Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

Entry for December 25, 2008

"Đó là một kẻ cô đơn về mọi mặt, họ không có đến một người bạn thân thực sự hiểu họ, an ủi họ, và giữa chỉ một kẻ không thôi và không ai cả, cũng như giữa một cái gì với không có gì cả có một vực thẳm hun hút, khi ta có những người bạn đích thực, ta không hiểu được thế nào là thực sự cô đơn, thế nào là toàn thể cuộc đời chống lại mình"-F.N

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2008

Homo Faber-Max Frisch

- 1 môi trường rộng lớn, quốc tế hoá/tiêu chuẩn hoá. Sự tiến bộ. Sự tha hoá của con người.

- Những cảm giác của 1 con người: cảm giác yêu thương, cảm giác tội lỗi, sự sợ chết, do dự, lo lắng...

- Giấc mơ li dị: cảm giác li khai, nhu cầu cá biệt hoá.

- Để khắc hoạ sự đối chọi, có cách rất đơn giản: sự phi lý, sự hi hữu, ngẫu nhiên, oái oăm...của cuộc đời. Nhưng cuộc đời có cần quá nhiều những thứ phi lý như vậy để dẫn dắt những cảm thức "con người" kia không?

- Những năm 1950s. Thời kỳ hậu chiến. Hippy. Ý thức hệ.

- Khi vắng mặt những sự kiện li kỳ, phi thường-cuộc đời con người ta vẫn vốn dĩ rất phi lý và oái oăm-làm rõ nó ra.

- tr38: xác suất và nghiệm sinh-chúng ta chỉ có 1 cuộc đời để trải nghiệm.

- Các nhân vật đều cô độc và tự vấn. Họ có tài, có cá tính, và có khả năng để được lựa chọn cũng như có vẻ họ có nhiều lựa chọn. Nhưng họ vẫn bị cuốn đi bởi những trải nghiệm nghiệm sinh của họ. Thực ra họ có tấm lòng rộng mở và có thể yêu thương bất cứ điều gì nhỏ nhặt nhất từ cuộc sống. Nhưng họ vẫn bị phân li với cuộc sống.

- Lồng ghép hình thức nhật ký. Sự hồi tưởng đem lại cảm thức gì?

- Thói quen quay phim. Tại sao phải quay phim? Để nhớ lại? Đã chọn lọc và đã sắp xếp. Tại sao không trải nghiệm trực tiếp hiện tại? Nó có vẻ mâu thuẫn với việc trình bày câu chuyện dưới dạng kể lại-hồi ký?

- tr41: Không phải chuyến phiêu lưu kỳ thú/sự vắng mặt cái huyền bí. Khi nào thì phát sinh cái huyền bí? Khi tin vào sự vô hạn hay sự hữu hạn?

- Những cây agaua trên sa mạc: loài cây chỉ ra hoa 1 lần rồi chết.

- Ánh trăng và sự thực. Óc liên tưởng là dối lừa hay sao?/Về phép gợi gián tiếp của nghệ thuật phương Đông và quá trình suy tư vô tận-để hoà mình vào tiến trình-để chạm được vào những thứ vô hình (FJ).

Tặng Hana.

- Cảm giác nhớp nháp ở xứ nhiệt đới hoá ra lại là cái làm cho người ta ghi nhớ là đã sống.

- Đoàn tàu tiện nghi trong đêm. Qua rừng.
Luôn luôn tôi nhớ những chuyến tàu đêm đi Yên Bái, Lào Cai..nhớ cái ấn tượng đến ám ảnh của lần đầu tiên. Con tàu cổ lỗ, còi hơi. Hành khách là những người bình dân-đủ mọi hạng người, nhếch nhác..Cái không khí chộn rộn, ngai ngái của sân ga về đêm, dưới ánh đèn điện vàng vọt. Cái giọng nhắc tàu rất đặc biệt, đặc biệt ngang với chương trình ngâm thơ trong mục Văn nghệ của đài tiếng nói VN lúc đêm khuya gần Tết âm lịch. Xe ôm, xich lô, khuân vác, chè chén..người đưa người tiễn, cái dáng vẻ láo nháo ngơ ngáo tìm nhau. .Sự vội vàng của người về, vẻ bồn chồn của người đi...



Con tàu sẽ rục rịch rồi đi qua phía lưng của những khu phố cũ. Tôi ngồi trong toa ghế cứng (đấy mới là nơi của đa số mọi người), nhìn qua khung cửa. Không bao giờ người ta chú ý đến phía sau ngôi nhà cả. Con tàu như đi qua một thế giới chưa hề thay đổi-một thế giới, cũ, nhếch nhác và không hề mảy may làm duyên làm dáng. Thảng hoặc có xuất hiện vài người thì cũng là những phút giây không hề duyên dáng, cũng chẳng buồn ngó con tàu..Tất cả là một thế giới không phải của hiện tại. Khi tàu đi qua đoạn Đường Thành, tự nhiên thấy khác lạ vô cùng. Phố cũ Hà Nội nhìn từ trên cao xuống thấp thoáng sau hàng bàng đã thưa lá ngày cuối đông thật yên tĩnh khác thường. Từ trên đây thấy phố chả khác ngày xưa chút gì.



Ngang qua sông Hồng, gió bắt đầu lộng thổi. Cây cầu Long Biên xa xa trong ánh đèn vàng mờ mờ một quầng..cầu chỉ riêng cho người đi bộ và đi xe đạp-chủ yếu là xe đạp thồ, nhiều nhất vào sáng tinh mơ, khi mọi người chở rau sang phố..Thành phố lãng quên nhiều thứ quá, nên mới còn đầu sông cuối bãi này để mà đôi khi ta ra ngó cho lòng dịu lại...Tôi luôn thấy chuyến tàu là một hình ảnh thật giống với hình ảnh cuộc đời. Đủ mọi hạng người trên cùng một hướng đến đại thể. Ngồi lên đây rồi là không ai nghĩ đến một hướng đi khác nữa-không chọn lựa. Ở trong xe lửa là yên tâm nhất. Mọi sự vẫn trôi đi mà khối sắt thép này là đảm bảo tuyệt đối cho sự an toàn trước mưa gió ngoài kia. Có thể gặp vô số cảnh đời nơi đây: một cụ già về quê, một gia đình chộn rộn có con nít, những người đi buôn, những người đi làm, những đôi lứa đi du lịch, những người không thể biết...Trên tàu cũng có sự phân biệt, có trật tự riêng..trật tự của những người cả cuộc đời ở trên dòng lắc lư này.



Khi đêm đã hơi muộn rồi, trời se lạnh thì mọi người đa phần đều ngủ hay gà gật. Tàu đang đi qua những cung đường vắng. Một vài ngọn đèn vẫn bật đủ soi mờ tỏ những dáng hình con người. Mọi người cố xoay sở cho mình tư thế thoải mái nhất có thể: những cái áo đắp tạm, người thì nằm ngang, chân gác qua thành đối diện, có người mắc võng và không ít người nằm luôn xuống sàn tàu có hoặc không có tấm gì kê lưng. Tạm bợ, tất cả đều tạm bợ vì chuyến đi chỉ là tình cờ, mọi người đều chờ đợi sự sạch sẽ tại nơi đến của mình. Bất giác tôi liên tưởng đến một cái nhìn trong suốt-tôi luôn ao ước có ai vẽ ra bức tranh ấy:trong con tàu, loại trừ đi những vách ngăn, nơi này là những người nằm ngồi la liệt, khoang bên là sáu con người một gian..mỗi người một tư thế, một dáng vẻ trong một thế giới ba chiều. Ai cũng bàng quan nghĩ rằng mình đơn lẻ, riêng tư...Ai đó nói mê, một vài người trở mình, thỉnh thoảng có người quờ quạng đi về phía toa lét, băng qua những cái chân ngáng, len lách giữa những thân người. Mỗi lần ngồi trong một toa tàu tôi thường luôn tìm một hình dáng nổi bật nhất. Một cô nào đó sẽ được chọn làm hoa hậu và hễ cô còn ở đó và không bị thay thế thì cảm xúc của tôi vẫn còn trung thành với cô đấy...Bất chợt một vài người bừng tỉnh, lục sục đồ đạc. Giọng thông báo ngái ngủ, con tàu sắp dừng lại một ga lẻ nào đó. Khuya rồi. Sương lạnh xuống mờ mịt. Con tàu dừng lại giữa một quãng rừng vắng. Trong đêm tối, cái ga xép chả thấy đâu, quầng sáng vàng vọt chỉ đủ soi thấp thoáng cây cột điện, hình như có nếp nhà sàn..Vài ba người xuống tàu, rồi vội vã tan mất vào trong đêm tối. Không biết giữa rừng thế này họ đi về đâu? Cũng không ai để ý họ cả, mọi người chìm trong giấc mộng mị, thấp thỏm..

- Tôi liên tục ngủ mơ...(không mơ thấy Hana)

--------------------
Chuyện người da đỏ.


Người đàn ông nhìn thấy con chim ưng bay qua trước cửa bỗng nhiên bỏ nhà ra đi. Người vợ gặp lại dười âm phủ bèn hỏi. Câu trả lời là: vì con chim ưng vẫn bay.


--------------------

- "Tôi nghĩ về Yoakkim. Nhưng đích thực, về cái gì nhỉ?"

- tr65: thứ âm thanh "vè vè ong ong, không to nhưng dai dẳng, ám ảnh, gợi nhớ tiếng ve sầu rả rích, nhưng đanh và đơn điệu hơn"-Mình nhớ cảm giác lúc nghe file nhạc của VNT mà bạn KH gửi cho. Thì ra là nhớ đến đoạn này. Buồn cười, đóng kín cửa phòng làm việc để nghe và đóng bộ tịch nghiêm trang trước sự ngạc nhiên của thằng Đức.


"Máy tính anh bị làm sao đấy?"


"Nghệ thuật Hậu hiện đại đấy."


Btw, tinh thần HHĐ: sự tái lập giá trị Khai Minh. Giải phóng con người, tự do cá nhân và chủ nghĩa nhân bản.

- "Anh chàng người Mỹ" và những di chỉ Inca làm mình nhớ Mỹ Sơn và Kazic.
Bị chìm đi ở Palenke. "Ở đây người ta quên hết thảy".

- Có lẽ những khung cảnh được khắc hoạ giống như là những ký hoạ sống động.

- tr211: tôi nhận thấy lứa tuổi lại có vẻ rất hợp với nàng, chỉ trừ cái cổ hơi nhẽo làm tôi nhớ đến cổ con rùa. Tôi lại xin nàng hãy bỏ quá cho những lời của mình.

Erini-nữ thần (Erinnyes) của sự nguyền rủa và trả thù. Nhưng với những người biết hối cải lại trở thành những nữ thần lòng lành phù hộ. Ơmêniđa (Chính là Những kẻ thiện tâm).

- Nhưng chính tôi chẳng phải cũng thường trình bày 1 sự kiện như là những gì đã qua. Thậm chí mọi cấu trúc hành văn luôn trượt qua (phía trước hoặc phía sau) của tâm điểm. Tâm điểm bị phớt qua, thậm chí là lờ đi trong tiêu đề. (Đi mãi thì đến Chèm). Đấy không phải là sự cố ý mà đúng hơn là sự cố gắng tái tạo bối cảnh và cảm xúc. Những thứ thực sự lan man và không thể quy chụp riêng rẽ.

- tr221: hạng đàn ông: 1 đám người mù quáng, bị tước đoạt mọi tiếp xúc với thế giới xung quanh.

- Những liên tưởng so sánh hình ảnh-tôi nhớ những đám mây tuổi thơ.

Ngày xưa mây trắng bay phiêu dật chân trời. Buổi chiều mùa hè. Nắng đầy chiều. Lũ trẻ đu mình trên cây xoan bên bờ mương, dõi nhìn phía bầu trời trên cánh đồng. Mây trắng hình gì ấy nhỉ? Thi xem ai tìm được nhiều hình nhé! Dịu nhẹ. Ký ức ấy rất nhẹ nhõm trong cõi lòng tôi vụn vặt.



Tại sao Yoakkim lại tự tử?
Tại sao Herbert lại thay đổi? Theo kiểu bất cần như vậy?
Nađa.

- tr278: khi xem 1 bộ phim, điều đó đã không còn nữa.

- tr302: sống trên mặt đất-có nghĩa là sống với đời.

--------------------
Khi đã bắt đầu tưởng tượng thì sẽ phải tưởng tượng rất dài. Và sau đó thì rất dễ thất vọng, lập bập. Nhưng thực tế mọi chuyện cũng chịu được. Rút từ thực tế.


--------------------



Làm thế nào để "nghe" 1 bản nhạc? Giữ cho tâm trí thả lỏng như 1 mặt nước hồ hứng những giọt nước mưa là những âm điệu. Không liên tưởng, không ghi nhớ, không chờ đợi. Đơn giản là "nghe" vậy thôi. Không để tâm trí vướng kẹt lại ở chỗ nào.



Sự thuần khiết. Tính cực đoan. Dọn dẹp tâm trí tốt nhất là bằng âm nhạc không lời.



Âm nhạc và cử động. Mọi người múa may vô thức theo điệu nhạc. 1 phản xạ có điều kiện hay là sự tương đồng giữa ngôn ngữ động tác của cơ thể và âm thanh?


---------------------

- Vì 1 mục đích cụ thể, họ (Yoakkim hay Herbert-yes, nước Đức) đã vượt qua mọi chướng ngại. Chính quá trình trải nghiệm đã biến đổi con người họ. Một kiểu mất phương hướng? Đầy ứ sự tương đối. (Nađa). Hay chỉ đơn giản là sự thoái lui, buông xuôi? Vì sao? Vẫn chưa thực sự nghĩ ra điều này.

- Mọi chuyện trở lên "chẳng là cái gì cả". Cái gì đã biến đổi con người kia? Những cảm giác của con người? Tại sao Yoakkim? Tại sao Herbert? Vì sự bối rối nào? Quy chiếu vào mình và nhận ra mình nhỏ bé?

- 1 thế giới dường như không còn giới hạn về kích cỡ quả đất nhưng lại còn ẩn tàng rất nhiều nếp gấp mà người ta còn phải lật đi lật lại bằng cuộc đời mình để hiểu. Sống và trải nghiệm cảm giác của mình với ý thức về sự nhỏ bé của chính mình. Sống với ký ức, trí nhớ, tình yêu và những điều dang dở. Sống với nỗi bất an mà chỉ còn biết an ủi mình bằng những cảm giác về cuộc đời.

---------------------

P/s: Homo Faber của Max Frisch là cuốn tiểu thuyết tôi thích đọc lại nhiều nhất (cho đến giờ). Hình như mới chỉ có 1 bản dịch duy nhất và xuất bản 1 lần duy nhất vào năm 1986 của NXB Tác phẩm mới. Bản dịch của Hoàng Hữu Phê và Đặng Hồng Trung từ bản tiếng Nga. Tiểu thuyết luận đề của 1 nhà văn tay ngang xuất thân KTS người "Thuỵ Xỹ". Hình như có tên trong bình trọn 100 cuốn sách của TK20.

Cuốn sách khá dầy in bằng loại giấy xấu đen ngòm hoá ra lại rất có sức ám ảnh tôi. Mỗi lần đọc lại đều có thể bị lôi kéo cho đến tận kết thúc. Luôn luôn là cái không khí hồi tưởng buồn buồn cảm động mà không mất đi vẻ khoát đạt thoáng đãng đến nao lòng.

Mỗi lần nhớ lại tôi thường nhớ đến cụm từ "những cây agaua trên cát". Và cái nóng ẩm ở Palenke. Chắc là tâm trạng muốn thoát đi. Đến tận cùng trời cuối đất. Mà không cần viện đến cái độc đáo, hùng tráng màu mè. Chỉ là muốn thoát đi.

Cũng có thể là vì trong câu chuyện đều đều lầm rầm này các nhân vật đều có tuýp tâm trí rất khoát đạt. Không ai ti tiện. Không ai gùn ghè. Kể từ gã macô Cuba trở đi. Còn cái tên Hana thật đẹp. Không hiểu sao lại có cảm giác như vậy. Mỗi khung cảnh cũng sống động nữa. Tôi cứ liên tưởng đến những ký hoạ bằng bút sắt. Hẳn là lên những mẩu giấy bất kỳ. Đã định viết hẳn 1 review về cuốn sách này. Nhưng mỗi lần đọc lại đều chỉ muốn để nguyên như thế. Có khi những gạch đầu dòng linh tinh cũng sẽ giống như những ký hoạ kia: luôn dang dở và day dứt. Ở giữa cuộc sống và tác phẩm.

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008

Entry for December 22, 2008

http://www.quansuvn.net/index.php?topic=1070.20


"Chiến tranh giản dị đến khắc nghiệt vô cùng. Diễn tiến tâm lý cũng chẳng lằng nhằng phức tạp trong thời điểm cận chiến. Mày sống tao chết hoặc ngược lại. Huy động và sử dụng tối đa các kỹ năng sống sót của con thú. Lăn đi! Nằm xuống! B.41 đâu? Bịt mồm khẩu đại liên! Mẹ kiếp !....Không sủa, không gầm gừ được thì văng tục!..... Có thế thôi ! Sau này lắng lại, các xúc cảm con Người trở về, và được sự giúp đỡ của các nhà văn nhà báo lãng mạn mới hay mình đã chiến đấu vì Đất nước. Kể cũng thấy tự hào..."

- Lời nói của người lính trận. "Đại tự sự" của chiến tranh? Tại sao lại là những năm tháng đáng nhớ nhất? Gắn chặt với thực tại. Xúc cảm kịch liệt. Vận động kịch liệt. Chạm vào ranh giới của sự sống và cái chết. Nó, những ký ức, sự kiện trở thành nguồn tư liệu cho sự tự vấn của người lính.

- Dẫn dắt: từ sự lựa chọn. Sự oái oăm của định mệnh. Giấc mơ về sự lựa chọn.

Một khung cảnh đám giỗ ở nhà quê. Những người đàn ông ngồi uống rượu với nhau lúc cuộc đã tàn. Mấy người đàn bà ở nhà dưới. Mọi người nói về chiến tranh với sự căm thù và phấn khích. Mình nói cái gì đó. Bố ngồi lặng lẽ, thở dài nói "Chiến tranh không phải là một trò chơi" -bố đã từng trải qua. Chuyển sang khung cảnh là một căn nhà đổ nát, mái bằng đã bị sập lộ ra khoảng trời toang hoác. Những chiếc máy bay của Mỹ to lớn bay rất sát mặt đất, mình với vài người ngước lên nhìn thấy rõ những qủa bom. Một vài người dùng súng Ak bắn lên nhưng không ăn thua. Dùng vũ khí mạnh hơn thì sợ tất cả sẽ nổ tung. Mọi người căm phẫn. Không gian âm u và ngột ngạt. Bỗng chuyển sang khung cảnh một bến sông, trời mưa gió tầm tã. Những người đàn bà đang tiễn con mình đi ra trận. Những đứa trẻ bằng tuổi em mình, vừa chơi trò chơi đuổi bắt bên mé rừng rồi bỗng nhiên bị gọi đi. Một số đứa bị lùa sang phe bên kia. Bỗng gặp mẹ, nói thằng em mình cũng phải đi. Nháo nhác tìm kiếm. Chúng nó có biết gì. Mai kia lại quay súng bắn vào nhau. Những chiếc xà lan (của Nato) chở lính bắt đầu đến. Mình bỗng nhiên oà vỡ, khóc như mưa như gió. Bất lực hoàn toàn và rất trớ trêu. Vô nghĩa..

---------------

- Đào ngũ. Ngay cả khi có sự lựa chọn việc từ chối tham gia vào 1 việc phi lí như vậy, thì việc bảo tồn sinh mệnh có phải là ưu tiên hàng đầu? 1 cá nhân sẽ dễ dàng viện ra những lý do hiển nhiên cho nhận thực của mình. Còn khi không được lựa chọn? Như Nguyễn Bắc Sơn. Hay trốn lính như TCS?

- Câu nói của Albert Einstein: người lính có vị trí thấp nhất trong thang bậc nhân vị của con người trong xã hội (Thế giới như tôi thấy). Vì họ ít lựa chọn nhất? Còn vì họ là công cụ của sự huỷ diệt.

- Câu chuyện sẽ kéo về đến PG và đất nước. Trần Nhân Tông hay Tuệ Trung Thượng Sỹ. Rốt ráo và giản lược thì vẫn là 1 cas điển hình: Mở miệng không được, không mở miệng cũng không được. (Không phải Mở Miệng bỏ mẹ). Có tội hay không có tội. God.

- Chiến tranh. Người ta nhân danh cái gì để phán xét 1 con người khác là đáng chết? "Máu đền máu. Răng đền răng.". Điều này đòi hỏi 1 nhận thức sâu xa về sinh tồn. - Câu chuyện vua Tề tế dê thay bò (và Mạnh Tử). (Xác lập cơ sở cho đạo đức. Bên kia thiện ác, btw). "Dịch hạch" cũng nói về tử hình. Quyết định tự tử là 1 quyết định/sự kiện trọng đại (Sysphus, A. Camus).

- Câu hỏi về chiến tranh khởi đi bắt đầu như thế này: phải làm gì khi bị rơi vào 1 cuộc chiến? Mà người ta lại chưa kịp mang theo ý nghĩa của nó-của tình thế hiện sinh của mình. Người ta không muốn giết và cũng không muốn bị giết.

Sau đó sẽ là: tính chính đáng của việc tử hình. Tinh những việc khó!

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

Chúc mừng sinh nhật bạn Gấu




Chúc mừng sinh nhật bạn Gấu.
Giờ này năm ngoái đang cong mông ị phân su.
Bây giờ thì đi được 2, 3 bước rồi.
Tiếng đầu lòng con không gọi Xít-ta-lin mà con gọi Prime. Bố con điện thoại nói chuyện với nhau toàn "Prime". Buồn cười cực.

Happy birthday to you, my son.

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch




Tuần trước được buổi đẹp trời, có người bạn nhã ý rủ đi nghe độc tấu piano. Thật là thông mũi mát họng, sảng khoái dài lâu. Di âm còn rền rã đến mấy ngày :)

Gió thu đưa hứng, lại cùng nhau đi ăn tận trên phố. Quán nhỏ sang trọng tinh tế. Ngồi ngay ban công ngắm sân Nhà thờ lớn. Nắng trưa nhảy nhót trong se lạnh nên không thể cầm lòng mà tản mạn sang chuyện thưởng rượu. Mới nhớ ra là có mấy địa chỉ này đã đọc qua. Bạn nào hữu tâm làm người tinh tế thì tìm đọc nhé. Một là bàn về cognac. Một là bàn về vin. Tất cả đều về danh tửu của Pháp quốc.

http://www.langven.com/forum/index.php?showtopic=1874

http://blog.360.yahoo.com/blog-nCSCfk8lc6cEO0lhXTLKmthA.Vbl7qE-?cq=1&p=138

P/s: Cách uống rượu trưởng giả của người Tây thì chả liên hệ gì với lối thưởng rượu của Lý tiên sinh đây. Nhưng hãy cứ post thêm vào cho nó đối chọi 1 thể. Không có thời gian tìm xem bản dịch nào ưng ý nên dùng luôn nguyên bản. Bạn nào thích thì google ra các bản dịch nhé.

TƯƠNG TIẾN TỬU

Quân bất kiến
Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi !
Hựu bất kiến
Cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ti mộ thành tuyết.
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt
Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,
Thiên kim tán tận hoàn phục lai.
Phanh dương tể ngưu thả vi lạc,
Hội tu nhất ẩm tam bách bôi.
Sầm phu tử!
Đan Khâu sinh.!
Tương tiến tửu,
Bôi mạc đình!
Dữ quân ca nhất khúc,
Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thính.
Chung cổ soạn ngọc bất túc quý,
Đãn nguyện trường túy bất nguyện tinh
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.
Trần Vương tích thời yến Bình Lạc,
Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước.
Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền,
Kính tu cô thủ đối quân chước.
Ngũ hoa mã,
Thiên kim cừu,
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu

Lý Bạch



Thứ Ba, 9 tháng 12, 2008

Entry for December 10, 2008

Cái chỗ siêu việt của Nguyễn Du là ở đó. Các triết nhân, thánh hiền, các nhà chính trị, sỡ dĩ họ cảm động ta và lôi cuốn ta, tuy thường họ chỉ nói những điều ta từng đã biết, chỉ vì họ đã vừa đau khổ vừa nói. Và đau khổ một cách tầm thường mà thôi.

BG

Chúng ta có quyền

Sau tuyên bố của TQ về kế hoạch khai thác dầu khí tại biển Đông 1 lần nữa dư luận trên mạng lại rung rinh (không dám dùng từ xôn xao vì lần này thấy nhẹ quá :). Có vẻ ngược đời là lần này báo chí chính thống như vietnamnet (hình như cũng mới chỉ có mỗi tờ này mà cụ thể là tuanvietnam) lại có nhiều bài sát sạt hơn là cộng đồng blogger. Biểu tình lần này cũng không được ủng hộ nên tan rã ngay khi manh nha.

Link bài viết liên quan (không hiểu sao đặt link toàn lỗi)

http://blog.360.yahoo.com/blog-LHs64Q8nc6oA.KIg0brqXw--?cq=1&p=18478


Đáng kể nhất là việc vietnamnet đăng bài "Biển Đông và chiến lược diều hâu của TQ". Có thể hiểu được việc bài này bị gỡ xuống trong vòng 1 ngày-cho dù rất có thể thủ thuật đăng 1 ngày này đã dần trở thành chiến thuật nước đôi lách luật của báo mạng VN hiện nay. Nó nhiều khi còn gửi đi nhiều tín hiệu hơn cả bản thân bài báo và dần dần người ta có lẽ sẽ phải thay đổi những quan điểm phê phán về đạo đức báo chí truyền thống áp dụng cho trường hợp đặc thù VN :)


Việc công khai kêu gọi "diều hâu đáp trả diều hâu" là điều không phù hợp với chính sách ngoại giao của VN hiện nay nhưng nó đã được xuất hiện 1 chốc lát chứng tỏ rằng đang có những kêu gọi 1 thái độ mạnh mẽ rõ ràng hơn với TQ. Và điều này đã từng có 1 dấu hiệu từ phía nhà nước VN qua phát biểu của ông Vũ Dũng cách đây không lâu: chúng ta có quyền!


Nhưng không hiểu tại sao mà mấy ngày nay trang www.minhbien.org của Quỹ nghiên cứu biển Đông lại không vào được. (Từ mạng FPT). Thử fake ID thì vẫn vào được. Không lẽ ngay cả một diễn đàn học thuật nghiêm túc và có tính chất ủng hộ quốc gia như thế mà cũng bị firewall? Các bạn khác thử kiểm tra xem việc này có đúng không. Nếu đúng thì đây thực sự là điều đáng lo ngại. Tìm hiểu những nghiên cứu học thuật về Biển Đông, tôi nghĩ: Chúng ta có quyền!

Quỹ nghiên cứu biển đông









Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Entry for November 25, 2008

Có vẻ ngược đời nhưng những tác giả mà mình thích đọc lại nhất lại là những tác giả ít khi mình thuộc được cả bài. Có một sự đồng cảm bất tận đâu đó được gợi ra để thỉnh thoảng muốn nhìn lại.
-----------
Những bạn khuân vác-Lưu Quang Vũ


Năm tôi mười bảy tuổi
Mẹ bảo tôi:
Mày lớn rồi phải tự sống đi thôi
Nhà nghèo đông em mẹ không nuôi hết được

Tôi đi nhờ tàu thuỷ từ Hòn Gai
Ra Hải Phòng tìm việc

Từ giã cây dâu da đầu dốc
Con đường trải đá răm
Những quyển sách tôi cất dưới ngăn bàn
Có giấc mộng về cánh buồm đỏ thắm
Từ giã những cô bạn học
Lưu luyến nhiều nhưng cũng chóng quên nhau

Hải Phòng đón tôi bằng sừng sững khói cao
Tiếng búa tiếng choang tiếng goòng ken két
Tiếng xô đá tiếng gò tôn tiếng bánh xe nghiến nát
Than bay bụi bay nắng cuồng nhiệt khắp nơi
Tất cả lấm đầu và nhễ nhại mồ hôi
Tôi ghi tên vào một đội khuân vác
Người đội trưởng lầm lì
Đặt lên vai tôi bao hàng to nặng
Tôi còng lưng thở rốc vác lên xe
Người khác ném cho tôi điếu thuốc
Không ai nói với tôi một lời
Đêm ấy về ê ẩm hai vai
Tôi nằm nhớ bóng dâu da tuổi nhỏ

Đội bốc vác bảy người
Một anh Hoa kiều mặt rỗ
Làm trên cảng từ đời ông đời cụ
Một người Cát Bà mắt sếch da nâu
Cha ngày xưa bị hải phỉ chặt đầu
Một bác thuỷ thủ già râu bạc
Từng lênh đênh An Giê, Băng Cốc
Một anh thương binh phục viên
Hay thầm thì kể chuyện
Cùng trung đoàn Ký Con về Phát Diệm
Cái năm nhà thờ giết cán bộ trôi sông...
Có anh cày hoang bao đồng ruộng mênh mông
Trốn nợ lưu lạc về đất cảng
Có anh ngực trổ đầy rồng rắn
Có anh mặt buồn mà hát rất hay
Vai nổi u tay đầy vết sẹo chai
Người không mẹ không cha người vợ con nheo nhóc
Ai cũng tựa hòn núi cao im lặng
Giấu trong lòng bao thác cuộn, suối trong
Sắc nhọn, cộc cằn
Bao la, nhỏ hẹp
U tối mà sáng suốt
Từng trải mà thơ ngây
Những người bốc vác
Mang trên vai cuộc đời
Dây tôi cách nhìn cách nghĩ
Trên cửa biển chói chang không chỗ nghỉ
Kiện hàng to thôi đè gập hai vai
Những bàn tay rộng lớn đỡ tay tôi
Không vật nặng nào không nhắc nổi
Không cơn bão nào làm sợ hãi
Những vệt chai quả cảm cứ đầy thêm
Tôi không nén nổi yêu thương
Mỗi lần nhìn các bạn tôi nằm ngủ
Nghe tiếng ngáy khàn, tiếng nói mê, nghe nhịp thở
Tôi nôn nao muốn ôm lấy từng người...
Những cuộc đời đáng hưởng mọi niềm vui
Trước họ tôi không thể nào dối trá
Vì họ tôi có thể làm tất cả
Họ khổ đau nhiều, lòng tôi chẳng phút yên

Tháng lương đầu tiên
Tôi mời mỗi người một vại bia sủi bọt
Còn bao nhiêu mua sách
Những quyển sách tuổi thơ yêu thích
Tôi đọc cho đội bốc vác cùng nghe
Có những điều ngày ấy say mê
Nay trên cảng bỗng thành nhợt nhạt
Cánh buồm đỏ không quyến lòng tôi được
Nhưng nỗi khát khao cuồng dại còn nguyên
Thành đám lửa loang dầu trong đêm
Tiếng hú cửa sông tiếng cây buồm kéo mạnh
Tiếng mưa gõ tường nhà tiếng còi vang lảnh
Muôn hồi chuông nghiêng ngả chào nhau
"Tay chúng ta sẽ kết một con tàu
Cặp bến đẹp của những ngày vui sướng..."

Các bạn tôi ngồi lặng lắng nghe
Những khuôn mặt lầm lì
Bỗng nhoè nước mắt
Bãi sú rì rào
Môi tôi run lên cổ tôi nghẹn nấc
Như sắp nghĩ ra một bài hát khác
Thật và đẹp hơn mọi điều trong sách
Về những con tàu và các bạn của tôi.

(2-1971)

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

Entry for November 18, 2008




Bài viết cũ, post lại tặng những bạn mới :)
-------------------------
Cây trong vườn nhà ta


Một cơn bão mạnh ở quê nhà thì ở Hà Nội chỉ là những ngày dễ chịu với vài cơn mưa lớn. Trẻ con thì thích bão nhưng người lớn thì không. Bây giờ mỗi lần có bão lại lo không biết ở nhà có nhờ được ai tỉa cành cây xoài đi không. Mấy năm trước u định chặt cụt, mình kiên quyết không đồng ý. Trẻ con cần có 1 quê nhà để về thăm và cần có 1 khu vườn với những cây ăn quả để leo trèo hay đơn giản là mắc võng nằm dưới tán cây trong ngày hè. Lúc đầu u bảo là sợ cây to trong vườn vì các "ngài" hay ở đấy. Mình gạt đi, kể cho u nghe những vườn cây bạt ngàn trong Nam. U lại kể đến những ngày mưa bão, không có ai ở nhà để tỉa cành. Cây xoài 15 năm tuổi xum xuê sát bên cửa sổ sau ngôi nhà mái ngói lúc này trở thành mối nguy hiểm khôn lường. Hồi bà còn khoẻ thì bà nằm ở cái giường ngay cạnh cửa sổ này. Có lần cành cây quật vào mái nhà làm rơi mất mấy viên ngói. Bây giờ thì chỗ này để không, khi nào có khách thì mới dùng.

Nhưng mình không nỡ chặt đi những cây to như vậy. Phải mất bao nhiêu lâu mới có được 1 cây xanh to lớn xum xuê trong vườn nhà. Con người hình như có một mối giao cảm huyền bí với cây cối. Đứng dưới 1 gốc cây lớn, mạnh mẽ vươn lên cao, chúng ta cảm nhận được "một cái gì đó thân thiết hơn, mãnh liệt hơn, bao trùm hơn, tác động đến chúng ta ngay tức khắc. Một sức mạnh để đứng thẳng không cưỡng lại được, một áp lực sống bất tận và ngấm ngầm mà ta cho là cảm thấy được trong bản thân mình bằng giao cảm" (Luc Benoist).

Còn nhớ hồi đó mẹ mua về hai quả xoài rất ngon, ăn xong hai anh em mới bảo mẹ thử mang ra vườn trồng xem có lên được không. Vườn đằng sau nhà khá rộng và mới chỉ có một cây roi, một cây táo, một cây hồng xiêm nhỏ và khoảng 5-6 cây na. Đào đất xong 3 mẹ con mới ớ ra là không biết cho cái hạt xuống như thế nào là xuôi, thế nào là ngược. Thế là quyết định đào 2 cái hố ở 2 phía, 1 hột xuôi 1 hột ngược. Cuối cùng cũng mọc lên 1 cây xoài xanh ngắt và bé tí. Vậy cũng nhanh, thấm thoát đã 15 năm. Gốc cây xoài bây giờ đường kính đã được khoảng ba chục phân, thân vươn cao vượt khỏi mái nhà.

Năm ngoái bàn chuyện xây thêm phòng mới cho vợ chồng chú em mỗi lần về quê, lúc đầu u tính là chặt bỏ cây xoài, xây nối hình chữ L với nhà cũ thành 2 gian cho 2 anh em. Mình ngăn lại, bảo bà bây giờ ngoài 80 rồi, còn được bao lâu nữa đâu. Hai thằng thì đi cả năm may ra giỗ, Tết về được 1, 2 ngày thì chỉ cần xây thêm 1 phòng là đủ. U cứ sợ chúng mày không riêng tư, mất tự nhiên. Khổ, chúng con chả lớn lên ở đây thì ở đâu; chẳng lẽ lại quên cái cảnh nhà nông thôn, một gian kê mấy cái giường rồi à...Căn phòng mới xây thêm nối vào nhà cũ tạo thành 1 khu khép kín, 1 phía là giếng trời, 1 phía là cửa sổ và cửa đi phụ ra khoảng sân có cây xoài ngay sát bên. Sân cũng được láng xi măng cẩn thận sạch sẽ. Ngày hè, ngồi dưới bóng cây thấy khoan khoái nhẹ nhõm như ngày nào thơ ấu. U cũng thấy quý cây xoài hơn, không nói chuyện chặt cây to nữa. Còn bàn với mình xem trồng thêm mấy cây ăn quả nữa ở đâu. Cạnh ao đã có 2 cây nhãn, 1 cây mít, 1 cây sung già và một hàng cau rồi. Tính trồng thêm giữa vườn trước nhà cây bưởi. Ừ, mình thích có thêm một cây bưởi. Đêm sáng trăng ngoài hương hoa cau thêm mùi hương thoang thoảng của hoa bưởi nữa thì tuyệt. Những đêm khuya, đứng trong khoảng sân lát gạch mộc, nghe mùi đêm lững thững gần xa lẫn trong tiếng sóng biển ầm ào xa xăm thật lạ. Nách tường có một khóm thanh long bám vào cây núc lác già. Mỗi lần ra hoa đến mấy chục nụ. Hoa thanh long mau nở mau tàn cũng giống hệt hoa quỳnh. Bên cạnh khóm thanh long là 1 cây giao và 1 khóm hồng phai già nua nhưng vẫn ra hoa. Cây mai già đã bị chặt mất lúc mình không ở nhà, nhưng đã kịp chuyển 1 nhánh vào sát tường rào. Những khóm đồng tiền đơn, đồng tiền kép trồng trong bồn ngay cạnh 2 cây đinh lăng già lão kỷ lục vẫn ra hoa nhiều như hồi xưa. Hồi đấy trồng cùng với đồng tiền còn có 1 khóm nhài và 1 ít lưu ly xin của nhà hàng xóm về đem giâm ở góc tường hoa đầu ngõ. Lưu ly về sau tàn gần hết nhưng giống nhài sống dai lạ lùng. Đúng 1 lớp đất mỏng dính chưa đầy nửa mét vuông mà lúc nào cũng xanh ngăn ngắt và thi thoảng điểm những bông hoa trắng xinh thơm ngát. Mỗi lần từ nhà ra để bắt xe đi Hà Nội mình thường ngắt 1 bông, bỏ vào túi áo để nghe thoang thoảng mùi hương tuổi nhỏ...

Không hiểu sao cây hoa hoè cứ làm gợi đến mùa hè. Vì lá, vì cành hay vì hoa vì nắng. Cây hoè đầu ngõ đã ra biết bao nhiêu là hoa và bán được kha khá tiền so với thu nhập ở quê. Mùa hè thường có cảnh 1 đám hoa hoè được giàn ra sân gạch hay phơi trên nóc bể nước mưa mấy hôm liền. Nhưng năm ngoái cây hoè già cỗi quá bị chặt đi mất rồi. Bây giờ chỉ còn 1 cây nhỏ phía sát bờ ao. Bọn này cũng giống mấy cây đu đủ, mấy bụi chuối, chỉ được vài năm lại phải thay cây mới, không gắn bó lâu được như những cây to kia. Sau nhà u cũng mới giồng thêm khóm mía ngọt với 1 giàn mướp đắng. Trước nhà cạnh gốc mít gần bờ ao bây giờ thêm giàn thiên lý...

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2008

Entry for November 16, 2008

“- Tôi ơi, tôi từ đâu về đấy?

- Vâng, tôi vừa chạy mê bên những cánh đồng làng

Cùng chú chó con đuôi xoè như bím tóc

Tôi tìm tuổi thơ, đôi bàn chân xơ tướp

Chỉ gặp đồi hoang và những cánh diều

- Tôi ơi, hình như ai đang gọi?

- Ồ không, tôi đang hát với bạn bè tôi

Những dế mèn khúc lãng du lá cỏ

Ngày râu tóc lan man rêu thành cổ

Bóng tháp Chàm trầm mặc mấy mùa trăng

- Tôi ơi có ai vừa qua?

- Gió đấy thôi mùa thu và tiếng kẹt cửa

Trả tôi về hun hút một men sông

Tôi trong veo nhìn tôi ám bụi

Tôi bộn bề nhìn tôi rỗng không

- Tôi ơi về đâu thế?

- Thì tôi về gieo gặt cánh đồng tôi

Nghe tiếng hạt cựa mình trong đất ẩm

Rồi thảng thốt, tôi nhìn tôi lạ lẫm

Rồi trong mơ tôi gặp những mùa vàng

- Kìa tôi ơi, gì lãng đãng như sương

- Là khói ấy, lá vườn hoang tôi đốt

Gọi chim về khơi một tiếng chuông ngân

Là tôi ấy, ánh ngày lơ đãng tắt

Chợt ngước nhìn, trước cửa một vầng trăng”.

(Hương Đình)

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

Entry for November 15, 2008




Khách sạn nổi trên Hồ Tây
Hôm nay mới biết cái khách sạn này lại được xây hẳn ra ngoài mặt nước hồ Tây. Khách sạn thì đẹp rồi. Dân tình cũng thêm chỗ để cảm nhận vẻ đẹp hồ Tây-miễn là đủ tiền vào KS 5 sao! Có điều bình luận theo kiểu dân gian thì: không biết của đại gia nào mà dữ vậy?

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

Ngứa. Bỗng dưng muốn gãi.




1. Sến nó cũng giống như cái việc gãi ngứa. Nó cũng khoái nhưng mà không có lịch sự. Có điều ai cũng phải gãi nếu bị ngứa. Nhiều lúc chịu ngứa còn khó hơn chịu đau nữa. Có điều gãi nhiều thì có thể bị xước da, bị đau nên cũng không tốt. Vì thế người ta ít nói đến chủ đề gãi ngứa nhưng đấy còn vì nó là cái gì đó hết sức tự nhiên và cần thiết-tự nhiên đến nhạt nhoà. Khi bắt đầu chú ý (hoặc buộc phải chú ý) đến việc gãi ngứa thì thường là tình hình đã rất căng thẳng và khó coi. Ý kiến cá nhân của mình là việc sến-tức là nghe, nói, đọc, viết, xem...một cách sến-do đó, nên nhẹ nhàng, ý tứ và lờ lớ lơ chứ không nên cổ vũ ồn ào xôm tụ. Bạn nghĩ coi sao 1 đám đông quây quần hồ hởi đứng ngồi...gãi xoành xoạch một cách thân mật???

Bình thường mình rất khó chịu và khó hiểu tại sao các bà các cô lại có thể chăm chú hàng đêm xem những bộ phim miên man bất tận sến thô thiển hài vãi chưởng...mà không chán. Tuy nhiên nghĩ lại thì có khác gì việc mình ngồi coi phim chưởng đâu. Uỵch uỵch bụp chạt...chả có nghĩa lý gì. Xem xong là quên ngay. Nhưng vẫn cứ xem. Là vì xem không phải để hiểu hay nghĩ ngợi. Xem để...xem vậy thôi. Cho đầu óc buông thả-nó đem lại cảm giác dễ chịu tạm thời. Một kiểu tán tâm điển hình. Vì vậy để sến không khó: chỉ cần hai điều kiện. Một là buông xuôi. Hai là chấp nhận một quy ước ngầm có tính ước lệ với đối tượng-phong cách của một bộ phim chẳng hạn. Người ngoài thấy khó hiểu thường là vì thiếu mất điều kiện thứ hai này. Mà không có thoả ước này thì ngược lại cũng không buông xuôi được. Cho nên khi mà nhà mình chặt, phe đa số lại đang tập trung thưởng thức say sưa thì mình hoàn toàn cũng có thể enjoy bằng cách ngồi xuống mà...gãi cho hoà đồng. Cứ gãi đi rồi sẽ ngứa.

Như cái phim "Bỗng dưng muốn khóc" kia chẳng hạn. Xem 1 chặp thấy cũng hay. Có lẽ vì tiết tấu nhanh gọn, nội dung nhẹ nhàng vô hại. Xem rồi bỏ. Vậy mà tảng sáng qua tự nhiên tỉnh dậy, nghĩ nhớ mang máng cái hình ảnh người ta phá cái nhà hoang trong phim...lại làm mình bỗng dưng muốn nhớ! Là mình nhớ lại hồi nhà mình chuyển từ khu tập thể ra ở riêng. Cái khu tập thể cấp 4 xập xệ tiêu điều, mọi người bỏ đi gần hết. Vậy mà hai anh em mình đã bị mẹ mắng cho vì tội than thở mãi là tiếc nhà cũ. Trẻ con chưa biết sến là gì và cũng chưa biết rằng: Cái gì gắn bó với nhau lâu rồi cũng sinh ra đáng yêu, thân thiết. Và cần rất lâu sau để biết thêm rằng: Cái gì đến rồi cũng sẽ đi.
Thệ giả như tư phù, bất xá trú dạ
.


2. Bài viết cũ.
Căn nhà, vườn điền thanh và ô cửa sổ.

Vậy mà quên mất thật nhiều điều. Lúc nãy tôi cố gắng nhớ lại căn hộ tập thể mà gia đình tôi đã ở đấy từ lúc tôi khoảng 3-4 tuổi đến tận 13 tuổi. Khu tập thể 1 tầng 10 căn nhưng căn đầu vốn là nhà trẻ sau đó để hoang. Còn lại là 9 gia đình. Mỗi gia đình ở trong 1 gian nhà rộng khoảng 3,5m sâu độ 10m. Bếp nằm phía sau, ở giữa có 1 giếng trời khoảng 2m. Đằng trước chỉ có 1 cái cửa 2 cánh ở chính giữa. Phía sau có cái cửa sổ mở ra giếng trời. Góc giếng trời có 1 cái bể nước có nắp khoảng 1m3. Hàng ngày phải gánh nước đổ vào bể. Cạnh bể nước, bên dưới cửa sổ để 2 cái xô. Trong bếp gần 1 nửa bên tay trái là chuồng lợn, phần còn lại gồm 1 chỗ để trấu và củi, 1 phần là bếp củi. Cũng có thời gian nhà đắp bếp lò nhưng ít thôi. Trước mỗi nhà là 1 khoảng sân có chiều rộng khoảng hơn 3m. Thường là làm giàn mướp ở bên trên. Mỗi nhà thường trồng 1 cây gì đó, phần nhiều là xoan để có thể kết hợp bắc giàn mướp. Tiếp theo nữa là 1 mảnh vườn dài, chia làm nhiều phần, gần nhà trồng rau, tiếp theo có thể trồng khoai lang. Tiếp nữa là mảnh đất trũng ngập nước thường để hoang hay trồng điền thanh. Khu tập thể nằm giữa vùng đất trống. Một phía là cánh đồng, 1 phía là phía sau bệnh viện, gần nhà xác. Hồi bé lũ trẻ con chúng tôi thường ra rình ở đấy để được xem người chết hay mổ pháp y. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi thường không biết sợ ma là gì cả. Sau này khoảng 16 tuổi (khi đã chuyển nhà) có 2 lần vào gần nửa đêm hôm rằm tháng 7 tôi một mình đi ra nghĩa địa giữa cánh đồng sau làng để xem có gặp ma không mà không thấy gì. Tôi đứng đó trong ánh trăng sáng tỏ, dưới hàng cây phi lao và gần như muốn gọi to lên xem ma có thấy tôi không. Kỳ cục thật, tôi không kể với ai về điều này nhưng tôi nghĩ là nếu có ma thì họ cũng sẽ làm bạn với tôi thôi. Bà tôi đi xem bói thường kể là họ bảo tôi có nhiều người quý mến, cả trần cả âm. Khi nào ốm nhiều là vì có người âm quý. Vậy chứng tỏ tôi hay chơi với người âm rồi :)

Trong nhà đồ đạc chẳng có gì nhiều, 2 cái giường đôi ở 2 đầu nhà, giữa là cái bàn uống nước, góc phải sát cửa có cái chạn, chỗ còn lại để tủ quần áo và để xe đạp. Cái giường phía trong nằm xuống có thể nhìn thấy 1 khoảng trời xanh ngăn ngắt. Không hiểu sao trong ký ức của tôi luôn nhớ hình ảnh này: năm đó chắc tôi khoảng học lớp 2-3, em tôi còn bé chưa đi học. Một lần hiếm hoi 3 mẹ con tôi rỗi rãi vào buổi trưa cùng chơi trên giường. Tôi nhớ tôi đã hỏi mẹ về câu ca dao mẹ đang đọc cho em tôi nghe

"Con cò bay lả bay la
Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng"


Tôi hỏi về cổng phủ, tôi không biết nó là cái gì. Mẹ giải thích gì đó nhưng tôi chỉ nhớ cái cảm giác nằm lăn ra nhìn bầu trời xanh ngăn ngắt và tưởng tượng có con cò trắng đang bay ngang qua trong lúc mẹ đang nô với em. Tóc mẹ đen vừa mới gội bồ kết rất thơm. Trí óc tôi lưu giữ tất cả: buổi trưa, bầu trời và cánh cò, mẹ chơi với em và mình nằm bên cạnh, mái tóc mẹ đen, ướt và hình như có mùi bồ kết...



Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2008

Entry for November 08, 2008

1. Chỉ cần xem cái tên của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão TW là đã thấy "LỤT" là vấn đề thiên tai hàng đầu của VN rồi. Người dân nội thành HN lao đao 1 thời gian vừa qua nhưng nhìn tổng thể thì có lẽ chính những người nông dân ngoại thành và nông thôn những vùng lụt lội mới là những người chịu ảnh hưởng lớn và lâu dài nhất. Họ ở xa những tiện ích đô thị hơn và quan trọng là lụt lội làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mưu sinh của họ hơn những người dân trong nội thị.

2. Chuyện này làm mình nhớ 1 ý kiến của 1 chuyên gia đô thị trước đây có lần nói với mình. Bác cho rằng thay vì rất nhiều đại dự án không cần thiết, có 1 ý tưởng về việc đào 1 dòng sông dọc theo miền Trung VN có thể khắc phục được lâu dài vấn đề lũ lụt của toàn vùng. Nhưng những ý tưởng như vậy cần 1 tầm nhìn thật lớn, thật xa.

3. Những vụ tai nạn chết người như vụ em học sinh bị rơi xuống cống ở hồ Nam Đồng, HN vừa qua khiến mình thắc mắc nhiều về việc ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong những việc như thế? Có rất nhiều trường hợp tai nạn thương tâm tương tự như những vụ bị sa xuống hố cống không có nắp...Tắc trách của bên thi công? Trách nhiệm của giao thông công chính? Hay chính quyền địa phương? Và hơn hết là sau những vụ đó người ta có rút kinh nghiệm và đưa ra những biện pháp giải quyết triệt để? VD như ở hồ Nam Đồng đã ai quan tâm đến việc phải rào chỗ nguy hiểm đó lại? Lúc ngập lụt sau này ai là người có trách nhiệm theo dõi, đưa ra các cảnh báo? Tóm lại HN cần có thêm nhiều quy trình ứng phó sơ cấp hơn cho những việc như thế này (@ blog Đông A).

Entry for November 08, 2008

Thời hoa đỏ - Thanh Tùng

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng cho lòng ta yên

Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
Em hát một câu thơ cũ
Cái say mê của một thời thiếu nữ

Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa của một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn vào tận sâu mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Trong câu thơ của em anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu thương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh lùng
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim.

Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em

Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời hoa đỏ ngày xưa.

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2008

Chạy




http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/11/3BA08282/



Theo như bài trả lời phỏng vấn Vnexpress của ông Đào Ngọc Nghiêm (nguyên GĐ Sở KT&QH HN) thì kể ra định hướng quy hoạch thoát nước của Hà Nội cũ cũng đã thực hiện đúng quy trình: Số liệu quan trắc từ 1954 (không tính phần số liệu của Pháp trước đó cũng khoảng 50 năm nữa) đến 1998. Thường người ta tính tần suất lượng mưa khi chọn số liệu tính toán thoát nước đô thị là 5% (tần suất 20 năm), kiểm tra bằng tần suất 2% (50 năm). Dự án thoát nước năm 1998 lấy lượng mưa 310mm, tần suất 10 năm thì cũng chuẩn rồi. Nhưng vấn đề là không thấy ông Nghiêm đề cập đến giải pháp dự phòng cho trường hợp xuất hiện mưa vượt quá công suất thiết kế có trong Dự án hay không. Mình không trong nghề thoát nước nhưng theo logic thông thường thì chắc là cũng phải có một số biện pháp dự phòng. Có thể biện pháp này không được quan tâm tính toán tốt lắm. Chỉ cần xem dự án hồ điều hoà Yên Sở cũng thấy: dự tính 130ha thì không làm đủ; công suất 90m3/s thì chỉ đầu tư 1 nửa rồi chờ. Tức là một mặt người ta không lường được lại có trận mưa lớn như vừa rồi, một mặt có tư tưởng lụt 1 tý ở 1 số chỗ là không sao. Dẫu sao vẫn có thể đại lượng cho rằng về tổng thể thì QH thoát nước cũ không có vấn đề gì lớn (ngoại trừ việc không dự báo được lượng mưa cực đoan như vừa qua).


Theo những gì mình thấy thì vấn đề quá tải của hệ thống thoát nước có thể tập trung vào những vấn đề quản lý cái QH kia nhiều hơn. Các tiểu dự án QHĐT mọc lên tràn lan một mặt vốn đã nhiều cái phát sinh ngoài QH một mặt lại thường có kiểu tính toán lấy được cho mình không quan tâm đến tổng thể và khi thực hiện lại luôn tìm cách lấn chỉ tiêu, bớt đầu tư. Ngoài ra phải kể đến việc quản lý lỏng lẻo những chỉ số khác như hệ số thấm bề mặt đô thị bị giảm đáng kể, việc lấn chiếm, san lấp, chuyển đổi chức năng của 1 phần lớn các mặt nước đô thị có chức năng điều hoà, việc chậm đầu tư cho hạ tầng thoát nước...Những vấn đề này không phải là không có những chuyên gia giỏi nhìn nhận ra mà vấn đề là những ý kiến không được lắng nghe và cũng không có 1 cơ chế phản biện hữu hiệu nào với những vấn đề lớn như vậy và cả sự thiếu tầm nhìn của những người đứng đầu.


http://www.imv-hanoi.com/vi-VN/News/tracuu.aspx


Về việc các dự án QHĐT mới làm manh mún cốt chiếm lợi trước mắt mà không quan tâm (hoặc dốt) tính tới các vấn đề tổng thể thì có thể kể ngay dự án Tây Hồ Tây làm ví dụ. Mọi người có thể theo link này load phần phản biện của dự án IMV (là dự án hợp tác giữa vùng thủ đô Paris và Thành phố Hà nội về chuyển giao chuyên môn quản lý đô thị cho chính quyền HN). Một ví dụ điển hình về 1 khu ĐT mới cóp nhặt đặt chèn lên 1 cánh đồng và không có quan hệ gì với các làng xóm lân cận. (Cá nhân mình rất dị ứng với các dự án gần đây của bọn Hàn Quốc. Bọn này chuyên gia bỏ ra vài triệu đô đi lobby dự án, tô son màu mè, tán nhăng cuội rồi khi có được dự án là bán ngay trên giấy). Khu vực xung quanh hồ Yên Sở là vùng trũng nhất thành phố HN cũng bị lấp đầy các dự án ĐTM. Hậu quả dễ nhìn thấy là người ta lấp đất trũng hay ao hồ để san nền cho khu ĐT. Ngay cả hồ Yên Sở là hồ điều hoà của thành phố vốn có quy hoạch làm công viên cây xanh cũng bị các nhà đầu tư ve vãn sửa sang bổ sung các chức năng tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng thương mại...và đã được giao cho chủ đầu tư nước ngoài. Không biết sau vụ này các bạn còn định làm khách sạn 5 sao ở đấy nữa không?


Vài năm vừa rồi rộ lên phong trào chạy các dự án cống hoá khi có chủ trương của Sở GTCC Hà nội bê tông hoá, cống hoá nhiều kênh mương trong nội đô. Hầu hết các con mương có dự án bị cống hoá đều tập trung ở các khu vực trũng của thành phố. Hiện có 2 dự án đã thực hiện xong chính là đường mới ở khu Hoàng Cầu và con đường Trần Đại Nghĩa đi xuyên qua khu Bách Khoa vốn là mương Sét xuyên qua các vùng trũng của quận Hai Bà và Hoàng Mai như Trương Định, Tân Mai...Khỏi nhắc mọi người cũng biết 2 khu này vừa ngập như thế nào. Thậm chí giờ vẫn ngập! Mấy dự án còn lại mà mình biết đều tương tự như thế đều ở các vùng trũng cả như dự án mương Thái Hà, mương Nguyên Hồng (dọc khu Thành Công đấy ạ), và 1 con mương dài 4km chạy xuyên qua Hai Bà và Hoàng Mai nữa. Có cái đã có chủ, có cái còn dở dang nhưng tựu trung đều là những dự án đem lại lợi nhuận cao vì bỏ tiền ra thì ít thu lợi thì nhiều từ những mặt đường hay diện tích mới ngay giữa trung tâm. Vấn đề là ai chạy được thôi.



P/s: Ngay trước hôm mưa to mình vừa đi qua khu kè Liên Trì, Đan Phượng xong. May là hôm đấy chứ lúc mưa to như thế này thì vấn đề cũng chỉ là ai chạy được/kịp thôi :D

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2008

Đi mãi thì đến Chèm

Ở thành phố lâu thật dễ cảm thấy nhàm chán. Phần nhiều là vô cơn cớ. Không gian tù túng chật chội. Con người ta sống sít sát với nhau nhưng lại rời rạc như những hạt cơm nguội trong một cái hũ tù mù. Mỗi nửa đêm, mỗi khi tắt điện, ngả lưng xuống và tự nhủ rằng đã hết một ngày thì tôi lại nao nao nhìn thứ ánh sáng mờ nhạt từ ngoài khung cửa sổ đang hắt vào trong nhà. Dù biết quanh năm vẫn chỉ là thứ ánh sáng quầng của đèn đường dưới kia vọng lên đấy nhưng luôn luôn tại thời khắc đó trong tôi dội lại hai tâm trạng. Ánh trăng ở nông thôn rộng rãi bàng bạc trở về cùng cảm giác thếch thoác vì nó chỉ luôn dừng ở lằn ranh ký ức nhìn tôi.

Cho dù trăng vẫn đấy và ngoại ô đang ngoài kia nhưng tâm thức thì đã như vốc cát khô lọt qua những kẽ tay từ bao giờ.

Chiều. Tôi nghĩ mình phải ra khỏi nhà. Nhưng đi đâu? Có thể đi đến đâu thì sẽ dừng lại? Không nghĩ nữa nhưng đó phải là một vùng rìa. Một "xứ lạ". Hà nội chỉ có hồ Tây là chỗ tầm mắt có thể rõi mãi đến mờ mịt. Nhưng đứng san sát nhau thì thật khó để đưa mắt ra chỗ xa mờ.

Vòng theo con đường đê, thoát khỏi những lớp nhà lô xô mới nổi thì sẽ đến chỗ có mấy rặng tre. Mấy khoảnh ruộng trồng hoa đào đã gần như biến mất khỏi tầm mắt. Nhà cửa lao nhao đã chiếm hết những khoảng lùi cần thiết cho một vùng ấn tượng. Ruộng đồng còn đó nhưng không có chút hồn vía nào nữa. U ám gần như là tăm tối trong buổi chiều mây mù cuối năm.

Khuất sau những bóng tre có một triền cát dài ngút ngát nằm cạnh bờ sông. Nhưng bây giờ lối đi men đê đã có biển chỉ đường: TRE PLACE. Khi đám đông phát hiện ra những bụi tre thì những bụi tre liền trở thành một sân khấu kịch toen hoẻn của những thị dân.

Đi dọc bờ đê cho ta cảm giác như đang song hành cùng dòng sông. Như đang cùng người bạn thân cũ tìm về một chốn xưa ẩn tàng trong ký ức chung.

Qua chỗ có cây cầu Thăng Long, quá con đường vòng về Hà nội, khi mà ô tô đã bớt đi nhiều thì sẽ thấy đình Chèm nằm chênh vênh bên bờ sông ngoài đê. Dừng lại đứng trên thềm cao nhìn xuống triền sông bên dưới sẽ yên bình nhưng nếu cứ đi ngang qua luôn thì còn thấy yên lòng hơn. Nhưng giờ sẽ đi đâu nữa? Kệ, miễn là cứ men theo dòng sông. Có thể sẽ là một bãi sông rộng rãi.

Con đường thắt lại, quành vào một khúc quanh và con sông khuất đi sau một bãi nổi. Chỗ cái cống ngang sông này lần nào cũng đem lại cảm tưởng như sắp đến một góc hiu hắt nào đó. Cho dù thực ra cứ đi tiếp lại sẽ thấy con sông thấp thoáng bên kia đê. Mấy khu cảng làm ngần ngại cả một dải bờ sông tiếp theo. Nhưng giờ sẽ đi đến đâu nữa? Kệ, cứ đi cho đến bao giờ muốn quay lại. Hơi buồn cười vì ý nghĩ nếu là trong một cuốn truyện thì nhân vật có lẽ sẽ đi mãi đến mất hút trong sương mù.

Chợ Kẻ. Hình như đã hết Chèm rồi. Hình như đây cũng là Kẻ mười năm trước mình cùng anh bạn đạp xe lên chơi nhà những người thợ mộc. Hồi ấy đi lối Hà Tây và không có khái niệm về phương hướng. Cứ đi vậy thôi. Chắc là đúng rồi: những bãi gỗ ven sông. Cái mùi ngái ngái. Buồn cười, đi mãi đến đây mới để ý đến cái mùi đặc trưng của mùa này. Chiều thu, khói đồng mù mịt và khói sông bảng lảng. Hình như đã đi ngang qua khá nhiều đình chùa nhỏ nhỏ của những ngôi làng dọc theo con sông. Ngồi trên xe máy, co hẳn hai chân lên cao sẽ có một cảm giác chênh vênh rất lạ. Nếu bây giờ đi cùng một bạn nào trẻ hăng hái thì có khi sẽ rủ nhau ghé lại chụp ảnh hay vẽ vời. Một mình, ngay cả cái ý nghĩ dừng lại cũng sẽ làm mọi thứ tan biến bẽ bàng.

Chợ bên sông. Chợ trên đê. Rồi những khóm nhà ở sát men sông. Nghĩ đến làng Không-có-đâu. Giá kể mà rủ rê được người bạn nào khi rủng rỉnh cùng nhau tậu một miếng đất ven sông ở đâu quanh đây mà lập Trại-hoa-vàng thì có khi sẽ rất thú. Nhưng sẽ là ở đâu nhỉ? Đoạn trước hay là đoạn này? Thôi kệ, để chờ anh bạn chọn trước, mình sẽ tham khảo sau. Đại khái là vậy. Hình như đây đã là sang Đan Phượng. Thật không nghĩ là sẽ đi xa thế này. Bây giờ làm sao dừng lại? Làm sao để bắt đầu quay lại?

Bụi mù mịt và xe tải lại chạy đầy đường. Kệ, cứ men theo dòng sông. Thế nào chả có lý do để quay lại. Hình như vừa có một con đường nhỏ đi thẳng ra bãi sông. Cứ để đấy, có thể sẽ quay lại. Để vớt vát buổi chiều chẳng hạn.

Rồi cũng chẳng cần. Cuối cùng cũng thấy một bãi sông rộng rãi và một vùng sương nước mênh mang.

Bây giờ quay lại chưa nhỉ? Đi tiếp một chút nữa đã rồi hẵng quay lại. Như vậy sẽ không làm tan biến di âm. Đi quá ngôi chùa đằng kia là có thể quay lại được rồi. Giật mình vì tiếng chuông chiều bất chợt. Nếu là trong truyện thì có thể đã tan đắm vào trong đó chứ không vơ váo thế này. Thôi quay lại. Ừ quay lại.

Vỗ tay reo
Tiếng vang vang..

Gọi khoang thuyền ngày xưa
Bàn chân trần lấm cát
Dẫm ván sàn
chênh chao..
Vỗ tay reo
Tiếng vang vang..

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2008

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2008

Bằng hữu. Tản mạn về chữ chí.

Post lại entry này nhân cuộc trao đổi về tình bạn tối nay.
--------------

- Khi nào một người coi một người khác là bạn? Điều tối thiểu là họ phải "biết" nhau. Như vậy chưa đủ, họ còn phải có thể "thông - cảm" được với nhau ở một phương diện nào đấy. Do đó họ chia sẻ một sự tín nhiệm về "đồng cảm". Và "tín nhiệm" thường được coi làm tiêu chuẩn của tình bạn - tin cậy lẫn nhau, chúng ta thường nói như vậy. Điều kiện của tín nhiệm như vậy chính là một môi trường chung để có thể "cảm - thông" với nhau. Họ có thể không hiểu nhau ở chỗ bất đồng chính kiến, nhưng họ không "hại" nhau. Tức là họ chia sẻ với nhau niềm tin vào một sự liên đới nhân bản giữa các cá nhân với nhau. Chính điều này sẽ phát động hành vi giúp đỡ nhau lúc khó khăn một cách vô vụ lợi. "Làm cho bạn được như mình được". Mà vẫn duy trì, tôn trọng sự độc lập trong khai triển nhân tính của mỗi người. Tình bạn chia sẻ cảm nghiệm chúng ta chung một bản thể và hơn thế tất thảy đều gắn chặt trong bản thể của tự tính sự sống.

- Có bạn tốt là một điều hay. Có nhiều bạn tốt càng đáng mừng. Nhưng khai triển những năng tính của tình bạn hữu ra đến vô tận mới chính là điều tốt đáng hâm mộ. "Tứ hải giai huynh đệ".

Tình bạn thường được so sánh rất tự nhiên với tình anh em. Có thể nói tình anh em là mẫu hình lý tưởng cho tình bạn tốt? Ta thử tìm kiếm một vài ví dụ ngẫu nhiên xem sao.

Tình anh em. (Erich Fromm)

- Tình anh em là tình yêu căn bản nhất, nền tảng cho mọi kiểu mẫu tình yêu.

- Với tình anh em, tôi chỉ cho ý nghĩa về trách nhiệm, quan tâm, trọng thị, nhận thức về một con người khác nào đó, ước muốn giúp đỡ sự sống của nó.

- Tình anh em là tình yêu đối với tất cả loài người: nó có đặc điểm là không cực đoan.

- Tình anh em dựa trên cảm nghiệm rằng tất cả chúng ta đều là một.

+ Những sai biệt trong tài năng, trí năng, tri thức đều có thể bỏ qua so với đồng nhất tính của tâm điểm con người chung cho tất cả mọi người. (Xem “Sự hình thành con người” và “Lý luận không có con người” của Trần Đức Thảo).

+ Mối thân thuộc từ trung tâm tới trung tâm: Simone Weil: “Cùng lời nói ấy (thí dụ, một người nói với vợ mình: tôi yêu mình) có thể là tầm thường hay phi thường tùy theo cách nói lên của chúng. Và cung cách này dựa trên miền sâu của vùng, trong thể tính của con người mà chúng diễn tiến từ đó; không cần đến ý chí với khả năng làm một việc gì đó. Và bằng một thỏa thuận kỳ lạ chúng tiến vào vùng ấy trong kẻ đang nghe chúng” (Điều này thật ý nghĩa khi so với thế giới lý tưởng của Plato).

- Tình anh em là tình yêu giữa hai kẻ ngang hàng: nhưng sự thực, chúng ta không bình đẳng như là những kẻ ngang hàng; vì chúng ta là người nên chúng ta cần có sự giúp đỡ. (Bản chất xã hội của loài người – xem các thảo luận liên quan của K.Marx).

+ Nhưng nhu cầu giúp đỡ này không có nghĩa rằng người này thiếu sức người kia dư sức.

+ Bất hạnh là một điều kiện tạm thời; khả năng đi và đứng bằng đôi chân của chính mình là một khả năng thường trực và chung. (Liệu có liên quan gì đến những phê phán xung quanh vấn đề “luật pháp và đạo dức là khế ước của xã hội những kẻ có bản chất xấu xa” của các nhà ngụy biện Hy Lạp?)

- Tuy nhiên, tình yêu một kẻ yếu ớt; tình yêu một người nghèo, một kẻ lạ, là khởi đầu của tình anh em.

+ Chỉ trong tình yêu của kẻ nào không phục vụ cho một chủ đích, tình yêu mới bắt đầu thổ lộ.

> Cựu Ước: đối tượng trung tâm tình yêu của con người là kẻ nghèo, kẻ lạ, quả phụ và cô nhi, và cuối cùng là kẻ thù quốc gia, người Ai Cập và người Edomite.

+ Bằng lòng lân tuất với kẻ yếu ớt, con người bắt đầu phát triển tình yêu với huynh đệ mình, và trong tình yêu của nó với chính nó, nó cũng yêu kẻ đang cần giúp đỡ, kẻ bạc nhược và bất an.

> Lòng lân tuất bao hàm yếu tố nhận thức và đồng nhất hóa: Cựu Ước: “…vì bạn là những khách lạ trong lãnh thổ Ai Cập; vậy nên bạn hãy yêu khách lạ” (Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm/Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân)

- E.F đã phát biểu với tinh thần và cung cách diễn đạt của Phương Đông. Nó đòi hỏi một sự "cảm-thông" và hướng tới "sự suy tư vô tận" về cái vô hạn, cái vô điều kiện.






Luận ngữ V.25 bản dịch NHL.

Nhan Uyên, Quý Lộ thị. Tử viết: "Hạp các ngôn nhĩ chí?".

Tử Lộ viết: "Nguyện xa mã, ý khinh cừu, dữ bằng hữu cộng, tệ chi nhi vô hám"

Nhan Uyên viết: "Nguyện vô phạt thiện, vô thi lao"

Tử Lộ viết: "Nguyện văn tử chi chí"

Tử viết: "Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi".

Dịch:

Nhan Uyên và Quí Lộ theo hầu.

Khổng Tử bảo "Sao không kể chí hướng của các anh cho ta nghe?".

Tử Lộ thưa: "Con mong có xe, ngựa, có áo lông cừu nhẹ để các bạn cùng hưởng, dù có hư nát, con cũng không hận".

Nhan Uyên thưa: "Con không muốn khoe điều hay, kể công lao con".

Tử Lộ thưa: "Xin thầy cho chúng con biết chí thầy?"

Khổng tử đáp: "(Ta muốn) các người già được an vui, các bạn bè tin lẫn nhau, các trẻ em được săn sóc vỗ về".

- Tại sao tôi lại chọn đoạn văn trên trong khi Luận Ngữ có rất nhiều đoạn nói trực tiếp về bằng hữu? Thứ nhất là bởi vì do ngẫu nhiên, nói đúng hơn là do đoạn văn này mà tôi nảy ra ý thú viết đoạn luận này. Thứ hai, qua nó, tôi muốn gợi ra phương thức suy tư vô tận để có thể thực sự "cảm - thông" được ý niệm "thông - cảm" của tình bạn làm cơ sở suy tư sâu xa hơn về tình bạn - cũng là làm cho tình bạn thực sự được khai triển, lân mẫn.

Tản mạn về chí. Người xưa nói về chí hướng với một sự thận trọng, trân trọng và đầy chú tâm. Vì sao vậy? Vì sao người ta thường nói về chí như là chí hướng? Là bởi vì chí không hoàn toàn là một mục đích cụ thể như người ta dễ lược quy nó như vậy. Trong truyền thống của triết lý điều tiết, triết lý "Trung thứ" (vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã) thì chí hướng có tính cách phát khởi, khích lệ con người ta phấn phát hơn là một đích đến. Nội dung cụ thể có thể được điều chỉnh, nhưng cái tinh thần, ý hướng hàm ngụ trong đó mới thực sự quan trọng. Nhất là trong truyền thống của lời nói gián tiếp, hàm ngụ, ẩn ý. (Phải nói thêm rằng lối đi vòng này là một lựa chọn có tính nguyên tắc chứ không phải một trào lưu thời trang diêm dúa). Ngày nay người ta chua chát nhận ra rằng: bây giờ những gì nghiêm trang quá, đúng đắn quá lại bị chuyển sang sắc thái hài hước thậm chí là hơi "sến" - như cách nói của người hiện đại. "Đời là bể khổ, tình là dây oan" - Ai hay đó là lời từ cửa Phật từ bi lân mẫn nữa? Chỉ còn lại một kiểu tán thán có phần giễu cợt! Bây giờ, trong ngôn ngữ của người VN hiện đại, người ta có phần ngượng ngập khi nói về chí và chẳng còn hỏi nhau "Chí của anh là gì?" nữa. Nó suy biến thành những câu hỏi về mục tiêu - mục tiêu luôn luôn nông cạn; và về mong muốn - mong muốn luôn luôn yếm thế. Không thể nào nói được cái sắc thái phấn phát, hướng thượng của một hoài bão khởi lên từ bên trong nữa. Thời đại của hoài nghi là như vậy - người ta chỉ biết đến hoài nghi và chờ đợi.

Chu Hy nói rằng người ta phải nghiền ngẫm những lời nói của cổ nhân. Nghiền ngẫm, chứ không chỉ đọc, người ta mới cảm nhận được cái dư vị của lời nói, cái phần không hiển ngôn của lời nói Thánh Hiền. (Từ khi con người đã quen thói lý sự, sự khích động kín đáo của một Danh sư không đủ nữa và những trường phái lao vào một cuộc tranh luận vô tận. Trong sự loạn đả tranh cãi, những điều tế vi của Đạo của cổ nhân thánh hiền bị đe doạ…(F.J). Hãy thử bắt đầu một cách chậm rãi: Nhan Hồi và Tử Lộ theo hầu Thầy". Họ noi theo và chờ đợi những chỉ dẫn, những tín hiệu từ thầy. Khổng Tử khơi nguồn từ trong chính họ "hãy nói_với_ta về chí của các anh". Tử Lộ nói trước. Ở trong văn bản, đây là một điều tinh tế. Có thể là vì Tử Lộ nhiều tuổi hơn nên Tử Lộ nói trước. Có thể vì Tử Lộ hấp tấp nên nói trước. Bề nào cũng có ngữ nghĩa của nó cả. Thời xưa, người ta không viết tuỳ tiện bao giờ. (Hãy nhớ lại câu chuyện Khổng Tử viết Xuân Thu). Cái gì quan trọng, cái gì xảy ra trước thì trình bày trước. (Vậy tại sao ngay từ đầu lại đặt tên Nhan Uyên lên trước Quí Lộ? Phải chăng trong trạng huống "theo hầu Thầy" trên con đường "Đạo" thì Nhan Uyên đang ở phía trước Quí Lộ?). Người học trò cương trực nhưng có phần kém nhạy bén kia đã thưa với thầy về những tiện nghi tượng trưng cho sự thành đạt trên quan lộ (người Trung Hoa luôn quan niệm triết lý là triết lý chính trị - tu thân là để trị nước cứu đời, con người luôn gắn chặt trong xã hội, ngay cả dù ở những trường phái cực đoan nhất cũng khởi đi từ điểm này). Điều quan trọng là Tử Lộ bày tỏ trong sự chia sẻ cụ thể với các bằng hữu - những người cùng trên con đường đạo lý của anh ta. Chúng ta giữ lời nói này trong tương quan giữa trò và thầy - người thầy chỉ dạy vê Nhân - về làm người thế nào cho phải lẽ. Từ đó có thể nhận thấy quan niệm của Tử Lộ về viễn cảnh đạt Đạo trong chiều hướng tin tưởng vào khả năng đạt tới một thái độ sống (dữ bằng hữu cộng, tệ chi nhi vô hám) nhưng trong đó còn vương vấn sự phân ly với thực tại khi dựa vào những tiêu chuẩn của thành tựu chất lượng sống (không phải mức sống). Sự phân ly này được dội lại ngay trong lời nói của Nhan Uyên "nguyện vô phạt thiện, vô thi lao". Nhan Uyên chăm chú vào thực tại nội tâm nhưng ý hướng vẫn có thể gợi ra một viễn cảnh mà đồng thời không chia tách với thực tại bởi khoe điều hay thì chưa thực hay, kể công lao thì chưa thực có công lao. Hãy đối chiếu ý kiện này với nhận định của E.F "chỉ tình yêu của một kẻ nào không phục vụ cho một chủ đích, tình yêu mới bắt đầu thổ lộ". Đây chính là điểm mà Nhan Uyên hằng dõi theo Thầy mình: "Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã". Tất cả đều khơi gợi đến viễn cảnh hoà nhịp với thực tại. (Phải ghi chú thêm rằng cũng theo Luận ngữ, Tử Lộ là người khi chưa thi hành được lời thầy dạy thì luôn sợ nghe thêm điều mới. Chúng ta so sánh, nhưng so sánh trong sự chú tâm cao độ vào không gian vang vọng lời tán thán của Bậc Hiền "Vi nhân nan - làm người khó lắm thay!"). Trong sự đạt nhân của Tử Lộ có sự phân lớp "xa mã, ý khinh cừu" là thành quả của người quân tử (người đạt nhân - tôi muốn thay bằng từ này cho nó sát với cổ nghĩa) đã trị nước, cứu dân, giúp đời. "dữ cộng bằng hữu" là một lớp nữa, "tệ chi nhi vô hám" lại là một lớp nữa - lớp cao nhất của một thái độ. Đến đây tôi chợt nhớ đến mẩu chuyện trong phần đầu của tiểu thuyết "Anh em nhà Karamazop" của F.M. Dotoiepxki. Về lời than thở của nhân vật đạo mạo với trưởng lão rằng y ta mặc dầu rất tin vào tình thương yêu con người (nói chung) của mình, nhưng càng chìm đắm trong tình thương đó, thì y ta lại càng không thể yêu thương được những con người cụ thể thường nhật. Mặc dù khập khiễng, nhưng ý niệm của Tử Lộ còn có cái gì đó như là một khuôn mẫu, một nguyên lý…là cái mà Khổng Tử không xiển dương.

Lời nói của Thánh Hiền có giá trị chỉ hiệu (valeur indicielle), mở ra sự suy tư vô tận - một "lối nói tinh tế". Ở giữa khoảng lời đáp của Nhan Uyên và câu hỏi lại của Tử Lộ với Khổng Tử có lẽ đã có một khoảng lặng. Thầy Khổng đã im lặng vì như thế là đủ. Tự sự cọ xát giữa hai lời đáp của Nhan Uyên và Tử Lộ đã đầy đủ. Chính độ chênh ấy đủ tạo ra thế năng cho sự vận hành tâm trí của các học trò trên con đường "Đạo", mà thầy Khổng đã gián tiếp tạo ra. Nhưng có lẽ hoặc là Tử Lộ không nhận ra, hoặc Tử Lộ không có chỗ bấu víu để chuyển đổi nên Tử Lộ muốn hỏi "Nguyện văn Tử chi chí?".

- "Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi". Người già an vui, bằng hữu tin cậy lẫn nhau, trẻ em được quan tâm săn sóc. Bối cảnh đã xô đẩy và chúng ta chờ đợi một hình ảnh toàn thể - bao gồm cả cái xã hội lý tưởng đáng hâm mộ của những con người đạt nhân và chính con người đạt nhân là Khổng tử. Cái điều mà chính Nhan Uyên cũng chưa rõ được. Trong lời đáp cô đọng này có quá ít chi tiết để đáp ứng yêu cầu ấy. Có thực là như vậy không. Thoạt đầu ta dễ hiểu cơ cấu ba thành phần này theo lứa tuổi: người già, người trưởng thành, và trẻ em. Nghĩa đen có vẻ như vậy. Nhưng có điều gì đó không ổn ở đây. "bằng hữu" tự nó không giới hạn ở độ tuổi nào cả. Hơn nữa, nếu triển khai theo các lát cắt, đáng lẽ ít ra chúng ta phải tìm thấy dấu vết của nhân luân, tam cương…Đó là những đặc điểm của một thiết chế xã hội mà Khổng tử muốn duy trì. Hơn nữa lại vắng bóng "ta" ở đây - thậm chí như cách dịch thì ta ở trên (ban phát) và chia tách với mọi người. Mặc dầu có vẻ hợp với vị thế của một "sư biểu" thừa mệnh trời kế chí Chu Công đi nữa thì nó vẫn thiếu sắc thái qui hướng về chính ta - người đạt nhân.

Lật sang một phía khác. "An chi", "tín chi", "hoài chi" - "được an vui", "tin cậy lẫn nhau", "được quan tâm săn sóc" từ mặt trái của các tiêu chuẩn này là những vấn đề gì? Chúng có thiết thân và phổ cập ở mức độ xã hội như là những đặc điểm vốn có của "Đạo lớn" không? Tất nhiên, ta có thể vượt qua những vấn đề của xã hội đương thời Khổng Tử và đẩy chúng đến vị trí của một khuôn mẫu xã hội lý tưởng mà ngài theo đuổi. Nhưng xem xét chúng theo những mẫu hình cũ như nhân luân, cương thường…ta thấy có cái gì đó không sát lắm. Đành rằng nó có thể diễn đạt được những điều ấy nhưng nó có phần xa rời khuynh hướng tự nội do vậy thiếu tính chất phát khởi như một nguồn sinh động của sự sống trong dòng vận hành của Tự nhiên - của Đạo.

Cơ may đến với chúng ta khi ghép hai phía khiếm khuyết này lại. Mọi sự sẽ nhất quán và có sức lan toả hơn rất nhiều khi nhìn nhận cơ cấu 3 thành phần này như 3 giai đoạn của một đời người trên con đường học Đạo tiêu biểu: thuở chưa định hướng được chí hướng của mình. Người ta chỉ mới ý thức về sự thôi thúc vươn tới Đạo lớn, nhưng còn thiếu mọi bề. (Đối chiếu với lời tự thuật của Khổng Tử: "Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học; tam thập nhi lập; tứ thập nhi bất hoặc; ngũ thập nhi tri thiên mệnh; lục thập nhi nhĩ thuận; thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất dụ củ" - "Ta mười lăm tuổi để chí vào việc học (đạo); ba mươi tuổi biết tự lập (tức khắc kỷ phục lễ, cứ theo lễ mà làm); bốn mươi tuổi không nghi hoặc nữa (tức là có trí đức, nên hiểu rõ ba đức nhân, nghĩa, lễ); năm mươi tuổi biết mệnh trời (biết được việc sức người làm được, việc nào không làm được); sáu mươi tuổi đã biết theo mệnh trời; bảy mươi tuổi theo lòng ham muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý (không phải suy nghĩ hay gắng sức mà hành động tự nhiên, hợp đạo lý).

Vậy là theo mạch đấy có thể thấy khi còn non trẻ ("thiếu" không nhất thiết là trẻ nhỏ) để đến được với Đạo lớn, điều cần thiết nhất là có được sự khuyến khích định hướng dẫn dắt. Vào Đạo rồi (nhưng chưa đạt Đạo), con người ta còn thấy mặt này bỏ mất mặt kia…người ta cần "bằng hữu tín chi". Nó đảm bảo cho hai vế của một phương trình, một bên là tự thân người học Đạo (làm người), phần còn lại là tương quan của anh ta với xung quanh. Cuối cùng đạt Đạo rồi, người ta đạt đến sự chín muồi (lão) - sự chín muồi của tinh tấn xuyên qua thời gian sống. Phần thưởng là cái "an chi". Khỏi phải nói trong triết lý "Trung thứ" thì "an chi" chính là dấu hiệu của sự hoà nhịp và đồng điệu với Tự Nhiên - với Trời. Tựu trung lại, tự phẩm giá của 3 giai đoạn này đã gợi ra mối liên hệ theo chiều dọc, sự lưu chuyển của Đạo lớn. "Mặc nhi chí chi, học nhi bất yếm, hối nhi bất quyện, hà hữu ư ngã tai!" - Trầm mặc suy nghĩ rồi ghi vào lòng, học không chán, dạy người không mỏi, ngoài ra ta có cái gì khác đâu!

Trên cái phông nền của bạn hữu, chúng ta thấy được điều gì? Phải chăng đó là sự lân mẫn, liên thông và đồng đẳng của những nhân vị với khả năng khai triển nhân tính đến vô hạn, vô điều kiện của nó. Và trên con đường lớn chung đó người ta mới thực sự có bạn hữu, và sự tương thông làm lên phẩm giá của tín nhiệm? Nếu không thế, người ta rơi xuống bình diện của bè nhóm ("giấu cô đơn trong cảm xúc bầy đàn" @HY). Và đặc điểm nổi bật là sự đồng loã khi các xung đột chưa thực sự xảy ra. Xung đột theo hai chiều hướng: xung đột tiêu cực mù quáng ngộ nhận, sai lầm; và xung đột nội tâm xô vỡ tấm màn che mắt ta!

Cuối cùng, câu hỏi suýt trượt mất khỏi viễn tượng "lão giả an chi" vốn quá hiển nhiên và thậm chí là mờ nhạt (mờ nhạt là một phẩm giá - phẩm giá của nước, của không khí, của bao dung thể). Câu hỏi đó là "tín nhiệm" và các quan hệ bằng hữu đã chuyển hoá đi đâu trong bức tranh này? Bức tranh vốn được đưa ra đầu tiên trong dãy liệt kê chí hướng của Thầy Khổng!

Tôi thích hình ảnh thâm viễn mà Bùi Giáng sử dụng từ M. Heidegger: "Thi nhân và triết nhân đứng trong ngôn ngữ là đứng trên hai chóp núi xa biệt nhau vô cùng nhưng vòi vọi như nhau nên cùng đón nhận như nhau mọi sương tuyết phiêu bồng hiu hiu về với Chị - Chị Kiều là thiên thu Hồn Logos.." Người - điên này khích liệt quá nhưng một vẻ nào nhận thức của ông có phần đồng vọng với những điều Thầy Khổng nhận xét "Quân tử chi giao đạm như thuỷ - người đạt nhân giao tiếp với nhau đơn sơ như nước lã".


Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

Entry for October 01, 2008

Nguyễn Hiến Lê-Tự học một nhu cầu thời đại.
-----------

- Lòng tự tín: Thành công hay thất bại do khả năng tinh thần của ta thì ít mà do thái độ tinh thần của ta thì nhiều.

- Nghị lực: Sống một đời sống bằng phẳng, uỷ mị quá, nghị lực của chúng ta sút đi nhiều lắm; nhưng ta vẫn có nó chứ không hoàn toàn thiếu.

* Đọc sách::
- Ta thường suốt ngày không ăn, trọn đêm không ngủ để suy nghĩ, vô ích, không bằng học-Khổng Tử.

- (Tuy nhiên) đọc sách cũng có thể là 1 cách làm biếng rất nguy hiểm, nếu đọc chỉ để cho qua thì giờ, để được ở không mà khỏi hối hận rằng không làm 1 việc gì.


- "Cho tôi biết anh đọc những sách nào, rồi tôi sẽ cho anh biết anh là hạng người ra sao"-lời đó đúng, nhưng tôi sẽ biết rõ anh hơn nếu anh cho tôi biết anh thường đọc lại những sách nào-F.Mauriac.

- Quá 1 tuổi nào đó, đọc sách làm cho óc ta không hoạt động sáng tạo nữa, Một người đọc nhiều quá và không chịu gắng sức suy nghĩ thì óc dễ sinh lười-A.Einstein.

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2008

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2008

Entry for July 06, 2008




pót hình coi chơi. Iu ko các pác :D

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2008

Cái nhạt - FJ

tr 119: Cái nhạt của thơ sở dĩ có được là do nghĩa của thơ không xuất hiện (theo cách này hay cách khác), nó thể hiện qua hiện tượng và tình huống mà không bao giờ áp đặt cho ta.

tr 47: "Tìm cách sống khác với đời cũng như tìm điều kỳ diệu để hậu thế có chuyện bàn tán, cái đó, về phần tôi, tôi xin chịu"-KT

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2008

carnet

"Chết đi mà biết rằng mình sẽ bị quên lãng"-có lần đã viết ở đâu đó (liễu ấm hoa minh hựu nhất khai) rằng sau nỗi sợ chết là nỗi sợ hãi về cái điều có thể mô tả là "không là gì cả"-mỗi một cái "là" đều được mô tả bằng "những cái khác".

Người ta nghĩ về cái không_tồn_tại bằng cái tồn_tại. Nghĩ như thế nào về sự mất đi nhỉ? Cái gì mất đi? Cái đó có thực không? Thực tế cái đó trong tương quan với cái đang_là_tôi suy nghĩ là ntn?

Với đa số mọi người, ý nghĩa, giá trị của họ nằm trong sự đánh giá, ghi nhận của người khác. Điều này có bình thường, hiển nhiên không?

Đầu tiên là từ cái tương quan ta- với người đã. Con người lịch sử, con người xã hội. Nhưng vấn đề luôn bắt đầu từ "tôi là gì". (Một tiếng vọng "tôi là gì").

Đau đớn là dấu hiệu chắc chắn nhất về bản năng của níu kéo tồn_tại. Có sinh thành hoại diệt nhưng như thế nào mới là quá trình vô ngã?

Văn học: truyền thụ điều mình cảm thụ vào trong những điều mình mong muốn người khác cảm thụ được. Vậy thế nào là đời sống riêng của "cảm thụ". "Nhà văn không nhất thiết phải có tư tưởng"-câu này có đúng không? Ví dụ như âm nhạc-lý tính của âm nhạc được nhận diện như thế nào?

"Cảm thụ" tức là cái tri giác nghiệm sinh tổng thể của cá nhân. Nó không dẫn lối cá nhân nhưng tác động đến ngã rẽ, lựa chọn của họ. Làm sao để nói 1 câu chuyện bình thường tách rời cái tuyệt đối mà vẫn có ích?

"Đời sống biến thành định mệnh vào lúc chết-1 thứ định mệnh cho kẻ khác"-cũng còn 1 ý nữa: "trong bao lâu?". Có vẻ không quá 3 thế hệ. 100 năm. Trăm năm trong cõi người-ta.

Hình ảnh đời sống dưới hình thù 1 định mệnh-là khi người ta luôn nhìn về những cái đã xảy ra và gán ghép cái mong muốn của mình. Nó không liên tục.

Văn học: "riêng cái nhịp chuyển động là phải được phục hồi nguyên trạng". Nhịp chuyển động của cái gì? Cảm xúc? Hay cảm thức?

"Những âm vang kia là 1 ngôn ngữ mà ngày nay tôi là kẻ một mình nghe ra trong kỷ niệm".

Hoài vọng luôn đượm màu trìu mến và rộng lượng. Bởi không chứa những định kiến? Bởi chỉ biết yêu thương? Và không còn trong hiện tại (chua chát) nên luôn dễ xếp loại? Nhưng quả thực nó làm cho người ta biết đến khả năng lớn hơn của lựa chọn yêu thương.

"Không phải cho tôi"-"cõi đời này không phải cho tôi"-Hay là không phải cho riêng tôi?

"Dầu sao đi nữa"-đặt mình vào vị trí người khác.

"Ly biệt là quy luật, ngoài ra là ngẫu nhĩ"
"Một tấm lòng không cay đắng chát chua"
"Mọi nhầm lẫn khởi từ lối bài trừ độc đoán"
Nhưng cơ hội, trường hợp lại ép buộc phải lựa chọn-"bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này"



"Cùng góp phần hồi phục cuốn sổ ghi của con người và đưa chúng mình trở lại quê chung".

Lối lập ngôn lờ đờ, lưỡng lự, dầu sao đi nữa...

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2008

Vì Hà Nội?

1. Quy hoạch là một công việc phức tạp và đòi hỏi tổng hoà cân nhắc nhiều yếu tố. Việc nhiều bác tự nhận là chuyên gia lên nói một hai ý chung chung mơ hồ rồi kết luận nên hay không nên thật là...Hoặc các bác dốt (kể cả nhà đài VTV) hoặc là các bác í nghĩ quần chúng dốt. Để xây dựng những luận điểm trong đồ án QH thực sự, người ta cần phải khảo sát rất nhiều yếu tố, xem xét rất nhiều khía cạnh và tham chiếu rất nhiều hệ giá trị. Nếu người ta muốn thảo luận nghiêm túc về 1 đồ án QH như mở rộng HN thì ít nhất bên lập QH phải đưa ra toàn bộ tài liệu, quy trình, lập luận...để làm cơ sở cho các bên phản biện. Ngay cả những cơ quan như Quốc Hội hay các đại diện cộng đồng muốn phản biện cũng phải tham vấn các nhà chuyên môn và phải có thời gian cho việc đó nữa. Thật, ngay cả làm cái chuồng gà cũng phải nghĩ lâu hơn thời gian mà người ta dành cho QH.


Đành rằng bản chất của hành động quy hoạch là mang tính bất bình đẳng, rằng quy hoạch cuối cùng chỉ là công cụ để ra quyết định chính trịchúng ta vẫn chưa có được phương pháp hợp lý để tối ưu hoá những sự lựa chọn, thì cũng chính vì thế "vấn đề cách thức lựa chọn, và do vậy, vấn đề các tiêu chí làm căn cứ cho việc ra quyết định, rõ ràng là những vấn đề cốt lõi, thậm chí là nền móng cho tính đặc thù của một phương pháp quy hoạch đô thị". Một khi đã được định vị như là vấn đề trọng tài chính trị chứ không phải là một phương pháp mang tính hợp lí thì phải nhận rằng "về khía cạnh QHĐT, cách thức chọn quyết định, xét cho cùng, có tầm quan trọng hơn nhiều so với bản chất của chính quyết định ấy".


Tôi muốn đưa ra 1 câu hỏi: trong sự ồn ào xung quanh việc xoá bỏ Hà Tây (mở rộng HN) này thì cuối cùng có ai để ý đến chuyện "vì Hà Nội là vì VN" hay không??? Té nước theo mưa tôi cũng muốn lập luận thế này: vì HN là "Thủ đô, trái tim cả nước, trung tâm hiền tài...bala.." nên cần phải đem việc này ra để cả nước thông qua. Cũng có lý lẽ lắm chứ.



2. Tiếp cái mạch cãi nhau với đài, VTV đưa tin ở Phú Thọ có chuyện thu hồi thư viện tỉnh làm khách sạn mà không bàn đến chuyện đưa nó đi đâu. Các bạn VTV quên không bình luận một điều căn bản này: vấn đề không phải là chuyện Thư viện Tỉnh đi đâu, mà vấn đề là người ta đang đổi một công trình thuộc loại hạ tầng dịch vụ xã hội (dịch vụ công) lấy 1 công trình thuộc khối tư nhân. Một cách vội vàng.


3. Bạn nào quan tâm nên tìm đọc cuốn "Các phương pháp QHĐT" của Jean-Paul Lacaze viết trong bộ Que saie Je? để có cái nhìn hệ thống về các vấn đề QHĐT. Sách bán đầy ngoài chợ. 12K

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2008

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2008

Đau lòng con cuốc cuốc

Chuyện mở rộng HN sắp được đem ra "biểu quyết" ở QH.


Bảo nên hay không nên thì chẳng thể tuỳ tiện phán ngay được vì phụ thuộc rất nhiều tham số cần định lượng. Nhưng xem cái cách người ta tiến hành nó thì đã rõ là không nên rồi.

Để so sánh các bạn nên tham khảo cuốn "Thành phố mới ở Pháp-Les nouvelles villes francais", do IMV (dự án hợp tác chuyên ngành đô thị giữa vùng Ile de France và thành phố HN) xuất bản. Sách bán ở khu gần BXD. Cũng 1 câu chuyện tương tự về vùng thủ đô, cũng tranh luận toé khói nhưng hãy xem để biết sự khác biệt nó lớn đến thế nào. Để xem cách người ta đang hoạch định những việc lớn của nước nhà nó tôm cá thế nào :(


Điều có giá trị thì thường khó đạt được. Cái khó thường là cái ít người làm được. Người ta thường đem số đông ra để biểu quyết giá trị.


Việc nước lớn bỏ mẹ, mình biết khỉ gì mà bàn ở đây?

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2008

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2008

Này em có nhớ

Viết blog là để gán cho những cảm thức rời rạc đã qua 1 ý nghĩa thống nhất, 1 chiều hướng để chống lại cảm thức về bất an, nghi ngẫu. Nó càng có tác dụng tâm lý khi người ta có sự tán thưởng đồng loã của những người khác.

Còn những bài thơ?-Nó là sự buông xuôi, ngân nga của cảm xúc và lý trí xuôi dòng. 1 giai điệu cũng là 1 quy luật, 1 chiều hướng, cũng mang đến sự an tâm tạm thời.

Những bài viết "học thuật"?- Nhu cầu giải thích, nắm được quy luật. Để dự báo, để có cảm giác làm chủ.

Quay lưng lại với thực tại hiền tiền. Luôn hối tiếc, mơ hồ, nhiều mơ mộng gán ghép. Dễ cáu bẳn, nổi xung vô lý. Khinh mạn và cố chấp.

Này em có nhớ

Giấc mơ xưa hoang hoải rồ dại. Khao khát và liều lĩnh. Dè dặt mà phóng túng. Đi không nhìn lại mình và bóng chính mình chỉ trở về trong những giấc mơ u u mang mang hoài vọng. Lạnh rỗng và mệt mỏi. Muốn nức nở giữa màu đen hỗn mang nhưng chính trong mơ vẫn không thể khóc trước ánh lam xanh lay láy trêu người.


Trăng ào ạt tạt rừng cây đổ bóng đen trời. Muốn yên lặng, vĩnh viễn lặn xuống đám lầy trước mặt. Cái gì ngăn ta lại?- Ngay cả khi mơ?


Buổi chiều nhạt nhẽo nổi đoá với chính mình những điều vô vị loãng toẹt. Cười với mình 1 lần soi bóng lạ. Những ám ảnh lập thể tuỳ tiện dễ dãi dán lên báo tường-cũng những thằng xuẩn dục tơ tưởng thiên tài ngẫu nhĩ. Kết quả xổ số chiều nay của thời gian báo tên em trên bảng điện tử ba chiều. Mất cả đêm để chọn áo hợp màu. Đểu thật. Ta nhỉ? - Hờ hờ ta.

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2008

tất cả những gì đã gạch xóa, vo tròn và ném vào sọt rác



Bận quá bận quá, không có thời gian vào đung đưa làm dáng. Pót lại bài viết cũ để thoòng cái :-)



Đừng chạm đến-hãy còn mùa thu ở đó

Giữa hai dòng là nỗi nhớ về em.

Sau dấu chấm anh thành người hay vội vàng tham việc

Gạch đầu dòng những gì của ngày mai

Mẩu giấy con con chóan hết một ngày dài

Những câu ngắn, vội vàng nhỏ mọn…

Ngày hôm nay là tất cả những gì đã gạch xóa, vo tròn và ném vào sọt rác

Ngày mai lại cong cớn, vội vàng trên cánh cửa…




Gió cũng nhẹ trong sân nhà chung cư

Mưa cũng khẽ, chả bao giờ bị dột

Cửa sổ nhà này nhìn thấu nhà kia

Những giấc ngủ e dè khép chặt

Gió trở về trong những giấc mơ…

Những cơn gió nóng mùa hè, những cơn gió bấc mùa đông xoáy xiết không gian chập chờn khắc khoải

Giật tung những cánh cửa im lìm

Gió tạt vào mặt vào miệng vào những kẽ tay

Nước mắt dàn dụa, lưỡi nghe vị mặn của biển, ẩm ướt của rừng lẫn trong mùi hăng thảo nguyên, mùi khét sa mạc

Nghe tận cùng, vị ngái của mùa thu…



Và kiệt sức, khốn cùng, quỵ giữa cánh đồng hoang

Anh bật cười-rao bán những giấc mơ

Chỉ khi trắng_tay_hoàn_toàn_anh mới được trở về…


Thứ Tư, 19 tháng 3, 2008

Carnets-Albert Camus

Một tinh thần quen sơ sơ vận dụng trí tuệ, cũng biết như Pascal rằng mọi nhầm lẫn khởi từ một lối bài trừ độc đoán. Ở giới hạn của thông minh, người ta biết chắc chắn rằng mọi lý thuyết đều có một phần đúng ở trong, và không một kinh nghiệm lớn lao nào của nhân loại mà nhất thiết phải vô nghĩa một cách tiên nghiệm, cho dẫu chúng triệt để đối chọi nhau, cho dẫu chúng mang tên Socrate và Empe'docle, Pascal và Sade. Nhưng cơ hội, nhưng trường hợp lại buộc ép phải chọn lựa. Thế cho nên Nietzsche cảm thấy buộc lòng cần phải công kích, bài bác Socrate và Ki tô giáo bằng luận chứng. Nhưng cũng vì thế mà ngày nay, ngược lại, ta phải binh vực Socrate, hoặc ít ra, binh vực cái tinh thần ông ta biểu dương, ấy bởi vì thời đại đương lăm le muốn thay thế những cái đó bằng những giá trị gần như là sự chối bỏ toàn thể mọi văn hoá, học thuật, và chính Nietzsche cũng đứng trước nguy cơ: thắng một trận mà chính mình không muốn.


Nói thế dường như có ý đưa vào đời sống của tư tưởng một thứ tuỳ cơ chủ nghĩa. Nhưng chỉ "dường như" thôi, ấy bởi vì cả Nietzsche, cả chúng ta, cùng không thể quên cái phương diện kia của vấn đề, và đấy chỉ là một phản ứng tự vệ mà thôi. Và rốt cuộc, kinh nghiệm của Nietzsche, tăng bù vào kinh nghiệm của chúng ta, cũng như kinh nghiệm của Pascal tăng bù vào kinh nghiệm của Darwin, kinh nghiệm của Callicles bù vào Platon, cùng góp phần hồi phục cuốn sổ ghi của con người và đưa chúng mình về lại quê chung. (Nhưng mọi điều này chỉ có thể đúng là cùng với một "tá" sắc thái uyển chuyển bổ sung).


Dù sao chăng nữa, xem lại Nietzsche (Cỗi nguồn triết học): "Socrate, tôi cần thú nhận điều này, Socrate gần gũi tôi đến nỗi tôi phải liên miên chống đối ông không ngừng".

(BG dịch)

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2008

Nắng vàng rơi mãi bên bờ giếng

Cứ sang xuân đầu hè là mình lại nao nao nhớ ngày xưa. Ngày xưa nào đó...








Cho nên từ đấy tôi ngơ ngẩn,
Làm những bài thơ lạc cả đề.
(NB)

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2008

Entry for March 12, 2008



Salut a tous :D

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2008

Chủ trung tín 2




Trong 1 cuộc hẹn, phần nhiều những người không đến đúng hẹn không phải vì họ không thể đến đúng hẹn. Thực ra họ chỉ là những người không nhất quyết đến đúng hẹn mà thôi. Cái đó đôi khi chỉ là 1 thói quen tâm lý. Khi họ hứa thực ra họ không hề ý thức sâu sắc việc họ đang nói là về cái gì. Nhất là điều đó lại nằm trong tương lai. Mình có thực sự mong muốn nó không? Mình có khả năng thực hiện đúng như vậy không?

Nhiều bạn sẽ bảo "có gì mà không làm được những việc cỏn con ấy". Nhưng chính bạn sẽ thấy vô số lần với vô số người luôn đưa ra những lý do rất trời ơi đất hỡi để biện minh-họ luôn luôn có lý do. Nhẹ nhàng thì tại tắc đường, không đón được xe. Nặng thì tại đang đi xe nó hỏng. Nặng nữa thì tại xe mình tốt nhưng xe thằng đằng trước nó hỏng bất tử, mình tông vào đít nó, cãi nhau nên đến muộn. Luôn luôn ngoài ý muốn của tôi.

Và ở đây câu hỏi dành cho các "tôi" là: tại sao anh không đưa những điều trên vào trong dự kiến khi hứa? Mệnh đề của tớ ở đây là "khả năng giữ (thực hiện) lời hứa đúng hẹn đồng nghĩa với khả năng làm chủ bản thân và làm chủ tình hình mọi lúc mọi nơi". Và các bạn từng đi chơi với tớ từng trót sai hẹn xin đừng vội cười tớ thù dai-tớ mượn chuyện này để đổi sang những điều tuyệt đối nhất. Xin các bạn thử đặt mình vào những tình huống chỉ có thể thành công, không được phép thất bại xem. Nếu bạn là Lưu Bang, nếu bạn là Trương Lương, sinh ra trong thời loạn lạc, mạng người như cỏ rác, được làm vua thua làm giặc, một mạch không có đường lùi thì sao? Hào kiệt là kẻ làm chủ được mình. Cố nhiên tớ chẳng mong sinh vào cái thời ấy để làm hào kiệt. Xoay sang những điều thường nhật và vạn đại hơn, tớ cho rằng cốt yếu loài người cũng chỉ mong tìm được cái cảm giác làm chủ bản thân mà thôi. Đời đời. Amen.

Nói chuyện cũ 1 tý. Năm xưa hồi mới vào cấp 3, tớ với mấy cái giải phọt phẹt từ hồi cấp 2 nên tinh tướng đầy mình thành ra học hành lỗ mỗ, phát nổ phát tịt. Thi 8 tuần với lại học kỳ lúc 4 lúc 6 lúc 10. Toàn những lỗi vớ vẩn kiểu xuống dòng quên dấu quên số. Xấu hổ và cay cú. Giữa lúc đấy 1 thầy giáo có nói với bọn tớ điều này, trên lớp học, không hẳn là nói cho tớ nhưng nó có tác dụng ghê gớm với tớ: "Người giỏi là người có kết quả giỏi. Anh không thể trình bày với tất cả thiên hạ là tôi thông minh nhưng không may thế này không may thế kia được". Trong không khí quyết tử cho tổ quốc của những học sinh nông thôn nhất quyết phải đỗ đại học là chúng tớ ngày ấy, điều này rất quan trọng. Lại một thầy giáo khác nói với chúng tớ rằng ngày đi thi phải tính trước cả khả năng mưa lụt, tắc đường chứ đừng đổ cho tại trời mà trượt đại học. Những điều bình phàm ấy gây cho tớ 1 quyết tâm ghê gớm. Tớ đã tự đặt cho mình 1 mục tiêu cụ thể: không bao giờ phạm sai lầm trong môn Toán. Từ việc đứng lên trả lời câu hỏi, hay bài kiểm tra 15 phút cho tới tất cả các kỳ thi lớn bé của 1 học sinh bình thường-không được phép phạm sai lầm.

Tớ bắt đầu thay đổi với những bài tập sách giáo khoa "vớ vẩn" cuối mỗi bài. Nếu trước đây chỉ chăm chăm vào sách bài tập, nâng cao hay bộ đề này nọ thì nay tớ thêm vào bài tập thể dục là tất cả các bài tập hạng ruồi trong SGK. Viết từ từ, nghĩ thấu đáo và nhất quyết không sai. Nói cũng làm sao nhất quyết không sai-trong môn Toán phổ thông, dĩ nhiên :) Nếu bạn nào đã từng thử thì bạn sẽ biết những điều trên quan trọng đến như thế nào đối với tâm tính của tớ. Các bạn đều biết là đi học phổ thông thì việc làm bài được 10 điểm không khó khăn gì lắm. Chúng ta không kể những kỳ thi HSG ở đây. Vấn đề ở chỗ luôn luôn không sai là hoàn toàn khác. Hồi trước tớ không thích hình ảnh 1 anh học gạo bo bo bon chen bằng được từng tý 1. Nay tớ nghĩ khác: vấn đề không phải là điểm mà là khả năng làm chủ bản thân mình, cuộc đời mình-làm được điều mình có khả năng làm được.

Điểm lại những năm tháng học sinh, tớ cho rằng chỉ có câu chuyện trên là đáng kể. Và đỉnh cao của việc thay đổi ý chí tính cách là khi đi thi đại học, tớ đã nhất quyết loại luôn yếu tố nghi ngẫu cuối cùng là sức khoẻ ra khỏi cuộc chơi. Tớ bị viêm mũi dị ứng và điều này thì chả bao giờ lường trước được. Mỗi lần bị là đến khổ, khỏi làm ăn gì luôn. Để tránh được nó tớ đã cố gắng hết sức mình, trước khi thi 2 tuần khép mình vào khuôn khổ sinh hoạt điều độ, ăn uống bình thường lành mạnh và thư giãn điều hoà. Nói đến đây lại muốn chêm vào 1 bí quyết nhỏ cho các bạn học sinh khi đi thi này: giữ gìn "thần khí" trước khi vào phòng thi là rất quan trọng. Đừng nói chuyện tản mạn, hò hét hay suy nghĩ vơ vẩn. Để cho đầu óc thư thả, mở rộng với mọi tình huống khả năng. Như vậy mới gọi là đi thi với 100% sự sẵn sàng. Ngay cả những động tác vụn vặt có tính chất tán tâm cũng vậy. Kiểu rung chân rung đùi, gõ gõ múa múa cái bút, lập cập cái răng, gãi gãi cái mũi...đều cần trừ tiệt. Thư thả nhưng quán xuyến hết toàn bộ thân thể và tinh thần của mình. Không chú trọng thiên lệch cái gì mà cũng không bỏ qua cái gì hết. Chúc các bạn thi tốt (mặc dù những người đọc blog này già khú đế hết rồi còn đâu-thôi các bạn coppy đi lì xì cho bọn trẻ nghen :)

Còn như bây giờ những gì không xứng ý phần nhiều là vì mình đã không luôn luôn nghiêm cẩn được như xưa nữa. Nghĩ đến thật xấu hổ.

(còn tiếp)

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2008

Chủ trung tín 1




Tử viết:

Quân tử bất trọng tắc bất uy, học tắc bất cố. Chủ trung tín.

Khổng tử nói:

Người quân tử thiếu cẩn trọng sẽ không có uy tín, mà sự học cũng không bền chắc được. Cho nên cốt ở sự trung tín.
---------------


Hồi đi chơi dọc sông Đuống có hẹn nhau tập trung khởi hành đúng giờ. Mình đến trước hẹn 15 phút. Quá hẹn 15 phút thì 1 bạn trẻ xinh tươi đến. 30 phút sau thêm 1 giai nữa. Và khoảng hơn 1 tiếng mới tập trung đầy đủ. Trong lúc chờ đợi mình đã trải qua các trạng thái tình cảm khác nhau. Lúc đầu là hơi bừng bực vì biết thế nào chúng nó cũng muộn. Đến khoảng 45 phút thì bực thật vì quá đáng quá thể. Sau đó thì thoát ra tự xét lại vấn đề. Nghĩ "Tại sao phải đúng hẹn? Đúng hẹn có phẩm chất gì đáng quý? Hay là tại mình già? Già với trẻ thì sao?". Vậy rồi nghĩ ra cái ý này, thế là hết bực và bây giờ sau gần 1 năm thì viết chơi ở đây.


Phần 1 là dẫn truyện. Lúc đó mình nghĩ đến chuyện hẹn hò của Vĩ Tín và Tử Phòng ngày trước. Chuyện Vĩ Tín ôm chân cầu chết vì gái thì chán chả có gì phải bàn. Chuyện mình thấy hay là chuyện về Tử Phòng-Trương Lương. Các bạn xem trước mục Lưu Hầu Thế Gia trong bộ Sử ký của Tư Mã Thiên sau. Phần chữ nghiêng là phần tớ muốn bàn.

-----------

Lưu Hầu Thế Gia

Tổ tiên Lưu Hầu Trương Lương là người nước Hàn. Người ông là Khai Địa làm tướng quốc của Hàn Chiêu hầu, Tuyên Huệ vương. Tương Ai vương; cha là Bình làm tướng quốc của Ly vương, Điệu Huệ vương. Năm thứ ba đời Điệu Huệ vương, Bình chết (năm 250 trước công nguyên). Lương còn ít tuổi chưa từng làm quan nước Hàn. Khi nước Hàn bị phá tan, Lương có ba trăm người tôi tớ trong nhà. Em Lương chết, Lương không lo chôn cất, đem tất cả gia tài tìm thích khách giết vua Tần để báo thù cho nước Hàn, bởi vì cha và ông làm tướng quốc năm đời vua Hàn. Lương thường học lễ ở đất Hoàng Dương, đi về đông yết kiến Thương Hải quân tìm được một lực sĩ làm một cái chùy sắt nặng một trăm hai mươi cân. Tần Thủy Hoàng đi chơi ở miền đông, lương và người thích khách rình đánh Tần Thủy Hoàng ở bãi cát Bác Lãng, đánh nhầm phải xe tùy tùng, Tần Thủy Hoàng nổi giận sai lùng khắp thiên hạ tìm người thích khách rất gấp, cốt lùng cho đựoc Trương Lương. Lương bèn đổi tên họ, trốn tránh ở Hạ Bì. Một hôm dạo chơi ở trên cầu Hạ Bì, Lương thấy một cụ già, mặc áo cộc đến chỗ mình, để chiếc giày rơi tõm xúôgn cầu. Cụ quay lại bảo Lương:
- Thằng bé! Xuống lấy giày!
Lương ngạc nhiên muốn đánh. Nhưng thấy ông cụ già cả nên cố nhịn, xuống lấy giày lên.
Ông cụ nói:
- Xỏ giày cho ta!
Lương đã trót lấy giày, nên cũng luôn tiện quỳ xuống cỏ giày cho ông cụ. Cụ già đút chân vào giày, cười rồi bỏ đi. Lương hết sức kinh ngạc, đưa mắt nhìn theo. Ông cụ đi khỏi một dặm, lại quay lại nói:
- Thằng bé dạy đựoc đấy. Năm ngày sau, sáng tinh mơ, mày sẽ gặp ta ở đây!
Lương lấy làm lạ, quỳ xuống nói:
- Dạ.
Năm hôm sau, sáng tinh mơ, Lương đến thì cụ già đã ở đó từ trước. Cụ giận, nói:
- Đã hẹn với người già cả, lại đến sau là cớ gì?
Cụ ra đi, nói:
- Năm ngày nữa, sẽ gặp ở đây cho sớm.
Năm ngày sau, vào lúc gà gáy, Lương đến nơi họp. Thì cụ già đã đến trước. Cụ lại giận, nói:
- Tại sao lại đến sau?
Cụ ra đi, nói:
- Năm ngày sau, đến cho sớm.
Năm ngày sau, chưa đến nửa đêm, Lương đã đi. Một lát sau, cụ già cũng đến.
Cụ già mừng nói:
- thế mới phải chứ!
Cụ đưa ra một quyển sách nói:
- Đọc quyển sách này thì làm đuợc thầy bậc vương giả. Mười năm sau, sẽ ứng nghiệm. Mười ba năm sau , con đến gặp ta. Hòn đá màu vàng dưới chân núi Cốc Thành ở phía bắc sông Tế là ta đó.
Cụ già liền đi, không nói gì và Lương không gặp lại nữa. Sáng hôm sau, Lương xem quyển sách thì đó là quyển "Thái Công binh pháp". Lương vì vậy rất quý quyển này, thuờng đem ra học tập nghiền ngẫm. Lương ở Hạ Bì làm người nghĩa hiệp. Hạng Bá giết người được Lương che chở.
2. Mười năm sau (năm 209 trước công nguyên), bọn Trần Thiệp khởi nghĩa. Lương cũng tụ họp hơn trăm trai tráng. Cảnh Câu ở đất Lưu tự lập làm Giả vương nước Sở. Lương muốn đi theo. Giữa đường Lương gặp Bái Công. Bái công đem mấy nghìn người cướp được đất ở phía tây Hạ Bì. Lương bèn theo Bái Công. Bái Công cho Lương làm tướng coi về việc ngựa của quân. Lương mấy lần đem binh pháp của Thái Công ra trình bày với Bái Công, Bái Cong khen thường dùng sách lược ấy. lương nói cho người khác nghe thì họ đều không hiểu. Lương nói:
- Bái Công là người nhà trời chăng!
Vì vậy, Lương theo Bái Công, không yết kiến Cảnh Câu nữa.
Bái Công đến đất Tiết, yết kiến Hạng Lương, Hạng Lương lập Sở hòai vương. Lương bèn nói với Hạng Lương:
- Ngài đã lập con cháu vua Sở: trong các công tử nước Hàn, Hành Dương Quân tên là Thành là người hiền, có thể lập làm vương để tăng thêm vây cánh.
Hạng Lương sai Trương Lương tìm Hàn Thành, lập làm vua Hàn, cho Lương làm tư đồ nước Hàn, cho Hàn vương cầm hơn nghìn quân đi về hướng tây lấy đất Hàn. Quân Hàn lấy được mấy thành nhưng quân TẦn cướp lại ngay. Quân Hàn đi lại đánh quanh quẩn ở miền Dĩnh Xuyên. Khi Bái Công đi từ miền nam Lạc Dương ra khỏi núi Hoàn Viên, Lương dẫn quân theo Bái Công, lấy được hơn mười thành của Hàn, đánh phá quân của Dương Hùng. Bái Công bèn sai Hàn vương Thành ở lại giữ huyện Dương Định, còn mình cùng TRương Lương đi về hướng nam, đánh lấy được đất Uyển, rồi quay sang hướng tây vào Vũ Quan. Bái Công muốn đem hai vạn quân đánh quân Tần ở gần đất Nghiên. Lương nói:
- Quân Tần vẫn còn mạnh, chưa có thể coi thường. Thần nghe nói tướng Tần là con nhà hàng thịt. Là con nhà buôn thì dễ lấy lợi mà lôi cuốn họ, xin Bái Công hãy tạm thời ở lại giữ thành, sai người đi trước dự bị lương thực cho năm vạn người ăn, lại cắm thêm cờ xí ở trên núi để làm nghi binh, sai Lịch Tự Cơ mang của quý đút lót cho tướng Tần.
Quả nhiên tướng TẦn làm phản, muốn liên kết với Bái Công cùng đem binh về hướng tây đánh úp Hàm Dương. Bái Công nghe theo, Lương nói:
- Đây chỉ có viên tướng của nó là muốn làm phản thôi, sợ bọn quân lính không nghe theo. Nếu họ không nghe theo thì nguy, chi bằng ta nhân lúc nó trễ nải mà đánh nó.
Bái Công liền đem quân đánh quân Tần, phá tan quân Tần. Bèn đi về hướng Bắc đến Lam Điền. Đánh trận thứ hai, quân Tần thua to. Bái Công bèn đến Hàm Dương, vua Tần là Tử Anh ra hàng.
Bái Công vào cung nhà Tần, thấy nhà cửa, màn trướng, chó ngựa, vật quí, đàn bà con gái đến hàng ngàn, ý muốn ở lại đấy. Phàn Khoái can Bái Công nên ra ngoài. Bái Công không nghe. Luơng nói:
- Tần làm điều vô đạo cho nên Bái Công mới đến được đây. Đã cốt vì thiên hạ giết bọn giặc tàn ác, thì ta nên ăn ở theo lối mộc mạc , để tỏ cái nền nếp của mình. Nay ngài vừa mới vào nước Tần mà đã ham thích cái vui thú của nó thì khác gì người ta đã nói: "Nối giáo cho giặc" vậy. Vả chăng "lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm, thuốc đắng, uống khó chịu nhưng chữa bệnh đuợc", xin Bái Công nghe theo lời Phàn Khoái!
Bái Công bèn đem quân về Bá Thượng.
Hạng Vũ về đến hồng Môn, muốn đánh Bái Công. Hạng Bá đang đêm ruổi ngựa vào trong quân doanh của Bái Công hội kiến riêng với TRương Lương muốn rủ Lương cùng đi với mình. Lương nói:
- Tôi vì Hàn vương mà tiễn Bái Công, nay có việc gấp bỏ trốn đi thì bất nghĩa.
Lương bèn đem tất cả những lời của Hạng Bá nói lại với Bái Công. Bái Công hoảng sợ nói:
- Làm sao bây giờ?
Lương hỏi:
- Bái Công có muốn chống lại Hạng Vũ không?
Bái Công nói:
- Cái thằng khốn nạn kia khuyên ta giữ lấy Hàm Cốc quan không cho quân của chư hầu vào, thì có thể làm vương trên tất cả đất TẦn cho nên ta nghe theo!
Lương hỏi:
- Bái Công tự lượng sức xem có thể đánh lui được Hạng Vũ không?
Bái Công yên lặng một lát rồi nói:
- Cố nhiên là không được. Làm sao bây giờ?
Lương bèn cố mời Hạng Bá vào. Hạng Bá yết kiến Bái Công. Bái Công mời Bá uống rượu chúc thọ kết làm thông gia, nhờ Hạng Bá nói lại đầu đuôi rằng Bái Công không dám phản lại Hạng Vũ. Bái Công sở dĩ giữ lấy cửa ải là để phòng bọn đạo tặc khác. Sau rồi Bái Công gặp Hạng Vũ mới được giải thoát, việc ấy đã nói trong truyện Hạng Vũ.
Tháng giêng, năm thứ nhất nhà Hán (năm 206 trước công nguyên), Bái Công làm Hán vương, cai trị đất Ba, đất Thục. Hán vương cho Lương hai nghìn lạng vàng, hai hộc châu báu. Lương đem hiến tất cả cho Hạng Bá. Hán vương cũng nhân đó sai Lương đem nhiều của quý cho Hạng Bá nhờ Hạng Bá xin đất Hán Trung cho mình, Hạng Vương ưng thuận, vì vậy Bái Công được đất Hán Trung. Hán vương vào đất Ba, đất Thục, Lương tiễn đến đất Bao Trung, Hán vương sai Lương về nước Hán. Lương nhân đó nói với Hán vương:
- Sao vương không đốt quách các đường sạn đạo đã đi qua, để nói với thiên hạ rằng mình khôgn có ý muốn quay lại, làm Hạng Vương yên lòng!
Hán vương bèn sai Trương Lương quay lại. Hán vương đi qua đốt tất cả đường sạn đạo.
Lương đến nứoc Hàn. Vì Hàn vương Thành đã cho Lương theo Hán, nên Hạng vương không cho Thành về nước Hán, bắt Th ành theo mình sang đông.Lương nói với Hạng vương:
- Hán vương đã đốt đừơng sạn đạo, tức là không muốn quay lại nữa.
Lương bèn lấy thư của Tề vương là Điền Vinh làm phản đưa cho Hạng vương. Vì vậy Hạng vương không lo đến Hán vương đang ở phía tây; trái lại , đem binh về phương bắc đánh Tề. Sau đó Hạng vương không chịu cho Hàn vương về, giáng xuống làm hầu, rồi giết ở Bành Thành. Lương bỏ trốn, lẻn theo về với Hán vương. Hán vương cũng đã lấy được Tam Tần, cho Lương làm Thành Tín hầu, đi về phía đông đánh Sở.
Quân Hán tới Bành Thành, bị đánh bại quay về. Hán vương đến Hạ Ấp xuống ngựa, ngồi xổm trên yên ngựa mà hỏi Trương Lương:
- Ta muốn bỏ tất cả đất đai từ Hàm Cốc quan sang phía đông. Bây giờ giao cho ai thì có thể cùng ta lo việc lớn?
Lương nói:
- Cửu Giang vương Kình Bố là viên mãnh tướng của Sở, có hiềm khích với Hạng Vương. Bành Việt theo Tề vương là Điền Vinh làm phản ở đất Lương, hai người này nên dùng ngay. Trong số các tướng của Hán vương chỉ có một mình Hàn Tín là có thể giao được việc lớn, chống giữ đuợc một mặt. Nếu muốn bỏ đất đai cứ giao cho ba người ấy thì có thể phá được nước Sở.
Hán vương bèn sai Tùy Hà nói với Cửu Giang vương Kình Bố, lại sai sứ giả kết liên với Bành Việt. Đến khi Ngụy vương là Báo làm phản, Hán vương sai Hàn Tín đem binh đánh Báo, nhờ vậy lấy được các nước Yên, Đại, Tề, Triệu. Cuối cùng phá được nước Sở là do sức của ba người này.
Trương Lương hay ốm, chưa từng làm tướng một mình, thường làm kẻ bày mưu kế và luôn luôn đi theo Hán vương.
Năm thứ ba nhà Hán (năm 204 trước công nguyên), Hạng Vũ vây Hán vương ở Huỳnh Dương rất gấp. Hán vương lo lắng, cùng Lịch Tự Cơ bàn cách làm yếu lực lượng của Sở. Tự Cơ nói:
- Ngày xưa, vua Thang đánh Kịêt, phogn con cháu Kiệt ở đất Kỷ. Vua Vũ vương đánh Trụ phong con cháu Trụ ở đất Tống. Nay nhà Tần bỏ điều đức nghĩa, lấn đánh các nước chư hầu, tiêu diệt con cháu sáu nước, khiến cho họ không có tấc đất cắm dùi. Nếu bệ hạ quả thực lập lại được con cháu sáu nước, họ nhận được ấn rồi thì vuatôi, trăm họ tất cả đều mang ơn đức khong ai không nô nức hâm mô đạo nghĩa của bệ hạ, tình nguyện làm thần thiếp. Nếu đã thi hành đức nghĩa, thì bệ hạ quay mặt về hướng nam xưng bá, nước Sở nhất định phải khép áo đến chầu.
Hán vương nói:
- Phải! Mau mau khắc ấn! Tiên sinh nhân tiện đi mang theo luôn.
Tự Cơ chưa đi, Trương Lương ở ngòai vào yết kiến. Hán vương đang ăn, nói:
- Tử Phòng lại đây! Có người khách bàn giúp ta cách làm giảm quyền lực nước Sở.
Hán vương đem lời Lịch Sinh kể lại đầu đuôi, và hỏi:
- Tử Phòng thấy thế nào?
Trương Lương nói:
- Ai bày cho bệ hạ kế này? Công việc của bệ hạ thế là hỏng rồi.
Hán vương nói:
- Tại sao thế?
Lương nói:
- Thần xin mượn nắm đũa trước mâm mà trù tính cho đại vương nghe. Xưa, vua Thang đánh Kiệt nhưng phong con cháu Kiệt ở đất Kỷ là biết chắc mình có thể nắm được cái chết của Kiệt. Nay bệ hạ có thể nắm được tính mạng của Hạng Tịch không?
- Chưa nắm được.
Lương nói:
- Đó là điều thứ nhất chứng tỏ không thể làm thế. Vũ vương đánh Trụ, phong con cháu nhà Thương ở Tống, là chắc lấy đuợc đầu Trụ, nay bệ hạ có thể lấy được đầu Hạng Tịch không?
Hán vương nói:
- Chưa thể đuợc.
Lương nói:
- Đó là điều thứ hai chứng tỏ không thể làm như thế. Vũ vương vào đất Ân nêu tỏ quê hương của Thương Du, tha tù cho Cơ Tử, đắp mộ cho Tỷ Can. Nay bệ hạ có thể đắp được mộ cho thánh nhân, nêu tỏ quê hương của bậc hiền nhân, cúi đầu trước cửa người trí giả không?
Hán vương nói:
- Chưa làm được.
Lương nói:
- Đó là điều thứ ba chứng tỏ không thể làm thế. Vũ vương phát thóc ở kho Cự Kiều, tung tiền ở nhà Lộc Đài cấp cho dân nghèo. Nay bệ hạ có thể lấy của kho ra phân phát cho người nghèo không?
Hán vương nói:
- Chưa làm được.
Lương nói:
- Đó là điều thứ tư chứng tỏ không thể làm thế. Sau khi đánh nhà Ân xong, Vũ vương đổi xe trận làm xe thường, đặt ngược giáo mác, lấy da hổ bọc bên ngoài, để báo cho thiên hạ rằng không dùng binh nữa. Nay bệ hạ có thể xếp việc vũ để lo việc văn, không dụng binh nữa không?
Hán vương nói:
- Chưa làm được.
Lương nói:
- Đó là điều thứ năm chứng tỏ không thể làm thế. Vũ vương cho ngựa nghỉ ở phía nam núi Họa Sơn để chứng tỏ rằng khôgn dùng ngựa chiến nữa. Nay bệ hạ có thể cho chiến mã nghỉ ngơi không dùng nó nữa không?
Hán vương nói:
- Chưa làm đựơc như vậy.
Lương nói:
- Đó là điều thứ sáu chứng tỏ không thể làm như thế. Vua Vũ vương thả trâu ở phía bắc cánh đồng Đào Lâm để chứng tỏ rằng không dùng nó vào việc chuyên chở nữa. Nay bệ hạ có thể thả trâu nghỉ ngơi không dùng nó vào việc chuyên chở nữa không?
Hán vương nói:
- Chưa có thể làm được.
Lương nói:
- Đó là điều thứ bảy chứng tỏ không thể làm thế. Những kẻ du sĩ trong thiên hạ bỏ thân thích, xa lìa mồ mả cha ông, rời những nguời quen thuộc đi theo bệ hạ chỉ là ngày đêm mong được một thuớc, một tấc đất đai. Nay bệ hạ lại khôi phục sáu nước, lập lại con cháu Hàn, Ngụy, Yên, Triệu, Tề, Sở thì những kẻ du sĩ trong thiên hạ đều trở về thờ vua của họ, theo thân thích của họ, quay về với những người quen thuộc của họ, với mồ mả ông cha của họ, vậy bệ hạ còn nhờ ai mà lấy được thiên hạ nữa? Đó là điều thứ tám chứng tỏ khôgn thể làm thế. Vả chăng, nếu nước Sở mà mạnh nhất thì sáu nước được lập nên sẽ lại chịu khuất mà theo Sở. Như vậy bệ hạ làm sao mà bắt họ thần phục mình được? Nếu bệ hạ dùng mưu của người khách thì sự nghiệp của bệ hạ hỏng mất.
Hán vương liền dừng, nhả cơm ra mà mắng:
- Cái thằng hủ nho! Suýt nữa mày làm hỏng cả việc của ông!
Liền sai tiêu hủy ngay các ấn.
Năm thứ tư nhà Hán (năm 203 trước công nguyên), Hàn Tín phá quân nước Tề muốn tự lập làm Tề vương. Hán vương giận, Trương Lương bàn với Hán vương, Hán vương sai Lương trao ấn Tề vương cho Tín. Việc này chép trong truyện Hoài Âm hầu. Mùa thu năm ấy, Hán vương đuổi theo Sở đến miền nam Dương Hạ, đánh không lợi, phải đóng lại giữ Cố Lăng. Chư hầu hẹn nhưng không đến, Lương bàn với Hán vương, Hán vương dùng mưu kế của Lương, chư hầu đều đến, việc này chép trong truyện Hạng Tịch.
T háng giêng, năm thứ bảy nhà Hán (năm 200 trước công nguyên9, Hán vương phong cho các công thần, Lương chưa hề có công về chiến trận. Cao Đế nói:
- Bàn mưu ở trong màn trướng, quyết định sự thắng lợi ở ngoài ngàn dặm, đó là công của Tử Phòng! Cho tự chọn lấy ba vạn hộ ở đất Tề.
Lương nói:
- Xưa kia thần khởi nghĩa ở Hà Bì, tới đất Lưu thì gặp bệ hạ. Đó là trời đem thần giao cho bệ hạ! Bệ hạ dùng mưu kế của thần may mà có lúc trúng, thần xin được phong ở Lưu là đủ rồi, không dám nhận ba vạn hộ.
Cao Đế bèn phong Trương Lương làm Lưu Hầu, cùng được phong với bọn Tiêu Hà. Năm thứ sáu, vua đã phong hơn hai mươi người đại công thần, còn những người khác thì ngày đêm tranh công nhau không quýet định được, cho nên chưa làm việc phong tước. Vua ở cung Nam thành Lạc Dương, từ con đường trên gác nhìn các tướng, thấy họ cùng nhau ngồi trên bãi cát nói chuyện với nhau. Vua nói:
- Họ nói gì thế?
Lưu Hầu nói:
- Bệ hạ không biết sao? Đó là họ bàn việc làm phản đấy thôi!
Vua nói:
- Thiên hạ đã gần đuợc yên rồi! Vì cớ gì họ lại làm phan?
Lương nói:
- Bệ hạ vốn từ áo vải xuất thân, nhờ bọn họ mà lấy được thiên hạ. Nay bệ hạ làm thiên tử, mà người được phong lại là những người bạn cũ hoặc người thân yêu như là Tiêu Hà, Tào Tham, còn những người bị giết lại là những người sinh bình bệ hạ thù oán. Nay quân lại tính công trạng cho rằng lấy tất cả thiên hạ cũng không đủ để phong cho khắp cả mọi người, bọn này sợ bệ hạ không thể phong cho tất cả, lại ngờ rằng mình sẽ bị giết vì những lỗi lầm ngày trước, cho nên họp nhau mưu làm phản đó thôi.
Vua lo lắng hỏi:
- Bây giờ làm thế nào?
- Trong số những người ngày thường bệ hạ vẫn ghét mà cá quan đều biết thì ai là bị ghét hơn cả?
Nhà vua nói:
- Ung Xỉ với ta là chỗ quen biết cũ, thường làm ta khốn khổ, nhục nhã. Ta muốn giết hắn nhưng vì hắn lập được nhiều công cho nên không nỡ.
Lương nói:
- Nay mau mau phong cho Ung Xỉ trước, để tỏ cho các quan biết. Các quan thấy Ung Xỉ đuợc phong thì người nào cũng yên tâm.
Vua bèn đặt tiệc rượu , phong Ung Xỉ làm Thập phuơng hầu và giục gấp thừa tướng, ngự sử phải lo việc định công lao, phong đất đai. Tiệc rượu tan, các quan đều mừng rỡ nói:
- Ung Xỉ mà còn được phong hầu, thì bọn ta chẳng phải lo nữa.
lưu Kinh nói với Cao Đế:
- Nên đóng đô ở Quan Trung.
Vua đang phân vân. CÁc quan đại thần đều là người Sơn Đông, phần nhiều khuyên nhà vua đóng đô ở Lạc Dương, nói:
- Lạc Dương phía đông có Thành Cao, phía tây có Hào Sơn, Dẫn Trì, sau lưng là Hoàng Hà, quay mặt sang các sông Y, sông Lạc. Có thể tin cậy vào sự hiểm trở của nó.
lưu hầu nói:
- Tuy Lạc Dương có những hiểm trở ấy, nhưng đất hẹp khôgn quá vài trăm dặm, ruộng đất xấu lại phải đương đầu với kẻ địch cả bốn mặt, đó không phải là nước dụng vũ. Trái lại, Quan Trung bên trái có Hào Sơn, Hàm Cốc quan; bên phải có đấ Lũng, đất Thục, đồng ruộng phì nhieu ngàn dặm; phía nam có của cải của đất Ba, đất Thục; phía bắc có cái lợi đồng cỏ đất Hồ, cả ba mặt đều có thiên nhiên hiểm trở phòng giữ, chỉ dùng một mặt đông để khống chế chư hầu. Khi chư hầu yên ồn, thì sông Hoàng Hà, Vị thủy có thể dùng để chuyên chở của cải thiên hạ đem về cấp cho Kinh đô. Nếu chư hầu có biến, thì cứ thuận dòng sông đi xuống, có thể tiện việc chuyên chở. Đó mới là thành vàng ngàn dặm, một kho báu trời cho vậy. Lời của Lưu Kinh là phải đấy.
Cao Đế liền chuẩn bị xe ngựa ngay hôm ấy sang hướng tây đóng đô ở Quan Trung. Lưu Hầu theo vua vào Quan Trung. Lưu Hầu vốn hay ốm, thường học pháp "đạo dẫn" khôgn ăn cơm, đóng cửa khôgn ra ngoài hơn một năm.
3. Vua muốn bỏ thái tử, lập con của Thích phu nhân là Triệu vương Như Ý lên làm thái tử, các quan đại thần phần nhiều đều ca nngăn, nhưng không thấy vua quyết định hẳn. Lữ Hậu sợ, không biết làm thế nào. Có người nói vói Lữ Hậu:
- Lưu hầu khéo bày mưu kế, vua tin dùng ông ta!
Lữ Hậu bèn sai Kiến Thành hầu là Lữ Trạch ép Lưu Hầu:
- Ngài thường làm mưu thần cho hoàng thượng, nay hoàng thượng muốn đổi thái tử, ngài nằm khểnh điềm nhiên thế sao được?
Lưu Hầu nói:
- Xưa kia hoàng thượng thường ở trong cảnh nguy khốn cấp bách, nhờ đó mà có dùng mưu kế của tôi. Nay thiên hạ đã yên ổn rồi, hoàng thượng vì cớ yêu thương, múôn thay đổi thái tử, đó là việc ở trong gia đình, cốt nhục, tuy có hơn trăm người như tôi cũng không ăn thua.
Lữ Trạch cố nài:
- Thì ngài bày kế hộ tôi.
- Việc này khó lòng lấy miệng lưỡi mà can ngăn. Thế nhưng trong thiên hạ có bốn ngưoiừ, hoàng thượng không sao mời nổi. Bốn người này đã già, họ đều cho rằng nhà vua khinh người, nên bỏ trốn vào ở ẩn trong núi, giữ nghĩa không làm tôi nhà Hán, nhưng hoàng thượng rất tôn trọng bốn người này. Nay nếu ông không tiếc vàng, ngọc, lụa là; bảo thái tử viết thư, dùng lời lẽ nhũn nhặn, sắp xe êm, sai người biện sĩ cố mời, thì họ sẽ đến. Họ đến cho họ làm khách, thường cho vào triều để cho hoàng thượng trông thấy thì thế nào hoàng thượng cũng thấy làm lạ và hỏi. Khi hoàng thượng hỏi, biết bốn người kia là người hiền, thì chính là một cách giúp đỡ đó!
Lữ Hậu liền sai Lữ Trạch cho người mang thư của thái tử, dùng lời lẽ khiêm nhường, lấy lễ lạt hậu, để đón bốn nguời kia. Bốn người đều làm khách ở nhà Kiến Thành hầu.
Năm thứ mười một nhà Hán (năm 196 trước công nguyên), Kình Bố làm phản. Vua ốm muốn sai thái tử cầm quân đi đánh. Bốn người kia bàn nhau:
- Chúng ta đến đây là cốt để bảo hộ địa vị của thái tử. Thái tử cầm quân thì việc nguy mất!
Bèn nói với Kiến Thành hầu:
- Nếu thái tử cầm quân, có công thì địa vị cũng không thêm được hơn nữa, nhưng nếu khôgn có công quay về thì sẽ vì đó mà mang vạ. Vả chăng, các tướng cùng đi với thái tử, đều là những mãnh tướng thường cùng hoàng thượng bình định thiên hạ cả. Nay cho thái tử điều khiển họ, thì chẳng khác gì sai dê điều khiển sói, chẳng ai chịu ra sức, nhất định sẽ không có kết quả. Tôi nghe nói "Mẹ được yêu thì con được bế", nay Thích phu nhân ngày đêm chầu chực, Triệu vương Như Ý thường được bế ở trước mặt, hoàng thượng nói "Thế nào cũng không để đưa con hư ở trên đứa con yêu", như thế thì rõ ràng định thay thế thái tử. Tại sao ông không nói với Lữ Thần mau mau tìm cơ h ội khác mà can vua rằng: "Kình Bố là một mãnh tuớng trong thiên hạ, giỏi về việc dùng binh. Nay các tướng đều là hạng ngang vai vế với hoàng thượng, thế mà lại sai thái tử điều khiển bọn họ thì khác nào dê điều khiển sói, chẳng ai chịu ra sức. Vả lại, nếu Kình Bố nghe điều đó, thì hắn sẽ gióng trống kéo quân sang hướng tây mất! Hoàng thượng tuy bệnh, cũng xin gượng trở lên xe, để nằm mà điều khiển. Như vậy các tướng sẽ không ai không dám hết sức. Hoàng thượng tuy khổ, nhưng xin vì vợ con mà gắng gượng.
Lữ Trạch ngay đêm ấy vào yết kiến Lữ Hậu. Lữ Hậu nhân lúc rảnh khóc lóc với nhà vua theo như ý bốn người nói. Vua nói:
- Ông thấy có sai thằng bé cũng chẳng làm nên gì, thôi ông phải làm lấy thôi!
Vua liền thân hành cầm quân đi về hướng đông, các quan ở lại đều tiễn đến Bái Thượng. Lưu Hầu ốm cũng gắng gượng dậy đi đến Khúc Bưu, ra mắt nhà vua và nói:
- Đáng lý thần phải theo, nhưng thần ốm nặng. Quân Sở hung tợn, xin bệ hạ chớ có giao chiến với chúng.
Nhân lại nói với nhà vua:
- Nên cho thái tử làm tướng quân coi quân ở Quan Trung.
Vua nói:
- Tử Phòng tuy ốm, hãy cố gắng nằm mà giúp thái tử.
Bấy giờ Thúc Tôn Thông làm thái phó, Lưu Hầu làm thiếu phó.
Năm thứ mười hai nhà Hán (năm 195 trước công nguyên), sau khi đánh phá quân Kình Bố về, vua càng ốm nặng, múon thay thái tử. Lưu Hầu can, vua không nghe, mượn cớ ốm xin nghỉ việc. Thúc Tôn Thông dẫn chuyện xưa nay, cố chết bảo toàn ngôi cho thái tử, vua giả vờ nhận lời, nhưng vẫn muốn thay thái tử. Đến khi ăn tiệc, rót rượu thái tử đứng chầu. Bốn người theo thái tử tuổi ngoài tám mươi, mày râu bạc phơ, áo mũ rất đẹp. Vua lấy làm lạ hỏi:
- Họ làm gì thế?
Bốn người tiến đến thưa, kể họ tên là Đông Viên Công, Giác Lý tiên sinh, Ỷ Lý tiên sinh, Hạ Thạch Công. Nhà vua hoảng kinh:
- Ta tìm các ông mấy năm nay, các ông trốn tránh ta. Nay tại sao các ông lại từ đâu đến chơi với con ta như vậy?
- Bệ hạ khinh rẻ kẻ sĩ hay mắng người, bọn thần nghĩa không chịu nhục, cho nên sợ mà trốn tránh. Nay trộm nghe thái tử là người nhân đức hiếu thảo, cung kính, yêu thương kẻ sĩ, trong thiên hạ khôgn ai khôgn muốn vươn cổ vì thái tử mà chết, vì vậy chúng tôi đến đây.
Vua nói:
- Phiền các ông giúp đỡ thái tử cho trót.
Bốn người chúc thọ xong, đứng dậy đi ra. Vua đưa mắt tiễn, cho gọi Thích phu nhân vào, chỉ bốn người kia bảo rằng:
- Ta muốn đổi nó, nhưng bốn người kia giúp nó. Lông cánh nó đã thành, khó mà lay chuyển được. Lữ Hậu là chủ của ngươi rồi đấy!
Thích phu nhân khóc, vua nói:
- Nàng hãy múa lối Sở, cho ta xem! Ta sẽ hát lối Sở cho nàng nghe.
Rồi hát:

Chim hồng hộc bay cao,
một cất cánh ngàn dặm.
Lông cánh đã đầy đủ,
Bốn bể bay xa thẳm.
Bây giờ biết làm sao?
Tên dây tuy có đó,
Biết đặt ở nơi nào?


Hát mấy lần, Thích phu nhân nức nở chảy nước mắt. Vua đứng dậy, quay đi, bãi tiệc rượu. Cuối cùng vua không thay đổi thái tử, đó là nhờ côgn Lưu Hầu mời bốn người kia.
Lưu Hầu theo nhà vua đánh đất Đại, bày kế lạ ở miền Mã Ấp, và lập Tiêu Hà làm tướng quốc, Lương thung dung bàn việc thiên hạ với vua rất nhiều, nhưng không liên quan đến việc mất còn của thiên hạ, cho nên không chép.
Khi bấy giờ lưu Hầu nói:
- Gia đình tôi đời đời làm tướng quốc nước Hàn. Đến khi Hàn mất, tôi chẳng tiếc số tiền vạn lạng vàng, đối phó với nước Tần mạnh ,để báo thù cho nước Hàn, làm cho thiên hạ đều rung động. Nay tôi lấy ba tấc lưỡi mà làm thầy bậc đế vương, được phong vạn hộ, ở ngôi chư hầu, kẻ áo vải đuợc thế là tột bậc, đối với Lương thế là đủ rồi. Vậy xin bỏ việc nhân gian, chỉ muốn đi giao du với Xích Tùng Tử mà thôi.
Bèn học cách nhịn cơm, học lối đạo dãn cho nhẹ mình. Gặp lúc Cao Đế băng hà, Lưu Hậu cảm ơn đức của Lưu hầu ép ông ta phải ăn, nói:
- Người ta sinh ra trong đời như bóng bạch câu đi qua cửa sổ; cần gì phải làm khổ mình như thế?
Lưu hầu bất đắc dĩ phải gượng nghe mà ăn.
4. Tám năm sau, Lương chết, tên thụy là Văn Thành hầu. Con là Bất Nghi thay cha làm hầu. Lúc đầu Tử Phòng gặp ông già ở Hạ Bì trao cho quyển "Thái Công binh pháp". Mười ba năm sau, Tử Phòng theo Cao đế qua phía bắc sông Tế quả nhiên thấy viên đá màu vàng ở dưới chân núi Cốc Thành, bèn lấy về mà thờ. Khi Lưu hầu chết, người ta chôn luôn viên đá vàng. Mỗi khi tảo mộ và lễ lạt lại cúng viên đá vàng. Bất Nghi lập tước Lưu Hầu, năm thứ năm đời Hiếu Văn Đế (năm 175 trước công nguyên) phạm tội bất kính, nước bị tước bỏ.
5. Thái sử công nói:
Các học giả phần nhiều nói rằng không có quỷ thần. Nhưng lại nói rằng có tinh quái, đến như cụ già cho sách mà Lưu Hầu gặp thì cũng thực lạ. Cao Tổ nhiều lần bị nguy khốn, thường nhờ ở công sức của Lưu Hầu, có thể nói không có trời sao! Nhà vua nói: Bày mưu kế ở trong màn trướng, quyết định sự thắng lợi ở ngoài ngàn dặm, ta không bằng Tử Phòng.
Tôi cho ông ta phải là người khôi ngô, lạ lùng lắm! Đến khi nhìn tranh, thấy ông ta mặt mũi như một người con gái đẹp! Khổng Tử nói: "Xét người bằng nét mặt thì sẽ lầm Tử Vũ". Lưu hầu cũng thế.