Thứ Tư, 27 tháng 6, 2007

Ngày xửa ngày xưa...




Con cháu chúng ta giỏi thật!

Từ kinh nghiệm cá nhân hồi đi học của mình thì mình không tin đây là một bài văn để chấm điểm thật :)) Rất tiếc vì không rõ nguồn của blog đầu tiên để xem xuất xứ thế nào, chứ khó có khả năng trong lớp lại dám viết bài kiểm tra kiểu này lắm. (Thi TN thì lại rất có thể). Vì mình thấy kiểu hành văn và cách suy nghĩ này rất độc lập và hóm theo kiểu giả vờ ngây ngô và có tinh thần phản kháng khá mạnh. Điểm và lời phê của cô giáo cũng rất lạ. Điểm 6 là điểm khuyến khích đấy! Nếu đây là bài kiểm tra thật thì mình rất khen ngợi cô giáo này. Gạch bỏ những chỗ không phù hợp, vẫn ghi nhận logic tư duy của HS, nhận xét nhẹ nhàng, yêu yêu kiểu "Nỡm, viết linh tinh...". Phải có tinh thần rất khoáng đạt mới làm được thế chứ :)) Ngang với vị giáo sư đã cho điểm B nhưng vẫn khuyến khích cô học sinh mình đi thi và đạt giải trong cuộc thi phương án thiết kế công trình kỷ niệm chiến tranh VN ở Washington ấy chứ!
-------



Bài này làm mình nhớ chuyện ngày xưa: mình là lớp trưởng nên cầm được bài kiểm tra văn hình như năm lớp 11 của 1 cậu bạn. Cô giáo đã phê bình trên lớp rồi nhưng cầm chính bài viết của nó đọc mới gọi là buồn cười. Phân tích hay bình luận gì đó bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng, bạn ấy viết nguyên văn 1 đoạn thế này - một cách hoàn toàn nghiêm túc - "Tây Tiến đoàn bih không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm - Người lính Tây Tiến có 1 vẻ đẹp rất là oai hùng: đầu thì trọc lốc, da thì xanh màu xanh cây cối...Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm - Anh rất căm thù bọn giặc cướp tới đốt phá làng xóm. Anh chỉ mong đánh chết hết bọn chúng để về với vợ con, quê hương làng xóm...".



Sau đấy vì bạn ấy tha thiết yêu cầu tớ huỷ bài kiểm tra ấy đi mà bây giờ không còn lại một chứng tích lịch sử quan trọng. Bạn ấy là người thật thà, đơn giản, sống tốt với bạn bè. Bây giờ là giáo viên dạy Toán ở quê.




Còn ra phải kể vụ hồi lớp 5, thằng bạn ngồi cạnh tớ bị cô giáo véo tai (cô rất trẻ và xinh) vì tội đã theo gợi ý của cô mà làm bài văn tả cô giáo em thành ra thế này "Cô giáo em rất trẻ. Nhìn cô rất xinh: hai mắt cô to tròn như 2 hòn bi ve. Cô có nước da đẹp như đánh véc ni và mũi cô dài như cái dọc dừa.." Hu hu, nhà nó làm thợ mộc. Hôm trước cô bảo là tả người đẹp thì tả mắt như mắt bồ câu, sáng long lanh, mũi dọc dừa, da trắng...


Đừng nói gì nó, tớ đây này, lớp 4 tả con gà con "to bằng nắm đấm, chân như 2 que tăm..." May mà phụ huyng kiểm duyệt trước

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2007

Pearls before Breakfast




Cuộc sống nhiều lúc khó phết. Có những việc mình không biết là có sao hay không sao, thế này hay thế kia, mà mình cứ phải đi tiếp. Hôm qua tìm thấy bài báo rất hay này:Pearls before Breakfast. Cái ấn tượng lớn nhất của bài báo không phải là ở lập luận mà ở văn phong (bạn Gaup dịch rất hay). Tất nhiên có sự lập lờ trong việc chọn mẫu làm tăng kịch tính dẫn đến việc giảm tính khái quát của vấn đề. Nhưng nó đã đủ để gợi ra một nan đề cho mỗi người chúng ta: trên dòng đời tấp nập này, có khi nào ta đã bỏ qua điều gì tuyệt diệu hay không? Mình không thích nghe ipod, mình ít nghe nhạc chủ động. Mình sợ lãng quên điều gì đâu đó. Vào thư viện Quốc gia tìm sách, mình thường tha thẩn từ góc xa nhất với chủ đề mà mình quan tâm. Mình thích những sự ngẫu nhiên và ngẫu nhiên cũng đôi lần tìm đến với mình. Ví dụ như có lần mình tìm thấy cuốn "Một vài nhận xét về Truyện Kiều, Phan Trần và Bà Huyện Thanh Quan..." của Bùi Giáng trong thư viện chẳng hạn. Muốn hiểu ông thêm một chút mà chưa đọc cuốn này thì thật phí. Con người của tuổi trẻ ngay thẳng và nhân hậu. Một văn phong dè dặt ngại va chạm. Mấy hôm nay đang đọc cuốn "Schopenhauer nhà giáo dục" mình cũng lại thấy một F. Nietzsche khác như vậy. Một niềm tin hồ hởi vào con người, những khám phá về một chân trời bát ngát cùng những dự cảm về một sa mạc tịch liêu của ngộ nhận tơi tả. Còn nhiều điều như vậy nữa mà mình đã gặp. Mặc dù mình không phải là týp người tìm kiếm những may rủi nghi ngẫu lạ lùng, mình vốn mong được làm hoà với một cuộc sống đơn sơ thôi mà chưa được, nhưng những sự việc như vậy khiến mình thích thú, thấy cuộc sống rộng lớn vô chừng. Nó là liều thuốc tốt nhất chống lại những lúc xao lòng rời rã. (Không hiểu sao 1 lúc thấy liền 2 bạn mình nhắc đến việc thôi làm người - mình nghĩ dù đó là một phép tu từ thì cũng chỉ nên dùng món này một cách tiết kiệm thôi. Giới ngôn khó cực!). Các bạn tin không, ngày đầu gặp em, nàng đòi tớ bắt một con cua biển-trên bãi biển, lấy đâu ra-tớ cũng chả có ý gì, lơ đãng đến một vũng nước, thò tay xuống cầu may-thế mà may thật, một con cua màu vàng xanh :)) Mình không cần duyên số để cưa nàng, nhưng mình thích cách mọi việc đã diễn ra. Thực ra mình cho rằng, sở dĩ nhiều việc ngẫu nhiên như vậy đôi khi chỉ bởi vì mình đã luôn luôn sẵn sàng và lắng nghe những tiếng gõ nhỏ nhất của ngẫu nhiên. Như ngày xưa có lần tình cờ cậu bạn đưa cho mình xem một tờ HHT, mình tình cờ đọc bài thơ này của bạn Hằng Nga

"Ngồi một mình đây tưởng tượng tháng năm sau

Gió vẫn thổi như thuở nào mười sáu

Lối em qua như lạ như quen

Hoa tím nở trước cổng nhà thiếu nữ

Mưa nắng gợi tháng ngày xưa cũ

Khe khẽ thời gian in dấu ấn bên thềm..."



Còn dài nữa và mình bây giờ vẫn nhớ. Kỳ lạ thật trí nhớ. Chuyện sẽ thường thôi nếu như không phải sau đó 7-8 năm, một lần lang thang sạp sách báo cũ dọc đường Giải Phóng, mình tình cờ nhặt 1 cuốn HHT cũ nát, giở một trang ngẫu nhiên và đọc thấy cái tin là bạn HN sẽ mãi mãi 16 tuổi. Cũng chả có gì to tát, mình chỉ tin đấy là bởi mình hay ngó nghiêng, làm những việc vô tội vạ...
---------

Hai năm trước mình tình cờ đọc được mẩu tin
này, có ghi lại. Lâu nay vẫn suy nghĩ về nó. Hôm nay quyết định tìm lại. Thật ngạc nhiên vì sự lạc lõng của mẩu tin - chỉ có 3 kết quả tìm kiếm và 1 link đã died! Ai đó nói ở VN bây giờ không có hổ nhưng nhiều sói. Mình do công việc nên đã gặp nhiều sói như vậy rồi nên mình biết ít nhiều những gì đang và sẽ diễn ra ở xung quanh. Tất nhiên chỉ những kẻ ngu ngốc nhất mới thô thiển như thế này thôi. Có rất nhiều bài khác nữa, không phải ai cũng biết. Vấn đề là mình quan tâm đến những chi tiết hơn nữa của bài báo về ô nhiễm sân golf kia.

Các nhà khoa học của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã cho biết trên mỗi hecta sân golf phải sử dụng trung bình một số lượng hóa chất gấp ba lần số hóa chất cho một khu đất canh tác nông nghiệp bình thường (Selcraig, 1993), thậm chí có nơi như kết quả khảo sát 107 sân golf của Long Island, lượng hóa chất sử dụng đã lên đến gấp năm lần so với đất nông nghiệp (Environmental Protection Bureau, 1995). Các độc chất này là nguy cơ cao gây ung thư.

Ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á, người ta ước tính mỗi sân golf phải tiêu thụ khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm (Gen Morita, 1993). Số hóa chất này bị nước tưới, mưa… hòa tan cuốn xuống các ao hồ, sông suối và nước ngầm, tiếp tục là nguồn ô nhiễm nước nghiêm trọng cho khu vực. Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, một số nơi ở sân golf việc trừ sâu bằng máy phun đã phát tán 90% độc chất vào không khí.

Các thuốc trừ sâu ở sân golf đã giết chết nhiều loại sinh vật đất hữu ích và một lượng lớn côn trùng. Côn trùng bị tiêu diệt khiến số lượng các loại chim trong khu vực giảm sút nhanh. Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều hóa chất ở sân golf làm các vùng đất canh tác nông nghiệp chung quanh không thể áp dụng chương trình quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM) được.

Còn nhớ lần làm việc với Sở KHĐT của tỉnh nọ, bác GĐ hồ hởi khoe rằng hiện nay trên địa bàn tỉnh có tới 9 dự án sân golf! Khỏi phải nói là mỗi dự án này luôn luôn đi kèm với một cơ cấu đất cho nhà ở và khách sạn văn phòng - như là lời giải cho bài toán hoàn vốn của nhà đầu tư vô vị lợi kia. Còn chán hơn nữa là mình cũng đã từng làm cho Tổng Cục Du Lịch một thời gian ngắn, nhưng đủ để biết ngành Du Lịch vẫn coi golf là giải pháp ngon ăn nhất cho giải pháp du lịch sinh thái! Khi nào bí ý không biết vẽ gì là khả năng rất cao các bạn ấy khoanh cái sân golf lại cho tiện :(

Hôm trước đọc báo lại thấy chuyện tranh chấp nhập nhằng của dự án Nhiệt
điện Ninh Bình. Một cách cảm tính mình cũng đứng về phe tỉnh. Tất nhiên không ai ngây thơ đến mức không biết việc là các DA phải có phần ĐTM-tức là đánh giá tác động môi trường. Nhưng, trộm vía, mình có biết sơ sơ về quy trình và cách người ta đang làm ĐTM ở nước ta. Thật chỉ muốn hát bài gì có câu "Đất nước mình...như thế...rồi con hỡi, rồi con hời...".



Loại cỏ trồng ở các sân golf cần tưới nước liên tục để giữ màu xanh. Loại cỏ ưa nước này lại không chịu được sự ngập úng nên cần tiêu thoát nhanh, chính vì nhu cầu tưới nhiều, thoát nhanh khiến các sân golf tiêu thụ một lượng nước khổng lồ hằng ngày.

Theo báo cáo của Pratap Chatterjee, một sân golf 18 lỗ ở Malaysia tiêu thụ 5.000m3 nước mỗi ngày, lượng này đủ cho ít nhất 20.000 hộ gia đình sử dụng. Nhiều sân golf trong thời gian đầu lấy nước từ sông hồ tại chỗ hoặc khoan lấy nước ngầm, một thời gian sau nguồn nước trở nên ô nhiễm đe dọa cỏ trồng ở sân golf, người ta lại tiếp tục xây dựng hệ thống dẫn nước mới từ nơi khác đến. Chính phủ Malaysia đã phải tiêu tốn 7,5 triệu USD cho việc kéo đường ống nước từ Terengganu đến sân golf ở Redang Island (Chee Yoke Ling, 1993).

Việc phá rừng để hình thành sân golf dẫn đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm khu vực bị ảnh hưởng lớn. Nguồn nước bị sút giảm cả số lượng lẫn chất lượng do sự ô nhiễm lũy tích. Nước mưa và nước tưới ở sân golf Isleworth (bang Florida, Mỹ) đã cuốn nitrate từ phân hóa học xuống hồ Bessie xưa kia rất trong xanh và nước uống được, nay đã nhiễm tảo, nặng mùi hôi thối và gây tình trạng thiếu oxy cho các loài thủy sinh (Selcraig, 1993).

Thậm chí một số nơi như ở vùng Augusta National, người ta tiếp tục dùng hóa chất để tạo một màu trong xanh giả tạo cho các hồ nước ở sân golf (Sterba, 2001). Khi phun phức chất đồng hữu cơ để chống cỏ ở sân golf Sapporo Kokusai (Hiroshima, Nhật) bị thối rữa, người ta đã giết chết 90.000 con cá ở một dự án thủy sản (Pratap Chatterjee, 1993). Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ cũng đã nhiều lần cảnh báo sự ô nhiễm nước ngầm từ các sân golf của nước này (Integrated Risk Information System, 1991).




Rất tiếc là bác Lê Anh Tuấn kia không đi sâu phân tích được quy trình của 1 sân golf cụ thể ở VN nên rất có thể dẫn tới tình trạng "về lý thuyết thì thế, nhưng thực tế không hẳn vậy..chúng tôi có chứng cớ...". Mình cũng không muốn đụng chạm đến bát cơm của ai trong lúc tranh tối tranh sáng này. Nhưng thử nghĩ mà xem: nếu nguy cơ là có thật, nếu sẽ có những DA mới ngay kề thượng lưu những con sông lớn của các vùng đồng bằng canh tác thì sẽ như thế nào? Chưa nói hầu hết các đô thị đều phải sử dụng nguồn nước mặt trong cấp nước đô thị. Vấn đề là phải có những con số trung thực khách quan. Mình có thể đã lo xa quá, có thể đã sai. Nếu mình không tiến tới được những con số, thì mình cũng chỉ là tán chuyện tầm phào như gió thoảng qua mà thôi! Cho dù lần ngồi ở sân golf Đồi Cù mình cũng được nghe kể là cá trong đấy rất nhiều quái thai. Cũng chỉ là chuyện nghe hơi mà thôi.


Hoạt động của các sân golf còn gây thêm sự bất bình đẳng xã hội: hàng trăm hecta đất rừng và hàng triệu tấn nước sạch bị “hi sinh” chỉ để cho một nhóm rất ít người hưởng thụ. Việc hứa hẹn “không gây ô nhiễm”, “tạo sinh thái - môi trường trong sạch” đã không thuyết phục nhiều người có hiểu biết. Lợi nhuận của các sân golf này không đóng góp bao nhiêu cho ngân sách quốc gia nhưng tổn hại của nó gây ra cao hơn rất nhiều, đôi khi không tính hết được.

Phong trào phản đối việc xây dựng các sân golf xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Năm 1993, ba tổ chức là Mạng lưới toàn cầu hành động chống các sân golf của Nhật Bản (Global Network for Anti-Golf Course Action - GNAGA), Mạng lưới du lịch châu Á của Thái Lan (Asian Tourism Network - ANTENNA) và Mạng lưới con người và môi trường châu Á - Thái Bình Dương của Malaysia (Asia-Pacific People and Environmental Network - APPEN) đã đồng tài trợ một hội nghị ở Malaysia với 20 đoàn đại biểu các nước châu Á. Hội nghị đã ra tuyên bố kêu gọi thành lập Phong trào chống sân golf toàn cầu (The Global Antigolf Movement).

Ngay cả Ủy ban Tổ chức Thế vận hội quốc tế (IOC) đã bác bỏ việc đưa môn golf vào chương trình thi đấu thể thao của Olympic Atlanta 1996 dù Mỹ là đất nước của môn chơi golf. Từ năm 2000 đến nay phong trào chống việc xây dựng sân golf đã lan rộng ra nhiều quốc gia ở châu Âu và Mỹ. Ngày 29-4 hằng năm đã được chọn làm Ngày thế giới không có golf (World No-golf day).

LÊ ANH TUẤN
(Trung tâm Kỹ thuật môi trường và thủy lợi
khoa công nghệ trường ĐH Cần Thơ)

Mình đang cố...




Càng ngày càng thấy mình nói năng trở lên lúng búng không xuôi. Chủ quan mù mịt. Nhiều khi viết lung tung cả trang dài chỉ cốt sao có được cái tứ muốn diễn tả cũng không xong :D Chết cái là không muốn sửa :))
------------

Giới thiệu với bạn nào quan tâm cuốn "Chúng tôi tập viết Tiếng Việt" của Nguyễn Hiến Lê (NQT có ké vào nhưng mình thấy không hợp tý nào nên không tính Thiết thực - Gọn gàng - Giản dị - Trong sáng. NXB Thanh Niên, giá 29K.

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2007

Bởi vì chúng ta là người..




Hôm trước nhân đọc bài này

Ngoại tình - Adultère!

thấy cách đặt vấn đề có vấn đề mà theo cách nói của bạn Dâu tây là "giả vờ ngây thơ con nai vàng" khi nói "Vì thế có nhiều cái khác nhau thật, nhiều cái tốt hơn thật, nhưng có nhiều cái như ngoại tình thì ở nước nào cũng khó tránh khỏi". Chắc bạn này đang tự lừa dối bản thân đây Phải khẳng định ngay là xu hướng ngoại tình (xin nói là xu hướng, chứ không phải là hiện tượng) là xu hướng phổ biến của con người bình thường nói chung. Tớ sẽ giải thích sau nhưng nó làm tớ nhớ đến câu chuyện dang dở với một bạn phóng viên ngày trước lúc bạn định viết bài về "Ghen" - mà theo tớ là hiện tượng đồng pha với "Ngoại tình". Hồi đó bạn gửi cho mình mấy câu hỏi thế này:


1. Anh có "iu" "chị nhà"? Nếu có, do đâu anh khẳng định là như vậy?

2. Lý do thời gian đầu tiên anh "tấn công" chị nhà là do đâu?

3. Nhận xét ban đầu (lúc chưa yêu nhau) về chị ấy, và nhận xét ấy sau này có khác?

4. Trong thời gian yêu nhau, anh có gặp, hoặc có thấy có rất nhiều cô gái khác ưu điểm hơn, phù hợp với mình hơn so với chị ấy?

Khoan hãy bàn nhau về cách giả nhời, có nên khai ra hay không , ở đây hẵng xét một câu hỏi căn bản nhất: "Tại sao lại phải yêu nhau?". Hờ hờ câu này cực khó luôn. Nhưng lẽ tự nhiên, bạn nào cho nó là không cần thiết thì rất dễ đến một ngày lại băn khoăn "tại sao yêu nhau không đến được với nhau?" liền hà. Cũng rất tự nhiên, nếu bạn không hiểu câu hỏi đầu mà lại dại dột ăn nhời bốn câu hỏi trên kia thì cũng sẽ vô cùng vô tận là sai biệt ngộ nhận tả tơi...




Lúc tối bạn tớ lại hỏi "Ngoại tình có phải là do gen không?" vậy là không thể không viết bài này. Tớ đã trả lời bạn tớ là "Có thể, nhưng không cần thiết phải dùng đến giả thuyết ấy để giải thích hiện tượng "di truyền ngoại tình". Nếu tớ giả nhời được về cái xu hướng ngoại tình kia thì cái "gen" kia chỉ là câu chuyện một xu hướng được bộc phát do đã có tiền lệ mà thôi. Chuyện đầu đuôi là thế này:


Nếu bạn nào đọc rồi, muốn theo thuyết trong "Siêu hình tình yêu, siêu hình cái chết" của ông người Nga Vladimir Soloviev cũng được. Đại ý nó nói "sứ mệnh đích thực của tình yêu mang tính siêu xã hội và siêu lịch sử. Nó dẫn dắt con người từ thế giới phi lý tưởng sang thế giới lý tưởng hoặc nói đúng hơn, nó cải hoá thế giới này thành thế giới kia" (Theo Phạm Vĩnh Cư). "Tình yêu chân chính cứu vớt cá thể con người bằng sự chiến thắng đến cùng chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, làm gia tăng bất tận giá trị cá nhân, khôi phục trong nó hình ảnh Chúa Trời, phục hồi thể vẹn toàn lí tưởng của con người, trong thực tại nghiệm chứng bị phân chia thành đàn ông và đàn bà, để cuối cùng "từ hai sinh linh hữu hạn và hữu tử tạo ra ngã thể tuyệt đối và bất tử". Nhưng tớ không thích đi sâu vào những tư tưởng mang đầy thành kiến siêu hình Kito giáo phân biệt 2 thế giới nên tớ chỉ mượn tạm cái điều ông ấy nói về những sai nhầm của con người phàm tục chúng ta thôi: "Tình yêu trong loài người hiện vẫn còn là cái y như trí tuệ trong thế giới động vật - nó mới chỉ tồn tại trong những phôi mầm và tiềm năng của nó, chứ chưa phải trong thực tế".

Tớ muốn nhắc đến một tác giả khác, Erich Fromm, mà tớ đã giới thiệu trên blog này trong loạt bài về "Phân tâm hoc và tình yêu". Theo EF thì căn nguyên cõi lòng con người nó như thế này:

1. Con người sinh ra là đi ra từ một tình trạng cố định, cố định như những bản năng, để đi vào tình trạng bất định, bất quyết và mở rộng. > Chỉ có sự xác thực nằm trong quá khứ - và chỉ có cái chết mới là sự xác thực ở trong tương lai.

2. Hiện hữu của con người đã hiện hữu lý tính: người là sự sống ý thức về chính mình!

3. Nhu cầu sâu thẳm nhất của con người là nhu cầu vượt qua sự ly cách của mình.


Nói vậy nghĩa là hễ chúng ta là người, hễ chúng ta bình thường thì chúng ta sẽ lần lượt trải nghiệm cuộc sống như vậy: chúng ta lo lắng, xao xuyến trước dòng hiện hữu. Chúng ta luôn nghĩ ngợi, ý thức về chính mình - chúng ta bị chia cách làm đôi bởi ý thức của ta. Và giấc mơ khôn nguôi của con người là hợp nhất với TẤT CẢ trong an lành vô tư lự như ngày nào trong lòng mẹ ấm áp. Nhưng điều ấy là không thể - nên chúng ta bất an khôn nguôi, cái bất an mà Phật đã từng gọi nó trong SỰ THẬT TUYỆT ĐỐI VỀ SỐNG LÀ KHỔ - KHỔ ĐẾ. Nhưng chúng ta là người nên chúng ta không cam lòng. Chúng ta tìm mọi cách, dù tạm bợ để khoả lấp đơn côi làm người.


Trong những cách thức mà loài người đã thử thì có cách phổ biến nhất này: tình yêu đôi lứa, tình yêu dục lạc.

- Tình yêu dục lạc – trái với hai loại trên – là sự ham muốn nhằm phối hợp toàn diện, nhằm hợp nhất với một kẻ khác.

- Tự bản chất nó cực đoankhông phổ biến –> có lẽ, đây cũng là một hình thức lường gạt của tình yêu.

- Trước hết, nó thường được lẫn lộn với cảm nghiệm bùng nổ về sự “sa vào” tình yêu; sự sụp đổ bột phát của những rào cản tồn tại giữa hai kẻ lạ cho đến lúc này.

> Nhưng tự bản chất, cảm nghiệm về sự thân thiết bốc đồng này thật là vắn vỏi.

+ Khách lạ đã thành người quen biết thân mật – không còn rào cản nào phải vượt qua, không còn sự thắt chặt bốc đồng nào cần phải làm xong nữa.

> Người “được yêu” trở nên được biết như chính mình - được biết rất ít.

Đấy, trò đời oái oăm là thế đấy: những gì các nhà thơ nhà văn hằng ngợi ca, những gì như là "tiếng sét ái tình" ấy theo EF đều có bản chất giả dối tạm bợ thế này thôi. Đột nhiên ta thấy thân thiết khôn cùng với kẻ mà vừa đây còn là người lạ. Cảm nghiệm hợp nhất mới mẻ này làm ta ngây ngất. Ta nghĩ là ta yêu - yêu như bản năng vốn vậy, yêu như duyên số là như vậy - và ta không cần phải xem xét gì hết, mọi suy tính đều là phỉ báng tình yêu từ trên trời này của ta. Nhưng không phải vậy!

- Nếu có sự sâu xa hơn trong cảm nghiệm về người khác, nếu kẻ này có thể cảm nghiệm về sự vô hạn của nhân cách mình, người kia sẽ không bao giờ quen thân đến thế - và sự kỳ diệu vượt qua những rào cản có thể diễn ra mỗi ngày một mới.

- Nhưng với hầu hết mọi người, nhân cách của chính mình cũng như của những kẻ khác càng được thám hiểm càng bị kiệt quệ.

+ Đối với họ sự thân mật ban sơ được thiết lập xuyên qua giao hợp tình dục.

+ Vì ban sơ họ cảm nghiệm tình trạng ly cách với kẻ khác như là ly cách về vật lý; do đó sự hợp nhất về vật lý như là sự vượt qua ly cách.

+ Ngoài ra với nhiều người, có những yếu tố khác cũng là sự vượt qua ly cách:

(+) Tự bộc lộ với vẻ trẻ con khi nói về sự sống riêng tư của chính mình.

(+) Hay thiết lập mối quan tâm chung đối với thế giới theo những sắc thái trẻ con.

(+) Ngay cả tự bộc lộ sự giận dữ, mối tị hiềm, hoàn toàn thiếu tự chế của mình.

> Đều được coi như sự thân thiết.

- Điều này cắt nghĩa sự quyến rũ lệch lạc mà cặp phối ngẫu thường bày tỏ cho nhau: hình như họ chỉ thân thiết cùng giường hay khi họ bày tỏ cho nhau mối tị hiềm hay thịnh nộ của mình.

> Nhưng tất cả những mật thiết này càng lúc càng bị giảm sút theo thời gian.

> Hậu quả là người ta đi tìm tình yêu mới với một người mới, với một kẻ lạ mới.

+ Cảm nghiệm sa vào tình yêu lại phấn khích và tăng cường, và dần dà càng lúc nó càng dịu xuống và chấm dứt trong ước vọng đối với một cuộc chinh phục mới, một tình yêu mới – luôn luôn với ảo tưởng rằng tình yêu mới sẽ khác với những tình yêu cũ.

+ Những ảo tưởng này được hỗ trợ rất nhiều bởi cá tính lường gạt của ham muốn dục tình.

- Ham muốn dục tình nhắm đến chỗ phối hợp – và không phải chỉ là một đòi hỏi sinh lý, giải tỏa một áp chế đâu đớn. (theo kiểu Frued).

- Ham muốn dục tình còn có thể được kích thích bởi:

+ Ưu tư về cô độc.

+ Ước vọng muốn chinh phục/hay được chinh phục.

+ Sự hư ảo/ước vọng muốn bức khổ/ngay cả muốn hủy diệt.

> Chẳng khác nào nó có thể được kích thích bởi tình yêu.

Thế thôi! Nếu không đạt đến sự tự ý thức sâu xa thì người ta sẽ yêu nhau theo bản tính lầm lẫn và sẽ tất yếu có xu hướng đi tìm cái mới lạ lần nữa - encore une fois!

Vậy thế nào là yêu đúng? Xin xem sách đã dẫn Có vẻ như là nếu yêu đúng ta sẽ yêu con người trong hoạt động tính và vô phân biệt. Thế này thì lại dễ ghen rồi :D

Tây học hay Ta học




Ngày nay thày cô đóng vai trò người hướng dẫn chứ không còn là một vị thánh



Một bài viết hay trên Vietimes.com.vn. Nó hay không phải vì vấn đề đặt ra là mới mẻ hay lập luận bao quát, chặt chẽ. Đơn giản vì nó cụ thể - ngay cả khi nó có thể đã được thêm thắt. Vấn đề gợi ra là: khi thiết lập mệnh đề trên người viết đã ngầm thừa nhận 2 điều hiển nhiên:

1. Người thầy đã từng là vị Thánh (cách dùng từ của tác giả).
2. Thầy cô chỉ nên đóng vai trò là người hướng dẫn.

Tất nhiên trong ngữ cảnh mà bài viết nhắm tới và ngụ ý thì điều này hoàn toàn không có vấn đề gì cả. Nhưng vô tình nó gợi ra một bối cảnh rộng hơn của câu chuyện giáo dục từ những câu hỏi căn bản nhất: Học làm gì? Học cái gì? Dạy cái gì? Và ai đủ tư cách làm thầy ta trong ngữ cảnh này? Câu chuyện về dạy và học của thế hệ 7x không biết liệu có được coi như là trung gian của 2 mẫu hình hay không nhưng ở đây để đơn giản tôi chỉ xét mọi chuyện trên những thái cực của nó bằng cách mượn nội dung bài viết của học giả Phan Khôi cách đây hơn nửa thế kỷ, dẫn theo bài viết của Lại Nguyên Ân -
Sự học ngày nay: Ít "bậc thầy" đúng nghĩa?. (Bài viết của Phan Khôi có thể tìm thấy trên talawas.org).

Trong bài viết của mình Phan Khôi đã chỉ ra cái lược sử phát triển của sư học ở Trung Quốc cũng như ở nước ta (Hán Học) từ xưa tới nay, từ "cái học nghĩa lý" phát triển lệch lạc sang "cái học khoa cử" như thế nào. Một đàng là học đạo lý làm người với một BẬC THẦY là một mẫu mực sinh động để người trò có thể noi theo và chiêm nghiệm mọi lúc mọi nơi trong suốt cuộc đời. Đàng kia lại là những kỹ thuật để đạt một yêu cầu nào đó của xã hội quan liêu nhằm "gõ cửa giàu sang".

“Người mình coi sự học cũng như cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì cục gạch ném đi. Cái học của ta là để gõ cửa giàu sang, khi giàu sang
rồi thôi không nói đến học nữa”

Vậy học nghĩa lý theo Phan Khôi là như thế nào?

"Theo Phan Khôi, “cái học nghĩa lý” bao gồm: một phần lớn là cái mà ngày nay gọi là triết học, “xét về bản thể của vũ trụ, cùng tính mạng đạo đức là cái cần thiết cho sự sống của loài người”(1), bên cạnh đó có một phần là cái học tu thân, “dạy về sự làm người cho đúng đắn”(1), và một phần nữa là cái học kinh tế, “dạy về chánh trị kinh tế, cái cách để trị nước và an thiên hạ”(1); ngoài ra, tất cả những lĩnh vực tri thức mà người xưa gọi là “kinh học”, “sử học”, “lý học”, “đạo học”, v.v…, theo Phan Khôi, đều thuộc cái học nghĩa lý."


Theo tôi, có thể nói gọn lại học nghĩa lý tức là học cái cách sống_làm_người sao cho đặng cả về phương diện đời sống thực tế và cả tinh thần mà không hề phân chia chúng thành riêng rẽ. Nói như vậy để phân biệt rành mạch với cái sự học ngày nay ở VN - nó cũng như hầu hết các ngành khác trong xã hội - phảng phất giông giống mà không bao giờ chạm đến được cái thực chất, không biện biệt được cơ sở cho chính mình. Chúng ta cũng học các kỹ năng làm việc, suy nghĩ nhất định. Chúng ta cũng tập suy nghĩ và biện luận chút ít bằng văn thơ mà người ta đưa cho chúng ta. Chúng ta cũng có vài chục tiết về Giáo Dục Công Dân hay kiểu như Đạo Đức. Chúng ta cũng nghiên cứu thực tế dù chủ yếu là nói rất nhiều...Vậy cũng phải nói sự học ngày nay cũng có nhắm tới học nghĩa lý - 1 tý bằng con kiến :) Nhận định học nghĩa lý như vậy rồi thì tất cả cái học chi tiết khác đều phụ thuộc vào cái cứu cánh ấy - HỌC LÀM NGƯỜI CHO ĐẶNG. Gay gắt hơn thì có thể mượn ý cụ Cao Xuân Huy mà diễn đạt, đại khái: chừng nào con người chưa biết sống với nhau ổn thoả trên mặt đất thì lên mặt trăng mà làm chi?

Vị thầy đúng nghĩa lý thì vốn ông như thế nào?

Không chiếm riêng một “luân” nào trong “ngũ luân” của Khổng Mạnh (quân thần; phụ tử; phu phụ; huynh đệ; bằng hữu), quan hệ thầy trò chỉ thuộc về luân “bằng hữu”, nhưng từ xưa vẫn được xem trọng. Ba đấng “quân, sư, phụ” (vua, cha, thầy) được người ta thờ kính như nhau. Cái nghĩa của quan hệ này được gói trong sự “thi” và “báo”: thầy thi ân, ban ơn tác thành (về học vấn, về năng lực, phẩm cách…) cho trò, trò báo đáp cái ơn tác thành ấy của thầy; hai hành vi của hai phía là tương ứng, tuỳ thuộc lẫn nhau.

Ở ngọn nguồn của Nho học, thầy dạy trò không chỉ bằng sách vở, tư tưởng, mà còn bằng chính con người mình.

“Ông thầy nào có hoài bão cao, đạo đức lớn mà được người học trò hiểu cho mình, làm theo mình, thì sự quan hệ với nhau lại còn đặc biệt hơn những trò khác”(2).

“Sự tương tri, tương đắc của thầy trò nó cũng thân thiết như là vợ chồng bầu bạn. Nhiều khi cha con không hiểu nhau mà thầy trò lại hiểu nhau. Giữa cha con thường có một cái gì mà như bức tường để ngăn trở sự hiểu nhau; chớ còn thầy với trò mà đã vừa ý nhau rồi thì không còn bức tường ấy nữa, tương tri tương đắc thì thật là tương tri tương đắc. Thầy trò mà đến bậc ấy thì khi một người chết đi, trong lòng người kia mang một cái vết thương trọn đời, chớ không những tâm tang ba năm mà thôi”(2)

Những quan hệ như giữa thầy Khổng Tử với trò Nhan Uyên thời cổ đại, giữa trò Phí Mật (1625-1701) với thầy Tôn Kỳ Phùng (1585-1675) thời trung đại mà nét đặc trưng là sự tương tri tương đắc với nhau về học thuật và đạo lý, được Phan Khôi nêu ra như hai ví dụ về tình thầy trò trong “cái học nghĩa lý”, “cái học của thánh hiền”.

Vậy chớ cái ông Thầy là ông Thánh từ đâu mà ra? Chính là từ cái tinh thần nô lệ của cái học từ chương gõ cửa giàu sang kể trên. Nó bắt đầu với Hán Nho ở bên Tàu trước hết. Cũng phải, khi đế quốc đã thiết lập thì người ta chỉ cần những nô lệ tinh thần chứ không cần những bậc thầy (chư Tử) nữa. Thôi khỏi kể những chi li về cái tệ khoa cử và sự ngộ nhận to lớn trong xã hội VN về học thức chữ nghĩa. Có thể nói từ quan đến dân, đại đa phần đều xử sự như những bà nhà quê thất học trong ví dụ của Phan Khôi: đi đường hễ thấy tờ giấy có ghi mấy chữ Thánh Hiền là nhặt lấy mang về đem bỏ ban thờ. Tôi nói ngoa ư? Chính ông Lê Văn Lan đã kể trên báo nghe tận tai dân tình khấn khứa bên di chỉ Xã Đàn "Lạy thánh mớ bái phù hộ cho con trúng...chứng khoán" đấy sao? Chẳng phải bên hông Thầy Khổng ở Văn Miếu tuần nào chẳng có khói nhang nghi ngút "lạy thánh mớ bái" đấy thôi. Mà bây giờ vào Văn Miếu người ta cũng "lạy thánh mớ bái" và xoa mòn nhẵn đầu mấy con rùa đá đội bia mấy ông Nghè rồi. Cho dù có vẻ đa phần các ông Nghè cũng chả mấy khi phân biệt được cái học nghĩa lý với cái học "cục gạch" đâu.

Nói thì nói vậy chớ cũng phải nhìn nhận lại chút cho công bằng. Thời của cụ Phan Khôi tình thế nó gay gắt thế nên cụ cũng gay gắt thế chứ theo tôi nên nhìn nhận những mặt tích cực khác của Nho giáo VN như cụ Nguyễn Hiến Lê thì hơn. Các cụ cử học làm quan thật đấy nhưng cũng chả vì thế mà giàu, chỉ cốt lấy cái danh vọng thôi. Các cụ cũng mong làm quan thì lo cho dân nhưng thực tình khó mà đánh giá đươc hiệu quả của các cụ. Nhất là khi so với những điển hình như cụ Nguyễn Công Trứ chẳng hạn. Cái được nhất là cái phong hoá đạo đức được thấm nhuần. Người ta không hiểu những lẽ sâu xa nhưng chính tinh thần Nho giáo đã gầy dựng và duy trì những giềng mối quan hệ xã hội, những đạo đức luân thường từ trong mỗi gia đình đi ra làng ra xóm. Muốn biết vai trò to lớn của các nhà Nho VN hãy xem cái giá của sự đứt đoạn với quá khứ ở VN từ giữa thế kỷ trước.

Nhận định của Lại Nguyên Ân về giáo dục hiện đại có phần còn sơ sài không đầy đủ và ngọn ngành. Nó cũng giống như cái tiền đề thứ 2 trong bài báo đầu tiên kia: Thầy cô đóng vai trò hướng dẫn. Phải khẳng định dù trong bất cứ truyền thống giáo dục nào, Đông hay Tây, thì luôn luôn người thầy chỉ có thể là người hướng dẫn. Cuộc sống của anh, anh phải tự mình tiêu pha lấy. "Có 3 góc ta chỉ cho 1 mà không biết tìm nốt thì không dạy nữa" - có phải là vì Thầy Khổng hẹp hòi thế đâu? Mà cái học được chân chính là phải do tự mình trải nghiệm lấy. Thầy chỉ luôn luôn là người hướng dẫn mà thôi.

Cái học hiện tại ở VN là thứ Tây học lai căng. Lai căng vì vốn là nhập khẩu từ phương Tây nhưng không theo nổi tinh thần cốt yếu của phương Tây. Người ta nói nó giống thứ giáo dục ở phương Tây từ TK19 và lỗi tại người Pháp - giống được đã tốt vì can cớ gì mà ít ra thời kỳ đầu còn đào tạo được vài trí thức lớn dù ít ỏi?

Nhưng có thể không sơ sài được không khi mà câu chuyện triết lý giáo dục còn bỏ ngỏ chưa có hồi kết - nhất là trong thời đại khủng hoảng niềm tin như ngày nay? Rốt cuộc nếu mà lý luận thì người ta sẽ đi đến kết luận là có lẽ chỉ nên dạy trong trường những kỹ năng để kiếm sống. Tất nhiên có điểm xuyết những giá trị nhân bản chung nhất cho loài người!

Câu chuyện về triết lý giáo dục sẽ còn dài nữa và hấp dẫn hơn nhiều nếu dẫn ra đây mấy cuốn sách như "Schopenhauer nhà giáo dục" của F.Nietzsche, "Phương pháp 3 - tri thức về tri thức" và "Liên Kết Tri Thức" của E.Morin. Nhưng đây lại là đề tài quá rộng trong phạm vi bài viết nhỏ này.

Để kết thúc, thực ra đã là nguyên nhân để mở đầu, xin dẫn ra đây một bài viết nghiêm túc và chi tiết (tuy đầy cảm tính và cũng sai lầm - elle est une femme :)

Nghề được tôn trọng - Nghề bị coi thường!

Sự kiện nghề Thầy được tôn trọng ở VN vừa đúng vừa không đúng. Nó cũng nhập nhằng như chuyện nhập nhằng của "cái học nghĩa lý" với "cái học vị lợi". Nhập nhằng như Tây học với Ta học ở VN!

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2007

Entry for June 24, 2007




Lý thương nhau



Con cá rô nằm vũng chân trâu
Đồng mưa nước trắng
Bàn tay em mát lạnh
Bây giờ đâu?

Ngón tay xanh xao
Nắng chiều kẽ lá
Ngón tay gầy nhánh mạ
Anh không còn nắm nữa
Bây giờ đâu?

Lý thương nhau
Câu hát chiều dông trước
Gà con cỏ ướt
Chân vàng run run.

Đã trót thương em
Làm sao xa được
Thôi em đừng khóc
Đường dài nắng chang.

Muốn bỏ đi tất cả
Mặc trống đánh ngũ liên
Mặc quan sai xuống thuyền
Vứt bao vàng bẻ giáo
Anh ở lại cùng em.

Nếu đường đừng xa thế
Nếu em chẳng mạ xanh lá bé
Nếu anh không giếng thẳm rơi gầu

Ích chi đâu
Đành ngoảnh mặt cúi đầu
Thôi đừng thương mến nữa
Thôi tiếng hát chớ nghẹn ngào trong gió
Lý thương nhau...


LQV

Nhàn đàm




Trích trong "Sống đẹp" của Lâm Ngữ Đường - bản dịch Nguyễn Hiến Lê.
------------------------

Thú đàm đạo

“Một đêm đàm đạo với anh còn hơn mười năm đọc sách” (Dữ quân nhất tịch thoại, thắng độc thập niên thư), một học giả Trung Hoa nói với bạn như vậy. Lời đó đúng và ngày nay mấy tiếng “nhất tịch thoại” hoặc “nhất tịch đàm” thường được dùng để tỏ cái vui đàm đạo với bạn. Cái vui đó rất hiếm, vì như Lý Lạp Ông đã nói, bậc minh trí chân chính thường không biết nói chuyện, còn người khéo nói chuyện thường ít khi minh trí. Cho nên đi chơi chùa trên núi, bỗng gặp được một cao sỹ vừa hiểu đời, vừa có tài nói chuyện, thì vui thích không kém gì một nhà thiên văn tìm được một hành tinh mới, hoặc một nhà sinh vật học tìm được một loài cây mới.

Người ta phàn nàn rằng ngày nay đời sống gấp rút bận rộn làm mất cái nghệ thuật nhàn đàm ở chung quanh lò sưởi. Tôi cho rằng tại đời sống cũng có, mà cũng tại nhà ở ngày nay không xây lò sưởi đốt củi như ngày xưa nữa, sau cũng còn tại ảnh hưởng của xe hơi. Trong một xã hội biết hưởng nhàn, có tinh thần hài hước, thích những cái tế nhị thì người ta mới thích nhàn đàm. Nói và nhàn đàm là hai việc khác nhau xa, cũng như viết một bức thư thương mãi với viết một bức thư cho văn hữu. Ta có thể nói là bàn chuyện làm ăn với bất cứ ai, mà chỉ có thể đàm đạo với một số rất ít người thôi. Cho nên khi gặp được một người thực là biết đàm đạo thì nỗi vui của ta có phần còn hơn là được đọc một cuốn sách thú vị vì ta còn được nghe tiếng nói, trông thấy điệu bộ của người đó.

Ban đêm là lúc thích hợp nhất để đàm đạo. Nơi chốn theo tôi không quan trọng: ngồi trong một phòng khách bày biện theo thế kỷ mười tám hay ngồi bên đống rơm trong một trại ruộng cũng có thể hưởng cái thú đàm đạo được. Có thể là một đêm mưa gió , ngồi trong một chiếc tàu trôi trên sông, nhìn ngọn đèn các chiếc thuyền neo gần bờ chiếu xuống dòng nước, ta được nghe trạo phu kể chuyện một thiếu nữ thời xưa được tuyển làm hoàng hậu ra sao. Nhàn đàm sở dĩ thú vị là vì hoàn cảnh, nơi chốn, lúc nói chuyện và những người nói chuyện thay đổi hoài, không lần nào giống lần nào. Có khi là hai ba người, có khi là năm sáu người; có lần cụ Trần hơi quá chén, có lần cụ Nguyễn phải cảm, hơi nghẹt mũi, mà câu chuyện thêm phần hứng thú. Những lúc vui trong đời thường ngắn ngủi, trăng không tròn hoài, hoa không tươi hoài mà bạn tốt không tụ họp hoài; ta hưởng những cái vui giản dị như vậy, lẽ nào bị hóa công đố kị?

Thường thường, một cuộc nhàn đàm thú vị giống một thiên văn chương bình tục, về cả nội dung lẫn lời lẽ. Đủ các đề tài: ma quỉ, hồ li, ruồi muỗi, cử chỉ kỳ dị của người Anh, điểm khác nhau giữa các văn hóa phương Đông và phương Tây, quán sách bên bờ sông Seine, cuống tính của một gã tập sự trong một tiệm thợ may, dật sử về các nhà lãnh đạo trong nước, chính trị gia cùng quân nhân, canh giữ những trái phật thủ cho được lâu…, bất kì cái gì cũng có thể là đề mục cho một cuộc nhàn đàm được cả. Còn lời lẽ thì nhàn thích có vẻ như một thiên tiểu luận. Dù đề mục quan trọng nghiêm trang tới đâu như bàn về những sự biến chuyển nó làm cho tình hình quốc gia bi thảm, hỗn loạn hoặc vì những tư tưởng chính trị vô ý thức nó làm cho văn minh suy đồi, tước đoạt mất quyền tự do, sự tôn nghiêm và cả hạnh phúc của con người nữa, thì trong cuộc nhàn đàm người ta vẫn giữ cái giọng ung dung, nhàn thích, thân mật. Vì trong một thế giới văn minh, dù ta giận dữ, bực tức tới đâu đối với những kẻ cướp giật quyền tự do của ta, thì ta vẫn chỉ có thể phát biểu tình cảm bằng một nụ cười hoặc bằng một ngọn bút nhẹ nhàng thôi. Chỉ khi nào ta ngồi với vài bạn cực thân ta mới trút hết nỗi phẫn uất một cách kịch liệt được. Điều kiện cần thiết cho một cuộc đàm đạo là chung quanh chỉ có ít bạn thân mà không có kẻ nào mình ghét để có thể tự do, thảnh thơi phát biểu ý kiến.

Một bài tiểu luận giọng thân mật với một bản tuyên ngôn chính trị khác nhau ra sao thì một cuộc nhàn đàm với một cuộc trao đổi ý kiến cũng khác nhau như vậy. Mặc dầu trong những bản tuyên ngôn chính trị có nhiều tình cảm cao thượng như lòng yêu chính thể dân chủ, lòng muốn phụng sự, hy sinh cho Tổ quốc, lòng lo lắng cho đời sống kẻ nghèo, lòng yêu hòa bình, tinh thần thân ái với các quốc gia khác, lòng không tham quyền, tham danh, tham lợi, mặc dầu vậy, những bản tuyên ngôn đó vẫn tiết ra một mùi gì làm ta phải đứng xa ra, không muốn lại gần, cũng y như ta thấy một phu nữ ăn mặc sang trọng quá, tô son trát phấn quá. Trái lại, khi nghe một cuộc đàm đạo hoặc đọc một tiểu luận thú vị, ta có cảm tưởng thấy một thôn nữ ăn bận giản dị, giặt quần áo bên bờ suối, tóc tuy lòa xòa, áo tuy mất chút nút, nhưng trong vẫn có vẻ thân ái.

Cho nên giọng một cuộc nhàn đàm phải là cái giọng thân mật, tự nhiên; mà những người trong cuộc hoàn toàn quên hẳn mình đi, không nhớ tới mình nữa, không giữ ý chút nào cả mà cũng chẳng quan tâm tới hướng của câu chuyện. Bạn thân gặp nhau, cởi mở tấm lòng với nhau thì cuộc nhàn đàm mới thật là thú vị: người gác chân lên bàn, kẻ leo lên ngồi trên thành cửa sổ, kẻ lại kéo cái nệm trên đi – văng xuống đặt trên sàn mà ngồi. Có vậy thân thể ta mới được nghỉ ngơi, mà trong lòng mới bình tĩnh, khoan khoái. Lúc đó là lúc có thể ngâm hai câu thơ này:

“Nhãn tiền nhất tiếu giai tri kỷ,

Tọa thượng toàn vô ngại mục nhân”

(Trước mặt cười cười đều là bạn tri kỷ

Bên cạnh không có người nào chướng mắt mình)

Đó là điều kiện cần thiết cho những cuộc nhàn đàm chân chính. Vì chẳng ai quan tâm đến điều mình nói, cho nên câu chuyện tiến lui chẳng theo thứ tự, một chủ ý gì cả, và khi chia tay, ai nấy đều hoan hỷ.

Có một sự liên lạc mật thiết giữa sự đàm đạo và sự an nhàn; mà cũng có một sự liên lạc mật thiết giữa sự đàm đạo và sự phát triển của tản văn vì chỉ khi sự đàm đạo đã thành một nghệ thuật thì tản văn mới tấn bộ. Ta nhận thấy rõ điều đó trong tản văn Hy Lạp và Trung Hoa. Mấy thế kỷ sau Khổng tử, tư tưởng Trung Hoa phát triển mãnh liệt, theo tôi nguyên nhân chỉ là vì thời đó đã phát sinh được một giới học giả khá đông mà suốt đời chỉ có mỗi công việc là ăn rồi thì đàm đạo. Tôi xin chứng minh ức thuyết của tôi. Thời Liệt quốc đó có tới năm vị công tử hào phú rất hiếu khách, rộng rãi, lễ độ, tử tế. Vị nào cũng nuôi cả ngàn thực khách trong nhà, như Mạnh Thường Quân nước Tề có tới ba ngàn thực khách toàn là đi giày dát ngọc cả. Ta thử tưởng tượng cảnh ồn ào ra sao. Những cuộc đàm đạo của bon thực khách thời đó nay còn chép trong những bộ Liệt Tử, Hoài Nam Tử, Chiến Quốc Sách và Lữ Thị Xuân Thu. Và ta nên nhớ rằng thời đó người ta đã có một quan niệm về nghệ thuật sống rồi, đại ý là nếu không sống một cách nghệ thuật thì thà đừng sống còn hơn. Ngoài bọn học giả đó ra, còn một bọn tung hoành gia nổi danh, tức bọn hùng biện nhà nghề, được các vua chúa dùng vào việc du thuyết các nước láng giềng, gây bè đảng trong cuộc chiến tranh để thôn tính lẫn nhau. Bọn tung hoành gia đó rất thông minh, mẫn tiệp, khéo dùng tỷ dụ và có khẩu tài. Những biện thuyết của họ chép trong bộ Chiến Quốc Sách. Trong cái không khí tranh luận tự do và hào hứng đó, xuất hiện vài đại triết gia như Dương Chu, người chủ trương thuyết “vị ngã”, Hàn Phi Tử, một chính trị gia có tinh thần thực tế, tựa như Machiavel của phương Tây, nhưng ôn hòa hơn, và Yến Tử, một nhà ngoại giao nổi danh về tài biện luận mẫn tiệp.

Chỉ khi nào trong xã hội có hoàn cảnh an nhàn thì nghệ thuật đàm đạo mới phát triển, mà nghệ thuật đàm đạo có phát triển thì thể tiểu luận, tùy bút mới phát triển. Xét về đại thể thì cả hai nghệ thuật đó đều xuất hiện tương đối trễ trong lịch sử tấn bộ của văn minh vì chúng ta cần có điều kiện này: trí óc của ta phải đạt tới một trình độ mẫn tiệp thảnh thơi đã. Ngày nay nhiều người cho rằng hưởng cảnh an nhàn, đứng vào thành phần giai cấp ăn không ngồi rồi cũng đủ là đáng ghét, là phản cách mạng rồi, nhưng tôi tin chắc rằng chính thể nào, dù là Cộng Sản chân chính hay Xã Hội chân chính thì cũng mong rằn một ngày kia có thể làm cho mọi người trong xã hội được hưởng cảnh an nhàn. Vậy sự hưởng nhàn không thể là một cái tội, hơn nữa ngay sự tấn bộ của văn hóa cũng tùy thuộc cách khéo sử dụng những lúc nhàn, mà đàm đạo là một hình thức của cách sử dụng đó. Những nhà kinh doanh bận rộn suốt ngày, ăn cơm tối xong là đi ngủ liền và ngáy như bò rống, nhất định là không giúp cho văn hóa được chút nào cả.

Đôi khi ta không tự ý lựa được mà bắt buộc phải chịu cảnh nhàn và nhiều tác phẩm văn chương đã xuất hiện trong những trường hợp như vậy. Chúng ta còn nhớ rằng bộ Chu Dịch do vua Chu Văn Vương viết trong ngục Dữu Ly để luận về những lẽ biến dịch trong đời sống; và bộ lich sử kiệt tác của Trung Hoa, tức bộ Sử Kí, do Tư Mã Thiên viết trong khám. Đời xưa có nhiều tác giả vì lận đận trên hoạn đồ, không thoả được chí bình sinh mà hoá ra thương tâm, thất vọng vì việc nước, về ở ẩn và viết được những tác phẩm bất hủ. Chính vì vậy mà đời Nguyên, dưới chế độ của Mông Cổ, sản xuất được nhiều hoạ gia và hí khúc gia; và đầu đời Thanh cũng sản xuất được nhiều hoạ gia như Thạch Đào và Bát Đại Sơn Nhân. Lòng ái quốc của người dân một nước bị ngoại bang đô hộ có thể biến thành lòng hy sinh cho nghệ thuật và học vấn. Thạch Đào là một trong những hoạ gia vĩ đại nhất của Trung Hoa, bị Thanh triều dìm xuống vì tinh thần bất khuất của ông; do lẽ đó mà danh tiếng của ông không vang lừng và người phương Tây không biết tới. Ngoài ra còn những người học rộng tài cao mà thi hoài không đậu, phát phẫn, tận lực sáng tác, như Thi Nại Am, tác giả bộ Thuỷ Hử và Bồ Tùng Linh, tác giả bộ Liêu Trai.

Trong bài tựa bộ Thuỷ Hử có một đoạn rất hay, tả cái thú đàm đạo với bạn thân:

"Bạn của tôi mà tới đủ mặt thì được tới mười sáu người, nhưng ít khi họ tới đủ, mà cũng ít khi không có một người nào tới, trừ những ngày mưa gió. Thường thường ngày nào cũng năm sáu người. Khi tới, họ cứ tuỳ ý, muốn uống rượu lúc nào thì uống, muốn ngưng lúc nào thì ngưng, vì họ cho rằng vui ở trong sự đàm đạo chứ không phải ở rượu. Chúng tôi không bàn về triều đình, không những vì lẽ chúng tôi không quan tâm tới triều đình mà còn vì lẽ đường thì xa, tin tức phần lớn là truyền khẩu cả, mà lời truyền khẩu thì không xác thực, bàn về những điều không xác thực chỉ là phí nước miếng. Chúng tôi cũng không bàn đến những lỗi lầm của thiên hạ, thiên hạ vốn không có lỗi lầm và chúng tôi không muốn vu oan cho người ta. Chúng tôi cũng không muốn làm kinh động tới ai cả, mà muốn cho người ta hiểu điều chúng tôi nói, nhưng người ta không hiểu, vì những điều đó đều thuộc về tính tình con người, mà người đời lại bận rộn quá nên không chịu nghe".

Thi Nại Am viết bằng lối văn và những tình cảm như vậy, ông lưu lại được bộ Thuỷ Hử vì ông có nhiều lúc nhàn.

Tản văn Hy Lạp cũng phát triển trong một bối cảnh xã hội tương tự. Đọc nhan đề tập "Đàm thoại" (Dialogues) của Platon, ta cũng thấy ngay rằng tản văn Hy Lạp sở dĩ giản khiết, sáng sủa là do ảnh hưởng của nghệ thuật nhàn đàm. Trong "Bữa tiệc" (Banquet), một nhóm văn nhân ngồi trên đất đàm đạo vui vẻ với nhau, chung quanh là rượu, trái cây và những thiếu niên ưu tú, vì họ luyện nghệ thuật nói cho nên tư tưởng của họ mới sáng sủa, văn của họ mới giản khiết, cho ta cảm giác mát mẻ dịu dàng, trái hẳn với lối văn khoa trương, thông thái rởm của các văn sĩ hàn lâmm ngày nay. Người Hy Lạp thời đó đã tập được cái thái độ bàn về triết học một cách nhẹ nhàng.

Trong một cuộc đàm đạo thanh nhã, nên có ít nhiều phụ nữ để gây cái không khí phù phiếm vui vẻ không thì cuộc đàm đạo sẽ nặng nề, mà ngay đến triết học cũng sẽ hoá ra vô vị, không hợp với nhân sinh. Nước nào cũng vậy, thời nào cũng vậy, hễ văn hoá quan tâm tới nghệ thuật sống thì phụ nữ được hoan nghênh trong các cuộc hội họp, tức như trường hợp thành Athènes thời Péciclès và trường hợp nước Pháp ở thế kỷ 18. Ngay ở Trung Hoa, sự giao tế giữa trai gái bị cấm chỉ mà các văn nhân cũng muốn cho đàn bà dự vào các cuộc nhàn đàm của họ. Dưới ba triều Tấn, Tống, Minh tức những triều đại mà nghệ thuật thanh đàm rất thịnh hành, có nhiều phụ nữ đa tài như Tạ Đạo Uẩn, Triêu Vân, Liễu Như Thị nổi bật lên trong xã hội. Người Trung Hoa muốn rằng vợ phải có đức, không tiếp đàn ông, nhưng chính họ thích làm bạn với những phụ nữ đa tài, cho nên trong văn học sử Trung Quốc, ta thấy nhiều dấu vết của các tài nữ và danh kĩ. Tôi cho rằng ở khắp nơi, trong cuộc nhàn đàm nào người ta cũng muốn có phụ nữ cho thêm hứng thú. Tôi đã gặp được những bà Đức có thể luôn từ năm giờ chiều tới mười một giờ khuya, và nhiều phụ nữ Anh, Mỹ đã làm cho tôi kinh hồn vì nữhng hiểu biết của họ về kinh tế, môn mà tôi không bao giờ đủ can đảm để học. Dù không có những bà có thể bàn cãi với tôi về Karl Marx hoặc Engels, thì cuộc đàm thoại cũng rất thú vị, phấn khởi nếu một vài bà chịu khó ngồi nghe và tỏ vẻ trầm tư dịu dàng. Như vậy vui hơn là nói chuyện với những chàng ngốc.


Hãy đợi đấy!!!




http://vietnamnet.vn/bandocviet/2007/06/709673/

"Nhật ký Vàng Anh" - Không biết tại sao biên kịch lại chọn tên nhân vật chính là Vàng Anh. Bà con đang phàn nàn là phim chỉ dành cho các bạn nhà giàu thành phố. Nhà giàu thành phố mà tên là Vàng Anh thì hơi bị hiếm đấy. Nghe hơi quê. Nhưng nghĩ kỹ lại thì...cũng có lý! Quê nhưng mà không quê lắm. Quan trọng là độc. Nghe cái nhớ liền. Thử đổi thành "Nhật ký Khánh Ly...Hồng Nhung..." gì gì xem nào, nghe đuội ngay. Chim Vàng Anh nhé, nghe có hình tượng mà quan trọng là đỡ sáo. Nhưng quan trọng nhất này: "Vàng Ảnh Vàng Anh, có phải vợ anh...chui vào tay áo" - Vàng Anh thì là Tấm này, nhưng quan trọng Vàng Anh là vợ vua nhé. Nên pà kon đừng thắc mắc việc sao các bạn Vàng Anh lại là học sinh quý xờ tộc nữa đi! Mình không xem nhưng thỉnh thoảng cũng chứng kiến, thấy kể ra thì dựng phim thế là cũng ổn so với mặt bằng. Phim có không khí, diễn viên cũng tự nhiên, đỡ kịch. Tiết tấu nhanh. Thế là ổn. Tư tưởng nội dung cũng tạm được. Tức là với vấn đề của 1 bộ phim truyền hình ở VN hiện nay thì thế là ổn rồi. Vậy tại sao còn nhiều thắc mắc?

Những ý kiến phản đối nói chung không tập trung vào bộ phim mà lại vào nhà đài. Tự nhiên các bác đặt nhà đài phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu như: phim phải về đa số của giới trẻ, phải thật...Rằng thì e là các cháu nó nhỏ dại, cháu nó tủi thân phận mình rồi thì sinh ra bi quan yếm thế...Mình thì không biết là nhà đài khi làm phim có trót tuyên ngôn trước gì không về mục đích cao cả để đến nông nỗi này nhưng mình thấy thế này:

- Quả là các cháu thanh thiếu niên rất dễ chú ý và chịu ảnh hưởng của các model, style mà các nhà đài cổ vũ. MTV là điển hình. Cái này bệnh chung toàn cầu rồi phải bây giờ mới có đâu? Sao không bảo đừng chiếu phim nước ngoài nữa bao giờ ta được như nó rồi hãy chiếu không các cháu nó lại buồn đời. Kể ra thì bối cảnh ở ta dễ làm các cháu tưởng thật hơn. Nguy quá, nguy quá! Nhưng nghĩ mà coi, Jesu cũng phải đem Thiên Đàng ra khuyến dụ loài người nữa là. Chậc, nan giải phết!

- Các cháu diễn viên nó xinh 1 tý thì có tội tình gì đâu cơ chứ? Tấm cũng xinh hơn Cám đấy thây! Mà cá nhân mình thì mình cũng thích xem các bạn gái xinh hơn. Mình có biết tất cả các thanh niên dù đã "quá lứa nhỡ thì" trong 1 công ty bạn mình đều thuộc làu từng tập NKVA luôn. Thế mới kinh. Bạn nào chê các em nó "ông, ông, tôi, tôi" thì thật không thể hiểu bạn này luôn. Cả 1 trời e ấp được chứa vào trong cái giải pháp cực kỳ sáng tạo này đấy! Chán! No comment. (Joilie Fox nhỉ)




- Hệ quả là "giàu hay nghèo", "xinh hay xấu" không phải là vấn đề mà vấn đề là nó có thông điệp gì không? Khán giả có cảm nhận được thông điệp đó hay không? Xem có vui không? Sao cứ sợ các cháu mặc cảm không thôi nhỉ (đành rằng có). Mình lại nghĩ có khối bạn trẻ đang lẩm bẩm "Hãy đợi đấy". Các bạn thêm động lực để ra Thủ đô gặp Bác Hồ ấy chứ lại! Nhưng nói cho công bằng, một xã hội mixité như "12A và 4H" ngày xưa thích hơn, ấm áp hơn. Chưa nói tinh thần có chỗ khác nhau. Vậy phải nói trách nhiệm chính của nhà đài là không được tuyên truyền tiếp thị cho Vàng Anh như là tiêu biểu của thế giới teen VN. Nó là 1 cas, thế thôi. Cãi chầy cãi cối vậy chứ cái này rõ là lỗi nhà đài chạy theo thị trường rồi. Nhận đi cho nó tiến bộ.

- Tình cờ dạo này mình biết có rất nhiều bạn già đang tìm lại bộ "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" để tàng trữ trong nhà. Mình thích nhất là phần đầu. Đây là bằng chứng đanh thép nhất đả đảo các bạn nhà đài ăn cơm nhân dân phục vụ tư sản. Vấn đề là tài năng chứ không phải thị trường, xu thế này nọ nào cả. Mỹ đế quốc sài lang này, lại nhà quê này - vậy mà sống mãi, xúc động mãi...


...Tưởng tượng thế này, tối mai bật TV lên thấy Vàng Anh bảo "bố tớ đang cắt cỏ ngoài thảo nguyên..a..b..c...Tình huống A, tình huống B". Pà kon nào có DVD bản đẹp, có phụ đề thì báo cho tớ mua về để dành cho con nó xem sau này nhá! Giá cả thoả thuận. Liên hệ trực tiếp.



(Ảnh minh hoạ lấy trộm từ blog của bạn
Minh Diệu)




Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2007

Entry for June 23, 2007




Thỉnh thoảng lại rơi vào tình trạng này: rỗi rãi mà không biết làm gì cả. Thế mới đau chứ! Đến nhà bạn bè chơi? Chả nghĩ ra mống nào có gì bí mật. Cafe? Không. Chả nhẽ đi công viên. Lần trước đi bảo tàng Dân tộc rồi! Đi xem phim? Không thích. Xem kịch, ca nhạc? Không thích! Đi xem sách? Đọc nhiều đau đầu lắm rồi. Đi lang thang? Hu hu trời nắng quá! Online? Nhiều quá toét cả mắt, viết nốt bài này rồi thôi!!!

Hồi trước có lần đi thả diều ở SVĐ Mỹ Đình cũng được nhưng bây giờ thì kêu là xa, đau lưng...hu hu...Chả nhẽ gọi chúng nó đi uống bia. Bia lại chê là nóng với ồn...Chả nhẽ nào...sống mà cũng khó thế này à? Hu hu...

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

"Ils parlent tous de moi, mais personne n'a de pensée pour moi"

TÍN

Truyền thống Trung Quốc học thường thường dịch thuật ngữ này bằng "lòng thành thực", điều này không phải không nhập nhằng so với những điều mà Khổng Tử quan tâm: không phải con người nói điều anh ta nghĩ mà anh ta phải làm điều anh ta nói. Khổng Tử không chê trách những lời nói có thể thiếu thành thực, nhưng chê trách lời nói gian xảo...Nói khác đi, quan tâm của Khổng Tử không phải ở chỗ lời nói phản ánh ý thức, mà ở chỗ nó không bị hành động bác bỏ; không phải nó phải chân thực mà nó phải có hiệu lực. Bởi hành vi - Khổng Tử biết nó theo kinh nghiệm - đó là bằng chứng duy nhất có giá trị...

Francois Jullien - Đường vòng và lối vào.


cafe - báo chí - blog




Cafe.




Một thời, "đi
cafe" là thú vui ồn ã của tớ. Lang thang tất cả các quán xá "có nét riêng". Ngày có thể đi đến 5-6 lượt là thường. Đen, không đường. Nhâm nhi cho tới khi biết đến vị ngòn ngọt the the ở đầu lưỡi. Còn nhớ Hà nội về đêm thủa đó hầu như chỉ có 1 quán "Cây bàng đổ" ở gần khách sạn Hà Nội là có thể ngồi đến tận 2-3 giờ sáng. Tiếc là quán đó đồ uống cái gì cũng dở, trừ...bia. Bạn bè có hợp nhau mới hay rủ nhau đi cafe. "Hợp nhau" có nghĩa là có thể ngồi lặng im đốt thuốc hoặc lan man tán nhảm rồi về. Dĩ nhiên mỗi người mỗi kiểu, mỗi quán nhưng tựu trung lại thì đa phần đi cafe là để thấy thời gian trôi đi theo cách nào đó. Các câu chuyện thoảng qua và ít khi là chuyện gì trầm trọng. Bây giờ vẫn vậy, ở HN hầu như giải trí chỉ là cafe, bia hơi, trà đá...là đã gần hết các thú vui rồi. Cái kiểu la cà quán xá của ta hình như cũng hiếm có. Hiếm bởi chỉ có nhịp sống chậm và uể oải mới dung thứ được văn hoá cafe này. Với nhiều người, đi cafe như là một thói nghiện, một kiểu "ngồi đồng". Khi internet chưa phát triển ở Vn thì hầu như quán cafe là chỗ để cho người ta trải nghiệm, gặm nhấm cảm giác "cô đơn giữa chốn đông người"...Một lần cuối, ngồi với bạn trên Hàng Hành, nhìn những người xung quanh ngồi đờ đẫn vô vị với tờ báo trên tay tớ bỗng nhiên thấy chán ghê gớm. Từ đó tớ hầu như bỏ hẳn thói quen đi uống cafe. Cũng 3-4 năm rồi. Bây giờ nhấp một ngụm là mất ngủ ngay. Nhiều lúc thấy cuộc sống trơn tuột, vô vị, muốn được như trước gặp bạn bè để vu vơ đôi chút mà cũng khó. Mỗi người mỗi lúc càng khác. Mình cũng khác. Chỉ có điều, vu vơ trong một ngày nhiều khi vẫn có giá trị của nó.


Báo chí.





Có một câu nói nổi tiếng về báo chí là "báo chí là viết ra để cho người ta đọc và quên đi trong một ngày". Có vẻ như nấp sau nhu cầu thông tin thực sự là một thói quen nghiện ngập muốn lấp đầy tâm trí bằng sự bận rộn của người hiện đại. Triệu chứng để chẩn đoán điều này là khi ta đọc rất nhiều nhưng không có gì phản hồi hay đọng lại trong suy nghĩ của ta cả. Mấy trăm người chết ở Iraq cũng không khác gì chuyện một cô ca sỹ nào đó không mặc quần lót ra đường. Khi nào có biểu hiện như thế thì nên biết là chính mình đang có vấn đề. Mội chuyện trở nên tầm phào, nghe đó để đó - đấy là cái bẫy nguy hiểm của báo chí, cho cả người viết và người đọc.


Ngày trước báo chí từng là mong muốn đầu tiên khi suy nghĩ về nghề nghiệp của tớ. Ngày đó suy nghĩ đơn giản: nghề nào có đủ các tiêu chuẩn như tự do, độc lập và phong phú và hay xê dịch là tốt nhất. Sau này đơn giản vì tớ không thể bỏ từ khối A sang khối khác để mạo hiểm được nên đi theo hướng khác. Cùng nguyên tắc nhưng vẫn không hết suy nghĩ và quan sát về nghề báo. Kể mình cũng vô duyên với các bạn báo nhiều. VTV3, HHT, Đẹp. Mọi câu chuyện đều dở dang vì mình không tài nào làm các bạn hiểu được là bản thân chấp nhận trả lời bảng hỏi của các bạn đã là chấp thuận một logic ẩn tàng rồi. Hơn nữa, những bạn báo mà mình biết dần dần gây cho mình một ác cảm ngày càng rõ rệt. Mình biết nghề báo là một nghề rất mệt...Chỉ cho đến khi đọc những bài viết của tác giả Nguyễn Hiến Lê mình mới thấy củng cố thêm chút tin tưởng với nghề báo. Cũng không định thêm chút phê phán làm gì vì mọi người nói quá nhiều rồi. Bản thân việc đọc báo chí ở VN cũng là 1 nghệ thuật mà muốn phân tích phải làm 1 bài dài. Điều mà gần đây mình quan tâm là dù sao báo chí vẫn là công cụ hữu hiệu trong nhiều trường hợp - và còn nhiều người có tâm huyết và tài năng trong báo giới. Nhưng nhiều lúc cũng nản. Những bài báo dù hay, xúc động đến mấy cũng thường khi là bị chìm vào cơn lũ của những rác thông tin ồ ạt sau 1 vài ngày và cũng bởi thói quen đọc cho vui của độc giả.


Blog.




Blog có thể được coi là có được cả hai thú vui của cafe và báo chí...Nó vốn là một hình thức "nhật chí" (từ của Trang Hạ), tức là ghi chép cá nhân nhưng dành cho nhiều người đọc. Viết blog trước hết là để cho người khác đọc. Ngay cả khi bạn không có một cái nick nào trong friends list thì thâm tâm bạn vẫn thừa nhận rằng viết là đẩy những suy nghĩ ra khỏi mình - như 1 sự trình hiện. Cập nhật theo ngày (thời sự của cá nhân) và trình bày trước 1 công chúng nhất định (bao gồm cả chính ta như một người khác) - cái đặc tính của thể loại "chí" này làm cho blog giống với báo chí. Nhưng hơn cả như thế, blog còn có sự tương tác mở giữa cá nhân với cộng đồng, kiểu tương tác chính phụ rất rõ nét. Nhưng đồng thời trên bình diện chung thì các blogger lại là đẳng lập với nhau. Blog mang trong mình cái thú vị được thu mình trong một thế giới "theo ý thích" với một đám đông nhất định cùng với cái thú vui gần giống như là kiểu nhàn đàm giữa bè bạn - mà Lâm Ngữ Đường đã đặc biệt ca ngợi trong "Sống đẹp" - những điều này trước đây vốn chỉ thường thấy trong nét văn hoá cafe của chúng ta. Tớ không có ý phân tích tâm lý hiện tượng blog ở đây mà chỉ khu biệt nó lại trong việc so sánh những cảm giác có thể có được khi blogging với thú vui đi cafe và đọc báo mà thôi. Cũng khoan nói rằng hiện tượng này rốt ráo là tốt hay xấu. Hiển nhiên nó bao hàm cả hai và tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Điều này cũng giống như cái cơ chế ngầm ẩn phía sau của tất cả quá trình trên: tính hai mặt biện chứng của nhu cầu giao tiếp cộng đồng hay bản năng bầy đàn của con người. Cùng một cơ chế tâm lý nhưng khi ta nói về bản năng bầy đàn là có hàm ý phê phán cũng như ngược lại khi ta nói nhu cầu giao tiếp là hàm ý tán thành. Giao tiếp cộng đồng là khái niệm được rút ra từ bản năng bầy đàn nhưng trong chiều kích của con người. Có điều, trong đời sống thực của mỗi cá nhân, cái ranh giới này thật mong manh nhoè nhoẹt. Cũng may là hình như tâm lý cá nhân nó cũng có cơ chế tự điều chỉnh: khi mọi việc đã đi quá đà thì tự nhiên sẽ có xu hướng dừng lại. Sân khấu kịch cần đổi vở khi nó đã trở lên nhàm chán với công chúng (trước hết từ mình)! Ở giữa 2 vở là một khoảng lặng. Màn hạ.




"Tôi muốn tự đào tạo lại mình để giống như một CON NGƯỜI" (@Xuan Binh's blog) - Ý tưởng về blog của tớ là: về căn bản, bởi vì chúng ta là những con người bình thường nên chúng ta cần những thú vui thường nhật
. Chúng ta đi cafe với bạn bè, đọc báo, xem thời sự và bàn tán. Ý kiến của chúng ta nhiều khi vô thưởng vô phạt nhưng nó không ảnh hưởng gì vì nó là câu chuyện giữa bè bạn với sự thông hiểu lẫn nhau. NHƯNG. Nhưng chúng ta còn muốn trở lên "giống như một CON NGƯỜI" nên chúng ta cần thêm vào những cố gắng để ngày càng làm rõ thêm cái ranh giới nhoè nhoẹt giữa bầy đàn và cộng đồng kia. Đây cũng là câu chuyện dài bất tận nhưng chúng ta có thể khởi đầu bằng những bước ngắn, những việc cụ thể. Tập cho mình thói quen quan tâm thực sự đến các vấn đề xã hội, có chính kiến để hướng tới hành động đúng đắn. Một bài viết về các vấn đề xã hội có ích cho cộng đồng dù hay đến mấy cũng sẽ chìm lãng đi sau 1 vài ngày. Nếu mỗi blog thêm vào thói quen điểm báo, giới thiệu những bài viết tốt trên những entry của mình thì hiệu quả sẽ lan rộng hơn rất nhiều. Nó tích luỹ trong ta cái cơ sở nền tảng làm người mà nền GD còn chưa giúp gì nhiều nhặn cho chúng ta. Tự giáo dục mình là việc làm chông chênh khó khăn bội phần. Phải cố thôi :-)


Còn vô số điều có thể lường trước về cái ý tưởng kia như làm sao có được óc phê phán, làm sao tránh khỏi những tranh luận vô bổ...nhưng thôi, tớ dừng ở đây. Entry này trước hết nhằm chào mừng ngày nhà báo, sau là nói chút ít về ý tưởng mới của tớ về blog. Chuyện còn có thể dài mãi ^.^



Thứ Tư, 20 tháng 6, 2007

Câu chuyện giáo dục...




Một lần ngồi cafe với bạn, anh chàng mới lên chức bố được mấy tháng này đã rất băn khoăn về việc sẽ nuôi dạy con như thế nào. "Tao định có lẽ đưa nó về quê để nó học như mình ngày xưa, cho nó biết sông nước, đồng ruộng, chơi trò chơi trẻ con...". Tất nhiên anh chàng là dân thi công lang thang nay đây mai đó nên mới nghĩ đến một việc như vậy và anh ta hoàn toàn nghiêm túc trong việc này. Đây cũng không phải là trường hợp cá biệt, tôi biết nhiều người cũng thường băn khoăn về việc con cái mình sẽ lớn lên trong một môi trường hoàn toàn xa lạ với những gì mình đã trải qua. Có lẽ ẩn sâu trong những tâm sự như vậy là những xao xuyến của chính họ với cái thế giới đang biến đổi trùng trùng duyên khởi này. Họ thiếu một cái gì đó để nương tựa vào hiện tại mà hiện tại thì luôn "bốc mùi" (ý của Nguyễn Huy Thiệp). Đấy có vẻ là vấn đề muôn thuở của con người: không thoả mãn với hiện tại và hoài niệm về quá khứ. Nhưng lồng trong tâm sự của anh bạn kia có lẽ còn là cả cái kinh nghiệm mới mẻ về trách nhiệm lớn lao và không thể phó mặc với một cá thể mới từ nay sẽ gắn chặt với anh ta trên mọi phương diện nữa. "Mày quên là ngay ở nông thôn bây giờ cũng đã thay đổi à?" Tôi nói anh ta hãy nhìn vào những mặt tích cực của hiện tại. Và có vẻ lời tâm sự "về nguồn" kia rốt cuộc chỉ nói lên một điều: sự bối rối khi đứng trước vô vàn những khả năng của tương lai cũng như vô vàn những ràng buộc, liên hệ nhân quả của cuộc sống. Lúc nào chả là như thế? Ai mà chả như thế? Nhưng vấn đề của anh ta là: từ nay có một cá thể bé nhỏ bắt đầu lớn lên bên cạnh hiện hữu của chính anh ta.

Trên nhiều diễn đàn mạng thường gặp hai loại thái độ thế này: những người sau khi có gia đình và con cái trở lên thực dụng và hoài nghi thái độ lý tưởng hoá của những người chưa lập gia đình (tất nhiên là trong bối cảnh xã hội VN). Nói không với tiêu cực ư? Dũng cảm hay hèn nhát ư? Hãy đợi đến lúc có con, cho nó đi học, đến bệnh viện...xem anh/chị sẽ lựa chọn như thế nào! Chuyện sẽ trở lên gay gắt hơn nhiều nếu bạn biết "cái ác cũng...
tầm phào mà thôi". Có lẽ khó khăn là ở chỗ ngày nay thật khó mà minh bạch được bảng giá trị cho mình huống hồ cho nhiều người. Ngay cả khi có được điều đó rồi thì lựa chọn cũng là một việc vô cùng khó khăn. Tại sao ư? Bởi vì giá trị là thứ không đơn thuần được tiếp nhận thụ động từ xã hội - nó còn là thứ được khẳng định bởi kinh nghiệm. Và rồi khi bàn về nền giáo dục Vn người ta sẽ rất bối rối với cái logic "con gà và quả trứng". Cái nào trước? Cái nào sau?

Chỉ có điều cái gọi là “cơ sở” của người Trung Quốc và người Mỹ khác nhau. Người Mỹ coi trọng nền tảng làm người, quan niệm này đã được bồi đắp từ nhỏ. Cơ sở mà học sinh ở Mỹ cần tạo dựng là ý thức tự tin, thành thực, lương thiện, công bằng, bao dung và độc lập tự chủ để làm người, cũng có nghĩa là, ngay từ nhỏ, họ đã học được giá trị cơ bản của văn hóa Mỹ, chứ không phải là tri thức để phục vụ giá trị cơ bản này. 











Ít ra thì có vẻ là Bộ GD cũng đã có lựa chọn của mình. "Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích" là nhân. Tỷ lệ
tốt nghiệpquả lần này. Và chuỗi nhân quả này có lẽ còn kéo dài ra nữa. Đa phần các bạn đọc được bài viết này chắc cũng khó để cảm nhận được cái khó khăn của việc không có cái bằng TN PTTH là thế nào. Tôi cũng không. Vì tôi có cái may mắn là đã được cho đi học ở những nơi mà tất cả bạn bè đều thi đỗ tất cả các kỳ thi. Có điều là tôi cũng nhiều lần chứng kiến sự khó khăn chật vật của bạn bè khi đi tìm một công việc, một cơ hội thay đổi...Nhiều lúc vấn đề không phải là năng lực, mà là tại cái bằng!

Là một người ngoài cuộc thì dễ rồi. Thi đúng thì phải chấp nhận kết quả đúng như vậy thôi! Nhưng. Nhưng vấn đề là ở chỗ cái đề thi kia chỉ là cái ngọn cuối cùng của cái triết lý GD mà thôi. Đúng là đúng với cái hệ giá trị nào đó chứ làm gì đã ai biết cái ĐÚNG tuyệt đối? Mấy năm trước tôi có đứa em họ thi trượt ĐH vì thiếu 0,5đ dù đã đạt 26,5 điểm. Lần đó tôi cũng phải lựa chọn, bởi vì có người quen nói có thể xin chuyển ngành học đăng ký cho. Điều đó trái với nguyên tắc đạo đức mà tôi đã chọn. Nhưng đây là chuyện tương lai của một con người - con người cụ thể có liên hệ với tôi, tôi biết. Lựa chọn trở lên khó khăn đi rất nhiều. Hơn ai hết tôi hiểu sâu sắc ngã rẽ này của cuộc đời. Học cao đẳng hay học ĐH đã là rất khác nhau với một đứa con gái tỉnh lẻ sống đơn giản như nó. Tôi động viên nó ôn thi 1 năm nữa - cuộc đời còn rất dài và không thể để 1 kết quả vớ vẩn này làm thay đổi hoàn toàn tương lai của mình. Nhưng vì tất cả các lý do, trong đó điều quan trọng nhất là "con người ta sinh ra vốn dĩ đã sinh ra trong một môi trường nào đó, chịu ảnh hưởng sâu xa bởi môi trường đó", nó đã chọn đi học cao đẳng cho...an toàn. Xét về học lực thì nó cũng là người giỏi. Nhưng khi chuyển sang một bình diện khác, "cơ sở" khác thì có lẽ nó đã không đạt. Cái "cơ sở" mà ít nhiều như nền GD Mỹ đã xiển dương như trong bài báo trên kia đề cập ấy thì không thể là câu chuyện nói suông trong 1, 2 ngày được. Vậy cuối cùng lựa chọn của Bộ thì tốt rồi đấy. Nhưng mà nó chỉ tiện cho một số người thôi. Nhưng tôi sẽ không phản đối gì, tôi chỉ muốn biết tiếp sau đây sẽ là cái gì?
...

Câu chuyện
thi văn ở Trung Quốc trở lên rất thú vị với thời sự GD Vn lúc này.

"Tế vũ thấp y khan bất kiến. Nhàn hoa lạc địa thính vô thanh" (tạm dịch: Mưa mong manh thấm áo nhìn không tỏ. Hoa rụng đất nhẹ nhàng nghe không thấu) là câu thơ trích trong bài Biệt nghiêm sĩ Nguyên (tạm dịch: Tặng nghiêm sĩ Nguyên khi từ biệt) của nhà thơ đời Đường Lý Trường Khanh.

Có những lý giải khác nhau như sau về bài thơ:

1. Đây là bài thơ ca ngợi vẻ đẹp mùa xuân.

2. “Mưa mong manh”, “cánh hoa rụng” đặc tả nỗi cô đơn không người thấu hiểu.

3. “Nhìn không tỏ”, “nghe không thấu” không chỉ thái độ sống buông xuôi, mà thể hiện cách xử thế không màng danh lợi.

4. Quan niệm sống trong bài thơ không còn thích hợp với cuộc sống ngày nay...

Bằng cảm nhận của riêng mình về hai câu thơ, anh/chị hãy viết một bài văn theo những yêu cầu sau:

1. Đề bài tự đặt.

2. Thể thức hành văn không giới hạn.

3. Bài văn không dưới 800 chữ.

Nếu là một học sinh bình thường thì có lẽ khó mà biết được bài thơ trên chứ chưa nói gì đến tác giả và tư tưởng của ông. Vậy thì câu thơ chỉ là cái cớ, là biểu tượng gợi tả để học sinh làm bài tự luận mà thôi. Bài văn khó mà cho biết gì về bài thơ nhưng cho biết rất nhiều về người viết. Nó là một đề thi hấp dẫn và có lẽ lúc nào tôi cũng phải thử viết một bài xem sao :) Nhưng điều làm tôi hâm mộ ở đây là: Làm thế nào mà ngành GD TQ đã có thể tin tưởng được vào tính thống nhất và tính công bằng tương đối của tất cả các giám khảo ở Bắc Kinh? Hẳn phải đã hình thành một hệ giá trị nào đó cởi mở và sinh động? Hẳn nền GD đã tự tin vào sự độc lập, có trách nhiệm và khả năng của cả trò và thầy? Nhất là khi đề thi được đẩy về tận thời Đường, khiến mọi đường biên đều dạt ra tận chân trời tư tưởng? Hẳn là đây là sự lựa chọn "đúng" quả cảm sau nhiều năm thận trọng và kiên trì thay đổi từ gốc rễ. Hẳn các học sinh thi kỳ thi TN năm nay đã được kinh nghiệm những giá trị và phương pháp đủ lâu để hoan nghênh kỳ thi này. Bao giờ thì nhiều nơi có thể làm như Bắc Kinh - nơi phát triển nhất TQ?

(còn...dài)






P/s: Rất hoan nghênh những bài giới thiệu cụ thể về GD các nước như của Vietimes.com.vn/ Theo ý kiến riêng, tôi cho rằng giới thiệu những ví dụ bài học, giáo trình sinh động của các cấp học của những nước tiên tiến cũng đã là một bài học sinh động, thực tiễn có tác động mạnh vào dư luận xã hội rồi. Hiệu quả hơn rất nhiều những tranh biện hàn lâm của các giáo sư - không phải vì họ sai mà vì là nếu làm như trên thì hiệu quả đến ngay trong quá trình chứ không phải chờ đợi ngã ngũ như những cuộc tranh biện hàn lâm kia. Như tôi cũng chờ đến 5 năm rồi mà...vẫn chưa ngã ngũ.