Thứ Hai, 30 tháng 4, 2007

Thợ nào được thì ăn cơm vua...




“Xã hội thời đó là một xã hội mạo hiểm, đầy những chiến đấu gan dạ và những cuộc chinh phạt phiêu lưu... Người ta coi vận mạng như cuộc đỏ đen trong một canh bạc lớn mà đấu mưu đấu trí với nhau.”




Lâm Ngữ Đường bàn về thời lập quốc của nhà Đường như vậy; nhưng há chỉ có thời đó thôi hay lịch sử luôn luôn là như vậy ở mỗi khúc quanh? Gắn luôn chuyện này với chuyện nhân gian thường oán các vua khai quốc xưng đế thường giết trung thần. Nhưng thử hỏi không giết có được không? Mấy ai được như Triệu Khuông Dẫn nhưng họ Triệu có được nhân hoà ấy còn do cái Thiên Thời "cực tắc phản" của thiên hạ đã loạn lạc hơn trăm năm rồi.




Sử Trung Quốc-NHl:
Củng cố nội bộ Thu quyền chính trị về trung ương. Triệu Khuông Dẫn đã tỏ ra thực tế, biết sức mình khi ông tạm " tha cho Bắc Hán". Khi đã chiếm được Nam Hán, những nước còn lại xin thuần phục rồi, ông lại tỏ ra thành thực, mà khéo léo, biết tâm ý các người đã cộng tác với ông, đặt một tiệc rượu mời Thạch Thủ Tín và Trương Thầm Kỳ, nửa tiệc ông đuổi tả hữu ra ngoài, nói với hai viên tướng đó: "Làm thiên tử khó khăn, chứ không vui sướng như tiết độ sứ. Trẫm thường ăn ngủ không yên. Thủ Tín hỏi vì sao, ông đáp: "Ngôi cao quý này ai mà không muốn?" Thủ Tín cúi đầu tâu: "Bệ hạ sao lại nghĩ thế? Mạng trời đã định, ai còn dám hai lòng?" Ông nói: "Hai khanh thì cố nhiên, còn bọn thủ hạ ai mà không ham phú quý? Một ngày kia, họ đem hoàng bào mặc vào cho khanh, khanh không muốn có được không?.....Trẫm muốn tình thân giữa chúng ta còn hoài để còn hưởng phú quý như bây giờ. Muốn vậy thì binh quyền của các khanh phải trở về quốc gia....Như vậy mới không còn lòng nghi ngờ lẫn nhau nữa." Thế là các tiết độ sứ xin từ chức, giải trừ binh pháp hết. Để bù lại, ông tặng họ chức cao, bổng hậu trong hành chánh.



Bỏ sự các cứ của phiên trấn, giải nhiệm các tiết độ sứ, rồi ông đặt chức phán quan (văn quan) thay vào, chức đó coi cả việc quân chính và dân chính, nhưng việc gì cũng phải tâu về triều đình, lại đặt ra chức Chuyển vận sứ trông nom về tài chính, số thu được bao nhiêu, trừ số chi tiêu trong châu quận rồi phải nộp về triều đình, ông cũng hạn chế quyền hành pháp của các châu quận, bắt phải phúc trình lên bộ Hình xét, chứ không được tự ý xử tử bất kỳ ai.





Biện pháp hay nhưng chỉ sau 2 đời nữa là lại thấy mặt trái của vấn đề nổi lên mà hậu quả Tống triều là một triều đại yếu nhược bậc nhất của Trung Hoa.












"Thợ nào được thì ăn cơm vua

Thợ nào thua thì về bú tí..."




Thôi không lan man chuyện tranh giành được thua nữa vì cũng không thể nói ngắn gọn được vấn đề mà không khỏi nông cạn. Dẫn lại ở đây một chút ý nghĩa về chính trị theo Vũ Tài Lục trong THỦ ĐOẠN CHÍNH TRỊ để tham khảo. No comment.


Ý nghĩa của chính trị

Ai muốn nói sao thì nói, chính trị chỉ có một sự thật và mỗi hiện tượng chính trị đều phải quy hết vào sự thực đó hoặc từ đó mà nẩy sinh ra.

Sự thực là:

- Chính trị là hết thảy những hành động nhằm duy trì mở rộng và tranh đọat quyền lực.

- Chính trị hoàn toàn chịu chi phối bởi quy luật khách quan của xã hội, sự cần thiết của lịch sử. Nó không phải là đạo đức hay lý tưởng.

- Đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị, giữa kẻ có địa vị và kẻ mất quyền lợi. Hết thảy danh nghĩa tốt đẹp chỉ là sự cần thiết từng giai đoạn hoặc là những hình thức ngụy trang.

- Phương tiện dùng cho đấu tranh chính trị là bạo lực và mưu mẹo.

- Kẻ nào có quyền, kẻ ấy cai trị, kẻ nào cai trị, kẻ ấy có lý do chính đáng. (He who has authority, governs; he who governs, is right).

...........

Sinh làm hào kiệt trong đời, phải làm gì khi không được chọn lựa?
















Tiếu ngạo hàn sương phô cốt cách
Khai nhan diệu sắc kháng thu thâm

Cúc Đảm Ngạo Hàn Sương (Hải Đà)


(Hoa cười kiêu ngạo giữa sương lạnh, luôn giữ phong cách cao thượng
Mở mặt vui tươi màu sắc lộng lẫy như muốn thách thức thu già)

2 nhận xét:

  1. Thực ra cái sự tích "chén rượu cướp binh quyền" của Triệu Khuông Dẫn có nhiều ảnh hưởng tới lịch sử Trung Quốc hơn là chuyện một ông vua. Chính do sợ các võ tướng mà nhà Tống đã trọng văn, khinh võ, giảm quân đội các tướng có thể quản lĩnh, dùng các văn quan thay các Tiết độ sứ... khiến cho nhà Tống suy yếu nhanh chóng, triều Tống là triều đại yếu nhất trong các triều đại Trung Quốc sợ Liêu, sợ Hạ, thậm chí còn bị Đại Việt đem quân sáng đánh tận ổ hay Nùng Trí Cao đem quân Nùng đánh cho thất điên bát đảo. Nhưng bù lại, lại là một thời văn trị, văn thơ nghệ thuật phát triển.

    Trả lờiXóa
  2. Triều Tống bạc nhược không phải tại Triệu Khuông Dẫn mà tại các ông cháu sau này không biết "kéo cưa lừa xẻ" với tình hình mà cứ cố chấp theo tông pháp để lại nên mới thế. Âu cũng là cái nghiệp của Trung Hoa. Ai bảo đất nước to lớn quá mức so với trình độ KTXH và phương thức sản xuất cơ? Ai đời đến mấy đời sau này còn có lệ tướng quân ra trận bày binh theo sơ đồ của vua ban cho từ ở nhà (theo cuốn Tô Đông Pha của cụ NHL).
    Bác Linh có thể phân tích so sánh vấn đề này ở La Mã cổ đại được không, có thể có điều gì đó hay để phân tích vì La Mã cũng rất rộng lớn và trước khi bị các phiên vương làm phân rã cũng đã từng rất thống nhất. Tất nhiên so sánh dễ bị khập khiễng vì Tây là phương thức tư duy mô hình hoá trong khi Đông là "nương theo thực tại và điều tiết". Trong cuốn "Bài học lịch sử" của Will Durant có những nhận xét rất rộng rãi và thoả đáng về cái được mất của chế độ QUÂN CHỦ ở Trung Hoa suốt mấy nghìn năm.

    Trả lờiXóa