- 1 môi trường rộng lớn, quốc tế hoá/tiêu chuẩn hoá. Sự tiến bộ. Sự tha hoá của con người.
- Những cảm giác của 1 con người: cảm giác yêu thương, cảm giác tội lỗi, sự sợ chết, do dự, lo lắng...
- Giấc mơ li dị: cảm giác li khai, nhu cầu cá biệt hoá.
- Để khắc hoạ sự đối chọi, có cách rất đơn giản: sự phi lý, sự hi hữu, ngẫu nhiên, oái oăm...của cuộc đời. Nhưng cuộc đời có cần quá nhiều những thứ phi lý như vậy để dẫn dắt những cảm thức "con người" kia không?
- Những năm 1950s. Thời kỳ hậu chiến. Hippy. Ý thức hệ.
- Khi vắng mặt những sự kiện li kỳ, phi thường-cuộc đời con người ta vẫn vốn dĩ rất phi lý và oái oăm-làm rõ nó ra.
- tr38: xác suất và nghiệm sinh-chúng ta chỉ có 1 cuộc đời để trải nghiệm.
- Các nhân vật đều cô độc và tự vấn. Họ có tài, có cá tính, và có khả năng để được lựa chọn cũng như có vẻ họ có nhiều lựa chọn. Nhưng họ vẫn bị cuốn đi bởi những trải nghiệm nghiệm sinh của họ. Thực ra họ có tấm lòng rộng mở và có thể yêu thương bất cứ điều gì nhỏ nhặt nhất từ cuộc sống. Nhưng họ vẫn bị phân li với cuộc sống.
- Lồng ghép hình thức nhật ký. Sự hồi tưởng đem lại cảm thức gì?
- Thói quen quay phim. Tại sao phải quay phim? Để nhớ lại? Đã chọn lọc và đã sắp xếp. Tại sao không trải nghiệm trực tiếp hiện tại? Nó có vẻ mâu thuẫn với việc trình bày câu chuyện dưới dạng kể lại-hồi ký?
- tr41: Không phải chuyến phiêu lưu kỳ thú/sự vắng mặt cái huyền bí. Khi nào thì phát sinh cái huyền bí? Khi tin vào sự vô hạn hay sự hữu hạn?
- Những cây agaua trên sa mạc: loài cây chỉ ra hoa 1 lần rồi chết.
- Ánh trăng và sự thực. Óc liên tưởng là dối lừa hay sao?/Về phép gợi gián tiếp của nghệ thuật phương Đông và quá trình suy tư vô tận-để hoà mình vào tiến trình-để chạm được vào những thứ vô hình (FJ).
Tặng Hana.
- Cảm giác nhớp nháp ở xứ nhiệt đới hoá ra lại là cái làm cho người ta ghi nhớ là đã sống.
- Đoàn tàu tiện nghi trong đêm. Qua rừng.
Luôn luôn tôi nhớ những chuyến tàu đêm đi Yên Bái, Lào Cai..nhớ cái ấn tượng đến ám ảnh của lần đầu tiên. Con tàu cổ lỗ, còi hơi. Hành khách là những người bình dân-đủ mọi hạng người, nhếch nhác..Cái không khí chộn rộn, ngai ngái của sân ga về đêm, dưới ánh đèn điện vàng vọt. Cái giọng nhắc tàu rất đặc biệt, đặc biệt ngang với chương trình ngâm thơ trong mục Văn nghệ của đài tiếng nói VN lúc đêm khuya gần Tết âm lịch. Xe ôm, xich lô, khuân vác, chè chén..người đưa người tiễn, cái dáng vẻ láo nháo ngơ ngáo tìm nhau. .Sự vội vàng của người về, vẻ bồn chồn của người đi...
Con tàu sẽ rục rịch rồi đi qua phía lưng của những khu phố cũ. Tôi ngồi trong toa ghế cứng (đấy mới là nơi của đa số mọi người), nhìn qua khung cửa. Không bao giờ người ta chú ý đến phía sau ngôi nhà cả. Con tàu như đi qua một thế giới chưa hề thay đổi-một thế giới, cũ, nhếch nhác và không hề mảy may làm duyên làm dáng. Thảng hoặc có xuất hiện vài người thì cũng là những phút giây không hề duyên dáng, cũng chẳng buồn ngó con tàu..Tất cả là một thế giới không phải của hiện tại. Khi tàu đi qua đoạn Đường Thành, tự nhiên thấy khác lạ vô cùng. Phố cũ Hà Nội nhìn từ trên cao xuống thấp thoáng sau hàng bàng đã thưa lá ngày cuối đông thật yên tĩnh khác thường. Từ trên đây thấy phố chả khác ngày xưa chút gì.
Ngang qua sông Hồng, gió bắt đầu lộng thổi. Cây cầu Long Biên xa xa trong ánh đèn vàng mờ mờ một quầng..cầu chỉ riêng cho người đi bộ và đi xe đạp-chủ yếu là xe đạp thồ, nhiều nhất vào sáng tinh mơ, khi mọi người chở rau sang phố..Thành phố lãng quên nhiều thứ quá, nên mới còn đầu sông cuối bãi này để mà đôi khi ta ra ngó cho lòng dịu lại...Tôi luôn thấy chuyến tàu là một hình ảnh thật giống với hình ảnh cuộc đời. Đủ mọi hạng người trên cùng một hướng đến đại thể. Ngồi lên đây rồi là không ai nghĩ đến một hướng đi khác nữa-không chọn lựa. Ở trong xe lửa là yên tâm nhất. Mọi sự vẫn trôi đi mà khối sắt thép này là đảm bảo tuyệt đối cho sự an toàn trước mưa gió ngoài kia. Có thể gặp vô số cảnh đời nơi đây: một cụ già về quê, một gia đình chộn rộn có con nít, những người đi buôn, những người đi làm, những đôi lứa đi du lịch, những người không thể biết...Trên tàu cũng có sự phân biệt, có trật tự riêng..trật tự của những người cả cuộc đời ở trên dòng lắc lư này.
Khi đêm đã hơi muộn rồi, trời se lạnh thì mọi người đa phần đều ngủ hay gà gật. Tàu đang đi qua những cung đường vắng. Một vài ngọn đèn vẫn bật đủ soi mờ tỏ những dáng hình con người. Mọi người cố xoay sở cho mình tư thế thoải mái nhất có thể: những cái áo đắp tạm, người thì nằm ngang, chân gác qua thành đối diện, có người mắc võng và không ít người nằm luôn xuống sàn tàu có hoặc không có tấm gì kê lưng. Tạm bợ, tất cả đều tạm bợ vì chuyến đi chỉ là tình cờ, mọi người đều chờ đợi sự sạch sẽ tại nơi đến của mình. Bất giác tôi liên tưởng đến một cái nhìn trong suốt-tôi luôn ao ước có ai vẽ ra bức tranh ấy:trong con tàu, loại trừ đi những vách ngăn, nơi này là những người nằm ngồi la liệt, khoang bên là sáu con người một gian..mỗi người một tư thế, một dáng vẻ trong một thế giới ba chiều. Ai cũng bàng quan nghĩ rằng mình đơn lẻ, riêng tư...Ai đó nói mê, một vài người trở mình, thỉnh thoảng có người quờ quạng đi về phía toa lét, băng qua những cái chân ngáng, len lách giữa những thân người. Mỗi lần ngồi trong một toa tàu tôi thường luôn tìm một hình dáng nổi bật nhất. Một cô nào đó sẽ được chọn làm hoa hậu và hễ cô còn ở đó và không bị thay thế thì cảm xúc của tôi vẫn còn trung thành với cô đấy...Bất chợt một vài người bừng tỉnh, lục sục đồ đạc. Giọng thông báo ngái ngủ, con tàu sắp dừng lại một ga lẻ nào đó. Khuya rồi. Sương lạnh xuống mờ mịt. Con tàu dừng lại giữa một quãng rừng vắng. Trong đêm tối, cái ga xép chả thấy đâu, quầng sáng vàng vọt chỉ đủ soi thấp thoáng cây cột điện, hình như có nếp nhà sàn..Vài ba người xuống tàu, rồi vội vã tan mất vào trong đêm tối. Không biết giữa rừng thế này họ đi về đâu? Cũng không ai để ý họ cả, mọi người chìm trong giấc mộng mị, thấp thỏm..
- Tôi liên tục ngủ mơ...(không mơ thấy Hana)
--------------------
Chuyện người da đỏ.
Người đàn ông nhìn thấy con chim ưng bay qua trước cửa bỗng nhiên bỏ nhà ra đi. Người vợ gặp lại dười âm phủ bèn hỏi. Câu trả lời là: vì con chim ưng vẫn bay.
--------------------
- "Tôi nghĩ về Yoakkim. Nhưng đích thực, về cái gì nhỉ?"
- tr65: thứ âm thanh "vè vè ong ong, không to nhưng dai dẳng, ám ảnh, gợi nhớ tiếng ve sầu rả rích, nhưng đanh và đơn điệu hơn"-Mình nhớ cảm giác lúc nghe file nhạc của VNT mà bạn KH gửi cho. Thì ra là nhớ đến đoạn này. Buồn cười, đóng kín cửa phòng làm việc để nghe và đóng bộ tịch nghiêm trang trước sự ngạc nhiên của thằng Đức.
"Máy tính anh bị làm sao đấy?"
"Nghệ thuật Hậu hiện đại đấy."
Btw, tinh thần HHĐ: sự tái lập giá trị Khai Minh. Giải phóng con người, tự do cá nhân và chủ nghĩa nhân bản.
- "Anh chàng người Mỹ" và những di chỉ Inca làm mình nhớ Mỹ Sơn và Kazic.
Bị chìm đi ở Palenke. "Ở đây người ta quên hết thảy".
- Có lẽ những khung cảnh được khắc hoạ giống như là những ký hoạ sống động.
- tr211: tôi nhận thấy lứa tuổi lại có vẻ rất hợp với nàng, chỉ trừ cái cổ hơi nhẽo làm tôi nhớ đến cổ con rùa. Tôi lại xin nàng hãy bỏ quá cho những lời của mình.
Erini-nữ thần (Erinnyes) của sự nguyền rủa và trả thù. Nhưng với những người biết hối cải lại trở thành những nữ thần lòng lành phù hộ. Ơmêniđa (Chính là Những kẻ thiện tâm).
- Nhưng chính tôi chẳng phải cũng thường trình bày 1 sự kiện như là những gì đã qua. Thậm chí mọi cấu trúc hành văn luôn trượt qua (phía trước hoặc phía sau) của tâm điểm. Tâm điểm bị phớt qua, thậm chí là lờ đi trong tiêu đề. (Đi mãi thì đến Chèm). Đấy không phải là sự cố ý mà đúng hơn là sự cố gắng tái tạo bối cảnh và cảm xúc. Những thứ thực sự lan man và không thể quy chụp riêng rẽ.
- tr221: hạng đàn ông: 1 đám người mù quáng, bị tước đoạt mọi tiếp xúc với thế giới xung quanh.
- Những liên tưởng so sánh hình ảnh-tôi nhớ những đám mây tuổi thơ.
Ngày xưa mây trắng bay phiêu dật chân trời. Buổi chiều mùa hè. Nắng đầy chiều. Lũ trẻ đu mình trên cây xoan bên bờ mương, dõi nhìn phía bầu trời trên cánh đồng. Mây trắng hình gì ấy nhỉ? Thi xem ai tìm được nhiều hình nhé! Dịu nhẹ. Ký ức ấy rất nhẹ nhõm trong cõi lòng tôi vụn vặt.
Tại sao Yoakkim lại tự tử?
Tại sao Herbert lại thay đổi? Theo kiểu bất cần như vậy?
Nađa.
- tr278: khi xem 1 bộ phim, điều đó đã không còn nữa.
- tr302: sống trên mặt đất-có nghĩa là sống với đời.
--------------------
Khi đã bắt đầu tưởng tượng thì sẽ phải tưởng tượng rất dài. Và sau đó thì rất dễ thất vọng, lập bập. Nhưng thực tế mọi chuyện cũng chịu được. Rút từ thực tế.
--------------------
Làm thế nào để "nghe" 1 bản nhạc? Giữ cho tâm trí thả lỏng như 1 mặt nước hồ hứng những giọt nước mưa là những âm điệu. Không liên tưởng, không ghi nhớ, không chờ đợi. Đơn giản là "nghe" vậy thôi. Không để tâm trí vướng kẹt lại ở chỗ nào.
Sự thuần khiết. Tính cực đoan. Dọn dẹp tâm trí tốt nhất là bằng âm nhạc không lời.
Âm nhạc và cử động. Mọi người múa may vô thức theo điệu nhạc. 1 phản xạ có điều kiện hay là sự tương đồng giữa ngôn ngữ động tác của cơ thể và âm thanh?
---------------------
- Vì 1 mục đích cụ thể, họ (Yoakkim hay Herbert-yes, nước Đức) đã vượt qua mọi chướng ngại. Chính quá trình trải nghiệm đã biến đổi con người họ. Một kiểu mất phương hướng? Đầy ứ sự tương đối. (Nađa). Hay chỉ đơn giản là sự thoái lui, buông xuôi? Vì sao? Vẫn chưa thực sự nghĩ ra điều này.
- Mọi chuyện trở lên "chẳng là cái gì cả". Cái gì đã biến đổi con người kia? Những cảm giác của con người? Tại sao Yoakkim? Tại sao Herbert? Vì sự bối rối nào? Quy chiếu vào mình và nhận ra mình nhỏ bé?
- 1 thế giới dường như không còn giới hạn về kích cỡ quả đất nhưng lại còn ẩn tàng rất nhiều nếp gấp mà người ta còn phải lật đi lật lại bằng cuộc đời mình để hiểu. Sống và trải nghiệm cảm giác của mình với ý thức về sự nhỏ bé của chính mình. Sống với ký ức, trí nhớ, tình yêu và những điều dang dở. Sống với nỗi bất an mà chỉ còn biết an ủi mình bằng những cảm giác về cuộc đời.
---------------------
P/s: Homo Faber của Max Frisch là cuốn tiểu thuyết tôi thích đọc lại nhiều nhất (cho đến giờ). Hình như mới chỉ có 1 bản dịch duy nhất và xuất bản 1 lần duy nhất vào năm 1986 của NXB Tác phẩm mới. Bản dịch của Hoàng Hữu Phê và Đặng Hồng Trung từ bản tiếng Nga. Tiểu thuyết luận đề của 1 nhà văn tay ngang xuất thân KTS người "Thuỵ Xỹ". Hình như có tên trong bình trọn 100 cuốn sách của TK20.
Cuốn sách khá dầy in bằng loại giấy xấu đen ngòm hoá ra lại rất có sức ám ảnh tôi. Mỗi lần đọc lại đều có thể bị lôi kéo cho đến tận kết thúc. Luôn luôn là cái không khí hồi tưởng buồn buồn cảm động mà không mất đi vẻ khoát đạt thoáng đãng đến nao lòng.
Mỗi lần nhớ lại tôi thường nhớ đến cụm từ "những cây agaua trên cát". Và cái nóng ẩm ở Palenke. Chắc là tâm trạng muốn thoát đi. Đến tận cùng trời cuối đất. Mà không cần viện đến cái độc đáo, hùng tráng màu mè. Chỉ là muốn thoát đi.
Cũng có thể là vì trong câu chuyện đều đều lầm rầm này các nhân vật đều có tuýp tâm trí rất khoát đạt. Không ai ti tiện. Không ai gùn ghè. Kể từ gã macô Cuba trở đi. Còn cái tên Hana thật đẹp. Không hiểu sao lại có cảm giác như vậy. Mỗi khung cảnh cũng sống động nữa. Tôi cứ liên tưởng đến những ký hoạ bằng bút sắt. Hẳn là lên những mẩu giấy bất kỳ. Đã định viết hẳn 1 review về cuốn sách này. Nhưng mỗi lần đọc lại đều chỉ muốn để nguyên như thế. Có khi những gạch đầu dòng linh tinh cũng sẽ giống như những ký hoạ kia: luôn dang dở và day dứt. Ở giữa cuộc sống và tác phẩm.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét