Câu đấy là trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, tớ lấy làm tít để pót cái bài củ chuối cóp nhặt này về văn hoá làng Bắc Bộ. Củ chuối không phải tại nó mà là tớ củ chuối. Vốn là một việc công đức được đặt hàng từ lâu nhưng không thích làm. Hôm nay cố, nên tuyền mở sách ra cóp nhặt thôi. Nhưng được cái cũng có thể coi là điểm sách. Các bạn nào chưa có tư liệu thì xem tạm. Các bạn chú ý, ghi chép của tớ thường là thế này: nguyên bản là chữ màu đen. Nhận xét gì thì ghi bút đỏ bên lề, nếu lại nảy sinh nhận xét khác phản biện hay mở rộng thì thêm bút màu xanh. Căn lề theo mức độ chính phụ của cấu trúc logic, càng phụ tớ càng đẩy tụt vào. Cũng không chính xác hoàn toàn được nhưng dễ đọc. Thực ra tớ chỉ thích viết tay và đọc sách giấy. Các bài pót vào đây phần nhiều lại mất công gõ lại :( ------------------------------ Văn hoá làng Bắc Bộ-Việt Nam.
A-Tổng quan.
Làng là một đơn vị cộng cư có một vùng đất chung của cư dân nông nghiệp, một hình thức tổ chức xã hội nông nghiệp tiểu nông tự cấp tự túc, mặt khác là mẫu hình xã hội phù hợp, là cơ chế thích ứng với sản xuất tiểu nông, với gia đình-tông tộc gia trưởng, đảm bảo sự cân bằng và bền vững của xã hội nông nghiệp ấy. Làng được hình thành, được tổ chức chủ yếu dựa vào hai nguyên lý cội nguồn và cùng chỗ. Một mặt, làng có sức sống mãnh liệt, mặt khác, xét về cấu trúc, làng là một cấu trúc động, không có làng bất biến. Sự biến đổi của làng là do sự biến đổi chung của đất nước qua những mối liên hệ làng và siêu làng.
- Hai nguyên lý tổ chức làng: 1. Cội nguồn. 2. Cùng chỗ.
- Làng nằm trong mối liên hệ làng và siêu làng.
Làng Việt ở châu thổ Bắc Bộ là hình thức công xã nông thôn với những đặc thù riêng của mình, hình thức công xã nông thôn "nửa kín, nửa hở". Những đặc thù riêng của làng thể hiện ở chế độ ruộng đất, chế độ công điền, các loại hình và nguyên tắc tổ chức xã hội, lệ, luật tục, tín ngưỡng, lễ hội của làng. Khi nói về văn hoá làng và làng văn hoá, một số nhà nghiên cứu đã nêu bật những đặc trưng làng Việt Nam: đó là ý thức cộng đồng làng, ý thức tự quản-quyền quản lý làng xã được thể hiện trong hương ước của làng-và tính đặc thù độc đáo rất riêng của mỗi làng trong tập quán, nếp sống, tín ngưỡng, tôn giáo, thậm chí giọng nói và cả cách ứng xử. Giữa ba đặc trưng trên có mối liên hệ hữu cơ, tạo cho làng một vị trí đặc biệt tạo nên những đặc trưng văn hoá làng, văn hoá dân tộc.
- Ba đặc trưng của văn hoá làng Việt: 1. Ý thức cộng đồng làng.
2. Ý thức tự quản. 3. Tính đặc thù độc đáo rất riêng của mỗi làng.
Văn hoá làng thường bao gồm văn hoá ngôn từ, văn chương truyền miệng, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo. Nghiên cứu cơ cấu xã hội, môi trường xã hội Việt Nam trong văn hoá Việt Nam, nhiều học giả cho rằng chính ý thức gia tộc đã dẫn tới tinh thần trọng đạo đức của người Việt Nam, là sự quy chiếu mọi giá trị, chuẩn mực. Trong ý thức gia tộc lại có đặc trưng cơ bản là duy tình, trong đó cốt lõi, là ý thức trách nhiệm lâu dài và toàn vẹn đối với các thế hệ tiếp theo.
Là một đơn vị xã hội của văn hoá Việt Nam, làng của người Việt là một môi trường văn hoá. Ở đó mọi thành tố, mọi hiện tượng văn hoá được sinh thành phát triển, lưu giữ và trao truyền tới mọi cá thể.
--------------- Phần tổng quan này tớ lấy từ tài liệu môn học "Bases culturelles et patrimoine architectural du VN" của Prof. TRAN Hung. ------------------------ B-Tổ chức nông thôn.
(Phần này cóp của aka Trần Ngọc Thêm)
Cuộc sống nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên, vì vậy, người nông dân phải liên kết với nhau, dựa vào nhau mà sống. Cho nên nét đặc trưng số một của làng xã Việt Nam là tính cộng đồng: Làng xã Việt Nam được tổ chức rất chặt chẽ đồng thời theo nhiều nguyên tắc khác nhau.
1. Tổ chức nông thôn theo huyết thống: Gia đình và Gia tộc.
Những người cùng quan hệ huyết thống gắn bó mật thiết với nhau thành đơn vị cơ sở là GIA ĐÌNH và đơn vị cấu thành là GIA TỘC.
Đối với người Việt Nam, gia tộc trở thành một cộng đồng gắn bó có vai trò quan trọng thậm chí còn hơn cả gia đình: họ rất coi trọng các khái niệm liên quan đến gia tộc như trưởng họ, tộc trưởng, nhà thờ họ, từ đường, gia phả, ruộng kị, giỗ họ, giỗ tổ, mừng thọ...
Ở Việt Nam, làng và gia tộc (họ) nhiều khi đồng nhất với nhau. Dấu vết hiện tượng "làng là nơi ở của một họ" còn lưu lại trong hàng loạt tên làng: Đặng Xá (nơi ở của họ Đặng), Ngô Xá, Trần Xá...
Quan hệ huyết thống là quan hệ theo hàng dọc, theo thời gian. Nó là cơ sở của tính tôn ti. Người Việt có hệ thống tôn ti trực tiếp rất chi li, phân biệt rạch ròi tới 9 thế hệ (gọi là cửu tộc):
Kỵ/cố | Cụ | Ông | Cha | Tôi | Con | Cháu | Chắt | Chút |
Hệ thống này rất ít gặp trên thế giới. Các ngôn ngữ khác chỉ phân biệt 1 thế hệ phía trên và 1-2 thế hệ dưới; các thế hệ xa hơn được diễn giải bằng từ ghép.
2. Tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú: Xóm và Làng
Những người sống gần nhau có xu hướng liên kết chặt chẽ với nhau. Sản phẩm của lối liên kết này là khái niệm Làng, Xóm.
Cách tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú dựa trên quan hệ hàng ngang, theo không gian. Nó là nguồn gốc của tính dân chủ, bởi lẽ muốn giúp đỡ nhau, muốn có quan hệ lâu dài thì phải tôn trọng, bình đẳng với nhau. Tính dân chủ bình đẳng kéo theo mặt trái là thói dựa dẫm, ỷ lại và thói đố kị, cào bằng.
3. Tổ chức nông thôn theo nghề nghiệp và sở thích: Phường, Hội.
Trong một làng, phần lớn người dân làm nông nghiệp; tuy nhiên nhiều làng có những bộ phận dân cư sinh sống bằng nghề khác, họ liên kết chặt chẽ với nhau, khiến cho nông thôn Việt Nam có thêm nguyên tắc tổ chức thứ ba là tổ chức theo nghề nghiệp, tạo thành đơn vị gọi là PHƯỜNG. Ở nông thôn có thể gặp hàng loạt phường như phường gốm làm sành sứ, phường nề làm nghề xây cất, phường chài làm nghề đánh cá, phường vải làm nghề dệt vải, rồi những phường nón, phường giấy, phường mộc, phường thợ tiện, phường đúc đồng...
Bên cạnh phường để liên kết những người cùng nghề, ở nông thôn Việt Nam và mở rộng ra là xã hội Việt Nam nói chung, còn có HỘI là tổ chức nhằm liên kết những người cùng sở thích, thú vui, đẳng cấp: Hội tư văn liên kết các quan văn cùng làng, hội võ phả liên kết những người theo nghề võ, hội bô lão liên kết các cụ ông, hội chư bà liên kết các cụ bà đi chùa, rồi còn hội tổ tôm, hội chọi gà, hội cờ tướng...v.v..Phường và hội rất gần nhau, nhưng phường thì mang tính chuyên môn sâu hơn và bao giờ cũng giới hạn trong quy mô nhỏ.
Cũng giống như tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú, tổ chức theo nghề nghiệp và sở thích là sự liên kết theo chiều ngang, cho nên đặc trưng của phường hội là tính dân chủ-những người cùng phường hội có trách nhiệm tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
4. Tổ chức nông thôn theo truyền thống nam giới: GIÁP.
Đây là hình thức tổ chức có lẽ xuất hiện muộn sau này. Nó tạo nên cái đơn vị gọi là GIÁP. Đứng đầu giáp là ông cai giáp (câu đương); giúp việc cho cai giáp là các ông lềnh-lềnh nhất, lềnh hai, lềnh ba (từ chữ lệnh mà ra). Đặc điểm của giáp là: (a) chỉ có đàn ông tham gia, và (b) mang tính chất "cha truyền con nối", cha ở giáp nào thì con cũng vào giáp ấy. Trong nội bộ giáp phân biệt ba lớp tuổi chủ yếu: ti ấu (từ nhỏ đến 18 tuổi), đinh (hoặc tráng: đinh=đứa; tráng=khoẻ mạnh) và lão.
Vinh dự tối cao của thành viên hàng giáp là lên lão. Thông thường tuổi lên lão là 60. Tuy nhiên, nhiều làng có lệ riêng quy định tuổi lên lão là 55 hoặc 50. Lên lão là lên ngồi chiếu trên, được cả giáp, cả làng trọng vọng. Cách tổ chức nông thôn theo "giáp" ra đời muộn, nhưng nó lại xây dựng trên nguyên tắc trọng tuổi già là truyền thống rất lâu đời. Sở dĩ như vậy là vì, khác với nền văn hoá gốc du mục trọng sức mạnh, cư dân nông nghiệp sống phụ thuộc vào thiên nhiên cần người giàu kinh nghiệm - điều chỉ có được ở tuổi già.
Giáp là một tổ chức mang tính hai mặt-nó vừa được tổ chức theo chiều dọc (theo lớp tuổi), lại vừa được tổ chức theo chiều ngang (những người cùng làng). Cho nên, một mặt, giáp mang tính tôn ti, nó là một môi trường tiến thân bằng tuổi tác: sống lâu lên lão làng; mặt khác, giáp lại có tính dân chủ: tất cả mọi thành viên cùng lớp tuổi đều bình đẳng như nhau, cứ đến tuổi ấy thì sẽ có địa vị ấy.
5. Tổ chức nông thôn theo đơn vị hành chính: Thôn và xã.
Về mặt hành chính, làng được gọi là XÃ (đôi khi một xã có thể gồm vài làng), xóm được gọi là THÔN (đôi khi một thôn cũng có thể gồm vài xóm).
Trong xã, sự phân biệt rõ rệt nhất là phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư (còn gọi là nội tịch và dân ngoại tịch). Dân chính cư là dân gốc ở làng ấy, còn dân ngụ cư là dân từ nơi khác đến trú ngụ. Sự phân biệt hết sức gắt gao này bắt nguồn từ cơ chế văn hoá nông nghiệp: đó là phương tiện duy trì sự ổn định của làng xã.
Dân chính cư trong xã chia làm 5 hạng:
1. Chức sắc: gồm những người đỗ đạt hoặc có phẩm hàm;
2. Chức dịch: gồm những người đang làm việc cho xã;
3. Lão: gồm những người thuộc hạng lão trong các giáp;
4. Đinh: gồm trai đinh trong các giáp;
5. Ti ấu: là hạng trẻ con của các giáp.
Hai hạng trên cùng-chức sắc và chức dịch (và một phần hạng thứ ba-những người cao tuổi nhất trong hàng lão).
6. Tính cộng đồng và tính tự trị - hai đặc trưng cơ bản của nông thôn Việt Nam
6.1. Việc tổ chức nông thôn đồng thời theo nhiều nguyên tắc khác nhau tạo nên tính cộng đồng làng xã. Tính cộng đồng là sự liên kết các thành viên trong làng lại với nhau, mỗi người đều hướng tới người khác - nó là đặc trưng dương tính, hướng ngoại.
Sản phẩm của tính cộng đồng ấy là một tập thể làng xã mang tính tự trị: làng nào biết làng ấy, các làng tồn tại khá biệt lập với nhau và phần nào độc lập với triều đình phong kiến.
Tính cộng đồng và tính tự trị chính là hai đặc trưng bao trùm nhất, quan trọng nhất của làng xã; chúng tồn tại song song như hai mặt của một vấn đề.
6.2. Biểu tượng truyền thống của tính cộng đồng là sân đình-bến nước-cây đa.
Làng nào cũng có một CÁI ĐÌNH. Đó là biểu tượng tập trung nhất của làng về mọi phương diện. Trước hết, nó là một trung tâm hành chính, nơi diễn ra mọi công việc quan trọng, nơi hội họp, thu sưu thu thuế, nơi giam giữ và xử tội phạm nhân...Thứ đến, đình là một trung tâm văn hoá, nơi tổ chức các họi hè, ăn uống (do vậy mà có từ đình đám), nơi biểu diễn chèo tuồng. Đình còn là một trung tâm tôn giáo; thế đất, hướng đình được xem là quyết định vận mệnh cả làng. Cuối cùng, đình là một trung tâm về mặt tình cảm: Nói đến làng là nghĩ đến cái đình với tất cả những tình cảm gắn bó thân thương nhất: Qua đình ngả nón trông đình, Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu...
Do ảnh hưởng của Trung Hoa, đình từ chỗ là nơi tập trung của tất cả mọi người dần dần chỉ còn là chốn lui tới của đàn ông. Phụ nữ quần tụ tại nơi BẾN NƯỚC (ở những làng không có sông chảy qua thì có GIẾNG nước)-chỗ hàng ngày phụ nữ gặp nhau cùng rửa rau, vo gạo, giặt giũ, chuyện trò.
CÂY ĐA cổ thụ mọc um tùm ở đầu làng, gốc cây có miếu thờ lúc nào cũng khói hương nghi ngút - đó là nơi hội tụ của thánh thần: Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề; Sợ thần sợ cả cây đa. Cây đa, gốc cây có quán nước, còn là nơi nghĩ chân gặp gỡ của những người đi làm đồng, những khách qua đường...Nhờ khách qua đường, gốc cây đa đã trở thành cánh cửa sổ liên thông làng với thế giới bên ngoài.
Biểu tượng truyền thống của tính tự trị là LUỸ TRE: Rặng tre bao kín quanh làng, trở thành một thứ thành luỹ kiên cố bất khả xâm phạm.
C-Các công trình kiến trúc tiêu biểu trong cấu trúc làng Bắc Bộ truyền thống.
(HVT, NĐK)
1. Đình làng.
ĐÌNH là ngôi nhà công cộng của cộng đồng làng xã Việt Nam. Nơi đây ba chức năng được thực hiện: hành chính, tôn giáo và văn hoá.
Về chức năng hành chính, đình là chỗ để họp bàn các "việc làng", để xử kiện, phạt vạ...theo những quy ước của làng.
Về chức năng tôn giáo, đình là nơi thờ thần của làng, thường là mộtvị, nhưng cũng có khi nhiều vị, được gọi là "Thành hoàng" làng.
Về chức năng văn hoá, đình là nơi biểu diễn các kịch hát, như chèo, hay hát cửa đình - một hình thức đã phát triển trong các thế kỷ trước, nơi tiến hành các lễ hội, các trò chơi...
Thực ra các chức năng trên không bao giờ được tách bạch, mà đan xen hoà quyện với nhau. Có thể coi đình là một toà thị chính, một nhà thờ và một nhà văn hoá cộng lại của làng xã Việt Nam. Ngôi đình là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam, là một yếu tố hữu hình của văn hoá làng Việt Nam.
2. Chùa làng.
Việt Nam có câu tục ngữ "Đất vua, chùa làng". Điều này có nghĩa là ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước phương Đông, trong thời trung đại, toàn bộ đất đai trong cả nước là thuộc quyền sở hữu của nhà vua, còn ngôi chùa là thuộc về cộng đồng làng xã. Bên cạnh đền, đình thờ thần, chùa Việt Nam là nơi thờ phật, và trong nhiều trường hợp thờ cả thần. Có nhiều ngôi chùa lớn do nhà nước bỏ tiền xây dựng, nhưng tuyệt đại đa số, vẫn là ngôi chùa làng.
Nhìn chung, chùa Việt Nam thường được dựng ở những nơi có cảnh trí thiên nhiên đẹp. Tuy nhiên, chùa là thuộc về cộng đồng nên cần có những mối liên hệ cộng đồng. Những mối liên hệ này cũng góp phần quy định nơi dựng chùa.
3. Quán điếm. (VTL)
Kiến trúc quán điếm là một loại hình kiến trúc công cộng dân gian được xây dựng khá phổ biến ở các địa phương nước ta. Quán điếm đơn giản, sơ sài được xây dựng bằng tranh tre nứa lá, quy mô hơn và bền chắc hơn thì xây dựng bằng gạch đá, gỗ ngói. Quán có quán nghỉ của nông dân ngoài đồng ruộng, quán chợ trong các chợ buôn sầm uất..v.v..điếm có điếm tuần canh trong làng xóm, điếm canh đề phòng lũ lụt vỡ đê....
4. Cổng làng.
http://www.hatay.gov.vn/general_detail.asp?id=237&catid=LICHSU
http://www.danangpt.vnn.vn/vanhoa/detail.php?id=192&a=76
Sách tham khảo:
1. Cơ sở văn hoá Việt Nam-Trần Ngọc Thêm.
2. Kiến trúc cổ Việt Nam-Vũ Tam Lang.
3. Đình Việt Nam/Chùa Việt Nam-Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự...
Minh hoạ thì vào đây xem nhé!
http://huynh.tamh.free.fr/kien%20truc%20co/ha%20dong%2001.html