Thứ Hai, 30 tháng 4, 2007

Thợ nào được thì ăn cơm vua...




“Xã hội thời đó là một xã hội mạo hiểm, đầy những chiến đấu gan dạ và những cuộc chinh phạt phiêu lưu... Người ta coi vận mạng như cuộc đỏ đen trong một canh bạc lớn mà đấu mưu đấu trí với nhau.”




Lâm Ngữ Đường bàn về thời lập quốc của nhà Đường như vậy; nhưng há chỉ có thời đó thôi hay lịch sử luôn luôn là như vậy ở mỗi khúc quanh? Gắn luôn chuyện này với chuyện nhân gian thường oán các vua khai quốc xưng đế thường giết trung thần. Nhưng thử hỏi không giết có được không? Mấy ai được như Triệu Khuông Dẫn nhưng họ Triệu có được nhân hoà ấy còn do cái Thiên Thời "cực tắc phản" của thiên hạ đã loạn lạc hơn trăm năm rồi.




Sử Trung Quốc-NHl:
Củng cố nội bộ Thu quyền chính trị về trung ương. Triệu Khuông Dẫn đã tỏ ra thực tế, biết sức mình khi ông tạm " tha cho Bắc Hán". Khi đã chiếm được Nam Hán, những nước còn lại xin thuần phục rồi, ông lại tỏ ra thành thực, mà khéo léo, biết tâm ý các người đã cộng tác với ông, đặt một tiệc rượu mời Thạch Thủ Tín và Trương Thầm Kỳ, nửa tiệc ông đuổi tả hữu ra ngoài, nói với hai viên tướng đó: "Làm thiên tử khó khăn, chứ không vui sướng như tiết độ sứ. Trẫm thường ăn ngủ không yên. Thủ Tín hỏi vì sao, ông đáp: "Ngôi cao quý này ai mà không muốn?" Thủ Tín cúi đầu tâu: "Bệ hạ sao lại nghĩ thế? Mạng trời đã định, ai còn dám hai lòng?" Ông nói: "Hai khanh thì cố nhiên, còn bọn thủ hạ ai mà không ham phú quý? Một ngày kia, họ đem hoàng bào mặc vào cho khanh, khanh không muốn có được không?.....Trẫm muốn tình thân giữa chúng ta còn hoài để còn hưởng phú quý như bây giờ. Muốn vậy thì binh quyền của các khanh phải trở về quốc gia....Như vậy mới không còn lòng nghi ngờ lẫn nhau nữa." Thế là các tiết độ sứ xin từ chức, giải trừ binh pháp hết. Để bù lại, ông tặng họ chức cao, bổng hậu trong hành chánh.



Bỏ sự các cứ của phiên trấn, giải nhiệm các tiết độ sứ, rồi ông đặt chức phán quan (văn quan) thay vào, chức đó coi cả việc quân chính và dân chính, nhưng việc gì cũng phải tâu về triều đình, lại đặt ra chức Chuyển vận sứ trông nom về tài chính, số thu được bao nhiêu, trừ số chi tiêu trong châu quận rồi phải nộp về triều đình, ông cũng hạn chế quyền hành pháp của các châu quận, bắt phải phúc trình lên bộ Hình xét, chứ không được tự ý xử tử bất kỳ ai.





Biện pháp hay nhưng chỉ sau 2 đời nữa là lại thấy mặt trái của vấn đề nổi lên mà hậu quả Tống triều là một triều đại yếu nhược bậc nhất của Trung Hoa.












"Thợ nào được thì ăn cơm vua

Thợ nào thua thì về bú tí..."




Thôi không lan man chuyện tranh giành được thua nữa vì cũng không thể nói ngắn gọn được vấn đề mà không khỏi nông cạn. Dẫn lại ở đây một chút ý nghĩa về chính trị theo Vũ Tài Lục trong THỦ ĐOẠN CHÍNH TRỊ để tham khảo. No comment.


Ý nghĩa của chính trị

Ai muốn nói sao thì nói, chính trị chỉ có một sự thật và mỗi hiện tượng chính trị đều phải quy hết vào sự thực đó hoặc từ đó mà nẩy sinh ra.

Sự thực là:

- Chính trị là hết thảy những hành động nhằm duy trì mở rộng và tranh đọat quyền lực.

- Chính trị hoàn toàn chịu chi phối bởi quy luật khách quan của xã hội, sự cần thiết của lịch sử. Nó không phải là đạo đức hay lý tưởng.

- Đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị, giữa kẻ có địa vị và kẻ mất quyền lợi. Hết thảy danh nghĩa tốt đẹp chỉ là sự cần thiết từng giai đoạn hoặc là những hình thức ngụy trang.

- Phương tiện dùng cho đấu tranh chính trị là bạo lực và mưu mẹo.

- Kẻ nào có quyền, kẻ ấy cai trị, kẻ nào cai trị, kẻ ấy có lý do chính đáng. (He who has authority, governs; he who governs, is right).

...........

Sinh làm hào kiệt trong đời, phải làm gì khi không được chọn lựa?
















Tiếu ngạo hàn sương phô cốt cách
Khai nhan diệu sắc kháng thu thâm

Cúc Đảm Ngạo Hàn Sương (Hải Đà)


(Hoa cười kiêu ngạo giữa sương lạnh, luôn giữ phong cách cao thượng
Mở mặt vui tươi màu sắc lộng lẫy như muốn thách thức thu già)

Sang năm ta bảo đào hoa nở cùng




"Tự nhất chí tam giả, bần tiện nhi tâm lao; tứ chí lục giả, phú quý nhi tôn cao; thất chí cửu giả, li cữu nhi phạm tai. Ngũ dĩ hạ tác tức, ngũ dĩ thượng tác tiêu..." -



"Từ giai đoạn một đến giai đoạn ba, nghèo hèn và nhọc lòng; từ giai đoạn bốn đến giai đoạn sáu, giàu sang mà cao cả; từ giai đoạn bảy đến giai đoạn chín, chia lìa lầm lỗi mà gặp tai hoạ. Từ giai đoạn năm trở lại: nảy nở; từ giai đoạn năm trở đi: hao mòn...".



Trên kia là một đoạn nói cái đại ý chín giai đoạn biến hoá trong thuyết CỰC TẮC PHẢN của DƯƠNG HÙNG (Tử Vân) đời Hán. Tại sao lại nảy nòi ra cái đoạn này trong bài viết của tớ? Thưa rằng vì tiếc 40k tiền vé xem phim HOÀNG KIM GIÁP chiều nay. Đã lâu rồi tớ có nguyện rằng vứt mẹ nó tất cả những nghệ thuật đi chỉ lưu tâm vào một việc thôi. Cũng tình cờ tối qua có lần ra bài viết của bác Phan Cẩm Thượng bàn về
đọc sách cũng có nhắc đến ý đấy từ một lời thánh nhân là ngài Vivekananda: "Chỉ nên đọc sách của những người đắc đạo" - như thế cho nó lành. Tớ vốn có ý viết để nghĩ lại một lần nữa về điều này nhưng chưa có hứng đành để đấy. Nói tiếp chuyện lúc nãy, từ lâu rồi tớ quyết không lan man chõ mũi lung tung vào những chỗ không quan thiết nữa nhỡ lại lạc lối. Nhưng - trò đời oái oăm thường ở chữ nhưng này - gồng mãi cũng mệt; thỉnh thoảng loăng quăng, lăng xăng cũng có cái hay của nó nên cho tới giờ tớ thoả hiệp cho phép mình một chút lăng nhăng với những linh tinh và ít trách nhiệm nhất. Entry này là như vậy.

Như vậy là như thế nào? Là quên chuyện tổng thể hài hoà đi. Quên "Tử tuyệt tứ" đi. Đái khái suy diễn, đại khái lập ngôn...cho vui thôi mà. Ai sửa là vội vội vàng vàng nhận ngay. Khỏi tranh cãi nhì nhằng. Thôi. Quay lại phim nhé. Tớ có một nguyên tắc cảm nhận nghệ thuật nói chung là nếm trước, phân tích bình bầu sau. Phim HOÀNG KIM GIÁP này không được như bộ THẬP DIỆN MAI PHỤC trước đây còn ít nhiều gây cho tớ chút cảm hứng
viết lách. Phim này về cảm xúc hay bố cục, tiết tấu đều không thích. Không thích thành ra thấy bực mình. Bực mình vì không muốn quy kết đơn giản với bác Trương Nghệ Mưu kia. Cứ cảm giác như bác ta đang chơi mình ấy. Nên cả tối nay lục lại các thứ để xem rốt cục "ý bác là thế nào"?

Xem lại hết một lượt: kịch Lôi Vũ của Tào Ngu, nghệ thuật sân khấu Kinh Kịch của TQ, bài thơ "Cúc hoa" của Hoàng Sào, rồi thì khởi nghĩa của Hoàng Sào, rồi Tết Trùng Cửu của Tàu, rồi thời Mạt Đường đến thời Hậu Đường trong Ngũ Đại-Thập Quốc. Để ý cả vụ Thiên An Môn nữa. Lục lọi các bài viết trên mạng...Cuối cùng cũng có manh mối. Nhưng vấn đề của tối nay là tớ không có hứng thú và điều kiện để viết cẩn thận. Thôi, tớ cứ tuỳ tiện viết đến đâu nghĩ đến đấy. Sau này có ý gì hay thì sẽ viết thêm.

Nội dung phim thì các bạn chịu khó tìm trên mạng nhé. Lôi Vũ cũng vậy. Về Lôi Vũ tớ lưu ý đặc điểm này: tất cả vở kịch được dồn nén lại trong một đêm đặc biệt (mưa gió), và bối cảnh tâm lý chính trị của các nhân vật là tâm lý phiền muộn - phiền muộn có thể đưa người ta đến những rồ dại nhất. HOÀNG KIM GIÁP là viết tắt từ MÃN THÀNH ĐÁI TẬN HOÀNG KIM GIÁP. Thôi lôi luôn bài thơ này ra đây:


Cúc Hoa -
"Bất đệ hậu phú cúc" (Viết về hoa cúc sau khi thi hỏng)


Đãi đắc thu lai cửu nguyệt bát
Ngã hoa khai thời bách hoa sát
Xung thiên hương trận thấu Trường An
Mãn thành đái tận hoàng kim giáp

(Hoàng Sào)



Chờ thu tháng chín về nơi
Hoa ta nở rộ hoa người tàn phai
Trường An hương ngút ngập trời
Người mang áo giáp vàng chơi khắp thành

(Hải Đà phỏng dịch)



Trùng cửu thu sang đợi sát ngày

Hoa ta nở giết vạn hoa bay
Trường An hương đẫm xông trời thẳm
Khắp chốn hoàng kim giáp trụ đầy

(Đông A dịch)



Bạn Hải Đà dịch sát câu 2 nhưng câu cuối sai mất ý khi dùng từ "chơi" - chơi quái gì. Bạn Đông A thì sát câu 1 nhưng hình như lại sái mất câu 2 khi cho là hoa ta giết hoa người. Nguyên lai bài này bạn Hoàng Sào làm khi thi trượt năm đấy. Sách vở thường nói bạn là thủ lãnh nông dân nhưng theo cụ Nguyễn Hiến Lê trong Sử Trung Quốc thì bạn này thi trượt về buôn muối, rất giàu và quảng giao.

Hoàng Sào thích hoa cúc và không chỉ làm mỗi bài thơ trên. Còn có bài này nữa:


Đề cúc hoa



Táp táp tây phong mãn viện tài

Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai
Tha niên ngã nhược vi Thanh đế
Báo dữ đào hoa nhất xứ khai

(Hoàng Sào)



Vườn hoa gió thổi bời bời

Hương tàn nhụy rũ bướm thời khó qua
Chúa Xuân nếu được là ta
Sang năm ta bảo đào hoa nở cùng

(Hải Đà phỏng dịch)





Cái ngạo khí của họ Hoàng thì rõ ra đấy rồi, nhưng trong cái tượng hoa cúc này cũng thấy cái gì mỏng mảnh của kẻ làm thơ, ngạo nghễ nhất thời mà thiếu cái khí lượng đại độ của đế vương thực sự. Nhưng nói nhiều thế để làm gì. Là vì cái tứ cái hồn vía của bộ phim là từ câu chuyện này ra thôi. Không phải từ câu thơ, không phải từ Hoàng Sào, không phải từ Đường Mạt mà là từ tất cả những thứ đó. Hay là dùng lại ý đoạn trên: là cái tâm lý chính trị - tâm lý phiền muộn đương thời mà Lôi Vũ đã khắc hoạ. Vậy, đây có phải là một Lôi Vũ hoàn hồn không? Họ Trương chỉ đến thế thôi à? Hay là "một lần đưa ra một lần mới"? Tất nhiên họ Trương thì tài ba rồi - và các bạn chờ phần sau nhé, tớ bị gọi đi ngủ rồi. Ngày mai sẽ tiếp tục với hoa cúc trong Tết Trùng Cửu và ý nghĩa đích thực của ngày này. Và từ ngày mưa gió (lôi vũ) đến ngày Trùng Cửu có gì mới không? Cũng như ta sẽ xem phim hay là phải xem kinh kịch đây...










Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2007

Entry for April 29, 2007




Sáng tác: Trịnh Công Sơn

Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Cành tre ... í ... a
Dòng sông ... í ... a
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...

Xưa kia ở đậu miền xa
Cơn gió ở trọ bao la đất trời
Miền xa ... í ... a
Trời đất ... í ... a
Nhân gian về trọ nhiều nơi
Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng
í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...

Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người
Từng không ... í ... a
Người xinh ... í ... a
Tim em người trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần
í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...


Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều
Người xinh ... í ... a
Kiều xinh ... í ... a
Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành
í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...

Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Ngàn năm ... í ... a
Buồn như ... í ... a
Ơ hay là một vòng xinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời
í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...
í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...


Ở Trọ
Sáng tác: Trịnh Công Sơn - Thể hiện: Hồng Nhung

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2007

Xoè bàn tay, ngó bàn tay...




Ngày xưa xửa rồi, tớ đọc 1 bài viết về cách bắt tay và tính cách của mỗi người. Từ đó tớ rất để ý đến việc bắt tay người khác và việc người khác bắt tay mình thế nào. Cũng có rất nhiều điều thú vị. Mà thực ra cuộc sống nhìn kỹ thì cái gì chả thú vị. Ví dụ như chuyện gì của bác "Ngõ hẻm dưới ánh trăng" có chuyện gì kể về người đàn bà chỉ vào casino để quan sát mọi người đánh bạc-nhưng chỉ quan sát bàn tay mỗi người.

Có bàn tay mềm như bông, dầy ấm - tướng sang đấy - bắt nhẹ nhõm, nhiều khi rất khó nắm bắt. Tớ đã bắt tay hai bàn tay như vậy. Một của một nhà khoa học làm chính trị rất to. Tiếc là đột tử sớm. Một của triệu phú tiền đô vừa đầy 30 - tay trắng lập nghiệp đấy, tiếc là tà nhiều hơn chính.

Có những bàn tay thô tháp khoẻ mạnh, nắm rất chặt, rất lâu. Sự nhiệt thành quá mức nhiều khi khiến ta thấy lo lắng cho chính bàn tay ấy.

Có bàn tay lạnh, có bàn tay nóng ấm.

Có bàn tay mềm lỏng lẻo, gầy ngẳng.

Có bàn tay xương xương nhưng bám rất chặt.

Có bàn tay yếu ớt bám mạnh mà vẫn không chặt được.

Có bàn tay thon thon ấm áp muốn giữ thật lâu...


Bắt tay nên bắt cẩn trọng như sự chú tâm vào người đối diện. Không nhanh quá để thấy hẫng hụt. Không lâu quá để thấy phiền lòng. Không nhẹ quá để thấy xa cách. Không mạnh quá đến chủ quan nồng nhiệt. Có lúc nên dùng 2 tay vỗ về nhè nhẹ. Có lúc chỉ nên nghiêng mình nhẹ nhõm. Một bàn tay là một vốc tâm tình chân thật - như khởi thuỷ của nó trước đây, khi 2 hiệp sỹ xoè tay chứng tỏ bàn tay mình không mang theo dao kiếm.

Tay bẩn, tay ướt mồ hôi thì cứ hồn nhiên chùi vào áo đi rồi hãy bắt, cho bàn tay kia được thoải mái. Nhớ mắt đừng ngó lơ đãng. Nhớ đừng hỏi chỉ để hỏi, để khỏi phải nghe câu trả lời "Mình vẫn tên cũ"...

Khi gặp người lớn tuổi hãy chờ được bắt. Khi gặp bạn trẻ hãy chủ động đưa tay ra. Bạn bè thì không tính được vì chả mấy khi chần chờ để ý. Đừng nắm 2 tay nếu chưa biết chắc khối tình có lớn trọng đến vậy chăng? Nhẹ nhàng, nhưng cẩn trọng như nâng 1 đồ gốm cổ xưa quý giá; nhẹ quá sợ rớt, mạnh quá sợ vỡ mất.

Và...đừng bao giờ nghĩ nhiều về việc bắt tay cả. Hãy đơn giản là chính mình thôi.


Thôi, dài dòng vậy là để nói mỗi câu này: dự đám cưới em Pìu pìu về, bắt tay chú rể rồi, khen em Pìu pìu khéo chọn người tình cảm, thật thà "dễ sai bảo" - thế là yên tâm trăm năm bình an rồi. Chúc mừng hạnh phúc cô dâu chú rể nhé. Đến đây anh mới thấy đỡ ăn năn vì đã chén hơi nhiều

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2007

Entry for April 24, 2007




Mưa mùa hè. Sau cơn mưa sẽ trong lành hơn đây. Đi gửi xe về, lâu lắm mới gặp cảnh "yêu màu tím và đi một mình trong mưa" thế này. Có 2 chuột chũi không mang áo mưa. Một trú vào bên hè. Một chắc vì đã ướt rồi nên vẫn cố bới thùng rác.

Liểng xiểng. Những ngày vừa rồi là liểng xiểng. Vẫn thích tin vào cách của mình đọc "Tái ông thất mã". Luôn luôn có phía này và phía kia. Cốt yếu là tâm tĩnh lặng. Căn bản mình không cần và chờ đợi luật PHẢN PHỤC. Vì đầy và vơi là dựa vào nhau mà có. Nói PHẢN PHỤC là đã giữa dòng rồi. Có PHẢN mới có PHỤC.

Cơ hội để quay lại với những việc dang dở trước đây. Những ngày vừa qua...cũng được.

(ảnh: http://my.opera.com/diudangnay/blog/index.dml/tag/tho)

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2007

Entry for April 24, 2007




Mùi hoa dâu da rất mát và dịu nhẹ. Buổi sáng hay buổi đêm đều thích. Trưa thì thường bị lẫn với nắng, ngửi mãi mới thấy thoang thoảng.

(Ảnh của Hà nội Gallery)

Entry for April 23, 2007




...

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2007

và ta biết riêng ta..




Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng
Tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta
Tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta..

Hòn đá lăn bên đồi, hòn đá rớt xuống cành mai
Rụng cánh hoa mai gầy, chim chóc hót tiếng qua đời
Người ôm lấy muôn loài, nằm trong tiếng bi ai
Người ôm lấy muôn loài, nằm trong tiếng bi ai..

Mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi
Mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời
Kìa còn biết bao người, dìu dặt tới quanh đây
Kìa còn biết bao người, dìu dặt tới quanh đây


Ngẫu nhiên




Sáng tác: Trịnh Công Sơn - Thể hiện: Tam Ca Áo Trắng





Entry for April 22, 2007




...

Entry for April 22, 2007

Người ta cố gắng được bao nhiêu?
Còn tuỳ.

Như người mẹ thì có thể là vô tận.

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2007

Entry for April 21, 2007

Vứt hết tất cả là dễ nhất. Nên có thể làm được. Vấn đề là lựa chọn.

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2007

Entry for April 17, 2007




Hoa vàng ở lại



Mưa thu ướt đẫm cánh hoa vàng
Gió lục địa tràn về như bão
Gió phiêu bạt phập phồng nếp áo
Mây đầy trời đất lạnh sáng mênh mông

Những cánh đồng hoa cúc mọc rưng rưng
Chùm nắng lạ tươi vàng trên cỏ dại
Trăng ngả xuống cho hoa mềm thức dậy
Những bức tường lẩy bẩy bóng hoa lên

Em trở về đêm lạnh áo em đen
Gian phòng nhỏ một bình hoa ướt sũng
Em đã ngủ anh ngồi im lặng
Cái màu hoa ám ảnh suốt đêm dài

Ở ngoài kia thành phố mưa bay
Bùn lầy lội những ngả đường khuya khoắt
Mưa và gió ầm ào trên mặt đất
Hai chúng mình bên cạnh một loài hoa

Sắc hoa vàng những miền đất ta qua
Biển và cát của một thời trẻ dại
Những làng vắng màu hoa trên cát cháy
Con sóng đêm vàng chói cánh tay nâu

“Quả chuông vàng rung ở cuối rừng sâu”
Bài hát ấy bây giờ ai hát lại
Khói nghi ngút suốt mùa hè bom dội
Một chùm hoa bên suối báo vào thu

Một chùm hoa hái vội đặt trên mồ
Thằng bạn cũ nơi đỉnh đèo nằm lại
Đêm nay gọi tìm nhau trong đất tối
Mắt to vàng nóng bỏng giữa đài hoa

Đã qua đi thời say đắm mong chờ
Vẫn còn đó một màu hoa gay gắt
Cái màu hoa cô độc
Nở âm thầm trong giá buốt heo may

Em của năm nào em của hôm nay
Em đang thở hay hoa vàng đang thở
Gương mặt của tình yêu và nỗi khổ
Phương xa nào đến ở cùng tôi

Cái người trai đêm vắng lặng im ngồi
Cốc rượu đắng cùng hoa chuốc lửa
Tưới rượu xuống hoa vàng lả tả
Thấy chập chờn sao mọc nắng dâng lên

Cháy bên mình không một phút nguôi yên
Tình đã hẹn đời không thể khác
Chỉ e nữa lòng em rồi cũng nhạt
Quên hoa vàng ở lại những đêm mưa.

LQV
---------------------

Bài thơ tình thì đọc mấy lần em nhỉ? Nhìn lại, anh vẫn thích bài này.

"-Tôi bây giờ u ám lắm phải không em?
- Tại hoa cúc, tại màu vàng tiễn biệt?
Tại ông trời đang nắng bỗng dưng mưa?
Và như cả ngày đông xám nhạt
Rét mưa phùn len lén cựa tâm tư.."

Đừng như thế-đừng nhìn tôi như thế
Nghĩ về tôi xa ngái một con đường..
Đừng như thế..

Bức vẽ không màu của Lưu Quang Vũ tôi chẳng có
Chiếc cốc hãy còn
Men trắng thoảng sắc xanh
Không vỡ.

Tôi đã tặng đi những gì yêu thích
Đổi chác với lương tâm hòng níu kéo Hoài niệm
Nhưng chữ ấy chẳng giúp gì cho tôi
Mang nó đi như một lời nhắc nhở
Như nỗi đau canh cánh ở trong lòng

Nẻo đường xa
Em có đi cùng tôi?
Như ngày xưa em bảo:
Hạnh phúc là chi
Cùng làm việc bên người yêu dấu
Tựa vai nhau tin tới một thiên đàng..

Nói đi em nơi ấy ở đâu
Để tôi lại cười vui hạnh phúc
Như ngày xưa trong sáng
Uống giọt sương lành
Nhìn đắm say..
Ta làm sao có được?

Em lặng im.
Cái lặng im kỳ lạ
Giục tôi đi tới tận chân trời

Trái đất này rộng lớn
Nếu đi xa đây sẽ hoá chân trời
Chân lý giản đơn
Tôi trở về rồi ư?
Ngày giản dị ngày vui độ lượng
Say đắm nhìn
Cuộc đời ghê gớm ta yêu..



Vịn câu thơ đi trong ngày nắng gắt
Kẽ mắt dấu buồn

Bằng chữ nghĩa làm sao cho yên ủi
Mượn men say xin ngủ lại nơi đây
Những giấc mơ không cho tôi tuyệt vọng
Gọi tôi về đối chất với câu thơ...


Entry for April 16, 2007




Mạnh Vũ Bá vấn hiếu. Tử viết: "Phụ mẫu duy kỳ bệnh chi ưu". (LN, II.6)
---------

Làm con, chỉ mong cha mẹ được mạnh khoẻ, yên vui.


Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2007

Khi ta 20. Giờ là đồng dao.




Cái này của hồi 20 tuổi.






--------------------

Đồng dao.

Lênh đênh ai hát ngoài song cửa
Bài ca thanh bình đêm cũ
“Hoa lá quên giờ tàn
Mây trắng bay tìm đàn”
Ngày xưa yên ấm quá
Trẻ hát đồng dao trên phố
Con trai xách điếu đi cày
Con gái quang liềm gặt lúa
Bao giờ hết loạn người ơi
Cạn cùng nhau chén nữa
Tàn canh là xa xôi
Lòng như vầng trăng nhọn
Chém giữa trời không nguôi

LQV







"...Đấy là một chiếc cốc bằng sứ. Nó hình trụ đơn giản và tráng men một màu. Hoa văn trang trí phảng phất chất hoài niệm-chuồn chuồn và lá khoai nước..."







- Chuồn chuồn và lá khoai nước! Anh thở dài, muốn dứt ra khỏi đầu mấy chữ đấy. Có lẽ, anh đang làm một việc dại dột: mượn chút chữ nghĩa để xác định rõ, để nắm lấy một điều không thể là sự mơ hồ của ký ức. Thật bực mình. Tránh chuồn chuồn và lá khoai nước anh lại sa vào một thứ tệ hơn: ký ức. Ừ thì là nó rất gợi tả, là chữ được sính dùng nhất của giới trẻ. Anh đang cầm trong tay là cái bút. Anh thấy rõ cái vỏ màu đen, một vài chi tiết nhũ vàng của nó. Anh nghe rõ tiếng cào trên giấy của ngòi bút. Tờ giấy, anh có thể xé hoặc không xé - cam chịu. Khi anh ngừng lại để tìm những chữ nghĩa thích hợp thì tiếng ngòi bút cào giấy kia đã thành một ký ức. Anh không thể làm gì hơn nữa. Anh viết tiếp, chậm rãi và lắng nghe; nhưng chẳng nghĩa lý gì cả - anh lại sa vào cái cảm giác ấy - bải hoải hoảng hốt. Mà cái gì thích hợp với cái gì kia chứ? Chữ này thì hay hơn chữ kia sao. Mấy nét lòng ngòng đó làm người ta hiểu rõ hơn được cái quái gì kia chứ. Điên rồ; anh thấy rõ mình đang cười méo mó trước ý nghĩ kỳ quặc này.











Lớp học tiếng.

Anh đi học tiếng vì hai lý do - Thứ nhất, thời gian đi qua một cách dửng dưng. Anh mâu thuẫn; anh thấy rõ việc mình làm là vô vọng, anh thấy rõ rồi mọi sự sẽ chẳng là gì sau cát bụi. Phù phiếm, cái ý nghĩ ấy luôn đeo đuổi anh dai dẳng. Những lần rượt đuổi với ý nghĩ như thế anh thường bỏ cuộc bằng một cái thổi phù. AQ đã phủi xong bụi và đứng dậy. Anh không tin rằng cuối con đường kia có gì tốt đẹp. Anh muốn buông trôi - như lá theo dòng. Không - không hẳn thế.










Giờ là rạng sáng. Mưa lạnh và bùn lầy dưới chân. R đứng dậy, rời khỏi mộ lão G. Paris ánh sáng. Giờ còn ta với mày. Sau những lời to tát nhường ấy R bỏ đi còn anh đóng cho bà quản lý trung tâm hai tờ năm mươi nghìn cũ; để đổi lấy một tờ giấy in ốp-sét xanh trắng có dấu đỏ. Ba tháng sau, sẽ có một dấu đỏ nữa-trịnh trọng: chứng chỉ ngoại ngữ của trung tâm ngoại ngữ buổi tối thuộc một trường đại học danh tiếng chứng thực một công dân đã thắt nơ và biết uống vang đỏ. "Vang đỏ"-cái ông thầy đã dạy anh món vang đỏ ấy anh nhớ lắm. Công dân ưu tú của tổ quốc mang sứ mệnh tiên phong tới một xứ sở mà từ bạn bè anh ta sẽ phải để trong ngoặc kép. Như cái kiểu người ta vẫn nháy mắt ý vị với nhau. Về điều gì mà cả hai đều biết tỏng nhưng không cần thiết phải nói ra. Không cần. Mọi sự thật văn minh và sòng phẳng. Life school dạy anh cách khéo léo và hiệu quả nhất. Người ta văn minh và lịch sự nên chuyện ấy được nói rất thẳng thắn. "Mãi mới quen được!" Gã châu Á ngượng nghịu. Nhưng mà, đột nhiên gã cười-theo kiểu tạo tình huống-có một cách khác. "A drink of red wine is all if you're in a party". Bí mật đã được truyền trao. Thật văn minh tiện lợi hết sức. Tế nhị nữa. Rõ rồi. Vang trắng cho ngoại giao, vang vàng cho bè bạn và vang đỏ cho chuyện ấy. Cô sẽ uống với tôi chứ? - Tôi ư? Tất nhiên rồi!










Thứ hai, anh cần tìm một nguyên do nữa cho hành động của mình. Ngài D nói đúng - chúng ta, tôi và anh đều đang làm cái việc phù phiếm là tự viết cho mình một kịch bản mà bản thân chúng ta sẽ là một vai chính. Sẽ mở đầu là một xêmina về sự cô đơn và sự gặp gỡ của hai kẻ cô đơn. Chúng ta hãy đồng ý rằng dùng từ cô độc thì gợi tả hơn cái chữ cô đơn rất sến kia. Một gã đàn ông cô độc thì được, chứ nói hắn cô đơn thì rõ là có ý xỏ xiên rồi. Đàn bà nữa chứ - phải nói cô ta cùng với sự cô đơn. Cô độc thì không hiện đại và kém hợp mốt với phụ nữ - nó ít lẳng và yếm thế. Sự cô đơn - tính phù phiếm cố hữu của đàn bà đã biến một tính từ thành một danh từ. "Chó chết!" Gã xe ôm có thể nhổ nước bọt và nói như vậy. Xong. Nhưng một trí thức-từ này chỉ chung cho một công dân có chữ, hẵng tạm gọi như thế-sẽ bắt đầu đi tìm giới tính cho từ ấy. Chó chết! Chúng ta hãy cùng trở lại với nhà biên kịch và thảo luận về chương hai. Sẽ có những lời tự giới thiệu. Phải hết sức ngắn gọn, giản dị và kìm nén. Xen lẫn là những tự sự. Nếu cần thiết sẽ có liều lượng vừa đủ những lời văng tục và cũng nên vừa phải thôi. Phải cho độc giả (những vở kịch này sẽ chỉ để dành để đọc thôi) nghĩ rằng, anh hay cô ấy là những kẻ rất tự do và bản lĩnh; có thể chơi được với mọi kiểu của đời. Nó có thể hơi sến, phải sửa lại là anh ấy (cô ấy) có thể trở thành một cái gì đó, nhưng lại đứng ngoài tất thảy, hờ hững vì không thấy hứng thú. Hư hư thực thực - có mà chả lừa được cả tập đoàn Tam Quốc chứ nói gì riêng lão Tào Tháo ấy đâu. Ngày xưa anh mê Tào Tháo nhất trong Tam Quốc. Chả ai chịu nói thật cả, trừ mỗi lão - anh âu yếm gọi vĩ nhân ấy là lão - "Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta". Nói xong, làm xong mà vẫn ngủ ngon được, không biết ngài Trần Cung đang băn khoăn giữa một nhát kiếm với đạo đức của người quân tử. May mà ở đấy chỉ có hai người và có mình lão không phải là người quân tử. Hú vía! Lần sau thì đừng hòng nhé. Thọc một nhát kiếm cho thằng thị vệ đổi lấy giấc ngủ ngon. Kể ra thì cũng ác quá - anh tặc lưỡi - mà lão Dương Tu chủ bạ ấy cũng dại, mua tí danh hão, định ăn theo suất ông chủ làm gì. Ừ thì công nhận là ông biết được bụng dạ lão ấy - lão chả nói ngay từ đầu, có che dấu gì đâu - giờ thì hậu thế nhớ ông nhưng mà ông thì đang ở đâu kia chứ? Nhát đao ấy chả đau lắm sao?...Rồi anh chợt nhớ lão ấy, lão Tào Tháo mà anh hằng tâm đắc ấy cũng chỉ là sản phẩm của ngài La Quán Trung thôi. Và cả cái ý nghĩ về sự nói thẳng ấy cũng là một ngài phê bình thời cổ dạy cho anh đấy chứ. Tẽn tò, anh quay trở lại với một nghìn bảy trăm năm sau - không chơi với bọn ấy nữa, tạm gọi là chỗ quen biết cũ. Những nhân vật của anh, tốt nhất là thể hiện sự thẳng thắn của mình bằng những câu chuyện về DỤC VỌNG. Phải viết hoa chữ đó. Như thế độc giả sẽ kính trọng anh - anh là kẻ thẳng thắn và rất NGƯỜI. Và để phù hợp, anh sẽ không phủ nhận nhận định đó, thản nhiên cảm ơn và lảng sang chuyện khác; trước đó có chú thích là anh không thích đề cập tới chuyện đó dù anh không ngại ngần gì sất.









Giờ là chương ba. Những nhân vật của chúng ta cần phải làm việc. Bọn chúng không thể ăn và tán chuyện về cái tôi, cái tự ngã cả ngày được. Phải có những công việc cụ thể, những công việc hoặc hết sức buồn tẻ công chức - để nhân vật của anh có thời gian suy nghĩ và đi bụi. Hoặc nữa, phải là công việc năng động tối đa, very active. Phóng viên chẳng hạn. Hay là cho hắn làm xây dựng đi, kiến trúc cũng được. Tốt đấy, dù sao có tí nghệ thuật cũng thi vị hơn. Câu chuyện về DỤC VỌNG phải xen lẫn những liên tưởng trong sạch về cái ĐẸP, về nghệ thuật tạo hình, sáng tối...Nhưng tóm lại, họ, những nhân vật ấy phải có tiền để sống. Dĩ nhiên, họ sẽ nói họ vừa cần vừa không cần tiền. Họ lệ thuộc nó một chút, nhưng họ ghê tởm nó. Và nếu cần thiết, vì một điều gì cao cả, họ sẽ vứt toẹt cái gọi là tiền đi; chả thiết. Gờm gờm hay bất cần, có thể là thản nhiên, họ bỏ đi khỏi chương ba.









Chương bốn. Rồi độc giả của anh cũng sẽ thấy nản lòng vì những dòng suy tưởng độc thoại lan man của anh. Thật tội nghiệp cho cả hai. Lúc đầu, anh đã lừa họ một cách trung thực. Phải nói như thế vì suy cho cùng kẻ bị lừa chính là anh. Khéo léo và làm ra vẻ vô tình, anh giữ cho mình vẻ thẳng thắn. Khó mà nhận ra được sự cố gắng trong cái nhìn giận dữ thẳng thắn của anh. Những ghi chép vô tình thờ ơ trên mặt bàn. Những lời độc thoại trong cơn say. Những bài thơ như vô tình dửng dưng, như ngả ngớn ngông nghênh. Độc giả của anh, họ sẽ tự vấn, họ sẽ ngờ ngợ và thấy thương mến xen lẫn tò mò về anh. Anh dẫn họ vào mê cung, rồi bỏ mặc đấy. Rồi tuỳ tiện nói gì thì nói, làm gì thì làm. Anh hả hê và thương xót nhìn họ lạ lẫm ngờ nghệch trong mê lộ. Lúc họ nản lòng là lúc họ muốn thoát ra. Nhưng làm sao được. Kẻ tạo ra mê lộ này còn chẳng ra được huống chi là họ. Nhưng lúc đó cũng là lúc họ không còn như anh mường tượng nữa. Khi thấy mình thành một kẻ thường thường trong mê lộ, không còn là sự chú ý của mọi người thì anh lại hối tiếc. Anh hì hục đào thêm những con đường mới. Anh cười với họ - một điệu cười u uẩn. Anh lật nhào tất, phủ nhận tất. Hỡi ôi, nhưng những kẻ kia trở thành loay hoay trong mê lộ với cái tự ngã to đùng thì anh mới biết mình thảm hại hơn bao giờ hết.










"Đáng kiếp. Hắn ta lại muốn tranh công với Chúa trời". Nhà biên kịch thở dài. Dù sao thì tôn giáo đang là một thời thượng hiện nay. Dân chúng thành thực với các quan ngài của họ. Cái món thịt chó làm rỏ rãi kẻ qua đường ấy doạ được khối anh cho tới tận ngày mười rằm hàng tháng. Giới trí thức thì điềm đạm hơn. Ông đeo kính trắng kia không ăn thịt chó vì ông ghét cái dung tục của nó. Chúa của ông sạch sẽ và thanh cao. Có nhà hiền triết dạy rằng phải cải tạo thế giới. Ông á, ông sẽ cải tạo tất; phải trừ tiệt cái anh thịt chó nhếch nhác gớm ghiếc ấy đi. Ông muốn túm lấy gáy thằng oắt con đội mũ ngược ngồi chồm hỗm mặt đỏ gay kia mà hỏi: Thế cậu sống làm gì? Cậu đã thế nào? Sẽ thế nào? Nhưng mà cái giọng đã lè nhè ấy nó chẳng nghe ông đâu. Hay là ông sẽ bắt chuyện với cái thằng đeo kính kia vậy. Nó e dè cắn miếng rau ngổ - chắc nó hiểu điều ông day dứt hơn. Ông sẽ tìm cách - Rồi, phải nói cho dễ hiểu, dễ nghe mới được.










"Cái vẻ mặt ông ta thật tức cười. Ông ta muốn gọi cái ông ăn, cái ông bài tiết bằng một khái niệm mới hơn nữa cơ đấy!" - Nhà biên kịch cười kể cả. Nheo mắt ý nhị với cái ông có râu vểnh từ nãy giờ ngồi im nhồm nhoàm. Ông này cũng là trí thức. Nghe đâu ngày xưa cùng khoá với ông kia. Nhưng có máu nghệ sỹ. Giữa phòng khách, ông chỉ đặt bàn thờ gia tiên và một chữ Tâm thôi. Nét chữ thảo, thanh thoát, điềm đạm. Nghe đâu chuyện xin và cho chữ của ông cũng li kỳ lắm. Bọn trẻ tuổi thích ông vì ông có chất. Chất gì ấy nhỉ? Chúng thì thào và tò mò nhòm ngó, một cách lặng lẽ kiểu tuổi trẻ, tìm ý chỉ Thiền trong hành động của ông.










Thời hậu hiện đại, nhân loại đã sang cái kỳ cuối của tuổi thanh niên. Nhân loại lịch thiệp mà yếu ớt, ngông nghênh mà ti tiện đã chán chường mọi thứ; giờ quay sang phá phách. Bọn thì phá kẻ khác. Bọn thì phá chính mình. Chúng hò hét và quanh quẩn. Sau một hồi to tát ấy, bỗng nhận ra cái cười ý vị của Phương Đông. Các hội nghị, các hiến chương về môi trường và sinh thái bắt đầu sử dụng một cách dè sẻn và kể cả những khái niệm của Phương Đông; những Đạo và Pháp; xen lẫn biện chứng và siêu hình...Người ta bắt đầu khao khát giải thoát. Nói tới tâm linh như một sự khải ngộ. Bọn gan dạ nhất thì tụ tập nhau làm một chuyến nhất loạt về Thiên đàng - hòng chiếm chỗ tốt trên ấy. Bọn kém hơn một chút thì đã có thứ khác, an toàn tiện lợi hơn. Phương Đông huyền bí xin phục vụ các ngài. Giải thưởng của cuộc hành hương là trực giác chứng ngộ, là Niết Bàn ngay trong thế giới Ta bà này. Thế đấy, xin ngài hãy chú tâm, ngài chả thiếu gì, chả ai trói buộc ngài, ngài là chủ đấy. Hãy tin đi. Tin để hiểu rồi hiểu để tin. Lãng mạn và thú vị. Pháp môn này rủ người ta đi tu ngay giữa chợ. Hứa hẹn anh sẽ vẫn ở đây nhưng anh tự do. Anh chả mất gì, anh đủ cả. A DI ĐÀ PHẬT - xin theo các ngài.












Chương năm. Kỳ quặc và mâu thuẫn. Các triết gia giải thích thế giới như một thể thống nhất của các mặt đối lập. Ấy là đang nói về mâu thuẫn. Anh muốn chua thêm một ý tưởng về tôn giáo. Nó là một mâu thuẫn kỳ quặc. Nó là thứ khó tin nhất cho những kẻ không tin, nhưng lại là thứ vững vàng nhất trong một kẻ có lòng tin. Thi thoảng, nó rủ rê được vài kẻ chả tin đếch gì. Cũng đôi khi một vài đứa bỏ nó. Chả sao! Lại thấp thoáng nụ cười ý nhị của nhà biên kịch. Hoá ra hắn đang thử vít thiên đàng xuống cho kẻ nói tục. Thật vĩ đại! Thật khéo léo! Nhưng hãy xem, kịch gia của chúng ta không hề phổng mũi quá kích thước cho phép. Ngài quyết định thay đổi thủ pháp. Chút gia vị thế là quá đủ cho món xào này. Xin chư vị độc giả trở lại với món chính của đêm nay. Tạm biệt và chúc quý vị ngon miệng.











Tối mai anh sẽ không được phép tới lớp học trung tâm muộn. Anh sẽ phải điềm đạm, tự tin bắt tay hoặc không, nói chuyện sơ sơ với tay Quang ấy; rồi đóng cho gã một chục nghìn. Tay này với vẻ thẳng thắn và humour, tháo vát đứng ra làm chân tổ chức cho cái small party vào tối mai. Màn đã hạ; hết hồi một. Phải thế chứ! Ít ra thì cũng đã có một kẻ nói ra ý nghĩ mà tới chín mươi chín phần trăm thành viên lớp học không nói ra. Rồi, anh tới lớp, chị tới lớp, tất nhiên là lý do chính đáng. You need English for your works. OK. Nhưng cái kiểu ngồi tư lự, nghe ơ hờ, vừa nói vừa thở hào hển; ví dụ thì quẩn quanh ba chuyện không gia đình thì yêu đương, không yêu đương thì sự nghiệp. Đùa nhạt thếch. Tất cả những thứ ấy đều rởm. Rởm tất! Phỉ phui chúng đi. "An interesting communication". Mẹ kiếp! Anh nào thử phản đối xem nào! Với cụm danh từ ấy, xin thưa, sẽ chẳng vị nào chơi lại ngón bài cũ nữa đâu: ngồi ơ hờ, nghe lững thững, thi thoảng đùa nhạt thếch và thở hào hển, lắp bắp...











Cái phần trăm còn lại duy nhất không thuộc vào số tính từ ấy làm anh dịu đi đôi chút. Xanh, Đỏ - Anh thích nghĩ tới cô ấy như thế. Đó là cô giáo của anh. Anh thích thú tưởng tượng lếu láo rằng nếu như cô ấy đọc được vở kịch của anh nhỉ. Xanh, Đỏ. Chắc hẳn cái nước da trắng, cái mắt xanh ấy, tất cả sẽ thành Đỏ tuốt. Thật tội nghiệp! Cô ấy đâu có lỗi gì. Xanh, Đỏ - đơn giản vì cô ấy đã mặc bộ váy xanh hôm chủ nhật và cái áo len đỏ hôm thứ ba. Còn ngày mai là thứ năm. Đều đặn một tuần 3 buổi. Và không biết những lớp khác thì sao? Mai cô ta sẽ xử sự thế nào nhỉ? Sẽ ăn mặc thế nào nhỉ? Chắc lại cái vest xám chán chết ấy. Cô ta sẽ tỏ ra giản dị - anh sẽ lại thấy cô ta phù phiếm. Nhưng mà cảng thế - cô ta càng đàn bà. Ngài D đã nói đúng, nhưng giờ đây với điều này thì anh mong quý ngài hãy sai đi. "Đàn bà chỉ sắc sảo khi đang được ve vãn hay đang yêu. Rồi thì họ đờ đẫn đến tội nghiệp; khư khư giữ lấy đôi ba mớ giẻ lau..." Đại loại thì quý ngài nói thế và anh thấy cô ta đang thế - đang ở vế thứ nhất của nhận định. Chắc hẳn có một vài kẻ theo đuổi cô ta và cũng chưa có vẻ gì là cô ta yêu ai hơn cái bản thân đầy đặn của mình. Phỉ phui câu nói, anh thấy mình ngượng mồm khi nói về cô ấy như thế. Nó có vẻ như bất nhẫn khi một đàng là vẻ tự tin đến nông nổi của cô ta với sự hoài nghi bạc nhược trong anh đang núp bóng vẻ trầm tĩnh. Lại còn tuổi tác nữa chứ. Anh thấy rõ là cô ta thích được mọi người biết tới tuổi tác của mình mà cư xử cho phải. Hẳn là cô ta nghĩ thế - cô giáo của anh ấy, cô ta sẽ thế nào nhỉ khi nghĩ một chút tới anh và biết được sự so sánh của anh. Cô ấy khoảng hai sáu tuổi. Dĩ nhiên anh sẽ nói anh cóc sợ con số hai sáu - như ngài D đã nói. Nhà biên kịch, sau khi xin phép Chúa trời, sẽ có cái quyền tuỳ tiện đặt tuổi cho nhân vật của mình. Nó có ý nghĩa khá lớn cho vị thế ứng xử của các vai diễn, các nhân vật. Thật dễ dàng nếu anh hai mươi bảy tuổi. Anh vẫn là gã đàn ông ấy, cô độc và trịch thượng, thẳng thắn và trải đời. Và quan trọng nó đảm bảo cho anh một tư thế tự do. Anh sẽ có thể kín đáo ngâm se sẽ mấy câu thơ của Lưu Quang Vũ "Em như sông êm ả một dòng/Có yêu giông trời chớp bể/Có hiểu lòng anh như đứa trẻ/Trong sạch và khát khao". Dĩ nhiên, nhân vật cô giáo của chúng ta chỉ có thể nghe được một cách vô tình mà thôi. Chứ ai lại thế. Dù là một chú đàn ông, đọc thơ mình hay thơ người khác thì xã hội đều gọi hắn là nhà thơ thẩn và đứng cách xa hắn thêm hai mét rưỡi sau khi khen hắn lãng mạn. Cơ mà anh cần tất cả những thứ ấy làm gì chứ? Này nhà biên kịch, tôi vẫn như thế sau ngần ấy năm cơ á? Tôi hai mươi mốt tuổi và tôi cần gì sáu năm vô nghĩa của anh? Anh định xui tôi thành thứ gì nữa đây trong vở kịch của anh. Tôi sẽ phải tỏ ra đàn ông hơn cái thằng đàn ông trong tôi à? Tôi sẽ phải sử dụng cái mác cô độc, cái sự thẳng thắn, những câu đùa humour để làm một cái việc của vai diễn là ve vãn cô ta hay sao? Khi mà tự tôi đâu có cần cái dáng vẻ này. Anh sẽ ưu ái bố trí cho tôi cái thứ tình cảm vừa yêu vừa ghét sự cô đơn mà không hề sợ nó chứ gì? Sẽ có tiếng thở dài kín đáo phải không? Của cô gái ấy - cô giáo của tôi ấy mà anh đã láu cá mời vào vai diễn trong vở này bằng sự thuyết phục lừa bịp phải không? Xin nói thật với anh nhé: Tôi ấy mà, tôi cũng viết hoa cái chữ DỤC VỌNG đấy! Và hễ tôi thấy tí ti sự trìu mến nào là tôi làm ngay cái phép cộng tham lam mà sau dấu bằng là cái tình yêu ấy mà. Nói cho anh biết nhé; tôi sẽ thích cái cô bé ngồi trước mặt tôi trong lớp hơn cả nếu tôi chắc rằng cô ta dám bộc lộ cái ý nghĩ mà vẻ rụt rè và cái ánh mắt đã nói tuốt rồi kia kìa. Hay là cô bé ngồi xa xa kia kìa, cái ánh mắt ấy dám làm mọi chuyện lắm. Tại sao anh cứ thích một cái form tầm thường thế cho tất cả chúng tôi? Tôi biết tỏng rồi nhé! Cái này giới viết lách gọi là tự sướng đấy. Anh đừng làm thế, mất tư cách lắm. Dĩ nhiên anh là kẻ nhiều chữ nghĩa, anh sẽ vặn vẹo rằng cái tư cách mà tôi vừa nói ấy, nó đưa anh và tôi tới đâu, ích lợi gì không. Tôi đếch cần giải thích đâu. Không có câu trả lời nào cả. Trước sự ấy, có 3 khả năng cho mỗi chúng ta lựa chọn. Hoặc là anh chấp nhận, hoặc là anh thoả hiệp, hoặc là anh đương đầu. Cái tự sướng của anh nó giống như thoả hiệp mà kỳ thực tồi tệ như thể chấp nhận đấy. Tôi ấy mà, tôi sẽ chọn nẻo còn lại của ngã ba đường. Chả hơi đâu tôi lại đi đôi co với anh. Anh hãy lo trả lời cho câu hỏi của chính anh đi.

































...Say. Anh đã say tối qua. Cũng đã lâu rồi anh mới lại bắt gặp cảm giác ấy. Thảng thốt. Bải hoải và vơ vẩn. Anh biết chắc lúc say người ta cũng chẳng nói thật đâu. Nhiều người không tin thế nhưng điều đó đúng. Cái sự thật được nói ra lúc say ấy chỉ là sự thật tự ngã của anh thôi. Anh vẫn tiếp tục tự lừa dối mình trong chếnh choáng. Anh chỉ tin vào những giấc mơ. Phân tâm học của Frued không biết có giống những chiêm nghiệm của anh không? Nhưng có một điều rõ ràng là những suy nghĩ vô ngã ấy, anh chỉ thấy được trong giấc mơ thôi. Bóng mờ của vô thức chỉ hé mở một chút đủ cho anh nuối tiếc. “Đấy là một tiếng vọng” – Anh thầm nghĩ. Hay là một tiếng gọi? Xa xăm. Bỗng dưng anh nhớ tới bài thơ cũ. Trong nhật ký – ngày xưa anh đã thường làm như thế: trốn vào trong ấy - ở trang có đề lịch ngày trùng với sinh nhật của anh, anh chỉ chép bài thơ ấy.

“- Tôi ơi, tôi từ đâu về đấy?

- Vâng, tôi vừa chạy mê bên những cánh đồng làng

Cùng chú chó con đuôi xoè như bím tóc

Tôi tìm tuổi thơ, đôi bàn chân xơ tướp

Chỉ gặp đồi hoang và những cánh diều

- Tôi ơi, hình như ai đang gọi?

- Ồ không, tôi đang hát với bạn bè tôi

Những dế mèn khúc lãng du lá cỏ

Ngày râu tóc lan man rêu thành cổ

Bóng tháp Chàm trầm mặc mấy mùa trăng

- Tôi ơi có ai vừa qua?

- Gió đấy thôi mùa thu và tiếng kẹt cửa

Trả tôi về hun hút một men sông

Tôi trong veo nhìn tôi ám bụi

Tôi bộn bề nhìn tôi rỗng không

- Tôi ơi về đâu thế?

- Thì tôi về gieo gặt cánh đồng tôi

Nghe tiếng hạt cựa mình trong đất ẩm

Rồi thảng thốt, tôi nhìn tôi lạ lẫm

Rồi trong mơ tôi gặp những mùa vàng

- Kìa tôi ơi, gì lãng đãng như sương

- Là khói ấy, lá vườn hoang tôi đốt

Gọi chim về khơi một tiếng chuông ngân

Là tôi ấy, ánh ngày lơ đãng tắt

Chợt ngước nhìn, trước cửa một vầng trăng”.

(Hương Đình)

Anh thậm chí khó khăn khi nhớ bài thơ. Mọi thứ cứ ùa về như ký ức. Lộn xộn. Chẳng có thứ tự nào cả - hệt như những bức tranh trừu tượng vậy. Rất lâu rồi anh không thể vẽ được nữa. Cũng vẫn cảm giác ấy – mơ hồ tản mạn. Căn phòng nhỏ của anh giờ chỉ còn lại một phiên bản anh vẽ lại từ một tờ tạp chí. Tranh của Điềm Phùng Thị - giản dị và biểu cảm. Anh luôn luôn bị ám ảnh bởi sự giản dị. Nó cứ chờn vờn trước mắt anh, trong trí não anh. Nhưng không lúc nào anh cảm thấy được mình giản dị. Phức tạp. Loè loẹt. Phù phiếm. Anh chạy trốn vào những gam màu bạc xám, nâu đất. Anh chỉ chọn mặc những màu ấy. Anh tưởng thế là mình đã giản dị. Hả hê, anh nhìn đắc thắng vào cái Tôi. Nó chả thèm nói gì cả. Thế rồi anh lại hụt hẫng. Anh nuối tiếc thời gian. Hoá ra, anh đã lưỡng lự, đã chần chừ và phải lựa chọn. Có và Không – anh được tự do lựa chọn giữa hai thứ ấy. Anh nghẹt thở và căm tức vì Có và Không. Chúng tồn tại hiển nhiên trong mọi người. Mọi người coi nó là những tiên đề tiên nghiệm và mặc nhiên công nhận. Họ tự hào với thứ trang sức ấy còn anh thì căm thù. Sẽ rất sung sướng nếu anh được ở ngoài ranh giới này. Nhưng bao giờ? Chẳng lẽ lại là lúc chết ư? Cát bụi. Thế là xong. Cứ mặc cho những bánh xe nghiến qua. Mặc cho gió thổi mù lên. Thậm chí chả là gì cả cũng tuyệt diệu. Nhưng không phải thế. Anh sợ Chết và ham Sống. Hai trạng thái ấy chúng cũng a dua thành một cặp; cùng với Có và Không lạnh lùng kẹp anh ở giữa. Đất thì cứng ngắc mà Trời thì cao tít trên kia. Anh nhìn lên, tuyệt vọng khủng khiếp. Anh không thể bay lên được. Những bức tường dựng đứng quanh anh. Hệt như Lưu Quang Vũ, anh muốn đập tay lên bức tường lạnh ngắt ấy – dù chỉ để nghe cho kỳ được một tiếng vọng. Cái quá khứ đầy sách của anh, anh căm thù nó. Anh tưởng anh tự do trong khi các vĩ nhân họ ngồi kể cả trên vai anh. Anh tưởng anh lang thang một mình trên triền sông thì anh lại phải chào tác giả này tác giả nọ. Trái đất này nhỏ hẹp quá. Mà người ở đâu ra mà lắm thế không biết. Ông nào chịu khó một tí là đã thành nhà văn hết cả rồi. Bọn biếng nhác thì thỉnh thoảng cũng thở dài thườn thượt “Hệt như tiểu thuyết”. Các vĩ nhân-không-thể-thành ấy hứa hẹn “Nếu tao viết, sẽ là cả một tác phẩm”. Bây giờ, anh nhổ toẹt vào cái gọi là bản quyền, là đạo đức ấy. Cả sáng tạo nữa – làm quái gì có thứ ấy. Rặt một lũ lừa bịp. Anh cảm thấy lạnh lẽo và anh cần những người bạn, cần những tình bạn ấm áp. Giờ thì anh đang ngồi đây - một mình trong căn phòng của mình – căn phòng mà anh đã kỳ công lựa chọn cho ưng ý mình. Đúng như anh hằng mong muốn. Nó cũ kỹ vừa phải để không quá ảm đạm. Đơn côi vừa đủ để anh thấy tự do. Có hai cửa cho anh. Căn nhà nhỏ lợp ngói và nằm tận góc miếng đất của chủ nhà. Trước là một khoảng đất rộng bỏ trống. Một cây ổi nhỏ nhỏ, một bụi chuối xa xa và một đống gạch cũ kỹ lên rêu –chúng có mặt để chiều ý anh. Anh lựa chọn tối thiểu những vật dụng trong nhà. Anh muốn tự thân chúng phải có một ý nghĩa gì, gợi lên một cảm giác cụ thể. Không bao giờ nói ra nhưng anh thường thích thú khi có người nào so sánh đúng như anh nghĩ - mọi thứ giống như trong những bức hoạ cận đại hay Phục Hưng – cũ kỹ uể oải. Anh có một cái giỏ đựng những cuộn giấy và vài thứ linh tinh. Một cái ghế để bày đồ uống nước: một ca nhựa đỏ, một con dao nhỏ và một chiếc cốc bằng gốm, tráng men một màu, hoa văn giản dị...Chiếc cốc ấy trong một chiều cao hứng, cùng với vài người bạn, anh đã sang tận Bát Tràng để chọn mua. Những hoa văn của nó gợi cho anh những ký ức. Không rõ rệt được. Nó phảng phất như những câu đồng dao vậy. Góc phòng là một cái hũ sành chỉ cắm một màu hoa cúc – vàng da diết nhưng âm thầm. Quần áo và sách vở, anh để bừa bộn trên giường. Giường là một chiếc giường đôi, nửa trong anh mắc một cái màn đơn và luôn để như vậy, nửa ngào là sách vở và quần áo. Một sự bừa bộn vừa phải và cố ý để đổi lấy sự ấm cúng. Anh tự lừa dối mình như vậy và riêng với điều bịa đặt này anh tạm hài lòng và chấp nhận như chấp nhận một phí lí. Anh nhớ đến ông Nam Cao và tặc lưỡi tiếc rẻ. Ông trẻ này dường như đã chặn mất của anh một cảm giác rồi. Thật tiếc cho những ai cả đời chưa một lần say rượu. Họ sẽ chẳng bao giờ biết được cái cảm giác của Chí Phèo lúc tỉnh rượu. Anh chưa hẳn là Chí nhưng anh cũng đang trong cảm giác ấy. Anh đã trong một buổi sáng trời trở lạnh. Tiết Đại Hàn vào ngày rằm cuối năm và mưa phùn. Trong phòng kín nhưng anh vẫn mường tượng rõ cái ánh sáng nhàn nhạt trắng và hơi xam xám của ngày đông. Bây giờ đang là buổi chiều. Anh đang ở trong phòng, đóng kín cửa và để điện. Ngay cả loại bóng điện tròn có thứ ánh sáng vàng đục này cũng là sự lựa chọn của anh. Bất chợt anh lắng nghe được những tiếng động khe khẽ của ngày. Chúng rời rạc và lác đác. Thảng thốt. Một cái gì đó mơ hồ đã được gọi tên: Thảng thốt. Anh biết chắc mình đang như vậy. Cả cái tiếng xe máy đâu đó cũng làm anh động lòng. Ngoài cửa, ở phía sân nhà chủ đang có tiếng nói chuyện. Những câu nói dường như cũng trở lên cố ý tham gia vào buổi chiều này. Nó thảng hoặc và đột ngột. Vu vơ. Rồi đột nhiên tắt hẳn. Một câu chuyện không thành chuyện. Se sẽ trong một ngày dường như sẽ không bao giờ là một ngày hoàn thiện. Anh muốn níu kéo mãi những ký ức này, nhưng bất lực. Hình ảnh và cảm giác – chúng truồi khỏi tay anh, khỏi lồng ngực anh. Nghèn nghẹn. Để làm gì anh không biết nữa. Nhưng sự bất an luôn luôn là như vậy trong anh. Anh trở thành một kẻ hồ nghi kinh khủng. Anh thở và anh nghi ngờ cả hơi thở. Thậm chí khi anh nghĩ anh cũng phải rượt đuổi với ý nghĩ ấy. Xem tại sao anh lại đang ở đấy - ở cái ý nghĩ đấy. Và chưa bao giờ anh tóm được gáy nó cả. Anh thấy mình đang chạy vô vọng giữa một con đường, không, một cánh đồng vắng lặng. Không gian đen sẫm, chỉ đủ nhờ nhờ sáng như những đêm trăng già. Anh chạy và không có phương hướng. Không có phương hướng nào hết. Chỉ biết phải đuổi theo một cái gì đó. Trời u u. Văng vẳng vẫn là tiếng gọi ấy. Một tiếng vọng. Nó không dửng dưng cũng không săn đón anh. Nó có như là nó có. Còn anh thì không còn là anh nữa rồi. Anh bị chặt đứt đôi thành hai nửa mất rồi. Lưỡi kiếm Triệu Châu sắc bén và nóng bỏng. Nóng bỏng và giá buốt - lạnh lẽo kinh hồn. Anh đang đuổi theo cái Tôi hay tôi đang đuổi theo cái Anh? Gió như có như không. U u và xoáy xiết lấy chân trời. Anh muốn khóc. Tuổi thơ của anh đấy ư? Bây giờ thì anh đã trưởng thành thực sao? Nhưng cái gì hơn cái gì đây! Anh nhớ năm học lớp 9. Nhớ cái lúc đọc truyện “Xin cô tha lỗi cho chúng em” ấy. Nó đâu rồi - cảm giác xưa cũ. Lần ấy anh cũng đã chạy trên thảo nguyên, ướt đẫm sương và vang vọng. Và gió. Nhưng ánh sáng trong trẻo thì đâu rồi. Ánh sáng của buổi ban mai kỳ lạ. Như còn phả hơi sương lẫn trong những tia nắng loé rực rỡ. Mạnh mẽ xiết bao. Mưa. Mưa rộn rã của mùa hè trong những khu phố nhỏ. Nước mưa tung toé trên mặt đất, chảy thành rãnh. Tiếng nước đập rào rào trên mái tôn, tiếng giọt gianh lanh canh xuống xô, xuống chậu. Chạy. Lũ trẻ chạy trong những cơn mưa và reo hò. Chúng chẳng cần những bản thiết kế và làm ra những con thuyền. Những chiếc thuyền giấy chở những điều thần kỳ. Chúng trôi trên mặt nước. Phải té thì chúng mới ra xa được. Cẩn thận nhé kẻo nước làm chìm thuyền mất! Rồi thì chúng cũng chìm trong mưa. Chúng xẹp xuống, ướt đẫm và lấm bùn - ngập dưới làn nước. Nhưng bọn trẻ đã chạy đi tự lâu rồi. Chúng không bao giờ chịu chờ đợi cả. Không bao giờ chúng chờ đợi kết thúc. Không có kết thúc trong tim non ấy. Trong sạch và khát khao. Chiếc thuyền vẫn chìm trong nước mưa. Và mưa sắp tạnh rồi. Sẽ có vô khối cá rô nếu bây giờ là ở quê. Những con cá rô khoẻ mạnh, ram ráp quẫy mình theo lạch nước. Phải be bờ thôi. Hay thật! Cứ như là làm ao ấy. Bọn trẻ đã hoàn toàn quên những chiếc thuyền. Những chiếc thuyền ấy đã đi xa tít tắp. Xa tới tận những Đảo giấu vàng. Và thỉnh thoảng chúng ghé lại những hải cảng. Thuyền trưởng sẽ gặp những thống đốc hay ký kết một món gì đấy. Thuỷ thủ sẽ tới quán rượu Buốc-bin. Cũng có cái giờ là thuyền cướp biển. Vào bờ chúng sẽ hạ lá cờ đầu lâu xuống, nhưng rất dễ để nhận ra những gã cướp biển. Những tay can trường và bặm trợn ấy, chúng uống rượu Rom và hát be bét. Những bài hát về những con vẹt, thuốc súng, ống nhòm và cả những thằng cụt chân. Nếu nhiều quá những thằng cụt ấy thì sẽ quẳng bớt xuống biển – cho cá ăn. Cả bọn cười hô hố và ghẹo cô hầu bàn. Chúng chửi rủa ầm ĩ và tục tĩu. Chỉ có thuyền trưởng mới buộc chúng về tàu được. Chúng lại ra khơi. Những tàu cướp biển không bao giờ biến mất cả. Chúng cũng không chìm. Nếu cả bọn chết thì nó sẽ là một con tàu ma. Con tàu lầm lũi đi trong sương mù và bóng đêm. Bất chợt một ngày tạt sát những con tàu khác và mất hút - đột ngột. Lại có một con thuyền có cánh buồm màu đỏ thắm. Nó đi khơi đã rất lâu, rất lâu rồi. Chỉ nhớ, có một lần, nó xuôi theo một dòng sông. Đứng xa bờ sông một chút thì không thể thấy được thân tàu. Chỉ có màu đỏ thắm là thấp thoáng sau những lùm cây. Rồi nó lại ra khơi và bắt đầu một chuyến đi mới. Những chuyến đi không bao giờ là cuối cùng cả. Rồi mờ nhạt. Tất cả mờ nhạt đi. Bọn trẻ rồi cũng thành người lớn cả. Người lớn thì chóng quên. Người lớn phải tới tận những hải cảng, những bờ biển để nhớ một con tàu. Cũng không hẳn thế. Hồi họ trẻ hơn, khi họ hai mươi tuổi, họ đã nhớ và nhìn thấy những con thuyền. Không cần phải ra biển. Những cánh buồm ngày xưa. Cái vẻ thần kỳ của ngày xưa. Cánh buồm bay qua ô cửa sổ. Một lần và mãi mãi không bao giờ trở lại. Cho dù giờ đây họ có tụ tập lại, bọn trẻ ngày xưa ấy, ôm đàn và hát mãi về bài hát xưa. Bài hát có màu hoa đỏ, có tình yêu và có những cánh buồm bay qua ô cửa sổ. Họ có thể khóc nhưng cũng chẳng thể nào thấy lại những canh buồm và những con thuyền. Nhưng chẳng sao - người lớn thì bao giờ cũng chóng quên. Họ vẫn phải sống với thời gian của họ kẻo không lại một ngày họ phải nhớ cái ngày mà họ đang sống đây. Một vài người tin vào luân hồi. Như thế tốt. Có nghĩa là họ sẽ chẳng vội vàng gì. Sẽ có một ngày họ lại có tuổi thơ khác, cuộc đời khác, tinh khôi. “Tinh khôi”, đã có lần anh bị lừa bởi từ ấy. Thuở dại khờ của anh, anh đã mất mấy năm cho nó. Cô bạn cùng lớp có đôi mắt trong sáng và hai bím tóc buông thõng. Mảnh dẻ và áo hoa tím nhạt. Anh ngồi cuối lớp và luôn chỉ nhìn thấy cô ấy như vậy, hơi nghiêng và mảnh khảnh. Anh không thể gọi tên được tình cảm ấy. Anh ghét sự tan vỡ nên rất dè sẻn khi dùng từ mối tình đầu. Cho tới tận sau này anh vẫn không biết được anh đã có mối tình đầu chưa. Một vài người đi lướt qua quãng thời gian ấy của anh. Rồi mất hút. Anh thở dài sõng sượt, xếp họ vào một bao giấy, loại mua ở siêu thị, rồi cất kỹ đi. Có lẽ một lúc nào đó phải mang ra bày tại một hàng souvenir nào đó mất. Chứ làm sao anh mang được tất cả bọn họ theo đây, khi mà anh hệt như một thằng lang thang. Anh đã bỏ đi, như một cuộc chạy trốn. Ngài D đã xơi tái mất của anh từ “xảo ngữ” rồi. Anh cũng rất xảo ngữ. Hèn hạ nữa. anh ba hoa và tự chửi mình cho cô gái nghe. Bắt cô gái ấy phải tưởng tượng cho mình một nỗi buồn, một cái gì ngờ ngợ như số phận, như cá tính. Rồi một ngày nào đó, cái cảm giác cồm cộm dưới mông xuất hiện. Nó ngắt lời anh bởi vì anh đã kịp nhận ra đó là cái đuôi chồn hôi. Tẽn tò, ê mặt, anh lủi về. Cố vớt vát bằng mấy lời khó hiểu, úp mở. Nghĩa là cũng na ná một kiểu tạo tình huống. Và hơn cả như thế, bằng sự...

--------------

Hết.




...ở đâu đó chừng như có người ...

Mỗi người


thăm thẳm


một chiêm bao.
(TD)

...tựa quá kiều thì




...............................................

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2007

Đứng-ngồi



Ngồi









Đứng.

Nhập ma




Tớ thường rất chú ý đến việc đặt tương quan giữa tít với ảnh với nội dung và với tag. Trong các tag của tớ có một cái là "tâm_ma". Cái này tớ đặt để ở đấy rất lâu rồi hy vọng gầy dựng được sự cảm thông tương tri với bạn bè; cũng như gầy dựng được niềm tin bất xá bất tuyệt vào LÒNG YÊU SỐNG, QUYẾT VƯỢT trong 1 vài bạn bè - dù là họ chưa ở trong friend list của tớ. Tớ viết hay nói điều gì luôn có 1 đối tượng xác định trước những liên tưởng chung chung khác cho mọi người. Và để 1 lúc nào đó các bạn tớ bắt đầu chia sẻ được một cách tích cực khi tớ chính diện viết về "tâm_ma", nói ngoa là tớ nhập ma.

Tớ mượn tạm chi tiết của Tru Tiên để ví von thế này: cũng giống như dùng toàn thân dụng dẫn "Ngự lôi chân quyết" khi hoả hầu chưa đủ vậy. Tớ nhập ma là bất xá rồi nên mong bạn tớ nhớ cho một điều - hãy chỉ soi lại chính mình; hễ khởi vọng tâm phán xét, tranh biện với tớ thì cũng thôi đi. Chỉ xét mình còn hãy cho người như nguyện với chính những nghiệp báo của anh ta.

Phiến diện trong đa đoan mong bạn hiểu và NHẬN cho. Ngoài ra tớ chả có gì đáng kể.


Thứ Năm, 12 tháng 4, 2007

Entry for April 13, 2007

Nhất nhật tại ngoại thiên thu tại net. Nhất nhật tại net thiên thu tại ngoại. Cảm ơn các bạn đã hỏi thăm tớ 2 hôm nay. Mạng nhà tớ đang rớt mà tớ thì đang bận :(

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2007

...Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân




Rồi thì chàng cũng vào đến những công ty như "In vét con dao" của M. Nguyễn Trần Bạt hoành cbn tráng đương đại. Chàng làm ở phòng FDI hẳn hoi nhé. Chàng tham gia nhiều dự án lớn. Chàng được sếp gái thương...bị thằng em trưởng phòng nó ghét...bị công việc khó nó hãm...

"Rồi anh lại ra đi
Bắt đầu tự thuở ấy
Khi trời mờ hơi sương.."


Ghi chú là chỗ này tớ hát nhé. Như Thanh Hoa hát ấy. Chuyện đời chàng cứ vắt vẻo chông chênh như vậy mãi và các bạn sẽ bẻ bai tớ có gì giống đâu; đọc thấy xúc động ...bỏ cố nội. Vấn đề là ở chỗ này. Chàng lý tưởng nhưng chàng dốt. Dốt đặc. Logic của chàng là logic cảm tính. Chàng biết 25% phí là bao nhiêu tiền nhưng kỳ thực chàng không biết "cộng, trừ, nhân, chia". Các bạn có tin được không? Không. Hẳn rồi. Vậy tớ xì nốt ra này: chàng không đọc được những con số lớn hơn 1.000.000. Nhiều số không là chàng hoa mắt. Chàng không phân biệt được chúng. Một cách bí mật - tất nhiên mình tớ biết bí mật đấy rồi bây giờ là các bạn. Tớ đã từng yêu cầu chàng mua lại sách toán cấp 1 để tớ dạy lại chàng cách cộng trừ nhân chia. Tớ thề với chàng là chỉ dạy đến khi nào chàng biết phân biệt hàng với lớp là tớ thôi. Nhưng có lẽ tại tớ dạy dốt nên chàng không theo hết khoá đấy. Còn đang dang dở ở phép nhân. Chàng vẫn mãi mãi không biết hàng lớp của những tỷ đồng. Chàng mãi mãi là chàng hề lơ láo trên tuồng đời. Chuyện tớ dạy dốt không phải tớ nói khiêm đâu - bằng chứng là khi chàng hỏi tớ thế nào là mệnh giá tối thiểu của cổ phiếu thì tớ đã chịu không thể nào nói rõ cho chàng được. Cho tới khi vợ thân yêu vĩ đại và cụ thể của tớ
trừu tượng ngẫu nhiên nhảy vào bảo "anh cứ tưởng tượng như rút tiền ở ATM vậy". À, rút tiền thì chàng biết. Chàng kết luận là đã hiểu. Và lúc đó chàng đang làm tư vấn FDI cho "In vét con dao" đấy. Tay ngang như tớ sau bao lần lẩn mẩn mày mò tìm cách hiểu cái chàng đem hỏi cuối cùng cũng nghĩ ra 1 giải pháp thiên tài: tớ cho chàng cóp cái file excel để chàng sửa số. Nếu chỉ thế mà xong thì đã đành. Nhưng chàng không cam tâm. Chàng nhất quyết muốn tớ giải thích thế nào là NPV với IRR cơ. Chàng thành thực muốn hiểu tất cả mọi sự. Nhưng chàng dốt một cách trơ trọi.


Nhưng trí tuệ cảm tính của chàng, kinh nghiệm xông pha trận mạc của chàng với những chàng nông dân Thái Bình đem mảnh ruộng đi lập dự án vay 200 tỷ, với những con nợ của chàng...cũng đủ giúp chàng có một nghiệp vụ vững vàng chấp chới ở khu vực theo dõi dự án và xử lý phát sinh. Trò đời nhiều lúc cũng ngộ. Người ta cứ bí hiểm với nhau, múa múa vờn vờn mà thành ra cái may Vi Tiểu Bảo nó cứ bám theo chàng mãi. Vừa đủ lẵng nhẵng để chàng ngửa cổ chuẩn bị đón cái tuổi 40 phía trước đâu đó dăm năm nữa. Chàng vẫn độc thân và chưa yêu được ai. Vẫn hăng hái xung phong vào những mặt trận ác liệt nhất như KPMG...này nọ. Mặc cho mấy tháng làm trợ lý tổng giám đốc đi mây về gió vi vu hờ trước đó vừa suýt cho chàng nếm mùi đao búa. Vẫn một con xe ghẻ với cái phòng trọ bé tí nhưng giờ gần trung tâm hơn. Độ rày chàng thưa đến gặp tớ. Tớ cũng thưa gặp chàng. Có lẽ đã gần 1 năm. Từ độ chàng hỏi tớ làm sao lập công ty để bán hoá đơn đỏ. Tớ sợ. Sợ chàng mệt rồi, muốn nhanh nhanh kiếm chút vốn liếng với đời. Hay đơn giản vì cuối tháng chàng phải đóng tiền nhà rồi. Cái IBM phò chàng bán đã lâu. Nhưng lại hay tin đâu đó chàng đang làm trưởng phòng kinh doanh của 1 công ty mới nổi, rất to, nhưng là privacy nên tớ không tiết lộ đâu. Chàng làm trưởng phòng vài lần rồi. Tớ mong sớm thấy ngày chàng yên ấm hưởng tước Lộc Đỉnh Công bên 1 Song Nhi bé nhỏ nào đó. Mong cực. Tớ trông chàng như trông cây sào dò nông sâu nước ngược dòng đời.



Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân...




Cây cột to đùng đã sụp xuống cũng vài năm. Yếu ớt và mỏng manh trong vòng tay một Song Nhi nào đó. Còn chàng, bao giờ chàng lại uống cà fê với tớ để phân tích tình yêu tình báo như độ nào? Song Nhi ơi, em ở đâu - dưới tán bưởi trong nắng đầu hè hay bên khóm tầm xuân xanh...

Trèo lên cây bưởi hái hoa...




"Nếu tôi là ổng" là một câu điều kiện không có thật trong tiếng Anh, ở bất cứ thì nào. Bởi vì đơn giản điều đó là "không có thật". Chỉ có trong giấc mơ chúng ta mới có thể thực hiện nổi điều này. Rất đơn giản, tự nhiên ta thấy ta là ai đó trong khi vừa là ta - tự nhiên và lập tức. Bạn nào để ý sẽ thấy trong vài giấc mơ nào đó bất kỳ, ta nhảy từ cảnh này sang cảnh kia một cách chớp nhoáng không cần lý do gì hết ráo. Và ta có thể là con gà hay thấy người khác là con gà một cách bình thường, hồn nhiên. Dịch sang tiếng người lúc tỉnh thức điều đó gần tương tự như "Tôi thấy anh ta như con gà vậy", hay "Tôi như con gà tồ này". Còn nếu ta nói "Nếu tôi là con gà" thì tất nhiên ta cũng phải chia ở dạng điều kiện không có thật. Vậy chuyện ở sau đây mà tớ sẽ nói là nói trong lúc mắt nhắm mắt mở các bạn đừng chấp nhé


"Nếu tớ là ổng" thì tớ sẽ nghĩ thế nào khi có người (nhất là bạn) nói về mình thế này nhỉ? Bần thần bối rối, bực tức khinh bỉ hay mệt mỏi chán nản...thì cũng thấy có người nói rồi. Và trước hết tớ có lẽ cũng sẽ như thế chăng? Không biết. Nhưng giờ tớ muốn làm một phép thử mới. Nguyên do từ một sự mê tín nhảm nhí của tớ về con người. Nhưng chót đã là lựa chọn của tớ mất rồi. Nên bây giờ tớ muốn thử "nếu tớ là ổng" - gồm cả hai con người với một giả thuyết ban đầu là luôn muốn tốt và chỉ làm điều tốt cho mình cũng như cho người thôi. Để xem tớ có tự mâu thuẫn không ấy mà. Cũng để xem bộ lọc của tớ hoạt động có tốt không thôi. Chứ ai chả biết đây là câu điều kiện không có thật ở mọi thì rồi!

Việc khó khăn này tớ có gì để bắt đầu không? Xin thưa tớ có. Tớ có một mối giao tình thâm thiết với một anh Đông-ki-sốt từa tựa như vậy. Vả chăng, hình như nhiều bạn cũng ít nhiều cho tớ là như vậy - nhưng hổng thấy các bạn đó nói, chắc chưa hệ luỵ gì đến nhau đây. Quay trở lại với anh Đông-ki-sốt của tớ nhé. Anh hơn tớ 5 tuổi, lớn lên trong một gia đình lao động bình thường ở Yên Bái, văn chương lắp bắp, người thấp , trán dô, mặt láo nên khả năng rất cao là anh ấy không bao giờ bén mảng đến vườn văn hoa bay chim hót do đó mà những chiếc cối xay gió của anh ấy hiện giờ chỉ tập trung vào việc có một văn phòng luật riêng và "làm việc như Tây, kiếm tiền nhiều như đại gia và giúp đỡ mọi người hết khả năng của mình thôi". Ảnh học khoa Luật trường Tổng hợp ra. Và nếu người ta chịu cấp văn bằng cho một chàng trai học chui từ buổi đầu tiên đến ngày cuối cùng thì ảnh có thêm một bằng tại chức ngoại ngữ. Hỗn danh của ảnh có thêm một chữ "AIDS"-"ết" ấy mà-bởi thói ăn ở luộm thuộm bẩn thỉu. Bẩn, luộm thuộm thế nào ư? Bẩn như các bạn xa nhà thời sinh viên hơn chục năm đổ về trước ấy mà. Bẩn, hay luộm thuộm hay kỳ cục như chuyện chàng luôn ngồi trong nhà xí mà không bao giờ chịu khép cửa ấy mà. (Chàng tâm sự với tớ - chứ tớ chưa đụng hàng bao giờ - là để cho có cảm giác hơi phiêu lưu mạo hiểm). Các bạn đừng vội cười con người rừng rú ấy nhé. Kiểm điểm lại bản thân xem nào. "Phiêu lưu, mạo hiểm" của chúng ta chắc chỉ như các nhân vật trong xi-nê thôi: sạch sẽ, đẹp đẽ, sẵn sàng và lãng mạn - đương nhiên bụng dạ ổn định, không đề cập đến Cá nhân tớ thấy trong tình tiết sự vụ li kỳ này ngút ngát sự phiêu lưu mạo hiểm đến chân tơ kẽ tóc luôn! Ly kỳ như ngày chàng bảo tớ có đi học tại chức ngoại ngữ như chàng không. Như chàng - có nghĩa là ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, đến sớm nhất vào hôm tập trung, làm quen với người trực cửa hay bất cứ ai đó đến sau. Lờ lờ, tảng tảng lẫn vào trong cái nhập nhằng nhộn nhạo nhá nhem của bất cứ lớp tại chức nào của thời hiện đại này mà vui vẻ đi hết mấy năm học với các bạn như ai. Mà không mất 1 xu! Giờ chắc chả cần thế. Hôm rồi trước cổng trường ĐH nọ tớ đã thấy mẩu giấy in dán trên cột điện nguyên văn thế này:

"Chúng em là nhóm sinh viên trường X, trường Y...nhận đi học hộ cho các anh chị học tại chức, thạc sỹ...Chúng em xin cam kết sẽ thực hiện các buổi học có ghi chép, điểm danh và làm bài tập đầy đủ.

Giá cả theo thoả thuận trực tiếp. Liên hệ: 09..../04...."

Ôi giời, chàng thông minh phiêu lưu bao nhiêu mà ngày đó cũng không nghĩ ra nổi là lại còn có thể đem cái phiêu lưu mạo hiểm của chàng năm đó ra mà kiếm lấy bộn tiền sao? Thật, sóng Tô lịch lớp sau đè lớp trước quá thể đáng! Tớ hồi đó thì còn nói làm gì! Chỉ dám đem ước mơ phiêu lưu mạo hiểm phẳng phiu có nếp gấp ấy sang trường Tổng hợp vào giảng đường liên khoa Sử-Triết-Luật nghe lỏm một trong bốn cây cột to đùng của ngành sử học nước nhà giảng giải về "cơ sở văn hoá VN" trong trình hiện thổ cẩm và bia chai HN thôi. Còn nhớ được bài nói về câu ca dao "Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân" đây. Lúc nào tớ rỗi, tớ tán.


Chàng xấu nhưng chàng lại vô cùng tự tin vào bản thân mình. Tin mãnh liệt vào sức quyến rũ kinh người của mình với các em gái. Chết cái là chàng cũng tin vào tình yêu sét đánh mới chết chứ! Chàng gặp một em gái năm nhất đến chơi khu nhà trọ chúng tớ buổi chiều là chàng mắt sáng rực, tóc dựng ngược, khoan thai xoắn xuýt bên em với bao la trời biển Đông Tây Kim Cổ...thật một trời tình mộng, khiến em dù sao cũng thẫn thờ mất một lúc lâu, lén ngửa cổ lên giời tìm con ong cái nhạn để cười duyên, mắt chớp chớp. Ăn tối xong là chàng sẽ tình nguyện đưa em về. Đi bộ thôi. Trên con đường làng ẩm ướt dưới bóng cây rì rào ấy hết 200 mét đầu thì chàng sẽ tỏ tình với em. Đi hết 20 mét yên lặng bối rối của em thì đến gần vườn chùa. Chàng như bao lần hấp tấp trước sẽ thành thực tin rằng em yên lặng là em đồng ý và sẽ vít cổ em mà trao nụ hôn nồng nàn. Vít một tay còn tay kia thì...bóp bóp...(Ty Văn hoá kiểm duyệt mất một đoạn). Rồi sẽ ăn tát. Rồi sẽ về lôi tớ đi uống cà fê băn khoăn đến sững người tại sao mối chân tình ấy của chàng lại bi thảm thế. Lần nào tớ cũng kiên nhẫn giảng giải cho đồ rừng rú ấy về cái tâm sự e ấp, cái ước mơ thanh tao của người Kinh chúng tớ. Nhưng xem ra nước đổ đầu vịt đực. Chàng miền Thượng ấy không rút được nhiều kinh nghiệm lắm. Được cái càng thêm biết ơn tớ đã chịu hiểu thấu nỗi lòng chàng.


Rồi thì chàng cũng ra trường. Để lại một mối tình với một em sơn cước Hoà Bình học ĐH Luật năm nhất. Một mối tình cực băn khoăn bối rối. Cuối cùng thì chàng cũng gặp nghiệp báo của mình. Em không đẹp, da đen nhưng mắt to và có duyên. Ngày đầu em xuống phố, thay đồ gội đầu xong là em sang bên phòng tớ lúc đấy có 3 thằng đang lúi húi vẽ vời đàn đóm. Em se sẽ ngồi xuống xin phép được cùng chơi. Se sẽ hỏi han. Làm chúng anh đây cuống, chúng anh ngượng. Căn bản chúng anh chưa tới tuổi tán. Tối. Chàng đi học lớp tại chức về và chàng lại bị sét đánh lần nữa. Lần này sét to, chát sém hết tóc tai mặt mày. Chàng yêu, yêu điên cuồng và ồ ạt. Em yên lặng lắng nghe. Có hôn. Bóp cũng được. (Các bạn đừng nghĩ bậy. Thời chúng tớ chỉ đến đấy thôi. Không có gì khác nữa đâu). Nhưng nhất quyết em không nói là yêu hay không yêu chàng. Chao ôi tê tái, bẽ bàng. Bao nhiêu khí thế đàn ông, cả một rừng chí khí của chàng không biết đặt để vào đâu. Và oái oăm thay, trời già trêu bạn trẻ. Nàng lại thích một anh khác. Cũng trong xóm liều chúng tớ. Ôi, cái xóm liều yêu dấu. Một khu nhà với hơn hai chục mạng đủ cả Văn, Hàn, Triết, Luật, Thợ xây thợ hồ, cảnh vệ bala...Cả một vườn quả chục mẫu thơm lừng mùa ổi nhé. Cả một cánh đồng phía tây cho những chiều tà chạng vạng nhé. Một giáo đường yên dịu, một mái đình yên ả trầm tư,, một vườn chùa xao xác nhé. Những đêm đêm ngùn ngụt khí thế tửu chiến với các chàng Hàn Xẻng, Nhật Bủn đến cưa chị em nhé. Một thằng Hàn Xẻng đã thành công đậm khi trình diễn màn say rượu đến trước cổng nhà chúng tớ lúc hai giờ đêm mưa gió và gào to lên "Th..ơi, anh yêu em". Nó lăn ra ngủ trước cổng. Còn nàng thì thu lu kéo ghế ôm chăn ngồi trông ở trong vì bà chủ nhà nhất quyết không dậy mở cửa. Cho đến khi biệt đội can thiệp nhanh chúng tớ thiết kế vụ cẩu nàng ra khỏi hàng rào đưa tình yêu sang một bến đậu mới...

...Nhưng chàng thì không được diễm phúc ấy. Chàng mãi mãi là chàng hề lơ láo trên tuồng đời. Số chàng rồi. Nàng Bạch Tuyết ngăm đen ấy phải lòng chàng Văn Nguyễn Du của chúng tớ. Ôi giời, đây lại là một đại nhân vật nữa, mà khéo ra tớ sẽ viết thành tiểu thuyết đấy. Nhưng dại gì. Mình còn trẻ đâu ngu gì để tinh hoa phát tiết hết ra thế được! Chàng Nguyễn Du là một người lơ đãng. Chàng ở cõi Văn thực. Rất ít ghé cõi người. Quả tình văn chàng cũng hay, gọn gàng và bí hiểm. Nhưng chàng, như một vănn sỹ chân chính hiếm hoi còn sót lại, không hào hứng lắm với một tìn yêu cụ thể như thế. Sân khấu xoay 180 độ. Nàng tha thiết kín đáo bày tỏ. Nhưng chàng hôn mà chàng không yêu. Chàng có nhớ nhưng chàng không yêu. Ôi. Những kẻ yêu đương tội tình chi mà trời đày đến tệ...


...Chàng Đông-ki-ết của chúng ta ra trường đúng hẹn và về nhà báo cáo kết quả trước khi quay lại Hà Thành "còn ta với mày". Nhưng sự đời éo le: mẹ hiền ở quê đã chuẩn bị trước cho chàng một tương lai ông thông ông phán ở tỉnh rồi. Tất nhiên là chàng không chịu. Nhưng tất nhiên chàng hiểu mẹ. Người mẹ đã chèo chống con thuyến ọp ép của gia đình chàng qua ngày tháng năm. Chàng là cả. Em chàng tự kỷ. Tức là không khôn. Không mạnh mẽ như chàng. Một tay mẹ chàng bươn chải. Bản thân chàng cũng thú nhận không có tuổi thơ. Tuổi thơ chàng ngày học lớp 1 đã biết xui mẹ bán hàng nước và chàng trông quán. Tiền cho vào một hộp tôn có lỗ. Tuổi thơ chàng xui mẹ đi hút cát dưới sông lên bán. Nhưng chàng không cam tâm với một tương lai cụ thể như vậy. Chàng giận mẹ khoác ba lô xuống Hà nội một tối. Hôm ấy ma nhập thế nào mà bên tách cà fê tớ đã nói điều gì đó không liên quan đến tình yêu, không liên quan đến sự nghiệp. Tớ nói về những người mẹ lặng lẽ giặt chiếu bờ sông. Về những mệt mỏi chông chênh cuối ngày bên người chồng vô tích sự...Rồi cũng đột ngột như khi chàng xuống núi; 5g sáng hôm sau chàng xách ba lô về rừng. Phải về rừng và đi biệt 3 năm. Chàng lên hẳn Trạm Tấu. Làm thầy ký ở toà huyện. Viết thư chỉ cho tớ chỗ nhỏ tý trên bản đồ, nơi đa phần là dân tộc. Chàng nhiều hoài bão. Đã mở lớp dạy Anh văn. Tham gia Đoàn Đội. Dự định phát một quả đồi gầy một trang trại. Đã mua 1 ti vi đen trắng và đang cặp kè tạm với một em già đã có gia đình nhưng chán chồng. Môt lần chàng thụ lý hồ sơ 1 vụ ly dị. Em đẹp và đau khổ. Thằng chồng nghiện, vô tích sự. Một con nhỏ. Em bỏ nó sau một đám cưới quá sớm và xuống Hà Nội làm vũ nữ trong New. Mãi sau này khi lại về Thành chàng tình cờ gặp em trên tàu khuya và yêu nhau cũng được mấy năm sau này...đấy là chuyện về sau.

Rồi chàng theo đúng kế hoạch cũng về đến thành phố quê hương chàng. Rồi chàng vỡ mộng. Bởi những võ chàng biết, chàng tích cóp vô dụng ở đây, trên quê chàng. "Khác phái khó đánh nhau!" Chàng lại tay trắng xuống núi sau hơn 4 năm biền biệt. Chàng xuống phố khi bạn bè đã ổn định và đang thăng tiến rất nhanh. Chàng không liên lạc với ai. Đi làm thuê cho một khách sạn mà việc chính là quét hành lang và bật tắt điện sáng tối. Rồi chàng cũng kiếm được việc. Đi tìm nhà cho tây thuê. Đi phát tờ rơi. Đi đòi nợ thuê. Có tên công ty đàng hoàng. Miệt mài. Không mệt mỏi và tràn đầy tin tưởng. Hệt như ngày xưa tình ái thuở nào. Giờ thì chàng khoan yêu vội. Chàng xác định thế. Sự nghiệp cái đã. Chàng quyết chí và bắt đầu rất thấp nhưng chàng chưa bao giờ tủi hổ gì. Chỉ muốn âm thầm vươn lên. Trời cũng chẳng thương chàng là mấy. Chàng đi học đúng thời nhưng ra trường lệch thời. Văn bằng cử nhân Luật của chàng hoàn toàn vô tích sự. Nhưng chàng không mỏi. Chàng luôn có một tập dày những mẩu báo cắt ra, ghim cẩn thận. Chàng thi gan với các nhà tuyển dụng, không thèm xem đến điều kiện xét tuyển. Chàng biết tất cả các công ty lớn ở Hà Nội. Tớ cũng thi gan với chàng những lần miệt mài phân tích tình hình và định hướng cho mai này. Chàng trông vào tớ như nhìn đám cây bụi xa xa để nhớ đường về. Tớ trông chàng như cái sào dò nông sâu nước ngược dòng đời xô đẩy. Có lần chí phiêu lưu phẳng phiu có nếp gấp của tớ lại thót lại khi chàng mất việc chỉ vì nói dối công ty đi dự lễ tốt nghiệp của tớ. Tớ chỉ mời chàng thôi. Cái công ty chết tiệt. Công ty khỉ gió. Công ty đếch gì, chuyên đi tìm nhà cho Tây thuê. Công ty (bị) chó đuổi, hắt nước như cơm bữa. Tớ nản nhưng chàng không nản. Chàng lại dở dở với tớ từng sấp mẩu báo cắt và trù định cuộc chiến mới. Chàng trông tớ như cái cột điện nhớ đường. Tớ trông chàng như cái sào thăm nước nông sâu...


soi-même




Définition de "culture" par l'UNESCO:


La culture d'aujourd'hui est comme un ensemble de traits particuliers matériels et spirituels, de l'esprit et de la sensibilité qui déterminent le caractère d'une société, les modes de vie, les droits fondamentaux de l'homme, les systèmes des valeurs, les conventions et croyances. La culture apporte à l'homme la faculté d'examiner soi-même. C'est la culture qui considère les hommes comme des êtres vivants spéciaux humains, raisonnables, ayant de l'esprit critique et engagés dans la voie morale. C'est grâce à la culture que l'homme se manifeste, a la conscience de soi-même et se connait; toujours à la recherche de sens nouveaux et crées des oeuvres qui surpassent soi-même".

Định nghĩa văn hoá của UNESCO:


Văn hoá hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách xã hội, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng. Văn hoá đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân mình. Chính văn hoá làm cho con người được xem là những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và biết dấn thân theo đạo lý. Chính nhờ văn hoá mà con người tự thể hiện, tự ý thức, tự biết mình; luôn tìm tòi những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên trên bản thân".


---------------

Thấy mọi người tranh luận sôi nổi bên
blog nhà bác Linh liên quan đến văn hoá làm mình lục lại cái định nghĩa này. Mình quan tâm đến nó vì nó có mấy đặc điểm làm mình chú ý. Thứ nhất phải nhớ rằng UNESCO là tổ chức của Liên Hợp Quốc nên đặc thù của nó quy định mục đích và cách nó đưa ra những khái niệm để đạt sự đồng thuận của quốc tế. Tức là nó phải nói được cái chung nhất. Điều này có tính hai mặt. Một đàng nó mang lại 1 thước đo được tất cả công nhận. Một đàng nó bị hạn chế bởi chính tính thoả hiệp hẳn nhiên có liên quan đến chính trị của nó! Nhưng rốt cuộc Tây nó làm việc không thể mơ hồ vô định, nên tớ rút ra được mấy đặc điểm hứng thú; thử đem ra lược lại xem sao. (Từ tài liệu môn học "Bases culturelles et patrimoine architectural du VN" của Prof. TRẦN Hùng).



"Ở thế kỷ XX, khái niệm văn hoá đã thay đổi so với trước đó, ý nghĩa văn hoá được quy định do khung giải thích riêng chứ không phải bắt nguồn từ cứ liệu cao siêu như "trí lực", vì thế sự khác nhau về mặt văn hoá từng dân tộc cũng không phải theo tiêu chuẩn trí lực. Đó là "tương đối luận của văn hoá". Văn hoá không xét ở mức độ thấp cao mà ở mức độ khác biệt."



Tớ quan tâm đến mấy cái như "tính cách (XH)...lối sống...quyền cơ bản...hệ giá trị..." đặc biệt là "khả năng suy xét về bản thân mình" để "
tự thể hiện, tự ý thức, tự biết mình; luôn tìm tòi những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên trên bản thân". Ngoài ý niệm "quyền cơ bản" là ý niệm thuần phương Tây ra thì các yếu tố khác có thể coi là chung cho mọi nền văn hoá được. Tớ thực ra cũng không hiểu nhiều hay phân tích sâu xa được những khái niệm trên nhưng tớ thích nó vì nó gần gũi với quan niệm làm người của tớ hiện nay - tớ đánh giá con người trước hết ở khả năng tự thức và sau đó là khả năng vượt lên trên bản thân. Thế thôi. Tớ chỉ quan tâm đến cao thấp của chính mình với tiềm tàng nhân tính của mình. Và xét người hay quốc gia tớ cũng chỉ xét văn hoá thôi. Điều này với tớ cho thấy một ý nghĩa: mọi người đều bình đẳng trước khả năng vượt lên chính mình và giá trị nằm trong chính tiến trình ấy!