Thứ Ba, 27 tháng 2, 2007

Hội làng mở giữa mùa xuân




"Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay"-Hôm nay thì cứ gọi là...


----------------------------------



...Nói chuyện Bắc Ninh, nhớ có lần tôi cùng với cậu bạn rủ nhau phóng xe sang đấy chơi lang thang, cũng lâu rồi và không nhân dịp gì cả. Lúc đầu lang thang sang làng Lim rồi tạt ngang tạt ngửa, không còn nhớ đoạn nào. Tự nhiên có một quãng đường đồng rồi có hai lối rẽ: một đàng sang chùa, một đàng sang đền. Ngẫu nhiên hôm ấy bên chùa đang có lễ rước tượng Phật do cúng tiến vào chùa, bên đền có lễ tế gì đấy. Chúng tôi chọn rẽ sang đền. Ở đấy chủ yếu là các bà già và trẻ con. Thấy mình có bảng vẽ, bọn trẻ lân la lại nói chuyện...Có đứa hỏi "Chú là sinh viên à? Chú có biết thằng Bình không?" Ngớ người. "Biết, biết chứ. Nó học với chú đấy..." (Bịa). "Bình râu chứ gì?" (lớp có thằng Bình râu thật). "Vầng. Nó là cháu cháu đấy!" Choáng. Thằng cu khoảng 5-6 tuổi. Đến phần chia lộc, chúng tôi cũng được mấy miếng bánh đúc, mấy quả roi..Hôm ấy trời khô ráo, hình như cũng đợt cuối xuân đầu hạ, một ngày bình thường, một cơn hứng chí...Ngẫu nhiên và nhẹ nhàng như vậy..hay nhỉ?

Erich Fromm, Phân tâm học và tình yêu.5

5. Yêu Chúa.

- ...nền tảng cho nhu cầu yêu thương của chúng ta là ở cảm nghiệm ly cách và nhu cầu chung cục là vượt qua ưu tư về ly cách bằng cảm nghiệm hợp nhất. (Một khi chúng ta thấy rất khó khăn và mơ hồ để mô tả hạnh phúc với ta là gì thì có vẻ ta khá dễ dãi trong quyết định hạnh phúc là gì cho kẻ khác (thậm chí là đi đấu tranh điên cuồng cho những giá trị ấy/ Mặc dầu vẫn biết rằng nhận thức có được từ những tương tác chứ không phải là từ những tư biện). Phải chăng thái độ khiêm tốn và có ích một cách đúng đắn là nên bắt đầu bằng cách nhìn thật rõ vấn đề nhân sinh của ta từ nhiều góc độ khác nhau; để có thể lý giải được tính đồng quy nhi thù đồ của nó: Khổ Đế, cảm nghiệm ly cách, sự thúc bách tức thì và vô ngã của đạo đức trên sự chông chênh từ nền tảng của nó...Và sự thực là nếu ta nhận rõ vấn đề của ta thì ta có thể kiểm nghiệm được giá trị của hiểu biết mà tang đang nắm giữ thay vì lạc lối trong những tu từ của ngôn ngữ) [Nhu cầu vượt qua ưu tư về ly cách bằng cảm nghiệm hợp nhất là mục đích rốt ráo của đời sống con người. Nó là động lực thúc đẩy mọi cơ chế tinh thần của con người? Hay nói một cách tương đương – ưu tư về ly cách là Khổ trong Khổ Đế của Đức Phật].

- Tình yêu Chúa cũng không khác (theo phương diện tâm lý).

+ Nó cũng khởi lên từ nhu cầu vượt qua ly cách và hoàn thành sự hợp nhất.

+ Sự thực, tình yêu Chúa cũng có những phẩm tính và sắc thái sai biệt như tình yêu người.

- Thượng Đế đại diện cho giá trị tối cao, cho lẽ Thiện đáng hâm mộ nhất.

> Bởi vậy, ý nghĩa đặc biệt về Thượng Đế tuỳ thuộc cái gì là hâm mộ nhất đối với một người. (Thượng Đế là sự phóng chiếu bản ngã con người?). (Như vậy là đang đi ngược trong khi đáng ra là phải bắt đầu từ chỗ do đâu khởi lên ý niệm về Thượng Đế).

> Do đó, sự hiểu biết về khái niệm Thượng Đế phải mở đầu với một phân tích về cơ cấu đặc trưng của kẻ phụng thờ Thượng Đế. (Thượng Đế - khái niệm về Ngài chỉ có ý nghĩa trong những tương quan với con người).

- Sự phát triển của chủng loại người,...có thể được biểu trưng như là sự vươn lên của con người ra khỏi nhiên giới; khỏi mẹ, khỏi những ràng buộc của máu và đất. (Sự phát triển theo ý nghĩa tiến bộ hay là một sự kiện lịch sử? Người ta vươn lên khỏi nhiên giới để rồi thấy rằng mục đích rốt ráo là cảm nghiệm hợp nhất!) (Tha hoá là tất yếu – Marx).

- Khởi thuỷ, con người vẫn còn bám vào ràng buộc nguyên sơ, vẫn cảm thấy đồng nhất với thế giới động vật - một con vật biến thành vật tổ.

- Vào giai đoạn sau, khi kỹ xảo con người đã phát triển đến điểm kỹ xảo của một người thợ hay một nhà mỹ thuật – con người biến đổi sản phẩm do chính tay mình thành một thần linh. (Luận điểm duy vật lịch sử của Marx?).

> Thờ ngẫu tượng làm bằng đất, vàng hay bạc.

- Con người rọi phóng những năng lực hay kỹ xảo của chính mình vào những sự vật mình làm ra – và như thế, nó thờ phụng năng lực và sở hữu của mình trong cách thế vong thân. (Đáng chú ý là: kỹ xảo của người thợ hay nhà mỹ thuật hàm ý gì? Phải chăng là đánh dấu mốc: khi con người bắt đầu làm việc ngoài ý nghĩa lợi ích thông thường, ngoài bản năng sinh tồn tối thiểu - tức là bắt đầu tách rời/bắt đầu tự ý thức - cảm nghiệm ly cách, tìm giải pháp – khi nhu cầu con người đã hình tượng hoá và trừu tượng hơn?) [Đánh dấu mốc lịch sử tôn giáo (phân chia) như vậy liệu có khách quan không, có chứng cớ phân tâm không?].

- Vào giai đoạn sau nữa, con người mang cho các thần linh của mình hình thức loài người.

+ Hình như điều này chỉ xảy ra khi con người đã trở nên ý thức hơn về chính mình, và khi nó khám phá ra con người là “sự vật” cao quý nhất trong thế giới. (Có thực con người là sự vật cao quý nhất một cách hiển nhiên – hay đây là phát biểu của chiều hướng tự tôn của loài người - một giai đoạn ấu thời trong sự hình thành tư tưởng của con người).

- Trong giai đoạn thờ phụng thần linh có tính cách nhân hình này, chúng ta thấy có một phát triển trong hai chiều:

(+) Một chiều hướng liên quan đến bản chất nam/nữ tính của thần.

(+) Chiều khác quan hệ đến trình độ trưởng thành mà con người đã hoàn toàn/và xác định bản chất các thần linh của mình và tình yêu của mình đối với chúng.

- ... đã có một gia đoạn mẫu hệ của tôn giáo đi trước giai đoạn phụ hệ, ít ra là trong nhiều nền văn hoá.

- Trong giai đoạn mẫu hệ, thể tính cao nhất là mẹ.

- Yếu tính tôn giáo mẫu hệ giống yếu tính của tình mẹ.

+ Tình mẹ thì vô điều kiện...nên người ta cũng không thể kiểm soát và thâu đoạt nó.

+ Sự hiện diện của nó mang lại cho kẻ được yêu một ý vị phúc lạc; sự vắng mặt tạo ra ý vị mất mát và hoàn toàn tuyệt vọng.

> Bởi vì bà mẹ yêu con cái của mình ở chỗ chúng là con cái của bà chứ không phải vì chúng “tốt”, ngoan ngoãn hay đã thoả mãn những ước vọng và những chỉ dạy của bà – cho nên tình yêu của mẹ đặt trên lề bình đẳng - mọi người đều bình đẳng và tất cả đều là con cái của một bà mẹ, bà mẹ Trái Đất.

- Giai đoạn kế tiếp của tiến hoá nhân loại: giai đoạn phụ hệ (giai đoạn chúng ta biết đầy đủ nhất).

+ Người cha trở thành thể tính tối thượng, trong tôn giáo cũng như trong xã hội.

+ Bản chất của tình cha là ông tạo ra những đòi hỏi thiết lập những nguyên tắc và luật lệ và tình yêu của ông đối với con trai của ông dựa trên sự phục tùng của nó đối với những đòi hỏi này. (Dĩ nhiên, E.F đang mặc nhận tôn giáo như là sự phóng chiếu đời sống con người. Tuy nhiên phân tích yếu tính tình cha vẫn còn sơ sài: từ đâu có những đòi hỏi ấy? Vì ông ta không chắc chắn, lo sợ cạnh tranh – nên ông ta đòi hỏi sự thử thách và phục tùng?).

(+) Kẻ xứng đáng nhất (trong các con) sẽ là truyền nhân của ông với tư cách là một kẻ kế thừa những sở hữu của ông. (Sự phát triển của xã hội phụ hệ song song với sự phát triển về tư hữu) (Tình mẹ có cơ sở tuyệt đối của sự sở hữu, tình cha thì không - sự sở hữu của ông phải dựa vào những dấu hiệu khác. Chúng vẫn có một điểm chung: ý thức về tư hữu. Đối chiếu với tục truyền cho con trưởng thì sao? Phải chăng là liên quan đến ý thức trọng tôn ti trật tự tuổi tác của xã hội nông nghiệp (hay nhu cầu duy trì trật tự). Trong lịch sử phương Tây thì sao?)

+ Hậu quả của yếu tính phụ hệ là xã hội phụ hệ có một tính cách đẳng cấp

- Tính cách bình đẳng nhường bước cho cạnh tranh và hỗ tương xung đột.

+ Các nền tôn giáo: Do Thái, Cơ Đốc, hay Hồi Hồi, nền văn hoá Ấn Độ hay Hy Lạp đều có tính phụ hệ với những thần linh nam tính của nó – trên hết có một thần linh chủ tể/hay mọi thần linh đều bị loại bỏ, chỉ trừ lại Một, Thượng Đế.

- Tuy nhiên, ước vọng đối với mẹ không thể bị loại tuyệt khỏi những trái tim người...

> Trong Cơ Đốc giáo, Mẹ được tượng trưng bằng Giáo hội, bằng Thánh nữ đồng trinh.

> Ngay trong Tân giáo, bà mẹ vẫn tàng ẩn:

+ Luther lập ra nguyên tắc chủ yếu rằng: con người không làm được gì để tạo ra tình yêu của Chúa.

> Tình yêu của Chúa là ân sủng, thái độ tôn giáo là phải có niềm tin đối với ân sủng này và phải làm cho mình nhỏ lại và yếu ớt.

- Có thể thấy giáo lý Cơ Đốc về những việc thiện thuộc khuôn hình phụ hệ: tôi có thể chiếm được tình yêu của cha bằng vào sự phục tùng và thoả mãn những đòi hỏi của ông.

- Giáo lý của Luther, trái lại, mặc dù có những đặc tính phụ hệ rõ rệt, mang trong đó một yếu tố mẫu hệ tiềm tàng: tình yêu của mẹ không thể mua chuộc được, tất cả những gì tôi có thể làm là để có đức tin và biến đổi thành đứa con yếu ớt bất lực.

+ Điểm đặc biệt trong đức tin của Luther là khuôn mặt mẹ bị thay đổi bằng khuôn mặt cha trong khuôn hình biểu lộ - dù chắc chắn được yêu bởi mẹ, mối hoài nghi mãnh liệt và hy vọng chống lại hy vọng nhắm đến tình yêu vô điều kiện do người cha đã trở thành sắc thái nổi bật nhất. (Liên hệ đến hình tượng Quan Thế Âm Bồ tát).

- Trong khía cạnh phụ hệ, tôi yêu Chúa như một người Cha: người trách phạt và tưởng thưởng...

- Trong khía cạnh mẫu hệ, tôi yêu Chúa như Bà Mẹ bao dung: tôi có niềm tin ở tình yêu của bà, không kể tôi là gì...bất kể điều gì xảy ra cho tôi, bà sẽ giúp tôi, cứu rỗi tôi, tha thứ tôi...

> Khỏi phải nói, tình yêu của tôi đối với Chúa và tình yêu của Chúa đối với tôi không thể tách rời nhau. (Vì thực chất đây là phương cách cảm nghiệm hợp nhất để vượt qua ly cách - cảm nghiệm bao nhiêu thì phần thưởng bấy nhiêu/mặc dầu nó có phải là ảo tưởng nhất thời hay không?).

- Một yếu tố khác để xác định bản chất của tình yêu Chúa là trình độ trưởng thành mà cá nhân đạt được từ đó.

(continued)

Erich Fromm, Phân tâm học và tình yêu.4

4. Tự ái.

- Trong khi không có một vấn nạn nào khởi lên nhằm vào khái niệm tình yêu đối với nhiều đối tượng khác nhau thì có một tin tưởng quảng bá, theo đó nếu yêu kẻ khác là một tính tốt thì yêu chính mình là một tính xấu.

+ Người ta mặc nhận rằng bao lâu tôi còn yêu chính tôi thì tôi không yêu những kẻ khác - tự ái cũng đồng với vị kỷ.

+ Freud nói về tự ái cũng giống như tự tôn: quay libido hướng về chính mình.

> Tự tôn là giai đoạn sơ thuỷ nhất trong đà phát triển của con đường đến tự ái và kẻ nào vào cuối đời còn trở về với gia đoạn tự tôn này thì không thể yêu – nó là kẻ mất trí trầm trọng.

> Tình yêu là sự biểu lộ của libido: libido quy hướng vào người khác -> tình yêu; quy hướng vào chính mình -> tự ái.

- Như thể (theo Freud), tình yêu và tự ái chối bỏ lẫn nhau theo nghĩa: cái này càng nhiều lên thì cái kia càng ít lại.

- Câu hỏi của ta là: phải chăng sự quan sát tâm lý có một chủ trương thể tài rằng: có mâu thuẫn cơ bản giữa tình yêu cho chính mình và tình yêu cho những kẻ khác?

+ Phải chăng tình yêu cho mình cùng hiện tượng như vị kỷ - hay chúng đối lập nhau?

+ Liệu tính vị kỷ có thật sự đồng nghĩa với “mối bận tâm về chính mình, với tư cách là một cá thể, với tất cả những tiềm năng về tri thức, xúc cảm và nhục dục của mình”?

> Phải chăng “nó” đã không trở thành một phụ vật của vai trò kinh tế xã hội của mình?

> Phải chăng vị kỷ đương nhiên sẽ không được tạo ra nếu thiếu tự ái?

- Chúng ta phải nhấn mạnh sự sai lầm về lý luận khi cho rằng tình yêu đối với kẻ khác và tình yêu cho chính mình chối bỏ lẫn nhau.

+ Nếu yêu kẻ láng giềng, mà tôi xét như một nhân thể, là một tính tốt thì yêu chính tôi cũng là một tính tốt.

+ Chúng không phải là một điều xấu bởi vì tôi cũng là một nhân thể vậy!

- Sự trọng thị đối với tính cách trọn vẹn và độc nhất của chính mình, yêu thương và hiểu biết về bản ngã của chính mình - những điều ấy không thể tách rời khỏi sự trọng thị, yêu thương và hiểu biết một cá thể khác. (Kẻ nào không biết tôn trọng và yêu thương chính mình thì cũng không yêu thương thực sự được ai cả. Ngược lại một tình yêu với kẻ khác, dù thế nào, mà vẫn loại trừ bản thân nó thì vẫn ít nhiều có sắc thái giả tạo – ít ra là một khiếm khuyết). [Thận trọng khi xét sự hy sinh!] (Những khó khăn của việc trình bày về kinh nghiệm đi thẳng vào trung tâm. Lối tư duy logic hình thức theo nguyên tắc tập hợp với sự ý thức rằng, bản thân các tập hợp chỉ là một cách diễn giải khả dĩ và giả tạm, vì/bởi mỗi phần tử lại là một hỗn hợp không thể cô lập được – nó chỉ bị cô lập trong một trường giả thuyết định hướng sẵn khi triết lý khở lên mà thôi).

+ Không có một khái niệm nào về con người mà trong đó không có tôi!

(Những tiền đề cơ bản của tâm lý mà những kết luận của chúng ta được dựng lên trên đó).

- “Chính chúng ta cũng là “đối tượng” cho những cảm thức và thái độ của chúng ta; những thái độ nhắm đến kẻ khác và nhắm đến chúng ta đều có tính cách liên kết tự căn bản, không có gì mâu thuẫn cả!”.

+ Điều này có nghĩa: tình yêu cho kẻ khác và tình yêu cho chính ta không có tính cách tuần tự.

> Thái độ tình yêu bước đến chính mình sẽ được tìm thấy trong tất cả những ai có thể yêu thương kẻ khác.

+ Trên nguyên tắc, tình yêu có tính cách vô phân biệt – bao lâu sự liên lạc giữa “những đối tượng” và bản ngã của chính mình được xét đến. (Bản ngã – cái tôi ý thức tôi. Mô tả tương quan chỉ xuất hiện do có sự xét đến phân chia “những đối tượng” và “bản ngã”).

- “Tình yêu” thuần tuý là một biểu lộ của sự tạo tác và bao hàm sự quan tâm trọng thị, trách nhiệm và nhận thức.

> Nó không phải là một hậu quả được gây nên bởi một ai đó, mà là một cố gắng tính cực cho sự trưởng thành và hạnh phúc của kẻ được yêu, bắt rễ trong chính năng tính yêu thương của mình. (Những cố gắng vượt qua những vấn nạn do cái nhìn từ góc độ cá nhân chủ nghĩa đem lại bằng vào các kinh nghiệm hơn là vào một sự thay đổi triệt để nhãn quan) [Năng tính yêu thương đang được xem như một bản tính cơ sở của con người].

- Yêu người là thực hiện và tập trung sức mạnh để mà yêu.

- Tình yêu của một người, không phải là một trừu tượng, theo sau tình yêu đối với một mẫu người đặc biệt như người ta thường nghĩ, mà là tiền đề của nó, dù thông thường căn bản phải có sự yêu những cá thể đặc biệt.

> Nếu thế thì bản ngã của riêng tôi phải là một đối tượng cho tình yêu của tôi cũng như kẻ khác.

- Sự khẳng định về cuộc sống hạnh phúc trưởng thành tự do của chính mình được bắt rễ trong năng tính yêu thương của chính mình, tức là trong quan tâm, trọng thị, trách nhiệm và nhận thức.

- Tính vị kỷ, nó bài trừ mọi mối bận tâm thực sự nào đối với kẻ khác.

+ Kẻ vị kỷ chỉ bận tâm đến chính mình, muốn mọi vật đều vì mình, không có cảm giác trong sự cho mà trong sự lấy.

> Thế giới bên ngoài chỉ được nhìn theo quan điểm của điều mà nó có thể lấy ra được từ đó...không bận tâm đến nhu cầu của kẻ khác.

>...người ấy không thấy gì ngoài mình ra...phán đoán một người và mọi vật từ tính cách hữu dụng của nó đối với mình...tự căn bản người ấy không thể yêu.

> Vị kỷ và tự ái không phải là đồng nhất, mà là những đối lập thực sự.

+ Kẻ vị kỷ không yêu mình quá nhiều mà lại rất ít - sự thực kẻ ấy ghét chính mình.

> Kẻ ấy chắc chắn là bất hạnh và lo lắng, chú tâm giật lấy những thoả mãn từ sự sống, những thoả mãn mà kẻ ấy tự chặn đứng mình lại không cho vươn tới. (Nó cố gắng theo kiểu nó có thay vì nó là).

> Kẻ vị kỷ, sự thực, không thể yêu chính mình.

- (So sánh tính vị kỷ với sự bận tâm thái quá của một bà mẹ với đứa con...)

- Bà quá bận tâm không phải vì bà quá thương con mà chính vì bà phải bù đắp sự thiếu sót trong năng tính yêu thương của bà đối với đứa con.

- Lý thuyết về bản chất vị kỷ này được xác chứng bởi kinh nghiệm phân tâm với sự “xả kỷ” thần kinh bệnh, một triệu chứng thần kinh bệnh được quan sát không phải ở một số ít những người thường bị rối loạn không do triệu chứng này mà do những triệu chứng khác có liên hệ với nó:

(+) Tinh thần bạc nhược.

(+) Mệt mỏi

(+) Kiệt lực

(+) Thất bại trong những tương quan tình yêu

(+) Và chứng “xả kỷ” cũng được coi là một triệu chứng chứ không đơn thuần là kết quả được nói lên bởi các triệu chứng trên.

- ...Tính cách “xả kỷ” thường là một đặc điểm vãn hồi cá tính, những cá tính mà căn cứ trên đó những hạng người này lấy làm tự phụ.

- Kẻ “xả kỷ” (kẻ thực ra vốn luôn sống “chỉ cho mình là quan trọng”) bối rối khi thấy rằng, mặc dù xả kỷ, nó vẫn không hạnh phúc, và thấy rằng những tương quan của mình với những ai thân thiết mình đều không thoả thích.

> Phân tích tinh thần chứng tỏ rằng: kẻ xả kỷ có biểu hiện triệu chứng quan trọng nhất khi “xả kỷ” là:

(+) Nó bị tán tâm trong năng tính yêu thương của mình – hay trong thụ hưởng một điều gì.

(+) Rằng nó bị xâm chiếm bởi sự oán hận đời sống.

(+) Và rằng mặt trái của xả kỷ che dấu một tính cách quy ngã tế nhị không kém phần mãnh liệt.

- Bản chất của tính xả kỷ trở thành hiển nhiên một cách đặc biệt trong hiệu qủa của nó gây trên những kẻ khác.

> Thường xảy ra nhất trong nền văn hoá của chúng ta là hiệu quả mà bà mẹ “xả kỷ” gây trên con cái bà.

+ Bà tin rằng với sự xả kỷ của bà, con cái bà sẽ cảm nghiệm cái gì cần phải được yêu thương và học hỏi, rồi thì, cái gì phải yêu thương.

> Tuy nhiên hiệu quả của tính xả kỷ của bà không hoàn toàn phù hợp với những kỳ vọng của bà: con trẻ không thấy hạnh phúc dù rằng chúng được mọi người xác tín rằng: chúng được yêu thương.

> Chúng lo lắng, căng thẳng, sợ mẹ không bằng lòng và lo lắng tuân theo những kỳ vọng của bà.

- Thông thường chúng bị ảnh hưởng bởi sự oán hận ngấm ngầm của mẹ chúng đối với cuộc sống - sự oán hận mà chúng cảm hơn là biết rõ – và cuối cùng, chúng cũng nhiễm đầy sự oán hận ấy.

- Hiệu quả của bà mẹ “xả kỷ” không hoàn toàn khác với hiệu quả của vị kỷ; thực ra nó còn tệ hơn nữa, bởi vì tính xả kỷ của bà mẹ ngăn cản không cho con cái phê bình bà.

+ Chúng được đặt vào tình trạng bắt buộc không được bất mãn đối với bà.

+ Chúng được dạy dỗ. dưới mặt nạ nhân đức, không mấy ưa cuộc sống.

- (Ý niệm về tự ái của Meister Eckhart)

- “Nếu bạn yêu lấy bạn, bạn yêu mọi kẻ khác như là bạn yêu bạn. Bao lâu bạn yêu kẻ khác ít hơn yêu chính mình, bạn sẽ không thể yêu lấy chính bạn thực sự; nhưng nếu bạn yêu tất cả như nhau, kể cả chính bạn, bạn sẽ yêu họ như là một người và người ấy là cả Thượng Đế và Con Người. Như thế, kẻ ấy là một kẻ vĩ đại, trung thực; kẻ mà do yêu chính mình nên yêu đồng đều tất cả những người khác”. (Xem lại nền tảng siêu hình học của vấn đề với “Xác lập cơ sở cho đạo đức”. Luận điểm này dễ nhận thấy có sự nhập nhằng giữa tính hiển nhiên của sự kiện có tình yêu thương vô ngã giữa mọi cá thể - vô điều kiện và tức thì - với luận điểm siêu hình rằng tất cả thảy đều là Một – cái Một bản thể của truyền thống Ky tô giáo; hoặc là các cá thể là ảo tưởng trong triết học của Schopenhauer).

Erich Fromm, Phân tâm học và tình yêu.3

III. Đối tượng của tình yêu.

(Từ quan điểm về tình yêu như một thái độ đối chiếu với những lệch lạc khi coi tình yêu là mối tương quan với một người đặc biệt)

- Tình yêu không phải là một mối tương quan với một người đăc biệt – nó là một thái độ, một chiều hướng của cá tính xác định tương quan của một người với thế giới với tư cách một toàn thể, không phải nhắm đến một đối tượng của tình yêu.

[Có thể làm lời đề tựa]

+ Nếu một người chỉ yêu một kẻ khác và thờ ơ với những đồng loại còn lại, tình yêu của nó không phải là tình yêu mà là một quyến luyến cộng sinh, hay là một duy ngã nới rộng.

+ Hầu hết mọi người tin rằng tình yêu được thiết lập bởi đối tượng, chứ không phải bởi khả năng.

> Chứng cứ cho cường độ tình yêu của họ là họ không yêu một ai ngoại trừ một kẻ “được yêu”.

> Người ta không thấy rằng tình yêu là một hoạt động.

1. Tình anh em.

- Tình anh em là tình yêu căn bản nhất, nền tảng cho mọi kiểu mẫu tình yêu.

- Với tình anh em, tôi chỉ cho ý nghĩa về trách nhiệm, quan tâm, trọng thị, nhận thức về một con người khác nào đó, ước muốn giúp đỡ sự sống của nó.

- Tình anh em là tình yêu đối với tất cả loài người: nó có đặc điểm là không cực đoan.

- Tình anh em dựa trên cảm nghiệm rằng tất cả chúng ta đều là một.

+ Những sai biệt trong tài năng, trí năng, tri thức đều có thể bỏ qua so với đồng nhất tính của tâm điểm con người chung cho tất cả mọi người. (Xem “Sự hình thành con người” và “Lý luận không có con người” của Trần Đức Thảo).

+ Mối thân thuộc từ trung tâm tới trung tâm: Simone Weil: “Cùng lời nói ấy (thí dụ, một người nói với vợ mình: tôi yêu mình) có thể là tầm thường hay phi thường tùy theo cách nói lên của chúng. Và cung cách này dựa trên miền sâu của vùng, trong thể tính của con người mà chúng diễn tiến từ đó; không cần đến ý chí với khả năng làm một việc gì đó. Và bằng một thỏa thuận kỳ lạ chúng tiến vào vùng ấy trong kẻ đang nghe chúng” (Điều này thật ý nghĩa khi so với thế giới lý tưởng của Plato).

- Tình anh em là tình yêu giữa hai kẻ ngang hàng: nhưng sự thực, chúng ta không bình đẳng như là những kẻ ngang hàng; vì chúng ta là người nên chúng ta cần có sự giúp đỡ. (Bản chất xã hội của loài người – xem các thảo luận liên quan của K.Marx).

+ Nhưng nhu cầu giúp đỡ này không có nghĩa rằng người này thiếu sức người kia dư sức.

+ Bất hạnh là một điều kiện tạm thời; khả năng đi và đứng bằng đôi chân của chính mình là một khả năng thường trực và chung. (Liệu có liên quan gì đến những phê phán xung quanh vấn đề “luật pháp và đạo dức là khế ước của xã hội những kẻ có bản chất xấu xa” của các nhà ngụy biện Hy Lạp?)

- Tuy nhiên, tình yêu một kẻ yếu ớt; tình yêu một người nghèo, một kẻ lạ, là khởi đầu của tình anh em.

+ Chỉ trong tình yêu của kẻ nào không phục vụ cho một chủ đích, tình yêu mới bắt đầu thổ lộ.

> Cựu Ước: đối tượng trung tâm tình yêu của con người là kẻ nghèo, kẻ lạ, quả phụ và cô nhi, và cuối cùng là kẻ thù quốc gia, người Ai Cập và người Edomite.

+ Bằng lòng lân tuất với kẻ yếu ớt, con người bắt đầu phát triển tình yêu với huynh đệ mình, và trong tình yêu của nó với chính nó, nó cũng yêu kẻ đang cần giúp đỡ, kẻ bạc nhược và bất an.

> Lòng lân tuất bao hàm yếu tố nhận thức và đồng nhất hóa: Cựu Ước: “…vì bạn là những khách lạ trong lãnh thổ Ai Cập; vậy nên bạn hãy yêu khách lạ” (Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm/Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân)

2. Tình mẹ

- Tình mẹ, như tôi đã nói, là khẳng định vô điều kiện về sự sống của con trẻ và những nhu cầu của nó.

> Nhưng còn một quan trọng nữa thêm vào mô tả này:

- Sự khẳng nhận về sự sống của con trẻ có hai khía cạnh; một là quan tâm và trách nhiệm tuyệt đối cần thiết để duy trì sự sống của con trẻ và sự khôn lớn của nó.

- Khía cạnh khác tiến xa hơn việc chỉ duy trì. Đó là thái độ tiêm nhiễm trong con trẻ một tình yêu hướng đến sự sống và mang lại cho nó cảm giác ấy: sống còn thật là quý hóa, làm bé trai hay bé gái thật là quý hóa, ở trên trần gian thật là quý hóa! (Tự nhiên liên hệ đến những câu chuyện về tự tử chủ yếu xảy ra ở trẻ vị thành niên hiện nay).

+ Hai sắc thái của tình mẹ này được diễn tả rất gọn gàng trong câu chuyện về Sáng Tạo của Thánh Kinh: Chúa tạo ra thế giới, và loài người – điều này tương xứng với sự quan tâm và khẳng nhận giản dị về Hiện Hữu/ Nhưng Chúa vượt quá sự cần yếu tối thiểu này – mỗi ngày sau khi thiên nhiên - và loài người - được tạo ra, Chúa phán: “Thật là quý hóa”.

+ Tình mẹ trong bước thứ hai này khiến cho đứa con cảm thấy: sinh ra là điều quý hóa, nó tiêm nhiễm cho con trẻ “tình yêu đối với sự sống”, và không chỉ ước vọng sống còn.

+ Một ý tưởng nữa: diễn tả trong Thánh Kinh: Đất Hứa (Đất luôn luôn là biểu tượng về Mẹ) được mô tả như là “chảy tràn sữa và mật”.

+ Sữa là biểu tượng cho sắc thái thứ nhất của tình yêu: sắc thái quan tâm và khẳng quyết.

+ Mật tượng trưng cho sự êm dịu của sự sống, tình yêu đối với nó là hạnh phúc sống còn.

> Hầu hết các bà mẹ có thể cho “sữa”, nhưng chỉ số ít mới có thể cho cả “mật”.

+ Để có thể cho “mật”, một bà mẹ không những chỉ duy trì là một “mẹ hiền”, mà còn phải là một người sung sướng–và mục tiêu này không được hòan thành nhiều cho lắm!

+ Hậu quả gây trên con trẻ có thể cực kỳ quá độ - tình yêu của mẹ đối với sự sống cũng di truyền như mối ưu tư của bà.

> Cả hai thái độ đều có một hậu quả sâu xa trên toàn thể nhân cách của con trẻ, thực vậy, người ta có thể phân biệt ở những đứa trẻ - và người lớn – những đứa chỉ nhận được “sữa”, và những đứa nhận cả “sữa và mật”.

- Trái với tình anh emtình dục lạctình yêu giữa những kẻ đồng hàng, mối tương quan của mẹ và con tự bản chất là một tương quan bất bình đẳng.

+ Ở đó, một bên cần có mọi giúp đỡ và một bên mang lại sự giúp đỡ.

> Chính bởi có tính vị tha và vô ngã này mà tình mẹ đã được xem như là loại tình yêu cao cả nhất và thiêng liêng nhất của tất cả những ràng buộc xúc cảm.

- Tuy nhiên, hình như sự tựu thành thực tế của tình mẹ không nằm trong tình yêu của bà mẹ đối với con trẻ nhỏ dại mà trong tình yêu của bà đối với đứa con khôn lớn.

+ Thực tế đa số các bà mẹ đều yêu đứa con khi còn nhỏ (bao lâu cho đến khi chúng không còn lệ thuộc và bà nữa).

> Hình như thái độ yêu thương này có một phần bắt rễ trong một công cụ bản năng thấy có ở loài vật cũng như ở người nữ.

+ Tuy nhiên, vẫn còn có yếu tố tâm lý đặc biệt con người, có thể được tìm thấy trong chất liệu tự tôn của tình mẹ.

+ Bởi vì trẻ con vẫn còn được cảm thấy như là một phần của chính bà, nên tình yêu và sự say đắm của bà còn có thể là một thỏa mãn của tính tự tôn của bà. (chừng nào bà chưa ý thức về tình yêu hoạt động tính /với tất cả mọi người).

+ Một phát động khác: ước vọng của bà mẹ đối với quyền năng hay chiếm hữu.

+ Con trẻ, yếu ớt và hoàn toàn lệ thuộc ý chí của bà, là một đối tượng tự nhiên cho sự thỏa mãn của một người đàn bà hay thị uy và chiếm hữu.

+ Môt động lực khác, quan trọng và phổ quát hơn, đó là nhu cầu hướng thượng.

+ Nhu cầu hướng thượng là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người bắt rễ trong sự thật tự giác của nó, trong sự kiện theo đó nó không thể chấp nhận coi mình như là hạt xúc xắc được nhặt ra từ cái ly.

> Nó cần phải cảm thấy mình như một hóa công, như một kẻ vươn lên trên vai trò thụ động của vật thụ tạo.

- Có nhiều đường lối để hoàn thành thỏa mãn về sáng tạo này, dễ dàng và tự nhiên nhất là sự quan tâm và tình yêu của mẹ với sự sáng tạo của bà - đứa con.

- Nhưng đứa trẻ phải khôn lớn. Nó phải ra khỏi lòng mẹ...sau cùng trở thành một con người hoàn toàn tách biệt.

- Yếu tính đích thực của tình mẹ là chăm sóc cho sự khôn lớn của con trẻ tách khỏi chính bà.

> Có sự khác biệt cơ bản với tình dâm dục.

+ Trong tình yêu dục lạc, hai người cách biệt trở thành một.

+ Trong tình mẹ, hai người là một mà trở thành cách biệt.

> Chính ở giai đoạn này mà tình mẹ trở thành một phận sự rất khó khăn, nó đòi hỏi xả kỷ - cái khả năng cho tất cả và không muốn gì cả ngoại trừ chỉ muốn có cái hạnh phúc của kẻ mà nó yêu (cũng là hạnh phúc của kẻ được yêu là nó).

- Chỉ có người đàn bà thực sự yêu thương, người đàn bà sung sướng trong sự cho hơn sự lấy, người đàn bà bắt rễ chặt trong hiện hữu của chính mình, mới có thể là một bà mẹ yêu thương khi đứa con đang trên đà tách rời.

- Tình mẹ với đứa con khôn lớn, thứ tình yêu không đòi hỏi gì cả cho chính mình, có lẽ là hình thái tình yêu khó tựu thành nhất.

+ Sự thử thách chính là ý chí chịu đựng cách biệt – và ngay cả sau khi chia cách vẫn tiếp tục yêu thương. (Thế còn tình yêu của người con trưởng thành với một bà mẹ trưởng thành?/vị kỷ?).

3. Tình yêu dục lạc.

- Tình anh emtình yêu ngang hàng, tình mẹtình yêu với kẻ yếu ớt – dù có khác biệt nhưng từ bản chất đích thực, chúng không bị hạn hẹp vào một người.

+ Nếu tôi yêu em tôi, tôi yêu tất cả anh em của tôi; nếu tôi yêu con tôi, tôi yêu tất cả các con tôi; song le, không phải rằng tôi yêu tất cả những đứa con, mà là tất cả cần sự giúp đỡ của tôi.

- Tình yêu dục lạc – trái với hai loại trên – là sự ham muốn nhằm phối hợp toàn diện, nhằm hợp nhất với một kẻ khác.

- Tự bản chất nó cực đoankhông phổ biến –> có lẽ, đây cũng là một hình thức lường gạt của tình yêu.

- Trước hết, nó thường được lẫn lộn với cảm nghiệm bùng nổ về sự “sa vào” tình yêu; sự sụp đổ bột phát của những rào cản tồn tại giữa hai kẻ lạ cho đến lúc này.

> Nhưng tự bản chất, cảm nghiệm về sự thân thiết bốc đồng này thật là vắn vỏi.

+ Khách lạ đã thành người quen biết thân mật – không còn rào cản nào phải vượt qua, không còn sự thắt chặt bốc đồng nào cần phải làm xong nữa.

> Người “được yêu” trở nên được biết như chính mình - được biết rất ít.

- Nếu có sự sâu xa hơn trong cảm nghiệm về người khác, nếu kẻ này có thể cảm nghiệm về sự vô hạn của nhân cách mình, người kia sẽ không bao giờ quen thân đến thế - và sự kỳ diệu vượt qua những rào cản có thể diễn ra mỗi ngày một mới.

- Nhưng với hầu hết mọi người, nhân cách của chính mình cũng như của những kẻ khác càng được thám hiểm càng bị kiệt quệ.

+ Đối với họ sự thân mật ban sơ được thiết lập xuyên qua giao hợp tình dục.

+ Vì ban sơ họ cảm nghiệm tình trạng ly cách với kẻ khác như là ly cách về vật lý; do đó sự hợp nhất về vật lý như là sự vượt qua ly cách.

+ Ngoài ra với nhiều người, có những yếu tố khác cũng là sự vượt qua ly cách:

(+) Tự bộc lộ với vẻ trẻ con khi nói về sự sống riêng tư của chính mình.

(+) Hay thiết lập mối quan tâm chung đối với thế giới theo những sắc thái trẻ con.(Làng Ven?).

(+) Ngay cả tự bộc lộ sự giận dữ, mối tị hiềm, hoàn toàn thiếu tự chế của mình.

> Đều được coi như sự thân thiết.

- Điều này cắt nghĩa sự quyến rũ lệch lạc mà cặp phối ngẫu thường bày tỏ cho nhau: hình như họ chỉ thân thiết cùng giường hay khi họ bày tỏ cho nhau mối tị hiềm hay thịnh nộ của mình.

> Nhưng tất cả những mật thiết này càng lúc càng bị giảm sút theo thời gian.

> Hậu quả là người ta đi tìm tình yêu mới với một người mới, với một kẻ lạ mới.

+ Cảm nghiệm sa vào tình yêu lại phấn khích và tăng cường, và dần dà càng lúc nó càng dịu xuống và chấm dứt trong ước vọng đối với một cuộc chinh phục mới, một tình yêu mới – luôn luôn với ảo tưởng rằng tình yêu mới sẽ khác với những tình yêu cũ.

+ Những ảo tưởng này được hỗ trợ rất nhiều bởi cá tính lường gạt của ham muốn dục tình.

- Ham muốn dục tình nhắm đến chỗ phối hợp – và không phải chỉ là một đòi hỏi sinh lý, giải tỏa một áp chế đâu đớn. (theo kiểu Frued).

- Ham muốn dục tình còn có thể được kích thích bởi:

+ Ưu tư về cô độc.

+ Ước vọng muốn chinh phục/hay được chinh phục.

+ Sự hư ảo/ước vọng muốn bức khổ/ngay cả muốn hủy diệt.

> Chẳng khác nào nó có thể được kích thích bởi tình yêu.

- Hình như ham muốn dục tính có thể được kết nối với/và được kích thích bởi bất cứ một cảm xúc mãnh liệt nào đó, (mà tình yêu chỉ là một trong những xúc cảm ấy). (Đúng, nhưng mà không có dữ kiện nào à? Giả thuyết?).

- Bởi vì ham muốn tính dục được ghép với ý niệm về tình yêu nên họ dễ bị đánh lạc hướng để đưa đến kết luận rằng:

+ Họ yêu nhau khi họ ham muốn kẻ khác về mặt cơ thể.

+ (Và/bởi) yêu có thể làm hứng khởi ước vọng hướng đến sự hợp nhất tính dục –> trong trường hợp này, tương quan cơ thể thiếu tham dục/thiếu ước vọng chinh phục hay được chinh phục nhưng được nối kết với sự mẫn cảm.

- Nếu ham muốn hướng tới hợp nhất về cơ thể không được kích thích bởi tình yêu, nếu tình yêu dục lạc cũng không phải là tình huynh đệ, nó không bao giờ dẫn đến chỗ hợp nhất trong ý nghĩa (sắc thái?) cuồng lạc.

+ Tạm thời hơn, sự quyến rũ tính dục đôi khi tạo nên ảo tưởng về hợp nhất – nhưng không có “tình yêu hợp nhất này” -> để những khách lạ lại cách biệt nhau như trước kia.

> Đôi khi nó làm họ cả thẹn nhau, hay cả đến ghét nhau, bởi vì khi ảo tưởng đã đi mất, họ cảm thấy xa lạ nhau rõ rệt hơn trước nữa.

- Sự mẫn cảm không phải là, như Freud tin tưởng, một sự thoáng qua của bản năng tính dục; nó là hiệu quả trực tiếp của tình anh em, và hiện hữu trong những hình thức cơ thể, cũng như phi cơ thể. (Mệnh đề này thực ra rất phức tạp. Ví dụ như nói về bản chất hàng một của con người với Trần Đức Thảo – Lý luận không có con người/Sự hình thành con người. Hay như với F.J và các tiểu luận liên quan đặc biệt là Xác lập cơ sở cho đạo đức).

- Trong tình yêu dục lạc có một cực đoan mà tình anh em và tình mẹ không có.

+ Thường sự cực đoan trong tình yêu dục lạc bị hiểu lệch lạc như là sự quyến luyến chiếm hữu – ta có thể thường thấy hai người đang “yêu nhau”, họ không thấy tình yêu đối với kẻ khác.

> Thực ra tình yêu của họ là một vị kỷ tay đôi (egoisme à deux)).

+ Họ là hai người đồng nhất với nhau, và họ giải quyết vấn đề ly cách bằng cách nới rộng cá thể đặc dị thành hai.

+ Họ có cảm nghiệm vượt qua tình trạng cô độc, nhưng vì họ bị ly cách với tất cả những người khác, nên họ vẫn còn bị ly cách nhau và ly gián nhau: cảm nghiệm hợp nhất của họ là một ảo tưởng. (Hợp nhất đích thực phải là xả kỷ?)

- Tình yêu dục lạc thì cực đoan, nhưng trong kẻ khác nó yêu tất cả nhân loại, tất cả những gì đáng sống.

+ Nó chỉ cực đoan theo nghĩa rằng tôi có thể hoàn toàn hợp nhất mình một cách mãnh liệt với một kẻ khác mà thôi.

+ Tình yêu dục lạc chỉ chối bỏ tình yêu đối với những kẻ khác theo nghĩa phối hợp tính dục, hoàn toàn phú thác vào tất cả khía cạnh của sự sống – nhưng không theo nghĩa tình anh em sâu đậm.

- Tình yêu dục lạc, nếu đó là tình yêu, có một tiền đề: tôi yêu từ yếu tính của thể tính của tôi và cảm nghiệm kẻ khác trong yếu tính thể tính của kẻ ấy.

> Trong yếu tính, tất cả loài người đều đồng nhất: chúng ta thảy đều là một phần của cái Một, chúng ta là Một. (Rộng lớn lắm đấy, và quá chung chung cho nhiều sắc thái siêu hình khác nhau).

> Thế thì không được tạo ra một sai biệt nào cho người mà ta yêu.

> Tình yêu nhất thiết phải là một hành vi của ý chí, của quyết định hoàn toàn uỷ thác sự sống của tôi cho sự sống của kẻ khác. (Ý chí đi liền với hoạt động tính và không loại trừ/giới hạn đối tượng - hướng tới mối tương quan hơn là đối tượng?).

- Thực ra, đấy là lối lý sự nấp sau ý niệm về tính chất nan giải của hôn nhân như nó nấp sau nhiều hình thức hôn nhân cổ truyền trong đó cả hai lứa đôi không bao giờ lựa chọn lẫn nhau, mà được lựa chọn cho nhau; nhưng lại được ước mong hãy yêu nhau. (Thế mô tả thế nào về hôn nhân của 2 kẻ đã ý thức về yêu như là hoạt động tính, hôn nhân của 2 người trưởng thành? E.F chỉ phê phán những sự hợp nhất/kết hợp giả tạo chứ chưa chối bỏ hôn nhân hay dục tình. Có gần gụi gì với quan điểm của Thiền tông Nhật Bản không - Thiền sư có vợ?).

- Trong nền văn hoá Tây phương hiện đại, ý niệm này có vẻ hoàn toàn sai lầm.

+ Tình yêu được coi là hậu quả của một phản ứng bốc đồng, xúc cảm, hậu quả của việc bị bắt chộp thình lình bởi một cảm giác không thể đề kháng. (Kiểu tình yêu thụ động trái với hoạt động tính).

+ Trong quan điểm này, người ta chỉ thấy những điểm đặc biệt của 2 cá thể - và không phải rằng mọi người đàn ông đều ở về phía Adam và mọi người đàn bà đều về phía Eva.

- Người ta không để ý đến một yếu tố quan trọng trong tình yêu dục lạc: đó là ý chí.

+ Yêu một người không phải là một cảm giác mãnh liệt – nó là một quyết định, dựa trên phán đoán, ước định.

+ Nếu tình yêu chỉ là một cảm giác thì sẽ không có cơ bản cho ước định để mà yêu nhau mãi mãi.

(+) Một cảm giác hiện đến và có thể bỏ đi.

(+) Làm sao tôi có thể quyết đoán rằng nó sẽ ở lại mãi mãi, khi hành vi của nó không bao hàm phán đoán và quyết định.

- Từ những quan điểm trên có thể đi đến lập trường theo đó tình yêu nhất định là hành vi của ý chí và phó thác, và do đó tự căn bản nó không xét đến vấn đề hai kẻ ấy là ai!

- Hôn nhân được sắp đặt bởi kẻ khác/hay là sự lựa chọn cá biệt - một khi hôn nhân đã được thành tựu – hành vi của ý chí phải đảm bảo sự liên tục của tình yêu.

- Quan điểm này hình như bỏ quên cá tính nghịch lý của bản chất con người và của tình yêu dục lạc: chúng ta thảy đều là Một – nhưng chúng ta là một thực thể độc nhất vô nhị. (Sự lúng túng của ngôn từ, và khả năng phiến diện của nhận xét! Xem lại những khó khăn của Mạnh Tử khi mô tả về bản tính nội tại của con người từ cái nhìn hiện hữu thông qua các mối liên hệ vận động chuyển hoá và của Phương Tây khi diễn giải mối liên hệ từ cái nhìn cá nhân chủ nghĩa).

- Trong mối tương quan với những kẻ khác, cùng một nghịch lý ấy được lặp lại.

+ Bởi vì chúng ta đều là Một nên chúng ta đều có thể yêu mọi người như nhau trong ý nghĩa tình anh em.

+ Nhưng bởi vì chúng ta cũng khác nhau nên tình yêu dục lạc đòi hỏi những yếu tố cá biệt cao hơn, đặc biệt nào đó, chúng hiện hữu giữa một vài người chứ không phải là tất cả.

- Cả hai quan điểm: “Tình yêu dục lạc như là sự quyến rũ hoàn toàn cá biệt, độc nhất giữa hai người riêng biệt” và “Tình yêu dục lạc chỉ là hành vi ý chí”; cả hai đều đúng, hay nói cho chí lý: chân lý không ở quan điểm này hay ở quan điểm kia. (Bản thân việc cô đọng mục tiêu hợp nhất/vượt qua ly cách một cách bền vững vào một tương quan đặc biệt đã là sai lầm có tính nguyên tắc. Vậy mô tả thế nào một gia đình mới?).

Erich Fromm, Phân tâm học và tình yêu.2

Phân tâm học phê bình xã hội hiện đại.

* Tình yêu giữa cha mẹ và con cái. (Sự phát triển của đứa trẻ - là con người)

- Đứa trẻ mới sinh chưa có ý thức về chính nó và về thế giới bên ngoài nó -> nó chỉ cảm giác -> một trạng thái của tự tôn: thực tại bên ngoài, người và vật, chỉ có ý nghĩa trong sự thỏa mãn hay chống lại thái độ nội tại của thể xác.

> Cái có thực là ở bên trong, những gì ở ngoài chỉ có thực theo nhu cầu của tôi, không bao giờ theo những tình cảm hay nhu cầu của chúng.

- Đứa trẻ lớn lên và tập tri giác những sự vật khác, như là có một đời sống riêng của chúng. (Vừa thoát khỏi tự tôn, nhưng cũng bắt đầu tự ý thức/ly cách).

> …Hình thành kinh nghiệm thụ động: tôi được yêu vì tôi “là”.

+ Tình yêu của mẹ thì an lạcthanh bình: nó không cần thiết được đền bù, nó cũng không thể được thâu nhận, được sản xuất, được kiểm soát.

+ Đứa trẻ 8-10 tuổi, vấn đề được yêu là duy nhất. Nó vẫn chưa yêu – nó chỉ đáp ứng cho sự được yêu.

>…Một yếu tố mới: một cảm giác mới về tình yêu tạo tác do hoạt động của mình.

+ Lần đầu tiên đứa trẻ nghĩ đến việc cho một cái gì

+ Ý niệm về tình yêu được biến đổi từ được yêu sang yêu, sang tình yêu sáng tạo.

> Cho tốt hơn nhận.

> Ý vị của hợp nhất mới.

* Tình yêu trẻ con theo nguyên tắc: “ Tôi yêu vì tôi được yêu”

* Tình yêu trưởng thành theo nguyên tắc: “Tôi được yêu bởi vì tôi yêu”

> Tình yêu non dại nói: “Tôi yêu anh vì tôi cần anh”

> Tình yêu trưởng thành nói: “Tôi cần anh vì tôi yêu anh”

- Sự phát triển về năng tính của tình yêu liên quan đến sự phát triển về đối tượng của tình yêu.

+ Khởi đầu: đứa trẻ bám chặt lấy mẹ - hoàn toàn lệ thuộc mẹ.

+ Càng ngày nó càng độc lập hơn: nó học đi, học nói, học thám hiểm thế giới dựa vào chính nó.

> Mối liên hệ với mẹ mất đi vài yếu tố sinh tồn, thay vào đó là mối liên hệ với cha.

- Những sai biệt chính yếu trong tính chất giữa tình mẹ và tình cha.

+ Tình mẹ tự bản chất là vô điều kiện – không đòi hỏi, kỳ vọng đặc biệt gì.

> Tình yêu vô điều kiện tương xứng với một trong những thiết vọng sâu xa nhất của mỗi con người, trong khi được yêu bởi vì sự xứng đáng của mình, mình đáng được hưởng nó, thì luôn luôn có một mối lo sợ rằng tình yêu có thể biến mất.

> Sự “đáng hưởng“ tình yêu dễ để lại một cảm giác chua cay rằng: người ta không được yêu vì chính mình, rằng người ta được yêu chỉ vì người ta thích, rằng người ta nói cho cùng, không được yêu hoàn toàn mà là được sử dụng. (Khi người ta suy nghĩ theo chiều hướng mình đáng được yêu thì người ta sẽ luôn kèm theo lo sợ không có tình yêu và có sự nghi ngờ chua cay).

> Tất cả chúng ta đều bám vào thiết vọng đối với tình mẹ.

> Con nít có may mắn nhận được.

> Người lớn khó hơn.

(+) Thường trong tình yêu dục tính.

(+) Vài hình thức tôn giáo.

(+) Hình thức bệnh nhiễu tâm.

+ Bà mẹ là mái nhà mà chúng ta từ đó đã ra đi, bà là thiên nhiên, là đất đai, là biển cả.

- Tình cha: người cha không biểu hiện cho thế giới tự nhiên, ông biểu hiện một cực khác của hiện hữu con người: thế giới tư tưởng của những sự thể nhân tạo, của luật pháp và trật tự, của kỷ luật, của du lịch và phiêu lưu.

+ Người cha là người dạy dỗ cho trẻ, cho nó thấy con đường đi vào thế giới.

+ Tương quan mật thiết với nhiệm vụ này, ông là người có liên hệ với sự phát triển KTXH.

> Người cha chăm sóc đứa con mà ông có thể để lại tài sản của mình – để lại cho đứa giống mình nhất – do đó ông thích nó nhất.

+ Tình cha là một tình yêu có điều kiện. Nguyên tắc của nó là “Tôi yêu anh bởi vì anh thỏa mãn những kỳ vọng của tôi, bởi vì anh làm bổn phận của anh, bởi vì anh giống tôi”.

- Khía cạnh tiêu cựctích cực trong tình chatình mẹ.

* Tích cực:

- Tình cha: có thể đạt được, kiểm sóat được.

- Tình mẹ: thường trực.

* Tiêu cực:

- Tình cha: phải được đền bù, có thể bị đánh mất.

- Tình mẹ: nằm ngoài sự kiểm soát của tôi.

- Những thái độ của mẹ và của cha đối với con cái tương xứng với những nhu cầu con trẻ.

* Mẹ:

- Quan tâm vô điều kiện về mặt vật lý và tâm lý.

- Làm cho nó bình yên trong đời sống.

- Không cố sức ngăn cản đứa con lớn lên.

- Bà có niềm tin ở sự sống, bởi thế không quá ưu tư – không tiêm nhiễm ưu tư cho đứa con.

- Một phần đời sống ao ước con trẻ trở thành độc lập – tách khỏi bà.

* Cha:

- Cần thẩm quyềnsự chỉ đạo của cha.

- Dạy dỗ, hướng dẫn nó đương đầu với những vấn đề đặt nó trước xã hội mà nó sinh ra trong đấy.

- Tình yêu được hướng dẫn bởi nguyên tắc và kỳ vọng.

- Nó phải nhẫn nại, khoan dung hơn là đe dọa và uy quyền.

- Mang cho đứa con đang lớn một ý vị gia tăng về sự trưởng thành.

- Và cuối cùng cho phép con trở thành thẩm quyền của nó – không cần thẩm quyền của cha.

- Kẻ trưởng thành đi đến điểm nó là cha và là mẹ của chính nó.

+ Người ấy có một lương tâm cha và một lương tâm mẹ.

* Lương tâm cha: “Con làm sai, con không thể tránh không nhận những hậu quả về lầm lỡ của con và trên tất cả con phải thay đổi đường lối của con nếu con muốn cha thương con”.

* Lương tâm mẹ:”Không có lỗi lầm nào, không có tội phạm nào có thể cướp mất tình yêu, ước vọng của mẹ đối với sự sốnghạnh phúc của con”.

- (Trái với siêu ngã của Frued) đứa con không liên hiệp cha và mẹ, mà là xây dựng 1 lương tâm mẹ trên năng tính riêng của nó cho tình yêu và một lương tâm cha trên lý tínhphán đoán của nó.

- Kẻ trưởng thành yêu với cả lương tâm cha và lương tâm mẹ.

+ Nếu nó chỉ duy trì lương tâm cha: hà khắc vô nhân đạo.

+ Nếu nó chỉ duy trì lương tâm mẹ: nó sẽ không thể phán đoán và cản trở chính mình, những kẻ khác trong sự phát triển.

(Nhiễu tâm ám ảnh – quyến luyến thiên cha. Loạn trí, nghiện rượu, không thể tự thị đương đầu với sự sống một cách thực tế, những bạc nhược tinh thần – sự tập trung về mẹ). [BG hướng về Heidegger như cha, ND như mẹ].

Erich Fromm, Phân tâm học và tình yêu.1

Lấy ra một ghi chép làm ví dụ về việc đọc và cũng là để quyết tâm bắt đầu đọc nốt số sách của mình đã mua.




------------------------

Erich Fromm.

The art of loving.

I. Tình yêu là một nghệ thuật.

- Hầu hết người ta nhìn vấn đề tình yêu chủ yếu là vấn đề được yêu hơn là vấn đề yêu.

> Họ cốt sao để được yêu: “được bạn và cảm hóa mọi người”

> Sự thực, những gì gọi là khả ái chính ra là một hỗn hợp giữa tính cách thông tục và khả năng gợi dục.

- Tiền đề là: sự mặc nhận vấn đề tình yêu là vấn đề của một đối tượng, không phải là vấn đề của một khả năng.

- Nền văn hóa chúng ta theo đuổi ý niệm về sự giao dịch thuận lợi. (Theo đuổi cái “có”)

> Giá trị trao đổi tùy thuộc vào thị trường, vào sự lưu hành thời thượng.

- Những ngộ nhận về kinh nghiệm sơ khởi khi sa vào tình yêu với tình trạng thường trực của việc đang yêu. (Tình yêu đang được định nghĩa lại: nó có đặc điểm là bền vững, tích cực và chủ động)

> Hai người xa lạ, bỗng thân thiết, cảm thấy là một-cái lúc đơn nhất thể này là một trong những cảm nghiệm cao hứng nhất, phấn khích nhất trong cuộc sống!

(Cảm nghiệm đơn nhất thể là một cứu cánh của loài người, dù ý thức hay vô thức?)[Cảm nghiệm đơn nhất thể/cảm nghiệm hợp nhất bao hàm ngụ ý có nhiều đối tượng cho sự hợp nhất này, không chỉ một người]

> Thực tế, họ nhanh chóng nhận ra sự sụp đổ của tính kỳ diệu-do chính sự thân thiết của họ gây ra!

- Phải ý thức: tình yêu là một nghệ thuật – Tôi sẽ trở thành một bậc thầy trong nghệ thuật chỉ sau khi có một số vốn thực hành cho đến lúc những thành quả của kiến thức lý thuyết và những thành quả của sự thực hành của tôi kết dệt thành một: sự trực giác của tôi. (Tác giả bỏ qua chưa định nghĩa một nghệ thuật, mà đi thẳng vào những đặc điểm cần có của một nghệ thuật!)

II. Những lý thuyết về tình yêu.

- Tình yêu giải đáp cho vấn đề hiện hữu của con người. (Tình yêu là cứu cánh của cuộc sống). (Đây là một nhận xét, không phải định nghĩa-định nghĩa đang được xây dựng). (Nói khác đi: tác giả nhận thấy trên con đường đi tìm cứu cánh của hiện hữu, một hình ảnh mới mẻ về yêu thương hàm ngụ lời giải đáp!). [Vậy vấn đề hiện hữu của con người là gì?]

- Con người sinh ra là đi ra từ một tình trạng cố định, cố định như những bản năng, để đi vào tình trạng bất định, bất quyết và mở rộng.

> Chỉ có sự xác thực nằm trong quá khứ - và chỉ có cái chết mới là sự xác thực ở trong tương lai.(Ý thật thâm trầm, chua xót! Nhưng tiền đề ẩn của sự tự ý thức về hiện hữu này khởi lên từ đâu? Từ ý niệm về sự phân biệt giữa xác thực, vĩnh cửu với bất quyết, vô thường à? Sau nữa là ngộ nhận về chủ thể ngã xuất phát từ tham dục à?). (Đây là sự tự ý thức!). [Bản năng sinh tồn >< nhiên giới…khi bớt phải lo lắng về cái ăn, cái mặc, an toàn..(là đã người hơn) – ưu tư về mình? – phóng chiếu tương lai – lo lắng – đi tìm tất định/đi tìm hợp nhất?) – (Và con người đi tìm sự xác thực? Vậy con người mới hỏi “tại sao?” - Vậy nên mới đi tìm “mục đích cuối cùng”? Nhưng trước hết của sự tiếp cận là: điều đó hiện hữu ngay từ đầu của sự tự ý thức].

- Hiện hữu của con người đã hiện hữu lý tính: người là sự sống ý thức về chính mình! (Tuy nhiên có vẻ hàm ngụ một cội nguồn tươi sáng trước đó! Cũng là hàm ngụ phê phán về sự tha hóa của con người như là một tất yếu!).

- Cảm nghiệm về sự ly cách là cội nguồn ưu tư.

- Nó khơi dậy sự hổ thẹncảm giác tội lỗi. (Nói “cảm nghiệm sự ly cách” là phát biểu hiện hữu người trên một bình diện chia biệt chủ thể/khách thể tương đối!). [Hai ý trên là nhận xét, chưa chứng minh!). (Định nghĩa, đặc trưng của cảm nghiệm hổ thẹn, tội lỗi?].

> Truyện Adam và Eva:

+Sau khi họ bất tuân, họ đã ăn phải “cây biết thiện, ác” (không có thiện ác, trừ phi có sự tự do bất tuân).

+Sau khi họ trở thành loài người bằng cách tự loại bỏ mình ra khỏi sự hòa điệu nguyên thủy của loài vật với nhiên giới, tức là sau khi họ sinh ra với tư cách loài người – họ thấy “mình trần truồng – và họ hổ thẹn”.

(Dưới góc độ phân tâm: cảm nghiệm hổ thẹn về sự trần truồng liên hệ với so sánh lịch sử tiến hóa của con người thế nào? Có thực siêu hình thế không? (Vẫn còn những bộ lạc trần truồng. Vẫn còn khả năng lý giải quần áo là sự tự vệ với thiên nhiên!) [Lập luận là thế này: có sự tự do bất tuân – có sự phân biệt – có sự tự thức – có sự dị dị biệt – có sự hổ thẹn!].

- Nhu cầu sâu thẳm nhất của con người là nhu cầu vượt qua sự ly cách của mình. (Liên hệ với hình ảnh Phật – người giải thoát khỏi khổ não). [Vậy phải triệt để phân tích chỉ ra những khổ não, bất an mà cảm nghiệm ly cách đem lại cho hiện hữu người – hay nói khác đi là quy chiếu vấn đề hiện hữu của con người về vấn đề ly cách – sự cảm nghiệm ly cách: bất an, xao xuyến, lo sợ, hổ thẹn, mặc cảm tội lỗi, ưu tư…]. (Liên hệ với Khổ Đế của Đức Phật).

> Một ví dụ về sự thất bại toàn triệt không hoàn thành mục tiêu: bệnh cuồng dại – sự rút lui hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài! (Nhớ rằng cảm nghiệm ly cách là do cái nhìn!).

- Câu trả lời (vấn đề vượt qua ly cách), phần lớn lệ thuộc trình độ cá biệt hóa mà một cá thể đạt được. (Tha hóa và cá biệt hóa?).

> Những đường lối tạm thời (vượt qua ly cách) phổ biến: (trong lịch sử loài người và lịch sử cá thể)

+ Trẻ thơ: bằng sự hiện diện vật lý của bà mẹ, lồng ngực, da thịt mẹ..

+ Con người ấu trĩ: bằng đồng hóa với nhiên giới, thờ vật tổ, linh thú…

+ Một đường lối vượt qua ly cách bằng những trạng thái say.

- Càng được thực hiện một cách công cộng, một cảm nghiệm hỗn hợp với nhóm – càng hiệu lực hơn.

- Có liên hệ mật thiết và thường được hỗn hợp với giải pháp cảm nghiệm dục tình – một trạng thái tương tự với một hôn mê, hay với hiệu quả của những ma túy nào đó.

- Bao lâu những trạng thái say còn là một thực hành chung của bộ lạc – chúng không tạo ra ưu tư hay tội lỗi – những kẻ chọn giải pháp phi xã hội chịu khổ vì cảm giác tội lỗi, hối hận – cố thoát khỏi ly cách bằng lẩn trốn vào rượu hay thuốc – càng ly cách hơn – tăng thêm độ số và cường độ.

+ Tất cả những hình thức về hợp nhất có tính cách say đều có 3 đặc điểm:

i. Chúng mãnh liệt, bạo tợn.

ii. Chúng xảy ra trong nhân cách toàn diện, tâm và thân.

iii. Chúng biến chuyển và có từng lúc.

+ Hình thức hợp nhất đã từng là giải pháp thường trực nhất được lựa chọn: sự hợp nhất căn cứ trên phù hợp với nhóm, với những phong tục, những thực hành và những tin tưởng của nó.

> Bản ngã cá biệt biến mất phần lớn/mục tiêu này là tuỳ thuộc tập đoàn.

> Vì phải có một giải đáp cho truy tầm hợp nhất - nếu không có đường lối nào khác thì đây là lựa chọn trên hết. (Các hiện tượng bè nhóm, forum, thiếu niên vị thành niên hip hop, hội bạn, đồng hương…).

+ Hệ thống độc tài: đe doạ, khủng bố -> sự phù hợp này.

+ Hệ thống dân chủ: quyến dụ và tuyên truyền.

> Một sự khác biệt lớn lao: ở xứ dân chủ có thể có không phù hợp, ở độc tài thì chỉ ngoại trừ số ít anh hùng và tử vì đạo -> Trình độ phù hợp ở xứ dân chủ rất cao.

+ Thực tế, mọi người muốn phù hợp với một trình độ cao hơn, hơn là họ bị cưỡng bách phù hợp.

+ Hầu hết, không ý thức được yêu sách phải phù hợp của mình.

+ Còn 1 yêu sách phải cảm thấy có một cá biệt tính nào đấy - được thoả mãn với những dị biệt rất nhỏ. (Thập diện mai phục) (sự bi thiết của yêu sách cá biệt tính thể hiện trong quảng cáo: thứ đặc biệt?). [Nó đồng thời với yêu sách phù hợp và quan trọng vì nó chứng minh cho tính chất giả tạo của giải pháp này! Con người cần được tự ý thức đã rồi cũng sẽ cần vượt qua ly cách – tha hoá là tất yếu].

+ Sự gia tăng khuynh hướng loại bỏ sai biệt liên quan mật thiết với khái niệm và kinh nghiệm bình đẳng đang phát triển trong xã hội kỹ nghệ.

+ (Trong khi) trong chiều hướng tôn giáo, bình đẳng có nghĩa là chúng ta cùng chia sẻ một bản thể nhân linh, thảy đều là Một - những dị biệt thực sự giữa những cá thể phải được tôn trọng – bình đẳng có nghĩa không ai có thể là phương tiện cho những cứu cánh của người khác.

+ (Thì) trong xã hội hiện đại, người ta xem bình đẳng là bình đẳng cơ giới – bình đẳng của những người đánh mất cá biệt tính.

> Giống như sản xuất theo khối lượng đòi hỏi tiêu chuẩn hoá phẩm, tiến trình xã hội đòi hỏi sự tiêu chuẩn của con người, bắt đầu từ giáo dục. (coi những phân tích của E.Morin).

- Hợp nhất bằng phù hợp không mạnh và bạo, nó ôn hoà, được chỉ huy bởi quán lệ -> không đủ sức làm an bình mối ưu tư về ly cách.

> Bằng chứng: tệ nghiện ngập, nhục dục cưỡng bức, tự tử…

> (bởi vì) giải pháp chỉ quan hệ đến tâm, không quan hệ đến thân.

> Chỉ có 1 lợi điểm: nó thường trực và không nhất thời – không bao giờ đánh mất sự tiếp xúc cá nhân với tập đoàn.

- Một yếu tố khác của cuộc sống hiện đại -> làm con người đánh mất tự chủ và sự tự ý thức: Vai trò của chương trình làm việc, chương trình lạc thú – con người là 1 bộ phận của hệ thống:

> Nó có ít tự chủ

> (ngay cả) sự khác biệt giữa giai cấp thấp và giai cấp cao cũng ít

> Cảm giác cũng được quy định

> Vui chơi cũng được sắp đặt

- Con đường hợp nhất bằng hoạt động sáng tạo.

+ Kẻ sáng tạo hợp nhất mình với chất liệu đại diện cho thế giới bên ngoài

+ Chỉ áp dụng cho việc sản xuất – (trong đó) tôi thiết kế, thi hành, nhìn kết quả công việc của mình.

> Cái nhất tính được tựu thành trong công việc sản xuất không phải là liên vị / cái nhất tính tựu thành trong hỗn hợp say thì tạm thời / nhất tính được tựu thành bởi phù hợp thì chỉ là nhất tính giả tạo (vì chỉ liên quan đến tâm).

- Những hình thức non nớt của tình yêu: hợp nhất cộng sinh.

+ Hợp nhất cộng sinh dạng thức sinh vật bằng mối liên hệ giữa thai mẫu và thai nhi.

+ Hợp nhất cộng sinh thụ động bằng hình thái khuất phụchình thái khổ hành (masochism).

> Chạy trốn cảm giác cô lập và ly cách - biến mình thành một phần của người khác – có thể là một người hay thần linh.

> Kẻ ấy là tất cả / tôi không là gì cả, ngoại trừ điều tôi là một phần của nó.

- Người khổ hành không bao giờ đơn độc – nhưng nó không độc lập/ không vẹn toàn/nó chưa nảy nở đầy đủ.

- Có thể liên kết với ham muốn sinh lý nhục dục -> sự tham dự của toàn thể tâm thức và thân xác.

- Có thể có sự khuất phục khổ hành đối với vận mệnh, bệnh tật, đối với nhạc điệu, đối với trạng thái cuồng lạc được tạo ra do ma túy hay dưới sự hôn mê khoái cảm.

+ Hợp nhất cộng sinh chủ động bằng sự chế ngự - sự bạo hành (sadism) (theo TLH chiều sâu).

- Kẻ bạo hành chạy trốn cô độc bằng cách biến kẻ khác thành một bộ phận của mình.

- Kẻ bạo hành cũng lệ thuộc vào kẻ khổ hành như chính kẻ khổ hành lệ thuộc nó. -> cả hai hỗn hợp mà không có toàn vẹn.

- Tình yêu trưởng thànhsự hợp nhất dưới điều kiện duy trì sự toàn vẹn của mình, cá biệt tính của mình; là một quyền năng chủ động trong con người – tình yêu là một “hoạt động tính”.

+ “Hoạt động tính” như Spinoza quann niệm.

- Sự phân biệt những hành động (action/active) và những đam mê (passions/passive).

- Trong sự thực nghiệm về một hậu quả thụ động, con người bị thúc đẩy, nó là đối tượng của những sự phát động mà nó không có ý thức đến.

- Trong sự thực nghiệm về một hậu quả chủ động, con người được tự do, nó là chủ nhân của hậu quả của nó. (Spinoza: đức tính và quyền năng là một và như nhau).

+ Tình yêu là một hoạt động tính – nó là một sự đứng trong chứ không phải sa vào.

> Đặc tính chủ động của tình yêu: tình yêu tự ban sơ là cho, không phải nhận.

- Những lầm lẫn về cho:

(+) Cái người mà cá tính của nó không phát triển ra ngoài giai đoạn của chiều hướng thụ lãnh, tước đoạt hay tàng trữ - nó cảm nghiệm “cho đi” là tước bỏ, cung hiến.

(+) Những người mà chiều hướng chính yếu của họ là một chiều hướng không sản xuất – cảm thấy cho là một sự nghèo đói.

> Vài người tạo nên đức nhân từ về sự cho theo nghĩa hy sinh.

> Cho tốt hơn nhận = chịu đựng sự thiếu thốn tốt hơn là cảm nghiệm sự vui sướng.

- Đối với đặc tính sản xuất, sự cho có một ý nghĩa khác hẳn.

(+) Sự cho là bộc lộ cao nhất của tiềm lực –> trong chính hành vi cho tôi cảm nghiệm sức mạnh, quyền năng của tôi – cảm nghiệm này - về sinh lực, tiềm lực được cất cao này - làm tôi tràn trề vui sướng.

(+) Cho vui sướng hơn nhận, không phải vì nó là một sự giảm thiểu mà vì trong hành vi cho có sự biểu lộ sinh tồn của tôi. (sự chuyển hướng từ tôi có sang tôi là – xem 7 thói quen của người thành đạt).

- Ví dụ điển hình trong dục tính: cực điểm của nhiệm vụ dục tính của giống đực là hành vi cho -> vào lúc cực độ, ông cho bà tinh dịch của mình. Trong hành vi nhận bà cho. (nếu không thể, cả hai đều mất khả năng).

- Trong tình mẹ nuôi con.

(+) Trong phạm vi những sự thể vật chất: sự cho có nghĩa là đang sung túc.

- Không phải ông ta có nhiều là sung túc, nhưng ông ta cho nhiều. (chỉ người nào bị tước đoạt tất cả mọi thứ cho những nhu cầu thiết yếu cho sự tồn tại là sẽ không thụ hưởng hành vi cho đối với những sự thể vật chất).

- Không phải sự nghèo khốn chỉ tạo ra sự khổ trực tiếp mà vì nó cướp mất của người nghèo sự vui sướng về cho (vật chất).

- Một người cho kẻ khác những cái gì?

(+) Nó cho tất cả những biểu lộ và những biểu thị của cái đang nằm trong mình: sự vui sướng, quyền lợi, sự hiểu biết, tri thức, khí chất…

(>) Trong sự sống của mình, nó làm giàu kẻ khác, làm lớn cái ý vị sinh tồn của kẻ khác bằng cách làm lớn ý vị sinh tồn của mình.

(>) Sự cho bao hàm việc biến người khác cũng thành cho nữa và cả hai chia xẻ trong niềm vui về những gì mà họ đã mang lại cho sự sống – trong hành vi cho có cái gì được sinh ra và cả hai đều cảm kích vì sự sống được nảy sinh cho họ.

- Khả năng yêu thương như là một hành vi của sự cho tùy thuộc sự phát triển cá tính mỗi người.

(>) Nó tiên định sự thành đạt của một chiều hướng phong phú hữu hiệu. Trong chiều hướng này, một người đã vượt qua sự lệ thuộc, tính vạn năng tự tôn, lòng muốn khai thác kẻ khác, hay muốn tàng trữ, và đã đạt được niềm tin ở những quyền năng con người của chính mình, lòng dũng cảm đặt trên những quyền năng của mình trong sự thành đạt mục đích của mình.

(-) Vào mức độ mà những đặc tính này khiếm khuyết, nó sợ cho đi chính mình – tức là sợ cho tình yêu.

- Ngoài yếu tố cho, đặc tính chủ động của tình yêu rất hiển nhiên bởi sự kiện nó luôn bao hàm một số yếu tố căn bản chung cho mọi hình thái của tình yêu: quan tâm, trách nhiệm, trọng thị, và nhận thức. (Ngoài ra, tình yêu trả lời cho câu hỏi/vấn đề hiện hữu = sự ly cách và vượt qua thì còn cần khớp nối với một phát biểu khác của chủ nghĩa hiện sinh: sự phi lý/hay là bình luận về nhu cầu thiết yếu đi tìm cái lý của con người hiện sinh). [Mọi sự chúng ta làm thiết yếu đều là để học làm người – làm người_thật_là_người nên ngược lại cái Đạo làm người ấy mà tựu thành thì nó không thể bị xếp vào một cái ngăn kéo nào được – ngô đạo nhất dĩ quán chi].

- Tình yêu là mối bận tâm tích cực đối với sự sống và sự tăng trưởng đối với cái mình yêu.

+ Hiển nhiên nhất là trong tình yêu của một bà mẹ đối với đứa con.

(>) Nếu bà mẹ quên cho con mình ăn, quên tắm cho nó, quên dem lại cho nó tiện nghi vật chất thì khó có thể nói bà yêu con mình được – chúng ta sẽ không tin ở tình yêu ấy. (Nhớ lại câu chuyện “Tùy tha khứ”).

+ Bản chất tình yêu là “cần lao” đối với một cái gì và “làm cho cái gì đó lớn lên”, tình yêu và cần lao không thể tách rời nhau. (Câu chuyện Kinh Thánh về Jonah).

- Quan tâm và chăm sóc bao hàm một khía cạnh khác của tình yêu: khía cạnh trách nhiệm.

+ (Những lầm lẫn về trách nhiệm): Ngày nay trách nhiệm thường chỉ cho việc nhận lãnh bổn phận, cái được đặt lên người ta từ bên ngoài.

+ (Theo nghĩa đúng nhất của nó), trách nhiệm là hành vi hoàn toàn tự nguyện, nó là sự đáp ứng của tôi đối với những yêu sách, được bộc lộ hay không, của một người khác.

+ “Có trách nhiệm” có nghĩa là “có thể” và “sẵn sàng đáp ứng”.

(>) Có trách nhiệm với đồng loại, vì nó cảm thấy có trách nhiệm với chính mình.

- Trách nhiệm có thể dễ bị bóp méo thành sự chế ngự và chiếm hữu, nếu nó không đi với yếu tố thứ 4 của tình yêu: sự tôn trọng.

+ Trọng thị không phải là sợ hãi hay khiếp đảm; theo ngữ căn (respicere, nhìn ngắm) nó chỉ cho khả năng nhìn nhận một người như nó là nó; ý thức về cá biệt tính độc nhất của nó.

+ Tôn trọng chỉ cho sự đề cập đến cái mà một người, với tư cách nó là nó, phải làm tăng trưởng và bộc lộ.

+ Tôn trọng bao hàm sự vắng mặt của khai thác.

(>) Không phải nó làm đối tượng sử dụng cho tôi.

+ Tôn trọng chỉ có thể có nếu tôi đã hoàn thành sự độc lập.

(>) Nếu tôi có thể đi đứng mà không cần nạng chống, không cần phải chế ngự hay khai thác ai khác.

- Không thể tôn trọng một người mà không hiểu biết nó, quan tâmtrách nhiệm có thể là mù quáng nếu chúng không được hướng dẫn bởi nhận thức.

+ Nhận thức có thể là trống không nếu không được điều động bởi sự chú tâm. (Đây là nhận xét rất quan trọng, cũng như phân tích về sự hợp lý hóa sau này, nhấn mạnh đến tính cách cảm nghiệm tòan thể - liên quan đến sự khác biệt giữa tu và học).

+ Nhận thức đi sâu vào trọng tâm chỉ có thể có khi nào tôi có thể vượt lên trên sự bận tâm về chính mình và nhìn kẻ khác trong chính môi trường của nó. (Vẫn rất khó để nói được: nhận thức về cái gì? Ntn? Ở đây sự mô tả gần gũi với PG: vô ngã, pháp như thị, thấy những nhân quả, duyên nghiệp?).

(>) Tôi có thể biết rằng một kẻ đang giận dữ, ngay dù nó không cho tôi thấy một cách lộ liễu: nhưng tôi có thể biết một cách sâu xa hơn thế nữa; nên tôi biết rằng nó đang lo lắng và buồn phiền; rằng nó cảm thấy cô đơn, cảm thấy có tội. Vậy tôi biết rằng sự giận dữ của nó chỉ là biểu hiện của môt cái gì sâu xa hơn, và tôi thấy nó cũng lo lắng bối rối, nghĩa là một kẻ chịu trận hơn là một kẻ giận hờn.

+ (Một lớp nữa của nhận thức).

(>)Cái yêu sách căn bản để chối bỏ người khác (ly cách?) hay để vượt khỏi ngục tù ly cách của mình liên quan mật thiết với ước muốn khá đặc biệt của con người: ước muốn biết được “bí mật con người”. (Câu này hơi tối nghĩa, có thể nói rằng một động lực căn bản nữa khiến con người cảm thấy phải vượt qua đó là yêu sách của ước muốn biết được “bí mật con người” – có vẻ liên quan đến sự tự ý thức của con người về chính mình là mặt kia của cái gọi là cảm nghiệm ly cách – đúng hơn, tự ý thức dẫn đến cảm nghiệm ly cách – vậy mục này có thể để ở phần nói về con người: hiện hữu có lý tính – sự sống tự ý thức về mình).

- Con người, trong những khía cạnh người của nó, là một bí mật khôn dò đối với chính nó – và đối với đồng loại nó. (Vẫn còn một sự để ngỏ: từ đâu mà đứa trẻ là tôi nọ bỗng nhiên cảm nghiệm ly cách, bỗng nhiên tự dò xét chính mình? “Vân hà thanh tịnh bổn nhiên hốt sanh sơn hà đại địa?”)(Coi lại “Sự hình thành con người” – Trần Đức Thảo).

+ Có một đường lối, đường lối vô vọng, để biết sự bí mật. Đó là đường lối của quyền năng toàn vẹn trên kẻ khác, quyền năng khiến nó làm những gì chúng ta muốn, cảm những gì chúng ta muốn, nghĩ những gì chúng ta muốn – quyền năng biến nó thành một sự vật, sự vật của chúng ta, sở hữu của chúng ta.

* Mức độ tối hậu của cố gắng để biết này nằm trong những thái cực của bạo hành.

* Trẻ em tháo cái gì đó ra, bẻ gãy nó để biết nó.

> Tính độc ác tự nó được điều động bởi một cái gì sâu thẳm hơn – muốn biết bí mật của các sự vật và của sự sống.

+ Con đường khác để biết sự bí mậttình yêu.

* Tình yêusự thâm nhập chủ động vào kẻ khác, trong đó ham muốn hiểu biết được thoa dịu bằng sự hợp nhất. (Liên hệ nội tại giữa ham muốn hiểu biết và sự hợp nhất? Nếu hiểu biết là nhằm tiên đoán để chi phối sự thích nghi của cá thể với nhiên giới thì rõ ràng ham muốn hiểu biết sẽ được thoa dịu bằng sự hợp nhất – vì mục đích đã được thỏa mãn!) [ Một ý tưởng hình thành dần là: chỉ ra/nhận thấy đằng sau/dưới cùng của các động lực/yêu sách – giữa ước muốn hiểu biết và cảm nghiệm ly cách/ước muốn hợp nhất chính là bản năng sinh tồn trong tình trạng đối kháng của tình trạng tự ý thức về tình trạng của mình. Hơn nữa, sự tách ra khỏi nhiên giới (mà sẽ tạo điều kiện cho sự tự ý thức) là do những tiến bộ về sản xuất dẫn đến dư thừa thức ăn và hóa phẩm – sự thả lỏng, buông lỏng khỏi cảm giác về tình trạng căn cứng khi đối đầu với sinh tồn (lãng quên) – một tình trạng mới: quan sát mình (lần đầu tiên không vì động cơ duy nhất trước đó – nói cách khác, gần như không có động cơ – sự gần gũi với đầu kia của những kinh nghiệm tôn giáo (PG)].

* Cảm nghiệm về sự hợp nhất đường lối duy nhất có thể có đối với con người để nhận thức về cái đang còn sống; chứ không phải là do bất cứ tư tưởng nào có thể mang lại. (Rất quan trọng, liên quan đến triết học hiện sinh vì nó đặt mục tiêu về phía con người cụ thể đang sống – phải chăng là sự tôn vinh trực giác và hạ bệ lý trí?) (Chú ý: như vậy, nhận thức ở đây gắn liền với một động cơ mãnh liệt và tối hậu ở sau, không phải thứ nhận thức trống rỗng).

* Bạo hành – xé một sinh thể thành từng chi thể - là hủy diệt đối tượng – dẫn đến sự mù tịt của nhận thức.

> Trong hành vi hỗn hợp, tôi biết bạn, tôi biết chính tôi, tôi biết mọi người – và không “hiểu biết” gì cả.

(Cần phải hơi chậm lại ở đây và điểm lại những minh họa cho nhận xét rất quan trọng này. Các câu hỏi phụ là:

- Chúng ta thường nhận thức thế giới như thế nào? [Quan sát như một sự vật khách quan, không liên hệ gì với chủ thể, mô tả như một cơ hệ mà có thể chia xẻ ra để kiểm nghiệm dựa trên tiền đề niềm tin về sự tồn tại vĩnh viễn của Trống rỗng và Đặc chắc hay là Hữu thể và Hư vô]. (Trong khi thực ra không tồn tại cái gì là cô lập do đó ý niệm phân chia thành Hữu thể và Hư vô là một sai lầm/ảo tưởng (Hữu thể và Thời gian thì khác). Do đó không thể chia tách khỏi người quan sát và cũng vì vậy, mô hình nào cũng là không chính xác, không cho thấy sự thật).

- Chúng ta thường sử dụng những phương thức nào nhận biết, suy tư về thế giới? [Logic hình thức dựa trên sự cô đọng khu biệt của các khái niệm và luật bài trung – trên sự ảo tưởng về chia tách. (Còn logic biện chứng thì sao nhỉ?). Khi hiện sinh phát hiện ra sự bất lực của của phương thức này trong vấn đề hiện hữu của con người “nó sống và phản ứng” – không thể chia xẻ, thì có hiện tượng luận của Hussel…] Các phương thức ấy đã thú nhận sự giới hạn và phụ thuộc của nó chưa? [Nói cho cùng, khi đảo ngược lại mệnh đề nhận thức luận “Hữu thể và Hư vô” tức là “có cái Có” thì những hệ quả gì sẽ kéo theo? Biết đâu cả cái nhu cầu lý giải tìm tòi cũng là hệ quả của sai lầm “Hữu thể và Hư vô – Có và Không”. Vì vậy khi nói lại “có cái Có – không có cái Không Có” thì hệ quả lại hoàn toàn khác!]( Thiếu tư liệu quá)(Đối chiếu thêm với tư tưởng chủ tòan của GS. Cao Xuân Huy – tiếc là không có nhìn được 4 bản thảo, để thấy những bước tiến thoái, ngập ngừng, rồi im lặng của ông)

- Hành vi tình yêu vượt lên trên tư tưởng, vượt lên trên lời lẽ. Tuy nhiên nhận thức trong tư tưởng, tức là nhận thức tâm lý, là một điều kiện tất yếu đối với nhận thức tràn đầy trong hành vi của tình yêu.

> Tôi phải nhận thức kẻ khác và chính tôi một cách khách quan để có thể nhìn thấy thực tại của nó…(Giới hạn của ngôn từ: khách quan này hàm ý vượt lên/bỏ qua “chủ quan” (“khách quan” cũng đi luôn!). Cái cốt yếu là thực tại như nó là).

- Albert Schweitzer đã chứng tỏ rằng kinh nghiệm hợp nhất, với con người, hay nói theo tính chất tôn giáo – với Thượng Đế - là hậu quả của duy lý luận – hậu quả táo bạo và triệt để nhất trong đường lối này. Nó căn cứ trên nhận thức của chúng ta về những giới hạn căn bản của tri thức chúng ta. Đó là nhận thức rằng chúng ta không bao giờ “nắm” được bí mật của con người và vũ trụ nhưng chúng ta có thể “nhận thức” được trong hành vi của tình yêu.

(ảo tưởng nào dẫn đến ngộ nhận/và nhu cầu ảo giác gắt gao về sự cần thiết của tư tưởng – như là lý giải về thế giới. Lý giải luôn bao hàm sắc thái của dự kiến, tức là phóng chiếu vào tương lai. Liên quan đồng thời đến cảm nghiệm/ảo tưởng về “thời gian” – cùng với sự xuất hiện của ảo tưởng “Hữu thể và Hư vô” – khi Hữu thể là có thể chia biệt thì mới có ý niệm thời gian (thời gian là ảo tưởng từ vận động tương đối của các thực thể). Vì vậy khi lật lại về một Hữu thể như là “có cái Có” thì Thời gian sẽ bịđặt để lại. Đặt để lại ntn? Trong tương quan nào? (Tiếc là chưa đọc được “HT&TG”).

Tóm tắt:

- Tình yêu như là vượt qua tình trạng ly cách của con người, như là sự tròn đầy của ước muốn hợp nhất.

+ Người trưởng thành phải thể hiện những thái độ: quan tâm, trách nhiệm, tôn trọng và nhận thức – chúng có quan hệ hỗ tương liên đới.

+ Người trưởng thành: là kẻ phát triển những quyền năng của chính mình một cách hữu hiệu; kẻ chỉ muốn có cái mà mình đã làm việc, kẻ đã bỏ đi giấc mộng tự tôn về toàn trí toàn năng, kẻ đã đạt đến tính khiêm tốn dựa trên sức mạnh bên trong, điều mà chỉ có hoạt động phong phú và thực thụ mới có thể mang lại. (Quyền năng con người: khả năng dựa trên nền tảng năng lực tự thân của con người – khả năng của con người tự chủ và tự thức).

(Nhưng):

- Trên bình diện vũ trụ, nhu cầu của hiện hữu muốn hợp nhất khởi lên một nhu cầu đặc biệt, nhu cầu sinh vật: sự ham muốn hợp nhất giữa cực nam và cực nữ.

(Hơi tối nghĩa, ý là: 1 bằng cớ khác về sự hiện hữu của nhu cầu hợp nhất từ một bình diện rộng hơn – bình diện sinh vật: hợp nhất sự phân ly của cực nam và cực nữ). (Nếu trên kia cảm nghiệm phân ly/nhu cầu hợp nhất có khả năng là do tự ý thức/do bản năng sinh tồn/đối kháng nhiên giới và tình yêu con người là lời đáp trọn vẹn. Vậy từ góc độ này thì có cái gì đó cao hơn, rộng hơn, khác hơn cũng đem lại sự hiện hữu nhu cầu hợp nhất! Không lẽ tình yêu chưa phải là câu trả lời trọn vẹn? [Hay là nhu cầu hợp nhất của hiện hữu là cái đầu tiên, trước hết? Hay là tất cả là do bản năng sinh tồn – và tự nhiên, nếu khác đi thì không có chúng ta để thắc mắc (nguyên lý vị nhân)].

- Phê phán luận điểm của Frued (duy vật sinh lý).

+ Trong bản năng dục tính có kết quả của 1 áp lực tạo ra đau đớn –> tìm cách cứu giải -> quan điểm có hiệu lực khi ham muốn tính dục tác động theo kiểu đói khát khi cơ thể thiếu thốn -> tất yếu sẽ kết luận: thủ dâm là lý tưởng.

+ Thực ra: ham muốn tính dục là biểu lộ của nhu cầu muốn yêu thương và hợp nhất.