Cậu bạn nói mình viết về việc đọc. Muốn minh định nó lâu rồi nhưng chưa có dịp thích hợp. Thôi nhặt nhạnh tạm vài thứ để ra đây đã.
- Toàn bộ đức hạnh của con người là ở con người và biểu lộ ra hễ có hai người: “Nhân”
- Thấy mình phù hợp với bản tính của mình: “Thành”
- Phán xét ý thức của người xuất phát từ ý thức của chính mình – xúc tiến giác quan về đức nhân của mình và mở rộng tới những người khác: “Thứ”
- Tình cảm nhân đức thật lòng: “Trung”
- Nỗi lo lắng nội tâm: “Ưu”
- Nỗi lo xoay xở đến từ cuộc đời, chỉ liên quan đến những phúc lợi bên ngoài: “Hoạn”.
- Vượt qua lợi ích của cá nhân và vì phúc lợi của mọi người “Đồng”/”Công”
- Một tính nhậy cảm dồi dào tràn trề: “Khí hạo nhiên”
- Đại nhân đứng ra cải hoá cho đời: “Bậc Thánh”
- Khi đạo đức chân chính đạt tới “sung mãn”, “chắc thiệt” thì gọi là “Mỹ”. Khi mỹ đức toả sáng thì gọi là “Đại”.
- Đến lúc bậc Thánh sở hành và trí huệ “không ai hay ai biết” thì vị thánh hoà lẫn với sự “hiệu quả vô hình”: “Thần” – nó điều khiển thế giới.
- Trung Hoa: đọc là để cho văn bản “tiêu tan” trong tâm trí, thấm vào ý thức, là “thưởng thức”. Đọc không phải như một sự kết cấu lý thuyết (do đó có tính chất giả thuyết – như là hành động có suy nghĩ) mà được sống như là một quá trình (tập cho quen và đồng hoá).
(F.J)
-----------------------------------------
Phụ: lời tựa của tác giả trong tập "Tư-duy tự-do" (Phan Huy Đường)
Tư-duy tự-do
Một đặc điểm của kiến-thức triết-học[1]
Trong nguyên tác tiếng Pháp, tôi đã cố gắng viết giản dị, mong người có trình độ tú tài sẽ hiểu. Bản « dịch » này cũng vậy. Tự dịch mình, khi cần, tôi gạt qua văn bản gốc, trình bày thẳng ý bằng tiếng Việt, tránh những câu văn quá Tây, khập khiễng, khó hiểu.
Tuy vậy, có thể bạn sẽ phải đọc quyển sách này hai lần mới hiểu cạn nghĩa. Đây không phải lời nói kiêu. Chỉ là kinh-nghiệm đau đỏ của chính tôi trong lĩnh-vực đọc sách triết. Kiến-thức triết-học khá linh tinh, có khi sâu sắc, có khi vớ vẩn, luôn luôn đáng ngờ-vực. Khác hẳn kiến-thức khoa-học, ta không thể nắm bắt nó qua một quá-trình tiếp thu tuần tự. Vì thế, muốn hiểu một tác-phẩm triết, ít nhất phải đọc nó hai lần. Xin giải thích vì sao.
Trong khoa-học, ta chỉ cần học định-nghĩa của một khái-niệm một lần là ta hiểu nó. Kiến-thức ta đã tiếp thu, ta có thể sử dụng để tiếp thu tiếp những kiến-thức khác. Trừ khi ta suy-luận ở vành đai kiến-thức khoa-học đương đại, ta không cần ngờ-vực kiến-thức của ta vì mọi kiến-thức khoa-học đều hình thành trong một môi-trường lý-luận chung, đã được thử thách vững vàng qua thử-nghiệm trong nhiều thế kỷ, có thể chứng minh trở lại bất cứ lúc nào bằng thử-nghiệm.
Trong triết-học hoàn toàn khác, không một khái-niệm nào không đáng nghi-ngờ ! Không một khái-niệm nào có định-nghĩa chung cho mọi triết gia vì không một khái-niệm triết nào có thể chứng minh được bằng thử-nghiệm. Khái-niệm triết chỉ có định-nghĩa và có ý-nghĩa trong môi-trường của một hệ suy-luận triết-học. Nếu là tác-phẩm của một tác giả lớn, có khả-năng thiết lập cả một hệ suy-luận, thì khái-niệm có định-nghĩa và có ý-nghĩa trong môi-trường suy-luận của tác giả ấy. Nếu là tác-phẩm của một triết gia tầm thường, không tạo được một hệ suy-luận riêng, đôi khi khái-niệm được sử dụng không có cả định-nghĩa. Nó chỉ có một ý-nghĩa mơ hồ trong một môi-trường suy-luận lơ mơ hơn : phản ánhý-chung của một nền văn-hoá, ở một thời đại, thậm chí, ý-chung của… một làng triết gia trong một nước !
Nói thế có nghĩa : muốn hiểu một khái-niệm, một câu văn trong một tác-phẩm triết, ta phải có sẵn trong đầu môi-trường suy-luận trong đó nó có nghĩa ! Nhưng môi-trường đó không là gì khác hơn toàn bộ những khái-niệm, câu văn nối đuôi nhau để hình thành tác-phẩm ! Kết luận hiển nhiên : ta chỉ có khả-năng hiểu rõ một khái-niệm, một câu văn ở đầu tác-phẩm sau khi ta đã đọc hết tác-phẩm ! Nếu tác-phẩm thuộc loại có định-nghĩa những khái-niệm nó vận dụng ! Vì thế phải đọc ít nhất hai lần mới hiểu. Ai đã từng tìm hiểu triết-lý của Sartre trong Thực-thể và Hư-vô[2] ắt hiểu. Không thể chỉ đọc một lần mà hiểu được. Không phải vì triết-lý ấy bí hiểm tới mức người thường không hiểu nổi. Vì chỉ khi đã đọc hết quyển sách ta mới biết môi-trường tư-duy của Sartre, mới có khả-năng hiểu những khái-niệm Sartre dùng có nghĩa nào.
Môi-trường tư-duy của một tác-phẩm triết là toàn bộ khái-niệm được định-nghĩa trong tác-phẩm và những tác-phẩm trước của tác giả hay của những triết gia khác mà tác giả chịu ảnh hưởng, tán thành. Người ta chỉ có thể định-nghĩa một khái-niệm bằng một hay nhiều khái-niệm khác. Liên miên, vô tận. Khi tác giả ngưng, thấy không còn gì phải định-nghĩa nữa, con rắn đã cắn đuôi mình : trong tác-phẩm đã hình thành một hệ thống khái-niệm định-nghĩa lẫn nhau. Hệ thống ấy gọi là triết-lý của tác giả, là môi-trường suy-luận của tác giả. Nếu tác giả suy-luận chặt chẽ, độc giả chân thành, muốn nắm bắt tư-duy kia từ bên trong của nó, xuyên qua ngôn-ngữ của chính tác giả, sẽ rơi vào một cạm bẫy rất khó thoát. Theo tôi, cách duy nhất để giải-phóng mình khỏi môi-trường suy-luận đó là dùng nghiệm-sinh cá-nhân để đương đầu với những khái-niệm ấy, đánh giá chúng. Nói thế tưởng dễ. Chẳng dễ tí nào. Nghiệm-sinh của con người chỉ có ý-nghĩa qua ngôn-ngữ, qua khái-niệm. Ngôn-ngữ, khái-niệm của ta, ta đều… học ở người khác.
Quyển sách này có thể coi như một lời mời độc giả nhẹ nhàng cất bước vào thế-giới triết-học. Bước đầu hành trình ấy là tự xây dựng cho mình một thái-độ triết-học. Nội-dung cơ-bản của thái-độ triết-học là dám nghi-hoặc tận gốc toàn bộ kiến-thức của mình trong mọi lĩnh-vực. Đây là cống hiến lớn nhất của Descartes cho triết-học. Ông bắt đầu suy-luận của ông như sau. Cứ cho rằng ta nghi-hoặc tất cả mọi sự, ta không thể nghi-hoặc sự-kiện ta đang nghi-hoặc không có-thực. Ta nghi-hoặc, vậy ta tư-duy. Ta tư-duy, vậy ta có-thực. Cogito của Descartes, cơ-bản là dubito[3]. Tự giam mình trong thế bấp bênh ấy để đương đầu với nghiệm-sinh và kiến-thức của chính-mình, hòng tìm một tia sáng nhỏ nhoi cho thân-phận-làm-người trong thời đại của mình, là nội-dung cơ-bản nhất của thái-độ triết-học, là hoài bão của quyển sách này, ý-nghĩa tên nó : Tư-duy tự-do.
Trên cơ sở đó, ta đương đầu với một số câu hỏi « muôn đời » của loài người, tự xây dựng cho mình một phương-pháp suy-luận, một thế-giới-quan, một nhân-sinh-quan, rồi dùng chúng để tiếp cận mọi lĩnh-vực của cuộc sống, của tư-duy. Vì thế quyển sách gồm ba phần. Phần đầu đặt vấn đề với những niềm-tin của ta đối với cách suy-luận của ta trong các lĩnh-vực cơ-bản như khoa-học, sự-sống và văn-học. Phần hai tranh luận với cốt lõi triết-lý của một số triết gia gốc của Âu Tây, bàn về những vấn đề triết-học với ngôn ngữ của triết gia. Phần cuối ứng dụng những khái-niệm mới hay đã được định-nghĩa lại qua quá-trình trên để tiếp cận kiến-thức trong một số lĩnh-vực của kiếp người : tiềm-thức, khoa-học nhân-văn, kinh-tế, chính trị, nghệ-thuật và văn-chương.
Trong quyển sách này, có nhiều từ viết hơi khác truyền thống một tí : tư-duy thay vì tư duy. Đó là khái-niệm triết sẽ được định-nghĩa hay bàn trong tác-phẩm ở những chương có liên quan. Trong đoạn văn bàn tới một tác giả, phải hiểu từ viết kiểu ấy theo định-nghĩa của tác giả ấy. Ngoài ra có thể hiểu theo nghĩa thông thường. Thí dụ. Thế-giới theo nghĩa thông thường : toàn bộ những gì tồn-tại ngoài tư-duy của ta. Với Sartre : a/ nghĩa đó, b/ thế-giới hình thành xuyên qua ý-thức của con người. Sartre phân biệt : con-người-trong-thế-giới[4], với con-người-ở-thế-giới[5]. Trong khái-niệm đầu, thế-giới trong nghĩa thông thường trong đó có vật-thể người. Trong khái-niệm sau, thế-giới theo quan-điểm của Sartre, hình thành qua sự hiện-diện của con người. Thỉnh thoảng là khái-niệm của riêng tôi được định-nghĩa hay định-nghĩa lại trong quyển sách này. Thí dụ, thế-giới[6] : toàn bộ những quan-hệ ngoại-tại và nội-tại của con người. Mong độc giả sẽ hiểu rõ nghĩa của mỗi từ trong ngữ-cảnh.
Thỉnh thoảng, có khái-niệm viết trong ngoặc kép, thí dụ : « thực-thể ». Điều ấy thường có nghĩa : từ phổ quát trong tiếng Pháp nhưng, theo tôi, sai về mặt khái-niệm triết, tôi vẫn phải dùng vì không có từ khác để biểu-đạt hay vì tôi đang phân-tích khái-niệm phổ quát ấy. Thí du : un « être » vivant, một « thực-thể » sống.
Cuối cùng, bàn về triết-lý Âu Tây, khó mà không chua tiếng ngoại quốc trong bài : có những khái-niệm chưa thể chỉ dùng từ điển mà dịch chính xác được. Sách Việt Nam thường ghi chúng bằng tiếng ngoại quốc trong bài, dịch và đôi khi giải thích trong chú thích. Người không sành ngoại ngữ đọc rất mệt. Vậy tôi làm ngược lại, trình bày bằng tiếng Việt, ghi nguyên văn tiếng Pháp trong chú thích, khi cần thì giải thích thêm.
Tuy quyển sách này là một bản dịch, nó có giá-trị riêng. Khó khăn trong việc biểu-đạt khái-niệm triết Tây bằng tiếng Việt khiến tôi ghi nhận một số điều về sự tương-tác giữa ngôn-ngữ và tư-duy, lấy tiếng Pháp và tiếng Việt làm thí dụ. Thỉnh thoảng, trong quá trình dịch, tôi nẩy ra một ý liên quan trực tiếp tới những vấn đề được đề cập trong quyển sách này, vì lúc đó tôi suy luận bằng tiếng Việt, tiện tay ghi luôn vào văn bản tiếng Việt. Cuối chương 6, đoạn Phủ-định-cuối-cùng, nền tảng của tự-do và sự tiến-bộ không có trong nguyên tác tiếng Pháp. Tôi linh-cảm những điều tôi trình bày ở đó từ lâu nhưng bây giờ mới phát biểu được mạch lạc, mới nên lời.
________________________________________
[1] Chương này viết thêm nhân dịp đăng bản tiếng Việt.
[2] L’Être et le Néant. J-P Sartre.
[3] Sau này, Derrida nhại lại bằng cách « sáng-tạo » « khái-niệm » rất văn hoa : tư thế chất vấn (posture questionnante, Spectres de Marx, Galilée, 1993) Nghe rất kẻng, nhưng rỗng-tuếch, ngoài mỹ từ ra, chẳng có nội-dung mới nào, chẳng mở ra một khả-năng tư-duy mới nào. So với Descartes, thua xa. So với Sartre về cùng vấn đề trong L’Être et le Néant lại còn xác xơ hơn nữa.
[4] l'homme-au-milieu-du-monde, trong nghĩa : nó tồn-tại ở đó như mọi vật-thể khác của thế giơi.
[5] l'homme-dans-le-monde. Không dịch dans bằng trong như trong từ điển vì nội dung của khái niệm này là : nhờ sự hiện diện của nó mà một thế-giới hình thành (trong ý-thức của con người).
[6] Từ đây, tôi sẽ dùng từ thế-giới viết nghiêng mỗi lần tôi muốn nhấn mạnh nghĩa sau : thể thống-nhất mâu-thuẫn giữa thế-giới-vật-chất trong đó có thể-xác của ta, thế-giới-sống không thể tách rời thế-giới-vật-chất và thế-giới-tinh-thần không thể tách rời sự-sống của con người. Đây là khái-niệm riêng, khác khái-niệm thế-giới của các triết gia như Sartre hay Heidegger, v.v.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Anh ơi, làm sao để có thời gian để đọc. Hic hic, ke ke, ac ac.
Trả lờiXóaĐọc cuốn "Làm sao để có thời gian để đọc"
Trả lờiXóa:)
bạn này cũng đọc Tư duy tự do và Erich Fromm :)
Trả lờiXóa