Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009

Bài thơ "Du Long môn Phụng tiên tự" của Đỗ Phủ

Làm được 1 tý là lại muốn chơi. Nhớ đến bài thơ "Du Long Môn Phụng Tiên Tự" của Đỗ Phủ bèn lục lọi mò mẫm 1 hồi. Nguyên biết được bài này là từ cuốn "Đường vòng và lối vào" của F.J có trích lời bình về bài này mà mình thấy đồng cảm. Nhưng người dịch không dẫn nguyên bản, lại trích dịch theo ngữ cảnh nên thiếu mất 2 câu luận. Bản dịch thế này:

Bài "Đi chơi ở chùa Phụng Tiên"

Đã đi chơi đất Phật
Lại đến nghỉ cửa chùa
Gió vang reo khe mát
Trăng rừng dọi bóng thưa
...
...
Muốn nghe tiếng chuông sớm
Để hiểu lẽ sâu xa.




Cái mình đồng cảm là cái tứ trống vắng, đã qua, rời xa nhưng di âm còn mãi trong tâm thức. Đặc biệt là cách tạo ra độ chênh của văn bản trong tương quan giữa nội dung bài thơ và cái tên của nó.

Khi muốn tìm nốt 2 câu luận thì không sao tìm được bản dịch tiếng Việt nào. Chữ Hán thì mình không biết, chỉ thỉnh thoảng mày mò tra từ điển Thiều Chửu nên đánh bạo nhờ bác Đông A tìm và giảng giúp. Một phát ra ngay như thế này:

Du Long môn Phụng Tiên tự-Đỗ Phủ

Dĩ tòng chiêu đề du
Cánh túc chiêu đề cảnh
Âm hác sanh hư lại
Nguyệt lâm tán thanh ảnh
Thiên khuyết tượng vĩ bức
Vân ngoạ y thường lãnh
Dục giác văn thần chung
Linh nhân phát thâm tỉnh.




Bác Đông A có giảng qua về 2 câu 5-6 nhưng mình vẫn chưa thấy rõ ý. Sau nghi nghi mới tìm thông tin về Phụng Tiên Tự. Hoá ra là danh thắng hang đá Long Môn ở Lạc Dương và chùa Phụng Tiên là chùa hang lớn nhất có pho tượng Phật Lư Sá cao 17m rất đẹp từ thời Đường-thời ông Phủ. Tra lại từ điển thì mới hiểu câu "Thiên khuyết tượng vĩ bức" thì chữ "khuyết" là cái cửa-Long Môn là chỗ 2 vách núi dựng đứng 2 bên bờ con sông Doãn Hà làm thành hình thế như cái then cửa. Và tiếp theo câu "Vân ngoạ y thường lãnh" là trỏ vào các bức tượng Phật khổng lồ trên vách đá. Xem giảng chữ trong từ điển thì chữ "vĩ" để trỏ mọi đường ngang mà chữ "ngoạ" thì phàm cái gì nằm ngang đều gọi là "ngoạ". (Các chữ này có nhiều đồng âm, dòm mãi mới ra chữ nào nghĩa nào, toét cả mắt).

Và như vậy cả bài thơ là bố cục chạy đi chạy lại giữa hiện tại-quá khứ. Từ tên bài thơ đến những câu mở đầu đều có vị nhàn nhạt, xa vắng. Hai cặp 3-4 và 5-6 thật đối chọi nhau: nếu 2 câu trên trỏ cái không khí, cái khoảnh khắc hé lộ của hư không khi chạm vào những thứ cũng hư hao là ánh trăng rừng thì 2 câu dưới không nói rõ mà gợi đủ cái cảnh 1 con người đơn độc lẳng lặng đứng trước cổng trời hùng vĩ trong ánh trăng đêm quyện mây lạnh. Sương khói lạnh áo ai?

Haizz...hay cho chữ "muốn":

Dục giác văn thần chung
Linh nhân phát thâm tỉnh.




Là buổi sáng hôm đó hay tàn đêm hôm nay?


Muốn nghe tiếng chuông sớm
Để hiểu lẽ sâu xa.





-Hôm nay, giờ này thì thực ra đã hôm qua, là Nguyên Tiêu-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét