Cái này của hồi 20 tuổi.
--------------------
Đồng dao.
Lênh đênh ai hát ngoài song cửa
Bài ca thanh bình đêm cũ
“Hoa lá quên giờ tàn
Mây trắng bay tìm đàn”
Ngày xưa yên ấm quá
Trẻ hát đồng dao trên phố
Con trai xách điếu đi cày
Con gái quang liềm gặt lúa
Bao giờ hết loạn người ơi
Cạn cùng nhau chén nữa
Tàn canh là xa xôi
Lòng như vầng trăng nhọn
Chém giữa trời không nguôi
LQV
"...Đấy là một chiếc cốc bằng sứ. Nó hình trụ đơn giản và tráng men một màu. Hoa văn trang trí phảng phất chất hoài niệm-chuồn chuồn và lá khoai nước..."
- Chuồn chuồn và lá khoai nước! Anh thở dài, muốn dứt ra khỏi đầu mấy chữ đấy. Có lẽ, anh đang làm một việc dại dột: mượn chút chữ nghĩa để xác định rõ, để nắm lấy một điều không thể là sự mơ hồ của ký ức. Thật bực mình. Tránh chuồn chuồn và lá khoai nước anh lại sa vào một thứ tệ hơn: ký ức. Ừ thì là nó rất gợi tả, là chữ được sính dùng nhất của giới trẻ. Anh đang cầm trong tay là cái bút. Anh thấy rõ cái vỏ màu đen, một vài chi tiết nhũ vàng của nó. Anh nghe rõ tiếng cào trên giấy của ngòi bút. Tờ giấy, anh có thể xé hoặc không xé - cam chịu. Khi anh ngừng lại để tìm những chữ nghĩa thích hợp thì tiếng ngòi bút cào giấy kia đã thành một ký ức. Anh không thể làm gì hơn nữa. Anh viết tiếp, chậm rãi và lắng nghe; nhưng chẳng nghĩa lý gì cả - anh lại sa vào cái cảm giác ấy - bải hoải hoảng hốt. Mà cái gì thích hợp với cái gì kia chứ? Chữ này thì hay hơn chữ kia sao. Mấy nét lòng ngòng đó làm người ta hiểu rõ hơn được cái quái gì kia chứ. Điên rồ; anh thấy rõ mình đang cười méo mó trước ý nghĩ kỳ quặc này.
Lớp học tiếng.
Anh đi học tiếng vì hai lý do - Thứ nhất, thời gian đi qua một cách dửng dưng. Anh mâu thuẫn; anh thấy rõ việc mình làm là vô vọng, anh thấy rõ rồi mọi sự sẽ chẳng là gì sau cát bụi. Phù phiếm, cái ý nghĩ ấy luôn đeo đuổi anh dai dẳng. Những lần rượt đuổi với ý nghĩ như thế anh thường bỏ cuộc bằng một cái thổi phù. AQ đã phủi xong bụi và đứng dậy. Anh không tin rằng cuối con đường kia có gì tốt đẹp. Anh muốn buông trôi - như lá theo dòng. Không - không hẳn thế.
Giờ là rạng sáng. Mưa lạnh và bùn lầy dưới chân. R đứng dậy, rời khỏi mộ lão G. Paris ánh sáng. Giờ còn ta với mày. Sau những lời to tát nhường ấy R bỏ đi còn anh đóng cho bà quản lý trung tâm hai tờ năm mươi nghìn cũ; để đổi lấy một tờ giấy in ốp-sét xanh trắng có dấu đỏ. Ba tháng sau, sẽ có một dấu đỏ nữa-trịnh trọng: chứng chỉ ngoại ngữ của trung tâm ngoại ngữ buổi tối thuộc một trường đại học danh tiếng chứng thực một công dân đã thắt nơ và biết uống vang đỏ. "Vang đỏ"-cái ông thầy đã dạy anh món vang đỏ ấy anh nhớ lắm. Công dân ưu tú của tổ quốc mang sứ mệnh tiên phong tới một xứ sở mà từ bạn bè anh ta sẽ phải để trong ngoặc kép. Như cái kiểu người ta vẫn nháy mắt ý vị với nhau. Về điều gì mà cả hai đều biết tỏng nhưng không cần thiết phải nói ra. Không cần. Mọi sự thật văn minh và sòng phẳng. Life school dạy anh cách khéo léo và hiệu quả nhất. Người ta văn minh và lịch sự nên chuyện ấy được nói rất thẳng thắn. "Mãi mới quen được!" Gã châu Á ngượng nghịu. Nhưng mà, đột nhiên gã cười-theo kiểu tạo tình huống-có một cách khác. "A drink of red wine is all if you're in a party". Bí mật đã được truyền trao. Thật văn minh tiện lợi hết sức. Tế nhị nữa. Rõ rồi. Vang trắng cho ngoại giao, vang vàng cho bè bạn và vang đỏ cho chuyện ấy. Cô sẽ uống với tôi chứ? - Tôi ư? Tất nhiên rồi!
Thứ hai, anh cần tìm một nguyên do nữa cho hành động của mình. Ngài D nói đúng - chúng ta, tôi và anh đều đang làm cái việc phù phiếm là tự viết cho mình một kịch bản mà bản thân chúng ta sẽ là một vai chính. Sẽ mở đầu là một xêmina về sự cô đơn và sự gặp gỡ của hai kẻ cô đơn. Chúng ta hãy đồng ý rằng dùng từ cô độc thì gợi tả hơn cái chữ cô đơn rất sến kia. Một gã đàn ông cô độc thì được, chứ nói hắn cô đơn thì rõ là có ý xỏ xiên rồi. Đàn bà nữa chứ - phải nói cô ta cùng với sự cô đơn. Cô độc thì không hiện đại và kém hợp mốt với phụ nữ - nó ít lẳng và yếm thế. Sự cô đơn - tính phù phiếm cố hữu của đàn bà đã biến một tính từ thành một danh từ. "Chó chết!" Gã xe ôm có thể nhổ nước bọt và nói như vậy. Xong. Nhưng một trí thức-từ này chỉ chung cho một công dân có chữ, hẵng tạm gọi như thế-sẽ bắt đầu đi tìm giới tính cho từ ấy. Chó chết! Chúng ta hãy cùng trở lại với nhà biên kịch và thảo luận về chương hai. Sẽ có những lời tự giới thiệu. Phải hết sức ngắn gọn, giản dị và kìm nén. Xen lẫn là những tự sự. Nếu cần thiết sẽ có liều lượng vừa đủ những lời văng tục và cũng nên vừa phải thôi. Phải cho độc giả (những vở kịch này sẽ chỉ để dành để đọc thôi) nghĩ rằng, anh hay cô ấy là những kẻ rất tự do và bản lĩnh; có thể chơi được với mọi kiểu của đời. Nó có thể hơi sến, phải sửa lại là anh ấy (cô ấy) có thể trở thành một cái gì đó, nhưng lại đứng ngoài tất thảy, hờ hững vì không thấy hứng thú. Hư hư thực thực - có mà chả lừa được cả tập đoàn Tam Quốc chứ nói gì riêng lão Tào Tháo ấy đâu. Ngày xưa anh mê Tào Tháo nhất trong Tam Quốc. Chả ai chịu nói thật cả, trừ mỗi lão - anh âu yếm gọi vĩ nhân ấy là lão - "Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta". Nói xong, làm xong mà vẫn ngủ ngon được, không biết ngài Trần Cung đang băn khoăn giữa một nhát kiếm với đạo đức của người quân tử. May mà ở đấy chỉ có hai người và có mình lão không phải là người quân tử. Hú vía! Lần sau thì đừng hòng nhé. Thọc một nhát kiếm cho thằng thị vệ đổi lấy giấc ngủ ngon. Kể ra thì cũng ác quá - anh tặc lưỡi - mà lão Dương Tu chủ bạ ấy cũng dại, mua tí danh hão, định ăn theo suất ông chủ làm gì. Ừ thì công nhận là ông biết được bụng dạ lão ấy - lão chả nói ngay từ đầu, có che dấu gì đâu - giờ thì hậu thế nhớ ông nhưng mà ông thì đang ở đâu kia chứ? Nhát đao ấy chả đau lắm sao?...Rồi anh chợt nhớ lão ấy, lão Tào Tháo mà anh hằng tâm đắc ấy cũng chỉ là sản phẩm của ngài La Quán Trung thôi. Và cả cái ý nghĩ về sự nói thẳng ấy cũng là một ngài phê bình thời cổ dạy cho anh đấy chứ. Tẽn tò, anh quay trở lại với một nghìn bảy trăm năm sau - không chơi với bọn ấy nữa, tạm gọi là chỗ quen biết cũ. Những nhân vật của anh, tốt nhất là thể hiện sự thẳng thắn của mình bằng những câu chuyện về DỤC VỌNG. Phải viết hoa chữ đó. Như thế độc giả sẽ kính trọng anh - anh là kẻ thẳng thắn và rất NGƯỜI. Và để phù hợp, anh sẽ không phủ nhận nhận định đó, thản nhiên cảm ơn và lảng sang chuyện khác; trước đó có chú thích là anh không thích đề cập tới chuyện đó dù anh không ngại ngần gì sất.
Giờ là chương ba. Những nhân vật của chúng ta cần phải làm việc. Bọn chúng không thể ăn và tán chuyện về cái tôi, cái tự ngã cả ngày được. Phải có những công việc cụ thể, những công việc hoặc hết sức buồn tẻ công chức - để nhân vật của anh có thời gian suy nghĩ và đi bụi. Hoặc nữa, phải là công việc năng động tối đa, very active. Phóng viên chẳng hạn. Hay là cho hắn làm xây dựng đi, kiến trúc cũng được. Tốt đấy, dù sao có tí nghệ thuật cũng thi vị hơn. Câu chuyện về DỤC VỌNG phải xen lẫn những liên tưởng trong sạch về cái ĐẸP, về nghệ thuật tạo hình, sáng tối...Nhưng tóm lại, họ, những nhân vật ấy phải có tiền để sống. Dĩ nhiên, họ sẽ nói họ vừa cần vừa không cần tiền. Họ lệ thuộc nó một chút, nhưng họ ghê tởm nó. Và nếu cần thiết, vì một điều gì cao cả, họ sẽ vứt toẹt cái gọi là tiền đi; chả thiết. Gờm gờm hay bất cần, có thể là thản nhiên, họ bỏ đi khỏi chương ba.
