Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2007

Nhàn đàm




Trích trong "Sống đẹp" của Lâm Ngữ Đường - bản dịch Nguyễn Hiến Lê.
------------------------

Thú đàm đạo

“Một đêm đàm đạo với anh còn hơn mười năm đọc sách” (Dữ quân nhất tịch thoại, thắng độc thập niên thư), một học giả Trung Hoa nói với bạn như vậy. Lời đó đúng và ngày nay mấy tiếng “nhất tịch thoại” hoặc “nhất tịch đàm” thường được dùng để tỏ cái vui đàm đạo với bạn. Cái vui đó rất hiếm, vì như Lý Lạp Ông đã nói, bậc minh trí chân chính thường không biết nói chuyện, còn người khéo nói chuyện thường ít khi minh trí. Cho nên đi chơi chùa trên núi, bỗng gặp được một cao sỹ vừa hiểu đời, vừa có tài nói chuyện, thì vui thích không kém gì một nhà thiên văn tìm được một hành tinh mới, hoặc một nhà sinh vật học tìm được một loài cây mới.

Người ta phàn nàn rằng ngày nay đời sống gấp rút bận rộn làm mất cái nghệ thuật nhàn đàm ở chung quanh lò sưởi. Tôi cho rằng tại đời sống cũng có, mà cũng tại nhà ở ngày nay không xây lò sưởi đốt củi như ngày xưa nữa, sau cũng còn tại ảnh hưởng của xe hơi. Trong một xã hội biết hưởng nhàn, có tinh thần hài hước, thích những cái tế nhị thì người ta mới thích nhàn đàm. Nói và nhàn đàm là hai việc khác nhau xa, cũng như viết một bức thư thương mãi với viết một bức thư cho văn hữu. Ta có thể nói là bàn chuyện làm ăn với bất cứ ai, mà chỉ có thể đàm đạo với một số rất ít người thôi. Cho nên khi gặp được một người thực là biết đàm đạo thì nỗi vui của ta có phần còn hơn là được đọc một cuốn sách thú vị vì ta còn được nghe tiếng nói, trông thấy điệu bộ của người đó.

Ban đêm là lúc thích hợp nhất để đàm đạo. Nơi chốn theo tôi không quan trọng: ngồi trong một phòng khách bày biện theo thế kỷ mười tám hay ngồi bên đống rơm trong một trại ruộng cũng có thể hưởng cái thú đàm đạo được. Có thể là một đêm mưa gió , ngồi trong một chiếc tàu trôi trên sông, nhìn ngọn đèn các chiếc thuyền neo gần bờ chiếu xuống dòng nước, ta được nghe trạo phu kể chuyện một thiếu nữ thời xưa được tuyển làm hoàng hậu ra sao. Nhàn đàm sở dĩ thú vị là vì hoàn cảnh, nơi chốn, lúc nói chuyện và những người nói chuyện thay đổi hoài, không lần nào giống lần nào. Có khi là hai ba người, có khi là năm sáu người; có lần cụ Trần hơi quá chén, có lần cụ Nguyễn phải cảm, hơi nghẹt mũi, mà câu chuyện thêm phần hứng thú. Những lúc vui trong đời thường ngắn ngủi, trăng không tròn hoài, hoa không tươi hoài mà bạn tốt không tụ họp hoài; ta hưởng những cái vui giản dị như vậy, lẽ nào bị hóa công đố kị?

Thường thường, một cuộc nhàn đàm thú vị giống một thiên văn chương bình tục, về cả nội dung lẫn lời lẽ. Đủ các đề tài: ma quỉ, hồ li, ruồi muỗi, cử chỉ kỳ dị của người Anh, điểm khác nhau giữa các văn hóa phương Đông và phương Tây, quán sách bên bờ sông Seine, cuống tính của một gã tập sự trong một tiệm thợ may, dật sử về các nhà lãnh đạo trong nước, chính trị gia cùng quân nhân, canh giữ những trái phật thủ cho được lâu…, bất kì cái gì cũng có thể là đề mục cho một cuộc nhàn đàm được cả. Còn lời lẽ thì nhàn thích có vẻ như một thiên tiểu luận. Dù đề mục quan trọng nghiêm trang tới đâu như bàn về những sự biến chuyển nó làm cho tình hình quốc gia bi thảm, hỗn loạn hoặc vì những tư tưởng chính trị vô ý thức nó làm cho văn minh suy đồi, tước đoạt mất quyền tự do, sự tôn nghiêm và cả hạnh phúc của con người nữa, thì trong cuộc nhàn đàm người ta vẫn giữ cái giọng ung dung, nhàn thích, thân mật. Vì trong một thế giới văn minh, dù ta giận dữ, bực tức tới đâu đối với những kẻ cướp giật quyền tự do của ta, thì ta vẫn chỉ có thể phát biểu tình cảm bằng một nụ cười hoặc bằng một ngọn bút nhẹ nhàng thôi. Chỉ khi nào ta ngồi với vài bạn cực thân ta mới trút hết nỗi phẫn uất một cách kịch liệt được. Điều kiện cần thiết cho một cuộc đàm đạo là chung quanh chỉ có ít bạn thân mà không có kẻ nào mình ghét để có thể tự do, thảnh thơi phát biểu ý kiến.

Một bài tiểu luận giọng thân mật với một bản tuyên ngôn chính trị khác nhau ra sao thì một cuộc nhàn đàm với một cuộc trao đổi ý kiến cũng khác nhau như vậy. Mặc dầu trong những bản tuyên ngôn chính trị có nhiều tình cảm cao thượng như lòng yêu chính thể dân chủ, lòng muốn phụng sự, hy sinh cho Tổ quốc, lòng lo lắng cho đời sống kẻ nghèo, lòng yêu hòa bình, tinh thần thân ái với các quốc gia khác, lòng không tham quyền, tham danh, tham lợi, mặc dầu vậy, những bản tuyên ngôn đó vẫn tiết ra một mùi gì làm ta phải đứng xa ra, không muốn lại gần, cũng y như ta thấy một phu nữ ăn mặc sang trọng quá, tô son trát phấn quá. Trái lại, khi nghe một cuộc đàm đạo hoặc đọc một tiểu luận thú vị, ta có cảm tưởng thấy một thôn nữ ăn bận giản dị, giặt quần áo bên bờ suối, tóc tuy lòa xòa, áo tuy mất chút nút, nhưng trong vẫn có vẻ thân ái.

Cho nên giọng một cuộc nhàn đàm phải là cái giọng thân mật, tự nhiên; mà những người trong cuộc hoàn toàn quên hẳn mình đi, không nhớ tới mình nữa, không giữ ý chút nào cả mà cũng chẳng quan tâm tới hướng của câu chuyện. Bạn thân gặp nhau, cởi mở tấm lòng với nhau thì cuộc nhàn đàm mới thật là thú vị: người gác chân lên bàn, kẻ leo lên ngồi trên thành cửa sổ, kẻ lại kéo cái nệm trên đi – văng xuống đặt trên sàn mà ngồi. Có vậy thân thể ta mới được nghỉ ngơi, mà trong lòng mới bình tĩnh, khoan khoái. Lúc đó là lúc có thể ngâm hai câu thơ này:

“Nhãn tiền nhất tiếu giai tri kỷ,

Tọa thượng toàn vô ngại mục nhân”

(Trước mặt cười cười đều là bạn tri kỷ

Bên cạnh không có người nào chướng mắt mình)

Đó là điều kiện cần thiết cho những cuộc nhàn đàm chân chính. Vì chẳng ai quan tâm đến điều mình nói, cho nên câu chuyện tiến lui chẳng theo thứ tự, một chủ ý gì cả, và khi chia tay, ai nấy đều hoan hỷ.

Có một sự liên lạc mật thiết giữa sự đàm đạo và sự an nhàn; mà cũng có một sự liên lạc mật thiết giữa sự đàm đạo và sự phát triển của tản văn vì chỉ khi sự đàm đạo đã thành một nghệ thuật thì tản văn mới tấn bộ. Ta nhận thấy rõ điều đó trong tản văn Hy Lạp và Trung Hoa. Mấy thế kỷ sau Khổng tử, tư tưởng Trung Hoa phát triển mãnh liệt, theo tôi nguyên nhân chỉ là vì thời đó đã phát sinh được một giới học giả khá đông mà suốt đời chỉ có mỗi công việc là ăn rồi thì đàm đạo. Tôi xin chứng minh ức thuyết của tôi. Thời Liệt quốc đó có tới năm vị công tử hào phú rất hiếu khách, rộng rãi, lễ độ, tử tế. Vị nào cũng nuôi cả ngàn thực khách trong nhà, như Mạnh Thường Quân nước Tề có tới ba ngàn thực khách toàn là đi giày dát ngọc cả. Ta thử tưởng tượng cảnh ồn ào ra sao. Những cuộc đàm đạo của bon thực khách thời đó nay còn chép trong những bộ Liệt Tử, Hoài Nam Tử, Chiến Quốc Sách và Lữ Thị Xuân Thu. Và ta nên nhớ rằng thời đó người ta đã có một quan niệm về nghệ thuật sống rồi, đại ý là nếu không sống một cách nghệ thuật thì thà đừng sống còn hơn. Ngoài bọn học giả đó ra, còn một bọn tung hoành gia nổi danh, tức bọn hùng biện nhà nghề, được các vua chúa dùng vào việc du thuyết các nước láng giềng, gây bè đảng trong cuộc chiến tranh để thôn tính lẫn nhau. Bọn tung hoành gia đó rất thông minh, mẫn tiệp, khéo dùng tỷ dụ và có khẩu tài. Những biện thuyết của họ chép trong bộ Chiến Quốc Sách. Trong cái không khí tranh luận tự do và hào hứng đó, xuất hiện vài đại triết gia như Dương Chu, người chủ trương thuyết “vị ngã”, Hàn Phi Tử, một chính trị gia có tinh thần thực tế, tựa như Machiavel của phương Tây, nhưng ôn hòa hơn, và Yến Tử, một nhà ngoại giao nổi danh về tài biện luận mẫn tiệp.

Chỉ khi nào trong xã hội có hoàn cảnh an nhàn thì nghệ thuật đàm đạo mới phát triển, mà nghệ thuật đàm đạo có phát triển thì thể tiểu luận, tùy bút mới phát triển. Xét về đại thể thì cả hai nghệ thuật đó đều xuất hiện tương đối trễ trong lịch sử tấn bộ của văn minh vì chúng ta cần có điều kiện này: trí óc của ta phải đạt tới một trình độ mẫn tiệp thảnh thơi đã. Ngày nay nhiều người cho rằng hưởng cảnh an nhàn, đứng vào thành phần giai cấp ăn không ngồi rồi cũng đủ là đáng ghét, là phản cách mạng rồi, nhưng tôi tin chắc rằng chính thể nào, dù là Cộng Sản chân chính hay Xã Hội chân chính thì cũng mong rằn một ngày kia có thể làm cho mọi người trong xã hội được hưởng cảnh an nhàn. Vậy sự hưởng nhàn không thể là một cái tội, hơn nữa ngay sự tấn bộ của văn hóa cũng tùy thuộc cách khéo sử dụng những lúc nhàn, mà đàm đạo là một hình thức của cách sử dụng đó. Những nhà kinh doanh bận rộn suốt ngày, ăn cơm tối xong là đi ngủ liền và ngáy như bò rống, nhất định là không giúp cho văn hóa được chút nào cả.

Đôi khi ta không tự ý lựa được mà bắt buộc phải chịu cảnh nhàn và nhiều tác phẩm văn chương đã xuất hiện trong những trường hợp như vậy. Chúng ta còn nhớ rằng bộ Chu Dịch do vua Chu Văn Vương viết trong ngục Dữu Ly để luận về những lẽ biến dịch trong đời sống; và bộ lich sử kiệt tác của Trung Hoa, tức bộ Sử Kí, do Tư Mã Thiên viết trong khám. Đời xưa có nhiều tác giả vì lận đận trên hoạn đồ, không thoả được chí bình sinh mà hoá ra thương tâm, thất vọng vì việc nước, về ở ẩn và viết được những tác phẩm bất hủ. Chính vì vậy mà đời Nguyên, dưới chế độ của Mông Cổ, sản xuất được nhiều hoạ gia và hí khúc gia; và đầu đời Thanh cũng sản xuất được nhiều hoạ gia như Thạch Đào và Bát Đại Sơn Nhân. Lòng ái quốc của người dân một nước bị ngoại bang đô hộ có thể biến thành lòng hy sinh cho nghệ thuật và học vấn. Thạch Đào là một trong những hoạ gia vĩ đại nhất của Trung Hoa, bị Thanh triều dìm xuống vì tinh thần bất khuất của ông; do lẽ đó mà danh tiếng của ông không vang lừng và người phương Tây không biết tới. Ngoài ra còn những người học rộng tài cao mà thi hoài không đậu, phát phẫn, tận lực sáng tác, như Thi Nại Am, tác giả bộ Thuỷ Hử và Bồ Tùng Linh, tác giả bộ Liêu Trai.

Trong bài tựa bộ Thuỷ Hử có một đoạn rất hay, tả cái thú đàm đạo với bạn thân:

"Bạn của tôi mà tới đủ mặt thì được tới mười sáu người, nhưng ít khi họ tới đủ, mà cũng ít khi không có một người nào tới, trừ những ngày mưa gió. Thường thường ngày nào cũng năm sáu người. Khi tới, họ cứ tuỳ ý, muốn uống rượu lúc nào thì uống, muốn ngưng lúc nào thì ngưng, vì họ cho rằng vui ở trong sự đàm đạo chứ không phải ở rượu. Chúng tôi không bàn về triều đình, không những vì lẽ chúng tôi không quan tâm tới triều đình mà còn vì lẽ đường thì xa, tin tức phần lớn là truyền khẩu cả, mà lời truyền khẩu thì không xác thực, bàn về những điều không xác thực chỉ là phí nước miếng. Chúng tôi cũng không bàn đến những lỗi lầm của thiên hạ, thiên hạ vốn không có lỗi lầm và chúng tôi không muốn vu oan cho người ta. Chúng tôi cũng không muốn làm kinh động tới ai cả, mà muốn cho người ta hiểu điều chúng tôi nói, nhưng người ta không hiểu, vì những điều đó đều thuộc về tính tình con người, mà người đời lại bận rộn quá nên không chịu nghe".

Thi Nại Am viết bằng lối văn và những tình cảm như vậy, ông lưu lại được bộ Thuỷ Hử vì ông có nhiều lúc nhàn.

Tản văn Hy Lạp cũng phát triển trong một bối cảnh xã hội tương tự. Đọc nhan đề tập "Đàm thoại" (Dialogues) của Platon, ta cũng thấy ngay rằng tản văn Hy Lạp sở dĩ giản khiết, sáng sủa là do ảnh hưởng của nghệ thuật nhàn đàm. Trong "Bữa tiệc" (Banquet), một nhóm văn nhân ngồi trên đất đàm đạo vui vẻ với nhau, chung quanh là rượu, trái cây và những thiếu niên ưu tú, vì họ luyện nghệ thuật nói cho nên tư tưởng của họ mới sáng sủa, văn của họ mới giản khiết, cho ta cảm giác mát mẻ dịu dàng, trái hẳn với lối văn khoa trương, thông thái rởm của các văn sĩ hàn lâmm ngày nay. Người Hy Lạp thời đó đã tập được cái thái độ bàn về triết học một cách nhẹ nhàng.

Trong một cuộc đàm đạo thanh nhã, nên có ít nhiều phụ nữ để gây cái không khí phù phiếm vui vẻ không thì cuộc đàm đạo sẽ nặng nề, mà ngay đến triết học cũng sẽ hoá ra vô vị, không hợp với nhân sinh. Nước nào cũng vậy, thời nào cũng vậy, hễ văn hoá quan tâm tới nghệ thuật sống thì phụ nữ được hoan nghênh trong các cuộc hội họp, tức như trường hợp thành Athènes thời Péciclès và trường hợp nước Pháp ở thế kỷ 18. Ngay ở Trung Hoa, sự giao tế giữa trai gái bị cấm chỉ mà các văn nhân cũng muốn cho đàn bà dự vào các cuộc nhàn đàm của họ. Dưới ba triều Tấn, Tống, Minh tức những triều đại mà nghệ thuật thanh đàm rất thịnh hành, có nhiều phụ nữ đa tài như Tạ Đạo Uẩn, Triêu Vân, Liễu Như Thị nổi bật lên trong xã hội. Người Trung Hoa muốn rằng vợ phải có đức, không tiếp đàn ông, nhưng chính họ thích làm bạn với những phụ nữ đa tài, cho nên trong văn học sử Trung Quốc, ta thấy nhiều dấu vết của các tài nữ và danh kĩ. Tôi cho rằng ở khắp nơi, trong cuộc nhàn đàm nào người ta cũng muốn có phụ nữ cho thêm hứng thú. Tôi đã gặp được những bà Đức có thể luôn từ năm giờ chiều tới mười một giờ khuya, và nhiều phụ nữ Anh, Mỹ đã làm cho tôi kinh hồn vì nữhng hiểu biết của họ về kinh tế, môn mà tôi không bao giờ đủ can đảm để học. Dù không có những bà có thể bàn cãi với tôi về Karl Marx hoặc Engels, thì cuộc đàm thoại cũng rất thú vị, phấn khởi nếu một vài bà chịu khó ngồi nghe và tỏ vẻ trầm tư dịu dàng. Như vậy vui hơn là nói chuyện với những chàng ngốc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét