như. Người đã cố tình gảy sai cung lỗi nhịp bản đàn để tách rời rạng rỡ bản nhạc buồn thương của con người ra biệt khỏi bản hòa âm muôn thuở giạt dáo của vũ trụ.

Cái ý nghĩa nhân bản của nó là ở đó. Nó phản ánh một cách nhiệm màu đời sống của con người giữa xã hội, một xã hội như sao mà quyền sống của con người luôn bị chà đạp, và người luôn luôn phải điều hoà bằng mọi cách muôn mặt của đời tình cảm mình; âm thầm, lặng lẽ, một mình mình biết, một mình mình hay.

Cái chỗ siêu việt của Nghuyễn Du là ở đó. Các triết nhân, thánh hiền, các nhà chính trị, sỡ dĩ họ cảm động ta và lôi cuốn ta, tuy thường họ chỉ nói những điều ta từng đã biết, chỉ vì họ đã vừa đau khổ vừa nói. Và đau khổ một cách tầm thường mà thôi.

Ai đã khóc một cách giản dị bằng thánh Gandhi, lúc ở Anh về nhìn lại Ấn Độ? Lúc tự ý đày mình ở lại Phi châu? Ai đã khởi đầu một phong trào dân tộc vĩ đại hơn trong kịch sử loài người? Ấy đấy. Cũng chính kẻ ấy, xưa kia, đã mờ mắt cho lệ chan hòa, viết thư khóc bạn canh khuya.

Nhà khoa học đóng chặt cửa phòng thí nghiệm, cố tách biệt mình với cuộc sống, có vì thế mà ta dám nói rằng ta yêu đời hơn họ hay không? Mà yêu theo nghĩa thông thường thôi đấy.

Con người thông minh ra và cao thượng ra vì có một trái tim biết thổn thức một cách tầm thường, đôi bận ngỡ ngàng, mấy lần vụng dại. Một giọt nước mắt khóc mẹ, khóc em, khóc bạn bè, láng giềng quen thuộc, một niềm thương xót còn sót trong nguôi lãng, một chút yêu vì còn sót lại trong khinh khi, chính chúng giúp ta hiểu nỗi lầm than của xã hội hơn mấy trăm lời nói hùng biện của triết nhân, đã bị ta bóp chết khô trong hệ thống.

Tuy bao lần qủa tim uyển chuyển đã gây nên bao nhục nhã cho người, nhưng cũng chính trong cái nhục, con người biết nhục đã tìm thấy ý nghĩa của cái vinh.Và bóp nát nó đi, cái chết của nó sẽ gây nhiều hậu qủa thảm hại không kường sao hết được. Con người sẽ phản lại cuộc sống ngay, khi chỉ còn bấu víu vào lý trí khô khan để sống.

Gía trị truyện Kiều – sao phải dùng tiếng giá trị ? – xây dựng trên mấy nét uyển chuyển tầm thường của một qủa tim, tệ hơn, một qủa tim đàn bà, có vì thế mà giá trị nhân bản của nó kém đi không? Không. Mãi mãi nó sẽ còn là tác phẩm độc nhất trong văn học Việt Nam cho thấy cái sức sống của con người. Không một tác phẩm nào làm ta khóc nhiều bằng, mà cũng không một tác phẩm nào giúp dân Việt hy vọng, tin tưởng nhiều bằng ở linh hồn nước Vịêt ngàn năm.

Con người nghệ sĩ kì quặc nơi Nguyễn Du, ta không làm sao nói được. Một bậc thánh hiền sẽ lặng lẽ cúi đầu trước câu chuyện tầm thường ấy của một người đàn bà tầm thường mà một thi nhân đã nghẹn ngào kể lể lại.Câu chuyện riêng của cô gái giang hồ bỗng đã mang nặng nỗi đau thương muôn đời của con người trước cuộc sống.

Kiều đã cảm động ta đến cùng vì lẽ ấy. Chúng ta khóc Kiều không phải chỉ vì thương cho thân thế một cô gái giang hồ thôi đâu. Cũng giống Chu Mạnh Trinh khóc Kiều, và mơ hão một giấc mơ tao phùng cùng người quốc sắc.

Không. Tác phẩm của Tố Như không phải chỉ gợi được chừng ấy nỗi niềm xót xa thương tiếc luẩn quẩn trong vòng cá nhân hẹp hòi. Xin đừng ai nỡ đem so sánh Kiều với bất kì một cuốn tỉêu thuyết nào khác của Âu Á, cổ kim. Gĩưa Kiều và “Tây sương kí” của Vương Thực Phủ, hay “Romeo và Juliette” của Shakespeare, hay “Verther” của Goethe, còn một khoảng cách biệt rất xa. Kiều mang một sức sống huyền diệu hơn nhìêu để làm tròn một sứ mệnh thiêng liêng hơn nhiều.

Người ta cho rằng vì giá trị tư tưởng của nó kém, ko đều nên nó không được liệt vào hàng những áng văn chương kiệt tác của thế giới. Người ta cho rằng triết lí truyện Kiều là một hỗn hợp ép uổng của ba ngành triết học: Phật, Khổng, Lão. Nhưng cũng chính chỗ ép uổng đó mà ngày nay cái tên Khổng Tử, Lão Trang, Thích Ca còn được hậu thế nhớ đến; Nguyễn Du đã làm sống lại họ trong tác phẩm độc đáo của mình. Thiên tài Nguyễn Du đã điều hòa ba ngành triết học Á đông một cách ép uổng, mà huyền diệu vô song. Lẽ Chân, lẽ Thiện, lẽ Mỹ, dường như một lần được tương phùng trong chỉ một tác phẩm mà thôi.

Nếu các nhà bác học uyên thâm có nhận thấy rằng trong cuộc gặp gỡ này, khuôn mặt Khổng Tử có méo mó đi, vì bị lão Trang siết hôn qúa mạnh, nếu Thích Ca lắc đầu ngậm ngùi cho số phận mình bị kết chặt vào số phận Khổng Tử, Lão Trang, ko tùy ý thỏa thuận một mảy may, thì cũng chính vì lẽ đó, mà nghìn năm cách biệt, khuôn mặt họ sẽ được hậu thế nhìn nhận ra, vì đã được “ tô điểm” lại, và điều hòa màu sắc hợp với lòng người hơn, dưới cây bút huyền diệu của nghệ sĩ bên bờ Lam giang đã chịu lăn lóc, ê chề trong cuộc sống.

Nếu nãy giờ độc giả nhận thấy rằng giọng tôi có sôi nổi qúa, đến có thể bóp méo ý ông Tế, thì xin hãy lượng tình cho. Và hiểu rằng không phải vì tôi hờn giận ông Tế. Ai đọc hết mấy tập luận đề của ông về Nguyễn Du không làm sao không kính mến ông. Và phải đồng thanh nhìn nhận rằng ông có nhiều quan điểm sáng suốt rất cảm động trong một lời văn thanh tao uyển chuyển lạ thường.

Sở dĩ tôi qúa sôi nổi chỉ vì lẽ mười mấy năm nay âm thầm tấm tức. Mười mấy năm ròng tôi khổ vì lời buộc tội đanh thép của ông Nguyễn Bách Khoa. Quyển sách của ông ra đời vừa lúc tôi 16 tuổi. Trong tâm hồn từ đó cứ hoang mang mãi, cứ như sôi dậy một niềm gì canh cánh, mà bứt rứt không tìm gỡ cho ra…Rồi sau này, trong những ngày ngửa nghiêng cùng sông núi, không hiểu có điều gì xui tôi mấy bận trở về tìm nơi nương náu trong tác phẩm Tố Như. Nhưng cứ mỗi lần giở ra là mấy lần tự thẹn, tự trách mình ủy mị, yếu hèn. Sao? Ta sống giữa một thời đại như thác ngàn đang đổ, lẽ nào ta lẩn thẩn ngậm ngùi cùng trăng bóng xế, hay hương hoa thu tàn ?

Nhưng ngày nay, tôi tin rằng tác phẩm của Nguyễn Du là kết tinh duy nhất của những yếu tố thuần túy chủng tộc trong một thiên tài, mà dẫu với giá đắt bao nhiêu cũng phải bảo toàn cho trọn vẹn. Kiều là kết qủa của một giờ gặp gỡ duy nhất trong lịch sử chúng ta giữa nền văn hóa dân tộc với sức tiến triển của thiên tài cá nhân. Cái tâm sự Tố Như đã hun đúc trong bao nhiêu ngày trên dải đất giữa Hồng Lĩnh Nam Giang, và nung nấu suốt mấy mùa trong lòng đau thương của thế kỉ. Người đã sống giữa một thời đại đẫm máu trong loạn ly, chứng kiến bao đổ nát, lìa tan, ở mọi mặt của cuộc sống, thì làm sao không ước mơ, không mộng tưởng một lần kí thác tâm sự mình, và tâm sự xã hội mình vào một tác phẩm kể một cuộc tình duyên ngang trái theo trình hạn, những mối ngậm ngùi thương tiếc.
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…

Cái nỗi ngùi thương dằng dặc suốt tác phẩm. Ngay tự trang đầu đã lai láng đến vô biên. Thời gian đi, nước dưới cầu cứ chảy, trong đời tình cảm của mình con người cố níu lại chút gì giữ gìn cho vĩnh cửu giữa mọi di biến tang thương. Nằm trên nấm mồ vùi chôn bao kỉ niệm người sẽ khóc rất nhiều, hiểu nghĩa của đời hơn, thương cảm cho đời hơn, và tìm ra một niềm an ủi trong nỗi thiết tha nguyện cầu cho nhân thế. Nơi lòng mình, trong chỗ “thiện tâm” con người bắt gặp cái ý nghĩa “sống” giữa điêu tàn.

Ta đọc Kiều bao bận. Ta tự hỏi bao lần “ Vì sao câu chuyện tầm thường của đời sống cô gái giang hồ lại có một sức truyền cảm thương tâm mà an ủi lạ lùng?” Và ngày nay, ta hiểu Nguyễn Du đã trao hết đời sống mình cho nhân vật. Tâm sự Kiều là tâm sự Tố Như. Và tâm sự Tố Như là tâm sự con người thế kỉ XIX. Nó mang nỗi đau đớn chung của con người nghìn thuở, và gần nhất con người của thời đại chúng ta.

Tôi tin rằng có một sự hòa hợp sâu xa giữa tác phẩm ấy, và sự đau khổ ngày nay giữa bầu tâm sự Tố Như “ người đã từng ấp ủ nỗi khổ tâm trung quân ái quốc, người đã từng nung nấu mối sầu tư xã hội nhân gian” và sự chấn động ngày nay của dân tộc giữa muôn vạn tiếng kêu than trong bao nhiêu tấn bi kịch tiếp diễn rõ rệt hay âm thầm vì một mối tương xung nan giải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét