Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009

"Thí chủ quả thật là bạn của hắn ư?"

http://damau.org/archives/5055

Vụ này đang hot.
Muốn suy nghĩ về những điều sau:

- Mối quan hệ giữa tác phẩm và tác giả. Mở rộng ra là cả với độc giả (tạm dùng thay cho khái niệm công chúng-đám đông vô nghĩa). Túm lại là cứu cánh của nghệ thuật-hay là nghệ thuật có cứu cánh không? (*)

- Một trường hợp cụ thể: bằng hữu trong nghệ thuật. Xướng hoạ. Nghĩ đến Kim Thánh Thán. Muốn nhắc đến lời đề tựa của Bùi Giáng trong tập "Rớt hột phiêu bồng" nhưng lại ko có sách ở đây. Cái gì mà "xin đừng nghe những chuyện kể của bạn hữu"...

- Liên tưởng đến Hùng Diệu Hoa tiên sinh. Bèn search "Cổ Long bằng hữu"-ra ngay một chương trong cuốn "Bích Huyết Tẩy Ngân Thương". Thấy có chút hữu ý nên trích ra đây cùng các bạn đọc chơi.

(*) Kể ra thì có 1 mạch thấy hứng thú hơn là: tại sao lại đọc? Đọc ai? Đọc cái gì? Đọc cách gì? Con chó có Phật tính không?

Về vụ này em xin bái bác NguyenQuyZen làm đại sư phụ: "Vấn đề của bác thì ăn nhằm gì đến em!"

--------------

http://music.vietfun.com/trview2.php?tap=21&ID=4013&cat=17

(...Chát-Bụp-Phụp...)


Tuyệt Đại Sư vốn đã dợm đứng lên, lại từ từ ngồi xuống, lạnh lùng nhìn Thiết Chấn Thiên và Mã Như Long:
- Người này là ai ?
- Là một bằng hữu.
- Chẳng ngờ ngươi cũng còn có bằng hữu.
Thiết Chấn Thiên cất tiếng cười cuồng dại:
- Thiết mỗ tuy giết người không đếm xuể, kết thù vô số, nhưng bè bạn không ít hơn lão trọc ngươi đâu, loại bằng hữu như thế, lão chẳng có được lấy một người!
Tuyệt Đại Sư lạnh lùng trừng trừng nhìn y khá lâu, mới quay sang Mã Như Long, lúc này vừa đứng dậy:
- Thí chủ quả thật là bạn của hắn ư ?
- Phải!
- Thí chủ liều mạng vì hắn ?
Mã Như Long nói:
- Ta liều mạng của ta, ta còn một mạng có thể liều được.
Y không cố ý thay đổi giọng nói, nhưng thanh âm của y đã biến đổi.
Tuyệt Đại Sư không nhận ra giọng của Mã Như Long, thế nên lại hỏi:
- Thí chủ có biết vì sao bần tăng nhất định truy sát hắn chăng ?
Mã Như Long không biết.
Tuyệt Đại Sư lại hỏi:
- Thí chủ có biết Dương gia Tam Huynh Đệ có tiếng "huynh hữu đệ cung, hiếu nghĩa vô song" chăng ?
Mã Như Long chắc chắn biết. Ba anh em Dương gia thuộc võ lâm đại hào kiệt vùng Hà Đông, cả ba đều giống nhau, giàu có, nổi danh, tính tình hào sảng, nghĩa khí, hiếu thuận. Họ cùng ngụ tại một trang viện, luân lưu phụng dưỡng song thân.
Tuyệt Đại Sư thần sắc trầm trọng, lại nói:
- Thí chủ có biết là cả nhà Dương gia lớn nhỏ hai mươi chín nam nhân đều chết dưới đao của Thiết Chấn Thiên chăng ? Mười bảy nữ nhân đều bị hắn bán ra biên cương làm nô tỳ trong trại lính.
Thiết Toàn Nghĩa vụt kêu lớn:
- Lão có biết tại sao đại ca ta phải làm như vậy chăng ?
Giọng của y trở nên thê lương:
- Lão có biết ba anh em họ Dương đã dùng cách gì đối phó với cha mẹ vợ con của ta chăng ?
Tuyệt Đại Sư cười nhạt:
- Đó là báo ứng của ngươi!
Thiết Chấn Thiên chen vào:
- Đó cũng là báo ứng cho nhà họ Dương. Nam nhân nhà họ Dương do Thiết mỗ giết, nữ nhân do mỗ bán, không can dự đến người khác.
Y đưa tay chỉ những người theo Tuyệt Đại Sư đến đây, những người đang trợn mắt chờ đoạt mạng y:
- Đám người này đương nhiên là thân thích bằng hữu của Dương gia, đều biết ta đã bị trúng chưởng của lão, họ càng biết rõ là nếu giết được ta thì coi như họ đã làm được một việc nghĩa đáng hãnh diện. Còn lão không tranh với họ chỉ vì đã nổi danh đại hiệp, nên ra vẻ rộng rãi.
Tuyệt Đại Sư không phủ nhận.
Thiết Chấn Thiên gằn giọng nói tiếp:
- Nhưng Thiết mỗ chưa chết, bọn chúng muốn lấy mạng Thiết mỗ chẳng phải dễ, chí ít mỗ cũng lấy được thủ cấp của dăm ba mạng!
Tuyệt Đại Sư đáp:
- Họ chỉ muốn đòi lại công đạo, nếu vì bạn báo thù mà chết cũng không oán than, ta chẳng thể ngăn cản họ, cũng bất tất phải làm thế.
Thiết Chấn Thiên hỏi:
- Hòa thượng có muốn ta giúp bọn chúng toại nguyện chăng ?
Y đưa tay chỉ vào Mã Như Long:
- Việc ta làm không liên hệ đến người này, chỉ cần lão để cho y đi, thì tùy ý lão kêu ai đến lấy đầu ta, ta cũng không đánh trả.
Tuyệt Đại Sư lạnh lùng nhìn Thiết Chấn Thiên rất lâu, mới chuyển sang Mã Như Long:
- Trước ngày hôm nay, dường như bần tăng chưa từng gặp thí chủ, xem ra thí chủ không giống kẻ ác.
Mã Như Long chỉ nghe mà không nói gì, không hỏi cũng không phủ nhận.
- Thí chủ quen Thiết Chấn Thiên từ lúc nào ?
Mã Như Long đáp:
- Không lâu lắm.
- Không lâu là bao lâu ?
Thiết Chấn Thiên lại chen vào:
- Y quen Thiết mỗ chưa đến một ngày.
Tuyệt Đại Sư thở dài:
- Mới quen được chưa đầy một ngày mà dám liều mạng vì bạn, hạng người này thật không có nhiều.
Ông bỗng nhiên phất tay bảo Mã Như Long:
- Thí chủ đi đi.
Mã Như Long đứng đấy, không cử động. Tuyệt Đại Sư cũng chăm chú nhìn y một buổi, bèn hỏi:
- Thí chủ không đi ?
Mã Như Long nói chắc như đinh đóng cột:
- Ta không đi, nhất quyết không đi!
Thiết Chấn Thiên lại la lớn:
- Y đi mà, y sẽ đi liền.
Giọng nói Mã Như Long trở nên rất bình tĩnh, kiên quyết:
- Muốn ta đi chỉ có một cách, giết ta rồi khiên đi!
Tuyệt Đại Sư lạnh nhạt nói:
- Muốn giết thí chủ không khó, lúc nãy nếu không có người kéo thí chủ lại, thì bây giờ hẳn đã được khiên đi!
- Ta biết.
- Thí chủ nhất định muốn người khiên đi à ?
- Nhất định!
- Tại sao ?
- Chẳng vì sao cả!
Câu trả lời này không đúng lắm. Một người có thể muốn kết bạn "chẳng vì sao cả", chẳng tính toán lợi hại, không hỏi hậu quả, cũng không có mục đích. Tuy nhiên khi đã quen rồi, thì những gì mình làm cho bạn đã không còn là "chẳng vì sao cả", mà vì một tình cảm khó diễn tả được. Vì lòng can đảm và nghĩa khí, biết chuyện phải làm mà quyết không hối hận; vì lương tri của chính mình, để nửa đêm thức giấc không bị mất ngủ. Vì muốn sống sao cho tự vấn lương tâm không hổ thẹn, muốn chết cũng chết sao cho lòng không hối tiếc.
Chẳng vì sao à ? Vì cái gì ? Thành thì sao ? Bại thì sao ? Sống ra sao ? Chết thế nào ? Dù thành hoặc bại cũng không hối tiếc!
Sinh dã bất hồi đầu, tử dã bất hồi đầu!
Bất hồi đầu, cũng không cúi đầu!

-----------


P/s: Vốn tính đặt tựa "Chẳng ngờ ngươi cũng còn có bằng hữu" nhưng tự thấy sát ý cao quá nên đổi lại. Câu hỏi có tính tu từ-các thí chủ không cần để ý.

5 nhận xét:

  1. Tiểu thuyết là thứ viết ra để tự sướng. Nhưng lòng người biến chuyển phức tạp trong bể tạp niệm, làm sao đẽo chân cho vừa giày?

    Trả lờiXóa
  2. Đọc là một cách đạt tới sự sướng.
    Đọc cái gì làm cho sướng.
    Chó mà biết đọc thì có lẽ nó cũng đọc thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Đấy là bạn Lê nói vào chỗ "người ta viết để tự sướng". Vậy mới nói phải tự vấn từ đầu "Tại sao lại đọc?".
    Entry này dựa vào 1 điểm xuyên suốt là sự cảm khái khi nghĩ đến cảnh tình ngộ nhận lãng quên điểm thiết yếu trong chính mình. Bao nhiêu lớp lang tuỳ tiện cũng chỉ một cảm giác ấy thôi.
    Hồi đầu vì không ưa sự gọt giũa thêu thùa tỉ mẩn của Cổ Long nên sinh cảm giác không thoải mái. Lúc thực sự nhìn vào cái chỗ không thoải mái này rồi mới nghĩ thông ra cái gọi là "Đọc cái gì".
    Vậy mới muốn hỏi lại một câu khẩn thiết: "Con chó có Phật tính không?"
    Sợ nhất là các bạn lại bảo "Vấn đề của bác thì ăn nhằm gì đến em?"
    :)

    Trả lờiXóa
  4. Bạn nói về tiểu thuyết thì mình không comment gì.
    Còn như lấy cái riêng để trỏ cho cái chung thì khác. Nếu để phá chấp-ý tại ngôn ngoại thì thôi.
    Còn chân phương mà nói thì mình hiểu về Đọc-Viết như thế này:
    - Đọc là trỏ cho Nhận thức.
    - Viết là trỏ cho Biểu hiện.
    - Khởi thuỷ là sự Khổ-thoát Khổ có sướng không, mình chưa biết.
    Nhất niệm khởi, thiện ác dĩ phân. Trụ vào đâu là câu hỏi cần biết hỏi còn đáp thể nào mình cũng chưa thông nên con chó biết đọc hay không cũng chịu.

    Trả lờiXóa
  5. Cái sướng có nhiều loại khác nhau.
    Đọc sách đem lại không chỉ một, mà thường là vài loại sướng.
    Đường nhiều ngã ba nên người đi đường không khỏi lúng túng và có lúc nhầm lẫn.
    Phá chấp không phải nói khơi khơi phá chấp là xong (coi như xong thì tức là sang chấp khác).
    Nhận thức là một mắt xích. Nó không tự đứng riêng làm cứu cánh (cho nên có nhận thức làm người ta sướng theo một số cách nào đó, lại có nhận thức mà người ta có lúc hoàn toàn dửng dưng, dù đủ trình độ tiếp thu), mà là do ta coi nó là cứu cánh. Cơ chế sướng nào khiến ta coi nó là cứu cánh, đó là điều đáng suy nghĩ thêm.

    Trả lờiXóa