Hình thức hát nói trong ca trù:
a. Bố cục một bài hát nói :
Theo Việt Nam ca trù biên khảo thì bố cục một bài hát nói 11 câu chia ra làm 6 khổ:
1. Khổ nhập đề : câu 1 và câu 2, câu mở bài
2. Khổ xuyên tâm : câu 3 và câu 4
3. Khổ thơ : khổ đan câu 5 và câu 6, là hai câu thơ chữ Hán hoặc quốc âm nêu ý chính của bài hát
4. Khổ xếp : câu 7 và 8 hát mau
5. Khổ rải : câu 9 và 10 hát chậm rãi
6. Khổ kết : câu 11, tóm tắt ý kiến toàn bài.
Còn theo Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu thì bố cục một bài hát nói lại như sau :
Câu 1 – 2 : lá đầu
Câu 3 – 4 : xuyên thưa
Câu 5 – 6 : thơ
Câu 7 – 8 : xuyên mau
Câu 9 : dồn
Câu 10 : xếp
Câu 11 : keo.
Câu cuối cùng thường được đặt 6 chữ. Hai câu 5 và 6 khi đặt thành thơ thì phải theo luật thơ thất ngôn hoặc ngũ ngôn.
Ví dụ : Câu 5 và 6 trong bài Hồng hồng tuyết tuyết của Dương Khuê :
Ngã lãng du thời quân thượng thiếu
Quân kim hứa giá ngã thành ông
Tuy nhiên vẫn có trường hợp người sáng tác không đặt theo hai thể thơ trên mà dùng câu có số chữ so le với nhau.
Ví dụ : Câu 5 và 6 của bài Rõ mặt tu mi của Nguyễn Công Trứ :
Đố kỵ sá chi con tạo
Nợ tang bồng quyết trả cho xong.
Bài hát nói có đủ 11 câu gọi là đủ khổ. Bài có trên 11 câu thì gọi là dôi khổ, ít hơn 11 câu thì gọi là thiếu khổ.
Những bài nhiều câu, vừa dôi phách nam lại vừa dôi phách bắc, cách đặt câu khúc khuỷu lắt léo, gọi là gối hạc.
Trong bài dôi khổ, khổ đầu và khổ cuối giữ nguyên, phần dôi ra thường nằm ở khổ giữa.
Ở phần dôi ra, số câu, số chữ, cách gieo vần và luật bằng trác cũng theo như các khổ chính.
Trong bài thiếu khổ, khổ bị thiếu thường là khổ giữa. Cả bài thường chỉ còn lại 7 câu.
Ví dụ : Bài thiếu khổ
Ngán cho nỗi xoay vần thế tục
Sum họp này chẳng bõ lúc phân ly
Hỡi ông tơ ! Độc địa làm chi
Bắt kẻ ở người đi mà nỡ được
Thôi đã trót cùng nhau nguyện ước
Duyên đôi ta chẳng trước thì sau
Yêu nhau nhớ lấy lời nhau.
(Tiễn biệt – Cung Thúc Thiềm)
b. Mưỡu :
Một bài hát nói thông thường có thêm phần mưỡu ban đầu. Mưỡu không phải là một phần của bài hát nói mà là một thể riêng nằm trong phần hát chơi. Hát mưỡu thuộc phách khoan, điệu hát khoan thai chậm rãi. Từ mưỡu sang hát nói phải qua năm khổ đàn là : sòng đàn, khổ giữa, khổ rải, lá đầu, sòng đàn. Mưỡu thường có hai hoặc bốn câu lục bát dùng để mở đường vào bài hát nói. Mưỡu nghĩa là mạo được đọc chệch đi, vì vậy phần mưỡu được hát lên để tóm tắt ý chính những tư tưởng trong bài hát nói.
Có hai loại mưỡu là mưỡu đơn và mưỡu kép. Mưỡu gồm 2 câu thì gọi là mưỡu đơn, gồm 4 câu thì gọi là mưỡu kép.
Ví dụ:
Mưỡu đơn :
Sầu ai lấp cả vòm trời
Biết chăng chẳng biết hỡi người tình chung
(Chữ tình – Nguyễn Công Trứ)
Mưỡu kép :
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay
Tuyệt mù bể nước non mây
Bụi hồng trông thẳm như ngày chưa xa
(Hơn nhau một chén rượu mời - Tản Đà)
Tuy nhiên một số bài có đến 2 đoạn mưỡu đầu.
Ví dụ:
I. Tiễn ai chi liễu Giang đình
Bận ai chi mối tơ tình vương chơi
Biết ai còn nhớ đến lời
Hỏi ai còn nhớ đến người xa xa
II. Dặn ai đừng có quên ai
Bức hồng cân ấy là lời cựu minh
Chiêm bao lẩn khuất quế đình
Trông trăng mà lại tưởng tình cố nhân
(Tặng cô đầu Cần – Dương Khuê)
Lại chia ra thêm làm hai loại là mưỡu đầu và mưỡu hậu. Câu mưỡu đầu bao giờ cũng đặt trùm lên toàn bài hát và không phải hiệp vần với câu đầu bài hát nói.
Mưỡu hậu bao giờ cũng là mưỡu đơn. Mưỡu hậu thường đặt ở giữa câu xếp và câu keo, nhưng cũng có trường hợp mưỡu hậu đặt hẳn xuống dưới câu keo, nghĩa là dưới cùng của bài hát. Nếu hai câu mưỡu hậu đặt xen vào giữa câu xếp và câu keo thì câu lục phải ăn vần với câu xếp ở trên mà câu bát phải buông vần cho vần câu keo ở dưới bắt vào.
Ví dụ : 4 câu cuối bài Trải khắp đường đời của Cao Bá Quát, theo thứ tự : xếp, mưỡu hậu, keo:
Còn giận nỗi công danh chưa phỉ chí
Trời đất sinh ta âu hữu ý
Khách tài tình nên trải vị gian truân
Một mai gặp hội phong vân
c. Số chữ trong câu:
Số chữ trong câu hát không hạn định. Có thể từ 4 đến 12, 13 chữ, hoặc cũng có những câu gối hạc, lối văn lắt léo, dùng đến trên 20 chữ. Câu keo thường có 6 chữ .
d. Cách gieo vần trong bài hát nói:
Trong bài hát nói, người ta dùng cả yêu vận lẫn chiết vận. Luật vần của bài hát nói có thể tóm tặt lại thành những điểm chính sau :
1. Bài hát nói bao giờ cũng bắt đầu bằng một cước vận trắc
2. Sau cước vận trắc đầu tiên là hai cước vận bằng rồi đến hai cước vận trắc, rồi lại đến 2 cước vận bằng
3. Bài hát nói tận cùng bằng cước vận bằng
4. Khi câu hát trên có cước vận trắc mà câu dưới chuyển sang cước vận bằng thì câu dưới phải có thêm yêu vận trắc. Trái lại khi câu trên có cước vận bằng mà câu dưới chuyển sang cước vận trắc thì câu dưới có thêm yêu vận bằng. Yêu vận gieo cách chữ cuối cùng trong câu hai hoặc ba chữ.
5. Riêng hai câu của khổ thơ, vì là hai câu luật nên không có yêu vận
Ví dụ :
( ghi chú : c.v.t = cước vận trắc, c.v.b = cước vận bằng, y.v.t = yêu vận trắc, y.v.b=yêu vận bằng)
Say chẳng biết phen này là mấy (c.v.t )
Nhìn non sông chẳng thấy (y.v.t ) lại là say (c.v.B )
Quái sao say say mãi thế này (c.v.B )
Say suốt cả đêm ngày (y.v.B ) như bất tỉnh (c.v.t)
Thê ngôn tuý tữu chân vô ích (c.v.t)
Ngã dục tiêu sầu thả tự do (c.v.B )
Việc trần ai ai tỉnh ai lo (c.v.B )
Say tuý luý nhỏ to (y.v.B ) đều bất kể (c.v.t)
Trời đất say là cái sướng thế (c.v.t)
Vợ khuyên chồng chưa dễ (y.v.t) đã chừa say (c.v.B )
Muốn say lại cứ mà say (c.v.B )
e. Luật bằng trắc trong bài hát nói:
Luật bằng trắc trong bài tuân theo sơ đồ sau đây, tuy nhiên chỉ bắt luật chặt các chữ thứ 2, 4, 6 (nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh )
1 t t b b t t
2 b b t t b b
3 b b t t b b
4 t t b b t t
4 câu này minh hoạ cho cả bài hát nói, trong đó câu 1 và câu 4 là những câu cùng gieo vần trắc, câu 2 và câu 3 là những câu cùng gieo vần bằng. Khổ xếp chỉ có 3 câu thì tuân theo luật của 3 câu đầu kể trên. Câu 5 và 6 trong bài hát nói (khổ thơ) cùng những câu khác trong bài, nếu đặt thành thơ thì phải theo đúng luật bằng trắc thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn. Những câu vừa đủ 6 chữ theo đúng luật sơ đồ trên. Còn những câu dài hơn thì đối với việc ứng dụng luật ấy, phải chia làm 3 đoạn nhỏ trong từng câu. Mỗi đoạn 2 - 4 chữ hoặc dài nữa. Trong mỗi đoạn nhỏ ấy, chỉ kể chữ cuối là phải theo luật bằng trắc, các chữ còn lại được đặt tự do.
Ví dụ :những chữ in đậm là không theo đúng luật bằng trắc, 0 = chữ gác ra ngoài luật,
/ = dấu ngắt một đoạn nhỏ trong câu
Giai nhân nan tái đắc
(theo luật thơ)
Trót yêu hoa / nên dan díu / với tình
0 b b 0 b t t b
Mái tây hiên / nguyệt dãi / chênh vênh
0 b b t t b b
Rầu rĩ mấy / xuân về / oanh nhớ
0 t t b b b t
Phong lưu công tử đa xuân tứ
(theo luật thơ)
Trường đoạn tiêu nương nhất chỉ thư
(theo luật thơ)
Nước sông Tương / một giải / nông sờ
0 b b t t b b
Cho kẻ đấy / người đây / mong mỏi
0 t t b b b t
Bứt rứt nhẽ / trăm đường / nghìn nỗi
0 t t b b b t
Chữ chung tình / biết nói / cùng ai
0 b b t t b b
Ước gì / gắn bó / một hai
t b t t t b
(Tự tình – Cao Bá Quát)
Những câu ít hơn 6 chữ chỉ chia làm 2 đoạn thì đoạn thiếu được tính là đoạn đầu, 2 đoạn còn lại theo đúng luật bằng trắc.
Vd : Câu đầu bài Chơi thuyền Hồ Tây của Nguyễn Khuyến
Thuyền lan nhè nhẹ
b b t t
Câu đầu bài Cái thú say rượu của Nguyễn Công Trứ
Say chưa ? Say mới thú
b b 0 t t
Những câu lấy chữ sẵn từ nơi khác không cần tuân theo đúng luật bằng trắc của hát nói.
Vd : 2 câu đầu bài Thanh nhàn là lãi của Cao Bá Quát lấy từ Xuân nhật tuý khởi ngôn chí của Lý Bạch.
Xử thế nhược đại mộng
Hồ lao vi kỳ sinh
Tuy nhiên trong quá trình sáng tác, văn nhân không nhất thiết phải tuân theo chặt chẽ luật đã nêu trên, có thể thay đổi, miễn là câu hát lưu loát.
Home_nguoikechuyen
Tham khảo từ các tài liệu:
1) Việt Nam ca trù biên khảo - Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề.
2) Giới thiệu về ca trù – GSTS Trần Văn Khê.
3) Đại Việt sử ký toàn thư - Ngô Sĩ Liên.
4) Vũ Trung Tuỳ Bút - Phạm Đình Hổ
5) Nhạc khí dân tộc Việt Nam – Lê Huy và Huy Trân.
http://www.ttvnol.com/nhacdantoc/493828/trang-9.ttvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét