Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2007

Đôi nét về ca trù 2




Thể hiện ca trù:

Một đào nương hát độc xướng, tay gõ "phách" bằng tre hay bằng gỗ, với hai dùi bằng gỗ, một dùi tròn, một dùi chẻ làm hai gập lại. Có hai cách hát: “Hát khuôn”, theo lề lối “tròn vành rõ chữ”, một chữ phải uốn nắn công phu, một chữ phải có dư âm, phải biết cách “đổ hột” tức là ngân ngắt đoạn tiếng nghe như tiếng hạt châu rơi trên mâm, phải gằn lấy hơi từ cổ họng, chứ không phải từ lồng ngực như theo cách hát của phương Tây. Đổ hột làm cho câu hát thêm duyên, có khi như tiếng nức nở, thở than. Đổ hột thật nhuyễn, trong tiếng nhà nghề gọi là “đổ con kiến” (theo lời cụ Quách Thị Hồ). Hát bay bướm gọi là “hát hàng hoa”. Gõ dùi chẻ xuống phách gọi là “lá phách”. Gõ dùi tròn xuống phách là “tay ba”. Gõ phách phải một tay thấp một tay cao, một tiếng nhẹ một tiếng mạnh, một tiếng đục một tiếng trong, hai tiếng cùng đánh trong một lúc gọi là “chát”, hai phách âm dương chen nhau, xen kẽ, pha trộn, có nhịp mà nghe như không có nhịp, có mà như không, thực mà như hư, hiện mà như ẩn.

Thứ hai là người chơi đàn đáy. Đàn khảy bằng dăm tre, người chơi đàn đáy phải đánh rõ tiếng vê, tiếng vẩy, tiếng lia, tay trái phải biết cách nhấn, rung, nhấn chùn, bấm 3 dây khi đàn chữ “dinh dinh dinh” . Khi chân phương khi dìu dặt, khi mạnh khi nhẹ, tiếng đàn trong đoạn sòng đầu, lưu không hay phụ hoạ theo lời ca chẳng những có nét nhạc, mà còn tạo nên “hồn nhạc”.

Nhân vật thứ ba là người cầm chầu. Người cầm chầu gọi là “quan viên”, phải sành ca trù, biết rõ các khổ đàn, khổ phách, biết đàn thế nào là hay, hát thế nào là “khuôn”, là “hàng hoa” và không đánh trống “bịt miệng ả đào”, lại phải nắm rõ các công thức xuyên tâm, song châu, liên châu, hạ mã, lạc nhạn để khen chê, thưởng phạt đúng nơi đúng cách, dáng ngồi, tay cầm roi, tay vịn mặt trống phải phong lưu đài các. Nghe tiếng chầu, thính giả biết giá trị và phong cách của người cầm chầu.

Nhạc cụ :

I/Đàn đáy :

1.Nguồn gốc :

Đàn đáy có từ bao giờ không rõ nhưng ít ra cũng được nhắc tới vào khoảng cách đây gần 200 năm.Theo sách Ca trù thể cách, tương truyền chiếc đàn đáy do tổ cô đầu là Đinh Lễ đời nhà Lê sáng tạo ra, làm từ gỗ ngô đồng xém đuôi, bắt chước theo kiểu vẽ do Lã Đại Tiên (một trong Bát Tiên) trao tặng.

2. Tên gọi :

Có 2 thuyết :
a. Theo sách Ca trù biên khảo và Vũ Trung Tuỳ Bút, khi hát ổ cửa đền, người kép lấy lụa đeo đàn vào người để đứng gẩy cho đỡ mỏi nên gọi là đàn đáy. Đáy là do đọc chêch từ chữ Đới nghĩa là đeo.

b. Truyện Đất Tổ : Đời nhà Lê, Đinh Lễ chế ra một cái đàn để gảy theo điệu hát cô đầu, khúc đàn cuồn cuộn như nước chảy ra biển sâu không thấy đáy. Về sau người ta gọi tắt là đàn đáy. Ở miền Trung từ Thanh hoá trở vào đều gọi là Vô Đề Cầm.

3.Hình thức cấu tạo:

Đàn đáy gồm các bộ phận:

- Bầu đàn: Bầu đàn bằng gỗ hình thang cân. Đáy lớn lại ở phía trên rộng khoảng 23 cm, đáy bé ở phía dưới rộng khoảng 20 cm, cạnh hai bên đo được khoảng 34 cm. Thành bầu vang dầy khoảng 8 cm, bằng gỗ cứng. Mặt bàn bằng gỗ ngô đồng để mộc. Đáy đàn thủng một hình chữ nhật. Trên mặt đàn có gắn một bộ phận (cái thú) có lỗ để mắc dây đàn.

- Cần đàn và bầu đàn: cần đàn dài 1,16 m trên có gắn từ 10 đến 12 phím bằng tre. Những phím này cao và dầy, đỉnh phím dài hơn chân phím. Phím thứ nhất (tính từ trên đầu đàn xuống) không gắn vào sát sơn khâu như ở các nhạc khí khác mà lại gắn vào giữa cần đàn.

- Đầu đàn hình lá đề. Hốc luồn dây có ba trục vặn dây.

- Dây đàn: Đàn đáy có 3 dây đàn bằng tơ xe. Dây mềm, dài, dễ nhấn. Nay có thể dùng dây ni lông các cỡ to nhỏ khác nhau.

4.Màu âm:

Mầu âm đàn đáy gần giống mầu âm đàn nguyệt, nghe ấm áp, dịu ngọt, đôi lúc lại hơi đục, thích hợp với các loại tình cảm sâu sắc.

5.Cung bậc:

Gồm 5 cung :
- Cung nam : bằng phẳng và xuống thấp
- Cung bắc : rắn rỏi mà lên cao
- Cung nao : tiếng dính vào và đi mau
- Cung pha : ai oán, hơi chệch âm đi
- Cung huỳnh : chênh vênh, chuyển giữa cung nọ và cung kia
Về sau có thêm 1 cung nữa là cung pha có đặc điểm lên cao ở phía cuối câu đàn.

6. Kỹ thuật diễn tấu:

A - KỸ THUẬT TAY PHẢI:

(Đã giới thiệu trong phần thể hiện)

B - KỸ THUẬT TAY TRÁI:

Các ngón bấm tay trái như ngón rung, ngón nhấn, ngón láy…ở đàn đáy đều đánh được như đàn tỳ bà. Riêng ngón láy ở đàn đáy, hai âm nhấn láy đều cách nhau một quãng 3 ( tức là có thể nhấn cung phím sâu hơn so với các đàn gẩy dây khác).

Ngoài ra ở đàn đáy, có một ngón bấm đặc biệt là:

1 – Ngón chùn: Dùng đầu ngón tay ( thường là 2 ngón) trong khi bấm trên dây, miết về phía bầu vang làm cho đoạn dây từ cung phím ấy đến cái thú chùng lại, âm thanh trở thành thấp hơn âm thường đánh.

Ngón chùn là ngón đàn cổ truyền độc đáo làm cho âm thanh mềm mại, nghe tương tự như ngón nhấn luyến xuống bằng cách mượn cung.

2 – Đánh chồng âm, hợp âm: Đàn đáy có 3 dây. Do đó có khả năng đánh chồng âm, hợp âm. Trong dân gian thường gọi là ngón sòng hay còn gọi là sòng đàn, một cách đánh hai âm một lúc.

Ngón sòng được đánh thường xuyên, mỗi ngón gồm hai âm cách nhau một quãng 5 hay cách nhau một quãng 8.

II/Phách:

1.Hình thức cấu tạo:

Bộ phách ca trù gồm có bàn phách, tay ba và hai lá phách.

Bàn phách: là một miếng tre già dài chừng 30 cm, bản rộng khoảng 4 cm. Hai đầu bàn phách là hai đầu mấu tre để làm chân cho mặt bàn phách cao lên. Trông bàn phách giống một chiếc ghế dài nhỏ mà hai đầu mấu tre là hai chân ghế.

Lá phách: là hai dùi gõ kép, gồm hai mảnh để chập vào nhau như một chiếc dúi bổ dọc ra. Hai lá phách dài khoảng 28 cm, do tay phải người đánh phách cầm chập vào nhau để gõ vào mặt bàn phách.

Tay ba: là dùi gỗ cầm bằng tay trái. Tay ba thường làm bằng gỗ mít. Chiều dài như hai lá phách.

2.Màu âm:

Do cấu tạo đặc biệt của bàn phách và các dùi gõ, màu âm của bộ phách ca trù rất phong phú. Khi sử dụng tay ba gõ xuống bàn phách, tiếng phách nghe gọn, ròn và trong.

Khi dùng hai lá phách gõ xuống bản phách, màu âm hơi đục, nhờ và bẹt (vì khi gõ, ngoài âm thanh do hai lá phách gõ xuống bàn phách, còn có một âm thanh nữa do hai lá phách đập vào nhau phát ra).

Khi tay ba và hai lá phách cùng gõ một lúc xuống bàn phách, tiếng phách nghe hơi thô nhưng khỏe, chắc.

3.Kỹ thuật diễn tấu:

Phách cấu tạo đơn giản nhưng kỹ thuật diễn tấu rất phong phú, rất sinh động.

Nghệ nhân để chỉ ba âm thanh chính của phách là : phách, rục, chát.

Đó cũng chính là ba kỹ thuật cơ bản của cách đánh phách cổ truyền. Ngoài ra còn ngón ve phách mà nghệ nhân gọi là rung phách.

a)Ngón phách: Do hai lá phách (tay phải) gõ xuống mặt bàn phách.

b) Ngón rục: Do hai tiếng tay ba (tay trái) nhẹ nhàng gõ nhưng thật nhanh như nẩy trên bàn phách, tiếp ngay sau là hai lá phách (tay phải), gõ xuống bàn phách. Ba tiếng đó đi liền nhau, kết hợp với nhau tạo thành tiếng rục.

Khi sử dụng nhiều tiếng rục đi liền ở tốc độ nhanh gây được một cảm giác náo nức khẩn trương, không ổn định. Nếu tiếng rục đi liền nhau ở tốc độ vừa phải, lại gây cho người nghe một cảm giác vững vàng, ổn định.

c) Ngón chát: Tay ba và hai lá phách (nghĩa là cả tay trái và tay phải) cùng gõ xuống bàn phách nhưng có điều đặc biệt là hai lá phách gõ xuống trước tay ba một chút, sau khi gõ xuống bàn phách, cả hai tay không nhấc lên ngay. Tiếng chát nghe khoẻ, chắc, gây một ấn tượng vững chắc. Âm thanh của chát nghe mộc mạc nhưng hơi thô.

Tiếng chat thường điểm vào những chỗ kết thúc một ý nhạc, một ý thơ.

d) Ngón vê: (rung phách)

Tiếng vê thường được dùng sau mỗi câu hát, câu đàn và được dùng nhiều trong các làn điệu mang tính chất ngâm ngợi như trong các điệu: đọc thơ, ngâm vọng, ngâm thơ…

Có hai lối vê:

Lối 1: Tay ba và hai lá phách thay đổi nhau gõ nhanh trên bàn phách. Lối vê này được sử dụng phổ biến.

Lối 2 : Tay ba giơ cao phía trên bàn phách, hai lá phách luồn vào giữa gõ nhanh vào bàn phách và tay ba. Lối vê này ít được sử dụng, thấy xuất hiện trong bài Tỳ Bà Hành.

Thông thường, trước khi vào vê là một chuỗi tiếng rục tiến hành với tốc độ nhanh dần rồi bắt vào tiếng vê.

MỘT SỐ KHỔ PHÁCH:

Trong lối hát ca trù, thông thường trước khi vào bài hát (hoặc ở những đoạn lưu không) có một chuỗi khổ phách kết hợp với diễn tấu cảu đànm đáy. Những khổ phách này thường là khuôn mẫu hoặc là chủ đề tiết tấu phách của mỗi đào nương.

Trong các đào nương, có năm khổ phách lần lượt tiến hành như sau:

1 - Khổ đầu còn gọi là sòng đầu.

2 - Khổ giữa.

3 - Khổ róc còn gọi là khổ xiết.

4 – Lá đầu.

5 – Sòng cuối còn gọi là sòng dây.

Tiết tấu phách ở khổ đầu và sòng cuối thường giống nhau.

Năm khổ phách này, đào nương diễn tấu có khác nhau, biến hoá theo phong cách riêng của mình.

Khổ đầu và sòng cuối : Chuỗi phách này thường tiến hành với 3 hay 6 sòng đàn mở đầu hoặc kết thúc với tiết tấu phách đơn giản. Trong 5 khổ phách, đây là 2 khổ phách nhiều đào nương thống nhất cách đánh.

Khổ giữa : Chuỗi phách này tiến hành khi đàn bắt đầu đánh giai điệu. Từ khổ giữa tiết tấu của phách được phát huy, biến hoá phong phú và cũng thể hiện rõ phong cách diễn tấu riêng biệt của từng đào nương.

Khổ róc : (khổ xiết)

Khổ phách này tiết tấu có phần phức tạp hơn.

Lá đầu : Khổ phách này tiết tấu đơn giản dần để đi vào vòng cuối, chuẩn bị bắt đầu câu hát.

Năm khổ phách trên thường diễn tấu cùng với đàn đáy trước khi hát hoặc ở những đoạn đầu lưu không.

III/Trống chầu :

1.Hình thức cấu tạo:

Mặt trống : Trống chầu có hai mặt, hình tròn, đường kính như nhau, khoảng 15 cm. Mặt trống thường được bịt bằng da nách trâu đã nạo mỏng (chất da ở đây rất bền, dai, đủ sức chịu đựng độ căng trên mặt trống). Đường viền da bịt mặt trống chùm xuống tang trống khoảng 3 cm và được đóng bằng đinh tre.

Mặt da trống rất căng những vẫn phải bảo đảm một định âm cần thiết phù hợp vợi giọng hát của đào nương.

Tang trống : Thường làm bằng gỗ mít, cao khoảng 18 cm, khoét từ một khúc gỗ mít (gọi là tang liền) hoặc có thể chắp các mảnh gỗ mít lại làm tang trống sau đó sơn chùm ra ngoài. Làm theo cách thứ nhất, trống chầu có hình dáng và màu âm đẹp hơn nhưng tang trống dễ nứt và tốn kém.

Dùi trống : Làm bằng gỗ cứng, dài khoảng 25 cm, một đầu to, một đầu nhỏ. Phía tay cầm là đầu to, phía gõ là đầu nhỏ.

2.Màu âm:

Âm thanh trống chầu đanh, gọn và ít vang. Do cách đánh thay đổi, khi đánh vào mặt trống, khi đánh vào tang trống. Khi biểu diễn ca trù, âm thanh của trống chầu gây cho người nghe cảm giác sâu sắc.

3.Kỹ thuật diễn tấu:

Như đã nói trên, dùng trống chầu, không những chỉ đánh trên mặt trống (ở nhiều vị trí), mà còn kết hợp đánh vào tang tống làm cho âm thanh, tiết tấu càng thêm phong phú.

Trên mặt trống, có thể đánh vào giữa mặt trống, lại có thể đánh vào cạnh mặt trống. Đánh vào giữa mặt trống, người cầm chầu thường đánh bằng đầu dùi. Trường hợp này, tiếng trống nghe vang, ròn. Đây là cách đánh bình thường, gõ vào mặt trống và nhấc dùi ngay. Nếu gõ vào mặt trống nhưng giữ nguyên dùi trên mặt trống, âm thanh sẽ không vang mà lại khô, xỉn. Đánh vào cạnh mặt trống, phải đánh bạt sang bên. Trường hợp này có kết hợp bịt một phần mặt trống bằng tay kia, tiếng trống nghe đanh, gọn như tiếng phách.

Trống chầu, thường dùng hai dùi, đánh thay đổi lần lượt, cũng có khi đánh cả hai dùi một lúc (nhất là những khi gõ vào tang trống), cũng có lúc dùng một dùi để điểm xuyết nhẹ nhàng cho người hát.

a) Kỹ thuật đánh trên mặt trống:

1- Ngón vê : Hai tay thay đổi nhau gõ dùi liên tục và thật nhanh giữa mặt trống. Tiếng trống vang rền, rộn rã gây hiệu quả dồn dập, thúc bách.(thường sử dụng trong chèo)

2 - Ngón bịt : Tiếng trống bịt làm màu âm thay đổi, âm thanh này gợi lên những tình cảm không bình thường, có phần bực bội, u uất, căng thẳng.

Có hai cách bịt :

+ Bịt bằng tay : Một tay gõ trống, âm thanh vừa vang lên, lập tức tay kia, hoặc là tay vừa gõ, bịt ngay mặt trống. Tiếng trống phát ra nghe bẹt, hơi xỉn.

+ Bịt bằng dùi : Một tay gõ trống, âm thanh vừa vang lên, lập tức dùng đuôi dùi tay kia, có khi dùng tay dùi tay vừa gõ bịt mặt trống (tức là sau khi gõ, lộn ngay đầu dùi lên, rồi đặt ngay đuôi dùi vào mặt trống). Cớ trường hợp đặt sẵn một đầu dùi trên mặt trống, còn dùi kia gõ. Tiếng trống phát ra nghe khô, đanh.

Người ta còn có thể di động tay bịt hay dùi bịt trên mặt trống, trong khi tay kia vẫn gõ để tạo nên những âm thanh có độ cao màu âm khác nhau.

b) Kỹ thuật đánh trên tang trống:

Sử dụng cách đánh vào tang trống chầu rất quan trọng. Nhờ kết hợp tài tình giữa các lối đánh vào mặt trống và tang trống, có thể làm nổi bật sự đối lập nhưng lại hài hoà về màu sắc âm thanh, tiết tấu.

Có hai cách đánh vào tang trống :

1.Ngón vê : Cũng như ngón vê trên mặt trống. Hai tay thay đổi nhau gõ thật nhanh và liên tục vào hai bên tang trống.

2.Ngón róc : Giống như ngón vê, hai tay thay đổi gõ nhanh vào tang trống, nhưng thường là năm tiếng một, tiếng sau cùng có độ ngân bằng bốn tiếng đầu và ở vào đầu phách. Nghệ nhân gọi ngón kỹ thuật này là ngón róc ( một công thức của ngón vê được sử dụng nhiều).

(Trong phần kỹ thuật diễn tấu các nhạc cụ này mình nêu chung cho các loại hình sử dụng nhạc cụ chứ không chỉ nêu riêng trong ca trù, nên có một số kỹ thuật các bạn đọc không áp dụng trong ca trù - loại hình nghệ thuật yêu cầu sự chậm dãi, như kỹ thuật ngón vê trong diễn tấu trống chầu... Còn các công thức xuyên tâm, song châu, liên châu, hạ mã, lạc nhạn, nếu có thời gian mình sẽ nói sau)-ghi chú của home_nguoikechuyen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét