Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Thơ và tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương

Nhân entry trước nhắc đến NBP nên mới nhớ đến việc tìm đọc thơ của tác giả này. Phải nói NBP là tác giả VN của trong khoảng chục năm gần đây khiến tôi chú ý nhất và có ý thức theo dõi đọc toàn bộ các tác phẩm-như một cách thu thập chứng từ để phân tích hơn là sự hâm mộ phong cách. Tôi đã đọc các cuốn: Trí nhớ suy tàn, Thoạt Kỳ Thuỷ, Những đứa trẻ chết già, Vào cõi. Hình như cũng chỉ còn thiếu cuốn "Ngồi" là chưa đọc. Nhưng thơ của NBP thì tôi chưa đọc lần nào. Một phần vì trước đây chưa biết cách tìm trên mạng cũng như có lần tìm mà không thấy. Lần này thử tìm lại thì có rất nhiều kết quả. Tôi nghĩ nếu chưa đọc thơ của NBP thì chưa thể cảm và hiểu hết được tiểu thuyết của Nguyễn.

Trừ sự say mê có phần hơi dễ dàng với những loang đổ của tuổi 20s trong Trí nhớ suy tàn thì ở những cuốn tiểu thuyết về sau của tác giả này là từ sự ham thích truy tìm logic của cảm thức mà tôi đã bắt đầu với những giấc mơ. Ở mỗi cuốn sách tôi đều cảm nhận được hình như mình có thể thâm nhập vào logic riêng của nó, nhưng thú thực sự tò mò chưa lần nào át được chức trách của lối mòn cảm hứng thẩm mỹ cá nhân nên ý định làm một phân tích nhỏ về tiểu thuyết của NBP vẫn còn là...ý định. Một phần cũng còn là vì chưa tìm được tập thơ nào của tác giả này (cho đến tận lần này).

Theo cách phân chia dưới ảnh hưởng của khoa Ký hiệu học (hay xa hơn là từ Ngôn ngữ học của Saussure) thì "Thơ" và "Văn xuôi" nằm trong sự chi phối của hai hình thức tu từ đối lập nhau (*):

1-Trật tự Ẩn dụ: Thay thế biến hoá (paradigmatic substitution) liên quan đến một tri giác về sự tương đồng, từ đó sinh ra Ẩn dụ.

Những đặc trưng của nó là: "biến hoá", "thay thế", "lựa chọn"-xuất hiện trong đặc tính của: Thơ/Các bài hát trữ tình/Chủ nghĩa lãng mạn/Điện ảnh/Chủ nghĩa siêu thực.

2-Trật tự Hoán dụ: Tổ hợp cú pháp (Syntagmatic combination) liên quan đến một tri giác về tính tiếp cận (contiguity), từ đó sinh ra phép Hoán dụ (metonymy-dùng một thuộc tính hay một thứ "ăn theo" để gọi tên vật chính ta cần nói. VD "sân cỏ" để chỉ bóng đá), hay phép Cải Dung (synecdoche), lấy bộ phận để chỉ toàn thể (VD "ngọn buồm" để chỉ con tàu).

Những đặc trưng của nó là: "cú pháp", "tổ hợp", "tiếp cận"-xuất hiện trong đặc tính của: Văn xuôi/Sử thi, anh hùng ca/Chủ nghĩa hiện thực/Dựng phim(**)/Báo chí

(*)-dẫn theo cuốn Nhập môn Hậu Hiện Đại, tr63. Sự phân biệt này khác với quan niệm của khoa phê bình văn học truyền thống vốn cho rằng Ẩn dụ và Hoán dụ là những hình thức tu từ có liên quan với nhau. Nó dựa trên nhận thức rằng có 2 dạng hoạt động tâm thần đối lập "giật dây" trong việc sử dụng ẩn dụ hay hoán dụ.


(**)-Chưa hiểu rõ lắm việc phân biệt "điện ảnh" với "dựng phim"-có thể do vấn đề dịch, cũng có thể do tính tương đối của việc phân chia trên 1 vài tiêu chí phân tâm học
.

Dựa vào những ý tưởng này tôi có nhận định rằng trong những tiểu thuyết của NBP thực tế đã chịu sự "giật dây" của một hoạt động tâm thần vốn dĩ dành ưu thế cho Thơ (***). Tôi thấy truyện của NBP tràn ngập những chi tiết/sự kiện/hình ảnh có tính chất gây ấn tượng mạnh trong cảm thức. Nó có điểm tương đồng với logic của những giấc mơ theo những phân tích của Erich Fromm trong "Ngôn ngữ bị lãng quên". Điều đó dẫn đến một logic chủ đạo khác trong cấu trúc tiểu thuyết của NBP: logic của cảm xúc và liên tưởng tự do. Vấn đề còn lại là tìm hiểu cấu trúc và văn phong của loạt tiểu thuyết là sẽ có một ý hướng khả thi cho việc tìm hiểu một tác giả khá khác biệt của văn học VN hiện nay.

(***)-khó mà có thể chờ tác giả giải thích tác phẩm nhưng tôi cho rằng kiểu chồng lớp và tái cấu trúc này hẳn là một việc làm có ý thức hơn là những sáng tạo tuỳ hứng. Do vậy việc cảm thụ và phân tích sẽ không đơn thuần là nhảy lùi sang bờ bên kia của đối lập-Thơ/văn xuôi-để phân tích là xong.

Nếu áp dụng kỹ thuật của Phân tâm học, tự nhiên sẽ còn một câu hỏi căn bản và thú vị về tiểu thuyết của NBP là "Vậy cái gì là tôtem trong những tiểu thuyết-giấc mơ kia?". Tôi nghĩ đây là chiếc chìa khoá quan trọng để hiểu vì sao từ những bài thơ dễ cảm lại chuyển sang bình diện của những "chuyện kể" oái oăm u uẩn kia.
-----------
Một bài thơ ngẫu nhiên của NBP

Chơi với con


e ò e ò e tí toe ngo ngoe vò vẹ
tôi đấu trán vào các đầu ngón chân
rồi lăn
óc ách tiếng gì chiều nay sót lại
một con suối hay cánh rừng tím tái?

lăn qua thuốc súng tôi rền vang tôi
tôi đánh rơi ở nơi không tìm thấy

hai đứa trẻ hai vì sao nhấm nháy
giòn và thơm trong đêm giữa hạ

tôi bị vướng vào thế giới ba tà
con voi bé nhỏ, con ve kềnh càng, con báo lù lì, con rùa vĩnh cửu
tôi xung phong làm cái chảo nấu ăn
hai đứa trẻ hai vì sao mằn mặn
vừa xào xáo vừa cười lơ cười lắc

khuất trong góc nhà tôi có cả ta cả giặc
bánh xe màu lục, viên đạn vô hình
khẩu súng ấy trắng bong như bột lọc
tôi bắn gục thời gian không thèm tiếc

trên đầu tôi hai vì sao lẫm liệt
hai đứa trẻ nhò nhè bé ti hi

tôi cù kì ku ki cũ kỹ
bình minh mọc lên một cái mào
thế là cù kì bỗng dưng thèm gáy
thèm thăng lên mấy chục tầng trời, thèm ngủ dưới mấy ngàn ngọn nước
và tôi lạc vào quyển sách của tôi
ai đó viết ra ở chân trời khác

tôi chạm tới buổi chiều nghệch ngạc
bập bềnh trôi bên cạnh những dấu trừ
một cái gì tròn vo như lạc thú
lim dim chờ cú sút
lao thẳng vào khung thành mù sương

hai đứa trẻ vò tai tôi sung sướng
ngân nga ba đứa ba quả chuông

NBP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét