Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2009

Bên cạnh đúng-sai






-----------------
Suy nghĩ bất chợt về nghệ thuật



Nghệ thuật, cốt yếu ở chỗ tái tạo cảm xúc và bắt đầu từ cảm tính. Không hẳn ý nghĩa đến sau mà có vẻ nó đến trong nhập nhằng. Khi xem 1 vũ công khiêu vũ trên băng thì cảm hứng mỹ cảm đến trước hết với tôi. Nhưng cũng có thể vì tôi chưa am hiểu và có kinh nghiệm về kỹ thuật của bộ môn này. Lại là nói về sự đào luyện. Rõ ràng những người có kinh nghiệm luyện tập trong 1 bộ môn nào đó sẽ thường có khả năng cảm nhận tinh tế hơn về bộ môn đó. Phải chăng ngay cả xúc cảm thẩm mỹ cũng chỉ quy về việc "tập và quen" trong 1 ngữ cảnh văn hoá nhất định?

"Mọi sự miêu tả cảm tính bất kỳ một vật thể sống hay hiện tượng nào từ giác độ trạng thái cuối cùng của nó, hay là dưới ánh sáng của thế giới tương lai, sẽ là tác phẩm nghệ thuật.” - Soloviev.





Dụng học của tri thức tự sự


Dưới hình thức 1 Báo cáo thẩm định nhưng sự thực thì cuốn "La condition Postmodern"/Hoàn cảnh hậu hiện đại-của F.L có tính chất như 1 đề cương lớn cho những ai muốn tìm hiểu những điều ông đã thực sự phát biểu trong những dòng giản lược. Nhưng hễ có thân phận con người thì thảy đều có quyền triết lý (K.Jasper), cuốn sách vạch ra những khía cạnh căn bản của 1 tổng thể tri thức thời đại (1979).

F.L tiếp cận vấn đề bằng k/n "các trò chơi ngôn ngữ" (ngữ dụng học, Wittgenstein hậu kỳ-theo BVNS) và nếu chấp nhận sự tiếp cận này thì sẽ đi cùng ông đến các khái niệm về "tri thức tự sự", "tri thức khoa học", "phát ngôn sở thị", "nhận thức"...Theo cách này tôi thấy rõ ràng hơn khi nhìn lại câu chuyện về "học lệch" rất phổ biến ở VN (mà trong 1 entry của chị HY có đề cập đến-trong câu chuyện với con trai). Bản thân tôi cũng có những kinh nghiệm khá sâu sắc với chuyện này. Từ hồi cấp 1, các giáo viên trường tôi luôn vận động các học sinh khá giỏi rằng "học năng khiếu là học lệch".

Bệnh thành tích của GD địa phương đã sáng tạo ra những giải pháp chiết trung tiện lợi: chúng tôi thường tham gia "thi hộ"-"thi cùng" với các đội tuyển của trường NK. Coi như là học sinh của cả 2 trường. Càng học lên thì tâm lý "môn chính-môn phụ" càng nặng nề. Lễ, Tết theo đó cũng có nặng nhẹ khác nhau. Còn nhớ năm lớp 7, cô giáo Sinh và thầy giáo Hoạ có phê phán công khai chúng tôi trước lớp về tâm lý này. Ông thầy có nói 1 câu "sau này ra đời chưa chắc các em sẽ sống bằng kiến thức Văn, Toán. Rất có thể là Nhạc, Hoạ. Lúc đó hãy kiểm nghiệm lại lời tôi.". Điều này kể cũng có tác dụng phản tỉnh và cuộc sống về sau cũng cho những phản tỉnh thường xuyên.

Nhưng có 1 điều canh cánh mơ hồ thường trực là cảm giác hình như câu chuyện có cái gì đó lệch dòng, chệch choạc khi tri thức được phân chia thành các ngăn riêng rẽ. Sau này lại thấy thêm 1 cái gì đó chệch choạc hơn nữa khi mọi thứ (chủ yếu ở VN) đều tìm cách hợp thức hoá bằng mấy chữ "có tính khoa học". Ngay cả các ngành nhân văn cũng tìm cách "khoa học hoá" bộ môn của mình. Xa hơn nữa thì là câu chuyện lược quy chân lý vào Logic hình thức. Định lý bất toàn của Kurt Godel trong Toán học thường được viện dẫn trong nhiều diễn ngôn phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong mục 6 "Dụng học của tri thức tự sự", Lyotard phân biệt các khái niệm "nhận thức", "tri thức", "khoa học" đồng thời bàn về các hệ tiêu chí khác nhau. Theo L, "tri thức không đồng nhất với khoa học, đặc biệt dưới dạng hiện nay của nó" và "tri thức nói chung không quy về khoa học và thậm chí về nhận thức". Để hiểu rõ điều này cần nắm được cách định nghĩa của Aristote về "sở thị": "Mọi lời nói đều biểu thị cái gì đó, nhưng không phải mọi lời nói đều là sở thị. Chỉ là sở thị cái mà có thể nói về nó là đúng hay sai. Nhưng, điều này không phải bao giờ cũng làm được: chẳng hạn lời cầu nguyện là một lời nói nhưng nó không đúng không sai" (Péri herménèias; 4,17a)-(dẫn theo sách).

Nhận thức, do vậy, được giới hạn bằng tiêu chí "có thể qui về đúng sai". Khoa học là tập con của nhận thức. Nó kèm theo 2 tiêu chí là đối tượng mà chúng phản ánh phải dễ đệ qui, và do đó, phải ở trong hoàn cảnh được quan sát rõ ràng; hai là có khả năng quyết định mỗi phát ngôn này là thuộc về hay không thuộc về 1 ngôn ngữ mà giới chuyên gia cho là thích đáng.

Nhưng tri thức thì dù tất nhiên là phát ngôn sở thị nhưng nó được trộn lẫn vào những ý tưởng về tri thức-làm, tri thức-nghe, tri thức-sống...Nó vượt ra ngoài việc xác định và áp dụng tiêu chí chân lý duy nhất. Còn có những tiêu chí về tính hiệu quả (nhân tiện-Bàn về tính hiệu quả; F.Jullien), sự công bằng (Xác lập cơ sở cho đạo đức-F.J) và/hay hạnh phúc, vẻ đẹp của âm thanh/màu sắc..."Tri thức là cái làm cho ai đó có năng lực nói ra được những phát ngôn sở thị "hay", cũng như phát ngôn mệnh lệnh hay lượng định "tốt"->Tri thức cho phép thu được những thành tựu "tốt" về nhiều đối tượng của diễn ngôn: để hiểu biết, quyết định, đánh giá, thay đổi...

Đặc điểm chính yếu của tri thức, do đó, vẫn theo F.L: nó trùng với 1 sự "đào luyện" bao trùm nhiều thẩm quyền: nó là hình thức duy nhất được hiện thân trong một chủ thể, và chủ thể này là 1 tập hợp gồm nhiều loại thẩm quyền khác nhau cấu tạo nên nó. (sdd, tr105)
-------------



Phản tư
Khi xuôi chiều nhận thức thì không có vấn đề gì, nhưng tôi thường có cảm giác truyền thống tư tưởng Phương Tây không thể tách khỏi ảnh hưởng của cái tinh thần "Lời làm nên xác thịt" trong Cựu Ước. "Khởi đầu là Lời.".

2 nhận xét:

  1. Như anh nói, "báo cáo thẩm định" chỉ là điều mà Lyotard muốn chạm vô khi viết sách. Nhưng sự vụ tiêu hủy đại tự sự như là một tín điều vô dụng, vô nghĩa, vô cảm mới là cơn chấn động.
    Cái tri thức tự sự trong sở học Trung Hoa (và Việt Nam như phe liên đới, cho dù muốn trốn cách nào cũng không khỏi) vốn không có dính líu khoa học. Như để đối lập với tri thức-làm, tri thức-nghe, tri thức-sống... ở vùng đất này minh triết là phương tiện và mục đích: minh triết -làm, minh triết -nghĩ ... mới là điều thường thấy. Vì vậy đúng sai khó có thể quy vô chỗ nào, thậm chí lý thuyết nhị nguyên còn chỉ vừa được khai phá sơ sơ mà đã lụi tàn (tại sao ông Cao Xuân Huy không đào sâu thêm hỉ ?).
    Khi thế giới dần dần phẳng (sao ghét cái từ này quá, nhưng mà phải sử dụng hòai, chán mớ), dân phương Đông mới bắt đầu hoang mang. Còn mỗi dân tộc ứng dụng, hòa hợp, kiến giải hệ thống logic kiểu Tây phương thế nào với trực cảm minh triết là chuyện khác. Riêng Việt Nam ta, theo em nghĩ, còn đang giằng xé dữ dội. Vì ta không kịp tìm ra bản sắc, nó dĩ đã mờ dần sau rất rất nhiều năm hỗn quân hỗn quan. Lại bị/được du nhập một cục hỗn độn từ phía tây được xây dựng trên lý thuyết không cùng nguồn cội.
    Nên vẫn còn hoang mang dài dài. Ít ra cho đến khi học được cách ngây thơ giữa thời đại phản -ngây thơ.

    Trả lờiXóa
  2. Nói dài dòng nhưng thực ra chỉ có mấy ý này:
    - Con người hiện sinh là con người toàn thể và đa đoan.
    - Để sống cần nhiều hơn là chỉ có đúng-sai (tính KH-gần như thế).
    - Tri thức là cái trỏ cho hiểu-biết tổng quát nhất của con người theo cách nói của F.L.
    Điều này cho rằng: khác với lối tư tưởng kiểu "KH chưa khám phá hết", "triết học chưa hoàn thiện"...thì có 1 lối tư tưởng khác nhận rằng: ngay từ đầu, từ lúc đặt cơ sở, đã có vấn đề: có Cái Khác. Lướt qua như F.L hay lan man lòng vòng như F.Jullien đều là việc chấp nhận Cái Khác để làm việc.
    Triết học là tra vấn từ nguồn nên khởi đầu thế nào quan trọng hơn cả kết thúc. Ảo tưởng về đại tự sự có thể đổ vỡ nhưng điều này khác với việc chối bỏ hoàn toàn khởi nguyên của chúng. Vì vậy, HHĐ khởi lên từ ý định trong sáng muốn trở lại với những giá trị Khai Minh vốn đang bị HĐ ngộ nhận lại 1 lần nữa rơi vào cảnh thường xuyên bị ngộ nhận. "Phải đi hết sức căng của HĐ đã rồi sẽ đến HHĐ" là lời khuyên tốt cho những người nghiệp dư bên lề chúng ta.
    Bản sắc chỉ là cái nhỏ nhoi không đáng kể trong câu chuyện của suy tư triết lý từ nguồn. Nhận rằng có Cái Khác không đồng nghĩa với phải khác.
    Bàn tổng quát về Đông-Tây trong 1 entry là không tưởng và tôi cũng không có tầm. Nên mọi điều chỉ là ghi chép-nêu ra-để đánh dấu tư tưởng.

    Trả lờiXóa