Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2008

Nguồn gốc từ "Diệt chủng"-coppied




1- Bài coppy từ blog bác Hai lúa nổi tiếng. Mình thấy nó hay vì giúp hiểu hơn cái thực tế chính trị ở tầm quốc gia, quốc tế nó thế nào. Có thể giúp hạn chế bớt các kiểu áp đặt lối suy nghĩ và hành xử kiểu cá nhân lý tưởng lên các thực tế chính trị phức tạp của các đám đông 1 cách ngây thơ và mù quáng.


Nguồn gốc từ "Diệt chủng"

Diệt chủng nghĩa là gì?

Ngay từ những ngày Cuộc Chiến Lạnh sắp sửa cáo chung, nhân loại chưa kịp mừng, thế là hàng triệu con người bị sát hại bởi những chiến dịch diệt chủng tại Iraq, Bosnia, Rwanda, trong khi Siêu Cường độc nhất còn lại trên thế giới, với sức mạnh đả biến thiên hạ vô địch thủ của nó, là Hoa Kỳ, đã điềm nhiên tọa thị, chẳng hành động gì cả. Cũng vẫn xứ sở đó, đã hành động chút chút, trong việc ngăn chặn Hitler sát hại hàng triệu người Do Thái, hay ngăn chặn Khờ Me Đỏ tàn sát hàng triệu người dân của nước này, vào thập niên 70 và 80.

Làm sao mà Hoa Kỳ, lãnh đạo của thế giới tự do, lại hành động một cách "khó hiểu" như vậy, đó là câu hỏi mà Samatha Power đã xỉa xói vào chính cái quốc gia đã chấp nhận bà – bà vốn là người gốc Ái Nhĩ Lan - trong cuốn sách "Một vấn đề từ địa ngục" (A Problem from Hell: Mỹ quốc và thời đại diệt chủng, 384 trang, nhà xb Basic Books).

Câu chuyện của bà bắt đầu với cuộc tàn sát gần nửa triệu người Armenians, bởi Thổ Nhĩ Kỳ, trong Cuộc Chiến Lớn I. Vị đại sứ Mỹ bên cạnh Đế Quốc Ottoman đã không làm sao kêu gọi chính quyền "ở bên nhà" đáp ứng, khi ông khiếp đảm chứng kiến những hành động dã man cứ thế xẩy ra hàng loạt. Lẽ dĩ nhiên, những sức mạnh của Âu Châu cũng điềm nhiên tọa thị. Nhưng tại Ba Lan, một người Do Thái trẻ tên là Raphael Lemkin, mất hết hồn vía vì sự thất bại của con người trước cái ác, đã dâng hết cả đời mình, cố cầm cây thương đâm cối xay gió, nghĩa là dai như đỉa đói, nằng nặc bắt buộc cộng đồng thế giới phải làm một cái gì đó, để cho cái ác câm đi, nghĩa là đặt ra ngoài vòng pháp luật, cái điều mà anh đặt tên là "diệt chủng". Một cách nào đó, anh đẻ ra cái tên này, gốc từ tiếng Hy Lạp và La Tinh, hai trong khá nhiều ngôn ngữ anh thuộc làu làu.

Lemkin đã thất bại trong toan tính ép buộc Washington và London phải thừa nhận, rằng Hitler đã có những ý định diệt chủng, và thất bại ngay cả trong toan tính ép buộc hai ông đầu sỏ này phải làm một cái gì đó, để ngăn chặn Hitler, một khi những tin tức về những trại làm thịt người đã bung ra ngoài. Và anh đã mất hầu hết gia đình tại Lò Thiêu. Sau chiến tranh, như một oan hồn lang thang giữa những hành lang tòa nhà Liên Hiệp Quốc, than khóc kêu gào, mãi tới tháng Chạp 1946, cơ quan này mới động lòng, thông qua nghị quyết, đưa vào cuốn từ điển của cơ quan cái tên DIỆT CHỦNG, kết án nó, và kêu gọi nhân loại ký vào một bản kiến nghị, coi đây là một tội ác. Vậy mà cũng phải mất hai năm trời, LHQ mới chấp nhận, và sử dụng tên gọi diệt chủng, và phải mất 40 năm, nước Cờ Hoa mới ô kê (ratify: phê chuẩn). Tuy rằng tòa án Nuremberg có bóng gió xa xôi tới từ này, khi hạch tội mấy trùm Nazi, nhưng phải đợi tới tháng Tám, tân thiên niên kỷ (2001), Radislav Krystic, tư lệnh quân đội Serbs đã từng tấn công những vùng an toàn được LHQ bảo vệ (the UN protected ‘safe area") tại Srebrenica, Bosnia, và tàn sát hàng ngàn người theo Hồi Giáo, ông này là người đầu tiên hân hạnh được gọi là một kẻ phạm tội diệt chủng.

Từ "chỉ tên" - tức chấp nhận từ "diệt chủng" (genocide) – tới "chỉ người" - đây là kẻ thứ nhất phạm tội diệt chủng – trong khoảng "giao thời" đó, Khờ Me Đỏ nắm quyền kiểm soát Cambodia, khởi sự tra tấn và sát hại một cách có hệ thống những cựu viên chức, lính tráng, trí thức – luôn cả gia đình của họ – những sắc dân Việt, Hồi, Hoa, và tu sĩ Phật giáo. Trong vòng chưa dầy 3 năm, Khờ Me Đỏ làm thịt, bỏ đói 2, trong số 7 triệu dân Cam Bốt. Một chuyện khủng khiếp như thế – làm thịt chính nhân dân của "chúng mình" – thật khó tin, lúc thoạt đầu, nhưng mãi sau đó, cũng chẳng có thế lực quốc tế nào lên tiếng, can thiệp, nhằm chấm dứt, kể cả Liên Hiệp Quốc và Mỹ. Trớ trêu là, sau cùng, chính quyền Cộng Sản Việt Nam, vì những lý do, và quyền lợi của riêng họ – lẽ tất nhiên – đã xâm lăng Cam Bốt và chấm dứt những trò dã man trên. Nước Cờ Hoa, khi đó được dẫn dắt bởi Jimmy Carter, ông này lúc nào cũng giương cao ngọn cờ dân quyền, đây làø trọng tâm chính sách ngoại giao, nhưng lại coi ưu tiên hàng đầu: phải bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc; đã hùa theo (follow) nhà nước Cộng Sản này, khi hỗ trợ Khờ Me Đỏ chống lại chính quyền Hà Nội. Cả hai nước Mỹ và Trung đều coi Việt Nam là chư hầu của Xô Viết. Phải tới năm 1990, khi Cuộc Chiến Lạnh sắp sửa trở nên lạnh hẳn, Washington mới ngưng hỗ trợ Khờ Me Đỏ.

Thập niên 1980, Iraq lâm chiến chống lại Iran của Khomeini, ông giáo chủ này tố cáo Mỹ Quốc là Quỉ Bự (Great Satan), hễ có dịp là hành hạ tới chỉ người Mỹ; nước Mỹ đã hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến trên, và làm ngơ chuyện Saddam Hussein sử dụng võ khí hóa học chống lại dân chúng Iran. Trước khi thập niên 80 chấm dứt, Hussein quyết định sử dụng cùng những thứ hơi độc này chống lại sắc dân Kurds vốn chiếm chừng 1/4 dân số trong nước của ông ta. Vào năm 1987 và 1988, ông đã làm thịt gần 100 ngàn người Kurds, phá hủy làng mạc, và toan tính nhổ sạch tận gốc cái gọi là văn hóa của sắc dân này. Chính quyền Reagan vờ đi, coi như không biết, và vẫn chấp nhận chế độ Baghdad như là đồng minh của họ. Hoa kỳ chỉ ra ray nghĩa hiệp đối với người Kurds vào năm 1991, tức là sau Cuộc Chiến Vùng Vịnh, khi người Mỹ dấn vào cuộc chiến nhằm xua đuổi quân đội Iraq ra khỏi Kuwait.

Power, tác giả cuốn sách chúng ta đang bàn tới, đã nhấn mạnh hai lý do đưa đến thất bại của thế giới, và đặc biệt, của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn những tội ác diệt chủng kể trên. Lý do thứ nhất: cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại; vốn được gọi bằng cái tên hoa mỹ là: không muốn xâm phạm vào chủ quyền của một đất nước khác, vì đây là những công chuyện nội bộ của họ. Hậu quả của nó, một khi bạn làm cỏ một vài sắc dân thiểu số, ở bên trong xứ sở của bạn, đó là quyền của bạn, tôi không dám xía vô. Cũng là quốc gia như nhau, cường quốc hay không cường quốc, đất nước nào cũng có quyền tự do làm điều mà họ muốn làm, đối với chính nhân dân của họ. Và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1915; Hitler, thập niên 1930 và 40; Pol Pot, Saddam Hussein, Slobodan Milosevic, và cả một tập đoàn sát nhân Hutu đã lợi dụng, và khuếch đại quyền "tự do" nêu trên.

Lý do thứ nhì thực sự không liên hệ tới lý do thứ nhất. Những ông, những bà vốn có quyền quyết định đường lối ngoại giao tại nước Cờ Hoa – và hầu hết phần còn lại của thế giới – họ đã cảm nhận về chính họ: như là những con người "thực tế" (realists); nghĩa là hành động vì lợi ích của chính quốc gia họ, và ít quan tâm tới những công chuyện có tính nội bộ (domestic affairs) của những nước khác. Viên bộ trưởng ngoại giao Mỹ, James Baker, đã diễn tả thật là tuyệt vời, cái tính "thực tế" của chính sách trên, qua câu nói, khi xẩy ra những vụ nhổ cỏ thì phải nhổ cả gốc, làm sạch những sắc dân khác (ethnic cleaning) ở Bosnia: "Chẳng có một con chó Mỹ nào bị kẹt ở đó." (We don’t have a dog in this fight: Chúng ta không có một con chó nào ở trong trận đánh này).

Quyền lợi quốc gia của Mỹ Quốc, như ngài Bộ trưởng ngoại giao, và những người như ông định nghĩa, là như thế này: nó sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ở bên ngoài. Số phận của những người dân Armenians, Do Thái, Cam Bốt, Kurds, hay Tutsi thì có mắc mớ gì tới Hoa Kỳ hay là những cường quốc khác? Điềm nhiên tọa thị, không hành động xem ra chẳng hao tốn gì. Toan tính, hoặc hành động nhằm ngăn chặn diệt chủng chắc là phải sử dụng tới sức mạnh, hoặc phải điều động tới những tài nguyên khác, đó là điều mà những nhà lãnh đạo khôn ngoan, cẩn trọng không muốn, cái sẩy nẩy cái ung, châm ngôn đã dậy.

Luôn luôn là vậy, thật dễ dàng nhìn đi hướng khác, vờ đi những đòi hỏi mang tính đạo đức. Mỹ Quốc chỉ sử dụng tới sức mạnh chống lại người Serbs tại Kosovo, khi mà những nhà lãnh đạo của nước này sợ rằng cái sẩy (cuộc chiến tranh mang tính địa phương) nảy cái ung: nó sẽ lan rộng và tạo nên tình trạng mất ổn định trong vùng. Và ngay cả khi Mỹ Quốc và cùng với nó, khối NATO, đã can thiệp, là cũng chỉ ở trên cao độ 15 ngàn feet, không muốn xẩy ra chết chóc về sinh mạng trên mặt đất.

Trường hợp nhức nhối nhất mà Power đã chỉ ra, là ở Rwanda, nơi mà 800 ngàn người Tutsi và Hutu hiền hòa đã bị sát hại chỉ trong vòng 100 ngày vào năm 1994, và chính quyền Clinton đã "phản đối" (opposed) những cố gắng của LHQ nhằm ngăn chặn diệt chủng. Romero Dallaire, người Canada, vị tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Rwanda, nhận ra rằng, những phần tử cực đoan người Hutu đã và đang bắt đầu một chiến dịch nhằm thịt sạch không còn một mống dân thiểu số Tutsi, và đã kêu gào, xin được tiếp vận cho cái lực lượng mỏng manh ở dưới quyền ông. Tại Washington, ngài Tổng thống, ngài Bộ trưởng Ngoại Giao, luôn cả ngài Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, chẳng ngài nào muốn xoáy sâu - "phô cứt", focus - vào vấn đề này. Các ngài đồng thanh gạt bỏ lời tố cáo, rằng đang xẩy ra diệt chủng ở đúng chỗ đó đó, sợ rằng nước Cờ Hoa bị rằng buộc, và sẽ phải hành động phù hợp, khi coi diệt chủng là một tội ác. Hoa Kỳ bèn chống lại chuyện gửi quân tăng viện cho vị tư lệnh người Cà-na-điên, và yêu cầu phải rút quân ra khỏi Rwanda. Những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ biết rất rõ, chuyện gì đang xẩy ra, nhưng không muốn chấp nhận trách nhiệm của một cường quốc. Nếu không đúng như vậy, thì ít ra là như vầy: họ không muốn rủi ro tới tính mạng của binh sĩ Hoa Kỳ tại một xứ sở mà may ra chỉ có một dúm người dân của họ biết tới, trên tấm bản đồ thế giới – lại hội chứng hậu-Việt Nam ở đây. Làm sao lại có quyền lợi quan trọng mang tính quốc gia của Mỹ ở đó?

Sự phê phán của Power đối với chính sách của Mỹ thật là thê thảm, và đầy những bằng chứng rành rành không thể chối cãi. Thật chẳng có gì để mà nghi ngờ: đối với cái gọi là nhân quyền, Mỹ Quốc tỏ ra rất thận trọng, và thật lọc lõi, khi phải dính vào. Và họ cũng chẳng muốn vượt quá biên giới của những gì liên quan tới chủ quyền quốc gia của những nước khác. Những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã được dẫn dắt (governed) bởi một quan niệm thật là chật hẹp, về cái gọi là quyền lợi quốc gia.

Tác giả nhấn mạnh, Mỹ thật có rất nhiều lý do đáng nể để mà hành động nhằm ngăn chặn diệt chủng. Lý do thứ nhất liên quan tới đạo đức: Mỹ Quốc có bổn phận nghĩa vụ (duty) hành động nhằm chấm dứt chuyện sát nhân tập thể, và một khi là một cường quốc, trên vị thế đó, với họ, hiểm nguy sẽ ở mức tối thiểu. Thứ nhì: ngay cả cái ý nghĩ, chỉ lo cho mình, cũng có thể được sử dụng, theo nghĩa: rằng những quốc gia làm thịt nhân dân của nó, có thể sẽ xuất cảng cái ác tới những nhân dân của những nước khác, và con người, một khi đã trở thành nạn nhân của cái ác – kể luôn cả khủng bố - sẽ tìm cách trả thù, rửa hận. Bà nói đúng, hiển nhiên là vậy, đặc biệt là khi bà cho rằng, diệt chủng là một thách đố, nó đụng tới cốt lõi của những giá trị đáng quí nhất của nước Mỹ. Nhưng, trong số chúng ta, ai là người tỏ ra lạc quan, rằng Washington sẽ "can thiệp", kỳ tới?

Jennifer Tran


2- Cụ Nguyễn Hiến Lê có nhận định rằng muốn tìm hiểu và đánh giá về Khổng Tử, chỉ duy nhất Luận ngữ là đáng tin. Tôi chưa được đọc/biết ai phân tích sâu hơn về văn bản học của cuốn này. Bản thân 1 "viên ngọc" như vậy, với văn phong tương đối đồng nhất, 1 tư tưởng ghi chép-cho dù chỉ là ghi chép-rất nhất quán và sâu sắc, liệu có thể gợi lên nhiều điều về những người đã thực sự ghi chép nó? Rất có thể không phải là các học trò trực tiếp của Khổng Tử viết (cho dù qua lối ghi chép thì NHL cũng đã phân tích đâu là cách nói của học trò, đâu là của các đời sau...) vì một cách trực tiếp và có truyền thừa rõ ràng như thế mà không để lại vết tích gì khác thì cũng hơi khó hiểu. Tôi nhận thấy rất rõ ràng có sự khác biệt trong tư tưởng biên tập giữa những ngôn hành của Khổng Tử so với của các học trò khác của ông. Tức là có thể nghĩ đến chuyện có nhiều phần do nhiều người ghép vào. Nhưng cái tôi lưu ý nhất chính là sự nhất quán trong văn phong và tư tưởng quan điểm của đại đa số những ghi chép về Khổng tử. Tức là có vẻ nó có 1 tác giả chính hơn là những ghi chép tản mạn được tập hợp.


Tất nhiên có thể bắt đầu với những giả thuyết kiểu:

- truyền thống văn phong của thời kỳ đó là khá phổ biến nên văn phong không phải là vấn đề
- vì là "thuật nhi bất tác" và có tính chất trường phái nên không chú trọng đến xuất xứ, 1 kiểu tổng hợp qua thời gian
- vì thói quen "thác cổ" nên người đời sau gán cho đời trước...


Tuy vậy xét cho cùng thì như bản Luận ngữ chúng ta thấy ngày nay cũng được biên tập khá "lộn xộn" và đặt tên đơn giản theo những chữ đầu của mỗi phần. Tức là nó vẫn giống với 1 tập hợp ghi chép được kết tập hơn là 1 trước tác 1 lần của 1 người.


Chính từ sự "lộn xộn" này mà tôi có 1 suy nghĩ: xuất phát từ tinh thần "Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã" thì luôn luôn mội hội thoại phải được xem xét tất cả các yếu tố hoàn cảnh "Nói với ai? Ở đâu? Khi nào? Như thế nào?" (và do vậy diễn trình suy tư cần mở ra đến vô tận, theo cách nói của Chu Hy là "cần nhấm nháp văn bản" chứ không phải đọc nó) thì việc đọc Luận ngữ theo từng đối tượng học trò là rất tốt để nắm bắt tư tưởng tinh thần Khổng giáo. Ví dụ nếu lựa riêng những hội thoại giữa Khổng tử với Nhan Hồi-học trò ưu tú nhất của KT- và so sánh với người khác như Tử Cống hay Tử Hạ chẳng hạn sẽ thấy rõ ràng hơn sự khác biệt nặng nhẹ nông sâu trong quá trình truyền thừa tinh thần Khổng giáo. Từ sự khác biết này sẽ quay trở về với nhận xét ban đầu: các học trò của KT hoằng dương tinh thần Khổng Tử như thế nào? Ai là chủ lưu (như Tăng Tử, như Tử Tư...)? Nhưng nếu như Tử Tư để lại sách Trung Dung 1 cách rõ ràng về nguồn gốc thì tại sao Luận Ngữ lại nhập nhèm đến vậy? Cho dù về giá trị tư tưởng thì theo tôi Luận ngữ còn quan trọng hơn nhiều. (Nho giáo về sau như Tống Nho-để phân biệt với Khổng giáo- chủ yếu hoằng dương vào Đại Học, Trung Dung chứ không phải Luận ngữ).



3- Chuyện nọ xọ chuyện kia: để ý mới thấy dân ta rất thích dùng những tư tưởng kiểu "công án", "Đạo"...để nói chuyện-nhất là khi bế tắc trong tranh luận thông thường. OK, mình cũng không dám lạm bàn chỉ nêu ra những ý nghĩ thế này:


- Nói 1 tí ti về Đạo: như 1 hội thoại 1 bậc thầy đã trả lời câu hỏi "Đạo là gì?" rằng đó là "Làm điều thiện, dứt điều ác". Vấn đề là làm chứ không phải nói. Nên khi bạn chưa quả quyết là làm được rồi thì nói nhảm làm gì vậy? Cứ bình thường mà nói không được à? Có lẽ phần nhiều rơi vào những người ít chịu suy tư nghiêm ngặt theo logic thông thường trước đã :)


- Nói về công án: công án là của 1 vị Thầy ghi lại 1 hội thoại (còn gọi là "thoại đầu Thiền") giữa 2 người khác (1 trò 1 Thầy) với mục đích làm phương tiện cho người khác tham chiếu. Tức là làm sao tách ra được khỏi mấy điều "Ở đâu? Với Ai? Khi nào? Thế nào?". Thế mà dân tình cứ thích tách riêng 1 vài lời nói liền môi ra làm thành các cái gọi là "phạm trù triết học"-bản thân cái khái niệm này có gì rõ ràng hơn đâu?-và tán lên tán xuống biển rộng sông dài (*).

Ví như câu chuyện về lời nói cuối cùng của Gothe "Cho sáng lên" hay cái gì đại loại thế mà tán thiên tán địa thành 1 thông điệp này nọ thì còn ai dám chắc nó là của ổng nữa??? Trong chuyện về Vương Dương Minh của NHL có kể đến lúc lâm chung của ông, học trò hỏi có dặn lại gì không, ông đáp ta theo thánh hiền tuỳ bệnh cho thuốc chứ làm sao có thể tuỳ tiện xếp đặt thành khuôn mẫu gây hại cho đời sau được. Quả thực là 1 thái độ sáng suốt. Mà không hiểu sao các vị học trò hay thích ghi lời cuối thế nhỉ. "Ta có gì để giấu đâu?" Thầy Khổng cũng luôn bảo thế còn gì. Bảo sao người đời hay có cái tâm lí tranh cho được để nói lời cuối. Từ đấy chuyển sang chỗ ai nói to hơn, dài hơn, thô lỗ hơn là thắng chả còn là bao nhiêu nữa :))
....







(*) Mình rất ngờ là cái ý này chính lá xuất xứ của câu "thiên rông hà rài" trong dân gian nhá :D

Từ chỗ "trời rộng sông dài" sang đến thành "thiên rông hà rài" quả thật là thú vị quá đi hehe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét