Thứ Hai, 30 tháng 4, 2007

Sang năm ta bảo đào hoa nở cùng




"Tự nhất chí tam giả, bần tiện nhi tâm lao; tứ chí lục giả, phú quý nhi tôn cao; thất chí cửu giả, li cữu nhi phạm tai. Ngũ dĩ hạ tác tức, ngũ dĩ thượng tác tiêu..." -



"Từ giai đoạn một đến giai đoạn ba, nghèo hèn và nhọc lòng; từ giai đoạn bốn đến giai đoạn sáu, giàu sang mà cao cả; từ giai đoạn bảy đến giai đoạn chín, chia lìa lầm lỗi mà gặp tai hoạ. Từ giai đoạn năm trở lại: nảy nở; từ giai đoạn năm trở đi: hao mòn...".



Trên kia là một đoạn nói cái đại ý chín giai đoạn biến hoá trong thuyết CỰC TẮC PHẢN của DƯƠNG HÙNG (Tử Vân) đời Hán. Tại sao lại nảy nòi ra cái đoạn này trong bài viết của tớ? Thưa rằng vì tiếc 40k tiền vé xem phim HOÀNG KIM GIÁP chiều nay. Đã lâu rồi tớ có nguyện rằng vứt mẹ nó tất cả những nghệ thuật đi chỉ lưu tâm vào một việc thôi. Cũng tình cờ tối qua có lần ra bài viết của bác Phan Cẩm Thượng bàn về
đọc sách cũng có nhắc đến ý đấy từ một lời thánh nhân là ngài Vivekananda: "Chỉ nên đọc sách của những người đắc đạo" - như thế cho nó lành. Tớ vốn có ý viết để nghĩ lại một lần nữa về điều này nhưng chưa có hứng đành để đấy. Nói tiếp chuyện lúc nãy, từ lâu rồi tớ quyết không lan man chõ mũi lung tung vào những chỗ không quan thiết nữa nhỡ lại lạc lối. Nhưng - trò đời oái oăm thường ở chữ nhưng này - gồng mãi cũng mệt; thỉnh thoảng loăng quăng, lăng xăng cũng có cái hay của nó nên cho tới giờ tớ thoả hiệp cho phép mình một chút lăng nhăng với những linh tinh và ít trách nhiệm nhất. Entry này là như vậy.

Như vậy là như thế nào? Là quên chuyện tổng thể hài hoà đi. Quên "Tử tuyệt tứ" đi. Đái khái suy diễn, đại khái lập ngôn...cho vui thôi mà. Ai sửa là vội vội vàng vàng nhận ngay. Khỏi tranh cãi nhì nhằng. Thôi. Quay lại phim nhé. Tớ có một nguyên tắc cảm nhận nghệ thuật nói chung là nếm trước, phân tích bình bầu sau. Phim HOÀNG KIM GIÁP này không được như bộ THẬP DIỆN MAI PHỤC trước đây còn ít nhiều gây cho tớ chút cảm hứng
viết lách. Phim này về cảm xúc hay bố cục, tiết tấu đều không thích. Không thích thành ra thấy bực mình. Bực mình vì không muốn quy kết đơn giản với bác Trương Nghệ Mưu kia. Cứ cảm giác như bác ta đang chơi mình ấy. Nên cả tối nay lục lại các thứ để xem rốt cục "ý bác là thế nào"?

Xem lại hết một lượt: kịch Lôi Vũ của Tào Ngu, nghệ thuật sân khấu Kinh Kịch của TQ, bài thơ "Cúc hoa" của Hoàng Sào, rồi thì khởi nghĩa của Hoàng Sào, rồi Tết Trùng Cửu của Tàu, rồi thời Mạt Đường đến thời Hậu Đường trong Ngũ Đại-Thập Quốc. Để ý cả vụ Thiên An Môn nữa. Lục lọi các bài viết trên mạng...Cuối cùng cũng có manh mối. Nhưng vấn đề của tối nay là tớ không có hứng thú và điều kiện để viết cẩn thận. Thôi, tớ cứ tuỳ tiện viết đến đâu nghĩ đến đấy. Sau này có ý gì hay thì sẽ viết thêm.

