Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2007

Xin chào nhau giữa con đường

Tết Dương lịch năm 2000, mọi người vui vẻ đón Thiên niên kỷ mới (ừ cứ coi đấy mới là TNK mới đấy có sao), mình hồi đó nghĩ ngược, cho rằng thời gian ngày tháng do con người bịa đặt ra chứ trời đất cứ quay, làm gì có ngày tháng; bèn bỏ đi chơi. Nói cho văn vẻ là "bỏ lên núi" hay "lên non tìm động hoa vàng ngủ say". Giờ nghĩ lại thấy vẫn vậy, chỉ là cái tìm cách khác mọi người theo 1 lối giống nhau mà thôi. Như ngày hôm nay chẳng hạn, lòng thấy nao nao trống trải nhưng vẫn muốn nói viết điều gì đó ngược lại cái thói quen tổng kết năm tháng. Ví dụ như nói về kế hoạch cho ngày mai chẳng hạn. Nhưng mà thôi.


Muốn tìm bài hát của TCS có câu "thôi ta còn bạn bè" mà không hiểu sao trang nhacso của FPT mình không nghe được nên cũng thôi. Tính viết vài dòng với những bạn bè online nhưng mãi không gạch ra được những ý nghĩ luẩn quẩn. Cũng thôi. Giữ liên lạc là được rồi các bạn nhở :)


Bác Timo có nói đến cái
Sóng trào trong cuộc đời, trước mình cũng nghĩ là như vậy nhưng sau này nhìn lại mình cho rằng bản thân những gì đã xảy ra với mình cũng chả có gì đặc biệt so với người khác. Cái làm cho mình có cảm giác đặc biệt về ý vị của cuộc sống từ những gì đã sống trải chính là nhờ vào cái ý thức tự quán sát bản thân cùng với cái khát vọng siêu việt lên chính mình mà ra. Và từ đó mình xoay chuyển cái nhìn sang hướng đó-chăm chú vào đó, không nghĩ tới ngoại cảnh nữa.


Bạn Dieu từng nhận xét rất hay rằng những bức hình của mình nhiều khi nhạt nhoà như ký ức. Đúng là như vậy đấy bạn ạ. Mình vẫn nghĩ, ký ức không kể lại bằng hình được. Một bức ảnh đẹp cho dù thuần tuý là kỹ thuật thì tự thân nó vẫn có 1 đời sống riêng-không sao và không bao giờ có thể là CÁI ĐÃ TRẢI QUA ĐƯỢC.


Thôi chúc Tết mọi người, nhất là các bạn ăn Tết xa nhà lấy Tết thiên hạ làm của mình. Năm mới chúc các bạn sức khoẻ. Mọi năm tầm này mình hay lang thang xem hoa trên đê Yên Phụ, bây giờ cũng thành có phần xa xỉ rồi. Nhớ lại mấy dòng này mình viết hồi năm ngoái:




Dậm chân mà hát


Nghiêng mắt xoè tay

Ai mơ hoa đấy

Trong chiều mang mang...




Bạn May hỏi tại sao lại có kiểu "dậm chân mà hát", bạn đừng cười :) đấy là cái lối hát cổ của người xưa khi tiễn bạn lên đường chiều cuối năm trong Đường thi Tống từ ấy mà.


Đêm 30 năm đó, cuộn chăn ngồi thu lu trong 1 vách đá, thắp ngọn nến, đọc tản văn về "Hải triều âm" của Băng Sơn trong 1 tờ tạp chí cũ, nghe tiếng đài bán dẫn kể chuyện nhân gian thị thành, mình đã thấy ý vị ghê gớm. Mình nhớ những lần lang thang đêm sáng trăng trên núi. Một đoàn người. Trong sương bạc và giá lạnh.

Dòng sông trắng và bờ sông cũng trắng
Một vệt người
vô vọng
ngó thời gian.
Và họ chết.
Không còn lạnh nữa.




Lửa bồi hồi trong tim nến
Đêm nghẹn lời nhắc lại một ngày xưa
Rất mơ hồ tôi bắt gặp tứ thơ
Câu chuyện cũ tưởng như không hẳn thế
Tự luân hồi ta đã hẹn mai sau
Em sẽ khóc và sương và giá lạnh
Tôi sẽ đàn và lại hát vu vơ
Bài thơ buồn sẽ tan loãng theo sương
Trăng nhắc nhở bằng màu trăng dịu mát
Tôi tự buồn rồi tôi sẽ tự vui

Ừ -thì sương thì trăng thì chiều hôm nắng nhạt
Ừ -loang chiều là một mái chèo xuôi
Ừ -kỷ niệm, ngày xưa là kỷ niệm

Bây giờ, em nhớ ngày xưa
Bây giờ, tôi nhớ ngày xưa

Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Vịn câu thơ





Bây giờ thì mắt hấp háy rồi. Chỉ mong đừng có ngày lại đổ đốn quay ra cười nhạo ngày xưa mà thôi.

Entry for December 30, 2007




sudan 1994

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2007

Blog bên multiply

Gần đây có nhiều bạn mới add friend. Mình rất vui :)

Vì vậy để nhỡ Y360 có trục trặc gì mong các bạn giữ liên lạc theo blog bên multiply này. Hoặc bên blogspot cũng được nhưng mình thấy bên multiply thân thiện hơn.

http://tungh.multiply.com/

http://loanhquanh.blogspot.com/

Nếu mọi chuyện yên ổn không sao thì thôi ta cứ bổn cũ mà xài :D

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2007

Entry for December 25, 2007

Hôn nay có đến 2 cái đám cưới. Tốn quá :(

Cái này mình viết từ hồi lâu lắc. Bây giờ cười được rồi.
10 năm sau chuyện ngày hôm nay sẽ thành câu chuyện đùa. Là thế đấy, các bạn trẻ ạ.

--------------




Mày đừng buồn khi cô ấy yêu tao

Làm sao được đời luôn là vậy

Một người yêu, yêu một người thôi

Tao cũng đã buồn nhiều như thế

Khi cái nhìn ba đứa gặp nhau


Tao với mày-thân phiêu bạt

Hai bến trời rượu uống cả cho nhau

Từ độ ấy, mày Nam tao Bắc

Chung mùa trăng và chung một ngày mưa

Ngày mưa cũ, vuốt mặt cười mày kể đã mê say

Hơi rượu ấm bừng sáng ở trên đầu

Tao gật gù, rồi sẽ đến phiên tao

Mà nói thế ai ngờ lại nhanh thế

Tao ngập ngừng..tao sợ tao sai


Đường tao chọn, mình tao còn thấy khổ

Có mày rồi, tao thấy đủ hai tay

Thêm ai nữa, thêm làm chi nữa

Thân lạc loài-tay trắng nỗi hoài nghi


Rồi

ba người

một lối đi


Ngỡ hạnh phúc đâu đây mà diệu vợi

Đã vui nhiều khi ba đứa bên nhau

Rồi quay đi ba khoảng trời cô độc

Nỗi buồn này trong sáng biết bao nhiêu


Giờ

mình tao

mải miết bên chiều

Xòe bàn tay đi mãi cùng khát vọng

Bến bờ nào vĩnh viễn có bình yên

Ở nơi đó có tình yêu không nhỉ

Sẽ đón mày và cô ấy cùng sang..




Nhìn cơn gió có còn thương mến cũ

Nắng ngang chiều trông nắng vãn bên sông..

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2007

Entry for December 24, 2007

Việc người khác không làm được rất khác với việc người khác không thèm làm.

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007

Biểu trưng




Bạn nào làm cái này rất đẳng cấp! Lấy từ Tathy, trước đó coppy từ đâu thì chịu. Rất có thể chính các bạn Tàu tự làm cho nhau.


Viết thêm:


- Cái biếm hoạ (nhại biểu trưng Olympic 2008) trên đạt được các tiêu chí hay của 1 biểu trưng (xem thêm
nguyên tắc thiết kế biểu trưng):

+ Thời sự: quá thời sự-Olympic 2008 như là biểu tượng đổi mới của chính quyền ĐCS TQ hay chỉ là sự phô trương ru ngủ về 1 TQ hoà bình thịnh vượng?

+ Văn hoá: quá văn hoá-nói ít hiểu nhiều, đơn giản, dễ hiểu dễ nhớ. Nhìn phát biết ngay là nói về chuyện nước Tàu.

+ Bắt mắt: Cô đọng, nổi bật. Nhìn lần đầu thấy ngay Olympic, nhìn lại thấy Thiên An Môn. Dễ vẽ lại theo trí nhớ.

+ Cân bằng về màu sắc: Rất cân bằng vì bản thân biểu trưng 5 vòng tròn Olympic cũng đã được nghiên cứu rất cân bằng rồi. Hình người hoàn toàn đen trắng đối lập với xe tăng màu mè sặc sỡ.

+ Nhịp điệu, tỷ lệ: Hình đầu người hơi cúi kết hợp với nòng pháo cũng tạo thành 1 cung tròn, kết hợp tất cả các thành phần vào 1 trọng tâm (ở giữa biểu trưng Olympic).

+ Tao nhã, chân phương, có điểm nhấn: Quá chân phương, quá tao nhã-đố các bạn ở đây cái gì là điểm nhấn??? Nói ngược 1 tý nhé: theo mình chính là cái nền trắng và tỷ lệ hơi lớn của nó đấy-hì hì lại nhớ câu "thanh thiên bạch nhật" của các bạn Tàu.

+ Hài hoà: Rất hài hoà. Nhất là giữa nền và hình; động và tĩnh.

+ Chữ: Chỉ cần chữ Beijing là quá đủ.

+ Ngũ hành: Màu đen hành Thuỷ là nước, hình vuông hành Thổ là đất dùng cho Người. Màu xe tăng hành Mộc, hình xe tăng hành Kim. Thuỷ sinh Mộc. Thổ sinh Kim. Trong cái thế đối đầu này thì Người thuộc về hành sinh xuất với Xe Tăng. (Hơi tán 1 tý thì Xe Tăng là từ Đất Nước mà ra nhưng lại đối đầu với nó-nhưng nói kiểu này hơi VN vì Tàu hình như không nói Đất Nước thay cho Tổ quốc :)


Nhược điểm: cái hay của ngôn ngữ biểu trưng dựa trên sự liên tưởng tức thì. Nên cái hình trên nó hấp dẫn vì nó dễ gán ghép 2 sự kiện nổi bật, 2 cảm xúc trái ngược với nhau. Chứ thực ra tán nó như thế nào phụ thuộc vào quan điểm mỗi người. Có điều mấy ai suy nghĩ bằng lý trí kỹ càng-thành ra ghét Tàu hay ghét CS Tàu thì nhìn phát suy diễn ngay theo hướng ám chỉ mỉa mai. Olympic thì tốt và sự phát triển của 1 đất nước thì vẫn phải ghi nhận chứ nhỉ.

Ưu điểm: nhìn phát ấn tượng ngay. Cảm xúc Thiên An Môn xoá nhoà mọi cố gắng của Olympic.


Ý tưởng của mình: Nếu muốn mỉa mai, mình thấy lấy cái biểu trưng này sửa cái nền đỏ hình con triện thành vết xích xe tăng thì cực chuẩn-haha :P

Không bạn nào làm thì mình sẽ làm lúc rỗi

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2007

Giới thiệu về quỹ nghiên cứu Biển Đông-SEAS Foundation


http://www.seasfoundation.org/


1. Giới thiệu tóm lược:

Quỹ nghiên cứu Biển Đông vừa được thành lập ngày 14 tháng 12 năm 2007 bởi các anh Nguyễn Đức Hùng (Australia), Dương Danh Huy (UK), Trần Đăng Khoa (USA), Đàm Quang Minh và nhiều anh chị em khác thuộc các ngành nghiên cứu hàng hải, địa chất biển, kinh tế, toán ứng dụng và chính trị học. Tuy không thể nói Minh Biện Và SEAS Foundation là cùng một nhà, nhưng có một số người vận động thành lập quỹ là các bloggers của Minh Biện. Vì thế, Minh Biện xin được tiếp sức phổ biến thông tin về Quỹ này ra công chúng.

2. Tên gọi (Name) và trang web
Tên tiếng Việt: Quỹ Nghiên cứu Biển Đông

Tên tiếng Anh: Southeast Asian Sea Foundation

Ngày thành lập: 14/12/2007

3. Mục đích (Aim)

Quỹ Nghiên cứu Biển Đông là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích hỗ trợ các nghiên cứu liên quan đến Biển Đông, Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa.

4. Mục tiêu (Objectives)

Mục tiêu ngắn hạn (short-term objectives): Thành lập và xây dựng được quỹ từ các nhà hảo tâm để nhằm hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu liên quan đến Biển Đông Nam Á, Quần đảo Hoàng Sa, và Quần đảo Trường Sa. Các hoạt động nghiên cứu trong phạm vi dịch, xuất bản các tài liệu về Biển Đông cũng như tranh chấp trong khu vực, nghiên cứu và viết bài về các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như những phân tích kinh tế chính trị liên quan.

Mục tiêu dài hạn (long-term objectives): Mục tiêu lớn nhất và lâu dài là trở thành một tổ chức tài chính vô vụ lợi có tư cách pháp nhân có thể tài trợ cho những nghiên cứu về các giải pháp hòa bình và phát triển cho vùng Biển Đông Nam Á.

5. Cơ cấu tổ chức (Organisation)

5.1 Thành viên sáng lập (Co-founders):

Nguyễn Đức Hùng (Australia)
Dương Danh Huy (UK)

Trần Đăng Khoa (USA)

5.2 Ban điều hành quỹ (Fund Coordinators)
Nguyễn Đức Hùng
Dương Danh Huy
Đàm Quang Minh (VN)
Hoàng Thị Hải Hà (Australia) (thủ quỹ)

Nhiệm vụ của ban điều hành là quản lý quỹ, đưa quỹ vào hoạt động có hiệu quả, điều phối và thực hiện các dự án, phát triển quỹ, tìm cộng tác viên và nhân sự cho các dự án, xem xét và cấp kinh phí cho các dự án. Nhiệm vụ của thủ quỹ là thực hiện việc thu chi ngân sách, quyết toán và thông báo tài chính định kỳ.

5.3 Cộng tác viên (Collaborators)
Huỳnh Tuyên (IT, mạng)
Trần Ngọc Tuấn (IT, mạng)
Nguyễn Thành
Nguyễn HP NguyênDư Văn Toán (PhD, hải dương học)

Nguyễn Hồng Lân (PhD, hải dương học, IT và mạng)

Cộng tác viên là những người tình nguyện tham gia giúp xây dựng mạng, và các việc khác. Cộng tác viên có thể tham gia các dự án mà quỹ hỗ trợ/tài trợ và có thể được hưởng thù lao từ dự án đó.

5.4 Ban cố vấn (Advisory Board)

Ngô Quang Hưng (USA)
Nguyễn Bình (USA)
Huỳnh Kim Lâm (USA)
Trần Đăng Khoa (USA)
Trần Vinh Dự (USA)
Nguyễn Hồng Oanh (Australia)
Đặng Đình Thi (USA)
Nguyễn Thái Hà (USA)
Đinh Công Bằng (USA)
Nguyễn An Nguyên (USA)

Giám sát quỹ (Cash-flow Viewer):
Trần Đăng Khoa (USA)
Dương Danh Huy (UK)
Ngô Quang Hưng (USA)

Nhiệm vụ của Ban cố vấn là tình nguyện tham gia để giám sát quỹ (nhằm chống tham nhũng và trục lợi cũng như chống chi tiêu lãng phí), tư vấn các hoạt động cho quỹ, tư vấn cho các dự án, giúp đỡ và phát triển việc gây quỹ, tư vấn cho chiến lược của quỹ, bầu lại ban điều hành khi cần thiết. Giai đoạn đầu xây dựng quỹ chúng ta thực hiện theo phương châm “tăng xin/thu, giảm chi, tích cực ủng hộ và giảm tối đa lệ phí chuyển tiền và phí quản lý quỹ”.

6. Tầm nhìn và phác thảo kế hoạch chiến lược

Tầm nhìn

Tầm nhìn trong vòng hai năm: có thể tài trợ được các dự án nhỏ nhằm thu thập sách và tài liệu liên quan đến Biển Đông Nam Á, Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thành lập và phát triển trang web Trung tâm dữ liệu Biển Đông Nam Á để lưu cơ sở dữ liệu về Biển Đông.

Tầm nhìn từ 2 năm đến 5 năm: tiếp tục duy trì các hoạt động trong hai năm đầu, tiến tới có thể tài trợ được cho một số dự án khảo sát nghiên cứu và tìm giải pháp cho Biển Đông Đông Nam Á, Hoàng Sa và Trường Sa.

Một số ví dụ về dự án nghiên cứu ứng dụng cho Trường Sa: xây dựng hệ thống tạo nước ngọt từ nước biển cho đảo, xây dựng hệ thống phát điện kết hợp năng lượng gió, năng lượng sóng và mặt trời cho đảo, chế tạo thiết bị ngầm khảo sát và nghiên cứu khu vực quanh các đảo của Trường Sa v.v…

Tầm nhìn trên 5 năm: duy trì các hoạt động trong vòng 5 năm và tiếp tục mở rộng phát triển để có thể hỗ trợ những dự án nghiên cứu, giải pháp lớn, tài trợ cho nghiên cứu sinh các nhà nghiên cứu làm đề tài nghiên cứu cho biển Đông Nam Á, Hoàng Sa và Trường Sa.

Kế hoạch chiến lược phát triển trong vòng một, hai năm tới

Trong thời gian một hai năm tới kế hoạch hoạt động của quỹ sẽ tập trung vào một số dự án cụ thể như sau:

1. Dự án 1: Biên tập và xuất bản cuốn Địa lý Biển Đông (đổi lại tên là Địa lý Lịch sử Biển Đông nhằm phân biệt với Địa lý Tự nhiên Biển Đông): theo bác Huy dự kiến in 1000 cuốn hết chừng 800 USD. Dự án này đang bắt đầu. Xem thông tin chi tiết dự án này ở đây

2. Dự án 2: Dịch và tái xuất bản 2 phiên bản cuốn sách Loi V. Luu. The Sino-Vietnamese Difference on the Hoang Sa and Truong Sa Archipelagoes. The Gioi Publisher, Ha Noi, Viet Nam, 1996. (nếu chưa có bản tiếng Việt).

3. Dự án 3: Dịch và xuất bản cuốn Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands của Monique Chemillier Gendreau (nếu chưa có bản tiếng Việt).

4. Dự án 4: Dịch và xuất bản cuốn Sharing the Resources of the South China Sea của Valencia về chia Biển Đông Nam Á.

5. Dự án 5: Thiết lập và xây dựng trang web Quỹ Nghiên cứu Biển Đông: www.seasfoundation.org để duy trì và hoạt động quỹ, thiết lập một trang web để xây dựng cơ sở dữ liệu lưu các tài liệu về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa và các vấn đề liên quan và hợp nhất nhiều trang web tự phát khác về Hoàng Sa Trường Sa. Trang này sẽ song song tồn tại với trang web hiện có của chúng tôi www.vinavigation.net (nhóm hội hàng hải VN) và www.vinamaso.net/forum (mạng cộng đồng hàng hải). Trang web này sẽ trở hành Trung tâm dữ liệu Biển Đông Nam Á và từ đó có thể thống nhất các trang web rải rác khác về Biển Đông.

6. Dự án 6: Dịch và xuất bản cuốn Nguyễn Nhã. Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Univerity of HCM City , 2002. bằng tiếng Anh.

Kế hoạch chiến lược trong vòng 3-5 năm tới

1. Tiếp tục các hoạt động ở trên

2. Hợp tác liên kết với các nhóm khác để thành lập một Trung tâm dữ liệu Biển Đông Nam Á.

3. Tiếp tục phát triển và mở rộng quỹ nhằm hỗ trợ các dự án nhỏ và vừa về Biển Đông Nam Á, Hoàng Sa và Trường Sa sử dụng trang web www.seasfund.org.

4. Xây dựng và mở rộng quỹ nhằm hỗ trợ các dự án vừa và nhỏ, đặc biệt các dự án nghiên cứu của sinh viên, nghiên cứu sinh và các nhà nghiên cứu về Biển Đông tại các trường đại học ở Việt Nam.

5. Giới thiệu hỗ trợ các học giả, chuyên viên, giáo sư về các vấn đề trên Biển Đông Nam Á, Hoàng Sa và Trường Sa, pháp luật và luật biển quốc tế, lịch sử… thỉnh giảng, nói chuyện cho sinh viên các trường đại học.

6. Tổ chức/tài trợ các hội thảo về Biển Đông Nam Á, Hoàng Sa và Trường Sa (có thể kết hợp với nhóm Viet Studies - Hội Thảo Hè hoặc Câu lạc Bộ Việt Kiều).



----------------

Từ blog Minh Biện


http://www.minhbien.org/?p=178#more-178

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2007

Về công hàm năm 1958

Nhiều tranh luận trên mạng về công hàm năm 1958, ý kiến biện luận theo hướng vô hiệu chủ yếu tập trung vào thông lệ luật pháp quốc tế. Nhưng tôi thấy còn hướng này cũng nên làm rõ ra:

- Tính hợp hiến, hợp pháp của công hàm này (cho là có thật đi) đối với bản thân hiến, luật pháp của VN lúc đó ra sao?

- Cho rằng công hàm của TT thừa nhận hải đồ kèm theo của Tàu lúc đó thì điều đó đâu có đồng nghĩa với việc ký kết 1 hiệp ước, nghị định?

- Cho dù là hiệp ước hay nghị định thì TT cũng đâu có quyền ký? Chủ tịch nước có ký cũng còn phải mang ra QH phê chuẩn rồi ban hành thông báo. Ban hành thông báo rồi mới có cơ sở thực hiện cơ mà???
------------
Các ghi chú:

1. Năm 1958 thì có thể nói vẫn phải đối chiếu (về nguyên tắc) với Hiến pháp 1946. Những vấn đề cụ thể hơn trong thời gian đó thì tôi chưa có điều kiện tìm hiểu rõ hơn. Nhưng về đại thể TT CP vẫn không có quyền hạn và chức năng làm những việc như ngụ ý trong công hàm?

Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (1946) vốn là một Quốc hội lập hiến. Song do hoàn cảnh cách mạng và kháng chiến nên Hiến pháp năm 1946 ch­ưa được ban hành. Quốc hội đã giao cho Chính phủ và Ban Th­ường trực Quốc hội căn cứ vào các nguyên tắc đã định của Hiến pháp để thực thi việc lập pháp. Với tư­ cách là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội đã giải quyết mọi vấn đề của toàn quốc, lập hiến và lập pháp, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ư­ớc mà Chính phủ ký với nước ngoài, Quốc hội khoá I đã hoàn thành trách nhiệm của mình đối với một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.



2. Hiến pháp Việt Nam và Hiến pháp 1946. Ở cái dòng màu đỏ liệu có thể tiếp tục cái logic: cái gì cấp dưới làm sai thì cấp trên bãi bỏ???

http://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BA%BFn_ph%C3%A1p_Vi%E1%BB%87t_Nam

Hiến pháp 1946

http://vi.wikisource.org/wiki/Hi%E1%BA%BFn_ph%C3%A1p_Vi%E1%BB%87t_Nam_D%C3%A2...


Điều thứ 52

Quyền hạn của Chính phủ:

a) Thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện.
b) Đề nghị những dự án luật ra trước Nghị viện.
c) Đề nghị những dự án sắc luật ra trước Ban thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt.
d) Bãi bỏ những mệnh lệnh và nghị quyết của cơ quan cấp dưới, nếu cần.
đ) Bổ nhiệm hoặc cách chức các nhân viên trong các cơ quan hành chính hoặc chuyên môn.
e) Thi hành luật động viên và mọi phương sách cần thiết để giữ gìn đất nước.
g) Lập dự án ngân sách hàng năm.
Điều thứ 53

Mỗi sắc lệnh của Chính phủ phải có chứ ký của Chủ tịch nước Việt Nam và tuỳ theo quyền hạn các Bộ, phải có một hay nhiều vị Bộ trưởng tiếp ký. Các vị Bộ trưởng ấy phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện.

Điều thứ 54

Bộ trưởng nào không được Nghị viên tín nhiệm thì phải từ chức.

Toàn thể Nội các không phải chịu liên đới trách nhiệm về hành vi một Bộ trưởng.

Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các. Nhưng Nghị viện chỉ có thể biểu quyết về vấn đề tín nhiệm khi Thủ tướng, Ban thường vụ hoặc một phần tư tổng số Nghị viện nêu vấn đề ấy ra.

Trong hạn 24 giờ sau khi Nghị viện biểu quyết không tín nhiệm Nội các thì Chủ tịch nước Việt Nam có quyền đưa vấn đề tín nhiệm ra Nghị viện thảo luận lại. Cuộc thảo luận lần thứ hai phải cách cuộc thảo luận lần thứ nhất là 48 giờ. Sau cuộc biểu quyết này, Nội các mất tín nhiệm phải từ chức.


3. Tham luận về công hàm này trên diễn đàn hoangsa.org:

http://hoangsa.org/diendan/viewtopic.php?f=5&t=8


* Nhưng đấy là nói theo hiến luật. Còn thực tế thì ra sao? Theo tôi có 2 thực tế quan trọng nhất cần lưu tâm:

- Ở VN chúng ta chưa có truyền thống tôn trọng Hiến pháp.

http://www.x-cafevn.org/?q=node/656


- Tranh chấp trên biển Đông là sự tiếp nối kéo dài của các tranh chấp giữa các quốc gia khi khả năng khai thác và tầm nhìn đạt tới mức độ cần thiết. Người ta chẳng ai đi tranh chủ quyền trên sao Hoả vào lúc này nhưng biết đâu 100 năm nữa lại chả đánh nhau vì miếng đất trên mặt trăng? Sự hình thành cương thổ là 1 quá trình có tính tương đối và cũng rất bấp bênh. Dưới góc độ sắc tộc lại còn tương đối nữa. Không thể và không nên tuyệt đối hoá những tranh chấp theo kiểu "tất cả là của tao".

Nhưng quan tâm, suy nghĩ và hành động về sự kiện tranh chấp HS, TS là sự mở đầu rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay cho chúng ta-nhất là thế hệ trẻ ở VN.



- Trong bài viết sau chúng ta có thể ý thức rõ hơn thực tế hiện nay về biên giới của các quốc gia là 1 khái niệm dang dở và chồng chéo các quyền lợi khác nhau như thế nào:

http://hoithao.viet-studies.info/1998_LMNghia.htm


Hoàng Sa, Trường Sa

Blog Minh Biện-blog của nhóm trí thức VN ở nước ngoài đang có nhiều bài viết có giá trị về chủ đề Hoàng Sa, Trường Sa.

http://www.minhbien.org/

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2007

Entry for December 10, 2007

http://hoithao.viet-studies.info/1998_LMNghia.htm

Link ve Hoang Sa, Truong Sa

http://youtube.com/watch?v=pUjV7n6QdDQ




Ảnh từ blog Trang Hạ
http://blog.360.yahoo.com/blog-Vu7viS0laaeZd4RQ7woX3YU-?cq=1

Entry for December 10, 2007




Biểu tình chống Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Vn ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Ảnh từ blog của bác Na Son

Các bạn Tàu với dịch tả kể ra cũng có phương diện tích cực: làm tăng ý thức cộng đồng và có thể cũng có tác dụng tăng sức đề kháng cho chúng ta.


Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2007

Viết lăng nhăng cho qua ngày đoạn tháng.





- Bác GĐ CA Tp Hn hứa (hay tuyên bố) là Hà nội sẽ hết ùn tắc vào 2015. Khi được hỏi tại sao biết bác giả nhời thế này "2020 là thời điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam mà Hà Nội là thủ đô nên sẽ về đích trước vài năm. Năm 2015 Hà Nội sẽ là thành phố an toàn văn minh, không có ùn tắc giao thông".

Mình nghĩ vấn đề giao thông là vấn đề của nhiều ngành và lĩnh vực. Cho dù vấn đề chủ yếu của ùn tắc là do ý thức tham gia giao thông của người dân thì vẫn rất khó để ngành CA 1 mình giải quyết được ùn tắc. Huống hồ bác lại lấy kế hoạch tương lai từ nghị quyết 45% đô thị hoá toàn quốc ra để giả nhời :)

Ùn tắc giao thông là 1 trong những hậu qủa của phát triển ĐTH quá nhanh không đi kèm với chất lượng ĐTH. Ở các nước đang phát triển, do vậy, xuất hiện nhiều thành phố cực lớn trong 1 thời gian ngắn với những triệu chứng được đặt tên là "bệnh to đầu". To đầu thì đương nhiên là không xinh gái (la ville nhỉ) và dễ gãy cổ. Vậy những biến đổi không chỉ liên quan đến hạ tầng kỹ thuật mà còn kéo theo vô vàn những vấn đề xã hội như: xóm liều, ổ chuột, tệ nạn, phá vỡ cầu trúc...Vấn đề là nhìn nhận nó như thế nào chứ không phải lại dễ dàng "ôi thành phố mến yêu của tôi" bala bala...như nhiều người hay mắc phải. Chưa nói đến đẩy nó lên thành cực đoan kiểu Hà nội gốc với lại tỉnh lẻ nữa thì thôi rồi.

Bài học nhập môn về đô thị hoá được mở đầu bằng nhận thức "Đô thị hoá là tất yếu"-vấn đề chỉ là quản lý phát triển ĐTH được không và như thế nào mà thôi. Thành phố là 1 thực thể sống và luôn biến đổi. Sự lựa chọn, những thách đố (enjeux) của nó luôn là nằm lưng chừng giữa vĩnh cửu và đổi thay. Và sự phát triển của ĐT luôn gắn với những thoả thuận và quyết định của các chủ thể khác nhau trong cộng đồng XH đô thị. "Về khía cạnh QHĐT, cách thức chọn quyết định, xét cho cùng, có tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với bản chất của chính vấn đề ấy"-(Jean-Paul Lacaze).

Vậy điều rút ra là gì? Là để phản bác những tư duy kiểu cấm xe từ ngoài vào hay hạn chế nhập cư hay những gì đại loại thế khi người ta nghĩ đến các hệ quả xấu của phát triển ĐTH. Quay lại chuyện ùn tắc giao thông, theo mình nguyên nhân đầu tiên và cũng là khái quát bao trùm nhất là vấn đề của QHĐT, cụ thể là quy hoạch vùng. Sự mất cân bằng ở quy mô lớn là nguyên nhân quan trọng nhất và chỉ điều chỉnh ở quy mô đấy mới thực sự tiếp cận được bản chất vấn đề.

Cho dễ tưởng tượng chúng ta hãy coi ví dụ này: trên mặt phẳng bàn, có rải đều cùng 1 mật độ các mạt sắt. Các bạn vứt ngẫu nhiên vài miếng nam châm to nhỏ khác nhau vào. Điều gì sẽ xảy ra thì cũng giống như những gì đang diễn ra về đại thể của quá trình ĐTH. (Tất nhiên sức hút không thể bao quát được hết những đặc điểm có tính cách XH). Như trong ví dụ trên thì việc khoanh 1 hàng rào quanh cục nam châm to nhất là vô nghĩa và có tính cưỡng bách cao. Chỉ 1 bố cục hài hoà và tổng thể mới giải quyết ổn thoả được sự cân bằng động của khu vực. Hà nội hiện nay đang phát triển phình to ra trên cơ sở mạng đường vành đai và các tuyến hình tia. Trong phạm vi gần trung tâm là mạng bàn cờ cũ. Mạng hình tia có tác dụng thâm nhập và liên hệ đối ngoại tốt nhưng có nhược điểm là có nhiều điểm cực đoan khi vào gần trung tâm. Cấu trúc tầng bậc 1 trung tâm này cũng làm cho các đơn vị ở mới trở lên xa lạ với tỉ lệ của các hạ tầng lớn vùng ngoại vi.

Xem cái bản đồ trên chúng ta có thể hiểu được đôi điều vì sao lại hay xảy ra ùn tắc ở khu vực xung quanh vành đai 2 của HN (vành đai từ đường Đại Cồ Việt chạy 1 vòng). Chẳng phải quy hoạch Pháp ngày xưa trong trung tâm tốt hơn bây giờ mà chỉ đơn giản là nếu đường đi từ A đến B thì tắc đường sẽ xảy ra ở giữa chứ đương nhiên chẳng bao giờ ở A hay ở B cả.

Mô hình phát triển các khu ĐT mới (KTĐM) cũng tồn tại rất nhiều vấn đề nhưng để tớ viết sau. Điểm cần lưu ý là cấu trúc thành phố HN trong mối liên hệ với các làng ngoại vi là 1 cấu trúc có tính bản sắc và đặc thù rất riêng cần lưu tâm trong việc phát triển các dự án hạ tầng cũng như phát triển những đơn vị ở mới hoàn toàn xa lạ với VH truyền thống.

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2007

Lạnh lẽo, mù mù và lặng lẽ




1. Trời đất mù mù và không gian thì hơi lạnh lẽo. Lặng lẽ nữa. Tôi nghĩ đến những bài thơ của Lưu Quang Vũ khi đọc những entry cuả bè bạn. Một tình cảnh trớ trêu. Nhiệt tình và sự nhạy cảm trong bạn đã an ủi bạn, khiến bạn thấy mình như có cả một bảng màu vẽ trên tay. Trong thảng thốt bạn đã vẽ lên 1 mảng màu đẹp. Nhưng bạn bối rối với "bức tranh" vẽ dở. Bạn biết trước ngay cả cái tình huống đi lại loăng quang rồi rốt cuộc phán 1 câu "chán bỏ xừ" luôn thể. Bạn đang bắt đầu chán nản cả việc hình dung ra những đám màu ngẫu nhĩ rối rắm và rộng mở cho mọi liên tưởng trên toan...Tại sao lại thế? Có khi là tại những dự phóng quá quả cảm.


2. Không còn nhớ được lần đầu đọc thơ LQV là vì sao hay do đâu nữa. Lúc đó khoảng 20 tuổi và chưa hề nghe gì đến LQV như 1 nhà thơ cả. Có thể là 1 lần trong 1 nhà sách nào đó, lật giở và tình cờ nghe cái gì đó vang vọng. Mình thường quyết định rất nhanh việc mua hay không một cuốn sách sau khi đọc 1 vài dòng ngẫu nhiên. Có cái gì đó như là thần thái, khí chất của câu chữ vậy. Đồng nhất việc sống với biểu hiện của nó nên mình thường ngoan cố không đọc những khí chất thiếu sự thành thực bao dung và tự phản tỉnh.

Sau này mới biết rất nhiều người trẻ cùng thích 1 cách kín đáo thơ LQV. Có lẽ đó là hình ảnh của độ tuổi từ 20 đến trên 30 thì phải. Sau đó thơ LQV thay đổi, và tâm tình độc giả cũng thay đổi nhiều. Và có thể, thế mới là phải.

Câu hỏi mình muốn nghĩ đến là do đâu thơ LQV lại đi vào lòng nhiều người đến vậy, cho dù họ có nhiều khi chính kiến rất khác nhau? Cái ý nghĩ đầu tiên thoáng qua là bắt nguồn từ cái phông văn hoá của 1 thời kỳ. Tức là có lẽ với những bạn miền Nam sẽ khác chăng. Trong thơ LQV sử dụng rất nhiều hình ảnh của 1 thời kỳ VH của miền Bắc trước 75. Ví dụ như bài thơ ngẫu nhiên này:

Bài hát trong một cuốn phim cũ

Thức dậy giữa đêm dài
Thằng người bé nhỏ
Đứng trước mịt mùng sóng vỗ
"Ta là ai
Ta đến làm gì ?"

Đội mũ phớt rộng vành
Áo vét-tông kiểu đầu thế kỷ
Anh hề xiếc đã già
Không làm ai cười nữa
Lũ trẻ ngồi xem
Lầm lì cau có.

"Ta đến làm gì ta sẽ đi tới đâu ?"
Các sinh viên bàn cãi nhau
Về ý nghĩa của tồn tại
Em ngồi im lặng
Cô đơn với chính mình.

Tập an-bom em bỏ quên
Hê-minh-uây đeo súng săn
Chân dung Bô-voa ngày trẻ
Cuốn sách viết từ thế chiến thứ hai
Mọi chuyện quẩn quanh vẫn thế
Điều chủ yếu chưa tìm ra
Anh là gì của em
Con người là gì đối với nhau ?

Bài hát trong một cuốn phim cũ
Khi dãy phố lên đèn
Làm cô thợ khâu buồn phát khóc
Ước chi mọi việc giản đơn
Như bó tầm xuân vừa mới hái
Vị thần lo âu vị thần khắc khoải
Đứng bên linh cữu Phao-stơ
Từ thuở con người trong hang động bước ra
Mặt nhân sư nói gì
Chưa cách nào hiểu được.

Sóng khổ đau đã tạc hình em
Anh yêu ngọn lửa đó

Bài hát trong một cuốn phim cũ
Như những con đom đóm
Thức dậy giữa đêm dài.


Như mình chẳng hạn, thậm chí ít khi thuộc 1 bài thơ nào của LQV 1 cách hoàn chỉnh. Chỉ đơn giản là cảm giác thân thiết khi mở 1 trang giấy bắt gặp những hình ảnh gợi những liên tưởng xa xưa và rộng mở. Nhiều khi là từ thơ ấu vọng về-từ thơ ấu mọi thứ đều thật thân thương và đáng mến. Tất cả các khung hình chồng xếp như tranh xé dán, đi mải miết trong 1 nhịp điệu của sự mê đắm-như ai đó từng nhận xét về thơ LQV. Sự mê đắm của tuổi trẻ, khao khát đốt hết nhiệt huyết cho những ước vọng vừa mơ hồ vừa kỳ cùng hùng vĩ u uẩn.

Nhưng điều quan trọng nhất, theo mình, chính là từ tâm thế của những trang thơ. Những bài thơ không được sáng tác. Chúng là tiếng vọng của những lần độc thoại với chính mình của một người trẻ đang âm thầm gắng gượng vượt qua một cái gì đó mơ hồ thấp thoáng như là bản ngã của họ. 1 sự tự vấn đi vào bên trong. Không phải chối bỏ nhưng lại phải bắt đầu từ sự chối bỏ- chối bỏ những gì đã luôn là sự mê đắm của tuổi trẻ-để tự nhìn được lại mình. (Lủng củng quá-mình cũng viết cho mình thôi :).

Sao tôi lại muốn em tin
Khi chính tôi chẳng tin ai cả

Đấy không phải là về việc tin ai, mà là về sự hoài nghi. Sự hoài nghi có trước niềm tin trong ngữ cảnh này.

Chính từ tâm thế này mà những dòng thơ đã có được đồng thời cả 2 điều: mặt này là sự thành thực trộn lẫn trong khát vọng sống mê đắm mãnh liệt của tuổi trẻ nhiều khi mong manh nhạy cảm và mặt kia là niềm tin kỳ cùng vào tiềm tàng nhân tính trong bản thân đang xao động sâu sắc cùng sự hoài nghi của 1 ý chí hùng liệt vào chính mình và vào con người.

Cuối cùng, chính sự tiết chế đã khiến những bài thơ không bị biến thành mê cung của những ảo giác hay thành những huênh hoang vô lối-cho dù đôi khi chúng ta có thể gặp những câu thơ hoành tráng, nhưng chúng ta sẽ nhanh chóng mỉm cười và đi tiếp cùng dòng liên tưởng miên man của cảm xúc.


3. Tôi bắt gặp trong cách giải những bài toán đại số sự tương đồng với cách để nhìn sự đa nghĩa, mơ hồ và bấp bênh của cuộc sống. Nguyên tắc thật đơn giản: hãy để đầu óc rộng mở và xem xét tất cả các yếu tố. Cái gì chưa biết thì tạm gọi cho nó 1 cái tên. Xem xét và thiết lập mọi mối quan hệ, mọi tương quan. Và sau đó hãy tư duy thật chặt chẽ và toàn thể.

Không phải bài toàn nào cũng có thể tìm ra lời giải, cho dù là vô nghiệm. Hay gặp nhất là số ẩn số nhiều hơn số phương trình. Cái chúng ta có được chỉ là những góc nhìn mới mẻ hơn của các tương quan.

Vừa xem 1 đoạn phim có câu nói này hay phết "Có 2 sự ngu ngốc lớn lao: của con người và của vũ trụ. Nhưng chỉ vũ trụ là vô hạn."

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

Ngày này năm xưa




Hihi

P/s: Cập nhật thêm phần minh hoạ của bạn Nguyen Trang, đổi cái ảnh trên cho phù hợp với tinh thần bất uý của nhân vật :D

Khi xưa ta bé có bô
Bây giờ ta lớn tô hô cóc cần
Khi xưa ta bé ngại ngần
Bây giờ ta cứ phong trần giữa sông.

Entry for November 29, 2007




Ảnh từ blog của bác Na Sơn. Rất thích hợp minh hoạ cho những tin đồn râm ran trên báo mạng sáng nay. NETLIFE

Hì hì, viết tí cho nó đỡ vắng vẻ với lại thích cái ảnh chứ tớ không câu pageview đâu :P

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2007

Entry for November 19, 2007

Đi ngủ thôi!


Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket" width="300">

Ối giời ôi râu tép nó đâm vào môi tôi....




1.

Bà ngồi bà rung đùi

Ông ngồi ông rung chân
Ba mươi chiến sỹ Hồng quân
Đến đây bóp chân cho bà...

Mấy câu hát xuyên tạc này có từ thời...các chiến sỹ Hồng quân còn bóp chân cho bà. Mình bé tí đã biết mấy bài này rồi. Còn nhiều bài khác như:

Bà bế cháu xuống bếp ăn vụng tép
Ối giời ôi râu tép nó đâm vào môi tôi

:D nhưng chủ đề hôm nay không phải là nói về các bài hát xuyên tạc, mặc dù nó rất đáng được quan tâm. Cũng tựa như các bài hát đồng dao của trẻ con, rõ ràng người ta (ít nhất là ở Việt nam ta) có 1 sự khoái chí ngầm khi sử dụng sự liên tưởng liên thiên tự do tuỳ tiện dựa vào âm điệu và những ý nghĩa trái khoáy như vậy. Tức là dùng phân tâm học mà bàn thì có khối chuyện vui đây. Nhưng phân tâm học hôm nay tự nhiên chú ý vào việc khác: đấy là phân tâm học đang ngồi chờ ngoài hành lang bệnh viện nọ cùng mọi người tự nhiên phân tâm học để ý thấy hầu như tất cả đều đang rung đùi, rung chân. Thế là bật ra câu hỏi "Tại sao chúng ta lại hay rung đùi như vậy". Đầu tiên khảo sát thực tế thì những lúc người ta rung đùi rung chân thường là những lúc kiều như đang sốt ruột, đang vơ vẩn không có việc gì cụ thể để làm. Mình xếp nó cùng rọ với việc nhâm nhi chén nước chè hay là rít điều thuốc-và quả tình căn bản các chú nhà ta cũng thường ngồi kiểu "gà bậu" (thuật ngữ này hình như xuất xứ từ ga Nam Định nổi danh 1 thời) vừa xuýt xoa chén nước chè nóng vừa bập bập điếu thuốc lá và...rung đùi rung chân. Tức là 1 kiểu làm bận tâm trí khi không có gì để bận tâm. Tức là chúng ta không thể ngồi yên thanh thản được, phải nghĩ ra trò này trò kia cho cơ thể bận rộn-1 sự tán tâm vô thức. Tuy nhiên rung đùi rung chân thì nó độc đáo hơn mấy cái kia là nó phổ biến cho đủ mọi giới và tính nhịp điệu cao hơn hẳn. Cứ thử đang rung đùi rung chân tự nhiên nhớ ra xong cố tình rung xem-rung lung tung ngay! Và hễ tâm trí có chuyện để làm thì chân sẽ hết rung. Kết luận: nếu bạn thấy 1 đám đông đang xuýt xoa tán gẫu và rung đùi rung chân tận mạng thì tốt nhất đừng xán vào nếu bạn không muốn làm 1 trong 30 chiến sỹ Hồng quân.


2. Bài này tiếp nối bài "ngơ ngơ" - phen này mình quyết tâm giành danh hiệu "nhà vỉa hè học" hay còn gọi là "ngơ ngơ tiên sinh".


3. Mình có 1 blog chuyên viết những chuyện vui vẻ tào phào thế này. Tớ hứa bạn nào chăm comment cho tớ tớ sẽ bonus mời vào trỏng tán chuyện-đảm bảo khỏi mất tiền mua báo Tuổi Trẻ Cười mà vẫn tăng tuổi thọ như thường :))

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2007

tên đồng tên đất làng xưa




Những cái tên địa danh nói lên được nhiều điều. Các bạn biết được bao nhiêu trong số những danh từ chỉ các loại ruộng lúa sau :)

- Rộc (dộc): ruộng hẹp giữa 2 khu đất cao.
- Hủng: ruộng lúa hẹp và sâu.
- Giếng: ruộng rất sâu
- Vực: ruộng sâu nằm cạnh bờ vực (vực này không phải vực thẳm đâu nhá)
- Hóc: ruộng hẹp nằm ở 1 góc hẻo lánh
- Vũng: ruộng ngập nước thường xuyên
- Dệ, bến: ruộng nằm sát sông

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2007

ngơ ngơ

Vỉa hè. Sáng nay đưa mẹ cháu đi ăn sáng rồi ngồi uống cafe vỉa hè. Thần ra 1 lúc thì bố cháu muốn nói, vừa nói vừa nghĩ về cái sự việc tại sao dân ta lại thích ngồi cafe vỉa hè. Bây giờ mẹ con cháu đang ngủ trưa nên bố cháu ghi lại đây.

Tại sao người ta lại thích ngồi ở vỉa hè hơn là vào trong nhà, nhìn chung? Nhớ mấy cậu Lào tâm sự hồi mới sang Vn rất ngạc nhiên khi người Vn ngồi ở vỉa hè nhiều như thế. Châu Âu cũng có cái kiểu này nhưng không giống Vn ta. Bây giờ trước khi suy luận thì đầu tiên phải khảo sát qua hiện trạng đã. Người ta đã ngồi ở vỉa hè như thế nào?

Thường thì người ta nếu đi với bạn sẽ luyên thuyên đủ chuyện, nhưng cộng dồn đại đa số lại thì có vẻ người ta thường...nghệt ra, vô định, mơ màng. Nói chung trông hơi ngố. 1 chú Hàn quốc có thắc mắc "Sao người trẻ Vn rỗi rãi thế, không chịu làm việc gì cả." Ừa, chúng ông có hùng hục cùng cục như chúng mày đâu. Bọn cục thường sến. Thằng ác chính ra là thằng hèn nhát. Đại để theo các nhà phân tâm học thì thế, nhưng không phải chuyện hôm nay.

Người ta nghệt ra được vì người ta cảm thấy yên tâm với môi trường xung quanh. 1 sự an toàn, thoải mái. Không gian trong nhà khép kín quá, định dạng người ta rõ quá nên người ta không thích. Ở vỉa hè họ tìm thấy 1 sự lưỡng lự nước đôi lý tưởng: 1 kiểu không gian mở espace ouvert. Người ta có cái hậu cảnh nền là không gian trong kia để dựa lưng, có vài người đồng cảm làm 1 cộng đồng và người ta nắm trong tầm mắt sự chuyển động của cuộc sống dưới đường. 1 sự cô đơn tương đối: anh vừa vẫn là anh yên ổn, ấm áp như hồi còn là bào thai trong lòng mẹ, anh lại vừa cảm thấy mình vẫn giữ được liên lạc với dòng đời ngoài kia-con người ta sợ nhất là sự lạc lõng, ra ngoài tiến trình, ở bên lề xã hội. Thật hóm hỉnh: anh không muốn ra bên lề xã hội nên anh ghé vào lề đường nhìn xã hội. Đôi khi anh đọc báo.

Câu hỏi tiếp theo sẽ là: vậy tại sao chỉ VN mới có việc này (đấy là giả định thế chứ tớ tin còn vài nước khác cũng thế). Có 2 ý.

Thứ nhất là nó phù hợp với tâm tư văn hoá người việt nông nghiệp ta. Vừa duy trì được cái cảm thức gắn bó với cộng đồng nhỏ, với ngôi nhà vừa giữ được cái đặc tính bán cởi mở của 1 xứ ngã ba đường văn hoá trên bán đảo Đông Dương.

Thứ 2 nó liên quan đến những nguyên do khởi đầu có gắn cụ thể với lịch sử tiến trình đô thị hoá của Hà nội. Khi nào người ta bắt đầu ở vỉa hè? Từ khi có vỉa hè, tức là cùng với sự hình thành và phát triển của khu 36 phố phường. Sự hình thành không gian các căn nhà ống kéo dài đa chức năng: bên ngoài là thương mại, bên trong sản xuất, trong nữa là để ở đã tạo điều kiện hình thành nên chức năng hỗn hợp năng động của không gian đường phố đô thị. Gian bán hàng mặt phố là 1 kiểu không gian bán công cộng: sở hữu tư nhưng chiếm dụng lại do nhiều người khai thác trong ngày. Đồng thời tồn tại quá trình tư dụng hoá không gian công. Cái thói đấy của dân ta thì từ lâu rồi "Thằng Tây nó tiến thì mình lại lùi". Lại nhớ chuyện bà ngoại kể ngày xưa đi thái thịt chia cỗ cho làng ngoài đình, người ta thường dùng 1 cái hũ sành úp ngược để bên cạnh dùng gại dao thái thịt. Thực ra để thỉnh thoảng cho trộm 1 miếng vào trong :)

Thì rồi thằng Tây nó sang thì ta mới có cafe để uống và vỉa hè để dùng. Người Pháp quy hoạch khu phố cổ và tạo quỹ đất để làm vỉa hè. Chứ trước kia chúng ta đi lại nhung nhăng giữa đường chứ thèm vào vỉa hè à? Đường ta rộng thênh thang ta bước. Đường ta ta đi mà. Lúc này thì cái văn hoá giao tiếp cộng đồng đa năng và sôi động trên các tuyến phố đã phát triển lắm rồi. Vỉa hè thành nơi hàng phố giao tiếp với khách và giao tiếp với nhau. Khu 36 phố phường trước đây hình thành trên cơ sở mỗi phường là 1 kiểu làng phát triển 2 bên đường với 2 cái cổng 2 đầu, ngày mở tối đóng. Nên khi các căn nhà ống phát triển và lấp đầy các lô đất thì đường phố là không gian giao tiếp chính.

Cũng lưu lại 1 chuyện khá hay về quản lý ĐT của người Pháp: họ mở đường nhưng không giải toả nhiều. Thay vào đó họ quản lý XD rất chặt, hễ muốn Xd cải tạo thì mời anh tự động lùi lại vài thước. Thế là đường rộng dần ra theo thời gian, thêm vỉa hè mà vẫn nhấp nhô, tự phát sinh động như ngày nào.

Và chúng ta thì mang trong mình 1 nền văn hoá vỉa hè ngơ ngơ :)

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2007

Entry for November 01, 2007




1. Y360 dạo này tệ đến mức chán chả buồn dùng. Mày mò thử các mạng xã hội khác thì thấy cái blogspot của gmail hơi tẻ, khó sử dụng. Có vẻ cái my.opera.com thì giống với Y360 hơn. Mà đăng ký cũng rất nhanh, đơn giản.

Hôm trước ngồi kỳ cạch gom mấy bài viết muốn lưu lại từ mấy blog Yahoo về blogspot để đề phòng trục trặc của Y360. Mình thích cái opera nhưng bạn bè chả có ai thì chơi với ai nhể :)

Link blogspot của mình:

http://loanhquanh.blogspot.com/

Nhỡ mấy hôm nữa mash miếc trục trặc các bạn vào đây liên lạc với nhau nhé!



2. Đọc bài thơ này của XQ mà lúc nào tớ cũng nghĩ như là của LQV.


Hoa cúc xanh-Xuân Quỳnh.


Hoa cúc xanh có hay là không có

Trong lầm lầy tuổi nhỏ của anh xưa
Một dòng sông lặng chảy từ xa
Thung lũng vắng sương bay đầy cửa sổ

Hoa cúc xanh có hay là không có
Một ngôi trường bé nhỏ cuối ngàn xa
Mơ ước của người hay mơ ước của hoa
Mà tươi mát mà dịu dàng đến thế

Cỏ mới mọc con chim rừng thơ bé
Nước trong ngần thầm thì với ngàn lau
Trái tim ta như nắng thuở ban đầu
Chưa chút gợn một lần cay đắng

Trên thềm cũ mùa thu vàng gió nắng
Đời yên bình chưa có những chia xa
Khắp mặt đầm xanh biếc một màu hoa
Hương thơm ngát cả một vùng xứ sở
Những cô gái da mịn màng như lụa
Những chàng trai đang đọ tuổi hai mươi
Người yêu người, yêu hoa cỏ đất đai
Những câu chuyện xoay quanh mùa hái quả...
Hoa cúc xanh có hay là không có
Tháng năm nào ấp ủ thuở ngây thơ
Có hay không thung lũng của ngày xưa
Anh đã ở và em thường tới đó
Châu chấu xanh, chuồn chuồn kim thắm đỏ
Những ngả đường phơ phất gió heo may
Cả một vùng vương quốc tuổi thơ ngây
Bao mơ ước mượt mà như lá cỏ...

Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có
Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa...

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2007

Đôi nét về ca trù 3




Hình thức hát nói trong ca trù:

a. Bố cục một bài hát nói :
Theo Việt Nam ca trù biên khảo thì bố cục một bài hát nói 11 câu chia ra làm 6 khổ:


1. Khổ nhập đề : câu 1 và câu 2, câu mở bài
2. Khổ xuyên tâm : câu 3 và câu 4
3. Khổ thơ : khổ đan câu 5 và câu 6, là hai câu thơ chữ Hán hoặc quốc âm nêu ý chính của bài hát
4. Khổ xếp : câu 7 và 8 hát mau
5. Khổ rải : câu 9 và 10 hát chậm rãi
6. Khổ kết : câu 11, tóm tắt ý kiến toàn bài.

Còn theo Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu thì bố cục một bài hát nói lại như sau :
Câu 1 – 2 : lá đầu
Câu 3 – 4 : xuyên thưa
Câu 5 – 6 : thơ
Câu 7 – 8 : xuyên mau
Câu 9 : dồn
Câu 10 : xếp
Câu 11 : keo.

Câu cuối cùng thường được đặt 6 chữ. Hai câu 5 và 6 khi đặt thành thơ thì phải theo luật thơ thất ngôn hoặc ngũ ngôn.

Ví dụ : Câu 5 và 6 trong bài Hồng hồng tuyết tuyết của Dương Khuê :

Ngã lãng du thời quân thượng thiếu
Quân kim hứa giá ngã thành ông

Tuy nhiên vẫn có trường hợp người sáng tác không đặt theo hai thể thơ trên mà dùng câu có số chữ so le với nhau.

Ví dụ : Câu 5 và 6 của bài Rõ mặt tu mi của Nguyễn Công Trứ :

Đố kỵ sá chi con tạo
Nợ tang bồng quyết trả cho xong.

Bài hát nói có đủ 11 câu gọi là đủ khổ. Bài có trên 11 câu thì gọi là dôi khổ, ít hơn 11 câu thì gọi là thiếu khổ.

Những bài nhiều câu, vừa dôi phách nam lại vừa dôi phách bắc, cách đặt câu khúc khuỷu lắt léo, gọi là gối hạc.

Trong bài dôi khổ, khổ đầu và khổ cuối giữ nguyên, phần dôi ra thường nằm ở khổ giữa.

Ở phần dôi ra, số câu, số chữ, cách gieo vần và luật bằng trác cũng theo như các khổ chính.

Trong bài thiếu khổ, khổ bị thiếu thường là khổ giữa. Cả bài thường chỉ còn lại 7 câu.

Ví dụ : Bài thiếu khổ

Ngán cho nỗi xoay vần thế tục
Sum họp này chẳng bõ lúc phân ly
Hỡi ông tơ ! Độc địa làm chi
Bắt kẻ ở người đi mà nỡ được
Thôi đã trót cùng nhau nguyện ước
Duyên đôi ta chẳng trước thì sau
Yêu nhau nhớ lấy lời nhau.
(Tiễn biệt – Cung Thúc Thiềm)

b. Mưỡu :

Một bài hát nói thông thường có thêm phần mưỡu ban đầu. Mưỡu không phải là một phần của bài hát nói mà là một thể riêng nằm trong phần hát chơi. Hát mưỡu thuộc phách khoan, điệu hát khoan thai chậm rãi. Từ mưỡu sang hát nói phải qua năm khổ đàn là : sòng đàn, khổ giữa, khổ rải, lá đầu, sòng đàn. Mưỡu thường có hai hoặc bốn câu lục bát dùng để mở đường vào bài hát nói. Mưỡu nghĩa là mạo được đọc chệch đi, vì vậy phần mưỡu được hát lên để tóm tắt ý chính những tư tưởng trong bài hát nói.
Có hai loại mưỡu là mưỡu đơn và mưỡu kép. Mưỡu gồm 2 câu thì gọi là mưỡu đơn, gồm 4 câu thì gọi là mưỡu kép.

Ví dụ:

Mưỡu đơn :


Sầu ai lấp cả vòm trời
Biết chăng chẳng biết hỡi người tình chung
(Chữ tình – Nguyễn Công Trứ)

Mưỡu kép :

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay
Tuyệt mù bể nước non mây
Bụi hồng trông thẳm như ngày chưa xa
(Hơn nhau một chén rượu mời - Tản Đà)

Tuy nhiên một số bài có đến 2 đoạn mưỡu đầu.

Ví dụ:

I. Tiễn ai chi liễu Giang đình
Bận ai chi mối tơ tình vương chơi
Biết ai còn nhớ đến lời
Hỏi ai còn nhớ đến người xa xa

II. Dặn ai đừng có quên ai
Bức hồng cân ấy là lời cựu minh
Chiêm bao lẩn khuất quế đình
Trông trăng mà lại tưởng tình cố nhân
(Tặng cô đầu Cần – Dương Khuê)

Lại chia ra thêm làm hai loại là mưỡu đầu và mưỡu hậu. Câu mưỡu đầu bao giờ cũng đặt trùm lên toàn bài hát và không phải hiệp vần với câu đầu bài hát nói.

Mưỡu hậu bao giờ cũng là mưỡu đơn. Mưỡu hậu thường đặt ở giữa câu xếp và câu keo, nhưng cũng có trường hợp mưỡu hậu đặt hẳn xuống dưới câu keo, nghĩa là dưới cùng của bài hát. Nếu hai câu mưỡu hậu đặt xen vào giữa câu xếp và câu keo thì câu lục phải ăn vần với câu xếp ở trên mà câu bát phải buông vần cho vần câu keo ở dưới bắt vào.

Ví dụ : 4 câu cuối bài Trải khắp đường đời của Cao Bá Quát, theo thứ tự : xếp, mưỡu hậu, keo:

Còn giận nỗi công danh chưa phỉ chí
Trời đất sinh ta âu hữu ý
Khách tài tình nên trải vị gian truân
Một mai gặp hội phong vân

c. Số chữ trong câu:

Số chữ trong câu hát không hạn định. Có thể từ 4 đến 12, 13 chữ, hoặc cũng có những câu gối hạc, lối văn lắt léo, dùng đến trên 20 chữ. Câu keo thường có 6 chữ .

d. Cách gieo vần trong bài hát nói:

Trong bài hát nói, người ta dùng cả yêu vận lẫn chiết vận. Luật vần của bài hát nói có thể tóm tặt lại thành những điểm chính sau :
1. Bài hát nói bao giờ cũng bắt đầu bằng một cước vận trắc
2. Sau cước vận trắc đầu tiên là hai cước vận bằng rồi đến hai cước vận trắc, rồi lại đến 2 cước vận bằng
3. Bài hát nói tận cùng bằng cước vận bằng
4. Khi câu hát trên có cước vận trắc mà câu dưới chuyển sang cước vận bằng thì câu dưới phải có thêm yêu vận trắc. Trái lại khi câu trên có cước vận bằng mà câu dưới chuyển sang cước vận trắc thì câu dưới có thêm yêu vận bằng. Yêu vận gieo cách chữ cuối cùng trong câu hai hoặc ba chữ.
5. Riêng hai câu của khổ thơ, vì là hai câu luật nên không có yêu vận
Ví dụ :
( ghi chú : c.v.t = cước vận trắc, c.v.b = cước vận bằng, y.v.t = yêu vận trắc, y.v.b=yêu vận bằng)
Say chẳng biết phen này là mấy (c.v.t )
Nhìn non sông chẳng thấy (y.v.t ) lại là say (c.v.B )
Quái sao say say mãi thế này (c.v.B )
Say suốt cả đêm ngày (y.v.B ) như bất tỉnh (c.v.t)
Thê ngôn tuý tữu chân vô ích (c.v.t)
Ngã dục tiêu sầu thả tự do (c.v.B )
Việc trần ai ai tỉnh ai lo (c.v.B )
Say tuý luý nhỏ to (y.v.B ) đều bất kể (c.v.t)
Trời đất say là cái sướng thế (c.v.t)
Vợ khuyên chồng chưa dễ (y.v.t) đã chừa say (c.v.B )
Muốn say lại cứ mà say (c.v.B )

e. Luật bằng trắc trong bài hát nói:

Luật bằng trắc trong bài tuân theo sơ đồ sau đây, tuy nhiên chỉ bắt luật chặt các chữ thứ 2, 4, 6 (nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh )

1 t t b b t t
2 b b t t b b
3 b b t t b b
4 t t b b t t

4 câu này minh hoạ cho cả bài hát nói, trong đó câu 1 và câu 4 là những câu cùng gieo vần trắc, câu 2 và câu 3 là những câu cùng gieo vần bằng. Khổ xếp chỉ có 3 câu thì tuân theo luật của 3 câu đầu kể trên. Câu 5 và 6 trong bài hát nói (khổ thơ) cùng những câu khác trong bài, nếu đặt thành thơ thì phải theo đúng luật bằng trắc thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn. Những câu vừa đủ 6 chữ theo đúng luật sơ đồ trên. Còn những câu dài hơn thì đối với việc ứng dụng luật ấy, phải chia làm 3 đoạn nhỏ trong từng câu. Mỗi đoạn 2 - 4 chữ hoặc dài nữa. Trong mỗi đoạn nhỏ ấy, chỉ kể chữ cuối là phải theo luật bằng trắc, các chữ còn lại được đặt tự do.

Ví dụ :những chữ in đậm là không theo đúng luật bằng trắc, 0 = chữ gác ra ngoài luật,
/ = dấu ngắt một đoạn nhỏ trong câu

Giai nhân nan tái đắc
(theo luật thơ)
Trót yêu hoa / nên dan díu / với tình
0 b b 0 b t t b
Mái tây hiên / nguyệt dãi / chênh vênh
0 b b t t b b
Rầu rĩ mấy / xuân về / oanh nhớ
0 t t b b b t
Phong lưu công tử đa xuân tứ
(theo luật thơ)
Trường đoạn tiêu nương nhất chỉ thư
(theo luật thơ)
Nước sông Tương / một giải / nông sờ
0 b b t t b b
Cho kẻ đấy / người đây / mong mỏi
0 t t b b b t
Bứt rứt nhẽ / trăm đường / nghìn nỗi
0 t t b b b t
Chữ chung tình / biết nói / cùng ai
0 b b t t b b
Ước gì / gắn bó / một hai
t b t t t b
(Tự tình – Cao Bá Quát)

Những câu ít hơn 6 chữ chỉ chia làm 2 đoạn thì đoạn thiếu được tính là đoạn đầu, 2 đoạn còn lại theo đúng luật bằng trắc.

Vd : Câu đầu bài Chơi thuyền Hồ Tây của Nguyễn Khuyến
Thuyền lan nhè nhẹ
b b t t

Câu đầu bài Cái thú say rượu của Nguyễn Công Trứ
Say chưa ? Say mới thú
b b 0 t t

Những câu lấy chữ sẵn từ nơi khác không cần tuân theo đúng luật bằng trắc của hát nói.
Vd : 2 câu đầu bài Thanh nhàn là lãi của Cao Bá Quát lấy từ Xuân nhật tuý khởi ngôn chí của Lý Bạch.
Xử thế nhược đại mộng
Hồ lao vi kỳ sinh

Tuy nhiên trong quá trình sáng tác, văn nhân không nhất thiết phải tuân theo chặt chẽ luật đã nêu trên, có thể thay đổi, miễn là câu hát lưu loát.

Home_nguoikechuyen

Tham khảo từ các tài liệu:

1) Việt Nam ca trù biên khảo - Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề.

2) Giới thiệu về ca trù – GSTS Trần Văn Khê.

3) Đại Việt sử ký toàn thư - Ngô Sĩ Liên.

4) Vũ Trung Tuỳ Bút - Phạm Đình Hổ

5) Nhạc khí dân tộc Việt Nam – Lê Huy và Huy Trân.

http://www.ttvnol.com/nhacdantoc/493828/trang-9.ttvn

Đôi nét về ca trù 2




Thể hiện ca trù:

Một đào nương hát độc xướng, tay gõ "phách" bằng tre hay bằng gỗ, với hai dùi bằng gỗ, một dùi tròn, một dùi chẻ làm hai gập lại. Có hai cách hát: “Hát khuôn”, theo lề lối “tròn vành rõ chữ”, một chữ phải uốn nắn công phu, một chữ phải có dư âm, phải biết cách “đổ hột” tức là ngân ngắt đoạn tiếng nghe như tiếng hạt châu rơi trên mâm, phải gằn lấy hơi từ cổ họng, chứ không phải từ lồng ngực như theo cách hát của phương Tây. Đổ hột làm cho câu hát thêm duyên, có khi như tiếng nức nở, thở than. Đổ hột thật nhuyễn, trong tiếng nhà nghề gọi là “đổ con kiến” (theo lời cụ Quách Thị Hồ). Hát bay bướm gọi là “hát hàng hoa”. Gõ dùi chẻ xuống phách gọi là “lá phách”. Gõ dùi tròn xuống phách là “tay ba”. Gõ phách phải một tay thấp một tay cao, một tiếng nhẹ một tiếng mạnh, một tiếng đục một tiếng trong, hai tiếng cùng đánh trong một lúc gọi là “chát”, hai phách âm dương chen nhau, xen kẽ, pha trộn, có nhịp mà nghe như không có nhịp, có mà như không, thực mà như hư, hiện mà như ẩn.

Thứ hai là người chơi đàn đáy. Đàn khảy bằng dăm tre, người chơi đàn đáy phải đánh rõ tiếng vê, tiếng vẩy, tiếng lia, tay trái phải biết cách nhấn, rung, nhấn chùn, bấm 3 dây khi đàn chữ “dinh dinh dinh” . Khi chân phương khi dìu dặt, khi mạnh khi nhẹ, tiếng đàn trong đoạn sòng đầu, lưu không hay phụ hoạ theo lời ca chẳng những có nét nhạc, mà còn tạo nên “hồn nhạc”.

Nhân vật thứ ba là người cầm chầu. Người cầm chầu gọi là “quan viên”, phải sành ca trù, biết rõ các khổ đàn, khổ phách, biết đàn thế nào là hay, hát thế nào là “khuôn”, là “hàng hoa” và không đánh trống “bịt miệng ả đào”, lại phải nắm rõ các công thức xuyên tâm, song châu, liên châu, hạ mã, lạc nhạn để khen chê, thưởng phạt đúng nơi đúng cách, dáng ngồi, tay cầm roi, tay vịn mặt trống phải phong lưu đài các. Nghe tiếng chầu, thính giả biết giá trị và phong cách của người cầm chầu.

Nhạc cụ :

I/Đàn đáy :

1.Nguồn gốc :

Đàn đáy có từ bao giờ không rõ nhưng ít ra cũng được nhắc tới vào khoảng cách đây gần 200 năm.Theo sách Ca trù thể cách, tương truyền chiếc đàn đáy do tổ cô đầu là Đinh Lễ đời nhà Lê sáng tạo ra, làm từ gỗ ngô đồng xém đuôi, bắt chước theo kiểu vẽ do Lã Đại Tiên (một trong Bát Tiên) trao tặng.

2. Tên gọi :

Có 2 thuyết :
a. Theo sách Ca trù biên khảo và Vũ Trung Tuỳ Bút, khi hát ổ cửa đền, người kép lấy lụa đeo đàn vào người để đứng gẩy cho đỡ mỏi nên gọi là đàn đáy. Đáy là do đọc chêch từ chữ Đới nghĩa là đeo.

b. Truyện Đất Tổ : Đời nhà Lê, Đinh Lễ chế ra một cái đàn để gảy theo điệu hát cô đầu, khúc đàn cuồn cuộn như nước chảy ra biển sâu không thấy đáy. Về sau người ta gọi tắt là đàn đáy. Ở miền Trung từ Thanh hoá trở vào đều gọi là Vô Đề Cầm.

3.Hình thức cấu tạo:

Đàn đáy gồm các bộ phận:

- Bầu đàn: Bầu đàn bằng gỗ hình thang cân. Đáy lớn lại ở phía trên rộng khoảng 23 cm, đáy bé ở phía dưới rộng khoảng 20 cm, cạnh hai bên đo được khoảng 34 cm. Thành bầu vang dầy khoảng 8 cm, bằng gỗ cứng. Mặt bàn bằng gỗ ngô đồng để mộc. Đáy đàn thủng một hình chữ nhật. Trên mặt đàn có gắn một bộ phận (cái thú) có lỗ để mắc dây đàn.

- Cần đàn và bầu đàn: cần đàn dài 1,16 m trên có gắn từ 10 đến 12 phím bằng tre. Những phím này cao và dầy, đỉnh phím dài hơn chân phím. Phím thứ nhất (tính từ trên đầu đàn xuống) không gắn vào sát sơn khâu như ở các nhạc khí khác mà lại gắn vào giữa cần đàn.

- Đầu đàn hình lá đề. Hốc luồn dây có ba trục vặn dây.

- Dây đàn: Đàn đáy có 3 dây đàn bằng tơ xe. Dây mềm, dài, dễ nhấn. Nay có thể dùng dây ni lông các cỡ to nhỏ khác nhau.

4.Màu âm:

Mầu âm đàn đáy gần giống mầu âm đàn nguyệt, nghe ấm áp, dịu ngọt, đôi lúc lại hơi đục, thích hợp với các loại tình cảm sâu sắc.

5.Cung bậc:

Gồm 5 cung :
- Cung nam : bằng phẳng và xuống thấp
- Cung bắc : rắn rỏi mà lên cao
- Cung nao : tiếng dính vào và đi mau
- Cung pha : ai oán, hơi chệch âm đi
- Cung huỳnh : chênh vênh, chuyển giữa cung nọ và cung kia
Về sau có thêm 1 cung nữa là cung pha có đặc điểm lên cao ở phía cuối câu đàn.

6. Kỹ thuật diễn tấu:

A - KỸ THUẬT TAY PHẢI:

(Đã giới thiệu trong phần thể hiện)

B - KỸ THUẬT TAY TRÁI:

Các ngón bấm tay trái như ngón rung, ngón nhấn, ngón láy…ở đàn đáy đều đánh được như đàn tỳ bà. Riêng ngón láy ở đàn đáy, hai âm nhấn láy đều cách nhau một quãng 3 ( tức là có thể nhấn cung phím sâu hơn so với các đàn gẩy dây khác).

Ngoài ra ở đàn đáy, có một ngón bấm đặc biệt là:

1 – Ngón chùn: Dùng đầu ngón tay ( thường là 2 ngón) trong khi bấm trên dây, miết về phía bầu vang làm cho đoạn dây từ cung phím ấy đến cái thú chùng lại, âm thanh trở thành thấp hơn âm thường đánh.

Ngón chùn là ngón đàn cổ truyền độc đáo làm cho âm thanh mềm mại, nghe tương tự như ngón nhấn luyến xuống bằng cách mượn cung.

2 – Đánh chồng âm, hợp âm: Đàn đáy có 3 dây. Do đó có khả năng đánh chồng âm, hợp âm. Trong dân gian thường gọi là ngón sòng hay còn gọi là sòng đàn, một cách đánh hai âm một lúc.

Ngón sòng được đánh thường xuyên, mỗi ngón gồm hai âm cách nhau một quãng 5 hay cách nhau một quãng 8.

II/Phách:

1.Hình thức cấu tạo:

Bộ phách ca trù gồm có bàn phách, tay ba và hai lá phách.

Bàn phách: là một miếng tre già dài chừng 30 cm, bản rộng khoảng 4 cm. Hai đầu bàn phách là hai đầu mấu tre để làm chân cho mặt bàn phách cao lên. Trông bàn phách giống một chiếc ghế dài nhỏ mà hai đầu mấu tre là hai chân ghế.

Lá phách: là hai dùi gõ kép, gồm hai mảnh để chập vào nhau như một chiếc dúi bổ dọc ra. Hai lá phách dài khoảng 28 cm, do tay phải người đánh phách cầm chập vào nhau để gõ vào mặt bàn phách.

Tay ba: là dùi gỗ cầm bằng tay trái. Tay ba thường làm bằng gỗ mít. Chiều dài như hai lá phách.

2.Màu âm:

Do cấu tạo đặc biệt của bàn phách và các dùi gõ, màu âm của bộ phách ca trù rất phong phú. Khi sử dụng tay ba gõ xuống bàn phách, tiếng phách nghe gọn, ròn và trong.

Khi dùng hai lá phách gõ xuống bản phách, màu âm hơi đục, nhờ và bẹt (vì khi gõ, ngoài âm thanh do hai lá phách gõ xuống bàn phách, còn có một âm thanh nữa do hai lá phách đập vào nhau phát ra).

Khi tay ba và hai lá phách cùng gõ một lúc xuống bàn phách, tiếng phách nghe hơi thô nhưng khỏe, chắc.

3.Kỹ thuật diễn tấu:

Phách cấu tạo đơn giản nhưng kỹ thuật diễn tấu rất phong phú, rất sinh động.

Nghệ nhân để chỉ ba âm thanh chính của phách là : phách, rục, chát.

Đó cũng chính là ba kỹ thuật cơ bản của cách đánh phách cổ truyền. Ngoài ra còn ngón ve phách mà nghệ nhân gọi là rung phách.

a)Ngón phách: Do hai lá phách (tay phải) gõ xuống mặt bàn phách.

b) Ngón rục: Do hai tiếng tay ba (tay trái) nhẹ nhàng gõ nhưng thật nhanh như nẩy trên bàn phách, tiếp ngay sau là hai lá phách (tay phải), gõ xuống bàn phách. Ba tiếng đó đi liền nhau, kết hợp với nhau tạo thành tiếng rục.

Khi sử dụng nhiều tiếng rục đi liền ở tốc độ nhanh gây được một cảm giác náo nức khẩn trương, không ổn định. Nếu tiếng rục đi liền nhau ở tốc độ vừa phải, lại gây cho người nghe một cảm giác vững vàng, ổn định.

c) Ngón chát: Tay ba và hai lá phách (nghĩa là cả tay trái và tay phải) cùng gõ xuống bàn phách nhưng có điều đặc biệt là hai lá phách gõ xuống trước tay ba một chút, sau khi gõ xuống bàn phách, cả hai tay không nhấc lên ngay. Tiếng chát nghe khoẻ, chắc, gây một ấn tượng vững chắc. Âm thanh của chát nghe mộc mạc nhưng hơi thô.

Tiếng chat thường điểm vào những chỗ kết thúc một ý nhạc, một ý thơ.

d) Ngón vê: (rung phách)

Tiếng vê thường được dùng sau mỗi câu hát, câu đàn và được dùng nhiều trong các làn điệu mang tính chất ngâm ngợi như trong các điệu: đọc thơ, ngâm vọng, ngâm thơ…

Có hai lối vê:

Lối 1: Tay ba và hai lá phách thay đổi nhau gõ nhanh trên bàn phách. Lối vê này được sử dụng phổ biến.

Lối 2 : Tay ba giơ cao phía trên bàn phách, hai lá phách luồn vào giữa gõ nhanh vào bàn phách và tay ba. Lối vê này ít được sử dụng, thấy xuất hiện trong bài Tỳ Bà Hành.

Thông thường, trước khi vào vê là một chuỗi tiếng rục tiến hành với tốc độ nhanh dần rồi bắt vào tiếng vê.

MỘT SỐ KHỔ PHÁCH:

Trong lối hát ca trù, thông thường trước khi vào bài hát (hoặc ở những đoạn lưu không) có một chuỗi khổ phách kết hợp với diễn tấu cảu đànm đáy. Những khổ phách này thường là khuôn mẫu hoặc là chủ đề tiết tấu phách của mỗi đào nương.

Trong các đào nương, có năm khổ phách lần lượt tiến hành như sau:

1 - Khổ đầu còn gọi là sòng đầu.

2 - Khổ giữa.

3 - Khổ róc còn gọi là khổ xiết.

4 – Lá đầu.

5 – Sòng cuối còn gọi là sòng dây.

Tiết tấu phách ở khổ đầu và sòng cuối thường giống nhau.

Năm khổ phách này, đào nương diễn tấu có khác nhau, biến hoá theo phong cách riêng của mình.

Khổ đầu và sòng cuối : Chuỗi phách này thường tiến hành với 3 hay 6 sòng đàn mở đầu hoặc kết thúc với tiết tấu phách đơn giản. Trong 5 khổ phách, đây là 2 khổ phách nhiều đào nương thống nhất cách đánh.

Khổ giữa : Chuỗi phách này tiến hành khi đàn bắt đầu đánh giai điệu. Từ khổ giữa tiết tấu của phách được phát huy, biến hoá phong phú và cũng thể hiện rõ phong cách diễn tấu riêng biệt của từng đào nương.

Khổ róc : (khổ xiết)

Khổ phách này tiết tấu có phần phức tạp hơn.

Lá đầu : Khổ phách này tiết tấu đơn giản dần để đi vào vòng cuối, chuẩn bị bắt đầu câu hát.

Năm khổ phách trên thường diễn tấu cùng với đàn đáy trước khi hát hoặc ở những đoạn đầu lưu không.

III/Trống chầu :

1.Hình thức cấu tạo:

Mặt trống : Trống chầu có hai mặt, hình tròn, đường kính như nhau, khoảng 15 cm. Mặt trống thường được bịt bằng da nách trâu đã nạo mỏng (chất da ở đây rất bền, dai, đủ sức chịu đựng độ căng trên mặt trống). Đường viền da bịt mặt trống chùm xuống tang trống khoảng 3 cm và được đóng bằng đinh tre.

Mặt da trống rất căng những vẫn phải bảo đảm một định âm cần thiết phù hợp vợi giọng hát của đào nương.

Tang trống : Thường làm bằng gỗ mít, cao khoảng 18 cm, khoét từ một khúc gỗ mít (gọi là tang liền) hoặc có thể chắp các mảnh gỗ mít lại làm tang trống sau đó sơn chùm ra ngoài. Làm theo cách thứ nhất, trống chầu có hình dáng và màu âm đẹp hơn nhưng tang trống dễ nứt và tốn kém.

Dùi trống : Làm bằng gỗ cứng, dài khoảng 25 cm, một đầu to, một đầu nhỏ. Phía tay cầm là đầu to, phía gõ là đầu nhỏ.

2.Màu âm:

Âm thanh trống chầu đanh, gọn và ít vang. Do cách đánh thay đổi, khi đánh vào mặt trống, khi đánh vào tang trống. Khi biểu diễn ca trù, âm thanh của trống chầu gây cho người nghe cảm giác sâu sắc.

3.Kỹ thuật diễn tấu:

Như đã nói trên, dùng trống chầu, không những chỉ đánh trên mặt trống (ở nhiều vị trí), mà còn kết hợp đánh vào tang tống làm cho âm thanh, tiết tấu càng thêm phong phú.

Trên mặt trống, có thể đánh vào giữa mặt trống, lại có thể đánh vào cạnh mặt trống. Đánh vào giữa mặt trống, người cầm chầu thường đánh bằng đầu dùi. Trường hợp này, tiếng trống nghe vang, ròn. Đây là cách đánh bình thường, gõ vào mặt trống và nhấc dùi ngay. Nếu gõ vào mặt trống nhưng giữ nguyên dùi trên mặt trống, âm thanh sẽ không vang mà lại khô, xỉn. Đánh vào cạnh mặt trống, phải đánh bạt sang bên. Trường hợp này có kết hợp bịt một phần mặt trống bằng tay kia, tiếng trống nghe đanh, gọn như tiếng phách.

Trống chầu, thường dùng hai dùi, đánh thay đổi lần lượt, cũng có khi đánh cả hai dùi một lúc (nhất là những khi gõ vào tang trống), cũng có lúc dùng một dùi để điểm xuyết nhẹ nhàng cho người hát.

a) Kỹ thuật đánh trên mặt trống:

1- Ngón vê : Hai tay thay đổi nhau gõ dùi liên tục và thật nhanh giữa mặt trống. Tiếng trống vang rền, rộn rã gây hiệu quả dồn dập, thúc bách.(thường sử dụng trong chèo)

2 - Ngón bịt : Tiếng trống bịt làm màu âm thay đổi, âm thanh này gợi lên những tình cảm không bình thường, có phần bực bội, u uất, căng thẳng.

Có hai cách bịt :

+ Bịt bằng tay : Một tay gõ trống, âm thanh vừa vang lên, lập tức tay kia, hoặc là tay vừa gõ, bịt ngay mặt trống. Tiếng trống phát ra nghe bẹt, hơi xỉn.

+ Bịt bằng dùi : Một tay gõ trống, âm thanh vừa vang lên, lập tức dùng đuôi dùi tay kia, có khi dùng tay dùi tay vừa gõ bịt mặt trống (tức là sau khi gõ, lộn ngay đầu dùi lên, rồi đặt ngay đuôi dùi vào mặt trống). Cớ trường hợp đặt sẵn một đầu dùi trên mặt trống, còn dùi kia gõ. Tiếng trống phát ra nghe khô, đanh.

Người ta còn có thể di động tay bịt hay dùi bịt trên mặt trống, trong khi tay kia vẫn gõ để tạo nên những âm thanh có độ cao màu âm khác nhau.

b) Kỹ thuật đánh trên tang trống:

Sử dụng cách đánh vào tang trống chầu rất quan trọng. Nhờ kết hợp tài tình giữa các lối đánh vào mặt trống và tang trống, có thể làm nổi bật sự đối lập nhưng lại hài hoà về màu sắc âm thanh, tiết tấu.

Có hai cách đánh vào tang trống :

1.Ngón vê : Cũng như ngón vê trên mặt trống. Hai tay thay đổi nhau gõ thật nhanh và liên tục vào hai bên tang trống.

2.Ngón róc : Giống như ngón vê, hai tay thay đổi gõ nhanh vào tang trống, nhưng thường là năm tiếng một, tiếng sau cùng có độ ngân bằng bốn tiếng đầu và ở vào đầu phách. Nghệ nhân gọi ngón kỹ thuật này là ngón róc ( một công thức của ngón vê được sử dụng nhiều).

(Trong phần kỹ thuật diễn tấu các nhạc cụ này mình nêu chung cho các loại hình sử dụng nhạc cụ chứ không chỉ nêu riêng trong ca trù, nên có một số kỹ thuật các bạn đọc không áp dụng trong ca trù - loại hình nghệ thuật yêu cầu sự chậm dãi, như kỹ thuật ngón vê trong diễn tấu trống chầu... Còn các công thức xuyên tâm, song châu, liên châu, hạ mã, lạc nhạn, nếu có thời gian mình sẽ nói sau)-ghi chú của home_nguoikechuyen.

Đôi nét về ca trù 1




Tìm thấy bài viết của bạn home_nguoikechuyen trên ttvnol khá công phu và đầy đủ về ca trù, back up lại đây để tìm hiểu và tán dần.

------------


Đôi nét về ca trù

Trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, không một thể loại âm nhạc nào có tính đa diện như ca trù. Ca trù thuộc về loại thính phòng tức là loại nhạc trong đó một số nhỏ diễn viên đàn ca cho một số nhỏ thính giả nghe, trong một gian phòng tương đối nhỏ.

Nguồc gốc, tên gọi và ý nghĩa:

Ca trù hay ban đầu gọi là hát ả đào có từ thời Lý. Thuở ấy những người đi hát được gọi là con hát, hay chữ Hán gọi là xướng nhi, hoặc ca nữ.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên thì đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có người ca nương tên là Đào Thị giỏi nghề ca hát, thường được nhà vua ban thưởng. Người thời bấy giờ ngưỡng mộ danh tiếng của Đào Thị nên phàm con hát đều gọi là Đào nương.

Còn theo sách Công dư tiệp ký (trang 78) viết “Cuối đời nhà Hồ (1400-1407) có người ca nương họ Đào, quê ở làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, lập mưu giết được nhiều binh sĩ nhà Minh, cứu cho khắp vùng yên ổn. Khi nàng chết dân làng nhớ thương lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn ả đào. Về sau những người làm nghề ca hát như nàng đều gọi là ả đào”.

Sang đến thời Hồng Đức (1470-1497) thì ca trù được phát triển mạnh. Thời đó vua sai các quan kê cứu âm nhạc nước Tàu, hợp vào âm điệu nước nhà rồi đặt ra hai bộ Đồng văn, chuyên tập âm luật, và Nhã Nhạc chuyên luyện nhân thanh.

Âm nhạc và ca khúc đời Hồng Đức có:

1.Cung Hoàng chung
2.Cung Nam
3.Cung Bắc
4.Bát đoạn cẩm
5.Đại thực
6.Dương Kiều
7.Âm Kiều
8.Hà bắc
9.Hà nam
10.Thiết nhạc
11.Đàn lẩy (nẩy)
12.Hát tầng

(So sánh âm luật đời Hồng Đức với lối hát ca trù ngày nay, ta nhận thấy trong 12 lối kể trên chỉ còn 5 lối lưu truyền lại là Cung Bắc, Đại thực, Hát tầng (nay gọi là Xướng tầng), Thiết nhạc, Hà nam. Riêng lối Hà nam người ta phỏng theo đó mà đặt ra điệu hát nói).

Ngoài tên gọi hát ả đào, ca trù ( trù ở đây là cái thẻ tre ghi các mức tiền ứng với các thẻ, dùng để thưởng ả đào thay cho tiền mặt. Khi hát, quan viên thị lễ chia ngồi hai bên, một bên đánh chiêng (cồng) và một bên đánh trống. Chỗ nào ả đào hát hay, bên trống thưởng một tiếng chát, bên chiêng đánh một tiếng chiêng rồi thưởng cho một cái trù. Đến sáng đào kép cứ theo trù thưởng mà tính tiền) loại hình nghệ thuật này còn có các tên gọi khác nữa là hát cửa quyền, hát cửa đình, hát nhà trò, hát nhà tơ, hát cô đầu, hát ca công…Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu về các tên gọi khác đó.

Hát cửa quyền: Là hình thức sinh hoạt nghệ thuật Ca trù trong các nghi thức của cung đình thời phong kiến. Theo Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tuỳ Bút có viết : Hát Ca trù đời nhà Lê ở trong cung gọi là Hát cửa quyền. Triều đình cắt cử hẳn một chức quan để phụ trách phần lễ nhạc trong cung, gọi là quan Thái thường. Hát cửa quyền được dùng vào các dịp khánh tiết của hoàng cung.

Hát cửa đình: Đây là hình thức sinh hoạt Ca trù phục vụ cho nghi thức tế lễ thần thánh ở các đình hay đền làng. Trên thực tế, người ta còn mượn không gian đình đền để tổ chức hát Ca trù với mục đích giải trí đơn thuần. Song, hát tế lễ vẫn được coi trọng hơn với cả một trình thức diễn xướng tổng hợp kéo dài. Bởi vậy, thuật ngữ Hát cửa đình vẫn được sử dụng với hàm ý chỉ loại âm nhạc Ca trù mang chức năng nghi lễ tín ngưỡng nơi đình (đền) làng.

Hát nhà trò: Trong trình thức Hát cửa đình, bên cạnh âm nhạc bao giờ cũng có sự kết hợp của nghệ thuật múa và một số trò diễn mang tính sân khấu. Người ta gọi đó là "bỏ bộ". Ả đào miệng hát tay múa uốn éo lên xuống, làm điệu bộ người điên, người say rượu, người đi săn... Vì vừa hát vừa làm trò nên gọi là Hát nhà trò. Cách gọi này phổ biến ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Như vậy, Hát nhà trò cũng là thuật ngữ xuất phát từ hình thức phục vụ nghi lễ, tín ngưỡng.

Hát nhà tơ: So với các tên gọi khác của nghệ thuật Ca trù, Hát nhà tơ là một thuật ngữ ít phổ biến. Theo Việt Nam ca trù biên khảo thì thời xưa, “dân chúng ít khi tìm ả đào về nhà hát chơi, chỉ các quan khi yến tiệc trong dinh hay trong ty (tơ - ngày xưa dinh Tuần phủ gọi là Phiên ty, dinh án sát gọi là Niết ty) mới tìm ả đào tới hát. Vì thế hát ả đào còn được gọi là Hát nhà tơ, nghĩa là hát ở trong ty quan”.

Hát cô đầu: Theo Việt Nam ca trù biên khảo, chữ ả nghĩa là cô, ả đào nghĩa là cô đào. “Những ả đào danh ca dạy con em thành nghề, mỗi khi đi hát đình đám, bọn con em phải trích ra một món tiền để cung dưỡng thầy gọi là tiền Đầu. Sau người ta dùng tiếng cô thay tiếng ả cho rõ ràng, và tiếng đầu thay tiếng đào để tỏ ý tán tụng bậc danh ca lão luyện đã dạy nhiều con em thành tài và được tặng nhiều món tiền đầu nên gọi là Cô đầu”.

Hát ca công: Theo Vũ Trung Tùy Bút thì cho đến cuối thời Lê, ca công là danh từ được dùng để chỉ các nghệ sĩ chốn giáo phường. Theo đó, Hát ca công hàm ý là âm nhạc giáo phường.

Những lối hát ca trù:

Ca trù chia ra làm 3 lối hát chính:
1. Hát chơi
2. Hát cửa đình
3. Hát thi

Hát chơi là lối hát tổ chức tại nhà quan viên, hay nhà ả đào để quan viên thưởng thức. Về hát chơi, ả đào phải hát khuôn hơi diệu vợi, thường hát những bài tả tình, tả cảnh, thuật hoài, đều ngụ ý phóng khoáng, phong lưu, tình tứ.

Hát cửa đình là lối hát thờ thần. Hát cửa đình phải đúng thể cách, những cũng có khi hát đơn giản, câm hơi cho được lâu như là hát lót. Hát cửa đình thường hát những bài về sử, về kinh truyện và sự tích danh nhân, ngoài những khúc hát do đào hát còn có những khúc do kép hát và vũ bộ.

Hát thi là lối hát để khảo sát tài năng của đào kép. Hát thi gồm những khúc hát chúc tụng vua chúa, thần và dân, lại gồm đủ các khúc trong ca trù mà đào kép đều phải hát.

Các thể ca trù, kể cả hát chơi, hát cửa đình, và hát thi gồm có:
1. Bắc phản
2. Mưỡu
3. Hát nói
4. Gửi thư
5. Đọc thơ, Thổng, Dồn
6. Đọc phú
7. Chừ khi
8. Hát ru
9. Nhịp ba cung bắc
10. Tỳ ba
11. Kể truyện
12. Hãm
13. Ngâm vọng
14. Xẩm cô đầu
15. Ả phiền
16. Giáo trống
17. Giáo hương
18. Dâng hương
19. Thiết nhạc
20. Hát giai
21. Đại thạch
22. Bỏ bộ (vũ)
23. Múa bài bông (vũ)
24. Chúc hỗ
25. Múa tứ linh
26. Ca đàn
27. Thơ cách
28. Hát giai câu một
29. Giáo thơ phòng
30. Thơ phòng
31. Hà liễu câu một
32. Trở tay ba
33. Chúc tam thanh
34. Hà nam câu một
35. Dóng chinh phu
36. Dựng huỳnh
37. Ngâm sang hát giai
38. Xướng tầng
39. Ngâm phú
40. Màn đầu hát gái
41. Mã thượng kiều
42. Hát sử và Dã sử
43. Màn đầu hát truyện
44. Phản huỳnh
45. Non mai
46. Hồng hạnh.

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2007

Khoa bảng

1. Tin giáo sư Cao Xuân Hạo qua đời được thông tin rộng rãi trên mạng. Tất nhiên cũng chỉ có thể dừng lại ở những thông tin và nhận định chung chung về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Những vấn đề ngôn ngữ học thì quá ít người đủ am hiểu để bàn tới, hoặc giả có am hiểu thì vấn đề chẳng có cách nào gói lại được trong 1 bài viết ngắn trên báo cả. Cá nhân tớ cũng rất nghi ngờ tính hữu ích của việc người ta thảo luận rất hoành tráng về 1 vấn đề hoành tráng của KHXHNV bằng những comment ngăn ngắn trên blog hay cho dù là bằng 1 bài báo.

Trước tớ cũng có ý định tìm hiểu ngành ngôn ngữ học, sau 1 hồi thấy nản quá nên thôi. Thế mới thấy cụ Nguyễn Hiến Lê sáng suốt, cụ ưu tiên cho cuốn "Tôi tập viết Tiếng Việt" hơn là mấy cuốn chuyên sâu về ngôn ngữ học. Nhân tiện quảng bá cuốn này luôn: đơn giản, sáng sủa và thú vị - đố các bạn tìm được 1 cuốn về ngôn ngữ học mà thú vị được đấy. Tác giả không có ý định lập thuyết mà đưa ra những nguyên tắc thiết thực định hướng tới 1 văn phong sáng sủa, ít Tây hoá.

Mục lục của cuốn này:

1. Liên tục và cân xứng
2. Xung đột trong liên tục-tách ra và gom lại
3. Đặt sai vị trí
4. Một số cạm bẫy-đồng âm dị nghĩa
5. Thiếu-Dư và ý tưởng lộn xộn
6. Sự thuần khiết

Phụ lục
Dịch văn ngoại quốc
Các thuật ngữ ngôn ngữ học

Hiện nay chỉ có bản "Chúng tôi tập viết Tiếng Việt" bao gồm cả phần ghép thêm của Nguyễn Quang Thắng, nhưng cá nhân tớ thấy nó không phù hợp, nên tách ra.


Nhân tiện nhớ đến lời khuyên của cụ Cao Xuân Huy với ông Cao Xuân Hạo về việc nên mở rộng tìm tòi theo hướng tương quan giữa ngôn ngữ và lối tư tưởng. Ông Hạo đã nhận là không đủ khả năng. Câu trả lời thể hiện cái ý thức biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết của người có học vấn. Nhưng thật đáng tiếc, liệu có phải các cuộc tranh luận bất phân thắng bại của các trường phái ngôn ngữ học là do ở nguyên nhân này??? Cũng trùng hợp là 1 trong những nhánh quan trọng của triết học lại đang xích gần với ngôn ngữ học?


Năm 1983 đám tang của cụ Cao Xuân Huy chỉ có khoảng 30 khách thăm viếng. Đến 1995 thì Nguyễn Huệ Chi biên tập lại và cho xuất bản cuốn "Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu". Đây là kết quả biên tập lại từ những ghi chép bản thảo của Cao Xuân Huy bao gồm 4 phiên bản khác nhau. Khác nhau về thứ tự, đề mục, ý tưởng...Mọi người ngày nay biết đến cụ Cao Xuân Huy phần nhiều là nhờ tác phẩm này. Đọc xong cá nhân tớ có mấy điều chưa thoả mãn lắm:

i-Nếu là 1 lĩnh vực khác thì không sao, đã trót mệnh danh cụ là nhà "Đạo học" thì nên chăng cứ nguyên bản mà trình làng-cho thiên hạ dọ dẫm theo bước tiến thoái của người hiền mà may chăng lĩnh hội được điều gì đó bổ ích? "Nói không được, không nói không được" là 1 nội dung lớn trong "Đạo học" nay bị biên tập cứ thẳng băng băng mà chạy ro ro liệu có bị rơi rớt đi không? Để ý sẽ thấy cách cụ dùng từ "gợi" "tham chiếu", "giả thuyết để làm việc"...

ii-Cuộc đời sự nghiệp của cụ gắn liền với việc giảng dạy văn hoá cổ Đông phương, nhưng đọc trong những bài viết của học trò của cụ e là chả thấy được mấy dấu vết lĩnh hội :( Hoặc là nhanh chân nhanh tay ghép cho Thầy cái mũ "nhà chủ toàn" rồi tán A tán B là xong. Hoặc lại ôn nghèo kể khổ, trích dẫn mấy giai thoại từ thời NVGP với lòng tự hào của 1 chứng nhân. Có bài viết của Phan Ngọc là đáng kể nhất nhưng cũng chỉ là những khởi đầu mà thôi. Trong bối cảnh, điều kiện đương thời của mình, những tư tưởng của cụ Cao Xuân Huy là những điểm sáng đáng kể và thực là "những đề cương để làm việc" dài dài cho con cháu. Nhưng e là đến nay trong điều kiện thông tin tài liệu rộng rãi thì việc đối chiếu các tư tưởng triết học không thể đơn giản thế được rồi. Có thế cụ CXH vẫn đúng nhưng những điều cụ nói riêng rẽ thì không phải triết học phương Tây chưa chạm đến. Các học trò cụ cứ dẫn cái "A và phi A" ra để minh chứng cho chủ biệt thì e là các vị chưa chịu khó học lịch sử triết học phương Tây lắm. Cái tư tưởng này của Aristote đã bị đặt lại từ lâu (do ai thì tớ nhất thời không dẫn ra được, bác nào biết chỉ giùm :) Nhưng không phải vì thế mà tớ phủ nhận tầm vóc của cụ. Sống trong Đạo thì có lẽ phát ngôn hành xử chỉ vậy thôi; nắm bắt được đến đâu là do cơ duyên. Vấn đề là hoặc chúng ta cũng thực sự đi theo con đường đó, tư duy bằng lối tư duy đó, hành xử như hành xử đó; hoặc là chúng ta cần phải dụng công hơn nhiều, chi tiết, quanh co hơn nhiều-theo 1 lối khác, lối hiện đại-để có thể trung thực với chính mình khi phát biểu. Điểm này hấp dẫn à nha! Đây là chỗ để có thể so sánh tương quan giữa ngôn ngữ học và lối tư tưởng của Đông và Tây. Theo những gì hạn hẹp mà tớ biết, tớ thấy có Francois Jullien là triết gia am hiểu phương Đông nhất và cái cách mà ông đối quan sát tương quan Đông Tây là đã thoát khỏi lối so sánh liệt kê phiến diện thường gặp hiện nay.


2. Buôn chuyện theo trí nhớ-đang ớm không lục lại ghi chép cũ được.

Chuyện đời cụ Cao Xuân Huy có nhiều điểm đáng quan tâm vì nó có thể ảnh hưởng đến tính cách và nhân sinh quan của cụ nhiều. Những thông tin này tớ nhớ là do đọc cuốn "Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu" trong TVQG trước đây. Sách cũng có 2 phần, phần đầu là hậu sinh vào điểm danh kể chuyện. Nhiều chuyện không thấy có trong tập "GS CXH người thầy-nhà tư tưởng" xb 2001 sau này.


Chuyện thứ nhất là về mặt trái của 1 gia đình khoa bảng phong kiến, do một người trong họ kể. Mẹ của CXH là vợ lẽ của ông CXT, vì không chịu được thân phận làm lẽ nên sau khi sinh ông xong đã bỏ về quê nhà (Quỳnh Đôi) mãi đến khi ông khoảng 10 tuổi mới quay lại nhà chồng. 1 chi tiết nhỏ nhặt nhưng cũng hé lên nhiều điều. Tuổi thơ của ông đã trải qua như thế nào khi không có sự hiện diện của mẹ đẻ và những câu hỏi xung quanh đó. Quan hệ với mẹ sẽ như thế nào khi đến 10 tuổi mới gặp mẹ lần đầu. Những sự kiện này chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến nội tâm của ông.


Năm 15 tuổi CXH thi Hương và bị đánh hỏng vì phạm trường quy (làm bài hộ người chú). Chuyện này nếu thoáng qua thì cũng bình thường. Tất nhiên chúng ta có thể hiểu không nên yêu cầu quá cao ở tính trung thực của 1 cậu bé 15 tuổi nhưng nếu hiểu Khổng học 1 chút thì chúng ta có thể đánh dầu 1 điểm rằng: lúc đó CXH chưa thưc sự hiểu Khổng giáo, chưa sống như 1 nhà Đạo học :) Bắt bẻ thế cho vui thôi chứ theo mình điều đáng quan tâm lại từ 1 quan điểm khác hiện đại hơn, đời hơn: đây đánh dấu 1 tinh thần chống đối, bất phục với các kỷ cương phong kiến rồi. Tin rằng cả ông nội hay cha của cậu cũng không bao giờ đồng ý cho con làm việc đó. Vậy chỉ có thể do cái suy nghĩ của cậu mà làm ra việc đó thôi.

Năm 25 tuổi, tốt nghiệp CĐSP Đông Dương, CXH về dạy ở Trường Quốc học Huế và bắt đầu quen biết với bà Tôn Nữ Thị Cơ, bán hàng nước. 2 năm sau CXH tham gia Tân Việt bị đi đày ở Lao Bảo. Bà TNTC đến thăm nuôi ông. 29 tuổi được trở về Huế CXH xây dựng gia đình không giá thú với bà TNTC, bất chấp sự phản đối của gia đình.

Khoảng 1938 (ông sinh 1900), quan hệ gia đình rạn nứt nhưng bà TNTC vẫn sống với gia đình đến 1944 rồi chính thức kết hôn với người khác. Chuyện li kỳ ở chỗ sau đó nhiều năm bà vợ vẫn thỉnh thoảng về qua nhà sống như chưa có chuyện gì xảy ra, ông vẫn điềm nhiên không phản ứng còn bà thì càng ngày càng quá. Cuối cùng con cái phải lừa lúc bà ngủ say để lấy dấu điểm chỉ vào giấy li hôn!!!


Chuyện ông hiến thư viện Long Cương cho nhà nước thì nhiều người biết rồi. Chính nhờ đó mà chúng ta biết được nhiều trước tác rất quý hiếm hầu như đã thất truyền. (Hình như của Nguyến Trãi nữa, nhưng tớ không nhớ chính xác).


Chuyện cuối cùng, nghe ông TQV kể về việc cụ CXH có ý định giảng giải cái "học thuyết của tôi" cho TQV, nhưng vì chót khoe với ông cháu của cụ mà bị chặn lại thấy thật tiếc. Không phải tiếc cho ông TQV không học được cái "học thuyết đó", không phải tiếc cho con cháu họ Cao không "ghi âm lại rồi viết thành sách" được nó mà tiếc sao với cái thân tình ngày đó, ông V không lén lút đến mà hỏi Thầy đằng này lại tự ái rồi thôi.



Đạo mà có thể truyền riêng thì người ta ai cũng truyền cho con cháu người nhà mình rồi. Hình như Trang tử nói câu này thì phải.