Thứ Hai, 26 tháng 2, 2007

Entry for February 26, 2007

(Luận Ngữ)


XVII.2. : Tử viết “ Tính tương cận, tập tương viễn dã” - Khổng tử: “Bản tính con người gần giống nhau, do tập nhiễm mới khác xa nhau”.



XVII.3. : “Duy thượng trí dữ hạ ngu bất di” - “ Bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là không thay đổi”.



XVI.9. : Khổng tử viết: “Sinh nhi tri chi giả, thượng dã; học nhi tri chi giả, thứ dã; khốn nhi học chi, hựu kỳ thứ dã. Khốn nhi bất học, đản tư vi hạ hĩ” - Khổng tử nói: “Sinh ra mà đã biết, là bậc tiên; học rồi mới biết, là bậc thứ; gặp cảnh khốn nạn rồi mới chịu học, lại còn thấp hơn nữa. Thấp nhất là gặp cảnh khốn nạn rồi mà vẫn không chịu học”.



Albert Camus - Tiểu luận: Giao cảm - Bề trái bề mặt. Tựa:



“...Brice Parain thường cho rằng tập sách nhỏ này đựng trọn hết mọi điều tốt đẹp nhất tôi đã viết ra. Parain lầm. Biết rõ lòng chính trực của ông, tôi không bảo vậy do sự áy náy của người nghệ sỹ đứng trước những kẻ đã cả gan chuộng dĩ vãng hơn là hiện tại của mình. Không, ông lầm là bởi ở tuổi hai mươi hai, trừ phi là thiên tài xuất chúng, người ta chỉ biết bập bẹ viết văn.

Nhưng tôi hiểu rõ Parain muốn nói gì. Ông vừa là kẻ thù uyên bác của nghệ thuật, vừa là nhà triết học nghiên cứu lòng trắc ẩn. Ông muốn nói rằng, và như vậy là chí lý, trong mấy trang sách vụng về này, có hun đúc nhiều tình thương hơn là trong những trang sách kế tiếp về sau của tôi.”.





- Những ai đã từng làm sáng tác một lần đều sẽ thấy: viết là một nhu cầu tự thân. Quá trình viết lách nằm lưng chừng giữa hữu ý và vô ý. (Nói liên quan đến nó có tiểu luận bàn về thể “Hứng” trong Kinh Thi của F.J rất hay - tập “Đường vòng và lối vào”). Tại sao lại khó định vị nó (quá trình viết/sáng tác) như vậy? Có lẽ vì - sáng tác không đặt hoàn toàn căn cơ của mình trong “ý”- dù là niệm “ý” hay “vô ý”. Nói nghệ thuật (nói chung) có mục đích cao nhất là truyền tải cảm xúc là một cách nói. Có thể diễn đạt thế này: khởi nguyên là một hỗn độn thúc bách trong nội tâm mà “ý” không quán xuyến được nhưng cũng không cam lòng. Và khi đó, viết là một hành động phản tỉnh, tự thức – phô diễn (nó) ra để có thể tự quán xét (nó). Và mối giao cảm giữa các nhân vị không đơn giản là một hiện tượng bình phàm. Nó ẩn chứa câu trả lời cho sự hiện hữu, cho vấn đề hiện hữu của chúng ta. (Nó cũng hàm ngụ lời giải về sự bế tắc của lý tính - về sự siêu vượt chủ nghĩa phi lý).



Tất nhiên, khái quát như vậy là đã gạt ra ngoài những kẻ chầu rìa nghệ thuật, những kẻ hương nguyện, và lũ bồi bút.



- Đến đây, một lẽ tự nhiên, ta sẽ có câu hỏi về “Đọc” trong tương quan với chiều hướng “Viết” vừa rồi kia. Hình như Đọc không phải là sao chép hay vơ vét cộng thêm vào. Kiến thức không phải là những củ khoai tây và trí não, tâm hồn không phải là cái bao tải khoai. Đọc dường như là liên tưởng, tượng trưng và cảm nghiệm cộng hưởng. (Cộng hưởng chỉ xảy ra trong một-môi-trường-duy-nhất và giữa những gì vận động sinh động – không thể có khi nó bị quan niệm (1) như những gì chia tách, bất khả dung thông). Đấy là con đường trực tiếp từ nội tâm đến nội tâm, qua ngôn từ mà cũng vượt quá ngôn từ. Hình thức diễn đạt trở lên rời rạc, sai lạc khi mối tương quan kia bị bỏ qua. Ngộ nhận khởi lên tự đó một cách thành thực. Đọc – là đọc con người viết thông qua đọc chính mình. Cũng vậy, Viết là viết con người mình – chính mình như một kẻ khác.



(1) Vì sự-thật-tuyệt-đối là không phải thế.

(Luận ngữ) - Khổng tử nói “Ta từng không ăn không ngủ để suy nghĩ, nhưng vô ích. Không bằng học.”



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét