Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2008

Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió




"Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe 1 tiếng chim hay
Tiếng ríu rít chim sâu trong lá
Con chìa vôi vừa hót vừa bay

***

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các nàng tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm cô Tấm rất hiền

***

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế sớm hôm vất vả
Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay"



Trên blog bác 5xu có 1 ý thú vị là muốn kinh nghiệm về việc sinh ra thì cần phải sinh ra em bé :)

Bạn Nguyen Trang hỏi sao mình post mấy bài thơ đi học vỡ lòng ngày xưa của trẻ con-là bởi vì thế này này: thằng cu nhà mình đến hôm nay được 3 tuần, suốt ngày có cái mồm chu chu ra yêu cực, giống hết em bé quảng cáo babie oil top to toe ấy. Thế là bố mẹ cháu suốt ngày ê a bài "Ai thổi sáo gọi trâu đâu đó"-tranh thủ ru cháu ngủ luôn hehe. Lang thang search trên mạng thấy mấy bài tập đọc vỡ lòng nên coppy về cho vui.


Nói chuyện những bài tập đọc, chắc nó cũng giống như ký ức thời nhi đồng-hầu như tuyệt đối là đáng yêu đáng nhớ, vì sao thì để bàn sau-ai cũng thấy vui vui khi nhắc lại. Mình hồi bé đọc nhiều nhớ cũng nhiều, sau này lớn lên thường hay nghĩ lẩn thẩn là có phải nội dung những trang sách ngày trước đã trực tiếp ảnh hưởng đến nội tâm mình hay không? Và mình coi lại thì không hẳn thế. Chỉ đơn giản là đọng lại trong ta những mộng tưởng, sự ưa thích tìm tòi khám phá, suy nghĩ, chiêm niệm...đại loại thế; chứ không phải thông điệp của chúng. (Các bạn xem thêm trong tag "đọc" và "việc đọc" của tớ có kể lể rồi).


Nhưng điều tớ quan tâm lại là "Vậy tình cảm trìu mến này có phải là sự mù quáng chủ quan?" và "Tình cảm ấy có ích hay không?". Tớ nghĩ rằng chủ quan hay không là ở cách người ta xem xét vấn đề thôi. Theo tớ nếu tính tất cả những gì đã trải qua như 1 nghiệm sinh thì nó không hề chủ quan. Tức là bao gồm tất cả bối cảnh, sự kiện con người...tất cả những gì đã từng tham gia vào hiện sinh đó của chúng ta thì chả có gì là chủ quan cả. Mượn cách nói của S. Exupery qua cách dịch của Bùi Giáng thì sẽ có thể coi "Đó là vì chúng ta đã tuần dưỡng nhau".



Còn như "tình cảm ấy có ích hay không" ư? Hiển nhiên là có ích để chúng ta suy nghĩ về việc tại sao lại có hiện tượng cùng 1 sự vật với người này thì trìu mến lạ mà với người kia thì...nhạt toẹt. Nó khiến chúng ta đi đến câu hỏi về sự liên đới giữa con người với nhau. Nhưng thường thì nó hay bị khô cạn thành sự vị kỷ thiển cận cô độc hơn. Người ta bị buộc chặt và tự rúc vào xó tối của ký ức như những gì thiêng liêng riêng tư nhất. Như thể đó là Eden đã mất ấy. Trong khi hiển nhiên rằng hôm nay cũng sẽ thành ngày hôm qua. Rằng đi tới tương lai 1 cách cẩn trọng cũng là trở về quá khứ muôn thuở. Trân trọng, trìu mến với ký ức của mình để có thể rộng mở với hiện tại và với KẺ KHÁC.


Có 1 đợt mình nghĩ rằng nếu quá khứ trìu mến kia khó tương giao như vậy thì làm sao để đắp đổi để truyền trao với người khác? Với 1 đứa bé, mình chỉ có thể cho chúng tham gia vào 1 kỷ niệm, trải qua 1 câu chuyện mà thôi. Nhận thức, nghiệm sinh thế nào phụ thuộc rất nhiều vào các nhân tố khác-nhân duyên là 1 cách nói.


Ví dụ như bài thơ "Ai thổi sáo..." kia chẳng hạn. Hồi mình rèn tập viết cho 1 đứa em, mình đã cố ý khuyến khích nó học thuộc lòng-vì mình biết đã thuộc lòng ngày đó rồi sau này lớn lên sẽ có 1 kỷ niệm hay. Thế là bày trò thi học thuộc. Ai dè cũng thuộc luôn, vẫn nhớ là trích đoạn đâu đó trong "Tháng 5 mùa gặt" của Ngô Văn Phú. Bây giờ đọc lên thì trong trí óc lại chồng lớp thêm vào cái hình ảnh trang sách cũ hồi cấp 1 là cái hình ảnh mùa hè nọ ngồi kèm trẻ học bài trong nắng hè đầu hiên.

Nói chuyện những trang sách vỡ lòng, không hiểu sao luôn luôn trong tâm trí mình hiện ra mấy câu như

"Sáo ai như tiếng quê hương
Êm như lời mẹ yêu thương dặn dò"


Có cái hình cô gái áo dài vấn khăn cầm chiếc sáo trước mành ở trang sách bên phải. Một hình bên trái vẽ cái cầu cong cong với câu

"Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha"


Tất cả in bằng mực đỏ trên nền giấy ngả vàng cũ cũ-vì là sách mượn.

Còn 1 bài tập đọc lớp 2 về chim sơn ca trên bãi cỏ và nắng loá nữa. Không nhớ nó thế nào nhưng nhớ cái tưởng tượng về nó hồi ấy. Nhớ cả cái lớp học nhà cấp 4 lợp ngói đầu hồi có hàng rào tre. Nhớ cả những cái bãn cũ, nhiều chỗ bóng lên vì mồ hôi và nhiều vết khắc chạm viết chi chít nguệch ngoạc.


P/s: @bạn Trang: kỷ niệm Chapa của tớ đây này, trong tag "đi" ấy:

http://blog.360.yahoo.com/blog-FQJQjc00dqe5CQBraIUtT9L8HjLipA--?cq=1&p=52


1 nhận xét:

  1. Dưới cầu nước chảy trong veo
    Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha...
    Entry của bạn có vẻ mô phạm quá, nhưng nó mang một mảng màu mà tớ thích. :) glad to meet you!!

    Trả lờiXóa