Thứ Tư, 21 tháng 3, 2007

Người ta thường nhớ có ngần thôi




Đây là bức ảnh tôi chụp hôm đi xem lễ hội làng Đại Đồng (12/1 âm lịch). Ngày hôm đấy mưa gió. Trời đất ảm đạm. Chỉ ánh lên một chút nắng vào lúc trưa rồi lại u ám mờ mịt. Tuy nhiên mọi người vẫn vui dù hội đã sang ngày cuối. Ngoài đình có hát quan họ. Các gia tộc vào cúng tế ở đình rồi rước lễ về từ đường họ hoặc về nhà ông trưởng để chia lộc.


Bọn Pháp lởm còn lâu mới cảm nhận được 2 chữ "từ đường" nó khác với "maison de culte" hay "le templ de famille" như thế nào. Cái chữ "từ" ấy chỉ người phương Đông mới cảm được. Thằng Sờ tẹp đòi chia riêng cái maison comune với nhóm templ de famille thành cái trung tâm réligion cũng chả hiểu quái gì cái hiểu của người Việt cả. Nhưng mà cãi thế quái nào được với thứ tiếng Phớp phọt phẹt của mình cơ chứ? Mà cãi làm gì. Mình đang đi mót cơ mà :)
Cho dù là ngày mưa lạnh nhưng hội làng vẫn nao nức đầm ấm cái tâm tình gia tộc hàng nghìn năm nay vẫn vậy. Phần nhiều là người trên phố về quê dự lễ. Những Hàng Đồng, Ngũ Xã về đấy...




Tôi đi theo bà cụ này về đến tận từ đường của họ. Người trên phố về quê đi lễ hội làng. 2 mẹ con đi ngược là con cháu ở làng. Có cả tiếng chào hỏi trong ngõ nữa đấy. Dáng người đàn ông trung niên kiên nhẫn vững vàng. Dáng bà cụ chậm rãi, liêu xiêu nhưng thanh thản.

Trong 1 từ đường này.




Người ta cũng đốt vàng cho người đã mất. Ngoài rìa sông.



Nhưng quạnh hiu và vắng vẻ. Vì người Việt tin rằng những ngày này các cụ về với con cháu - ở từ đường.
---------------------
http://www11.dantri.com.vn/nhipsongtre/2007/3/171514.vip

Hôm qua tôi đi xem đám. Xem-bởi vì tôi không viếng. Xem bởi vì từ lâu tôi đã như kẻ ngậm cành trên miệng vực; không nói không được nhưng không thể nói. Tôi đi vòng qua cái bẫy dễ dàng của những suy nghĩ như "làm sao lại so sánh những nỗi đau", rằng ở tận cùng của những thang bậc, những người bất hạnh còn không cả tự ý thức, không được ra đi trong tình thương gia đình, trong sự quyến luyến của bạn bè...có đau lòng không? Có cần sẻ chia không? Tức là tôi đã đi vòng qua câu hỏi "Sống. Là vì cái gì?" mà tôi biết nó là một bẫy cát-một cái đầm lầy không lối thoát. Một người tâm thần chết trong sư lãng quên của người đời với cái chết của 1 thanh niên đang độ chín-cái nào đau thương hơn cái nào? Tôi không nghĩ thế bởi bây giờ tôi biết sự khác biệt nhiệm màu của cái kinh_nghiệm sống trải. Chiều tối qua, dưới chân cầu thang khu TT người ta dựng vội vàng 1 cái rạp. Đám của 1 người 66 tuổi, bệnh gan. Sống trong khu nhà cấp 4 lụp sụp chờ giải toả trong cái ngách nhỏ cuối đường. Cách nhau vài trăm m theo đường linh hồn. Thẳng tắp. Không so sánh. Từ lâu rồi tôi không so sánh.

http://www.tintuconline.com.vn/vn/xahoi/134146/

Lần đầu tôi biết tới đám ma là ngày mất ông nội. Trẻ con biết gì. Thấy ông nằm đấy thì biết vậy. Chân, tay buộc dây ngón cái. Tranh nhau đeo khăn trắng với thằng em.

13 tuổi đọc những câu thơ của Nguyễn Bính "Chỉ một vài hôm nữa rồi/Người ta thường nhớ có ngần thôi/Người ta nhắc đến tên nàng để/Kể chuyện nàng như kể chuyện vui..." tôi thấy đau lòng lắm. Sao con người vô tình vậy. Hời hợt vậy.

16 tuổi đọc "Những người khốn khổ" tôi hiểu được đoạn V.Hugo nói về nỗi đau có thể biến thành thứ trang sức cho tinh thần trong phần đầu nói về đức giám mục. Cũng hiểu sự khó khăn vĩ đại để giúp người khác thay vì cúi gằm trên mặt đất khổ đau mà ngước nhìn lên trời cao. Trời cao của tôi không có God. Đó chỉ là một sự tò mò khắc khoải thế nào mới hết tận cùng cuộc vui làm người???
1 đêm có trăng sáng, như thường lệ tôi đi dạo quanh khúc đường quen thuộc. Chẳng vì gì. Chỉ là thói quen. Đi qua 1 chỗ thấy có rải cát. Thoáng ngạc nhiên nhưng không để ý nhiều. 100m nữa thấy có đám đông trước đồn công an. 5g chiều hôm ấy, chiếc xe khách do phụ lái lấy cua quá rộng đã nghiến phải 1 thằng bạn mà tôi biết. Đang đi xe đạp lấy hàng cho nhà. Đúng làn đường. Nó hay ngồi trên thành cầu buổi tối. Bỏ học rồi. Trước tập Đội với tôi. Nó biết thói quen đi dạo buổi tối của tôi. Hôm ấy tôi cũng biết "chỉ một vài hôm nữa thế rồi..."

Hồi ấy có lần đi 1 đám hiếu thấy có người chít khăn vừa phục linh khóc hời hời, lúc sau ra ngoài nói chuyện cười cười tôi thấy bất bình lắm. Con người ta phải thành thực với tình cảm của mình chứ? Sao có thể chia thành từng ngăn như vậy? Tôi đã giận run lên với ý nghĩ ấy.

18 tuổi tôi bắt đầu chứng kiến nhiều chuyện trẻ con không nghĩ đến. Thấy thấp thoáng những vòng trang sức tinh tế trên nỗi đau khốn khổ của những người xung quanh. Thấy bạn tôi bợt bạt nhưng thản thản đãng đãng khi trở về từ mộ anh trai mới hạ xuống đó. Khuynh gia, bại sản. Công danh, tiền bạc, sự tôn trọng. Mất. Bố. Anh trai 25 tuổi, để lại 1 đứa con chưa biết mặt. Giữa phố Hà Nội yên bình. Một thằng trẻ ranh vượt láo. Hết. Bán nhà. Xong. Giữa cánh đồng tôi cười hỏi "cảm giác thế nào". "Bình thường. Chả hiểu sao chai lại rồi". Nó cười. Tôi cũng cười.





Bạn ạ, tôi chúc bạn bình yên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét