Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2007

Dada

Viết theo phong cách "hậu hiện đại" tý cho nó hợp với hiện tình. Coi như cũng là điểm sách.

Lúc trưa xem một bộ phim trên HBO. Phim trung bình nhưng kịch bản có một ý tưởng hay: Một nhà báo trẻ, tài năng sau khi chụp được một tấm hình bằng chứng phạm tội nhận hối lộ của một thẩm phán; khi băng sang đường để gặp vợ trong ngày kỷ niệm hôn lễ (với một đứa con sắp chào đời) thì gặp tai nạn giao thông-"trên gọi đi"! Lên thiên đường do vài nhầm lẫn của các thiên thần nên đã quay xuống đầu thai mà chưa được xoá trí nhớ. Nghĩa là một lúc nào đó trong kiếp sau anh ta sẽ có thể nhớ ra kiếp trước của mình. Câu chuyện xoay quanh việc chàng trai gặp lại vợ và con gái của mình (ở kiếp trước) và bỗng nhiên anh ta nhớ lại mọi chuyện cũng như sự hiện diện của người bạn thân trước kia trong gia đình cũ của mình như một người bạn lớn thân thiết (với tình yêu thầm kín trước sự chung tình của người vợ bạn). Thắt nút của câu chuyện là khi người vợ vô cùng khó xử trước tình cảm của 2 người đàn ông cũng như sự lạc lõng của người tái sinh trong tình thế của 26 năm đã trôi qua với thân phận mới trẻ trung cũng như sự lúng túng với tình cảm của cô gái trẻ (con gái) với mình!!! Mở nút-không, cắt nút theo một phong cách có hơi hướng Hàn Quốc: người vợ nhận ra tình yêu hiện tại của mình dành cho người bạn lâu năm kia còn anh thanh niên sau một cú ngã và liều thuốc sửa sai của thiên thần đã quên hết mọi việc. Formated. Hai đôi đâu vào đấy!!!

Ngày trước khi đi làm việc ở Nga Sơn, Thanh Hóa đến khu động Từ Thức, được người dân chỉ cho bia đá trên sông Thần Phù, xem ngọn núi có hình ông già gần đó ngồi nhìn ra biển có con vượn già ở bên cạnh...Mình bất chợt nhận ra nỗi buồn của sự bất tử. Một tình huống không khác mấy với bộ phim trên.

Sổ tay: "Khổ ải của người bất tử: Tôi phải sống-sống mãi để nhìn những người yêu quý thân thiết tuần tự trôi băng ngang qua cuộc đời vô tận. Ký ức cũng vô tận - nó là nỗi kinh hoàng khổng lồ với tôi. Tuyệt vô hy vọng. Không có gì để lại hay sinh sôi cả từ bản thân này ngoại trừ sự trơ tráo của nó! Không còn sự háo hức của tuổi trẻ. Không còn sự tự tin của trung niên. Xa lạ với sự bình thản cam phận của tuổi già. Không có tuổi. Không gì cả. Quá mệt mỏi để sống và nhìn. Hoá đá cũng không được-tri giác cũng bất tử như số phận của tôi. Phải chăng sự xác quyết này mới chính thực là cái chết vĩ đại? Đây mới là bộ mặt khủng khiếp của tử thần?

Không thể dửng dưng như cây cỏ. Quá xa lạ với con người. Nguội lạnh còn có ấm nóng làm điểm tựa. Tôi tựa vào đâu? Vực sâu núi thẳm. Bể xanh nương dâu. Đại dương băng giá vạn năm... Chẳng gặp lại người xưa làm gì. Vô nghĩa đến bẽ bàng.

Trần gian này, trái đất này tôi đã đi đến tận cùng. Khủng khiếp! Khủng khiếp thay khi chỉ còn một thứ duy nhất phải vượt qua: sự tồn tại của chính mình.
(Phác hoạ về câu chuyện người không thể chết - hay cái chết tuyệt đối).





Hôm đó đứng trên đỉnh núi đá của động Từ Thức, nhìn ngọn núi ông già và con vượn quay lưng lại nhân gian ngó đăm đăm ra biển; tôi bất chợt liên tưởng câu chuyện của Từ Thức khi đã thành bất tử. Và nghĩ rằng không xa lắm ngoài biển khơi Giáng Hương cũng còn đó. Nhưng họ không có gì để gặp nhau. Không ai tìm ai. Câu hỏi dai dẳng của vượn trắng về chuyện làm người. Một nghìn năm. Trong lòng hai khối núi kia là hai sự đau đáu: về làm người và thôi làm người.

Nghìn năm trước dòng sông Hoạch đổ ra biển ở cửa Thần Phù bây giờ nằm giữa huyện Nga Sơn-cách biển mấy chục km. Cửa Thần Phù nổi tiếng hiểm trở. Hai bên là vách đá dựng đứng hút gió, sóng rất lớn. Đây là điểm trung chuyển cho các chuyến hành quân chinh phạt về Nam bằng đường thuỷ. Vua Lý phạt Chiêm, vua Trần lánh Mông Nguyên...đều phải qua đây. Nhiều câu chuyện về các cung phi được đem hiến tế cho thuỷ thần đã xảy ra tại đây.

"Lênh đênh qua cửa Thần Phù

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm"




Hôm đó trên thuyền theo thuyết minh của ông giáo trường huyện mê mải với những huyền thoại, mọi người đều chờ đợi được qua cửa Thần Phù. Thuyền đi ngang những đồng lúa và làng mạc. Bất chợt sốt ruột hỏi "đã đến Thần Phù chưa?" "Đã qua rồi!"

Núi đá ở Nga Sơn là núi đá tai mèo sắc nhọn lởm chởm, ít cây xanh. Chỉ hợp với dê núi. Rượu nếp Nga Sơn cũng ngon như rượu vùng Kim Sơn, Nghĩa Hưng, Hải Hậu...những xứ lấn biển. Đậm, sắc và ấm.

Theo Thần Tiên truyện, vào đời Đông Hán, tiên nhân Vương Phương Bình giáng cho mời tiên nữ Ma-cô đến. Ma-cô bảo Vương Phương Bình rằng: tiếp thị dĩ lai, dĩ kiến Đông-hải tam vi tang điền: từ khi được tiếp hầu ông đến nay tôi thấy bể Đông đã ba lần biến làm ruộng dâu.

----------


Chiều rằm Nguyên-Tiêu đi vãn cảnh chùa Láng. Cũng một nghìn năm rồi đấy. Lúc nào đến trước Phật điện tôi cũng thấy bối rối. Tôi muốn đến đấy, nhưng chẳng muốn xin gì cả. Bối rối đên tội nghiệp của kẻ chưa dám nhìn trực diện vào bản tâm. Ngồi bên thềm nhà giải vũ trong gió đông đang bốc xoáy tàn hương vàng mã cùng lá bụi nhìn lơ đãng những người đang khấn vái ngoài kia. Vẻ mặt trầm trọng như vào cửa công, hơi có vẻ bon chen, chỗ mô cũng vái vái, mắt lơ láo...Tâm con người lăng xăng thật. Tiếng mõ cũng gằn gằn gấp gáp. Cũng một nghìn năm rồi đấy.

---------





Sổ tay: Cách đọc sử ký và địa chí
: Đọc lịch sử mà không suy xét thì vô ích; không tưởng tượng thì suy xét nông cạn; không trải nghiệm thì tưởng tượng viển vông. Được như vậy mới coi là có cái học thức căn bản để bản thân tinh tiến; bản thân có thành tựu thì cũng giúp cho mọi người được ảnh hưởng mà tinh tiến lên. Vì vậy, phải có các bản đồ địa hình và địa dư để hiểu sự phân bố trong không gian, sự chuyển biến do thời gian và địa khí hậu tác động. Để cuối cùng xét xem nhân sự thành ra chiếm bao phần trong lịch sử.

Đọc một cố sự thì nên có thêm bản đồ ngày nay, ngày xưa; có địa lý, thuỷ văn, khí hậu; có trang phục ngôn ngữ, tập tục, luân lý, pháp luật, tôn giáo-vừa bằng tóm tắt, vừa bằng hình ảnh để liên tưởng cho tốt. Lại cần hiểu những con người thực cho cận nhân tình.

Cuối cùng, các nhân vật lịch sử cần phải có cá tính riêng, chiều kích riêng của họ mà xem xét. Lịch sử là lịch sử của tương quan chiều kích cá nhân và toàn thể. Không có khái niệm lịch sử đơn thuần nằm ngoài con người - Không thuộc về ai thì không là gì cả!

Sổ tay: Thác đao là mượn chuyện ông Lê Phụng Hiểu. Lúc vua Lý Thái Tổ mới mất, thái tử Phật Mã kế vị, 3 em làm phản dàn quân tranh ngôi. Vua mới bối rối, không nỡ để mất tình thân. Cùng các vị cận thần khác, LPH là người hiểu được lẽ cương thường, biến thông, thuyết vua việc nên việc không.

(Xét: một ông vua nếu hiểu được cái lẽ đất nước nên có ngôi vua thì nước ấy cường thịnh, văn minh. Khi ông vua hiểu lẽ đất nước phải có ngôi vua thì đã có sự chuyên chế. Còn nói gì đến khi vưa coi nước là của riêng - tất nhiên phải mất!).


Ông lại uy dũng, một đao triệt loạn-công ông vào bậc nhất. Vậy mà khi vua ban thưởng lúc trí sỹ về quê, ông chỉ xin nhận ruộng ấp bằng tầm ném đao. (Xét: truyện dân gian nói hàng nghìn mẫu ruộng hẳn là sự khuếch trương lân toả phụ theo đức của ông thôi).

Ý tứ thật ý vị, sâu xa! Võ quan về làng thì ném đao xuống đất mà làm dân cày ruộng. Công do sức ấy nên xin quả ấy. Bảo sao dân quanh vùng đều quy về nhận là ruộng thác đao.

Chuyện ấy đã từng xảy ra ở nước này. Nhưng thời ấy địa thế khác giờ; đất Bắc Bộ còn lũng trũng những gò nổi. Phong tục cũng khác. Ăn mặc khác. Giọng nói khác. Tầm vóc hình dáng con người cũng khác. Nhìn như vậy thấy lịch sử thật sống động.

Nhân chuyện này để nói rằng: việc giáo dục có khi hiểu là nên, có khi hiểu là phải. Bể xanh có thể thành nương dâu. Viêc học cốt ở chỗ tìm sâu vào lẽ nên/không ấy. Lại cho là người có chí hướng cao tuyệt thì hẳn đặt vào sự thông hiểu trời người. Như ông Lê Phụng Hiểu tuỳ vào đao mà dựng nghiệp. Biết vua nên làm vua. Tôi nên làm tôi. Việc cần đánh nên đánh. Việc cần tha nên tha. Biết công do nghiệp, chỉ nương vào giá trị của chính mình. Đấy là ý của thác đao trong câu chuyện này!


Lại tự hỏi: nếu là ông LPH thì ông có suy nghĩ gì? Sao lại phải và có nên ném hết sức mình ko?

Làm người ở đời phải có một lần chung cuộc ném cho hết tầm đao vậy.







Sau này xét lại mô tuýp chuyện này giống hệt chuyện Lý Thế Dân đời Đường. Sử viết hồi nhà Trần mới lập nhưng cũng đã cách hai trăm năm rôi. Có thể tin Lê Văn Hưu nhưng sao tin được sử liệu của ông dùng nhất là với triều đại gốc Mân ấy nhỉ? Kệ. Vấn đề là để ngỏ cho nhiều lối nghĩ. Hãy nghĩ tốt và biết phân biệt. Mình ghét cha TĐCT thích nói ngược vào chỗ đen tối của lòng người (người nào vậy cà?). Không chịu nhận rằng người là hỗn độn phân tranh. Và cốt là ở chỗ đọc lại bản thân.
---------------------


Quay lại với bộ phim. Chính ra đây rất gần với điều Phật giáo muốn điểm hoá. Sống là sống-với và cũng biết rằng vạn sự vô thường, vạn pháp vô ngã. Không chối bỏ cũng không luyến tiếc. Biết vô minh. Biết từ bi. Biết hỷ xả. Thấy như vậy. Biết như vậy.








1 nhận xét:

  1. Hết một ngày ốm yếu. Hôm nào đủ duyên sẽ viết về chiếc vòng sọ người của Sa Tăng.

    Trả lờiXóa