Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2009
Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009
Nào mình cùng lên xe buýt!!!
Chép lại "bài thơ"* này để kết thúc sự nghiệp blog bên Y360. Nói cho cùng chẳng phải cái blog này là 1 loại "thơ mở" con cóc bất tận sao?
-----------
(*): Bắt nguồn từ 1 trò chơi đùa của mọi người trên 1 diễn đàn. Mỗi người 1 đoạn. Mình hăng nhất. Phần nào mình viết hay ghép thì không viết nghiêng.
-----------
Tất cả những gì là lãng mạn
Trong phòng thí nghiệm, tôi theo dõi những tình cảm màu xanh trong những chiếc bình kim loại xem ở nhiệt độ nào chúng sẽ bật sôi và xì ra khói đỏ (HY)
Tôi muốn cười đến chết. Thế sao tôi vẫn buồn? (TG)
Con chuồn chuồn ớt vẫy vẫy cái đuôi màu đỏ
đậu trên lá khoai xanh
chắc cũng buồn như tôi.
thời lạm phát
thuốc nhuận tràng cũng 5 nghìn 1 gói giời ạ
chuồn chuồn cắn rốn thì biết bơi
mà không cần dở hơi.
Như ngày trước
Lầm lũi xuyên đêm chờ hửng sáng
Đỉnh cao gió hú
Buốt lạnh
đón mặt trời. (Helios)
Chỉ giun dế kêu
Mà thảng thốt tưởng người bên cạnh. (TG)
Ầu ơ gió hát
Lá Khoai xanh
Xanh mát mắt
móng tay cắt
Cắt vòng tròn
Tóc còn son
Son như gấc...(Kh)
--------------
Mọi chuyện khá lãng mạn và...mù quáng - như cái tiền đề của người mở đầu bài thơ: bình kim loại thì biết thế đếch nào được cái gì là xanh với đỏ. Blog cũng vậy mà thôi.
Cá nhân mình, mời các bạn dùng blogspot. Yahoo đã dừng 1 lần thì còn có thể dừng nữa. Vả lại, đã nhắm mắt mơ xanh đỏ thì những cái bình kim loại không nên có quốc tịch.
Thứ Hai, 18 tháng 5, 2009
Ban mai - Thơ của Nguyễn Bình Phương
Minh họa: Văn Nguyễn-theo http://60s.com.vn/index/2034084/29032009.aspx
Trong thời khắc cuối cùng của mùa đông
Anh giã từ chính mình thật khẽ khàng
Và anh là núi đồi mơ màng
Chưa lìa xa bóng tối
Ở bên kia lá từ từ rơi
Trên những nóc nhà nghiêng nghiêng trên cánh tay buông hờ sau rèm vải
Một người ngước nhìn quá khứ bằng cái nhìn thân ái
Người ấy chính là anh
Anh là núi đồi mơ màng
Những ánh sáng lặng im soi một phần quên lãng
Như lặng im chiếc cần câu chờ bí mật diệu kỳ vung lên từ nước
Như hình hài một con đường và anh, con đường đi ngược
Vang xa cùng dải ngân hà
Em thân yêu người làm anh nghiêng ngả
Sao bỗng nhiên em chẳng nói câu gì
Biển đã chết sau rất nhiều lo nghĩ
Biển trả cho đêm một ảo ảnh chòng chành
Trong sương sớm ban mai còn lại mình anh
Hình bóng cũ của trái tim bé nhỏ
Đập bâng quơ trên những dải mây mờ
Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009
Thơ và tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương
Trừ sự say mê có phần hơi dễ dàng với những loang đổ của tuổi 20s trong Trí nhớ suy tàn thì ở những cuốn tiểu thuyết về sau của tác giả này là từ sự ham thích truy tìm logic của cảm thức mà tôi đã bắt đầu với những giấc mơ. Ở mỗi cuốn sách tôi đều cảm nhận được hình như mình có thể thâm nhập vào logic riêng của nó, nhưng thú thực sự tò mò chưa lần nào át được chức trách của lối mòn cảm hứng thẩm mỹ cá nhân nên ý định làm một phân tích nhỏ về tiểu thuyết của NBP vẫn còn là...ý định. Một phần cũng còn là vì chưa tìm được tập thơ nào của tác giả này (cho đến tận lần này).
Theo cách phân chia dưới ảnh hưởng của khoa Ký hiệu học (hay xa hơn là từ Ngôn ngữ học của Saussure) thì "Thơ" và "Văn xuôi" nằm trong sự chi phối của hai hình thức tu từ đối lập nhau (*):
1-Trật tự Ẩn dụ: Thay thế biến hoá (paradigmatic substitution) liên quan đến một tri giác về sự tương đồng, từ đó sinh ra Ẩn dụ.
Những đặc trưng của nó là: "biến hoá", "thay thế", "lựa chọn"-xuất hiện trong đặc tính của: Thơ/Các bài hát trữ tình/Chủ nghĩa lãng mạn/Điện ảnh/Chủ nghĩa siêu thực.
2-Trật tự Hoán dụ: Tổ hợp cú pháp (Syntagmatic combination) liên quan đến một tri giác về tính tiếp cận (contiguity), từ đó sinh ra phép Hoán dụ (metonymy-dùng một thuộc tính hay một thứ "ăn theo" để gọi tên vật chính ta cần nói. VD "sân cỏ" để chỉ bóng đá), hay phép Cải Dung (synecdoche), lấy bộ phận để chỉ toàn thể (VD "ngọn buồm" để chỉ con tàu).
Những đặc trưng của nó là: "cú pháp", "tổ hợp", "tiếp cận"-xuất hiện trong đặc tính của: Văn xuôi/Sử thi, anh hùng ca/Chủ nghĩa hiện thực/Dựng phim(**)/Báo chí
(*)-dẫn theo cuốn Nhập môn Hậu Hiện Đại, tr63. Sự phân biệt này khác với quan niệm của khoa phê bình văn học truyền thống vốn cho rằng Ẩn dụ và Hoán dụ là những hình thức tu từ có liên quan với nhau. Nó dựa trên nhận thức rằng có 2 dạng hoạt động tâm thần đối lập "giật dây" trong việc sử dụng ẩn dụ hay hoán dụ.
(**)-Chưa hiểu rõ lắm việc phân biệt "điện ảnh" với "dựng phim"-có thể do vấn đề dịch, cũng có thể do tính tương đối của việc phân chia trên 1 vài tiêu chí phân tâm học.
Dựa vào những ý tưởng này tôi có nhận định rằng trong những tiểu thuyết của NBP thực tế đã chịu sự "giật dây" của một hoạt động tâm thần vốn dĩ dành ưu thế cho Thơ (***). Tôi thấy truyện của NBP tràn ngập những chi tiết/sự kiện/hình ảnh có tính chất gây ấn tượng mạnh trong cảm thức. Nó có điểm tương đồng với logic của những giấc mơ theo những phân tích của Erich Fromm trong "Ngôn ngữ bị lãng quên". Điều đó dẫn đến một logic chủ đạo khác trong cấu trúc tiểu thuyết của NBP: logic của cảm xúc và liên tưởng tự do. Vấn đề còn lại là tìm hiểu cấu trúc và văn phong của loạt tiểu thuyết là sẽ có một ý hướng khả thi cho việc tìm hiểu một tác giả khá khác biệt của văn học VN hiện nay.
(***)-khó mà có thể chờ tác giả giải thích tác phẩm nhưng tôi cho rằng kiểu chồng lớp và tái cấu trúc này hẳn là một việc làm có ý thức hơn là những sáng tạo tuỳ hứng. Do vậy việc cảm thụ và phân tích sẽ không đơn thuần là nhảy lùi sang bờ bên kia của đối lập-Thơ/văn xuôi-để phân tích là xong.
Nếu áp dụng kỹ thuật của Phân tâm học, tự nhiên sẽ còn một câu hỏi căn bản và thú vị về tiểu thuyết của NBP là "Vậy cái gì là tôtem trong những tiểu thuyết-giấc mơ kia?". Tôi nghĩ đây là chiếc chìa khoá quan trọng để hiểu vì sao từ những bài thơ dễ cảm lại chuyển sang bình diện của những "chuyện kể" oái oăm u uẩn kia.
-----------
Một bài thơ ngẫu nhiên của NBP
Chơi với con
e ò e ò e tí toe ngo ngoe vò vẹ
tôi đấu trán vào các đầu ngón chân
rồi lăn
óc ách tiếng gì chiều nay sót lại
một con suối hay cánh rừng tím tái?
lăn qua thuốc súng tôi rền vang tôi
tôi đánh rơi ở nơi không tìm thấy
hai đứa trẻ hai vì sao nhấm nháy
giòn và thơm trong đêm giữa hạ
tôi bị vướng vào thế giới ba tà
con voi bé nhỏ, con ve kềnh càng, con báo lù lì, con rùa vĩnh cửu
tôi xung phong làm cái chảo nấu ăn
hai đứa trẻ hai vì sao mằn mặn
vừa xào xáo vừa cười lơ cười lắc
khuất trong góc nhà tôi có cả ta cả giặc
bánh xe màu lục, viên đạn vô hình
khẩu súng ấy trắng bong như bột lọc
tôi bắn gục thời gian không thèm tiếc
trên đầu tôi hai vì sao lẫm liệt
hai đứa trẻ nhò nhè bé ti hi
tôi cù kì ku ki cũ kỹ
bình minh mọc lên một cái mào
thế là cù kì bỗng dưng thèm gáy
thèm thăng lên mấy chục tầng trời, thèm ngủ dưới mấy ngàn ngọn nước
và tôi lạc vào quyển sách của tôi
ai đó viết ra ở chân trời khác
tôi chạm tới buổi chiều nghệch ngạc
bập bềnh trôi bên cạnh những dấu trừ
một cái gì tròn vo như lạc thú
lim dim chờ cú sút
lao thẳng vào khung thành mù sương
hai đứa trẻ vò tai tôi sung sướng
ngân nga ba đứa ba quả chuông
Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2009
Tự nhiên nghĩ đến phố Gầm Cầu
Chính xác thì chưa biết sẽ viết ra điều gì-(ảnh của bác 7X)
Bây giờ là 3g sáng và mình đang ngồi một mình ở văn phòng công ty bạn. Lý do chẳng lãng mạn gì: in nhờ cái luận văn cho nó tiết kiệm tiền in màu. Thôi tự nhủ với lương tâm phần thặng dư sẽ mời giám đốc vài ly rượu với gió Tây hồ đầu hạ.
À đây rồi-ký ức. 3 g sáng làm mình nhớ thời sinh viên năm thứ 3 hồi còn ở Chùa Bộc. Chắc là cũng tầm này vì hồi đó còn nhớ là đang làm đồ án sinh viên về phố cổ. Hay là cuối hè nhỉ? Không chắc lắm nhưng nó là một ngày hè nóng nực-cho đến tận 3 g đêm.
Hồi đó lấy đêm làm ngày nên 3g đêm chỉ mới coi như vừa đủ lâu để chuẩn bị phóng xe đi uống nước chè bà cụ trên Đinh Tiên Hoàng. 5-6 anh em trần trùng trục ngồi trước màn hình máy tính và khói thuốc lá nghi ngút. Mình đã đi làm, đã "lăn vào cuộc sống" như vậy được chừng đâu hơn một năm. Lúc ấy đang dựng mặt đứng phố cổ-hình như là Hàng Buồm. Bất giác ngửa người ra sau nhìn chăm chú vào màn hình. Như thể tâm trí vụt thoát ra, lơ lửng trên trần nhà nhìn xuống mọi chuyện. Chuỗi liên tưởng bắt đầu từ ấn tượng cả một dãy phố cổ lơ lửng trong không trung-một không gian đen ngòm của giao diện Auto Cad.
Một con phố không có cây cối và không có người. Bình thường thì nó sẽ cứng và trơ ra. Nhưng khi zoom đủ xa để nhìn cả con phố lơ lửng trong vòm không gian đen ngòm tượng trưng kia thì cảm giác thật khác lạ. Lúc đó hình như mình đã đứng dậy đi tìm lại đoạn tản văn của Nguyễn Bình Phương mô tả mùi ngòn ngọt của phố Hàng Buồm trong cuốn "Trí nhớ suy tàn". Ồ, cô gái và chiếc áo xám. Bây giờ rốt cuộc tôi cũng đã đi quá tuổi trẻ của cô rồi. Hai mươi sáu hay là hai mươi tám thì cũng đã như đoàn tàu trùi trũi đi dấn về phương Nam từ mấy hôm trước.
Tôi thích Hà nội của NBP như vậy. Nó đã kịp lẫn vào ký ức dẫu bây giờ không thể cầm lại tập sách mỏng để đọc thêm một lượt. Nó là điều gì đó đã đi qua. Đã qua đi như thể bây giờ không còn thấy tự nhiên khi muốn rủ bạn phóng xe lang thang trong đêm mùa hè nữa. Sẽ có mùi của cây về đêm. Vị của gió sông Hồng và khoảng lãng đãng trôi qua đường Cổ Ngư.
Ngày đó chúng tôi có tuổi trẻ và sự ngổn ngang làm duyên dáng. Mọi bừa bộn hàm ý một dang dở. Nhưng cái dang dở ngày đó không có ý thức gì là nó sẽ bẽ bàng hay tức tưởi. Nó là một kiểu không thèm làm. Chưa thèm chiếm lấy. Một kiểu cho không của tuổi trẻ. Và tôi đã sống 5 năm như vậy. Lâu hơn tất cả những người bạn khác. 7 hay là 8 người đã từng ghé qua.
Ghé qua nghĩa là đã từng thức cả tuần để "cày" một con nhà dân hay cái trụ sở. Là một ngày 5-6 cữ cafe đen nóng không đường. Thỉnh thoảng tôi xin một lát chanh chấm ít muối trắng để ngẫm nghĩ vị the của cafe man mát xa xa. Là cùng nhau đi khám phá những quán mới, những ngóc ngách bất ngờ của Hà Nội-như một lần đi vào khu Liên Trì trong đêm để xem ánh đèn điện vàng đổ bóng xiêu vẹo lên những mảng tường cũ trong ngõ hẹp. Là cùng nhau phóng xe đi đón gió mùa đông bắc thổi tung người trên bờ đê lúc nửa đêm. Hay trèo lên sân thượng bình luận về các cô bạn gái (của thằng khác). Cũng có khi là ngồi cả tháng uống nước chè chị Nga điệu già như con ngan lâu năm, nhà mãi trên Phúc Xá dạt về CB bán nước chè đêm. Đêm nào cũng cắm một bình hoa và hình như có tô son.
Bây giờ nhớ lại, hầu như những ước mơ ngày đó của chúng tôi, mọi người đều đã chạm đến ít nhiều. Vậy mà lại không thấy yên ổn. Ngày đó hình như ước mơ lớn nhất của mình là có một cái tủ lạnh con con để ở đầu giường. Giúi vào đấy mấy chai bia, nhất thiết một chai vodka, một ít bánh mì. Thế thôi, mà cũng chỉ 2 năm sau là mua được một cái tủ lạnh Xa ra tốp cũ rích rồi. Nhưng bia thì thỉnh thoảng mới có và cho gì vào tủ lạnh là cả một vấn đề.
Hơn mười năm nhìn lại, hầu như cuộc sống của mỗi người cũng không có nhiều bất ngờ lắm so với tính cách của họ. Mình cũng vậy và mình đang ngầm ngậm chán nó.
Thơ thẩn chỉ là đống rác to đùng...
------------
Quán cà phê dưới gầm xe lửa
Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ
Ngón tay dài trong bóng tối run run
Lá đầu thu xao xác bên đường
Trời chuyển gió sắp quay cuồng bão lớn
Điều tôi nói phải chăng là quá muộn
Em u buồn em có nhận hay không?
Em gầy như huệ trắng xanh
Ngọn lửa nhỏ giữa hai vực thẳm
Em tê dại, em âm thầm kiêu hãnh
Em cô đơn như biển, lạ lùng ơi!
Đi tìm nhau suốt đời
Sao bây giờ mới gặp?
Khi mặt đất mênh mông đầy biến loạn
Khi bước chân lầm lạc
Khi con người giết nhau
Những lá thư không biết gửi về đâu
Những hải cảng không có tàu cặp bến
Quen thất vọng, tôi hồ nghi mọi chuyện
Tìm trong mắt em náo động những chân trời.
Ngõ phố dài hôm ấy mưa rơi
Đã xa vắng trên mặt đường ướt lạnh,
Tóc em rối và áo em đỏ thắm
Những bức tranh nổi gió ở trên tường
Hoa cúc vàng nỗi nhớ của hoàng hôn
Những dãy phố, những con thuyền phiêu bạt
Những người con gái con trai im lặng
Mắt mở to trong nắng thẳm mong chờ.
Thế giới xanh xao những sự thật gầy gò
Em đã đập vỡ ra từng mảnh.
Giấu sôi sục trong những đường nét lạnh
Em đi tìm thế giới của riêng em,
Tình yêu và nỗi khổ của riêng em,
Niềm tin lớn giữa cuộc đời vô lý.
Nghĩ về em bao buổi chiều lặng lẽ
Tìm trong em bao khát vọng không ngờ
Môi tôi run những lời nói dại khờ
Em ẩn hiện sao còn xa lạ thế
Tôi ảo tưởng quá nhiều ư? Có lẽ...
Em cần gì gió lốc của đời tôi!
Mai em đi, mùa hạ cũng qua rồi
Tôi ở lại một mình trên phố vắng.
Hoa cúc rồi chiều xuân nào tôi đến
Chẳng gặp em chỉ màu hoa vàng rực
Đêm nay về đốt lửa giữa hồn tôi
Đêm phòng không tiếng nổ vỡ khắp trời
Thời đau khổ chung quanh đều đổ nát
Nỗi cô đơn đen ngòm như miệng vực
Tôi muốn đi tới đích cùng em.
Tôi phải đi tới đích cùng em!
Lòng tôi như buổi sớm vẫn nguyên lành
Em nhận lấy, em đừng e ngại mãi
Tôi tan nát, kinh hoàng, sợ hãi
Em cô đơn rồ dại của tôi ơi!
-----------
Không ăn thua rồi.
"Mắt chó vàng như trăng"
Cúc với chả queo.
Ế ồ.
Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009
Trên mặt bàn câu thơ xưa còn bóng gió...
1.
Hôm trước thế nào lại nhớ mấy câu thơ lâu lắc từ thời HHT mà có lần cô bạn học chép lên mặt bàn. Chỉ nhớ loáng thoáng mấy câu đầu, nhưng hề gì, google sẽ làm nốt phần còn lại.
Lớp xưa - Ngọc Anh
Có bao giờ anh về thăm lớp học ngày xưa.
Ô cửa sổ
và cơn mưa
bất chợt.
Giọt nắng diệu kỳ đưa ta qua mùa thi.
Ngăn bàn xưa anh dù có quên đi
Vẫn còn dấu một nhành hoa quen thuộc
Màu tím diệu kỳ gợi thương, gợi nhớ.
Trên mặt bàn, câu thơ xưa còn bóng gió.
Ta viết hôm nao
trong mắt nắng
chiều nghiêng.
Những điều xưa giờ trở thành thiêng liêng.
Suốt cả đời liệu có còn gặp lại?
Những bức tường lổ loang, khờ dại.
Màu mực nhoè tan trong cõi hư không.
Có bao giờ anh thấy phượng đơm bông?
Nghe day dứt nỗi buồn chiều tháng hạ.
Hành lang quen giờ lạ
Chờ bước chân lãng quên.
Anh hãy về lớp học xưa trong đêm
Anh sẽ thấy
Một ngôi sao
từ ngày xưa
còn sáng.
Ngôi sao của nỗi niềm thời trong trắng.
Nắng lung linh đang theo lối ta về.
*
Vẫn biết bây giờ anh đã chẳng còn mơ
Những giấc mơ ngày xưa anh xem là hạnh phúc.
Những giấc mơ chẳng bao giờ là thật
Khi anh quên lối về
lớp học
ngày xưa.
Còn nhớ sau đó có người hoạ lại một bài cũng dài có mấy câu cuối mình thích và nhớ:
"...Lớp xưa ai có tìm về
Em mười sáu tuổi tóc thề cho ai
Từ trong đồng vọng cảm hoài
Biết bao giờ mới nguôi ngoai một thời
Lặng im nhé, hỡi đơn côi
Nghe từ sâu thẳm mắt người rưng rưng"
Bây giờ đọc lại thấy những bài thơ như vậy cũng không khó viết lắm. Nhưng tìm đâu ra cái đồng cảm của tuổi mới lớn ngày nào mới thực là khó :)
2.
Nhân nhớ về những bài thơ thời HHT, còn 2 bài thơ nữa mình cũng nhớ rất rõ. Một bài của Lê Thanh Lương và một của Quỳnh Nga. Bài của LTL có lần lên thớt chờ bác sỹ chuẩn bị soi dạ dày mình còn cố lẩm nhẩm trong đầu cho đỡ căng thẳng.
"Hương giang yêu kiều trong đáy mắt trẻ thơ
Nhà anh bên nớ nhà bé bên ni...
...
Chiều tan học đạp xe trên nẻo vắng
Em không lỡ nhịp cầu vì chẳng có ai đưa
Từng nhịp cầu hỏi quan trạng đi đâu
Bỏ lại dạ sầu cho lá trạng nguyên
...Nắng bờ sông như màu trang vở cũ
Thuở học trò em làm khổ riêng ai...*"
-------
* Bây giờ mới biết 2 câu này láy lại theo ý thơ Nguyễn Tất Nhiên.
-------
Bài thơ của QN thì nhớ vì nó gắn với câu chuyện toàn những tình cờ. Nó được in trên một trang bìa HHT, vì muốn doạ thằng bạn mà mình đã cố thuộc nó trong vòng 1 lần đọc lướt.
"Ngồi một mình đây tưởng tượng tháng năm sau
Gió vẫn thổi như thuở nào mười sáu
Lối em qua như lạ như quen..."
Sẽ chẳng có gì để nhớ nếu như 5-6 năm sau một lần lang thang xem sách cũ tình cờ nhặt một cuốn HHT lên, tình cờ đọc một mẩu tin viết về cái chết bất ngờ của QN. Vậy là mãi mãi tuổi mười sáu như thể chỉ là tình cờ thật. Mấy vần thơ nao nao, nhè nhẹ của tuổi mới lớn, không ngờ 15 năm sau còn có người nhắc lại, kể cũng không phải là chuyện dễ tìm đấy chứ.
3.
Cô bạn cấp 2 ngày xưa đã lâu lắm rồi không gặp. Học xong phổ thông bạn đi làm công nhân quốc phòng trên trung du. Lấy chồng và đã có con. Nhà ở quê giờ không còn ai.
Tuổi học trò mình không nghĩ sẽ bao giờ làm thơ nên không có bài thơ nào về thời đó cả. Lục lại ghi chép cũ có mấy dòng về tuổi nhỏ, cũng post lên đây. Ông chủ quán là bố bạn. Đã mất vì ung thư từ ngày đó. Nhà bạn ngày xưa ở mé sông.
Cái vẻ mù mù và mô tuýp sáo mòn của dòng sông
Mình ưa những gì hàm chứa dấu ấn thời gian; những gì có thể kể cho mình nghe một câu chuyện thì thầm quá vãng…Hóa ra vì vậy mình không thích nghi lâu được những cái gì quá sạch sẽ, quá mới, quá ngăn nắp, chỉn chu.
Mỗi người là một thế giới riêng hao mòn. Thời gian chệnh choạng. Sự kiện vụt lướt qua. Kể lại chả ích gì cả. Cái đã xảy ra với anh sẽ không bao giờ giống cái sẽ kể - sẽ xảy ra với em. Trách chi cuộc sống ngày càng vụn ra, rời rã.
Ngày xưa mây trắng bay phiêu dật chân trời. Buổi chiều mùa hè. Nắng đầy chiều. Lũ trẻ đu mình trên cây xoan bên bờ mương, dõi nhìn phía bầu trời trên cánh đồng. Mây trắng hình gì ấy nhỉ? Thi xem ai tìm được nhiều hình nhé! Dịu nhẹ. Ký ức ấy rất nhẹ nhõm trong cõi lòng tôi vụn vặt.
Ngày xưa, bờ sông là một thế giới lạ lẫm, nhiều hứa hẹn. Dòng sông là dấu vết của một nơi nào xa ngái. Dòng sông lớn hơn bây giờ. Nước sông đục ngầu màu nâu của bùn đất phù sa. Mặt sông cuộn lên những thớ nước như cơ bắp người khỏe mạnh. Con đường gập ghềnh là con đường to nhất tôi biết. Rất có thể tìm được những viên đá xanh to, có vân để mài bi. Mặt đường hứa hẹn thật nhiều…
Một buổi chiều mưa gió mùa đông. Lũ trẻ 5, 6 tuổi là tôi lang thang chơi ven đường. Đầu ngõ vào khu tập thể có cây bàng đã cỗi. Gốc bàng đỏ, đầy những cục u nổi lên. Rễ bàng xiên cả ra ngoài đất. Nhặt mấy cái rễ còn tươi mùi hăng hắc, nồng nồng, cảm giác như mình đang nắm giữ những bí mật về một vị thuôc lâu đời. Cái hàng hiên nhìn ra đường cái mà luôn luôn đóng kín cửa ấy là một nơi kín gió và ít mưa hắt vì nó có hai đầu hồi bị bịt kín bởi hai căn buồng. Mặt hiên lát gạch mộc. Thứ gạch đã cũ mèm. Mủn ra và bẩn thỉu. Hình như có một trò chơi dang dở về cô dâu chú rể. Cũng chẳng còn nhớ nữa có phải chú rể là mình không… Không phải là một ký ức tươi tắn rộn ràng của trẻ thơ mà là một ký ức mơ màng, ám ảnh da diết . Nó làm thu lòng lại.
Ông chủ quán gầy gò mắt trố hay ngồi thu lu, co cả hai chân lên ghế bên chén rượu, trong cái quán nước bên sông. Cười mãi điệu cười lành lành, tinh quái. Có những con thuyền thường cập bờ bên kia. Chở cát và những thứ tương tự. Ước ao của tuổi thơ tôi. Một nỗi ước ao thật riêng tư và thầm kín – được lên những con thuyền ấy mà xuôi ngược theo dòng sông. Biển cũng lạ lùng như đầm lầy trong rừng sâu vậy. Những buổi chiều mùa thu mù sương, khói đồng vảng vất. Con thuyền là nỗi nhớ nhung khôn nguôi. Ước mơ một lần nằm duỗi mình trên sàn thuyền, nhìn qua khe mà ngó những bàn chân trần dẫm dẫm dọc mạn thuyền...
Vỗ tay reo
Tiếng vang vang
Hò lơ
Gọi
khoang thuyền ngày xưa
Bàn chân trần lấm cát
Dẫm ván sàn chênh chao
Hò lơ
Rắc nắng rây vàng
Loang xanh
Thả gió
Cho ngày bình yên.
Vỗ tay reo
Tiếng vang vang...
Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009
Tâm hồn cũng áy náy để ngang bằng với nó...
...Thế giới rộng thêm và bất giác, tâm hồn cũng áy náy để ngang bằng với nó: tâm hồn, cả nó nữa, cũng muốn lớn lao thêm, cũng muốn thâm nhập vào chiều sâu cuối cùng của thiện và ác: nó muốn khám phá và chinh phục; nó cần một ngôn ngữ mới, một sức mạnh mới.
...Mỗi cá nhân vừa là người của biển vừa là của đảo, như xứ sở anh ta.
...bây giờ hoà bình đặt sương mù lên trên xứ sở, mà những làn sóng gầm gào quanh đó. Những dân cư quen bão táp, còn muốn ở trên biển, muốn biết sự tấn công da diết của những biến cố với các nguy hiểm thường ngày và như vậy tạo ra cho mình những cảm xúc mới đầy kích thích và dữ dội, nhờ những trò chơi đẫm máu.
...Và chính lúc đó (...) làm nảy sinh một trò chơi lớn của các ham muốn nhân tính, sự lặp lại tất cả những cuộc phiêu lưu-những cuộc vượt biển đầy bão táp, nhưng bây giờ được tiến hành trên những biển bên trong của trái tim: cái vô tận mới, đại dương ở đó, ngự trị những thuỷ triều dục vọng, những chuyển động nổi sóng lừng của trí tuệ, đại dương mà trên làn sóng của nó, bị đu đưa và bị lay động một cách nguy hiểm tạo thành một niềm vui mới...
----------
Lục ghi chép cũ thấy mấy đoạn về văn chương.
Đoạn trên chép trong tập truyện của Stefan Zweig; một nhân vật bàn về kịch của W.Shakespeare.
Về giá trị luân lý của tác phẩm văn chương
...Cái gì sẽ giúp cho thế nhân đông đảo rung động chân thành để hiểu đạo lý sâu xa bằng trực giác, và lựa nhập điều hoà giữa cuộc sống va chạm, đẩy xô? Tôi tưởng ấy là tác phẩm văn chương.
(Bùi Giáng-Một vài nhận xét về Truyện Kiều...)
Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009
Sương bạc làm thinh khuya nín thở
Đêm xuân, vợ nằm gối tay chồng thì thầm:
- Anh viết thêm về đời sống gia đình như hôm trước nhé-hay lắm.
- (hắng giọng) Nhưng mà em ạ, phàm những bậc văn cao muốn viết hay thì phải tạo điều kiện cho người ta chơi nhiều vào...
- (hừm hừm) Cao thì cao, chơi nhiều thế nào cũng có lúc phải ăn chửi...
- Bình thường, thế em có biết chuyện ông Văn Cao bị vợ chửi nhảy sông tự tử không?
- (hé hé) Là dư lào? Kể đi, kể đi...
- Ngày xưa ông Văn Cao được vợ thả cho rong chơi tận những 30 năm...
--------
Lần ấy vào Huế, bằng hữu đưa hai vợ chồng ông Văn đi chơi thuyền đêm trên hồ (sông). Đêm khuya trăng sáng một dải giang hà, tri kỷ hội ngộ, thảy đều đã ngà ngà.
Người này nằm ngửa im lặng ngắm trăng suông.
Người kia tựa mạn gật gù lẩm bẩm.
HPNT vẫn đang thao thao miên man về Lý Bạch.
Duy chỉ nhạc sỹ còn ngồi vững, lim dim uống rượu, hết ly này đến ly khác. Vợ xót chồng mang bệnh can mấy lần đều không thấy nghe lời. Rốt cuộc bực mình giằng lấy ly rượu hắt toẹt xuống sông. Anh em hoảng vía im bặt. Ông lão lập cập trở mình "tao chết đây" rồi lăn tõm xuống nước.
Khỏi phải kể anh em mò vớt thế nào. Đưa vào viện cấp cứu rồi hỗ trợ phu nhân dỗ dành ra sao. Chuyện từ đấy thành giai thoại giang hồ luôn.
--------
Lần đầu nghe chuyện thì thấy ái ngại cho nhạc sỹ. Kể ra như phu nhân cũng đã là bậc tri kỷ của nhạc sỹ, nhưng tiếc thay lại chẳng phải tri âm.
Hỡi ôi, đã cùng nhau vượt những hoạn nạn gian khó ngập như sóng cả lút đầu, lại cùng nhau cười cái vụn vặt của thế nhân suốt mấy mươi năm mà rốt cuộc đến chỗ "chí tại non cao, lưu thuỷ"(*) thì đành lăn tõm xuống sông sâu! Lúc nghĩ đến cái lạnh đêm hôm ấy của nhạc sỹ mà người nghe cũng muốn lăn ra ốm bệt đến 3 tháng.
Nhưng hôm nay đọc lại Tây Sương Ký, đến đoạn Kim Thánh Thán kể những nỗi sướng khoái bình sinh mà ngẫm lại thì sự vụ năm xưa không còn thấy lạnh nữa. Nó thậm chí còn có màu hỉ hả.
----------
Đêm xuân cùng các tay hào uống đã nửa say, thôi đã khó thôi, thêm cũng khó thêm...Bên cạnh bỗng có một đứa trẻ hiểu ý, đưa vào hơn chục pháo chuột. Liền đứng dậy ra ngoài tiệc, lấy lửa đốt chơi! Mùi lưu hoàng xông từ mũi vào tận óc, khắp người khoan khoái, chẳng cũng sướng sao!
Kim Thánh Thán nói những chuyện sướng khoái để cho lòng đỡ bạo bực-trích Lời bình trong Tây Sương Ký-Nhượng Tống dịch.
----------
Bây giờ mới nghĩ, hẳn cái lúc đêm sáng trăng hôm nọ, các tay hào kia cũng đã vào cái cảnh "thôi khó thôi, thêm khó thêm" rồi. Thử hỏi không có bàn tay lanh lẹ của lão phu nhân thì phải làm sao? Thực là rất khó. Cũng mới thấy ông lão còn lanh lẹ, gọn gàng gấp mấy lần chẳng hết. Cùng cảnh với Lý Bạch mà lại hợp lẽ với đạo cả như trong Nam Hoa Kinh đã nhắc: cái sạch của sông biển tẩy mọi ưu phiền(**). Mới hay cái đạo "phu xướng phụ tuỳ" không phải một lần mà hiểu ngay được chỗ thâm sâu.
Nhưng cũng phải nói lại thế này: Băng đóng 3 xích đâu phải cái lạnh một ngày. Kể như phu nhân xuất xử cũng là hợp với bản tính. Có điều như Triêu Vân (***) hẳn nàng đã chọn cách khác. Sao không mệt mỏi tựa vào vai chàng để cả bọn kéo về trong khói sương tan. Một đằng ấm một đằng lạnh, cùng một nghiệp mà duyên khác sinh quả khác những bao nhiêu!
---------
(*): Nguy nguy hồ, chí tại cao sơn. Dương dương hồ, chí tại lưu thuỷ (@Tử Kỳ)
(**): Ngồi uống cả tối trên thuyền trong đêm trăng sáng vừa thanh vừa nhã, nhưng mà trộm nghĩ cũng có điều bất tiện không dám nói rõ ở đây :)
(***): Hồng nhan tri kỷ của Tô Đông Pha.
Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2009
Entry for April 18, 2009
Thực ra trong thời đại google như hiện nay, việc chặn 1 trang web chỉ có tác dụng với những người nghiệp dư nên việc này có lẽ chỉ mang lại một tín hiệu của FPT sau đó là của CP VN về những chủ đề liên quan.
Có nên cho bọn FPT này out luôn không nhỉ?
Không biết có mạng nào tiến bộ hơn không?
Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009
Một tôi khác
Có một sự nhập nhằng ở đây: phần nhiều các ý niệm được khơi lên trong lúc viết chứ không hẳn là sự toan tính từ đầu. Nhưng hiển nhiên blog không phải là tôi như tôi là lúc bạn tiếp xúc ngoài đời thực-nếu đủ lâu để không phải là 1 tình cờ. Diễn đạt một cách gần chính xác thì đó là những phương thức tồn tại khác nhau của một cái Tâm.
Vậy liệu blog có phải là một kiểu đạo đức giả? Không phải vậy trong bản chất. Mục đích thế nào thì nó là thế ấy. Nó là biểu hiện của 1 phương thức giao tiếp. Không hơn không kém. Miễn đừng đồng nhất nó với đời thực thì ổn. Điều này không đồng nghĩa với việc cự tuyệt những giao lưu trong đời thực. Nhưng phải tự giới hạn nó như khi chúng ta giải bài toán hộp đen trong vật lý-trước khi mở cái hộp bí ẩn ấy ra.
Không chờ đợi thì không hối tiếc. Không tưởng tượng thì không thất vọng.
--------------
Có lẽ tôi sẽ chuyển sang blogspot khi không thể tiếp tục dùng Y360. Bạn nào muốn giữ contact xin lưu lại link sau:
http://loanhquanh.blogspot.com/
Diên Hồng tư vấn
Là ngữ pháp tiếng nước nào?
Tất nhiên nếu nói là "Hội nghị Diên Hồng về văn hoá" thì rõ rồi. Nhưng mà một hội nghị về văn hoá theo kiểu Hội nghị Diên Hồng thì sẽ thế nào nhỉ?
- Quyết tâm không để nước mình vô văn hoá!
- Vô văn hoá! Vô văn hóa! Vô văn hoá!!!
Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009
Entry for April 16, 2009
(cont)
Thứ Hai, 13 tháng 4, 2009
Cuối tháng ba-Nguyễn Bính
Tháng ba trời nắng mới chang chang
Tu hú vừa kêu, vải đã vàng
Hoa gạo tàn đi, cho sắc đỏ
Nhập vào sắc đỏ của hoa xoan.
Mặt hồ vừa đúc khối tiền sen
Bươm bướm đông như đám rước đèn
Ở bãi cỏ non mà lộng gió
Bắt đầu có những cánh diều lên.
Khoá hội chùa Hương đã đóng rồi,
Hội đền Hùng nữa, đám thôn tôi
Thôn tôi vào đám hai ngày chẵn
Chỉ có chèo không, nhưng cũng vui
Mọi làng đặt mã lễ kì yên
Mũ với hình nhân, ngựa với thuyền
Cho khỏi bà Nàng đi rắc đậu
Quan ôn bắt lính khổ dân hiền
Đường lên chợ tỉnh, xa tăm tắp...
Nắng mới ôi chao, cát bụi mù
Các chị trong làng đi bán lụa
Giắt đầu từng nắm lá hương nhu.
Tất cả mùa xuân rộn rã đi
Xa xôi người có nhớ thương gì?
Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả
Ta biết xuân nhau có một thì!
Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009
Phiếm
Hỏi: Cuộc sống là để làm gì và tại sao ta lại sống cơ chứ?
Đáp: Cuộc sống của mình là để tìm cách tự trả lời cho mình câu hỏi này. Còn cuộc sống của bác thì em không biết!
Bình: 9 điểm, vì cái tội không biết cuộc sống của người khác.
Đoạn phiếm đàm nhân bàn về 1 cuốn triết học nhập môn trên không hẳn là vô vị. Bạn hỏi tại sao? Là vì:
- Câu hỏi kia là một kiểu nhại hỏi có hơi hướng hài hước-một vấn đề hệ trọng của nhân sinh cổ kim nhưng đã thành sáo rỗng trong ngôn ngữ đương đại-nhưng nó đẩy người ta vào chỗ khó xử kinh điển. Có mấy khả năng:
1-Trả lời bột phát theo kiểu triết lý tạm. Tức là thể hiện chưa bao giờ suy tư nghiêm mật về vấn đề này. Chỉ là những ý tưởng bột phát mang tính cảm xúc cá nhân.
2-Nếu quả thực đã từng suy nghĩ nghiêm túc về nó thì khó lòng thoát khỏi một trình bày dài dòng đầu đuôi về nó. Nhưng thường thì nó cũng sẽ chuội đi và tạo cơ hội vặn vẹo phản bác cho người hỏi. Chẳng phải thiên kinh vạn quyển cổ kim đều là vì nó?
3-Nếu có một xác tín trong kinh nghiệm thì thường sẽ chẳng có lý luận gì đi kèm thoả đáng. Cũng lại rơi vào bẫy của trò chơi ngôn ngữ luẩn quẩn.
4-Nếu đơn giản là lảng tránh nó hay là hoà theo tầm phào nó thì sẽ thú nhận một tình trạng mất phương hướng và 1 thái độ hời hợt thiếu trách nhiệm. Ngay cả hỏi ngược lại thì cũng cùng bản chất.
5-Im lặng vì biết trước những khả năng của tiến triển Hỏi-Đáp: một nhát xoáy sâu vào tính thoả hiệp âm thầm trong lòng mình. Thất bại hiển nhiên trước mục tiêu của người hỏi.
- Lời Đáp thoạt nhìn có vẻ chỉ là một trò chơi chữ vì chỉ xoay sở lại các mệnh đề. Nhưng cũng không hoàn toàn là như vậy.
1-Ngữ cảnh là đang bàn về một cuốn Triết học nhập môn. Mục tiêu của nó không phải là giải quyết tất cả các vấn đề triết học mà là ở chỗ hướng người ta đến một lối ý thức về hiện sinh và những lối suy tư khả dĩ có ích. Câu hỏi có ý nhắm vào chỗ người đáp có nắm được mục đích của cuốn sách này không. Câu đáp cũng nhắm vào trình bày những chỗ tinh yếu khởi đầu của triết lý mà thôi.
2-Ý đầu tiên là sự phân biệt rõ ràng cuộc sống "của mình" với "của bác/người khác" và không đề cập gì đến "cuộc sống" nói chung. Vì hỏi ý nghĩa của "cuộc sống là để làm gì" là không có nội dung logic.
Đặc trưng nổi bật của tình thế hiện sinh là bất chợt người ta nhận ra mình có những thắc mắc cần giải quyết. Khởi nguồn của triết lý là một kinh nghiệm nhân sinh căn bản-một nhu cầu kinh điển: tự ý thức về bản ngã, đồng nghĩa với cảm thức phân ly, nhu cầu hiệp nhất với toàn thể, cảm nhận sự hữu hạn và hoài vọng cái siêu việt...Giống như phản xạ gương đánh dấu khả năng tự nhận thức sơ đẳng, con người triết lý bắt đầu với sự nhận ra tình thế phân ly và hoài nghi về cuộc sống của mình-hiện sinh của mình trong mối tương quan với những "cái khác".
Suy tư về cuộc sống một cách triết lý không bắt đầu bằng những suy luận logic như về "cuộc sống" nói chung mà nó bắt đầu từ một nghiệm sinh về hiện sinh của mình! Và do vậy, triết học có thể là cái học Công truyền nhưng triết lý là cái học Tâm truyền.
3-"Tự mình tìm cách...cho mình" xác định một tâm thế, đường lối suy tư cụ thể. Vì triết lý khởi đi từ nghiệm sinh của mình nên mục đích của triết lý không phải là một hiểu biết-connaissance- mà là một nhận thức-conscience-do đó nó hẳn nhiên tiên quyết phải do mình và cho mình. Tự mình còn nhắm tới cái ý hướng soi xét bản tâm, rõi theo từ căn nguyên: có thể là đặt lại nghi vấn về Bản thể học như M.H đã làm; có thể là những mối nghi đầu tiên như mệnh đề của R.D "Je pense donc Je suis"; có thể là phép quán, chỉ, định của Phật gia.
4-"Không biết" cuộc sống của người khác không hẳn là không biết. Nó trỏ vào cái tình thế phân ly của thực tại. Cái khởi đi là cái cảm giác "không biết", muốn biết người khác, cái khác. Nó cũng nhắc lại nghi vấn giữa tồn tại và ý thức chủ quan. Nó cũng nhắc đến cái thứ tự ưu tiên "từ mình, do mình, cho mình". Nó nhắc lại chuyện ẩn thân hàng chục năm của Huệ Khả, Huệ Năng sau chứng ngộ. Cái triệt để tiên quyết là biết mình đã trước khi định ấn chứng cho kẻ khác. Một dấu hiệu để nhận ra những nôn nóng của các "tà kiến" :)
- Lời Bình không hẳn là vô vị. Nó là một cú vớt vát hạng trung để tránh sự đơn giản hoá logic trao đổi. Nó nhắc chuyện "chót cùng đầu gậy trăm thước còn một bước nữa".
-------
Mỗi lần đưa ra một lần mới
Đề thi môn văn tuyển sinh đại học
http://vietnamese.cri.cn/85/2009/04/06/1s120449.htm
Trang Đài phát thanh quốc tế TQ có đăng bài văn được điểm tối đa của thí sinh Bắc Kinh-TQ trong kỳ thi tuyển sinh 2008. Ấn tượng là cách ra đề của họ cho thấy nền GD cũng đã có những tiến bộ hơn hẳn VN (xem đề thi so sánh).
"Đề bài 2008:
Trên lớp học thầy giáo nói: "Hôm nay, chúng ta cùng làm một thí nghiệm nhé." Sau đó, thầy lấy ra một chiếc bình thủy tinh cổ rộng đựng đầy đá sỏi đặt lên bục giảng, hỏi cả lớp: "Chiếc bình đã đầy chưa?" Cả lớp đều đồng thanh: "Đầy rồi." "Thật không?" Thầy lại mang ra một thùng cát, rồi từ từ giắc cát vào những khe trong chiếc bình đã đựng đầy đá sỏi, thầy lại hỏi: "Đã đầy chưa?" Các em học sinh còn đang ngẫm nghĩ. Thầy lại lấy một ấm nước rót vào cho đến khi nước ngập miệng bình. Thầy hỏi: " Thí nghiệm này nói lên điều gì?" Cả lớp nhộn nhịp hẳn lên. Một em học sinh nói: "Rất nhiều việc xem như đã đến giới hạn, nhưng thực ra còn rất nhiều không gian." Một học sinh khác nói: "Thứ tự cũng rất quan trọng, nếu bỏ cát vào trước, thì thể nào cũng không bỏ được nhiều sỏi đá như vậy". Một học sinh nói: "Đúng vậy, phải bỏ sỏi đá vào trước. Những thứ nặng phải được ưu tiên trước." Một học sinh nói: "Cũng không hẳn thế, chẳng lẽ bỏ cát và nước vào bình trước thì nhất định không được hay sao?"
... Làm bài theo tài liệu đã cho, mở rộng liên tưởng, tự xác định góc độ mà làm bài. Tự đặt đề bài, ngoài thơ ca ra có thể tự lựa chọn thể loại văn. Bài làm phải trên 800 chữ"
1. Anh (chị) hãy trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Nêu những đặc
sắc nghệ thuật của tác phẩm đó (đoạn trích được học).
2. Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Anh (chị) cảm nhận
được gì về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng này?
3. Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
Nhận xét ngắn gọn về nghệ thuật miêu tả cây xà nu của nhà văn.
--------------
Có điều đọc toàn bài văn điểm tối đa kia thì thấy các bạn Tàu cũng mới đổi mới được tí ti thôi.
Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009
Entry for April 09, 2009
Từ tiết Thanh Minh-(trong sáng)- sẽ chuyển sang tiết Cốc Vũ-(mưa rào).
Ban mai nghe chim hót, ngang chiều ngóng mây trôi, nửa đêm nghe mưa tạt. Bất kể cái bệnh viêm mũi dị ứng, mình vẫn thích nhất đoạn giao mùa thú vị này của năm.
Hoa Loa kèn cắm trong nhà thì đẹp rồi. Mỗi tội là làm nhà lắm muỗi nên đành chịu nỗi tương tư cuối xuân đầu hạ vậy :)
Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009
"Thí chủ quả thật là bạn của hắn ư?"
Vụ này đang hot.
Muốn suy nghĩ về những điều sau:
- Mối quan hệ giữa tác phẩm và tác giả. Mở rộng ra là cả với độc giả (tạm dùng thay cho khái niệm công chúng-đám đông vô nghĩa). Túm lại là cứu cánh của nghệ thuật-hay là nghệ thuật có cứu cánh không? (*)
- Một trường hợp cụ thể: bằng hữu trong nghệ thuật. Xướng hoạ. Nghĩ đến Kim Thánh Thán. Muốn nhắc đến lời đề tựa của Bùi Giáng trong tập "Rớt hột phiêu bồng" nhưng lại ko có sách ở đây. Cái gì mà "xin đừng nghe những chuyện kể của bạn hữu"...
- Liên tưởng đến Hùng Diệu Hoa tiên sinh. Bèn search "Cổ Long bằng hữu"-ra ngay một chương trong cuốn "Bích Huyết Tẩy Ngân Thương". Thấy có chút hữu ý nên trích ra đây cùng các bạn đọc chơi.
(*) Kể ra thì có 1 mạch thấy hứng thú hơn là: tại sao lại đọc? Đọc ai? Đọc cái gì? Đọc cách gì? Con chó có Phật tính không?
Về vụ này em xin bái bác NguyenQuyZen làm đại sư phụ: "Vấn đề của bác thì ăn nhằm gì đến em!"
--------------
http://music.vietfun.com/trview2.php?tap=21&ID=4013&cat=17
(...Chát-Bụp-Phụp...)
Tuyệt Đại Sư vốn đã dợm đứng lên, lại từ từ ngồi xuống, lạnh lùng nhìn Thiết Chấn Thiên và Mã Như Long:
- Người này là ai ?
- Là một bằng hữu.
- Chẳng ngờ ngươi cũng còn có bằng hữu.
Thiết Chấn Thiên cất tiếng cười cuồng dại:
- Thiết mỗ tuy giết người không đếm xuể, kết thù vô số, nhưng bè bạn không ít hơn lão trọc ngươi đâu, loại bằng hữu như thế, lão chẳng có được lấy một người!
Tuyệt Đại Sư lạnh lùng trừng trừng nhìn y khá lâu, mới quay sang Mã Như Long, lúc này vừa đứng dậy:
- Thí chủ quả thật là bạn của hắn ư ?
- Phải!
- Thí chủ liều mạng vì hắn ?
Mã Như Long nói:
- Ta liều mạng của ta, ta còn một mạng có thể liều được.
Y không cố ý thay đổi giọng nói, nhưng thanh âm của y đã biến đổi.
Tuyệt Đại Sư không nhận ra giọng của Mã Như Long, thế nên lại hỏi:
- Thí chủ có biết vì sao bần tăng nhất định truy sát hắn chăng ?
Mã Như Long không biết.
Tuyệt Đại Sư lại hỏi:
- Thí chủ có biết Dương gia Tam Huynh Đệ có tiếng "huynh hữu đệ cung, hiếu nghĩa vô song" chăng ?
Mã Như Long chắc chắn biết. Ba anh em Dương gia thuộc võ lâm đại hào kiệt vùng Hà Đông, cả ba đều giống nhau, giàu có, nổi danh, tính tình hào sảng, nghĩa khí, hiếu thuận. Họ cùng ngụ tại một trang viện, luân lưu phụng dưỡng song thân.
Tuyệt Đại Sư thần sắc trầm trọng, lại nói:
- Thí chủ có biết là cả nhà Dương gia lớn nhỏ hai mươi chín nam nhân đều chết dưới đao của Thiết Chấn Thiên chăng ? Mười bảy nữ nhân đều bị hắn bán ra biên cương làm nô tỳ trong trại lính.
Thiết Toàn Nghĩa vụt kêu lớn:
- Lão có biết tại sao đại ca ta phải làm như vậy chăng ?
Giọng của y trở nên thê lương:
- Lão có biết ba anh em họ Dương đã dùng cách gì đối phó với cha mẹ vợ con của ta chăng ?
Tuyệt Đại Sư cười nhạt:
- Đó là báo ứng của ngươi!
Thiết Chấn Thiên chen vào:
- Đó cũng là báo ứng cho nhà họ Dương. Nam nhân nhà họ Dương do Thiết mỗ giết, nữ nhân do mỗ bán, không can dự đến người khác.
Y đưa tay chỉ những người theo Tuyệt Đại Sư đến đây, những người đang trợn mắt chờ đoạt mạng y:
- Đám người này đương nhiên là thân thích bằng hữu của Dương gia, đều biết ta đã bị trúng chưởng của lão, họ càng biết rõ là nếu giết được ta thì coi như họ đã làm được một việc nghĩa đáng hãnh diện. Còn lão không tranh với họ chỉ vì đã nổi danh đại hiệp, nên ra vẻ rộng rãi.
Tuyệt Đại Sư không phủ nhận.
Thiết Chấn Thiên gằn giọng nói tiếp:
- Nhưng Thiết mỗ chưa chết, bọn chúng muốn lấy mạng Thiết mỗ chẳng phải dễ, chí ít mỗ cũng lấy được thủ cấp của dăm ba mạng!
Tuyệt Đại Sư đáp:
- Họ chỉ muốn đòi lại công đạo, nếu vì bạn báo thù mà chết cũng không oán than, ta chẳng thể ngăn cản họ, cũng bất tất phải làm thế.
Thiết Chấn Thiên hỏi:
- Hòa thượng có muốn ta giúp bọn chúng toại nguyện chăng ?
Y đưa tay chỉ vào Mã Như Long:
- Việc ta làm không liên hệ đến người này, chỉ cần lão để cho y đi, thì tùy ý lão kêu ai đến lấy đầu ta, ta cũng không đánh trả.
Tuyệt Đại Sư lạnh lùng nhìn Thiết Chấn Thiên rất lâu, mới chuyển sang Mã Như Long:
- Trước ngày hôm nay, dường như bần tăng chưa từng gặp thí chủ, xem ra thí chủ không giống kẻ ác.
Mã Như Long chỉ nghe mà không nói gì, không hỏi cũng không phủ nhận.
- Thí chủ quen Thiết Chấn Thiên từ lúc nào ?
Mã Như Long đáp:
- Không lâu lắm.
- Không lâu là bao lâu ?
Thiết Chấn Thiên lại chen vào:
- Y quen Thiết mỗ chưa đến một ngày.
Tuyệt Đại Sư thở dài:
- Mới quen được chưa đầy một ngày mà dám liều mạng vì bạn, hạng người này thật không có nhiều.
Ông bỗng nhiên phất tay bảo Mã Như Long:
- Thí chủ đi đi.
Mã Như Long đứng đấy, không cử động. Tuyệt Đại Sư cũng chăm chú nhìn y một buổi, bèn hỏi:
- Thí chủ không đi ?
Mã Như Long nói chắc như đinh đóng cột:
- Ta không đi, nhất quyết không đi!
Thiết Chấn Thiên lại la lớn:
- Y đi mà, y sẽ đi liền.
Giọng nói Mã Như Long trở nên rất bình tĩnh, kiên quyết:
- Muốn ta đi chỉ có một cách, giết ta rồi khiên đi!
Tuyệt Đại Sư lạnh nhạt nói:
- Muốn giết thí chủ không khó, lúc nãy nếu không có người kéo thí chủ lại, thì bây giờ hẳn đã được khiên đi!
- Ta biết.
- Thí chủ nhất định muốn người khiên đi à ?
- Nhất định!
- Tại sao ?
- Chẳng vì sao cả!
Câu trả lời này không đúng lắm. Một người có thể muốn kết bạn "chẳng vì sao cả", chẳng tính toán lợi hại, không hỏi hậu quả, cũng không có mục đích. Tuy nhiên khi đã quen rồi, thì những gì mình làm cho bạn đã không còn là "chẳng vì sao cả", mà vì một tình cảm khó diễn tả được. Vì lòng can đảm và nghĩa khí, biết chuyện phải làm mà quyết không hối hận; vì lương tri của chính mình, để nửa đêm thức giấc không bị mất ngủ. Vì muốn sống sao cho tự vấn lương tâm không hổ thẹn, muốn chết cũng chết sao cho lòng không hối tiếc.
Chẳng vì sao à ? Vì cái gì ? Thành thì sao ? Bại thì sao ? Sống ra sao ? Chết thế nào ? Dù thành hoặc bại cũng không hối tiếc!
Sinh dã bất hồi đầu, tử dã bất hồi đầu!
Bất hồi đầu, cũng không cúi đầu!
-----------
P/s: Vốn tính đặt tựa "Chẳng ngờ ngươi cũng còn có bằng hữu" nhưng tự thấy sát ý cao quá nên đổi lại. Câu hỏi có tính tu từ-các thí chủ không cần để ý.
Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2009
Entry for April 04, 2009
Giang hồ từ thuở ta thất thế
Chí lớn không thành thà ẩn cư
Viễn xứ. Ờ! Thôi thì viễn xứ
Hết đời phiêu bạt chốn quê xa
Mẹ xưa vốn quen mùi rơm rạ
Đốt đồng khô khói phủ che trời
Hoàng hôn mỏi mắt. Chiều châu thổ
Vẳng tiếng kêu đò bên bến sông
Cha xưa cầm súng ra đánh trận
Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm
Lần đi đưa tiễn- tay chưa nắm
Vạt áo che ngang mẹ khóc thầm
Em xưa kẹp tóc thề vội lớn
Cứ ngỡ tình xanh mãi biếc xanh
Tương tư xếp lá đôi bờ mộng
Mơ bóng trăng khuya- tiếng nguyệt cầm
Ta xưa thắp nến chờ đêm xuống
Đợi hồn thiêng khuất nẻo cha về
Mộ bia hiu quạnh. Ngày dâu bể
Phách lạc đâu còn chỗ nương thân
Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau
Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu
Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng
Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Thầm hẹn mai này quy cố hương
Ta về làm bạn cùng chim chóc
Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông
Linh Phương
---------
Bài thơ này hay từng khúc.
Nhưng mà có những lúc vẫn muốn đọc ào đi như vậy.
Being a man
Người tri túc, trời không bắt nghèo được
Người vô cầu, trời không bắt hèn được.
Nguỵ Hy.
Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009
Entry for April 02, 2009
Hình như là mười hai năm.
Lâu lâu thấy tên chị trên phần biên dịch một bộ phim mới thì chút cảm giác hoài niệm về một giai đoạn lại vương vất. Không biết một người như vậy bây giờ cuộc sống có ổn không. Chắc là ổn, mọi người đều nghĩ thế.
Có những điều vu vơ lại rất dễ trở nên đặc biệt, nhiều khi nhìn thoáng qua thì chẳng có lý do gì khả dĩ. Những ký ức hồi đó trở nên riêng biệt vì nó gắn với những ngày đầu bỡ ngỡ vào đời. Một làng ven đô. Một khu vườn rộng bên nhà thờ cổ và cả một cánh đồng. Mười năm dĩ vãng đã lên hương. Mỗi lần chạm lại ký ức này thường vọng lại trong tôi những câu thơ của thời đó-cho chính mình.
Bây giờ dựa gió xiêu xiêu
Thoảng xanh nhạt trắng men chiều bước đi
Căn nhà mà chúng tôi ở trọ rất rộng. Nó đủ cho gần hai mươi người thuê nhưng là kiểu nhà nông thôn chứ không phải loại nhà xây theo dãy. Chủ yếu là sinh viên, từ năm nhất năm hai cho đến những sinh viên đã chuẩn bị ra trường. Cũng có người đã đi làm. Cũng có anh bộ đội, chú thợ xây và bà giáo già đi buôn gạo. Do kiểu không gian sinh hoạt không quá chia tách nên mọi người sống với nhau chia sẻ và chan hoà như một gia đình lớn. Khi tôi chuyển đến thì mấy người bọn chị chuẩn bị ra trường đi làm. Quãng thời gian 6 tháng tuy không dài nhưng đủ để chiếm 1 đoạn quan trọng trong ký ức.
Chị học ngoại văn, đi làm thêm từ sớm. Phiên dịch triển lãm, gia sư cho người nước ngoài nên biết nhiều chỗ mà bình thường sinh viên như chúng tôi khó tự nhiên mà đến được. Một lần nhờ chị đưa vào bên trong khách sạn Daewoo để ngó nghiêng tôi phải đi mượn 3 chỗ cho đủ một bộ tham quan chỗ sang trọng! Lúc vào thang máy thấy trịnh trọng mà hồi hộp gì đâu :) Về rồi còn suy nghĩ bâng khuâng mãi-người nông dân phải làm gì, làm gì?
Anh chàng người nước ngoài mà chị dạy tiếng cho thuộc dạng rất quái. Hắn sang VN từ vài năm trước và trở thành một dạng thổ địa. Tự mày mò để mở thị trường trong mấy năm chứ cũng chẳng làm cho hãng nào. Hắn thích chị còn chị thì bảo "Thằng đấy nó quái lắm". Mô tả tính cách của chị trong vài dòng cũng khó, nhưng đó là một tuýp người mà càng va chạm cuộc sống nhiều ta sẽ càng cảm thấy quý mến: họ chân phương mà không đơn giản. Họ xử sự trực tiếp thẳng thắn mà lại có vẻ như không thực sự ý thức về những nguyên tắc hành xử của mình. Hình như là một kiểu người hành động. Tôi cũng không chắc lắm nhưng cảm giác về những người như chị là cảm giác thoải mái, có thể tin cậy và muốn giúp đỡ lại họ. Đa số bọn chúng tôi lúc đó cũng không thích anh chàng kia vì sợ hắn chỉ tìm cách "xây dựng cơ sở cách mạng" ở VN. Nhưng anh ta cũng chịu chơi và biết cách hoà đồng. Chạy xe MZ khuềnh khoàng và sẵn sàng ngồi đến cuối những cuộc rượu tào lao của sinh viên. Luôn biết cách nói chuyện thẳng thắn chia sẻ với chị và giao tiếp vừa thân thiết vừa chừng mực với những người xung quanh là chúng tôi - xét ra thì cũng chỉ là một bọn bàng quan thường xuyên thay đổi quan niệm tuỳ theo những thông tin thất thường thỉnh thoảng tiếp nhận được. Chuyện này cũng chưa bao giờ là chuyện chính yếu của khu nhà.
Cuối cùng thì thợ cưa cũng hoàn thành công cuộc phá rừng vĩ đại bằng một sự kiện lãng mạn kinh người. Nhà chủ luôn khoá cửa vào lúc 1og tối để đi ngủ nên mọi hoạt động lách luật của chúng tôi hồi đó chủ yếu là trèo rào. Nhưng rào rất khó trèo và phải có người hỗ trợ từ bên trong. Một tối mưa tầm tã, cả bọn đang đi xem bóng đá thì hắn phóng xe đến, say nhoè. Không còn giữ ý như mọi khi, hắn đập cổng ầm ầm gào toáng lên "T ơi, anh yêu em". Chủ nhà nhất quyết không thèm để ý còn hắn thì nhất quyết không đi đâu rồi lăn ra ngủ ngay dưới mái hiên hẹp ngoài cổng. Lúc chúng tôi về thấy hắn ngủ say như chết; chị thì kê ghế ngồi khoác chăn thu lu bên trong để canh chừng. Hẳn là sau vụ đó thì nghiệm thu công trình liên doanh này. Vài năm sau nghe nói chị cưới xong chủ yếu ở nhà trông con. Rồi thỉnh thoảng cộng tác biên dịch phim cho đài truyền hình. Cuộc sống như vậy coi như cũng ổn.
Lần đầu cầm tay con gái thì còn mãi sau này :) nhưng còn nhớ lần đầu đi chơi với con gái là "đi chơi" với...chị. Để trong ngoặc kép vì thực ra là làm xe đạp ôm chở chị đi việc gì đó lòng vòng gần hết 1 ngày. Buổi trưa ngồi nghỉ ở bờ hồ Gươm thì cũng tính là đi chơi hoành tráng rồi. Thời gian nghỉ vừa đủ để tôi dịch cho chị nghe lời bài "That's Why" của Micheal Learns To Rock.
Tại sao bây giờ lại hay nhớ lại chuyện này? Có lẽ là vì bây giờ thì những hoài bão, cao vọng tuyệt đối trong sáng nhưng chân thành một cách cởi mở cả tin đã có màu dĩ vãng. That's WHY!
but there is something left in my head
Entry for April 01, 2009
...
Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghi giữ ân tình trong cỏ nhặt
Mưa vi vu vì hẹn với truông ngàn
Ta sẽ đợi nghe đời em kể lại
Thuở xưa kia… bờ nước ấy xưa kia
Ta sẽ đợi nghe đời em nói mãi
Bên đời ai vẫn đợi đã chia lìa
...
bg
Thứ Ba, 31 tháng 3, 2009
Đọc văn bản, đọc ngôn ngữ
Có 1 ý liên quan đến việc đọc những cuốn sách "cổ xưa". Nếu đọc chơi thì không vấn đề gì lắm nhưng nếu định đọc để biết nó thực sự nói gì thì thiên nan vạn nan. Tôi nghĩ không thể đọc một tác phẩm như Kinh Thánh chẳng hạn mà có thể tách rời khỏi các vấn đề về văn bản học, ngôn ngữ học (*) rồi phải kể đến một sự am tường về lịch sử, văn hoá, địa lý...của bối cảnh cuốn sách nếu chưa tính các vấn đề về dịch thuật. Than ôi, việc này nói thì ai chả biết nhưng làm được lại là một việc khó như lên trời. Ví như trên blog của Cao Tự Thanh, hay Đông A thỉnh thoảng đề cập các sai nhầm của việc đọc, hiểu, thì thấy rõ.
Suy tư triết lý thì không ai cấm, nhưng định phổ biến với người khác thì phải tự biết coi chừng.
Coi chừng cái gì?
Coi chừng bị mắng cho là "Tao nhã kiểu nhà quê!" như mấy bạn trên Thivien.
Đấy mới là mấy bài thơ thôi nhé.
-------------
(*) Nhớ là chỉ hai chục năm nay ngôn ngữ của chúng ta đã biến đổi rất nhiều đừng nói chuyện nghìn năm. Có thể xem bài về Kiêng huý học trên blog Cao Tự Thanh.
Nhân tiện lại nhớ "nghĩa mới" của từ "tinh vi-vi tính" là do bà béo Minh Vượng nói đầu tiên trong GNCT. Nhưng có lẽ nghĩa này không sống lâu được. Ngôn ngữ tuy võ đoán nhưng cũng không phải là quá tuỳ tiện.
Ngôn ngữ bị lãng quên-Erich Fromm
Cách đọc của NHV có được cái bình tĩnh, tò mò, lật lên lật xuống vô tư của người "ngoại đạo". Cũng phải nói ngay rằng bảo người "có đạo" bình tĩnh và đừng đọc như tác giả nhắn nhủ cũng...khó. Có khác gì việc người khác bảo ta coi tổ tiên ta như một nhân vật văn học rồi phê bình tùy hứng :P
Càng đọc thì lại cũng dễ nhận thấy NHV đứng từ hệ quy chiếu Phật học để cảm nhận và giải thích.
Nếu quả thực chúng ta có ý định tìm hiểu các phân tích về Kinh Thánh nói chung, Cựu ước nói riêng-mà có lẽ sẽ rất thú vị vì nó là xuất phát của các Tôn giáo lớn, sẽ có nhiều cách giải thích khác nhau; cộng thêm với những hệ phái anti-thì sẽ có cả một lịch sử 2 ngàn năm châu Âu để tham khảo. Nhưng nếu có mục đích sưu cầu sự suy tư chân chính thì quan điểm của tôi là chúng ta trước hết phải biết từ bỏ giấc mộng tập đại thành "vạn sự thông" hoang đường đi. Tâm trí phải rộng mở nhưng cần thiết bắt đầu trong một mạch nhỏ nào đó mà trải nghiệm và lý trí của mình được đào luyện tinh thuần rồi con đường sẽ mở ra dần dà. Hãy đọc thật sâu một tác gia nào đó mà mình tín nhiệm-do duyên là chính-đối chiếu với trải nghiệm của bản thân để rồi nỗ lực tự mình suy tư đối chiếu. Khi nào dọ được vết tiến thoái của họ thì ta có thể mở rộng phạm vi tìm hiểu ra. Theo nghĩa đó, một tác gia trung bình cũng có thể giúp ta được nhiều. Erich Fromm đối với tôi là một tác gia như vậy, nhưng tầm mức của ông thì ở trên bậc trung nhiều-trung nhân dĩ thượng.
Trong những tác phẩm của E.F mà tôi biết (*) thì cuốn "Ngôn ngữ bị lãng quên" là cuốn sách có vai trò mấu chốt đối với những kiến thức mà tôi thu lượm được về lĩnh vực Phân tâm học-một lĩnh vực hàm hồ đến nỗi hình ảnh quen thuộc của các nhà PTH là kiểu người có thể đắp lên cả quả núi từ số đất moi ra trong hang chuột :D
Trong tác phẩm này E.F trình bày những quan điểm mấu chốt nền tảng về phương pháp phân tích của ông-vốn được xếp chung vào dòng các nhà PTH kết hợp xã hội học-trên cơ sở phê phán những luận điểm của Freud và đối chiếu với C.Jung. Phê bình những luận điểm của ông trong một bài viết ngắn thì tôi không khỏi quá phận nên ở đây xin tập trung tóm tắt vài luận điểm quan trọng của cuốn sách mà tôi thấy thú vị nhất.
Ngay từ đầu, Freud đã từng nhấn mạnh tính phiêu lưu chủ quan đầy bấp bênh của ngành PTH khi mà đối tượng của khoa này là những hoang tưởng vô hình 2 lần chủ quan (người bệnh, nhà PTH). E.F tiếp tục truyền thống nhấn mạnh điều mấu chốt là mối quan hệ giữa nhà PTH và người được trị liệu-từ bệnh nhân không đúng lắm theo cách hiểu thông thường-đối với các nhà phân tâm học thì đa số người bình thường chúng ta mới là bệnh nhân-là lâu dài và mật thiết. Thậm chí như những mô tả của ông thì ta có thể liên tưởng đến quan hệ Thầy-trò trong Thiền tông. Một mặt người bệnh cần có sự tín nhiệm và tương thông với nhà PTH, một mặt nhà PTH phải vượt qua cái thách thức 2 lần chủ quan để đủ thẩm quyền trong mối liên hệ tinh thần nghiêm mật này. Nói đơn giản khi mà theo quan điểm PTH hầu như cả nhân loại đều có tâm bệnh thì ông ta phải khá hơn! Đọc những tự bạch của Freud cũng như của E.F đủ thấy đời sống tinh thần của các vị khốc liệt dường nào.
Nhà PTH dựa vào điều gì để thông liên với người được phân tích? E.F nhấn mạnh đến khái niệm nguyên khởi của ngôn ngữ: những tượng trưng đến từ những kinh nghiệm nguyên thuỷ-ngôn ngữ của cơ thể. "Con người khác nhau theo một lối giống nhau". Ví dụ những trải nghiệm về "lửa" với đa số nhân loại đều có thể tìm được mẫu số chung là: từ kinh nghiệm trực tiếp về sức nóng đến những ý niệm trừu tượng hơn về sự an toàn, hy vọng, sự đe doạ....đến những trừu tượng bội như "sự thanh tẩy"...Tất nhiên phải xem xét trong bối cảnh địa lý, lịch sử, nhân trắc...để phân biệt sự sai khác vùng miền.
Kế thừa các luận điểm của Freud về vô thức, mặc cảm, chuyển di, liên tưởng tự do...khi quan sát các giấc mơ E.F nhận thấy rằng nó được biểu đạt bằng ngôn ngữ của trải nghiệm và nó giống với ngôn ngữ của Thần thoại, Kinh thánh, đồng dao. Khi mơ, chúng ta không bị ràng buộc bởi các quy luật của không gian và thời gian. Đơn giản là logic của trải nghiệm. Nó khác với sự tưởng tượng lúc thức: chúng ta tưởng tượng là đang bay nhưng ta biết là không phải. Trong giấc mơ đơn giản là ta thấy ta đang bay. Ngôn ngữ của kinh nghiệm là những ấn tượng trực tiếp và không lý giải. Đời sống tinh thần của chúng ta tràn đầy những thứ trừu tượng không thể diễn tả bằng lời: bạn có rất nhiều từ để mô tả 1 chiếc xe nhưng sẽ lúng túng ra trò để mô tả tình yêu của mình. Chúng ta chỉ có thể mô tả một kinh nghiệm bằng một kinh nghiệm từ ký ức vô tận của mình. Giấc mơ, thần thoại, đồng dao do vậy là những mô tả trải nghiệm nên cần được đọc theo ngữ pháp của ngôn ngữ tượng trưng chứ không phải theo những phân tích biểu tượng thông thường.
Trong cuốn sách E.F có trích phân tích một ví dụ về Kinh Thánh trong chuyện Jacob. Những hình ảnh và chi tiết trong câu chuyện là những tượng trưng cho trình tự tăng tiến của sức ép của nội tâm cô độc mà cao trào là việc bị nuốt vào bụng cá voi: bị cách ly hoàn toàn với ngoại giới. Chỉ khi Jacob đối diện với vấn đề của mình thì tình trạng mới được giải quyết (**). Và như vậy nếu ta nhìn bằng logic ngôn ngữ thông thường ta thấy những hoang đường, nếu ta nhìn bằng logic trải nghiệm ta thấy một sự liên tục.
Về những giấc mơ, luận điểm của E.F là: những hình ảnh tượng trưng cho những ấn tượng nội tâm. Nguyên nhân trực tiếp có thể từ một sự kiện nào đó ban ngày và giấc mơ tái tạo ấn tượng đó từ kho ký ức tương đồng vô tận của mình. Nhưng chúng ta chỉ mơ thấy những gì thực sự rất quan trọng (trong vô thức) nên tại sao lại là những hình ảnh ấy mới là điều đáng kể. Có một chìa khoá chung là sự tương đồng về kiểu trải nghiệm: có thể là nỗi sợ, sự lo lắng...nhưng cái ẩn chứa được chuyển di mới là cái cần được phơi mở. Ở đây phải vận dụng những kỹ thuật như liên tưởng tự do, những luận đề về ẩn ức, mặc cảm, chuyển di...để có thể tìm hiểu sâu về cơ chế của mỗi giấc mơ.
Một cách thận trọng và để ngỏ, E.F cho rằng có những giấc mơ phản ánh và có những giấc mơ dự báo-trên một cơ chế cảm nhận tinh vi hơn những quan sát hữu thức thông thường. Từ những gì tôi trải nghiệm, tôi không quan tâm đến tính chất dự báo của giấc mơ mà nhận thấy rằng: tất cả các giấc mơ khi đi đến cuối đường đều là quay về đối diện với những điều mình đã lảng tránh một cách vô thức. Có thể hơi chua chát nhưng quả là chúng ta không cần đắm chìm trong những giấc mơ để khám phá bí mật của con người: hãy sống chú tâm, tỉnh thức và chân thực với chính mình.
------------
(*) Tôi liệt kê danh sách những tác phẩm tôi đã đọc, và có thể mua được bản tiếng Việt ở VN cho các bạn nào quan tâm:
- Ngôn ngữ bị lãng quên
- Phân tâm học và tôn giáo
- Phân tâm học và tình yêu
- Trốn thoát khỏi tự do
- và một vài tiểu luận khác
(**) Bài này viết theo trí nhớ nên những nội dung chi tiết sẽ để dịp khác.
Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009
Ngoại đạo
- Bản chất của những hình thức forum-diễn đàn phổ biến (trừ một số ít rất chuyên sâu trong những lĩnh vực dễ định lượng đúng sai kiểu như về vấn đề toán học hay kỹ thuật) là 1 loại sân chơi để "nhàn đàm"-như Lâm Ngữ Đường từng mô tả trong cuốn "Sống đẹp" (NHL dịch). Tức là nó không nặng về đúng sai bằng việc chia sẻ, khơi gợi và dựa trên sự thông cảm nhau ít nhiều. Không thông cảm được thì sẽ có thành viên ra đi. Nên nói chung rồi một ngày các forum cũng sẽ chìm lắng xuống trong một không khí "cộng thông" nhàn nhạt bạn bầy.
Hiện tượng này theo tôi xuất phát từ đặc điểm của internet: nó hình thành quá nhanh và trước hết là để giao tiếp, chia sẻ thông tin. Nếu người ta thực sự nghiên cứu và tranh luận học thuật thì sản phẩm sẽ là những cuốn sách hay những bài báo trên tạp chí chuyên sâu. Nên lẽ tự nhiên đến với các forum người ta chủ yếu chỉ dừng lại ở hành trang là những ý tưởng cùng những cảm xúc-thường mang đậm tính thất thường của đời sống từng ngày. Hệ quả tự nhiên những người "chơi 4rum" đều đồng ý rằng "để thư giãn"-để lại sau vô số ví dụ về những rắc rối do đồng nhất net với life. Một số ít đủ tự tin thì lui về làm hot blogger. Hot 1 thời gian rồi khăn đóng áo the lên báo lên sách :P
- Một điểm cũng phải nhắc tới nữa là khía cạnh tâm lí của các "công dân mạng"-từ trỏ những người thường xuyên lang thang trên net, tất nhiên là có làm việc :D Người ta đã nhận thấy ở nhóm đối tượng này những biểu hiện vấn đề tâm lí của chứng nghiện: bồn chồn, mất khả năng tập trung, khó kiểm soát cảm xúc...Trong một bối cảnh người ta mặc định phải "cộng thông" mà lại muốn kèm thêm ý định tranh luận-thường lại là những vấn đề to tát vĩ mô (chính trị-tôn giáo-triết lý)-gay gắt nhưng gói gọn trong vài dòng, vài trang thì việc không đi đến đâu là dễ hiểu. Nhất là khi hành trang chỉ là những ý tưởng, luận chứng rời rạc nặng cảm tính.
Quay trở lại với chủ đề tôn giáo. Muốn minh bạch thì phải có một sự rõ ràng về định nghĩa từ đầu. Nếu lấy cơ sở là đức tin (hiển nhiên tôn giáo gắn với đức tin-cho dù nó mang sắc thái và được đưa đến bằng con đường nào) thì thậm chí người ta có thể nói về một tôn giáo mà ở đó người ta "không tin gì". Cho rằng mình không tin gì thì cũng chỉ là một niềm tin mà thôi! Nhưng từ "đức tin", "xác tín"...đến "mê tín" là cả một phổ rất dài. Cơ hồ định nghĩa như trên cái được cũng ngang với những cái mất nếu chẳng may nổ ra 1 cuộc tranh luận giữa các giáo dân.
Nói về đặc điểm tâm lí của những người "có tôn giáo thực sự" Karl Jasper có đề cập đến một đặc điểm-chính ông cũng né tránh cái bẫy logic luẩn quẩn của việc 1 định nghĩa (như trên) không loại trừ cái gì này bằng cách nói "dường như"-là sự phổ biến và tương đồng trong các mô tả về những "trải nghiệm tâm linh" của họ. Một cảm giác "đồng nhất", "hiệp thông", "tràn ngập", "thấu thoát"...vượt qua khỏi giới hạn của nhân ngã nhỏ nhoi (*). (Mô tả tốt nhất cho điều này có lẽ xin giới thiệu cuốn sách của Eckhart Tolle "The power of Now-Sức mạnh của hiện tại"). Bất chấp việc những từ như từ "thẩm quyền" đã bị ô nhiễm khỏi ngữ cảnh tâm linh đến thế nào thì cũng có thể tạm dùng nó ở đây như thế này: Chỉ khi xuất phát từ những thẩm quyền tâm linh như thế, những bàn luận tâm linh-hay tôn giáo, một khái niệm cũng đã bị suy thoái trầm trọng-mới có thực chất và ích lợi. Và những bậc Thầy như Eckhart cũng luôn thống nhất ở một điểm: luôn phủ nhận việc thông điệp chỉ đơn giản nằm trong lời nói hay ngữ pháp của chữ viết. Ngón tay trỏ mặt trăng không phải là mặt trăng. Lĩnh vực tâm linh là lĩnh vực của trải nghiệm. Và việc hoằng đạo là việc khơi mở những trải nghiệm tâm linh tự thân chứ không phải là "rao giảng".
Có điều oái oăm là: một khi đã tự tách mình ra khỏi lĩnh vực cứng nhắc của logic thì sẽ rơi vào cái cảnh huống trớ trêu: mở miệng đã là sai rồi. Bạn sẽ dễ dàng phản công tôi bằng chỉ một câu ngắn ngủi: nói nhiều thế làm gì? Hình như với những người có cùng trải nghiệm họ có thể nhận biết được nhau nên không cần nói. Ví dụ như những mô tả trong cuốn "Thiền trong nghệ thuật bắn cung" (NTB dịch)-một bậc Thầy sẽ nhận ra khả năng của người khác qua động tác giương cung của anh ta. Nhưng những mức độ phân biệt vi tế nông sâu, nghi ngờ, khảo nghiệm, ấn chứng...trong vấn đề trải nghiệm tâm linh này thì Thiền sử cũng tràn ngập các câu chuyện ví dụ.
Đến đây mới nhận thấy cách phân chia định vị khái niệm "Tôn giáo" như của Erich Fromm trong cuốn "Phân tâm học và Tôn giáo" là có ích lợi nhất-cho những người có ý định tìm hiểu nội tâm mình: mình có tôn giáo không? Tôn giáo nào?
E.F phân biệt tôn giáo thành 2 loại: Tôn giáo chối bỏ tiềm năng nhân bản cuả con người để thừa nhận những thẩm quyền phi lí và thứ Tôn giáo tin vào thứ thẩm quyền duy nhất là thẩm quyền của chính bản thân con người tiềm tàng bên trong mỗi cá nhân. Và như vậy, con đường đúng đắn là con đường tự soi vào chính nội tâm mình, không tìm kiếm đâu xa ngoài chính bản tâm mình.
Ở VN người ta hay dùng từ "ngoại đạo" để chỉ kẻ không trong lĩnh vực, tôn giáo với mình. Tuỳ từng tôn giáo mà có thể là những kẻ từ bàng quan đáng thương hay thậm chí là "phải đoạ địa ngục". May mà chúng ta chưa gặp mấy bạn Hồi giáo kiểu Thái Lan cho mình cái quyền chặt đầu người khác! Một lần tôi đọc 1 tài liệu cố gò cái nghĩa "ngoại đạo" thành ra là "đạo tìm kiếm ở bên ngoài" để đối lập với con đường của Phật giáo "đạo tìm ở trong chính mình"-Đạo nội. Tôi không am tường Hán văn nhưng cảm thấy việc gán ghép này không theo ngữ pháp thông thường. Vả lại nói rốt ráo, chân tâm linh nào chẳng phát xuất từ bên trong? Nhưng khi theo dõi những tranh luận về tôn giáo, tôi thường nhớ đến từ "ngoại đạo" như là một phản nghĩa của cái cảm giác thiếu vắng những trải nghiệm tâm linh đích thực. Sinh ra trong một tôn giáo đâu có nghĩa là sẽ sống tâm linh trong tôn giáo đó? Chẳng phải Phật, Jesu, Mohamed...đều như thế sao. Và con đường nội tâm là con đường bấp bênh gian nan khắc khoải sinh tử quan đầu chứ có phải thứ quà tặng dễ dãi được ban phát trưởng giả, phách lối đâu.
Đời sống nội tâm và ngoại cảnh bồng bềnh
Đều như cây cầu khỉ đối với người mù
Mà kẻ dẫn đường tốt nhất là tinh thần quyết vượt
(Bạch Ẩn Huệ Hạc)
---------------
(*) Thực ra cái nhu cầu hiệp nhất, cảm thông, đồng nhất hoá, trở về với bản lai...vốn là xuất phát điểm chân thực, suối nguồn duy nhất của đời sống tinh thần và không phải độc quyền của riêng Tôn giáo. Mọi Triết lý nói chung đều xuất phát từ đấy. Bởi "Khổ", "Bất An", "cảm thức chia cắt", "những câu hỏi về vô hạn, toàn thể", "mong muốn dự đoán được, kiểm soát được"...là cái SỰ THẬT thứ nhất, căn bản và hiển nhiên của mọi thân phận con người trong mọi thời đại.
Thường xã hội quy ước cứ 18 tuổi thì có quyền công dân, 30 tuổi ở phương Đông là lập thân, lập chí. Nhưng không đơn giản như vậy: người ta có quyền không đồng nghĩa với có khả năng. Các nhà Phân tâm học nhận thấy một cách có phần chua chát rằng về mặt tâm lí, đại đa số nhân sinh mắc kẹt lại ở khoảng tuổi 16 mà không lớn thêm được bao nhiêu suốt chặng đời còn lại. Nhưng cũng phải thôi, làm bất cứ việc nhỏ nhoi nào cũng phải học nhưng có đại sự nhân sinh lớn nhất thì tuyệt đại đa số lại học không được bài bản lắm.
Một cách hình ảnh, nếu mỗi một chu trình hoài thai của một sinh linh đều lặp lại hình ảnh tiến hoá của loài thì sau khi sinh ra cũng vậy: người ta bắt buộc phải đi lại bằng đấy đoạn trường để trưởng thành. Để trở thành "người_thật_là_người" như cách Nhượng Tống dịch chữ "chân nhân" của Trang Tử. Và trên con đường này, một cách cá nhân, tôi cho rằng bản sắc là thứ tầm phào, không cần phải cố.
Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009
Scenes from the recession
As new home sales and housing starts hit record lows, empty lots, partially constructed homes and abandoned ones are seen in a subdivision on January 30, 2009 near Homestead, Florida. Prices in November of 2008 declined 8.7 percent from a year earlier, the biggest drop in records going back to 1991, the Federal Housing Finance Agency reported. (Joe Raedle/Getty Images)
Link lấy từ tathy.
http://www.boston.com/bigpicture/2009/03/scenes_from_the_recession.html
Công nhận trông bão táp thật.
Mười phút trước nửa đêm
Phiêu bồng như thể thệ như phiêu
Lạc diệp tòng thu thuỷ thuận triều
Anh giận bà trời sương bách bội
Em thù mặt đất mộng nguyên tiêu
Cái gì như thể xuân đi mất
Ký ức xuân đầu đất nướng thiêu
Quay quắt có chừng em chóng mặt
Bình minh tan rã giữa sương chiều.
(BG)
Hôm trước tự nhiên muốn đọc lại "Những bài thơ không bình một mình". Có một cái gì đó đang ngày càng khô cạn đi. Có phải là tình thương không? Tình thương của tuổi trẻ cao vọng. Những bài viết từ thuở ban đầu. Dè dặt, thân mến và trang trọng. Những lỗi font cũng lấm tấm như bụi trên trang giấy, phải lần giở và ngó coi.
Có những bài thơ không phải lúc nào cũng cảm được. Nhưng bỗng đâu, có thể một chốc lát nào đấy ta đột nhiên đứng giữa nó-một khu vườn yên lặng. Như lúc nọ, tôi thấy mình có thể cảm được bài thơ "Mời trầu" của Hồ Xuân Hương, theo một cách của riêng mình. Một điều gì đó như là nội lực, là cái hoài vọng còn mãi trong lòng người ta từ khi còn trẻ; không chịu để ba đào làm xao xác. Tuổi ba mươi nhìn cuộc đời vừa rộng vừa hẹp. Đôi khi buồn, ngồi ngó quanh trơ trọi. Tất thảy đều như thế sao? Thấy thương mình thương người ngày càng xơ xác chua chát. Thấy mến phục những nghị lực và sức sống lặng lẽ đầy tình thương tiềm tàng trong những trải nghiệm trơ đáy đời thường.
Khung cảnh thật hẹp, thật tối thiểu. Những lời tưởng như không còn có gì hàm chứa được nữa. Làm sao để không chao chát, khinh mạn? Làm sao đi quá sa mạc hư vô? Đấy có lẽ là khi ta chân thực và lặng lẽ đi quả quyết qua những xao xác, để lại đó khu vườn nhỏ - Không hoài niệm, không hối tiếc những chân thành đã trao?
“...Brice Parain thường cho rằng tập sách nhỏ này đựng trọn hết mọi điều tốt đẹp nhất tôi đã viết ra. Parain lầm. Biết rõ lòng chính trực của ông, tôi không bảo vậy do sự áy náy của người nghệ sỹ đứng trước những kẻ đã cả gan chuộng dĩ vãng hơn là hiện tại của mình. Không, ông lầm là bởi ở tuổi hai mươi hai, trừ phi là thiên tài xuất chúng, người ta chỉ biết bập bẹ viết văn.
Nhưng tôi hiểu rõ Parain muốn nói gì. Ông vừa là kẻ thù uyên bác của nghệ thuật, vừa là nhà triết học nghiên cứu lòng trắc ẩn. Ông muốn nói rằng, và như vậy là chí lý, trong mấy trang sách vụng về này, có hun đúc nhiều tình thương hơn là trong những trang sách kế tiếp về sau của tôi.”.
Albert Camus - Tiểu luận: Giao cảm - Bề trái bề mặt. Tựa.
Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009
Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Tạm dừng dự án "Trung tâm thương mại" sân Con Voi.
http://vietnamnet.vn/xahoi/2009/03/838042/
1- Lần này phải đồng tình và bày tỏ ủng hộ với ông chủ tịch mới được. Câu hay nhất chứng tỏ ông Thảo là người dân trong ngành cùng tổ tò vò với giới đầu tư dự án là yêu cầu lấy ý kiến bằng "phương pháp khoa học". Việc này trước đây tôi cũng định phản ánh khi đọc nội dung lấy ý kiến của dự án "Thành phố bên sông Hồng" của Hàn Quốc. Lấy ý kiến bằng phiếu điều tra là một phương pháp thu thập thông tin của ngành xã hội học. Chỉ cần phân tích 1 chút là sẽ cho thấy rõ việc chọn mẫu điều tra và cấu trúc bảng hỏi có thực sự nghiêm túc theo tinh thần khoa học khách quan không hay chỉ là 1 cách thao túng dư luận. Việc này những bạn nào đã từng chạm với những bài phỏng vấn của các phóng viên chắc rõ nhất.
2- Chi tiết ông chủ tịch bình luận "tổ trưởng tổ dân phố thì vẫn là ta; Chủ tịch Mặt trận, Trưởng ban dân vận vẫn là ta; bộ tứ ở địa phương vẫn là ta, chứ không phải là dân - phải có đại biểu của nhân dân mới được" thật thú vị. Nhưng nó cũngthể hiện sự nhạy cảm chính trị của đồng chí chủ tịch còn chưa tinh tế lắm. Đây là lần đầu tiên thấy một Uỷ viên TW Đảng, một quan chức của CQ thừa nhận rằng "bộ tứ kia vẫn là ta"! Không khéo bài báo này lại sắp bị sửa.
3- Việc chính quyền Quận Đống Đa báo cáo lý do là "thiếu chợ dân sinh, dân phải sang bên kia đường Phạm Ngọc Thạch" là nguỵ biện và chứng tỏ thực chất của cái gọi là "lấy ý kiến nhân dân" của chính quyền địa phương này. Ngay gần khu Trung Tự còn có 1 chợ dân sinh khác không những đông đúc mà giá cả cũng rất phải chăng là chợ trong khu Nam Đồng. Nhiều người dân ở bên khu Kim Liên thậm chí vẫn "phải sang đường Phạm Ngọc Thạch" để đi chợ này là đằng khác.
4- Lý luận QH đô thị gần đây cho thấy tuy càng ngày càng thể hiện tính thiếu chính xác của những dự báo ở quy mô đô thị thì cũng ngược lại cho thấy rằng thứ duy nhất ổn định và ngày càng rút ra được những bài học kinh nghiệm cụ thể cho tổ chức dân cư đô thị chính là các "đơn vị ở bền vững"-những hạt nhân của quá trình QH đô thị nói chung. Khu Trung Tự là một trong các khu ở được QH theo lý luận của LX trước đây, lấy các hạ tầng công cộng phục vụ nhu cầu thường ngày của dân cư làm lõi trung tâm như trường học, chợ...lấy bán kính đi bộ làm cơ sở xác định quy mô cho tới ngày nay tuy có vài điều chỉnh nhưng vẫn chứng tỏ tính hợp lý của nó. Những việc cơi nới, chất thêm tải vào khu vực này đã là vấn đề lịch sử nhưng nếu những người quản lý hiện nay lại tiếp tục coi như không biết để tiếp tục tham lam chất thêm tải vào khu vực thì thực là ấu trĩ và vô trách nhiệm.
Vấn đề này cũng chính là vấn đề để phản biện các dự án cải tạo chung cư cũ hiện nay. Nếu chấp nhận việc tăng tầng cao thì đồng nghĩa với sự quá tải của không gian và hạ tầng kỹ thuật khu vực này. Nếu không chấp thuận thì dự án sẽ thiếu khả thi về kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Nhưng các nhà đầu tư và chính quyền cơ sở thì cũng có cách để lách luật và một loạt các dự án "thí điểm" ra đời. Chỗ nào mặt đường lớn sẽ được thí điểm trước. Việc khác để đời sau lo.
5- Có thơ rằng:
Hoan hô ông kiến trúc sư
Kiêm chủ tịch tỉnh về từ Bắc Ninh
Ông về dẹp đống thối inh
Con Voi mai lại chình ình giữa sân...
hehe :P
Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009
Bài học lịch sử
Tỉnh giấc mê thường hoang mang, sau cơn say là hối tiếc. Việc tìm cách định vị mình trong 1 bản sắc (cho dù là ảo ảnh) nối dài với một nguồn cội là cách tự nhiên và cần thiết cho từng cá nhân cũng như với 1 xã hội, nhất là trong thời khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng giá trị hiện nay. Nhưng trên cái bình diện rộng lớn về quy mô, phong phú về kiểu loại hoạt động "về nguồn" lại thấy cồm cộm lên một cảm giác: tất cả lại giông giống nhau về cách thức-vá víu và làm lấy được.
Khi thực hiện các dự án có liên quan đến yếu tố văn hoá thường thì khâu khó nhất chính là thông qua hội đồng phản biện. Văn hoá có cái oái oăm là ai cũng cảm thấy mình có quan niệm, có quyền và có khả năng trình bày về nó, dầu ít dầu nhiều. Không vượt qua được thì sẽ thành đẽo cày giữa đường. Một cách tự nhiên các dự án về đề tài này đều bộc lộ rất hiển nhiên và mạnh mẽ cái nhu cầu khẩn thiết (một cách thầm kín) về một sự "xác tín có tính chất quyết định luận về văn hoá".
Nhu cầu về một viễn tượng văn hoá huy hoàng, có trước có sau, lớp lang, tầng bậc này càng khẩn thiết hơn nữa khi cần phải triển khai các luận điểm văn hoá thành các chủ thể vật chất không gian như trong các dự án du lịch văn hoá. Cách dễ dàng và thuận tiện nhất chính là một kiểu chiết trung thập cẩm. Bất cứ cái gì thuận tiện cho mục đích khai thác mà lại mang màu sắc văn hoá đều sẽ được huy động.
Có thể điểm ra 3 đại dự án đại diện cho 3 miền: phía Nam có "Lạc cảnh Đại Nam văn hiến", ở miền Trung có "Trung tâm du lịch tâm linh Quán Thế Âm", ngoài Bắc thì phải kể đến "Khu văn hoá tâm linh núi chùa Bái Đính". Một đặc điểm chung dễ thấy của các dự án này là: lấy to lớn, duy nhất để trấn áp, tập đại thành để hấp dẫn đại chúng và đồng nhất với vai trò đại diện quy mô quốc gia.
Will Durant đã đúng khi nhận rằng cần có tôn giáo để đạo đức là một nghĩa vụ chứ không phải một toan tính hơn thiệt. Việc chọn mẫu ví dụ chỉ là ngẫu nhiên nhưng cũng phải nhận rằng cả nhà nước và nhân dân đều đang về nguồn; bằng cách đó nhân dân thấy được an ủi và nhà nước được lợi từ việc lồng ghép sự tuân phục của quần chúng với sức mạnh nhiếp dẫn từ những tục lệ văn hoá xa xưa. Nói cách khác, có thể là vô tình, cảm thức bầy đàn đang được khơi dậy theo một cách mới. Nó khiến mọi người vô thức đều hướng tới và lựa chọn những tập đại thành về văn hoá, phong phú và cổ xưa bất kể nó có vá víu hay không: cái cần là làm phải (lấy) được.
Vậy có thể bỏ qua tiểu tiết để ước lượng một viễn cảnh xa hơn mà thử đặt câu hỏi: nói cho cùng, một cách thực dụng, cách mà xã hội đang vận động như thế có đem lại một hệ quả nào "hấp dẫn" không?
Có thể "cùng tắc phản", sẽ lại xuất hiện những xu thế phản tỉnh mà có thể kể một bài báo về "Thiều Chửu-nhân vật Phật giáo xuất chúng" là một ví dụ cho tinh thần tương phản với các ví dụ tôn giáo kể trên kia.
Có thể khối đại đoàn kết được củng cố-một ngày nào đó tất cả các sắc dân thấy việc xây dựng hàng loạt các Đền thờ Hùng Vương là bình thường. (Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Ai thành công? Thành công cái gì?)
Nhưng có qủa thật là một khối mê sảng được dẫn dắt khôn khéo là tốt hơn một đám đông tranh cãi liên miên? Có điều gì cố kết được đám đông kia thành "một khối" bền vững không? Tôi nghĩ là có. Nếu mỗi cá nhân đều thức tỉnh, được giáo dục và cùng nhau nuôi dưỡng cái tinh thần đã sáng tạo nên văn hoá nhân loại. Theo Will Durant thì tinh thần sáng tạo ấy cần có những điều kiện này: Khi sự sợ hãi được khuất phục, lòng hiếu kỳ và tính xây dựng được tự do, và con người bước qua khỏi xung lực tự nhiên để tiến tới sự hiểu biết và và tô điểm đời sống.(1) Cái chúng ta thiếu và cần hướng tới trong câu chuyện "về nguồn" này chính là những tâm thế biết hoài nghi phản tỉnh, ngay cả sau những nỗ lực tìm kiếm chân thành và hùng vĩ nhất chứ không phải một ảo tưởng về nguồn cội huy hoàng, thiêng liêng và cổ xưa-"tận mấy nghìn năm".
Khi bàn về sử gia Will Durant học giả Nguyễn Hiến Lê đã có lần nhận xét đại ý "Một người đã dành cả đời để soạn lịch sử nhân loại thì dù muốn hay không cũng đã có cái nhìn của triết nhân". Để kết thúc, không gì tốt hơn là nghe chính sử gia có tinh thần triết nhân này bày tỏ về tâm trạng hồ nghi của mình khi nhìn lại toàn cảnh lịch sử nhân loại:
Sử gia, khi làm xong một công việc nghiên cứu nào rồi, thường tự hỏi câu này: công lao khó nhọc của mình có cống hiến được chút gì không? Hay là mình chỉ tìm thấy được cái thú kể lại những thăng trầm của các dân tộc, các tư tưởng, chép lại những “truyện buồn về cái chết của các vua chúa”? Mình đã hiểu bản tính con người hơn những người thường chưa bao giờ đọc một trang sách nào không? Lịch sử có giúp mình hiểu thêm được thân phận con người không, có hướng dẫn mình trong sự phán đoán và hành động không, có chỉ cho mình cách đối phó với những sự bất ngờ trong đời sống hoặc những nỗi phù trầm của thời đại không? Trong sự liên tục của các biến cố, mình có tìm được những nhịp điệu đều đều giúp mình tiên đoán được những hành động sau này của nhân loại hay vận mạng của các Quốc gia không? Hay là rất có thể, rốt cuộc, “lịch sử chẳng có ý nghĩa gì cả”. Chẳng dạy cho ta được gì cả, mà thời dĩ vãng mênh mông chỉ là một chuỗi dài chán ngắt gồm những lỗi lầm sau này sẽ tái hiện nữa một cách đại qui mô hơn?
Đôi khi chúng tôi có cảm tưởng đó mà đâm ra hoài nghi. Trước hết, chúng ta có biết thực sự dĩ vãng ra sao không, cái gì đã thực sự xảy ra không, hay là lịch sử chỉ như “một ngụ ngôn” không hẳn ai cũng “chấp nhận”. Bất kì là về biến cố nào, sự hiểu biết của chúng ta về dĩ vãng luôn luôn thiếu sót và có phần chắc là sai lầm nữa: Nó dựa trên những chứng cứ hàm hồ, khả nghi của những sử gia thiên kiến, và có lẽ nó còn chịu ảnh hưởng những ý kiến chính trị hay tôn giáo của chính ta nữa. “Phần lớn lịch sử là những điều phỏng đoán, phần còn lại là những thành kiến”. Ngay một sử gia tự cho rằng mình đã vượt được những thiên kiến về xứ sở, chủng tộc, tín ngưỡng hoặc giai cấp, cũng để lộ những thiên ái thầm kín của mình trong cách lựa chọn tài liệu và dùng hình dung từ. “Sử gia luôn luôn đơn giản hoá quá mức (các biến cố) và trong các đám đông tâm hồn và biến cố phức tạp mênh mông không làm sao bao quát được, ông ta đành phải vội vàng lựa chọn một số nhỏ sự kiện và nhân vật dễ sử dụng, trình bày”. (2)
---------
(1)-W.D, "Văn minh là gì?"
(2)-W.D, "Bài học lịch sử"
Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009
Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2009
Entry for March 06, 2009
Hào sảng.
Từ điển Tiếng Việt 2005 giảng là "thanh thoát, không gò bó" có vẻ không sát nghĩa-nhất là nghĩa thanh thoát trong ngữ cảnh tiếng Việt. Tra trong từ điển Thiều Chửu có chữ Hào trong bộ Thỷ có vẻ hợp nghĩa. Hào trỏ người có năng lực, ý khí hơn người. Cũng trỏ tính khoát đạt rộng rãi. Cũng có 1 chữ Sảng có nghĩa khoát đạt rộng rãi. Trong tiếng Việt từ lâu tôi cũng hiểu chữ "hào sảng" theo nghĩa là "tính tình hành động khoát đạt, rộng rãi, hàm ẩn tố chất có điểm hơn người, đáng trọng".
Kết bạn chỉ mong gặp người hào sảng. Có điều thực có cốt cách hào sảng thường cần phải tự biết mình và tự trọng mình. Rồi ra là biết người trọng người. Nếu không thì chỉ là bắt chước vẻ ngoài phóng túng rông càn. Vấp phải sự đời là ngơ ngáo đến tệ.
Thứ Tư, 4 tháng 3, 2009
Từ: Niệm Nô Kiều-Tô Đông Pha
Lãng đào tận thiên cổ phong lưu nhân vật.
Cố lũy tây biên,
Nhân đạo thị Tam Quốc Chu Lang Xích Bích.
Loạn thạch băng vân,
Kinh đào liệt ngạn,
Quyền khởi thiên đôi tuyết.
Giang sơn như họa,
Nhất thời đa thiểu hào kiệt.
Dao tưởng Công Cẩn đương niên,
Tiểu Kiều sơ giá liễu,
Hùng tư anh phát,
Vũ phiến cân luân.
Ðàm tiếu gian,
Cường lỗ hôi phi yên diệt,
Cố quốc thần du,
Ða tình ưng tiếu ngã tảo sinh hoa phát.
Nhân sinh như mộng,
Nhất tôn hoàn lỗi giang nguyệt.
Sông dài băng chảy,
Sóng cuốn hết thiên cổ phong lưu nhân vật.
Lũy cũ phía tây,
Người bảo là Xích Bích thời Chu Du Tam Quốc.
Ðá loạn sụt mây,
Sóng gầm vỗ bến,
Cuốn lôi ngàn đống tuyết.
Núi sông như vẽ,
Một thời ít nhiều hào kiệt.
Nhớ Công Cẩn thời đó,
Tiểu Kiều khi mới cưới,
Anh hùng tư cách,
Quạt lông khăn là.
Lúc cười nói,
Giặc mạnh * tro bay khói hết.
Cố quốc hồn về,
Ða tình chắc cười ta tóc đà sớm bạc.
Ðời người như mộng,
Chén này để tạ trăng nước.
Dịch thuật Nguyễn Hiến Lê
Chú thích:
* Trỏ Tào Tháo.
Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009
Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009
Bài thơ "Du Long môn Phụng tiên tự" của Đỗ Phủ
Bài "Đi chơi ở chùa Phụng Tiên"
Đã đi chơi đất Phật
Lại đến nghỉ cửa chùa
Gió vang reo khe mát
Trăng rừng dọi bóng thưa
...
...
Muốn nghe tiếng chuông sớm
Để hiểu lẽ sâu xa.
Cái mình đồng cảm là cái tứ trống vắng, đã qua, rời xa nhưng di âm còn mãi trong tâm thức. Đặc biệt là cách tạo ra độ chênh của văn bản trong tương quan giữa nội dung bài thơ và cái tên của nó.
Khi muốn tìm nốt 2 câu luận thì không sao tìm được bản dịch tiếng Việt nào. Chữ Hán thì mình không biết, chỉ thỉnh thoảng mày mò tra từ điển Thiều Chửu nên đánh bạo nhờ bác Đông A tìm và giảng giúp. Một phát ra ngay như thế này:
Du Long môn Phụng Tiên tự-Đỗ Phủ
Dĩ tòng chiêu đề du
Cánh túc chiêu đề cảnh
Âm hác sanh hư lại
Nguyệt lâm tán thanh ảnh
Thiên khuyết tượng vĩ bức
Vân ngoạ y thường lãnh
Dục giác văn thần chung
Linh nhân phát thâm tỉnh.
Bác Đông A có giảng qua về 2 câu 5-6 nhưng mình vẫn chưa thấy rõ ý. Sau nghi nghi mới tìm thông tin về Phụng Tiên Tự. Hoá ra là danh thắng hang đá Long Môn ở Lạc Dương và chùa Phụng Tiên là chùa hang lớn nhất có pho tượng Phật Lư Sá cao 17m rất đẹp từ thời Đường-thời ông Phủ. Tra lại từ điển thì mới hiểu câu "Thiên khuyết tượng vĩ bức" thì chữ "khuyết" là cái cửa-Long Môn là chỗ 2 vách núi dựng đứng 2 bên bờ con sông Doãn Hà làm thành hình thế như cái then cửa. Và tiếp theo câu "Vân ngoạ y thường lãnh" là trỏ vào các bức tượng Phật khổng lồ trên vách đá. Xem giảng chữ trong từ điển thì chữ "vĩ" để trỏ mọi đường ngang mà chữ "ngoạ" thì phàm cái gì nằm ngang đều gọi là "ngoạ". (Các chữ này có nhiều đồng âm, dòm mãi mới ra chữ nào nghĩa nào, toét cả mắt).
Và như vậy cả bài thơ là bố cục chạy đi chạy lại giữa hiện tại-quá khứ. Từ tên bài thơ đến những câu mở đầu đều có vị nhàn nhạt, xa vắng. Hai cặp 3-4 và 5-6 thật đối chọi nhau: nếu 2 câu trên trỏ cái không khí, cái khoảnh khắc hé lộ của hư không khi chạm vào những thứ cũng hư hao là ánh trăng rừng thì 2 câu dưới không nói rõ mà gợi đủ cái cảnh 1 con người đơn độc lẳng lặng đứng trước cổng trời hùng vĩ trong ánh trăng đêm quyện mây lạnh. Sương khói lạnh áo ai?
Haizz...hay cho chữ "muốn":
Dục giác văn thần chung
Linh nhân phát thâm tỉnh.
Là buổi sáng hôm đó hay tàn đêm hôm nay?
Muốn nghe tiếng chuông sớm
Để hiểu lẽ sâu xa.
-Hôm nay, giờ này thì thực ra đã hôm qua, là Nguyên Tiêu-
Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2009
Bên cạnh đúng-sai
-----------------
Suy nghĩ bất chợt về nghệ thuật
Nghệ thuật, cốt yếu ở chỗ tái tạo cảm xúc và bắt đầu từ cảm tính. Không hẳn ý nghĩa đến sau mà có vẻ nó đến trong nhập nhằng. Khi xem 1 vũ công khiêu vũ trên băng thì cảm hứng mỹ cảm đến trước hết với tôi. Nhưng cũng có thể vì tôi chưa am hiểu và có kinh nghiệm về kỹ thuật của bộ môn này. Lại là nói về sự đào luyện. Rõ ràng những người có kinh nghiệm luyện tập trong 1 bộ môn nào đó sẽ thường có khả năng cảm nhận tinh tế hơn về bộ môn đó. Phải chăng ngay cả xúc cảm thẩm mỹ cũng chỉ quy về việc "tập và quen" trong 1 ngữ cảnh văn hoá nhất định?
"Mọi sự miêu tả cảm tính bất kỳ một vật thể sống hay hiện tượng nào từ giác độ trạng thái cuối cùng của nó, hay là dưới ánh sáng của thế giới tương lai, sẽ là tác phẩm nghệ thuật.” - Soloviev.
Dụng học của tri thức tự sự
Dưới hình thức 1 Báo cáo thẩm định nhưng sự thực thì cuốn "La condition Postmodern"/Hoàn cảnh hậu hiện đại-của F.L có tính chất như 1 đề cương lớn cho những ai muốn tìm hiểu những điều ông đã thực sự phát biểu trong những dòng giản lược. Nhưng hễ có thân phận con người thì thảy đều có quyền triết lý (K.Jasper), cuốn sách vạch ra những khía cạnh căn bản của 1 tổng thể tri thức thời đại (1979).
F.L tiếp cận vấn đề bằng k/n "các trò chơi ngôn ngữ" (ngữ dụng học, Wittgenstein hậu kỳ-theo BVNS) và nếu chấp nhận sự tiếp cận này thì sẽ đi cùng ông đến các khái niệm về "tri thức tự sự", "tri thức khoa học", "phát ngôn sở thị", "nhận thức"...Theo cách này tôi thấy rõ ràng hơn khi nhìn lại câu chuyện về "học lệch" rất phổ biến ở VN (mà trong 1 entry của chị HY có đề cập đến-trong câu chuyện với con trai). Bản thân tôi cũng có những kinh nghiệm khá sâu sắc với chuyện này. Từ hồi cấp 1, các giáo viên trường tôi luôn vận động các học sinh khá giỏi rằng "học năng khiếu là học lệch".
Bệnh thành tích của GD địa phương đã sáng tạo ra những giải pháp chiết trung tiện lợi: chúng tôi thường tham gia "thi hộ"-"thi cùng" với các đội tuyển của trường NK. Coi như là học sinh của cả 2 trường. Càng học lên thì tâm lý "môn chính-môn phụ" càng nặng nề. Lễ, Tết theo đó cũng có nặng nhẹ khác nhau. Còn nhớ năm lớp 7, cô giáo Sinh và thầy giáo Hoạ có phê phán công khai chúng tôi trước lớp về tâm lý này. Ông thầy có nói 1 câu "sau này ra đời chưa chắc các em sẽ sống bằng kiến thức Văn, Toán. Rất có thể là Nhạc, Hoạ. Lúc đó hãy kiểm nghiệm lại lời tôi.". Điều này kể cũng có tác dụng phản tỉnh và cuộc sống về sau cũng cho những phản tỉnh thường xuyên.
Nhưng có 1 điều canh cánh mơ hồ thường trực là cảm giác hình như câu chuyện có cái gì đó lệch dòng, chệch choạc khi tri thức được phân chia thành các ngăn riêng rẽ. Sau này lại thấy thêm 1 cái gì đó chệch choạc hơn nữa khi mọi thứ (chủ yếu ở VN) đều tìm cách hợp thức hoá bằng mấy chữ "có tính khoa học". Ngay cả các ngành nhân văn cũng tìm cách "khoa học hoá" bộ môn của mình. Xa hơn nữa thì là câu chuyện lược quy chân lý vào Logic hình thức. Định lý bất toàn của Kurt Godel trong Toán học thường được viện dẫn trong nhiều diễn ngôn phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong mục 6 "Dụng học của tri thức tự sự", Lyotard phân biệt các khái niệm "nhận thức", "tri thức", "khoa học" đồng thời bàn về các hệ tiêu chí khác nhau. Theo L, "tri thức không đồng nhất với khoa học, đặc biệt dưới dạng hiện nay của nó" và "tri thức nói chung không quy về khoa học và thậm chí về nhận thức". Để hiểu rõ điều này cần nắm được cách định nghĩa của Aristote về "sở thị": "Mọi lời nói đều biểu thị cái gì đó, nhưng không phải mọi lời nói đều là sở thị. Chỉ là sở thị cái mà có thể nói về nó là đúng hay sai. Nhưng, điều này không phải bao giờ cũng làm được: chẳng hạn lời cầu nguyện là một lời nói nhưng nó không đúng không sai" (Péri herménèias; 4,17a)-(dẫn theo sách).
Nhận thức, do vậy, được giới hạn bằng tiêu chí "có thể qui về đúng sai". Khoa học là tập con của nhận thức. Nó kèm theo 2 tiêu chí là đối tượng mà chúng phản ánh phải dễ đệ qui, và do đó, phải ở trong hoàn cảnh được quan sát rõ ràng; hai là có khả năng quyết định mỗi phát ngôn này là thuộc về hay không thuộc về 1 ngôn ngữ mà giới chuyên gia cho là thích đáng.
Nhưng tri thức thì dù tất nhiên là phát ngôn sở thị nhưng nó được trộn lẫn vào những ý tưởng về tri thức-làm, tri thức-nghe, tri thức-sống...Nó vượt ra ngoài việc xác định và áp dụng tiêu chí chân lý duy nhất. Còn có những tiêu chí về tính hiệu quả (nhân tiện-Bàn về tính hiệu quả; F.Jullien), sự công bằng (Xác lập cơ sở cho đạo đức-F.J) và/hay hạnh phúc, vẻ đẹp của âm thanh/màu sắc..."Tri thức là cái làm cho ai đó có năng lực nói ra được những phát ngôn sở thị "hay", cũng như phát ngôn mệnh lệnh hay lượng định "tốt"->Tri thức cho phép thu được những thành tựu "tốt" về nhiều đối tượng của diễn ngôn: để hiểu biết, quyết định, đánh giá, thay đổi...
Đặc điểm chính yếu của tri thức, do đó, vẫn theo F.L: nó trùng với 1 sự "đào luyện" bao trùm nhiều thẩm quyền: nó là hình thức duy nhất được hiện thân trong một chủ thể, và chủ thể này là 1 tập hợp gồm nhiều loại thẩm quyền khác nhau cấu tạo nên nó. (sdd, tr105)
-------------
Phản tư
Khi xuôi chiều nhận thức thì không có vấn đề gì, nhưng tôi thường có cảm giác truyền thống tư tưởng Phương Tây không thể tách khỏi ảnh hưởng của cái tinh thần "Lời làm nên xác thịt" trong Cựu Ước. "Khởi đầu là Lời.".
Thứ Năm, 5 tháng 2, 2009
Thứ Tư, 4 tháng 2, 2009
Mặc khí và sự chuyển biến trong thư pháp của Tesshù
(Theo cuốn Thư pháp&Thiền-Nguyễn Bá Hoàn)
Thứ Ba, 3 tháng 2, 2009
Sự phản tỉnh
Phản tỉnh không đơn giản chỉ có nghĩa là "suy ngẫm về" (to reflect on, một việc thường đến muộn, có khi quá muộn, khi mọi sự đã rồi), mà còn là ý thức phê phán tức thời về một việc người ta đang làm, đang nghĩ hay đang viết. Tuy nhiên, bởi người ta không thể làm bất cứ việc gì một cách ngây thơ trong một thời đại đã đánh mất sự ngây thơ như thời đại chúng ta, sự phản tỉnh có thể dễ dàng biến thành tự ý thức mang tính mỉa mai châm biếm, sự trâng tráo chua cay, hay tính đạo đức giả phải đạo về chính trị.
(Nhập môn Chủ nghĩa Hậu hiện đại-R.Appignanesi, C. Gattat, Z. Sardar, P. Curry-Trần Tiễn Cao Đăng dịch, BVNS chú giải, tr73)
------------
Hôm trước lúc viết về tâm thức phản tỉnh trong từng ý niệm, tôi không nghĩ đến đoạn này mà xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân. Nhưng có vẻ rõ ràng là ý thức tự trào chua cay-sự tha hoá của tinh thần phản tỉnh-đã trở thành hiện tượng phổ quát chung của thời đại.
1 ví dụ nhỏ: ở thời bây giờ nếu chàng trai nói "Anh yêu em suốt đời" thì cô gái sẽ rất có thể nói "Trong bao lâu?"! Thế đấy, bây giờ nếu chàng diễn viên mà đưa tay lên mũi ngửi và nói "Đây là mùi hương tuyệt diệu của nàng" thì khán giả sẽ cười ồ lên dù ai cũng biết là chàng đã để quên bông hoa hồng đạo cụ ;)
-------------
P/s: Bạn Lê comment giả nhời nội dung entry trước thế này:
Những nhận định của Tung H đều đúng, phù hợp với bố cục tâm lý của bạn.
Không có thứ tính thơ tuyệt đối. Chỉ có tính thơ tương đối cho từng bố cục tâm lý.
Phê bình thơ không phải để hay, và chưa chắc đã đúng :)
Thực là ngón phím nhanh nhẹn. Comment hay!
Thứ Hai, 2 tháng 2, 2009
Hữu bằng tự viễn phương lai...
...bất diệc lạc hồ?
Ngày Tết lên, có internet, mở máy ra run run bóc từng cái comment với lại message mà như sống lại cái thời mở phong bao lì xì. Ai bảo "nhi lập" rồi thì không thích lì xì nhỉ :P
Xin cảm ơn sự ghé thăm của tất cả các bạn. Trân trọng accept 4 bạn mới. Chỉ riêng sự kiện có bạn để private only mà vẫn invite đủ biết các bạn quý mình đến thế nào mới ra mặt ;) Còn bạn Moonie thì mình cũng có để blog của bạn trong FL nhưng vì chốn anh tài hội tụ ra vào nhiều quá nên mình chỉ dám mon men đứng xem thui ^^
Bạn Đạn Húng đừng nghĩ oan cho mình tội nghiệp. Làm hot bogger thì phải "kiến ngãi bất vi", còn mình thì viết theo cảm hứng, sức đâu mà cao vọng :D Chỉ là thay đổi cách viết cho có nhiều comment thôi.
Bạn azecna thân, tôi đã thử tìm bức thư pháp bạn nói nhưng không thấy trong những cuốn sách mà tôi có-kể cả cuốn Ikkiyu Sojun (Nhất Hưu Tông Thuần)-Cuồng Vân Thiền sư. Năm 1480 trong cuốn Nghệ thuật Zen chỉ có 1 bức nhất cú cũng rất đẹp bằng Hán tự.
Bác Đông A thì em xin chúc Tết bác bằng việc tiếp tục cái ý bác nêu ra trong entry sau với hình minh hoạ-thiết nghĩ như vậy là vừa vặn nhất :D
Chị HY thì như thường lệ, mỗi entry em đều nghĩ là chị có ghé thăm :)
Bây giờ để chúc Tết chung cho mọi người, xin tạm gửi các bạn bè bốn chữ Nhất (Ichi) tuyệt mỹ. Các bạn muốn cái gì Nhất thì tự vận vào cho mình-đảm bảo có nhiều khước đấy.
Để đảm bảo tính trung thực của cảm xúc, mình sẽ để những lời bình về bốn chữ Ichi này trong phần comment. Các bạn xem chán rồi hãy đọc nhé.
Thân mến.
P/s: link dowload ảnh lớn:
http://img89.imageshack.us/my.php?image=ichick8.jpg