Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2007

Sập cầu ở Cần Thơ




Xung quanh chuyện vụ tai nạn sập cầu Cần Thơ trong lúc đang thi công thấy có mấy điểm:

1- Thực ra thì đâu là sự khác biệt đáng kể giữa 1 nỗi đau khổ với 100 nỗi đau khổ? Có thế dễ dàng đi theo hướng khai thác ý tưởng về cộng đồng. 1 vụ tai nạn ảnh hưởng đến nhiều người thì bên cạnh lòng lân mẫn tức thời còn có cả sự lo ngại về xác suất rủi ro đến với mình. Nguyên tắc của tổ chức xã hội là giảm thiểu mọi mối nguy đối với cộng đồng đó. Một tội phạm có thể được miễn trách nhiệm nếu không bị phát hiện sau 20 năm-đấy là dựa trên nguyên tắc nguy cơ gây hại với cộng đồng đã được coi như không còn nữa. Chứ riêng đối với người bị hại trực tiếp thì làm gì có thời hạn? Điểm yếu của ý tưởng này là nó gây ra nguy cơ đảo ngược cái cơ sở của đạo đức là có tình thương trực tiếp, tức thời và vô ngã hiển nhiên ở con người. Nhưng cho dù nỗi đau khổ đối với người gánh chịu nó có khác biệt hay không trước 1 hay 100 tai hoạ đồng thời thì kẻ gây ra nhiều tai hoạ luôn luôn phải bị phán xét nghiêm khắc. Cái nếp gấp trong tư tưởng là ở chỗ: chúng ta chỉ biết định nghĩa hạnh phúc trong đau khổ nên chúng ta gặp khó khăn khi dùng hạnh phúc làm thước đo mọi sự.


2- Cái cách mà nhiều người đang xem xét sự kiện này phần đông là có vấn đề về thao tác tư duy mặc dù nó hoàn toàn không đòi hỏi kiến thức chuyên ngành 1 chút nào. Dữ kiện đầu tiên là sự cố sập phần cầu đang thi công cùng với hệ giàn giáo trong lúc đang tháo dỡ (1 bộ phận nào đó) gây tai nạn cho rất nhiều người đang có mặt ở công trường. Có vẻ hầu hết mọi người chỉ tham chiếu qua loa cái sự kiện này để mắc nó vào với những định kiến có liên quan của mình (mặc dù phần nhiều có khi chả liên quan tẹo nào hoặc là xa lắc xa lơ). Nếu là mình khi muốn tìm hiểu sự việc này (chủ yếu để truy cứu trách nhiệm chẳng hạn) thì ít nhất mình sẽ tuân theo trình tự này:

- Tìm hiểu fact của nó. Cái gì đã đổ. Nó giống như việc quan niệm 1 hệ kín trước khi giải bất cứ 1 bài vật lý phổ thông nào mà ai cũng được học. Ví dụ như ở đây nhiều người (thường là không có chuyên môn) đã bị kẹt vào ý tưởng xung quanh cái giàn giáo và khối bê tông mà quên không xét đến các yếu tố khác: nền đất, địa chất thuỷ văn, khí hậu, thời gian và con người...Thậm chí có ý kiến chỉ tập trung xung quanh những điểm kiểu như: bê tông mới đổ 2 ngày (vậy là ngầm định 2 ngày ko được/trong khi cái cần xem xét là cường độ chịu lực của bê tông tại thời điểm đó), hoặc là quy kết cho hệ giàn giáo không đúng quy cách (bỏ qua xem xét bài toán chọn phương án thi công, nó có thể không tối ưu về kỹ thuật nhưng ít nhất đã được tính như là khả thi/phải tách bạch giữa cái sai từ nguyên tắc với cái sai có tính kỹ thuật). Trong 1 logic chặt chẽ không có chỗ cho cái chủ yếu với cái không chủ yếu. Vậy mới phải có cơ quan chuyên môn kiểm tra: người ta sẽ phải dựng lại được mô hình tại cả 3 thời điểm: 1. Hiện nay nó như thế nào? 2. Nó đã đổ như thế nào? 3. Trước đó nó như thế nào? Bản chất của KTXD là 1 kiểu khoa học thực nghiệm, nó sẽ rất phức tạp và có nhiều phương án giả thuyết khác nhau cho cùng 1 hiện tượng và không phải lúc nào bài toán cũng có lời giải. Nhưng nếu người ta vi phạm ngay từ khi xây dựng mô hình thì việc lựa chọn tham số sẽ càng theo cảm tính, thường là theo xu hướng tiện cho định kiến của mình.

- Tìm hiểu những quy định của pháp luật liên quan đến quy trình đó. Cái này dễ, chỉ cần tra cứu 1 vài văn bản pháp luật là ra. Bắt đầu từ luật xây dựng sẽ tìm ra thông tư nghị định liên quan. Trước khi hiểu rõ nguyên nhân 1 cách chính thức sẽ rất hồ đồ để quy kết trách nhiệm (buồn cười là cái kiểu của 1 số bên liên quan cứ hồn nhiên "có lẽ nguyên nhân thế này...vậy bên XYZ kia phải chịu"-làm kỹ thuật kiểu xxx gì vậy?). Biết nguyên nhân nằm ở khâu nào rồi thì phải đối chiếu lại với quy trình pháp lý kia. 1 bộ phận tài liệu quan trọng nữa là các hồ sơ liên quan của công trình như hồ sơ thầu, các hợp đồng...vì nó sẽ quy định nhiêù chi tiết cụ thể.

- Bản thân việc xem xét quy trình pháp lý kia cũng phải ghép nó vào 1 hệ kín chứa nó. Ở đây là hiện thực pháp luật ở VN hiện nay.

- Xét riêng vấn đề về tổ chức cứu hộ cứu nạn. Đầu tiên cũng phải bắt đầu từ fact: mọi việc đang diễn ra thế nào. Các nhà báo hay mắc tật nhìn 1 góc rồi phán như là biết rồi. Chưa thấy có ai phỏng vấn người có trách nhiệm về toàn cảnh quy trình cứu hộ như thế nào. Nếu nó chưa chặt chẽ thì cũng phải định dạng được nó thì mới gửi ý kiến (thường là chửi) đến cho nó được chứ? Phải định lượng được các nguồn lực thì mới có lựa chọn được. Cũng có 1 vài ý kiến cụ thể cho việc này đáng đọc như của Huy Đức chẳng hạn. Nhưng bác này vẫn mắc bệnh đại khái-cái gì cũng kê trực thăng với quân đội vào. Các bác sỹ phải biết về việc cấp cứu hơn chúng ta? Nếu cứ kết luận chuyển hết về Sài Gòn thì là đã ngầm định rất nhiều thông số rồi đấy!

- Ở góc độ vĩ mô thì cũng cần cái nhìn tổng quát để nhận định có ích. Chuyện từ chức hay không nói vậy mà không phải vậy-chứ ông bộ trưởng từ chức thì ông thủ tướng phải làm sao? Nói đổ cho ông chuyên trách thì phải xét lại toàn bộ quy trình trước. Đưa ví dụ của các nước khác thì phải định nghĩa lại cái hệ thống của nó đã (mà ở đó sự khác biệt lớn nhất nằm ở khía cạnh chính trị). Cứ kiểu này có khi lại đổ mọi sự là tại cụ Hồ mất! Trong chuyện này cả 2 phe (phê và bị phê) đều có 1 điểm chung: tuyệt đối hoá vai trò của 1 người-gần giống như Tôn Ngộ Không vậy-trong khi cái cần quan tâm lại có tính hệ thống và phải tương tác theo luật của nó. Vấn đề hậu cứu hộ cũng nan giải và dài rộng. Hồi còn bé mình thường hay được đọc những tập sách mỏng mỏng mô tả các gương lãnh tụ cách mạng hoạt động trong phong trào công nhân vận động thế nào, lý luận thế nào...Bây giờ mình rất thắc mắc có bao nhiêu công nhân là Đảng viên nhỉ??? Bài toán thoát nghèo bao giờ cũng lòng vòng. Nếu mọi cái đều đúng chuẩn thì chẳng có mấy người đủ tiêu chuẩn làm công nhân cả nói rộng ra chả mấy công ty là công ty luôn. Cái này gọi là sai số của thế giới thứ 3 :(


Báo VNN dẫn lời cụ CT "không vì sập cầu mà làm chậm tiến độ thi công" - vậy có lẽ cụ đã biết là vụ sập cầu này không phải là bất khả kháng từ tự nhiên rồi-không phải yếu tố mới nào xuất hiện trong bài toán còn thiếu. Một bài toán chặt chẽ đầy đủ các thông số bây giờ trục trặc chắc chắn chỉ tại người làm ngủ gật thôi chứ còn gì!!!

Bây giờ phải làm sao - làm đúng như lý thuyết chứ còn làm sao nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét