Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009

Bài học lịch sử

Những năm gần đây có thể thấy phong trào "khôi phục văn hoá truyền thống, trở về nguồn cội" ngày càng phát triển mạnh. Khắp nơi xây chùa dựng tượng. Thảy đều muốn to nhất, nhiều nhất, đắt tiền nhất. Làng quê gầy dựng, tạo mới những lễ hội; những phong trào mới lồng vào tập tục cũ. Xu thế này có thể cho thấy vấn đề của xã hội VN một thời đã/đang qua đi.

Tỉnh giấc mê thường hoang mang, sau cơn say là hối tiếc. Việc tìm cách định vị mình trong 1 bản sắc (cho dù là ảo ảnh) nối dài với một nguồn cội là cách tự nhiên và cần thiết cho từng cá nhân cũng như với 1 xã hội, nhất là trong thời khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng giá trị hiện nay. Nhưng trên cái bình diện rộng lớn về quy mô, phong phú về kiểu loại hoạt động "về nguồn" lại thấy cồm cộm lên một cảm giác: tất cả lại giông giống nhau về cách thức-vá víu và làm lấy được.

Khi thực hiện các dự án có liên quan đến yếu tố văn hoá thường thì khâu khó nhất chính là thông qua hội đồng phản biện. Văn hoá có cái oái oăm là ai cũng cảm thấy mình có quan niệm, có quyền và có khả năng trình bày về nó, dầu ít dầu nhiều. Không vượt qua được thì sẽ thành đẽo cày giữa đường. Một cách tự nhiên các dự án về đề tài này đều bộc lộ rất hiển nhiên và mạnh mẽ cái nhu cầu khẩn thiết (một cách thầm kín) về một sự "xác tín có tính chất quyết định luận về văn hoá".

Nhu cầu về một viễn tượng văn hoá huy hoàng, có trước có sau, lớp lang, tầng bậc này càng khẩn thiết hơn nữa khi cần phải triển khai các luận điểm văn hoá thành các chủ thể vật chất không gian như trong các dự án du lịch văn hoá. Cách dễ dàng và thuận tiện nhất chính là một kiểu chiết trung thập cẩm. Bất cứ cái gì thuận tiện cho mục đích khai thác mà lại mang màu sắc văn hoá đều sẽ được huy động.

Có thể điểm ra 3 đại dự án đại diện cho 3 miền: phía Nam có "Lạc cảnh Đại Nam văn hiến", ở miền Trung có "Trung tâm du lịch tâm linh Quán Thế Âm", ngoài Bắc thì phải kể đến "Khu văn hoá tâm linh núi chùa Bái Đính". Một đặc điểm chung dễ thấy của các dự án này là: lấy to lớn, duy nhất để trấn áp, tập đại thành để hấp dẫn đại chúng và đồng nhất với vai trò đại diện quy mô quốc gia.

Will Durant đã đúng khi nhận rằng cần có tôn giáo để đạo đức là một nghĩa vụ chứ không phải một toan tính hơn thiệt. Việc chọn mẫu ví dụ chỉ là ngẫu nhiên nhưng cũng phải nhận rằng cả nhà nước và nhân dân đều đang về nguồn; bằng cách đó nhân dân thấy được an ủi và nhà nước được lợi từ việc lồng ghép sự tuân phục của quần chúng với sức mạnh nhiếp dẫn từ những tục lệ văn hoá xa xưa. Nói cách khác, có thể là vô tình, cảm thức bầy đàn đang được khơi dậy theo một cách mới. Nó khiến mọi người vô thức đều hướng tới và lựa chọn những tập đại thành về văn hoá, phong phú và cổ xưa bất kể nó có vá víu hay không: cái cần là làm phải (lấy) được.

Vậy có thể bỏ qua tiểu tiết để ước lượng một viễn cảnh xa hơn mà thử đặt câu hỏi: nói cho cùng, một cách thực dụng, cách mà xã hội đang vận động như thế có đem lại một hệ quả nào "hấp dẫn" không?
Có thể "cùng tắc phản", sẽ lại xuất hiện những xu thế phản tỉnh mà có thể kể một bài báo về "Thiều Chửu-nhân vật Phật giáo xuất chúng" là một ví dụ cho tinh thần tương phản với các ví dụ tôn giáo kể trên kia.
Có thể khối đại đoàn kết được củng cố-một ngày nào đó tất cả các sắc dân thấy việc xây dựng hàng loạt các Đền thờ Hùng Vương là bình thường. (Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Ai thành công? Thành công cái gì?)

Nhưng có qủa thật là một khối mê sảng được dẫn dắt khôn khéo là tốt hơn một đám đông tranh cãi liên miên? Có điều gì cố kết được đám đông kia thành "một khối" bền vững không? Tôi nghĩ là có. Nếu mỗi cá nhân đều thức tỉnh, được giáo dục và cùng nhau nuôi dưỡng cái tinh thần đã sáng tạo nên văn hoá nhân loại. Theo Will Durant thì tinh thần sáng tạo ấy cần có những điều kiện này: Khi sự sợ hãi được khuất phục, lòng hiếu kỳ và tính xây dựng được tự do, và con người bước qua khỏi xung lực tự nhiên để tiến tới sự hiểu biết và và tô điểm đời sống.(1) Cái chúng ta thiếu và cần hướng tới trong câu chuyện "về nguồn" này chính là những tâm thế biết hoài nghi phản tỉnh, ngay cả sau những nỗ lực tìm kiếm chân thành và hùng vĩ nhất chứ không phải một ảo tưởng về nguồn cội huy hoàng, thiêng liêng và cổ xưa-"tận mấy nghìn năm".


Khi bàn về sử gia Will Durant học giả Nguyễn Hiến Lê đã có lần nhận xét đại ý "Một người đã dành cả đời để soạn lịch sử nhân loại thì dù muốn hay không cũng đã có cái nhìn của triết nhân". Để kết thúc, không gì tốt hơn là nghe chính sử gia có tinh thần triết nhân này bày tỏ về tâm trạng hồ nghi của mình khi nhìn lại toàn cảnh lịch sử nhân loại:

Sử gia, khi làm xong một công việc nghiên cứu nào rồi, thường tự hỏi câu này: công lao khó nhọc của mình có cống hiến được chút gì không? Hay là mình chỉ tìm thấy được cái thú kể lại những thăng trầm của các dân tộc, các tư tưởng, chép lại những “truyện buồn về cái chết của các vua chúa”? Mình đã hiểu bản tính con người hơn những người thường chưa bao giờ đọc một trang sách nào không? Lịch sử có giúp mình hiểu thêm được thân phận con người không, có hướng dẫn mình trong sự phán đoán và hành động không, có chỉ cho mình cách đối phó với những sự bất ngờ trong đời sống hoặc những nỗi phù trầm của thời đại không? Trong sự liên tục của các biến cố, mình có tìm được những nhịp điệu đều đều giúp mình tiên đoán được những hành động sau này của nhân loại hay vận mạng của các Quốc gia không? Hay là rất có thể, rốt cuộc, “lịch sử chẳng có ý nghĩa gì cả”. Chẳng dạy cho ta được gì cả, mà thời dĩ vãng mênh mông chỉ là một chuỗi dài chán ngắt gồm những lỗi lầm sau này sẽ tái hiện nữa một cách đại qui mô hơn?

Đôi khi chúng tôi có cảm tưởng đó mà đâm ra hoài nghi. Trước hết, chúng ta có biết thực sự dĩ vãng ra sao không, cái gì đã thực sự xảy ra không, hay là lịch sử chỉ như “một ngụ ngôn” không hẳn ai cũng “chấp nhận”. Bất kì là về biến cố nào, sự hiểu biết của chúng ta về dĩ vãng luôn luôn thiếu sót và có phần chắc là sai lầm nữa: Nó dựa trên những chứng cứ hàm hồ, khả nghi của những sử gia thiên kiến, và có lẽ nó còn chịu ảnh hưởng những ý kiến chính trị hay tôn giáo của chính ta nữa. “Phần lớn lịch sử là những điều phỏng đoán, phần còn lại là những thành kiến”. Ngay một sử gia tự cho rằng mình đã vượt được những thiên kiến về xứ sở, chủng tộc, tín ngưỡng hoặc giai cấp, cũng để lộ những thiên ái thầm kín của mình trong cách lựa chọn tài liệu và dùng hình dung từ. “Sử gia luôn luôn đơn giản hoá quá mức (các biến cố) và trong các đám đông tâm hồn và biến cố phức tạp mênh mông không làm sao bao quát được, ông ta đành phải vội vàng lựa chọn một số nhỏ sự kiện và nhân vật dễ sử dụng, trình bày”. (2)


---------
(1)-W.D, "Văn minh là gì?"
(2)-W.D, "Bài học lịch sử"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét