Thứ Hai, 25 tháng 6, 2007

Pearls before Breakfast




Cuộc sống nhiều lúc khó phết. Có những việc mình không biết là có sao hay không sao, thế này hay thế kia, mà mình cứ phải đi tiếp. Hôm qua tìm thấy bài báo rất hay này:Pearls before Breakfast. Cái ấn tượng lớn nhất của bài báo không phải là ở lập luận mà ở văn phong (bạn Gaup dịch rất hay). Tất nhiên có sự lập lờ trong việc chọn mẫu làm tăng kịch tính dẫn đến việc giảm tính khái quát của vấn đề. Nhưng nó đã đủ để gợi ra một nan đề cho mỗi người chúng ta: trên dòng đời tấp nập này, có khi nào ta đã bỏ qua điều gì tuyệt diệu hay không? Mình không thích nghe ipod, mình ít nghe nhạc chủ động. Mình sợ lãng quên điều gì đâu đó. Vào thư viện Quốc gia tìm sách, mình thường tha thẩn từ góc xa nhất với chủ đề mà mình quan tâm. Mình thích những sự ngẫu nhiên và ngẫu nhiên cũng đôi lần tìm đến với mình. Ví dụ như có lần mình tìm thấy cuốn "Một vài nhận xét về Truyện Kiều, Phan Trần và Bà Huyện Thanh Quan..." của Bùi Giáng trong thư viện chẳng hạn. Muốn hiểu ông thêm một chút mà chưa đọc cuốn này thì thật phí. Con người của tuổi trẻ ngay thẳng và nhân hậu. Một văn phong dè dặt ngại va chạm. Mấy hôm nay đang đọc cuốn "Schopenhauer nhà giáo dục" mình cũng lại thấy một F. Nietzsche khác như vậy. Một niềm tin hồ hởi vào con người, những khám phá về một chân trời bát ngát cùng những dự cảm về một sa mạc tịch liêu của ngộ nhận tơi tả. Còn nhiều điều như vậy nữa mà mình đã gặp. Mặc dù mình không phải là týp người tìm kiếm những may rủi nghi ngẫu lạ lùng, mình vốn mong được làm hoà với một cuộc sống đơn sơ thôi mà chưa được, nhưng những sự việc như vậy khiến mình thích thú, thấy cuộc sống rộng lớn vô chừng. Nó là liều thuốc tốt nhất chống lại những lúc xao lòng rời rã. (Không hiểu sao 1 lúc thấy liền 2 bạn mình nhắc đến việc thôi làm người - mình nghĩ dù đó là một phép tu từ thì cũng chỉ nên dùng món này một cách tiết kiệm thôi. Giới ngôn khó cực!). Các bạn tin không, ngày đầu gặp em, nàng đòi tớ bắt một con cua biển-trên bãi biển, lấy đâu ra-tớ cũng chả có ý gì, lơ đãng đến một vũng nước, thò tay xuống cầu may-thế mà may thật, một con cua màu vàng xanh :)) Mình không cần duyên số để cưa nàng, nhưng mình thích cách mọi việc đã diễn ra. Thực ra mình cho rằng, sở dĩ nhiều việc ngẫu nhiên như vậy đôi khi chỉ bởi vì mình đã luôn luôn sẵn sàng và lắng nghe những tiếng gõ nhỏ nhất của ngẫu nhiên. Như ngày xưa có lần tình cờ cậu bạn đưa cho mình xem một tờ HHT, mình tình cờ đọc bài thơ này của bạn Hằng Nga

"Ngồi một mình đây tưởng tượng tháng năm sau

Gió vẫn thổi như thuở nào mười sáu

Lối em qua như lạ như quen

Hoa tím nở trước cổng nhà thiếu nữ

Mưa nắng gợi tháng ngày xưa cũ

Khe khẽ thời gian in dấu ấn bên thềm..."



Còn dài nữa và mình bây giờ vẫn nhớ. Kỳ lạ thật trí nhớ. Chuyện sẽ thường thôi nếu như không phải sau đó 7-8 năm, một lần lang thang sạp sách báo cũ dọc đường Giải Phóng, mình tình cờ nhặt 1 cuốn HHT cũ nát, giở một trang ngẫu nhiên và đọc thấy cái tin là bạn HN sẽ mãi mãi 16 tuổi. Cũng chả có gì to tát, mình chỉ tin đấy là bởi mình hay ngó nghiêng, làm những việc vô tội vạ...
---------

Hai năm trước mình tình cờ đọc được mẩu tin
này, có ghi lại. Lâu nay vẫn suy nghĩ về nó. Hôm nay quyết định tìm lại. Thật ngạc nhiên vì sự lạc lõng của mẩu tin - chỉ có 3 kết quả tìm kiếm và 1 link đã died! Ai đó nói ở VN bây giờ không có hổ nhưng nhiều sói. Mình do công việc nên đã gặp nhiều sói như vậy rồi nên mình biết ít nhiều những gì đang và sẽ diễn ra ở xung quanh. Tất nhiên chỉ những kẻ ngu ngốc nhất mới thô thiển như thế này thôi. Có rất nhiều bài khác nữa, không phải ai cũng biết. Vấn đề là mình quan tâm đến những chi tiết hơn nữa của bài báo về ô nhiễm sân golf kia.

Các nhà khoa học của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã cho biết trên mỗi hecta sân golf phải sử dụng trung bình một số lượng hóa chất gấp ba lần số hóa chất cho một khu đất canh tác nông nghiệp bình thường (Selcraig, 1993), thậm chí có nơi như kết quả khảo sát 107 sân golf của Long Island, lượng hóa chất sử dụng đã lên đến gấp năm lần so với đất nông nghiệp (Environmental Protection Bureau, 1995). Các độc chất này là nguy cơ cao gây ung thư.

Ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á, người ta ước tính mỗi sân golf phải tiêu thụ khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm (Gen Morita, 1993). Số hóa chất này bị nước tưới, mưa… hòa tan cuốn xuống các ao hồ, sông suối và nước ngầm, tiếp tục là nguồn ô nhiễm nước nghiêm trọng cho khu vực. Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, một số nơi ở sân golf việc trừ sâu bằng máy phun đã phát tán 90% độc chất vào không khí.

Các thuốc trừ sâu ở sân golf đã giết chết nhiều loại sinh vật đất hữu ích và một lượng lớn côn trùng. Côn trùng bị tiêu diệt khiến số lượng các loại chim trong khu vực giảm sút nhanh. Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều hóa chất ở sân golf làm các vùng đất canh tác nông nghiệp chung quanh không thể áp dụng chương trình quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM) được.

Còn nhớ lần làm việc với Sở KHĐT của tỉnh nọ, bác GĐ hồ hởi khoe rằng hiện nay trên địa bàn tỉnh có tới 9 dự án sân golf! Khỏi phải nói là mỗi dự án này luôn luôn đi kèm với một cơ cấu đất cho nhà ở và khách sạn văn phòng - như là lời giải cho bài toán hoàn vốn của nhà đầu tư vô vị lợi kia. Còn chán hơn nữa là mình cũng đã từng làm cho Tổng Cục Du Lịch một thời gian ngắn, nhưng đủ để biết ngành Du Lịch vẫn coi golf là giải pháp ngon ăn nhất cho giải pháp du lịch sinh thái! Khi nào bí ý không biết vẽ gì là khả năng rất cao các bạn ấy khoanh cái sân golf lại cho tiện :(

Hôm trước đọc báo lại thấy chuyện tranh chấp nhập nhằng của dự án Nhiệt
điện Ninh Bình. Một cách cảm tính mình cũng đứng về phe tỉnh. Tất nhiên không ai ngây thơ đến mức không biết việc là các DA phải có phần ĐTM-tức là đánh giá tác động môi trường. Nhưng, trộm vía, mình có biết sơ sơ về quy trình và cách người ta đang làm ĐTM ở nước ta. Thật chỉ muốn hát bài gì có câu "Đất nước mình...như thế...rồi con hỡi, rồi con hời...".



Loại cỏ trồng ở các sân golf cần tưới nước liên tục để giữ màu xanh. Loại cỏ ưa nước này lại không chịu được sự ngập úng nên cần tiêu thoát nhanh, chính vì nhu cầu tưới nhiều, thoát nhanh khiến các sân golf tiêu thụ một lượng nước khổng lồ hằng ngày.

Theo báo cáo của Pratap Chatterjee, một sân golf 18 lỗ ở Malaysia tiêu thụ 5.000m3 nước mỗi ngày, lượng này đủ cho ít nhất 20.000 hộ gia đình sử dụng. Nhiều sân golf trong thời gian đầu lấy nước từ sông hồ tại chỗ hoặc khoan lấy nước ngầm, một thời gian sau nguồn nước trở nên ô nhiễm đe dọa cỏ trồng ở sân golf, người ta lại tiếp tục xây dựng hệ thống dẫn nước mới từ nơi khác đến. Chính phủ Malaysia đã phải tiêu tốn 7,5 triệu USD cho việc kéo đường ống nước từ Terengganu đến sân golf ở Redang Island (Chee Yoke Ling, 1993).

Việc phá rừng để hình thành sân golf dẫn đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm khu vực bị ảnh hưởng lớn. Nguồn nước bị sút giảm cả số lượng lẫn chất lượng do sự ô nhiễm lũy tích. Nước mưa và nước tưới ở sân golf Isleworth (bang Florida, Mỹ) đã cuốn nitrate từ phân hóa học xuống hồ Bessie xưa kia rất trong xanh và nước uống được, nay đã nhiễm tảo, nặng mùi hôi thối và gây tình trạng thiếu oxy cho các loài thủy sinh (Selcraig, 1993).

Thậm chí một số nơi như ở vùng Augusta National, người ta tiếp tục dùng hóa chất để tạo một màu trong xanh giả tạo cho các hồ nước ở sân golf (Sterba, 2001). Khi phun phức chất đồng hữu cơ để chống cỏ ở sân golf Sapporo Kokusai (Hiroshima, Nhật) bị thối rữa, người ta đã giết chết 90.000 con cá ở một dự án thủy sản (Pratap Chatterjee, 1993). Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ cũng đã nhiều lần cảnh báo sự ô nhiễm nước ngầm từ các sân golf của nước này (Integrated Risk Information System, 1991).




Rất tiếc là bác Lê Anh Tuấn kia không đi sâu phân tích được quy trình của 1 sân golf cụ thể ở VN nên rất có thể dẫn tới tình trạng "về lý thuyết thì thế, nhưng thực tế không hẳn vậy..chúng tôi có chứng cớ...". Mình cũng không muốn đụng chạm đến bát cơm của ai trong lúc tranh tối tranh sáng này. Nhưng thử nghĩ mà xem: nếu nguy cơ là có thật, nếu sẽ có những DA mới ngay kề thượng lưu những con sông lớn của các vùng đồng bằng canh tác thì sẽ như thế nào? Chưa nói hầu hết các đô thị đều phải sử dụng nguồn nước mặt trong cấp nước đô thị. Vấn đề là phải có những con số trung thực khách quan. Mình có thể đã lo xa quá, có thể đã sai. Nếu mình không tiến tới được những con số, thì mình cũng chỉ là tán chuyện tầm phào như gió thoảng qua mà thôi! Cho dù lần ngồi ở sân golf Đồi Cù mình cũng được nghe kể là cá trong đấy rất nhiều quái thai. Cũng chỉ là chuyện nghe hơi mà thôi.


Hoạt động của các sân golf còn gây thêm sự bất bình đẳng xã hội: hàng trăm hecta đất rừng và hàng triệu tấn nước sạch bị “hi sinh” chỉ để cho một nhóm rất ít người hưởng thụ. Việc hứa hẹn “không gây ô nhiễm”, “tạo sinh thái - môi trường trong sạch” đã không thuyết phục nhiều người có hiểu biết. Lợi nhuận của các sân golf này không đóng góp bao nhiêu cho ngân sách quốc gia nhưng tổn hại của nó gây ra cao hơn rất nhiều, đôi khi không tính hết được.

Phong trào phản đối việc xây dựng các sân golf xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Năm 1993, ba tổ chức là Mạng lưới toàn cầu hành động chống các sân golf của Nhật Bản (Global Network for Anti-Golf Course Action - GNAGA), Mạng lưới du lịch châu Á của Thái Lan (Asian Tourism Network - ANTENNA) và Mạng lưới con người và môi trường châu Á - Thái Bình Dương của Malaysia (Asia-Pacific People and Environmental Network - APPEN) đã đồng tài trợ một hội nghị ở Malaysia với 20 đoàn đại biểu các nước châu Á. Hội nghị đã ra tuyên bố kêu gọi thành lập Phong trào chống sân golf toàn cầu (The Global Antigolf Movement).

Ngay cả Ủy ban Tổ chức Thế vận hội quốc tế (IOC) đã bác bỏ việc đưa môn golf vào chương trình thi đấu thể thao của Olympic Atlanta 1996 dù Mỹ là đất nước của môn chơi golf. Từ năm 2000 đến nay phong trào chống việc xây dựng sân golf đã lan rộng ra nhiều quốc gia ở châu Âu và Mỹ. Ngày 29-4 hằng năm đã được chọn làm Ngày thế giới không có golf (World No-golf day).

LÊ ANH TUẤN
(Trung tâm Kỹ thuật môi trường và thủy lợi
khoa công nghệ trường ĐH Cần Thơ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét