Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2007

Tây học hay Ta học




Ngày nay thày cô đóng vai trò người hướng dẫn chứ không còn là một vị thánh



Một bài viết hay trên Vietimes.com.vn. Nó hay không phải vì vấn đề đặt ra là mới mẻ hay lập luận bao quát, chặt chẽ. Đơn giản vì nó cụ thể - ngay cả khi nó có thể đã được thêm thắt. Vấn đề gợi ra là: khi thiết lập mệnh đề trên người viết đã ngầm thừa nhận 2 điều hiển nhiên:

1. Người thầy đã từng là vị Thánh (cách dùng từ của tác giả).
2. Thầy cô chỉ nên đóng vai trò là người hướng dẫn.

Tất nhiên trong ngữ cảnh mà bài viết nhắm tới và ngụ ý thì điều này hoàn toàn không có vấn đề gì cả. Nhưng vô tình nó gợi ra một bối cảnh rộng hơn của câu chuyện giáo dục từ những câu hỏi căn bản nhất: Học làm gì? Học cái gì? Dạy cái gì? Và ai đủ tư cách làm thầy ta trong ngữ cảnh này? Câu chuyện về dạy và học của thế hệ 7x không biết liệu có được coi như là trung gian của 2 mẫu hình hay không nhưng ở đây để đơn giản tôi chỉ xét mọi chuyện trên những thái cực của nó bằng cách mượn nội dung bài viết của học giả Phan Khôi cách đây hơn nửa thế kỷ, dẫn theo bài viết của Lại Nguyên Ân -
Sự học ngày nay: Ít "bậc thầy" đúng nghĩa?. (Bài viết của Phan Khôi có thể tìm thấy trên talawas.org).

Trong bài viết của mình Phan Khôi đã chỉ ra cái lược sử phát triển của sư học ở Trung Quốc cũng như ở nước ta (Hán Học) từ xưa tới nay, từ "cái học nghĩa lý" phát triển lệch lạc sang "cái học khoa cử" như thế nào. Một đàng là học đạo lý làm người với một BẬC THẦY là một mẫu mực sinh động để người trò có thể noi theo và chiêm nghiệm mọi lúc mọi nơi trong suốt cuộc đời. Đàng kia lại là những kỹ thuật để đạt một yêu cầu nào đó của xã hội quan liêu nhằm "gõ cửa giàu sang".

“Người mình coi sự học cũng như cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì cục gạch ném đi. Cái học của ta là để gõ cửa giàu sang, khi giàu sang
rồi thôi không nói đến học nữa”

Vậy học nghĩa lý theo Phan Khôi là như thế nào?

"Theo Phan Khôi, “cái học nghĩa lý” bao gồm: một phần lớn là cái mà ngày nay gọi là triết học, “xét về bản thể của vũ trụ, cùng tính mạng đạo đức là cái cần thiết cho sự sống của loài người”(1), bên cạnh đó có một phần là cái học tu thân, “dạy về sự làm người cho đúng đắn”(1), và một phần nữa là cái học kinh tế, “dạy về chánh trị kinh tế, cái cách để trị nước và an thiên hạ”(1); ngoài ra, tất cả những lĩnh vực tri thức mà người xưa gọi là “kinh học”, “sử học”, “lý học”, “đạo học”, v.v…, theo Phan Khôi, đều thuộc cái học nghĩa lý."


Theo tôi, có thể nói gọn lại học nghĩa lý tức là học cái cách sống_làm_người sao cho đặng cả về phương diện đời sống thực tế và cả tinh thần mà không hề phân chia chúng thành riêng rẽ. Nói như vậy để phân biệt rành mạch với cái sự học ngày nay ở VN - nó cũng như hầu hết các ngành khác trong xã hội - phảng phất giông giống mà không bao giờ chạm đến được cái thực chất, không biện biệt được cơ sở cho chính mình. Chúng ta cũng học các kỹ năng làm việc, suy nghĩ nhất định. Chúng ta cũng tập suy nghĩ và biện luận chút ít bằng văn thơ mà người ta đưa cho chúng ta. Chúng ta cũng có vài chục tiết về Giáo Dục Công Dân hay kiểu như Đạo Đức. Chúng ta cũng nghiên cứu thực tế dù chủ yếu là nói rất nhiều...Vậy cũng phải nói sự học ngày nay cũng có nhắm tới học nghĩa lý - 1 tý bằng con kiến :) Nhận định học nghĩa lý như vậy rồi thì tất cả cái học chi tiết khác đều phụ thuộc vào cái cứu cánh ấy - HỌC LÀM NGƯỜI CHO ĐẶNG. Gay gắt hơn thì có thể mượn ý cụ Cao Xuân Huy mà diễn đạt, đại khái: chừng nào con người chưa biết sống với nhau ổn thoả trên mặt đất thì lên mặt trăng mà làm chi?

Vị thầy đúng nghĩa lý thì vốn ông như thế nào?

Không chiếm riêng một “luân” nào trong “ngũ luân” của Khổng Mạnh (quân thần; phụ tử; phu phụ; huynh đệ; bằng hữu), quan hệ thầy trò chỉ thuộc về luân “bằng hữu”, nhưng từ xưa vẫn được xem trọng. Ba đấng “quân, sư, phụ” (vua, cha, thầy) được người ta thờ kính như nhau. Cái nghĩa của quan hệ này được gói trong sự “thi” và “báo”: thầy thi ân, ban ơn tác thành (về học vấn, về năng lực, phẩm cách…) cho trò, trò báo đáp cái ơn tác thành ấy của thầy; hai hành vi của hai phía là tương ứng, tuỳ thuộc lẫn nhau.

Ở ngọn nguồn của Nho học, thầy dạy trò không chỉ bằng sách vở, tư tưởng, mà còn bằng chính con người mình.

“Ông thầy nào có hoài bão cao, đạo đức lớn mà được người học trò hiểu cho mình, làm theo mình, thì sự quan hệ với nhau lại còn đặc biệt hơn những trò khác”(2).

“Sự tương tri, tương đắc của thầy trò nó cũng thân thiết như là vợ chồng bầu bạn. Nhiều khi cha con không hiểu nhau mà thầy trò lại hiểu nhau. Giữa cha con thường có một cái gì mà như bức tường để ngăn trở sự hiểu nhau; chớ còn thầy với trò mà đã vừa ý nhau rồi thì không còn bức tường ấy nữa, tương tri tương đắc thì thật là tương tri tương đắc. Thầy trò mà đến bậc ấy thì khi một người chết đi, trong lòng người kia mang một cái vết thương trọn đời, chớ không những tâm tang ba năm mà thôi”(2)

Những quan hệ như giữa thầy Khổng Tử với trò Nhan Uyên thời cổ đại, giữa trò Phí Mật (1625-1701) với thầy Tôn Kỳ Phùng (1585-1675) thời trung đại mà nét đặc trưng là sự tương tri tương đắc với nhau về học thuật và đạo lý, được Phan Khôi nêu ra như hai ví dụ về tình thầy trò trong “cái học nghĩa lý”, “cái học của thánh hiền”.

Vậy chớ cái ông Thầy là ông Thánh từ đâu mà ra? Chính là từ cái tinh thần nô lệ của cái học từ chương gõ cửa giàu sang kể trên. Nó bắt đầu với Hán Nho ở bên Tàu trước hết. Cũng phải, khi đế quốc đã thiết lập thì người ta chỉ cần những nô lệ tinh thần chứ không cần những bậc thầy (chư Tử) nữa. Thôi khỏi kể những chi li về cái tệ khoa cử và sự ngộ nhận to lớn trong xã hội VN về học thức chữ nghĩa. Có thể nói từ quan đến dân, đại đa phần đều xử sự như những bà nhà quê thất học trong ví dụ của Phan Khôi: đi đường hễ thấy tờ giấy có ghi mấy chữ Thánh Hiền là nhặt lấy mang về đem bỏ ban thờ. Tôi nói ngoa ư? Chính ông Lê Văn Lan đã kể trên báo nghe tận tai dân tình khấn khứa bên di chỉ Xã Đàn "Lạy thánh mớ bái phù hộ cho con trúng...chứng khoán" đấy sao? Chẳng phải bên hông Thầy Khổng ở Văn Miếu tuần nào chẳng có khói nhang nghi ngút "lạy thánh mớ bái" đấy thôi. Mà bây giờ vào Văn Miếu người ta cũng "lạy thánh mớ bái" và xoa mòn nhẵn đầu mấy con rùa đá đội bia mấy ông Nghè rồi. Cho dù có vẻ đa phần các ông Nghè cũng chả mấy khi phân biệt được cái học nghĩa lý với cái học "cục gạch" đâu.

Nói thì nói vậy chớ cũng phải nhìn nhận lại chút cho công bằng. Thời của cụ Phan Khôi tình thế nó gay gắt thế nên cụ cũng gay gắt thế chứ theo tôi nên nhìn nhận những mặt tích cực khác của Nho giáo VN như cụ Nguyễn Hiến Lê thì hơn. Các cụ cử học làm quan thật đấy nhưng cũng chả vì thế mà giàu, chỉ cốt lấy cái danh vọng thôi. Các cụ cũng mong làm quan thì lo cho dân nhưng thực tình khó mà đánh giá đươc hiệu quả của các cụ. Nhất là khi so với những điển hình như cụ Nguyễn Công Trứ chẳng hạn. Cái được nhất là cái phong hoá đạo đức được thấm nhuần. Người ta không hiểu những lẽ sâu xa nhưng chính tinh thần Nho giáo đã gầy dựng và duy trì những giềng mối quan hệ xã hội, những đạo đức luân thường từ trong mỗi gia đình đi ra làng ra xóm. Muốn biết vai trò to lớn của các nhà Nho VN hãy xem cái giá của sự đứt đoạn với quá khứ ở VN từ giữa thế kỷ trước.

Nhận định của Lại Nguyên Ân về giáo dục hiện đại có phần còn sơ sài không đầy đủ và ngọn ngành. Nó cũng giống như cái tiền đề thứ 2 trong bài báo đầu tiên kia: Thầy cô đóng vai trò hướng dẫn. Phải khẳng định dù trong bất cứ truyền thống giáo dục nào, Đông hay Tây, thì luôn luôn người thầy chỉ có thể là người hướng dẫn. Cuộc sống của anh, anh phải tự mình tiêu pha lấy. "Có 3 góc ta chỉ cho 1 mà không biết tìm nốt thì không dạy nữa" - có phải là vì Thầy Khổng hẹp hòi thế đâu? Mà cái học được chân chính là phải do tự mình trải nghiệm lấy. Thầy chỉ luôn luôn là người hướng dẫn mà thôi.

Cái học hiện tại ở VN là thứ Tây học lai căng. Lai căng vì vốn là nhập khẩu từ phương Tây nhưng không theo nổi tinh thần cốt yếu của phương Tây. Người ta nói nó giống thứ giáo dục ở phương Tây từ TK19 và lỗi tại người Pháp - giống được đã tốt vì can cớ gì mà ít ra thời kỳ đầu còn đào tạo được vài trí thức lớn dù ít ỏi?

Nhưng có thể không sơ sài được không khi mà câu chuyện triết lý giáo dục còn bỏ ngỏ chưa có hồi kết - nhất là trong thời đại khủng hoảng niềm tin như ngày nay? Rốt cuộc nếu mà lý luận thì người ta sẽ đi đến kết luận là có lẽ chỉ nên dạy trong trường những kỹ năng để kiếm sống. Tất nhiên có điểm xuyết những giá trị nhân bản chung nhất cho loài người!

Câu chuyện về triết lý giáo dục sẽ còn dài nữa và hấp dẫn hơn nhiều nếu dẫn ra đây mấy cuốn sách như "Schopenhauer nhà giáo dục" của F.Nietzsche, "Phương pháp 3 - tri thức về tri thức" và "Liên Kết Tri Thức" của E.Morin. Nhưng đây lại là đề tài quá rộng trong phạm vi bài viết nhỏ này.

Để kết thúc, thực ra đã là nguyên nhân để mở đầu, xin dẫn ra đây một bài viết nghiêm túc và chi tiết (tuy đầy cảm tính và cũng sai lầm - elle est une femme :)

Nghề được tôn trọng - Nghề bị coi thường!

Sự kiện nghề Thầy được tôn trọng ở VN vừa đúng vừa không đúng. Nó cũng nhập nhằng như chuyện nhập nhằng của "cái học nghĩa lý" với "cái học vị lợi". Nhập nhằng như Tây học với Ta học ở VN!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét