Thứ Ba, 10 tháng 4, 2007

Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học




Luận ngữ, II, 4, NHL:


- Tử viết: "Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học; tam thập nhi lập; tứ thập nhi bất hoặc; ngũ thập nhi tri thiên mệnh; lục thập nhi nhĩ thuận; thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất dụ củ"

Dịch: Khổng tử nói: "Ta mười lăm tuổi để chí vào việc học (đạo); ba mươi tuổi biết tự lập; bốn mươi tuổi không nghi hoặc nữa; năm mươi tuổi biết mệnh trời; sáu mươi tuổi đã biết theo mệnh trời; bảy mươi tuổi theo lòng muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý.

--------------

Ngày nay những câu như "tam thập nhi lập", "tri thiên mệnh"...đã thành ngạn ngữ. Người lạc quan có thể cho là đạo của Thầy Khổng còn có vết tích ở hiện tại. Nhưng người ta thường quên đi cái mốc đầu tiên "Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học" - điều quan trọng nhất! Tại sao lại cần phải nghiêm trọng hoá vấn đề vậy ư? Là bởi vì nói bừa ở cửa miệng theo thói quen thì người ta ít nghĩ. Lâu thành ra nghiễm nhiên thủng thẳng cho rằng ta 30 tuổi ta nhi lập rồi đây, ta 50 ta tri thiên mệnh rồi...bala...bala...Sống mà dễ thế nhỉ??? Điều này nhất là đặt trong bối cảnh văn hoá trọng tuổi tác của phương Đông thì lại càng trở thành ít bị nghi ngờ. Năm tôi 20 tuổi có từng phát biểu (rất thành thực) với 1 người 50 tuổi rằng tôi thấy người khác sinh ra trước tôi điều ấy chỉ mới nói lên rằng anh ta phơi nắng lâu hơn tôi thôi! Nhưng sống thêm vài năm ở đời là đủ cho tôi cảm nhận được ý vị của chiêm nghiệm. Đành rằng đó là có phần do xu hướng bẩm tính thích tỉ mẩn ngâm ngợi nữa - không thể trừ bớt cái hiện tiền của quá khứ ra được. Mở rộng ra để minh giải cho cái "Kính lão đắc thọ" thành ra phương thức tư duy chiêm nghiệm trực giác là một chủ đề hơi rộng ở đây nhưng cũng nên nhắc qua để bạn phân biệt gốc với ngọn trong suy niệm của tôi.

Post này lấy cảm hứng từ bài trên
blog của chị HY. Chuyện cũng giản dị. Chỉ là một sự ngẫu nhĩ về câu chuyện tự thương mình. Thú vị là ở thời điểm bài thơ ra đời. Lúc đó tôi chưa là công dân mạng đương nhiên không rõ sự tình. Sau đấy khoảng 1 năm cũng ngẫu nhĩ vu vơ tôi có đôi lời với 1 bạn về lòng tự thương mình. Bạn ấy đi qua tứ cú nhanh quá nên chuyện cũng đành dang dở vậy. Bạn hiểu nhưng tôi còn điều vi tế không có chỗ đặt lời. Hôm nay xem thấy bài thơ của ba năm trước của chị thì thấy vui vui. Vui bởi vì đấy là một BIỂU HIỆN mong manh của sự trải nghiệm. NHẬN ra một sự thật. Hay NGHIỆM rằng lời nói vốn chỉ đến vậy. Nhưng ĐẶT ĐỂ thôi cũng cho hay chỗ vi tế trong khác biệt giữa hiểu và BIẾT, NHẬN CHÂN MỘT CÁCH THÀNH THỰC VÀ CHĂM CHÚ? Hay giản đơn là tiếng thở dài "đi đâu loanh quanh" một cách cảm thán. Bề chiều nào cũng cho tôi ý vị cả. Và tôi tin ở một tình yêu tha thiết vào việc sống_ở_đời từ những biểu hiện như vậy. Mặc dầu chuyện còn có thể dài mãi mãi - sống mà dễ thế ru :)



Quay trở lại với lời tự thuật của Thầy Khổng. Đạo làm người của Thầy cao vời vợi thì ai cũng biết ít nhiều rồi. Nhưng cũng nên kể ra đôi chuyện làm quà ở đây: có người hỏi trò của Thầy là "Thầy anh là người thế nào". Học trò im lặng sau về kể với Thầy. Ngài đáp "Sao anh không nói với họ ta là người hằng ngày ham học đến quên ăn, khi học được rồi thì vui mừng đến quên cả tuổi già đang đến". Thầy Khổng có lần nói đại ý "Người ta đến 50 tuổi mà không có sự nghiệp gì thì không đáng sợ nữa". Chữ sự nghiệp của Thầy hiểu thế nào cho đặng cũng khó bàn hết ở đây. Lại nhớ chuyện có người quen trong làng cậy già phóng túng xoải chân ngang đường, Khổng tử gõ gõ vào chân mà trách "Hồi nhỏ không biết kính thuận người lớn, lớn lên không làm được gì đáng khen, già rồi mà không chết. Như vậy chỉ báo hại người ta thôi" (XIV.44).




Lời người nhân rất mực mắng căng thẳng thế phải NHẬN thế nào nhỉ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét