1.
Hôm trước thế nào lại nhớ mấy câu thơ lâu lắc từ thời HHT mà có lần cô bạn học chép lên mặt bàn. Chỉ nhớ loáng thoáng mấy câu đầu, nhưng hề gì, google sẽ làm nốt phần còn lại.
Lớp xưa - Ngọc Anh
Có bao giờ anh về thăm lớp học ngày xưa.
Ô cửa sổ
và cơn mưa
bất chợt.
Giọt nắng diệu kỳ đưa ta qua mùa thi.
Ngăn bàn xưa anh dù có quên đi
Vẫn còn dấu một nhành hoa quen thuộc
Màu tím diệu kỳ gợi thương, gợi nhớ.
Trên mặt bàn, câu thơ xưa còn bóng gió.
Ta viết hôm nao
trong mắt nắng
chiều nghiêng.
Những điều xưa giờ trở thành thiêng liêng.
Suốt cả đời liệu có còn gặp lại?
Những bức tường lổ loang, khờ dại.
Màu mực nhoè tan trong cõi hư không.
Có bao giờ anh thấy phượng đơm bông?
Nghe day dứt nỗi buồn chiều tháng hạ.
Hành lang quen giờ lạ
Chờ bước chân lãng quên.
Anh hãy về lớp học xưa trong đêm
Anh sẽ thấy
Một ngôi sao
từ ngày xưa
còn sáng.
Ngôi sao của nỗi niềm thời trong trắng.
Nắng lung linh đang theo lối ta về.
*
Vẫn biết bây giờ anh đã chẳng còn mơ
Những giấc mơ ngày xưa anh xem là hạnh phúc.
Những giấc mơ chẳng bao giờ là thật
Khi anh quên lối về
lớp học
ngày xưa.
Còn nhớ sau đó có người hoạ lại một bài cũng dài có mấy câu cuối mình thích và nhớ:
"...Lớp xưa ai có tìm về
Em mười sáu tuổi tóc thề cho ai
Từ trong đồng vọng cảm hoài
Biết bao giờ mới nguôi ngoai một thời
Lặng im nhé, hỡi đơn côi
Nghe từ sâu thẳm mắt người rưng rưng"
Bây giờ đọc lại thấy những bài thơ như vậy cũng không khó viết lắm. Nhưng tìm đâu ra cái đồng cảm của tuổi mới lớn ngày nào mới thực là khó :)
2.
Nhân nhớ về những bài thơ thời HHT, còn 2 bài thơ nữa mình cũng nhớ rất rõ. Một bài của Lê Thanh Lương và một của Quỳnh Nga. Bài của LTL có lần lên thớt chờ bác sỹ chuẩn bị soi dạ dày mình còn cố lẩm nhẩm trong đầu cho đỡ căng thẳng.
"Hương giang yêu kiều trong đáy mắt trẻ thơ
Nhà anh bên nớ nhà bé bên ni...
...
Chiều tan học đạp xe trên nẻo vắng
Em không lỡ nhịp cầu vì chẳng có ai đưa
Từng nhịp cầu hỏi quan trạng đi đâu
Bỏ lại dạ sầu cho lá trạng nguyên
...Nắng bờ sông như màu trang vở cũ
Thuở học trò em làm khổ riêng ai...*"
-------
* Bây giờ mới biết 2 câu này láy lại theo ý thơ Nguyễn Tất Nhiên.
-------
Bài thơ của QN thì nhớ vì nó gắn với câu chuyện toàn những tình cờ. Nó được in trên một trang bìa HHT, vì muốn doạ thằng bạn mà mình đã cố thuộc nó trong vòng 1 lần đọc lướt.
"Ngồi một mình đây tưởng tượng tháng năm sau
Gió vẫn thổi như thuở nào mười sáu
Lối em qua như lạ như quen..."
Sẽ chẳng có gì để nhớ nếu như 5-6 năm sau một lần lang thang xem sách cũ tình cờ nhặt một cuốn HHT lên, tình cờ đọc một mẩu tin viết về cái chết bất ngờ của QN. Vậy là mãi mãi tuổi mười sáu như thể chỉ là tình cờ thật. Mấy vần thơ nao nao, nhè nhẹ của tuổi mới lớn, không ngờ 15 năm sau còn có người nhắc lại, kể cũng không phải là chuyện dễ tìm đấy chứ.
3.
Cô bạn cấp 2 ngày xưa đã lâu lắm rồi không gặp. Học xong phổ thông bạn đi làm công nhân quốc phòng trên trung du. Lấy chồng và đã có con. Nhà ở quê giờ không còn ai.
Tuổi học trò mình không nghĩ sẽ bao giờ làm thơ nên không có bài thơ nào về thời đó cả. Lục lại ghi chép cũ có mấy dòng về tuổi nhỏ, cũng post lên đây. Ông chủ quán là bố bạn. Đã mất vì ung thư từ ngày đó. Nhà bạn ngày xưa ở mé sông.
Cái vẻ mù mù và mô tuýp sáo mòn của dòng sông
Mình ưa những gì hàm chứa dấu ấn thời gian; những gì có thể kể cho mình nghe một câu chuyện thì thầm quá vãng…Hóa ra vì vậy mình không thích nghi lâu được những cái gì quá sạch sẽ, quá mới, quá ngăn nắp, chỉn chu.
Mỗi người là một thế giới riêng hao mòn. Thời gian chệnh choạng. Sự kiện vụt lướt qua. Kể lại chả ích gì cả. Cái đã xảy ra với anh sẽ không bao giờ giống cái sẽ kể - sẽ xảy ra với em. Trách chi cuộc sống ngày càng vụn ra, rời rã.
Ngày xưa mây trắng bay phiêu dật chân trời. Buổi chiều mùa hè. Nắng đầy chiều. Lũ trẻ đu mình trên cây xoan bên bờ mương, dõi nhìn phía bầu trời trên cánh đồng. Mây trắng hình gì ấy nhỉ? Thi xem ai tìm được nhiều hình nhé! Dịu nhẹ. Ký ức ấy rất nhẹ nhõm trong cõi lòng tôi vụn vặt.
Ngày xưa, bờ sông là một thế giới lạ lẫm, nhiều hứa hẹn. Dòng sông là dấu vết của một nơi nào xa ngái. Dòng sông lớn hơn bây giờ. Nước sông đục ngầu màu nâu của bùn đất phù sa. Mặt sông cuộn lên những thớ nước như cơ bắp người khỏe mạnh. Con đường gập ghềnh là con đường to nhất tôi biết. Rất có thể tìm được những viên đá xanh to, có vân để mài bi. Mặt đường hứa hẹn thật nhiều…
Một buổi chiều mưa gió mùa đông. Lũ trẻ 5, 6 tuổi là tôi lang thang chơi ven đường. Đầu ngõ vào khu tập thể có cây bàng đã cỗi. Gốc bàng đỏ, đầy những cục u nổi lên. Rễ bàng xiên cả ra ngoài đất. Nhặt mấy cái rễ còn tươi mùi hăng hắc, nồng nồng, cảm giác như mình đang nắm giữ những bí mật về một vị thuôc lâu đời. Cái hàng hiên nhìn ra đường cái mà luôn luôn đóng kín cửa ấy là một nơi kín gió và ít mưa hắt vì nó có hai đầu hồi bị bịt kín bởi hai căn buồng. Mặt hiên lát gạch mộc. Thứ gạch đã cũ mèm. Mủn ra và bẩn thỉu. Hình như có một trò chơi dang dở về cô dâu chú rể. Cũng chẳng còn nhớ nữa có phải chú rể là mình không… Không phải là một ký ức tươi tắn rộn ràng của trẻ thơ mà là một ký ức mơ màng, ám ảnh da diết . Nó làm thu lòng lại.
Ông chủ quán gầy gò mắt trố hay ngồi thu lu, co cả hai chân lên ghế bên chén rượu, trong cái quán nước bên sông. Cười mãi điệu cười lành lành, tinh quái. Có những con thuyền thường cập bờ bên kia. Chở cát và những thứ tương tự. Ước ao của tuổi thơ tôi. Một nỗi ước ao thật riêng tư và thầm kín – được lên những con thuyền ấy mà xuôi ngược theo dòng sông. Biển cũng lạ lùng như đầm lầy trong rừng sâu vậy. Những buổi chiều mùa thu mù sương, khói đồng vảng vất. Con thuyền là nỗi nhớ nhung khôn nguôi. Ước mơ một lần nằm duỗi mình trên sàn thuyền, nhìn qua khe mà ngó những bàn chân trần dẫm dẫm dọc mạn thuyền...
Vỗ tay reo
Tiếng vang vang
Hò lơ
Gọi
khoang thuyền ngày xưa
Bàn chân trần lấm cát
Dẫm ván sàn chênh chao
Hò lơ
Rắc nắng rây vàng
Loang xanh
Thả gió
Cho ngày bình yên.
Vỗ tay reo
Tiếng vang vang...
Đọc bài này thấy nao nao trong dạ, nhớ những mặt bàn xưa cũ lấm mực và chi chít những dòng chữ, có những câu thơ...
Trả lờiXóa