Chương bốn. Rồi độc giả của anh cũng sẽ thấy nản lòng vì những dòng suy tưởng độc thoại lan man của anh. Thật tội nghiệp cho cả hai. Lúc đầu, anh đã lừa họ một cách trung thực. Phải nói như thế vì suy cho cùng kẻ bị lừa chính là anh. Khéo léo và làm ra vẻ vô tình, anh giữ cho mình vẻ thẳng thắn. Khó mà nhận ra được sự cố gắng trong cái nhìn giận dữ thẳng thắn của anh. Những ghi chép vô tình thờ ơ trên mặt bàn. Những lời độc thoại trong cơn say. Những bài thơ như vô tình dửng dưng, như ngả ngớn ngông nghênh. Độc giả của anh, họ sẽ tự vấn, họ sẽ ngờ ngợ và thấy thương mến xen lẫn tò mò về anh. Anh dẫn họ vào mê cung, rồi bỏ mặc đấy. Rồi tuỳ tiện nói gì thì nói, làm gì thì làm. Anh hả hê và thương xót nhìn họ lạ lẫm ngờ nghệch trong mê lộ. Lúc họ nản lòng là lúc họ muốn thoát ra. Nhưng làm sao được. Kẻ tạo ra mê lộ này còn chẳng ra được huống chi là họ. Nhưng lúc đó cũng là lúc họ không còn như anh mường tượng nữa. Khi thấy mình thành một kẻ thường thường trong mê lộ, không còn là sự chú ý của mọi người thì anh lại hối tiếc. Anh hì hục đào thêm những con đường mới. Anh cười với họ - một điệu cười u uẩn. Anh lật nhào tất, phủ nhận tất. Hỡi ôi, nhưng những kẻ kia trở thành loay hoay trong mê lộ với cái tự ngã to đùng thì anh mới biết mình thảm hại hơn bao giờ hết.
"Đáng kiếp. Hắn ta lại muốn tranh công với Chúa trời". Nhà biên kịch thở dài. Dù sao thì tôn giáo đang là một thời thượng hiện nay. Dân chúng thành thực với các quan ngài của họ. Cái món thịt chó làm rỏ rãi kẻ qua đường ấy doạ được khối anh cho tới tận ngày mười rằm hàng tháng. Giới trí thức thì điềm đạm hơn. Ông đeo kính trắng kia không ăn thịt chó vì ông ghét cái dung tục của nó. Chúa của ông sạch sẽ và thanh cao. Có nhà hiền triết dạy rằng phải cải tạo thế giới. Ông á, ông sẽ cải tạo tất; phải trừ tiệt cái anh thịt chó nhếch nhác gớm ghiếc ấy đi. Ông muốn túm lấy gáy thằng oắt con đội mũ ngược ngồi chồm hỗm mặt đỏ gay kia mà hỏi: Thế cậu sống làm gì? Cậu đã thế nào? Sẽ thế nào? Nhưng mà cái giọng đã lè nhè ấy nó chẳng nghe ông đâu. Hay là ông sẽ bắt chuyện với cái thằng đeo kính kia vậy. Nó e dè cắn miếng rau ngổ - chắc nó hiểu điều ông day dứt hơn. Ông sẽ tìm cách - Rồi, phải nói cho dễ hiểu, dễ nghe mới được.
"Cái vẻ mặt ông ta thật tức cười. Ông ta muốn gọi cái ông ăn, cái ông bài tiết bằng một khái niệm mới hơn nữa cơ đấy!" - Nhà biên kịch cười kể cả. Nheo mắt ý nhị với cái ông có râu vểnh từ nãy giờ ngồi im nhồm nhoàm. Ông này cũng là trí thức. Nghe đâu ngày xưa cùng khoá với ông kia. Nhưng có máu nghệ sỹ. Giữa phòng khách, ông chỉ đặt bàn thờ gia tiên và một chữ Tâm thôi. Nét chữ thảo, thanh thoát, điềm đạm. Nghe đâu chuyện xin và cho chữ của ông cũng li kỳ lắm. Bọn trẻ tuổi thích ông vì ông có chất. Chất gì ấy nhỉ? Chúng thì thào và tò mò nhòm ngó, một cách lặng lẽ kiểu tuổi trẻ, tìm ý chỉ Thiền trong hành động của ông.
Thời hậu hiện đại, nhân loại đã sang cái kỳ cuối của tuổi thanh niên. Nhân loại lịch thiệp mà yếu ớt, ngông nghênh mà ti tiện đã chán chường mọi thứ; giờ quay sang phá phách. Bọn thì phá kẻ khác. Bọn thì phá chính mình. Chúng hò hét và quanh quẩn. Sau một hồi to tát ấy, bỗng nhận ra cái cười ý vị của Phương Đông. Các hội nghị, các hiến chương về môi trường và sinh thái bắt đầu sử dụng một cách dè sẻn và kể cả những khái niệm của Phương Đông; những Đạo và Pháp; xen lẫn biện chứng và siêu hình...Người ta bắt đầu khao khát giải thoát. Nói tới tâm linh như một sự khải ngộ. Bọn gan dạ nhất thì tụ tập nhau làm một chuyến nhất loạt về Thiên đàng - hòng chiếm chỗ tốt trên ấy. Bọn kém hơn một chút thì đã có thứ khác, an toàn tiện lợi hơn. Phương Đông huyền bí xin phục vụ các ngài. Giải thưởng của cuộc hành hương là trực giác chứng ngộ, là Niết Bàn ngay trong thế giới Ta bà này. Thế đấy, xin ngài hãy chú tâm, ngài chả thiếu gì, chả ai trói buộc ngài, ngài là chủ đấy. Hãy tin đi. Tin để hiểu rồi hiểu để tin. Lãng mạn và thú vị. Pháp môn này rủ người ta đi tu ngay giữa chợ. Hứa hẹn anh sẽ vẫn ở đây nhưng anh tự do. Anh chả mất gì, anh đủ cả. A DI ĐÀ PHẬT - xin theo các ngài.
Chương năm. Kỳ quặc và mâu thuẫn. Các triết gia giải thích thế giới như một thể thống nhất của các mặt đối lập. Ấy là đang nói về mâu thuẫn. Anh muốn chua thêm một ý tưởng về tôn giáo. Nó là một mâu thuẫn kỳ quặc. Nó là thứ khó tin nhất cho những kẻ không tin, nhưng lại là thứ vững vàng nhất trong một kẻ có lòng tin. Thi thoảng, nó rủ rê được vài kẻ chả tin đếch gì. Cũng đôi khi một vài đứa bỏ nó. Chả sao! Lại thấp thoáng nụ cười ý nhị của nhà biên kịch. Hoá ra hắn đang thử vít thiên đàng xuống cho kẻ nói tục. Thật vĩ đại! Thật khéo léo! Nhưng hãy xem, kịch gia của chúng ta không hề phổng mũi quá kích thước cho phép. Ngài quyết định thay đổi thủ pháp. Chút gia vị thế là quá đủ cho món xào này. Xin chư vị độc giả trở lại với món chính của đêm nay. Tạm biệt và chúc quý vị ngon miệng.
Tối mai anh sẽ không được phép tới lớp học trung tâm muộn. Anh sẽ phải điềm đạm, tự tin bắt tay hoặc không, nói chuyện sơ sơ với tay Quang ấy; rồi đóng cho gã một chục nghìn. Tay này với vẻ thẳng thắn và humour, tháo vát đứng ra làm chân tổ chức cho cái small party vào tối mai. Màn đã hạ; hết hồi một. Phải thế chứ! Ít ra thì cũng đã có một kẻ nói ra ý nghĩ mà tới chín mươi chín phần trăm thành viên lớp học không nói ra. Rồi, anh tới lớp, chị tới lớp, tất nhiên là lý do chính đáng. You need English for your works. OK. Nhưng cái kiểu ngồi tư lự, nghe ơ hờ, vừa nói vừa thở hào hển; ví dụ thì quẩn quanh ba chuyện không gia đình thì yêu đương, không yêu đương thì sự nghiệp. Đùa nhạt thếch. Tất cả những thứ ấy đều rởm. Rởm tất! Phỉ phui chúng đi. "An interesting communication". Mẹ kiếp! Anh nào thử phản đối xem nào! Với cụm danh từ ấy, xin thưa, sẽ chẳng vị nào chơi lại ngón bài cũ nữa đâu: ngồi ơ hờ, nghe lững thững, thi thoảng đùa nhạt thếch và thở hào hển, lắp bắp...
Cái phần trăm còn lại duy nhất không thuộc vào số tính từ ấy làm anh dịu đi đôi chút. Xanh, Đỏ - Anh thích nghĩ tới cô ấy như thế. Đó là cô giáo của anh. Anh thích thú tưởng tượng lếu láo rằng nếu như cô ấy đọc được vở kịch của anh nhỉ. Xanh, Đỏ. Chắc hẳn cái nước da trắng, cái mắt xanh ấy, tất cả sẽ thành Đỏ tuốt. Thật tội nghiệp! Cô ấy đâu có lỗi gì. Xanh, Đỏ - đơn giản vì cô ấy đã mặc bộ váy xanh hôm chủ nhật và cái áo len đỏ hôm thứ ba. Còn ngày mai là thứ năm. Đều đặn một tuần 3 buổi. Và không biết những lớp khác thì sao? Mai cô ta sẽ xử sự thế nào nhỉ? Sẽ ăn mặc thế nào nhỉ? Chắc lại cái vest xám chán chết ấy. Cô ta sẽ tỏ ra giản dị - anh sẽ lại thấy cô ta phù phiếm. Nhưng mà cảng thế - cô ta càng đàn bà. Ngài D đã nói đúng, nhưng giờ đây với điều này thì anh mong quý ngài hãy sai đi. "Đàn bà chỉ sắc sảo khi đang được ve vãn hay đang yêu. Rồi thì họ đờ đẫn đến tội nghiệp; khư khư giữ lấy đôi ba mớ giẻ lau..." Đại loại thì quý ngài nói thế và anh thấy cô ta đang thế - đang ở vế thứ nhất của nhận định. Chắc hẳn có một vài kẻ theo đuổi cô ta và cũng chưa có vẻ gì là cô ta yêu ai hơn cái bản thân đầy đặn của mình. Phỉ phui câu nói, anh thấy mình ngượng mồm khi nói về cô ấy như thế. Nó có vẻ như bất nhẫn khi một đàng là vẻ tự tin đến nông nổi của cô ta với sự hoài nghi bạc nhược trong anh đang núp bóng vẻ trầm tĩnh. Lại còn tuổi tác nữa chứ. Anh thấy rõ là cô ta thích được mọi người biết tới tuổi tác của mình mà cư xử cho phải. Hẳn là cô ta nghĩ thế - cô giáo của anh ấy, cô ta sẽ thế nào nhỉ khi nghĩ một chút tới anh và biết được sự so sánh của anh. Cô ấy khoảng hai sáu tuổi. Dĩ nhiên anh sẽ nói anh cóc sợ con số hai sáu - như ngài D đã nói. Nhà biên kịch, sau khi xin phép Chúa trời, sẽ có cái quyền tuỳ tiện đặt tuổi cho nhân vật của mình. Nó có ý nghĩa khá lớn cho vị thế ứng xử của các vai diễn, các nhân vật. Thật dễ dàng nếu anh hai mươi bảy tuổi. Anh vẫn là gã đàn ông ấy, cô độc và trịch thượng, thẳng thắn và trải đời. Và quan trọng nó đảm bảo cho anh một tư thế tự do. Anh sẽ có thể kín đáo ngâm se sẽ mấy câu thơ của Lưu Quang Vũ "Em như sông êm ả một dòng/Có yêu giông trời chớp bể/Có hiểu lòng anh như đứa trẻ/Trong sạch và khát khao". Dĩ nhiên, nhân vật cô giáo của chúng ta chỉ có thể nghe được một cách vô tình mà thôi. Chứ ai lại thế. Dù là một chú đàn ông, đọc thơ mình hay thơ người khác thì xã hội đều gọi hắn là nhà thơ thẩn và đứng cách xa hắn thêm hai mét rưỡi sau khi khen hắn lãng mạn. Cơ mà anh cần tất cả những thứ ấy làm gì chứ? Này nhà biên kịch, tôi vẫn như thế sau ngần ấy năm cơ á? Tôi hai mươi mốt tuổi và tôi cần gì sáu năm vô nghĩa của anh? Anh định xui tôi thành thứ gì nữa đây trong vở kịch của anh. Tôi sẽ phải tỏ ra đàn ông hơn cái thằng đàn ông trong tôi à? Tôi sẽ phải sử dụng cái mác cô độc, cái sự thẳng thắn, những câu đùa humour để làm một cái việc của vai diễn là ve vãn cô ta hay sao? Khi mà tự tôi đâu có cần cái dáng vẻ này. Anh sẽ ưu ái bố trí cho tôi cái thứ tình cảm vừa yêu vừa ghét sự cô đơn mà không hề sợ nó chứ gì? Sẽ có tiếng thở dài kín đáo phải không? Của cô gái ấy - cô giáo của tôi ấy mà anh đã láu cá mời vào vai diễn trong vở này bằng sự thuyết phục lừa bịp phải không? Xin nói thật với anh nhé: Tôi ấy mà, tôi cũng viết hoa cái chữ DỤC VỌNG đấy! Và hễ tôi thấy tí ti sự trìu mến nào là tôi làm ngay cái phép cộng tham lam mà sau dấu bằng là cái tình yêu ấy mà. Nói cho anh biết nhé; tôi sẽ thích cái cô bé ngồi trước mặt tôi trong lớp hơn cả nếu tôi chắc rằng cô ta dám bộc lộ cái ý nghĩ mà vẻ rụt rè và cái ánh mắt đã nói tuốt rồi kia kìa. Hay là cô bé ngồi xa xa kia kìa, cái ánh mắt ấy dám làm mọi chuyện lắm. Tại sao anh cứ thích một cái form tầm thường thế cho tất cả chúng tôi? Tôi biết tỏng rồi nhé! Cái này giới viết lách gọi là tự sướng đấy. Anh đừng làm thế, mất tư cách lắm. Dĩ nhiên anh là kẻ nhiều chữ nghĩa, anh sẽ vặn vẹo rằng cái tư cách mà tôi vừa nói ấy, nó đưa anh và tôi tới đâu, ích lợi gì không. Tôi đếch cần giải thích đâu. Không có câu trả lời nào cả. Trước sự ấy, có 3 khả năng cho mỗi chúng ta lựa chọn. Hoặc là anh chấp nhận, hoặc là anh thoả hiệp, hoặc là anh đương đầu. Cái tự sướng của anh nó giống như thoả hiệp mà kỳ thực tồi tệ như thể chấp nhận đấy. Tôi ấy mà, tôi sẽ chọn nẻo còn lại của ngã ba đường. Chả hơi đâu tôi lại đi đôi co với anh. Anh hãy lo trả lời cho câu hỏi của chính anh đi.
...Say. Anh đã say tối qua. Cũng đã lâu rồi anh mới lại bắt gặp cảm giác ấy. Thảng thốt. Bải hoải và vơ vẩn. Anh biết chắc lúc say người ta cũng chẳng nói thật đâu. Nhiều người không tin thế nhưng điều đó đúng. Cái sự thật được nói ra lúc say ấy chỉ là sự thật tự ngã của anh thôi. Anh vẫn tiếp tục tự lừa dối mình trong chếnh choáng. Anh chỉ tin vào những giấc mơ. Phân tâm học của Frued không biết có giống những chiêm nghiệm của anh không? Nhưng có một điều rõ ràng là những suy nghĩ vô ngã ấy, anh chỉ thấy được trong giấc mơ thôi. Bóng mờ của vô thức chỉ hé mở một chút đủ cho anh nuối tiếc. “Đấy là một tiếng vọng” – Anh thầm nghĩ. Hay là một tiếng gọi? Xa xăm. Bỗng dưng anh nhớ tới bài thơ cũ. Trong nhật ký – ngày xưa anh đã thường làm như thế: trốn vào trong ấy - ở trang có đề lịch ngày trùng với sinh nhật của anh, anh chỉ chép bài thơ ấy.
“- Tôi ơi, tôi từ đâu về đấy?
- Vâng, tôi vừa chạy mê bên những cánh đồng làng
Cùng chú chó con đuôi xoè như bím tóc
Tôi tìm tuổi thơ, đôi bàn chân xơ tướp
Chỉ gặp đồi hoang và những cánh diều
- Tôi ơi, hình như ai đang gọi?
- Ồ không, tôi đang hát với bạn bè tôi
Những dế mèn khúc lãng du lá cỏ
Ngày râu tóc lan man rêu thành cổ
Bóng tháp Chàm trầm mặc mấy mùa trăng
- Tôi ơi có ai vừa qua?
- Gió đấy thôi mùa thu và tiếng kẹt cửa
Trả tôi về hun hút một men sông
Tôi trong veo nhìn tôi ám bụi
Tôi bộn bề nhìn tôi rỗng không
- Tôi ơi về đâu thế?
- Thì tôi về gieo gặt cánh đồng tôi
Nghe tiếng hạt cựa mình trong đất ẩm
Rồi thảng thốt, tôi nhìn tôi lạ lẫm
Rồi trong mơ tôi gặp những mùa vàng
- Kìa tôi ơi, gì lãng đãng như sương
- Là khói ấy, lá vườn hoang tôi đốt
Gọi chim về khơi một tiếng chuông ngân
Là tôi ấy, ánh ngày lơ đãng tắt
Chợt ngước nhìn, trước cửa một vầng trăng”.
(Hương Đình)
Anh thậm chí khó khăn khi nhớ bài thơ. Mọi thứ cứ ùa về như ký ức. Lộn xộn. Chẳng có thứ tự nào cả - hệt như những bức tranh trừu tượng vậy. Rất lâu rồi anh không thể vẽ được nữa. Cũng vẫn cảm giác ấy – mơ hồ tản mạn. Căn phòng nhỏ của anh giờ chỉ còn lại một phiên bản anh vẽ lại từ một tờ tạp chí. Tranh của Điềm Phùng Thị - giản dị và biểu cảm. Anh luôn luôn bị ám ảnh bởi sự giản dị. Nó cứ chờn vờn trước mắt anh, trong trí não anh. Nhưng không lúc nào anh cảm thấy được mình giản dị. Phức tạp. Loè loẹt. Phù phiếm. Anh chạy trốn vào những gam màu bạc xám, nâu đất. Anh chỉ chọn mặc những màu ấy. Anh tưởng thế là mình đã giản dị. Hả hê, anh nhìn đắc thắng vào cái Tôi. Nó chả thèm nói gì cả. Thế rồi anh lại hụt hẫng. Anh nuối tiếc thời gian. Hoá ra, anh đã lưỡng lự, đã chần chừ và phải lựa chọn. Có và Không – anh được tự do lựa chọn giữa hai thứ ấy. Anh nghẹt thở và căm tức vì Có và Không. Chúng tồn tại hiển nhiên trong mọi người. Mọi người coi nó là những tiên đề tiên nghiệm và mặc nhiên công nhận. Họ tự hào với thứ trang sức ấy còn anh thì căm thù. Sẽ rất sung sướng nếu anh được ở ngoài ranh giới này. Nhưng bao giờ? Chẳng lẽ lại là lúc chết ư? Cát bụi. Thế là xong. Cứ mặc cho những bánh xe nghiến qua. Mặc cho gió thổi mù lên. Thậm chí chả là gì cả cũng tuyệt diệu. Nhưng không phải thế. Anh sợ Chết và ham Sống. Hai trạng thái ấy chúng cũng a dua thành một cặp; cùng với Có và Không lạnh lùng kẹp anh ở giữa. Đất thì cứng ngắc mà Trời thì cao tít trên kia. Anh nhìn lên, tuyệt vọng khủng khiếp. Anh không thể bay lên được. Những bức tường dựng đứng quanh anh. Hệt như Lưu Quang Vũ, anh muốn đập tay lên bức tường lạnh ngắt ấy – dù chỉ để nghe cho kỳ được một tiếng vọng. Cái quá khứ đầy sách của anh, anh căm thù nó. Anh tưởng anh tự do trong khi các vĩ nhân họ ngồi kể cả trên vai anh. Anh tưởng anh lang thang một mình trên triền sông thì anh lại phải chào tác giả này tác giả nọ. Trái đất này nhỏ hẹp quá. Mà người ở đâu ra mà lắm thế không biết. Ông nào chịu khó một tí là đã thành nhà văn hết cả rồi. Bọn biếng nhác thì thỉnh thoảng cũng thở dài thườn thượt “Hệt như tiểu thuyết”. Các vĩ nhân-không-thể-thành ấy hứa hẹn “Nếu tao viết, sẽ là cả một tác phẩm”. Bây giờ, anh nhổ toẹt vào cái gọi là bản quyền, là đạo đức ấy. Cả sáng tạo nữa – làm quái gì có thứ ấy. Rặt một lũ lừa bịp. Anh cảm thấy lạnh lẽo và anh cần những người bạn, cần những tình bạn ấm áp. Giờ thì anh đang ngồi đây - một mình trong căn phòng của mình – căn phòng mà anh đã kỳ công lựa chọn cho ưng ý mình. Đúng như anh hằng mong muốn. Nó cũ kỹ vừa phải để không quá ảm đạm. Đơn côi vừa đủ để anh thấy tự do. Có hai cửa cho anh. Căn nhà nhỏ lợp ngói và nằm tận góc miếng đất của chủ nhà. Trước là một khoảng đất rộng bỏ trống. Một cây ổi nhỏ nhỏ, một bụi chuối xa xa và một đống gạch cũ kỹ lên rêu –chúng có mặt để chiều ý anh. Anh lựa chọn tối thiểu những vật dụng trong nhà. Anh muốn tự thân chúng phải có một ý nghĩa gì, gợi lên một cảm giác cụ thể. Không bao giờ nói ra nhưng anh thường thích thú khi có người nào so sánh đúng như anh nghĩ - mọi thứ giống như trong những bức hoạ cận đại hay Phục Hưng – cũ kỹ uể oải. Anh có một cái giỏ đựng những cuộn giấy và vài thứ linh tinh. Một cái ghế để bày đồ uống nước: một ca nhựa đỏ, một con dao nhỏ và một chiếc cốc bằng gốm, tráng men một màu, hoa văn giản dị...Chiếc cốc ấy trong một chiều cao hứng, cùng với vài người bạn, anh đã sang tận Bát Tràng để chọn mua. Những hoa văn của nó gợi cho anh những ký ức. Không rõ rệt được. Nó phảng phất như những câu đồng dao vậy. Góc phòng là một cái hũ sành chỉ cắm một màu hoa cúc – vàng da diết nhưng âm thầm. Quần áo và sách vở, anh để bừa bộn trên giường. Giường là một chiếc giường đôi, nửa trong anh mắc một cái màn đơn và luôn để như vậy, nửa ngào là sách vở và quần áo. Một sự bừa bộn vừa phải và cố ý để đổi lấy sự ấm cúng. Anh tự lừa dối mình như vậy và riêng với điều bịa đặt này anh tạm hài lòng và chấp nhận như chấp nhận một phí lí. Anh nhớ đến ông Nam Cao và tặc lưỡi tiếc rẻ. Ông trẻ này dường như đã chặn mất của anh một cảm giác rồi. Thật tiếc cho những ai cả đời chưa một lần say rượu. Họ sẽ chẳng bao giờ biết được cái cảm giác của Chí Phèo lúc tỉnh rượu. Anh chưa hẳn là Chí nhưng anh cũng đang trong cảm giác ấy. Anh đã trong một buổi sáng trời trở lạnh. Tiết Đại Hàn vào ngày rằm cuối năm và mưa phùn. Trong phòng kín nhưng anh vẫn mường tượng rõ cái ánh sáng nhàn nhạt trắng và hơi xam xám của ngày đông. Bây giờ đang là buổi chiều. Anh đang ở trong phòng, đóng kín cửa và để điện. Ngay cả loại bóng điện tròn có thứ ánh sáng vàng đục này cũng là sự lựa chọn của anh. Bất chợt anh lắng nghe được những tiếng động khe khẽ của ngày. Chúng rời rạc và lác đác. Thảng thốt. Một cái gì đó mơ hồ đã được gọi tên: Thảng thốt. Anh biết chắc mình đang như vậy. Cả cái tiếng xe máy đâu đó cũng làm anh động lòng. Ngoài cửa, ở phía sân nhà chủ đang có tiếng nói chuyện. Những câu nói dường như cũng trở lên cố ý tham gia vào buổi chiều này. Nó thảng hoặc và đột ngột. Vu vơ. Rồi đột nhiên tắt hẳn. Một câu chuyện không thành chuyện. Se sẽ trong một ngày dường như sẽ không bao giờ là một ngày hoàn thiện. Anh muốn níu kéo mãi những ký ức này, nhưng bất lực. Hình ảnh và cảm giác – chúng truồi khỏi tay anh, khỏi lồng ngực anh. Nghèn nghẹn. Để làm gì anh không biết nữa. Nhưng sự bất an luôn luôn là như vậy trong anh. Anh trở thành một kẻ hồ nghi kinh khủng. Anh thở và anh nghi ngờ cả hơi thở. Thậm chí khi anh nghĩ anh cũng phải rượt đuổi với ý nghĩ ấy. Xem tại sao anh lại đang ở đấy - ở cái ý nghĩ đấy. Và chưa bao giờ anh tóm được gáy nó cả. Anh thấy mình đang chạy vô vọng giữa một con đường, không, một cánh đồng vắng lặng. Không gian đen sẫm, chỉ đủ nhờ nhờ sáng như những đêm trăng già. Anh chạy và không có phương hướng. Không có phương hướng nào hết. Chỉ biết phải đuổi theo một cái gì đó. Trời u u. Văng vẳng vẫn là tiếng gọi ấy. Một tiếng vọng. Nó không dửng dưng cũng không săn đón anh. Nó có như là nó có. Còn anh thì không còn là anh nữa rồi. Anh bị chặt đứt đôi thành hai nửa mất rồi. Lưỡi kiếm Triệu Châu sắc bén và nóng bỏng. Nóng bỏng và giá buốt - lạnh lẽo kinh hồn. Anh đang đuổi theo cái Tôi hay tôi đang đuổi theo cái Anh? Gió như có như không. U u và xoáy xiết lấy chân trời. Anh muốn khóc. Tuổi thơ của anh đấy ư? Bây giờ thì anh đã trưởng thành thực sao? Nhưng cái gì hơn cái gì đây! Anh nhớ năm học lớp 9. Nhớ cái lúc đọc truyện “Xin cô tha lỗi cho chúng em” ấy. Nó đâu rồi - cảm giác xưa cũ. Lần ấy anh cũng đã chạy trên thảo nguyên, ướt đẫm sương và vang vọng. Và gió. Nhưng ánh sáng trong trẻo thì đâu rồi. Ánh sáng của buổi ban mai kỳ lạ. Như còn phả hơi sương lẫn trong những tia nắng loé rực rỡ. Mạnh mẽ xiết bao. Mưa. Mưa rộn rã của mùa hè trong những khu phố nhỏ. Nước mưa tung toé trên mặt đất, chảy thành rãnh. Tiếng nước đập rào rào trên mái tôn, tiếng giọt gianh lanh canh xuống xô, xuống chậu. Chạy. Lũ trẻ chạy trong những cơn mưa và reo hò. Chúng chẳng cần những bản thiết kế và làm ra những con thuyền. Những chiếc thuyền giấy chở những điều thần kỳ. Chúng trôi trên mặt nước. Phải té thì chúng mới ra xa được. Cẩn thận nhé kẻo nước làm chìm thuyền mất! Rồi thì chúng cũng chìm trong mưa. Chúng xẹp xuống, ướt đẫm và lấm bùn - ngập dưới làn nước. Nhưng bọn trẻ đã chạy đi tự lâu rồi. Chúng không bao giờ chịu chờ đợi cả. Không bao giờ chúng chờ đợi kết thúc. Không có kết thúc trong tim non ấy. Trong sạch và khát khao. Chiếc thuyền vẫn chìm trong nước mưa. Và mưa sắp tạnh rồi. Sẽ có vô khối cá rô nếu bây giờ là ở quê. Những con cá rô khoẻ mạnh, ram ráp quẫy mình theo lạch nước. Phải be bờ thôi. Hay thật! Cứ như là làm ao ấy. Bọn trẻ đã hoàn toàn quên những chiếc thuyền. Những chiếc thuyền ấy đã đi xa tít tắp. Xa tới tận những Đảo giấu vàng. Và thỉnh thoảng chúng ghé lại những hải cảng. Thuyền trưởng sẽ gặp những thống đốc hay ký kết một món gì đấy. Thuỷ thủ sẽ tới quán rượu Buốc-bin. Cũng có cái giờ là thuyền cướp biển. Vào bờ chúng sẽ hạ lá cờ đầu lâu xuống, nhưng rất dễ để nhận ra những gã cướp biển. Những tay can trường và bặm trợn ấy, chúng uống rượu Rom và hát be bét. Những bài hát về những con vẹt, thuốc súng, ống nhòm và cả những thằng cụt chân. Nếu nhiều quá những thằng cụt ấy thì sẽ quẳng bớt xuống biển – cho cá ăn. Cả bọn cười hô hố và ghẹo cô hầu bàn. Chúng chửi rủa ầm ĩ và tục tĩu. Chỉ có thuyền trưởng mới buộc chúng về tàu được. Chúng lại ra khơi. Những tàu cướp biển không bao giờ biến mất cả. Chúng cũng không chìm. Nếu cả bọn chết thì nó sẽ là một con tàu ma. Con tàu lầm lũi đi trong sương mù và bóng đêm. Bất chợt một ngày tạt sát những con tàu khác và mất hút - đột ngột. Lại có một con thuyền có cánh buồm màu đỏ thắm. Nó đi khơi đã rất lâu, rất lâu rồi. Chỉ nhớ, có một lần, nó xuôi theo một dòng sông. Đứng xa bờ sông một chút thì không thể thấy được thân tàu. Chỉ có màu đỏ thắm là thấp thoáng sau những lùm cây. Rồi nó lại ra khơi và bắt đầu một chuyến đi mới. Những chuyến đi không bao giờ là cuối cùng cả. Rồi mờ nhạt. Tất cả mờ nhạt đi. Bọn trẻ rồi cũng thành người lớn cả. Người lớn thì chóng quên. Người lớn phải tới tận những hải cảng, những bờ biển để nhớ một con tàu. Cũng không hẳn thế. Hồi họ trẻ hơn, khi họ hai mươi tuổi, họ đã nhớ và nhìn thấy những con thuyền. Không cần phải ra biển. Những cánh buồm ngày xưa. Cái vẻ thần kỳ của ngày xưa. Cánh buồm bay qua ô cửa sổ. Một lần và mãi mãi không bao giờ trở lại. Cho dù giờ đây họ có tụ tập lại, bọn trẻ ngày xưa ấy, ôm đàn và hát mãi về bài hát xưa. Bài hát có màu hoa đỏ, có tình yêu và có những cánh buồm bay qua ô cửa sổ. Họ có thể khóc nhưng cũng chẳng thể nào thấy lại những canh buồm và những con thuyền. Nhưng chẳng sao - người lớn thì bao giờ cũng chóng quên. Họ vẫn phải sống với thời gian của họ kẻo không lại một ngày họ phải nhớ cái ngày mà họ đang sống đây. Một vài người tin vào luân hồi. Như thế tốt. Có nghĩa là họ sẽ chẳng vội vàng gì. Sẽ có một ngày họ lại có tuổi thơ khác, cuộc đời khác, tinh khôi. “Tinh khôi”, đã có lần anh bị lừa bởi từ ấy. Thuở dại khờ của anh, anh đã mất mấy năm cho nó. Cô bạn cùng lớp có đôi mắt trong sáng và hai bím tóc buông thõng. Mảnh dẻ và áo hoa tím nhạt. Anh ngồi cuối lớp và luôn chỉ nhìn thấy cô ấy như vậy, hơi nghiêng và mảnh khảnh. Anh không thể gọi tên được tình cảm ấy. Anh ghét sự tan vỡ nên rất dè sẻn khi dùng từ mối tình đầu. Cho tới tận sau này anh vẫn không biết được anh đã có mối tình đầu chưa. Một vài người đi lướt qua quãng thời gian ấy của anh. Rồi mất hút. Anh thở dài sõng sượt, xếp họ vào một bao giấy, loại mua ở siêu thị, rồi cất kỹ đi. Có lẽ một lúc nào đó phải mang ra bày tại một hàng souvenir nào đó mất. Chứ làm sao anh mang được tất cả bọn họ theo đây, khi mà anh hệt như một thằng lang thang. Anh đã bỏ đi, như một cuộc chạy trốn. Ngài D đã xơi tái mất của anh từ “xảo ngữ” rồi. Anh cũng rất xảo ngữ. Hèn hạ nữa. anh ba hoa và tự chửi mình cho cô gái nghe. Bắt cô gái ấy phải tưởng tượng cho mình một nỗi buồn, một cái gì ngờ ngợ như số phận, như cá tính. Rồi một ngày nào đó, cái cảm giác cồm cộm dưới mông xuất hiện. Nó ngắt lời anh bởi vì anh đã kịp nhận ra đó là cái đuôi chồn hôi. Tẽn tò, ê mặt, anh lủi về. Cố vớt vát bằng mấy lời khó hiểu, úp mở. Nghĩa là cũng na ná một kiểu tạo tình huống. Và hơn cả như thế, bằng sự...
--------------
Hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét