Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2007

Khoa bảng

1. Tin giáo sư Cao Xuân Hạo qua đời được thông tin rộng rãi trên mạng. Tất nhiên cũng chỉ có thể dừng lại ở những thông tin và nhận định chung chung về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Những vấn đề ngôn ngữ học thì quá ít người đủ am hiểu để bàn tới, hoặc giả có am hiểu thì vấn đề chẳng có cách nào gói lại được trong 1 bài viết ngắn trên báo cả. Cá nhân tớ cũng rất nghi ngờ tính hữu ích của việc người ta thảo luận rất hoành tráng về 1 vấn đề hoành tráng của KHXHNV bằng những comment ngăn ngắn trên blog hay cho dù là bằng 1 bài báo.

Trước tớ cũng có ý định tìm hiểu ngành ngôn ngữ học, sau 1 hồi thấy nản quá nên thôi. Thế mới thấy cụ Nguyễn Hiến Lê sáng suốt, cụ ưu tiên cho cuốn "Tôi tập viết Tiếng Việt" hơn là mấy cuốn chuyên sâu về ngôn ngữ học. Nhân tiện quảng bá cuốn này luôn: đơn giản, sáng sủa và thú vị - đố các bạn tìm được 1 cuốn về ngôn ngữ học mà thú vị được đấy. Tác giả không có ý định lập thuyết mà đưa ra những nguyên tắc thiết thực định hướng tới 1 văn phong sáng sủa, ít Tây hoá.

Mục lục của cuốn này:

1. Liên tục và cân xứng
2. Xung đột trong liên tục-tách ra và gom lại
3. Đặt sai vị trí
4. Một số cạm bẫy-đồng âm dị nghĩa
5. Thiếu-Dư và ý tưởng lộn xộn
6. Sự thuần khiết

Phụ lục
Dịch văn ngoại quốc
Các thuật ngữ ngôn ngữ học

Hiện nay chỉ có bản "Chúng tôi tập viết Tiếng Việt" bao gồm cả phần ghép thêm của Nguyễn Quang Thắng, nhưng cá nhân tớ thấy nó không phù hợp, nên tách ra.


Nhân tiện nhớ đến lời khuyên của cụ Cao Xuân Huy với ông Cao Xuân Hạo về việc nên mở rộng tìm tòi theo hướng tương quan giữa ngôn ngữ và lối tư tưởng. Ông Hạo đã nhận là không đủ khả năng. Câu trả lời thể hiện cái ý thức biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết của người có học vấn. Nhưng thật đáng tiếc, liệu có phải các cuộc tranh luận bất phân thắng bại của các trường phái ngôn ngữ học là do ở nguyên nhân này??? Cũng trùng hợp là 1 trong những nhánh quan trọng của triết học lại đang xích gần với ngôn ngữ học?


Năm 1983 đám tang của cụ Cao Xuân Huy chỉ có khoảng 30 khách thăm viếng. Đến 1995 thì Nguyễn Huệ Chi biên tập lại và cho xuất bản cuốn "Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu". Đây là kết quả biên tập lại từ những ghi chép bản thảo của Cao Xuân Huy bao gồm 4 phiên bản khác nhau. Khác nhau về thứ tự, đề mục, ý tưởng...Mọi người ngày nay biết đến cụ Cao Xuân Huy phần nhiều là nhờ tác phẩm này. Đọc xong cá nhân tớ có mấy điều chưa thoả mãn lắm:

i-Nếu là 1 lĩnh vực khác thì không sao, đã trót mệnh danh cụ là nhà "Đạo học" thì nên chăng cứ nguyên bản mà trình làng-cho thiên hạ dọ dẫm theo bước tiến thoái của người hiền mà may chăng lĩnh hội được điều gì đó bổ ích? "Nói không được, không nói không được" là 1 nội dung lớn trong "Đạo học" nay bị biên tập cứ thẳng băng băng mà chạy ro ro liệu có bị rơi rớt đi không? Để ý sẽ thấy cách cụ dùng từ "gợi" "tham chiếu", "giả thuyết để làm việc"...

ii-Cuộc đời sự nghiệp của cụ gắn liền với việc giảng dạy văn hoá cổ Đông phương, nhưng đọc trong những bài viết của học trò của cụ e là chả thấy được mấy dấu vết lĩnh hội :( Hoặc là nhanh chân nhanh tay ghép cho Thầy cái mũ "nhà chủ toàn" rồi tán A tán B là xong. Hoặc lại ôn nghèo kể khổ, trích dẫn mấy giai thoại từ thời NVGP với lòng tự hào của 1 chứng nhân. Có bài viết của Phan Ngọc là đáng kể nhất nhưng cũng chỉ là những khởi đầu mà thôi. Trong bối cảnh, điều kiện đương thời của mình, những tư tưởng của cụ Cao Xuân Huy là những điểm sáng đáng kể và thực là "những đề cương để làm việc" dài dài cho con cháu. Nhưng e là đến nay trong điều kiện thông tin tài liệu rộng rãi thì việc đối chiếu các tư tưởng triết học không thể đơn giản thế được rồi. Có thế cụ CXH vẫn đúng nhưng những điều cụ nói riêng rẽ thì không phải triết học phương Tây chưa chạm đến. Các học trò cụ cứ dẫn cái "A và phi A" ra để minh chứng cho chủ biệt thì e là các vị chưa chịu khó học lịch sử triết học phương Tây lắm. Cái tư tưởng này của Aristote đã bị đặt lại từ lâu (do ai thì tớ nhất thời không dẫn ra được, bác nào biết chỉ giùm :) Nhưng không phải vì thế mà tớ phủ nhận tầm vóc của cụ. Sống trong Đạo thì có lẽ phát ngôn hành xử chỉ vậy thôi; nắm bắt được đến đâu là do cơ duyên. Vấn đề là hoặc chúng ta cũng thực sự đi theo con đường đó, tư duy bằng lối tư duy đó, hành xử như hành xử đó; hoặc là chúng ta cần phải dụng công hơn nhiều, chi tiết, quanh co hơn nhiều-theo 1 lối khác, lối hiện đại-để có thể trung thực với chính mình khi phát biểu. Điểm này hấp dẫn à nha! Đây là chỗ để có thể so sánh tương quan giữa ngôn ngữ học và lối tư tưởng của Đông và Tây. Theo những gì hạn hẹp mà tớ biết, tớ thấy có Francois Jullien là triết gia am hiểu phương Đông nhất và cái cách mà ông đối quan sát tương quan Đông Tây là đã thoát khỏi lối so sánh liệt kê phiến diện thường gặp hiện nay.


2. Buôn chuyện theo trí nhớ-đang ớm không lục lại ghi chép cũ được.

Chuyện đời cụ Cao Xuân Huy có nhiều điểm đáng quan tâm vì nó có thể ảnh hưởng đến tính cách và nhân sinh quan của cụ nhiều. Những thông tin này tớ nhớ là do đọc cuốn "Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu" trong TVQG trước đây. Sách cũng có 2 phần, phần đầu là hậu sinh vào điểm danh kể chuyện. Nhiều chuyện không thấy có trong tập "GS CXH người thầy-nhà tư tưởng" xb 2001 sau này.


Chuyện thứ nhất là về mặt trái của 1 gia đình khoa bảng phong kiến, do một người trong họ kể. Mẹ của CXH là vợ lẽ của ông CXT, vì không chịu được thân phận làm lẽ nên sau khi sinh ông xong đã bỏ về quê nhà (Quỳnh Đôi) mãi đến khi ông khoảng 10 tuổi mới quay lại nhà chồng. 1 chi tiết nhỏ nhặt nhưng cũng hé lên nhiều điều. Tuổi thơ của ông đã trải qua như thế nào khi không có sự hiện diện của mẹ đẻ và những câu hỏi xung quanh đó. Quan hệ với mẹ sẽ như thế nào khi đến 10 tuổi mới gặp mẹ lần đầu. Những sự kiện này chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến nội tâm của ông.


Năm 15 tuổi CXH thi Hương và bị đánh hỏng vì phạm trường quy (làm bài hộ người chú). Chuyện này nếu thoáng qua thì cũng bình thường. Tất nhiên chúng ta có thể hiểu không nên yêu cầu quá cao ở tính trung thực của 1 cậu bé 15 tuổi nhưng nếu hiểu Khổng học 1 chút thì chúng ta có thể đánh dầu 1 điểm rằng: lúc đó CXH chưa thưc sự hiểu Khổng giáo, chưa sống như 1 nhà Đạo học :) Bắt bẻ thế cho vui thôi chứ theo mình điều đáng quan tâm lại từ 1 quan điểm khác hiện đại hơn, đời hơn: đây đánh dấu 1 tinh thần chống đối, bất phục với các kỷ cương phong kiến rồi. Tin rằng cả ông nội hay cha của cậu cũng không bao giờ đồng ý cho con làm việc đó. Vậy chỉ có thể do cái suy nghĩ của cậu mà làm ra việc đó thôi.

Năm 25 tuổi, tốt nghiệp CĐSP Đông Dương, CXH về dạy ở Trường Quốc học Huế và bắt đầu quen biết với bà Tôn Nữ Thị Cơ, bán hàng nước. 2 năm sau CXH tham gia Tân Việt bị đi đày ở Lao Bảo. Bà TNTC đến thăm nuôi ông. 29 tuổi được trở về Huế CXH xây dựng gia đình không giá thú với bà TNTC, bất chấp sự phản đối của gia đình.

Khoảng 1938 (ông sinh 1900), quan hệ gia đình rạn nứt nhưng bà TNTC vẫn sống với gia đình đến 1944 rồi chính thức kết hôn với người khác. Chuyện li kỳ ở chỗ sau đó nhiều năm bà vợ vẫn thỉnh thoảng về qua nhà sống như chưa có chuyện gì xảy ra, ông vẫn điềm nhiên không phản ứng còn bà thì càng ngày càng quá. Cuối cùng con cái phải lừa lúc bà ngủ say để lấy dấu điểm chỉ vào giấy li hôn!!!


Chuyện ông hiến thư viện Long Cương cho nhà nước thì nhiều người biết rồi. Chính nhờ đó mà chúng ta biết được nhiều trước tác rất quý hiếm hầu như đã thất truyền. (Hình như của Nguyến Trãi nữa, nhưng tớ không nhớ chính xác).


Chuyện cuối cùng, nghe ông TQV kể về việc cụ CXH có ý định giảng giải cái "học thuyết của tôi" cho TQV, nhưng vì chót khoe với ông cháu của cụ mà bị chặn lại thấy thật tiếc. Không phải tiếc cho ông TQV không học được cái "học thuyết đó", không phải tiếc cho con cháu họ Cao không "ghi âm lại rồi viết thành sách" được nó mà tiếc sao với cái thân tình ngày đó, ông V không lén lút đến mà hỏi Thầy đằng này lại tự ái rồi thôi.



Đạo mà có thể truyền riêng thì người ta ai cũng truyền cho con cháu người nhà mình rồi. Hình như Trang tử nói câu này thì phải.

1 nhận xét:

  1. Em đã đoán là anh cũng nhớ tới cụ Cao Xuân Hạo mà! Đồng cảm.

    Trả lờiXóa