Sổ tay: Phương thức tư duy của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào những gì mà chúng ta làm và những cái mà chúng ta cảm thấy hứng thú...> Không có nghĩa là suy nghĩ bị bóp méo mà chỉ có nghĩa: có rất nhiều khả năng lựa chọn cho phương thức tư duy của chúng ta - nếu có hứng thú khác thì suy nghĩ khác. (Erich Fromm)
------------
Tớ có vài thắc mắc từ lâu mà chưa giải đáp được. Vì đó là vấn đề của phương thức tư duy khác. Chứ không đơn giản gói gọn trong việc bô bô nói đúng sai. Nhớ lại ngày trước phải trình bày 1 bài tập nhóm, sau khi nghe tớ trình bày xong, có 1 bạn đã phản biện thế này: "Ông nói khôn bỏ xừ. Nói vậy, đúng thì là công của các ông mà sai thì không phải lỗi của các ông!". Nguyên lai bởi vì trước khi trình bày tớ có nêu lên 3 mục tiêu của nhóm: 1. Hoàn thành bài tập môn học. 2. Nắm được phương pháp luận môn học. 3. Đặt vấn đề tổng quát và vạch ra hướng giải quyết cũng như giải quyết thí điểm trong phạm vi khả năng cho phép. Hì, nói thế thì quả thật là đã lái được mọi người vào cái tiêu điểm dễ trình bày nhất là "Phương pháp luận" - chứ môn học có vài trình mà để các bạn hiền soi vào các chi tiết thì chỉ tổ phí công trình bày. Lúc bạn ấy nói thế, tớ ứng khẩu nói ra điều này mà mãi sau này tớ luôn cảm thấy đúng một cách dễ hiểu thế mà sao nhiều người không chia sẻ tâm đắc mấy. Tớ bảo đại ý "Thực ra, cái Đúng nó không phụ thuộc vào tớ hay vào các bạn. Chúng ta đơn giản là cố gắng tiến tới nó. Nếu có đến sát nó thì tớ vẫn chả có công gì". Có nghĩa là thực lòng khi tớ Đúng tớ cũng không tự hào gì. Khi tớ Chưa Đúng thì tớ chỉ quan tâm đến làm sao cho Đúng. Tớ không nghĩ là ai có thể sở hữu riêng nó được. Các bạn cẩn thận, cái Đúng ở đây tớ dùng với nghĩa rất tương đối và rộng rãi - đại khái gần giống Chân Lý, nhưng mang màu sắc như là những giá trị, phẩm chất đáng theo đuổi của cuộc sống.
Dạo này online nhiều, va chạm nhiều nên học được tính cẩn trọng trong trích dẫn hay sử dụng tài liệu của người khác. Vì tớ muốn tránh rắc rối. Nhưng cũng vì học theo gương cụ Nguyễn Hiến Lê - gương của người tự học: biết cái gì từ đâu thì nói đúng như thế. Để người khác có thể kiểm chứng, có thể kiếm được tài liệu mà cùng học, cùng suy tư với mình. Cũng để người khác có thể chỉ ra cho ta chỗ sai nếu có. Trước chuyện ĐÚNG-SAI cụ luôn chừng mực, rán dò nguyên nhân của người, đưa ra thuyết của mình. Có thể nói đơn giản thế này "TỪ CHỖ TÔI BIẾT THÌ TÔI THẤY LÀ ANH SAI. TÔI SUY NGHĨ THẾ NÀY...ANH CÓ THỂ THAM KHẢO" thay vì nhảy chồm chồm lên và mạt sát hay mỉa mai. Tớ mãi mãi không hiểu sao khi người ta nghĩ mình đúng người ta thường tự cho quyền mình được mỉa mai, phê phán kẻ khác nặng nề đến vậy. Nếu ta biết cái ĐÚNG điều tự nhiên và giản dị nhất, cần thiết nhất là chia sẻ giúp người chưa thấy biết nó. Nếu không, lấy gì để phân biệt ĐÚNG - SAI? Như người đầu tiên ra khỏi HANG TỐI thì việc cần thiết là dẫn kẻ khác ra khỏi HANG chứ đâu có thể nói chuyện lạc lõng vu vơ, ông nói gà bà nói vịt được??? Trong 1 bài viết cũ tớ cũng từng viết thế này:
Vả lại tôi không cho mình cái quyền cười nhạo kẻ khác khi bản thân mình tồi tệ. Nếu anh hạnh phúc thì anh phải tôn trọng hạnh phúc của người khác và cảm thông với kẻ bất hạnh; nếu anh bất hạnh lí gì anh ghen tức hạnh phúc của người khác và không chia sẻ với kẻ đồng cảnh? Nhưng khi anh phải lựa chọn giữa quyền lợi và thua thiệt thì sao? Khi tôi chưa biết nơi nao là con đường phải đi mà tôi lại phải lựa chọn – lựa chọn khi hạnh phúc và quyền lợi (thứ quyền lợi được gán ghép bởi cái Tôi tự ngã đã và đang có trong mỗi bản thân) được đánh đồng một cách mù quáng. Làm gì có thứ hạnh phúc được xây dựng trên bất hạnh của kẻ khác?
Tớ có lẽ hơi mê tín mà nghĩ rằng người ta ai cũng muốn tốt cả - chỉ có sự mê muội làm người ta thành ra khác nhau. Cũng như rằng chúng sinh ai cũng bình đẳng trước sự mê muội, trước U Minh cả.
Chuyện có thể sẽ hơi lan man. Tớ cố gắng gói gọn lại vì khuya rồi. Rằng tớ thấy cái quan niệm về bản quyền, bản nguyên của các bạn Tây tuy nó đúng, nó hay nhưng với tớ nó cứ sao sao ấy...Khoan khoan các bạn hiền đừng bỉ tớ vội. Hượm để tớ nói nốt đã. Rốt cuộc thì sống để nhìn thấy cái gì? Nếu có điều gì tâm đắc thì có thể hoặc vui tương tri với bằng hữu, hoặc chia xẻ với người, nhược bằng không gặp ai thì cũng có thể tự yên vui. Ghét cái Ác cái Sai nhưng đâu ghét được kẻ mê muội? Bẩm sinh con người có sự lân mẫn. Một cách tâm lý mà nói, tớ nghiệm rằng một khi đã dồn kẻ khác vào chỗ tự ái, nhục nhã thì đừng hòng mong cuộc tương ngộ nào nữa. Vì một mục đích cuối cùng thì việc bỉ kẻ khác là một cái gì đó nông nổi, hời hợt và đáng thương hại. Rồi lại tạo nghiệp trùng trùng.
Năm xưa tớ có lần đọc thấy có bạn văn bạn ấy cạnh việc TCS dùng vài câu thơ của BG mà không có lấy một lời. Tớ giận bạn ấy lắm. Bạn ấy cũng bô lô ba la trong văn giới mà lại nhầm lẫn tai hại vậy. Cả hai con người ấy vốn cốt lấy sống làm thể nghiệm. Lấy tương tri, tương giao làm vui sống. Vậy mà bạn ấy không hiểu. Tớ ghét việc phê phê bình bình cực! Tớ chỉ thích xướng hoạ. Nếu bạn muốn bình một bài thơ - hãy làm một bài thơ. Hoặc một việc gì thơ như thế.
Lỡ từ lạc bước bước ra
Bước đi đi mãi đi là đi luôn..
(BG)
Trong "Góp nhặt cát đá" cũng có mẩu chuyện này "hay": Một nhạc công biểu diễn một bản nhạc. Người kia nghe xong bèn hỏi: "Rằng hay thì thật là hay. Nhưng xin ngài hãy giảng giải thêm". Người nhạc công lại chơi lại một lần nữa và dang tay ra "Vậy đấy".
Trên là nói chuyện tương tri ở đời, trong cõi người_ta. Còn như không được như thế thì còn nói làm gì! Còn tranh giành hơn thua làm gì? Tớ đồ rằng nguyên lai khởi ra từ chỗ người ta vốn coi rằng tác giả và tác phẩm là hai thứ có thể tách rời nhau được. Quả vậy. Nhưng là với người khác!!! Còn như với chính mình, nếu bạn tách nó ra thì bạn vĩnh viễn mất đi SUỐI NGUỒN SƠ THUỶ. Nghệ thuật, với tớ, luôn luôn phải là BIỂU HIỆN của tinh thần nội tâm của chính NGƯỜI ĐÓ. Sai 1 ly đi vạn dặm. Trong mê trong muội, tạo tác ra một thứ mà mình cũng không tự thức được - thì ích gì? Nó khác gì với vạn chủng trong U GIỚI đâu? Nó đã chia lìa rồi! Các bạn nghệ sỹ thường rất tự hào trong cái U GIỚI của mình như vậy.
-----------------
- Con đường hợp nhất bằng hoạt động sáng tạo.
(E.F)+ Kẻ sáng tạo hợp nhất mình với chất liệu đại diện cho thế giới bên ngoài
+ Chỉ áp dụng cho việc sản xuất – (trong đó) tôi thiết kế, thi hành, nhìn kết quả công việc của mình.
> Cái nhất tính được tựu thành trong công việc sản xuất không phải là liên vị / cái nhất tính tựu thành trong hỗn hợp say thì tạm thời / nhất tính được tựu thành bởi phù hợp thì chỉ là nhất tính giả tạo (vì chỉ liên quan đến tâm).
--------------------Nếu Triệu Châu mà thu phí cái chữ "VÔ" của ông thì hẳn đã giàu bộn - mà cũng không có chỗ cho chư sư đời sau mở miệng nói "MỖI LẦN ĐƯA RA MỘT LẦN MỚI" nữa. Thiệt tình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét