Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

Phiếm

Hỏi: Cuộc sống là để làm gì và tại sao ta lại sống cơ chứ?

Đáp: Cuộc sống của mình là để tìm cách tự trả lời cho mình câu hỏi này. Còn cuộc sống của bác thì em không biết!

Bình: 9 điểm, vì cái tội không biết cuộc sống của người khác
.

Đoạn phiếm đàm nhân bàn về 1 cuốn triết học nhập môn trên không hẳn là vô vị. Bạn hỏi tại sao? Là vì:

- Câu hỏi kia là một kiểu nhại hỏi có hơi hướng hài hước-một vấn đề hệ trọng của nhân sinh cổ kim nhưng đã thành sáo rỗng trong ngôn ngữ đương đại-nhưng nó đẩy người ta vào chỗ khó xử kinh điển. Có mấy khả năng:

1-Trả lời bột phát theo kiểu triết lý tạm. Tức là thể hiện chưa bao giờ suy tư nghiêm mật về vấn đề này. Chỉ là những ý tưởng bột phát mang tính cảm xúc cá nhân.

2-Nếu quả thực đã từng suy nghĩ nghiêm túc về nó thì khó lòng thoát khỏi một trình bày dài dòng đầu đuôi về nó. Nhưng thường thì nó cũng sẽ chuội đi và tạo cơ hội vặn vẹo phản bác cho người hỏi. Chẳng phải thiên kinh vạn quyển cổ kim đều là vì nó?

3-Nếu có một xác tín trong kinh nghiệm thì thường sẽ chẳng có lý luận gì đi kèm thoả đáng. Cũng lại rơi vào bẫy của trò chơi ngôn ngữ luẩn quẩn.

4-Nếu đơn giản là lảng tránh nó hay là hoà theo tầm phào nó thì sẽ thú nhận một tình trạng mất phương hướng và 1 thái độ hời hợt thiếu trách nhiệm. Ngay cả hỏi ngược lại thì cũng cùng bản chất.

5-Im lặng vì biết trước những khả năng của tiến triển Hỏi-Đáp: một nhát xoáy sâu vào tính thoả hiệp âm thầm trong lòng mình. Thất bại hiển nhiên trước mục tiêu của người hỏi.


- Lời Đáp thoạt nhìn có vẻ chỉ là một trò chơi chữ vì chỉ xoay sở lại các mệnh đề. Nhưng cũng không hoàn toàn là như vậy.

1-Ngữ cảnh là đang bàn về một cuốn Triết học nhập môn. Mục tiêu của nó không phải là giải quyết tất cả các vấn đề triết học mà là ở chỗ hướng người ta đến một lối ý thức về hiện sinh và những lối suy tư khả dĩ có ích. Câu hỏi có ý nhắm vào chỗ người đáp có nắm được mục đích của cuốn sách này không. Câu đáp cũng nhắm vào trình bày những chỗ tinh yếu khởi đầu của triết lý mà thôi.

2-Ý đầu tiên là sự phân biệt rõ ràng cuộc sống "của mình" với "của bác/người khác" và không đề cập gì đến "cuộc sống" nói chung. Vì hỏi ý nghĩa của "cuộc sống là để làm gì" là không có nội dung logic.

Đặc trưng nổi bật của tình thế hiện sinh là bất chợt người ta nhận ra mình có những thắc mắc cần giải quyết. Khởi nguồn của triết lý là một kinh nghiệm nhân sinh căn bản-một nhu cầu kinh điển: tự ý thức về bản ngã, đồng nghĩa với cảm thức phân ly, nhu cầu hiệp nhất với toàn thể, cảm nhận sự hữu hạn và hoài vọng cái siêu việt...Giống như phản xạ gương đánh dấu khả năng tự nhận thức sơ đẳng, con người triết lý bắt đầu với sự nhận ra tình thế phân ly và hoài nghi về cuộc sống của mình-hiện sinh của mình trong mối tương quan với những "cái khác".

Suy tư về cuộc sống một cách triết lý không bắt đầu bằng những suy luận logic như về "cuộc sống" nói chung mà nó bắt đầu từ một nghiệm sinh về hiện sinh của mình! Và do vậy, triết học có thể là cái học Công truyền nhưng triết lý là cái học Tâm truyền.

3-"Tự mình tìm cách...cho mình" xác định một tâm thế, đường lối suy tư cụ thể. Vì triết lý khởi đi từ nghiệm sinh của mình nên mục đích của triết lý không phải là một hiểu biết-connaissance- mà là một nhận thức-conscience-do đó nó hẳn nhiên tiên quyết phải do mình và cho mình. Tự mình còn nhắm tới cái ý hướng soi xét bản tâm, rõi theo từ căn nguyên: có thể là đặt lại nghi vấn về Bản thể học như M.H đã làm; có thể là những mối nghi đầu tiên như mệnh đề của R.D "Je pense donc Je suis"; có thể là phép quán, chỉ, định của Phật gia.

4-"Không biết" cuộc sống của người khác không hẳn là không biết. Nó trỏ vào cái tình thế phân ly của thực tại. Cái khởi đi là cái cảm giác "không biết", muốn biết người khác, cái khác. Nó cũng nhắc lại nghi vấn giữa tồn tại và ý thức chủ quan. Nó cũng nhắc đến cái thứ tự ưu tiên "từ mình, do mình, cho mình". Nó nhắc lại chuyện ẩn thân hàng chục năm của Huệ Khả, Huệ Năng sau chứng ngộ. Cái triệt để tiên quyết là biết mình đã trước khi định ấn chứng cho kẻ khác. Một dấu hiệu để nhận ra những nôn nóng của các "tà kiến" :)


- Lời Bình không hẳn là vô vị. Nó là một cú vớt vát hạng trung để tránh sự đơn giản hoá logic trao đổi. Nó nhắc chuyện "chót cùng đầu gậy trăm thước còn một bước nữa".

-------

Mỗi lần đưa ra một lần mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét