Thứ Ba, 6 tháng 3, 2007

Trên giá sách. Lịch sử.




Có lần cậu bạn muốn hỏi về sách tìm hiểu về lịch sử. Mình hứa lâu rồi, hôm nay điểm qua số sách đang có nhân dịp lập thư mục cũng để giới thiệu luôn.


---------------------

Lịch sử:

1. Sử Việt Nam:

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sỹ Liên, Nxb VHTT, 2004

Việt Sử Lược, Trần Quốc Vượng dịch, NXB Thuận Hoá

Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, Tân Việt xuất bản, 1954

Lịch sử Việt Nam, Đào Duy Anh, Nxb VHTT, 2002

Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn, Nxb VHTT, 2006

Binh Thư Yếu Lược, Trần Hưng Đạo, Nxb CAND

Lý Thường Kiệt, Lịch sử Ngoại giao và Tông giáo triều Lý, Hoàng Xuân Hãn, Nxb QĐND

Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Hà Văn Tấn&Phạm Thị Tâm, Nxb QĐND

Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất, Trần Bá Chí, Nxb QĐND, 2003

An-Tĩnh Cổ Lục (Le vieux An-Tĩnh), Hippolyte le Breton, Nguyễn Đình Khang&Nguyễn Văn Phú dịch, Nxb Nghệ An & TT VH ngôn ngữ Đông Tây, 2005

Đến với lịch sử văn hoá Việt Nam, Hà Văn Tấn, Nxb Hội Nhà Văn

Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb VHTT,2002

Toàn tập về Trần Nhân Tông, Lê Mạnh Thát, Nxb TP HCM, 2000

Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, Lê Mạnh Thát, Nxb TP HCM, 1999

Nhà Tây Sơn, Quách Tấn-Quách Giao, Nxb Trẻ, 2000

Đời sống cung đình triều Nguyễn, Tôn Thất Bình, Nxb Thuận Hoá, 1993

Thực chất của "Đối Thoại Sử Học", Nhiều tg, Nxb Thế Giới, 2000

Định Quốc Công Nguyễn Bặc, Hoài Việt, Nxb Văn Nghệ Tp HCM, 1999

Quần Anh, Dấu xưa mở đất, Trần Xuân Mậu, Hội VHNT Nam Định, 2002

Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các hiến pháp VN, Nxb CTQG, 2005

2. Thế giới:

Sử Ký, Tư Mã Thiên, Phan Ngọc dịch, Nxb Văn Học, 2003

Chiến Quốc Sách, Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn Học

Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê, Nxb TH TP HCM, 2006

Lịch Sử Thế Giới, Nguyễn Hiến Lê, Thiên Giang, Nxb Văn Hoá TT, 1998

Lịch sử văn minh phương Đông, Will Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb VHTT, 2004

Những cuộc đời song hành, Plutarque, Cao Việt Dũng, Vũ Thọ, Nxb Tri Thức, 2005

Bài học Lịch sử, Will Durant&Ariel, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb Tổng hợp TP HCM

Các nhân vật lịch sử cận đại Ấn Độ, Lê Vinh Quốc (chủ biên), Ngô Minh Oanh, Nxb GD, 2002

Bộ sách: Đối thoại với các nền văn hoá:

- Trung Quốc, biên dịch Trần Huy Hoá, Nxb Trẻ, 2003

- Nhật Bản, Trần Huy Hoá, Nxb Trẻ, 2003

Lịch sử triết học Tây phương, Lê Tôn Nghiêm, Nxb TP HCM

Đại cương triết học TQ, Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Nxb TN, 2004

Lịch sử tư tưởng TQ thời Trung Cổ, Hồ Thích, Cao Tự Thanh dịch, Nxb TP HCM, 2004

Lịch sử logic học thời Tiên Tần, Hồ Thích, Cao Tự Thanh dịch, Nxb TP HCM, 2004

Lịch sử triết học Ấn Độ, Kinh Văn các trường phái triết học Ấn Độ, Doãn Chính (chủ biên soạn, dịch), Nxb ĐHQG HN, 2003

Lịch sử tâm linh, Que sais-Je? Raymond Darricau, Bernard Peyrous, Nxb TG, 2006

Lịch sử nghệ thuật, Que sais-Je? Xavier Barral I Altet, Nxb TG, 2003

Các trường phái lịch sử, que sais-Je? Guy Thuillier, Jean Tulard, Nxb TG, 2002


Trong số trên thì ngoài các bộ chính sử đã kể còn vài bộ quan trọng của sử Việt nam là bộ An Nam chí lược của Lê Trắc, và sử thời Nguyễn như Đại Nam chính sử...có thể kể thêm Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái. Theo tôi, đọc sử nghiệp dư thì chỉ cần nên biết Đại Việt Sử Ký và đọc thêm An Nam Chí Lược cùng Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Đại Việt Sử là chính sử mẫu mực. An Nam Chí Lược cho biết nhiều thông tin phong phú về địa dư, quan chế, phong tục...thời Trần mà vốn sử nước ta rất ít dự liệu do nạn đồng hoá thời thuộc Minh. Hoàng Lê Nhất Thống Chí có giá trị riêng. Thứ nhất vì nó có niên đại gần đây, có thể kiểm chứng được, không bị chìm lấp trong huyền thoại như các triều đại khác. Thứ 2, do nó có nhiều mô tả có thể tham khảo để đánh giá các bộ sử trước đó về nhiều mặt. Ví dụ như mô tả các trận đánh thời đó có nhiều chi tiết rất hay. Quân Lê Trịnh đuổi quân Mạc đến khu rừng ở Hồ Tây là đã thu quân, sang bên kia sông Cái là đã thành chiến tuyến. Mỗi trận đánh chém được vài chục thủ cấp cho thấy quy mô chiến trận thực sự ở VN thời đó. Các cuộc nổi loạn lẻ tẻ cho thấy khởi đầu của các cát cứ...Điều này rất có ích khi đọc những bộ sử khác có thói quen viết ước lệ kiểu chục vạn quân, mấy nghìn thủ cấp....

Các tác phẩm biên khảo khác thì đáng chú ý nhất là cuốn Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn. Các sử gia sau này như Hà Văn Tấn thường lấy ông làm mẫu mực, chuẩn thằng để học tập về thái độ, phương pháp và tinh thần viết sử. Cũng nên đọc bài viết của Hà Văn Tấn trong cuốn
Đến với lịch sử văn hoá Việt Nam để biết sự phân tích về quan điểm viết sử trong sự so sánh giữa Lê Văn Hưu và Ngô Sỹ Liên.



An-Tĩnh cổ lục do tác giả nước ngoài viết là một dạng địa phương chí rất thú vị do phương pháp và cái nhìn của người nước ngoài. Ông có những quan điểm rất nhân văn và đầy tinh thần phương Đông như khi bình về Nguyễn Du.



Cuối cùng là cuốn sách mỏng Đông Kinh Nghĩa Thục của Nguyễn Hiến Lê. Ông là người có tâm đức chí khí của truyền thống Nho giáo xưa. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục qua ngòi bút của ông trở nên sống động và có sức khích lệ lòng người khác hẳn với những mô tả phiến diện và sơ sài đầy thiên kiến (hay dụng ý tuyên truyền) trong sách lịch sử ở GD phổ thông. Tôi nhớ nhất câu chuyện về ông Lương Ngọc Quyến, con cụ Lương Văn Can, thục trưởng của ĐKNT. Ông LNQ bỏ nhà vượt biển sang Nhật, không tiền không quen biết, không biết tiếng, bày mưu vào ngủ giữa đồn cảnh sát như thế nào hồi trẻ. Rồi nằm trong ngục ở Thái Nguyên chỉ huy cuộc bạo động với Đội Cấn trong 5 ngày và chính ông yêu cầu Đội Cấn bắn vào ngực mình để không rơi vào tay quân Pháp. Cũng như câu chuyện về ông Tăng Bạt Hổ phiêu bạt sang tận Nhật, tham gia quân đội Nhật trong chiến tranh TG 1 đã khóc giữa triều đình Nhật trong tiệc mừng công mà mở ra phong trào Đông du. Sau này có câu chuyện gặp hổ giữa rừng mà thành tên Tăng Bạt Hổ. Một thời đại hào hùng. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.


Sử TQ thì nhất thiết nên đọc Sử Ký. Văn Sử Ký là mẫu mực của văn Tây Hán mà ngoài sự cảm nhận trực tiếp thì thật khó có thể mô tả trong vài dòng được. Bộ Lịch sử Thế giới của NHL và TG viết cho học sinh phổ thông từ những năm 1950 mà thấy buồn cho cái nền GD ngày nay. Bộ sử của Will Durant cũng rất nên xem vì tinh thần khoáng đạt và mới mẻ với người phương Đông trong truyền thống viết sử nói chung. Tập Bài học Lịch sử ký tên hai vợ chồng ông viết về cuối đời (ngoài 80), như lời ông NHL nhận xét: khi đã viết sử mấy chục năm thì dù không muốn ông cũng trở thành một hiền nhân, là một tập sách chứa đựng nhiều chiêm nghiệm hiền minh. Mới đầu thấy nhàm chán, nhạt nhoà. Càng ngẫm càng thấu đạt.

Những cuốn khác vừa đọc vừa chơi, cho thư thái, cho biết. Mấy cuốn như kiểu "Đối thoại này nọ..." đầy tiểu khí, đọc lướt cho biết sự đời. Lúc nào hợp với cái gì thì xem cái đấy.


Nhưng nếu người ta muốn đọc thực sự thì sau một giai đoạn nhất định sẽ nhất thiết vấp phải ranh giới của triết học. Đó là khi hiểu được bản chất sử ta đọc chỉ là ghi chép của một ai đó. Luôn luôn có sự lựa chọn và sắp xếp. Một cảm giác về một tiến trình. Có thực thế không??? Cuốn Các trường phái lịch sử trong bộ Que sais-je? là một ví dụ nhỏ cho khái niệm về vấn đề này. Chỉ cần quan sát hiện tượng viết lách của chính ta trước, trong và sau cái đang xảy đến là có thể thấy. Hiện tại luôn loạng choạng nghi ngẫu. Còn quá khứ luôn có một mạch tiềm tàng. Vì vậy hồi ức thường dễ chịu hơn là đối đầu với hiện tại hiện tiền. Nằm sâu sau vấn đề này phải chăng chính là bản năng sinh tồn luôn hướng tới cái tất định? Cần phải biết dè dặt khi định cho lịch sử một ý nghĩa. Không phải tự nhiên Bùi Giáng lại muốn phân biệt lịch sử với sử-lịch.

1 nhận xét:

  1. Các bộ sách trên hầu hết đều có thể tìm mua ở trên khu Đinh Lễ, Nguyễn Xí. Có thể hỏi ở nhà sách Minh Chí (chị Hoa) ngay cạnh bên trái ngõ số 5 Đinh Lễ, mặt đường.

    Trả lờiXóa