Nội dung phim thì các bạn chịu khó tìm trên mạng nhé. Lôi Vũ cũng vậy. Về Lôi Vũ tớ lưu ý đặc điểm này: tất cả vở kịch được dồn nén lại trong một đêm đặc biệt (mưa gió), và bối cảnh tâm lý chính trị của các nhân vật là tâm lý phiền muộn - phiền muộn có thể đưa người ta đến những rồ dại nhất. HOÀNG KIM GIÁP là viết tắt từ MÃN THÀNH ĐÁI TẬN HOÀNG KIM GIÁP. Thôi lôi luôn bài thơ này ra đây:


Cúc Hoa -
"Bất đệ hậu phú cúc" (Viết về hoa cúc sau khi thi hỏng)


Đãi đắc thu lai cửu nguyệt bát
Ngã hoa khai thời bách hoa sát
Xung thiên hương trận thấu Trường An
Mãn thành đái tận hoàng kim giáp

(Hoàng Sào)



Chờ thu tháng chín về nơi
Hoa ta nở rộ hoa người tàn phai
Trường An hương ngút ngập trời
Người mang áo giáp vàng chơi khắp thành

(Hải Đà phỏng dịch)



Trùng cửu thu sang đợi sát ngày

Hoa ta nở giết vạn hoa bay
Trường An hương đẫm xông trời thẳm
Khắp chốn hoàng kim giáp trụ đầy

(Đông A dịch)



Bạn Hải Đà dịch sát câu 2 nhưng câu cuối sai mất ý khi dùng từ "chơi" - chơi quái gì. Bạn Đông A thì sát câu 1 nhưng hình như lại sái mất câu 2 khi cho là hoa ta giết hoa người. Nguyên lai bài này bạn Hoàng Sào làm khi thi trượt năm đấy. Sách vở thường nói bạn là thủ lãnh nông dân nhưng theo cụ Nguyễn Hiến Lê trong Sử Trung Quốc thì bạn này thi trượt về buôn muối, rất giàu và quảng giao.

Hoàng Sào thích hoa cúc và không chỉ làm mỗi bài thơ trên. Còn có bài này nữa:


Đề cúc hoa



Táp táp tây phong mãn viện tài

Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai
Tha niên ngã nhược vi Thanh đế
Báo dữ đào hoa nhất xứ khai

(Hoàng Sào)



Vườn hoa gió thổi bời bời

Hương tàn nhụy rũ bướm thời khó qua
Chúa Xuân nếu được là ta
Sang năm ta bảo đào hoa nở cùng

(Hải Đà phỏng dịch)





Cái ngạo khí của họ Hoàng thì rõ ra đấy rồi, nhưng trong cái tượng hoa cúc này cũng thấy cái gì mỏng mảnh của kẻ làm thơ, ngạo nghễ nhất thời mà thiếu cái khí lượng đại độ của đế vương thực sự. Nhưng nói nhiều thế để làm gì. Là vì cái tứ cái hồn vía của bộ phim là từ câu chuyện này ra thôi. Không phải từ câu thơ, không phải từ Hoàng Sào, không phải từ Đường Mạt mà là từ tất cả những thứ đó. Hay là dùng lại ý đoạn trên: là cái tâm lý chính trị - tâm lý phiền muộn đương thời mà Lôi Vũ đã khắc hoạ. Vậy, đây có phải là một Lôi Vũ hoàn hồn không? Họ Trương chỉ đến thế thôi à? Hay là "một lần đưa ra một lần mới"? Tất nhiên họ Trương thì tài ba rồi - và các bạn chờ phần sau nhé, tớ bị gọi đi ngủ rồi. Ngày mai sẽ tiếp tục với hoa cúc trong Tết Trùng Cửu và ý nghĩa đích thực của ngày này. Và từ ngày mưa gió (lôi vũ) đến ngày Trùng Cửu có gì mới không? Cũng như ta sẽ xem phim hay là phải xem kinh kịch đây...










2 nhận xét: