Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2007

Điểm sách.

Mỗi ngày một chút. Bắt đầu bằng thứ dễ nhất: mấy dòng về sách văn học ngày trước.
-------------

Ngày trước có cái hay là chẳng có TV đài đóm gì cả, tôi lại ở tập thể nên hay đọc ké được các sách của người lớn. Những cuốn mọi người kể ngày trước hầu như tôi cũng đã đọc cả. Giờ thử tuỳ tiện điểm lại xem mình còn lại cái gì.

Không còn một ấn tượng nào nhưng nghe kể lại thấy hay hay nên nhắc đến đầu tiên là hồi mới 2-3 tuổi, nhà mua cho một đống chuyện tranh để dỗ. Thế mà thằng bé cứ thuộc làu làu, ai đến nhà cũng đem ra khoe, đọc theo tranh mà không sai chữ nào mới oách chứ. Có chuyện ông Lê Lợi trả kiếm cho rùa thần. Bây giờ chỉ nhớ hình như có câu "ông bèn rút gươm ra..". Rồi bộ Bác sỹ Ai-bô-lít của nhà xuất bản Cầu Vồng nữa...

Hết kỳ 1 năm lớp 1 thì tôi tập đọc bằng bộ "Viên đạn ngược chiều" 4 tập. Bây giờ vẫn còn nhớ có đoạn có chiếc nhẫn gài kim độc...Rồi cứ như vậy, chẳng theo thứ tự gì cả bạ đâu đọc đấy. Hồi đầu còn bé đâu có dễ mà mượn được sách của người lớn. Toàn đứng sau vai đọc ké. Nên bây giờ tự nhiên luyện được phép đọc chụp ảnh, không theo dòng theo từ. Thường mình đọc nhanh gấp đôi họ nên cứ xong lại lảng ra cho họ đỡ khó chịu, chỉ rình họ ăn cơm hay có việc gì bỏ sách xuống là lân la cầm lên xem ké. Sao hồi ấy cũng mê sách lạ, bao nhiêu lần bị đuổi mà vẫn dày mặt ra mặc kệ. Sau có vài người quý mới cho mượn thường xuyên. Thế là thành tính luôn giữ gìn sách thật cẩn thận để không ai phiền lòng, không thì có mà cúp điện luôn. Quãng lớp 2-4 được người nhà mua dần cho bộ Tây Du Ký 10 tập đọc mê mải. Những ngôn từ và điển cố Trung Quốc cũng từ đấy thành quen thuộc. Tam quốc diễn nghĩa thì chỉ có nghe đài, mà cũng đi nghe đài nhờ thôi...Lớp 5 đã đọc ké bộ Tình sử Angiêlíc (hì) rồi Thanh cung 13 triều, Tiếng chim hót trong bụi mận gai...thế là khôn sớm nên 101 chuyện bạn không dám hỏi cũng đọc tuốt...

Thực sự có những cuốn bây giờ kể ra thì khó nhưng chỉ biết nó đã làm trí tưởng tượng và tình cảm phong phú rất nhiều. Thậm chí sau này mỗi khi xem một bộ phim hay đọc gì đó về các nước như Pháp, Anh hay Nga luôn luôn cảm thấy như rất thân thuộc như mình đã từng lớn lên ở những nơi ấy.

Truyện thiếu nhi thì có Quê nội làm mê mải một thời những con sông, chuyến đò. Mấy đội du kích... cũng ám ảnh những trưa hè. Có truyện gì về mấy thiếu nhi ở Huế có nhân vật Dũng bị bắt rồi dìm chết dưới sông..bần thần cả người. Tuổi thơ dữ dội mãi sau này lên cấp 3 mới đọc nhưng cứ mỗi trưa hè vang vang nắng là lại liên tưởng đến. Không gia đình, Olivertuýt,..làm cả tuổi thơ luôn hướng về những chân trời xa xăm...Rồi những Đảo giấu vàng, quán rượu Buốc bin, Cuộc đời chìm nổi...nhiều lắm.

Nhưng thường nhớ đến mỗi khi thoảng qua là cái màu bìa và giấy đen đen của những cuốn sách ngày xưa. Bây giờ sách giấy trắng cũng không thích bằng. Thành luôn thói quen ưa thích những gì cũ kỹ, biết kể những câu chuyện xa xôi quá vãng...Tự nhiên nhớ đến Mùa hoa dẻ bên sông, Mũi tên đen, Aivanhô, Con culi của tôi, và nhất là Vị đắng trên môi..chuyện về làng quan họ, chẳng có gì mà cứ nhớ đến những trưa đầy nắng, những câu chuyện miên man...Tý quên, phải kể chuyện Thầy Lang nữa. Đọc khoảng năm lớp 5,6..cả xem phim đều rất xúc động. Sau này có lần đi thi văn được giải vì bê nguyên cảm xúc của quãng đường lang thang không có nơi để về vào...Trên sa mạc và trong rừng thẳm thì mãi sau mới đọc.

Còn có ảnh hưởng nhiều thì còn phải kể tập thơ Nguyễn Bính cậu bạn cho mượn hồi hè năm lớp 6. Thành một phần tính cách luôn từ những bài thơ giang hồ ấy. Mãi sau này vẫn thích đọc những Lỡ bước sang ngang, Hoa với rượu, Những chuyến tàu trên sân ga, Hành phương Nam...Năm lớp 7 đọc Đồi gió hú để lại ấn tượng kỳ lạ. Chưa bao giờ lại có chuyện tôi đọc một nửa truyện mà vẫn chưa có ấn tượng gì nhưng sau đó đọc rất chậm xuống còn một ngày 1-2 trang vì dư vị của sách quá nồng. Mỗi ngày chỉ đọc như thế để không bỏ lỡ mất cảm giác mê man của một thế giới riêng biệt.

Những người khốn khổ là một truyện nổi tiếng vì vậy hồi đầu tôi tìm đọc được là năm lớp 9. Lần thứ nhất chỉ cốt biết cốt truyện và ấn tượng với tầm vóc tác phẩm thôi. 6 tháng sau đọc lại thì lại chú ý đến những tổng luận triết lý. 1 năm sau nữa đọc lại thì thấm thía với những mẩu đời nho nhỏ...


2 nhận xét:

  1. Anh ko nhớ. Chỉ nhớ cái hình vẽ. Hình như bởi vì hồi đó chỉ đọc ké được 1,2 trang :(

    Trả lờiXóa
  2. Những truyện của Nhà xuất bản Cầu Vồng thích nhỉ anh nhỉ, vừa đẹp vừa hay tuyêt! Hồi bé anh có đọc "những cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn" không, em cực kỳ hâm mộ quyển đấy cộng với các hình vẽ của nó^^

    Trả lờiXóa